TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN MAUPASSANT, TCHÉKHOV,<br />
O’HENRY DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH<br />
Dương Thị Ánh Tuyết<br />
Trường Đại học Quảng Bình<br />
Tóm tắt. Maupassant, Tchékhov, Ơ Henry là ba bậc thầy truyện ngắn nổi tiếng của các<br />
quốc gia Pháp, Nga, Mỹ, thế kỷ XIX. Kỹ thuật viết truyện ngắn của họ có ảnh hưởng sâu rộng<br />
đến các thế hệ nhà văn sau này. Bài viết tập trung tìm hiểu nhân vật trong sáng tác của ba bậc<br />
thầy truyện ngắn dưới góc nhìn so sánh, nhằm chỉ ra quy luật phổ biến, cũng như điểm đặc thù<br />
trong cách xây dựng nhân vật của ba nhà văn. Từ đó, góp phần xác định phong cách của từng<br />
tác giả cũng như đặc điểm chung của những sáng tác thuộc trào lưu hiện thực chủ nghĩa ở các<br />
nước Âu Mỹ.<br />
<br />
Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng nhận thức phản ánh của văn<br />
nghệ. Vấn đề con người trong văn học là vấn đề vĩnh cửu. Và trong một tác phẩm văn<br />
học thì nhân vật là yếu tố hàng đầu. Nhân vật là hình thức thể hiện quan điểm của nhà<br />
văn về con người. “Nhân vật là nơi tập trung mọi giá trị tư tưởng nghệ thuật”; Nhân vật<br />
là “công cụ khái quát hiện thực và phương tiện để tác giả hiện thực hóa quan niệm nghệ<br />
thuật về con người dưới một hình thức biểu hiện tương ứng” [5, tr. 365]. Mỗi kiểu nhân<br />
vật có tính quy luật, logic của nó, nằm trong khuôn khổ ý chí của tác giả, nhưng tác giả<br />
không thể vi phạm một cách tùy tiện. “Một khi đã lựa chọn trung tâm miêu tả nhân vật,<br />
tác giả bị ràng buộc bởi logic nội tại của cái được chọn lựa, cái logic mà tác giả phải<br />
khám phá trong quá trình miêu tả. Logic của tự ý thức chấp nhận những phương thức<br />
nghệ thuật nhất định để khám phá và miêu tả nó” [3, tr. 272]. Nghiên cứu thế giới nhân<br />
vật trong truyện ngắn của Maupassant, Tchékhov, Ơ Henry dưới góc nhìn đối sánh,<br />
chúng tôi thấy nổi lên những vấn đề cơ bản sau:<br />
1. CHÚ TRỌNG CON NGƯỜI NHỎ BÉ<br />
Nhìn lại phương thức miêu tả nhân vật trong tiến trình lịch sử văn chương ta thấy,<br />
nếu chủ nghĩa cổ điển có khuynh hướng lý tưởng hóa và nhấn mạnh ở tính cách nhân vật<br />
những nét cao cả, thậm chí còn cao thượng hóa những đặc tính tiêu cực trong bản tính<br />
của nó, chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh tính chất khác thường của các nhân vật thì chủ<br />
nghĩa hiện thực lại quan tâm miêu tả những con người nhỏ bé, con người bình thường<br />
trong xã hội. Chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một phương pháp sáng tác, là sự tái hiện<br />
cuộc sống trong hình thái bản thân cuộc sống, trong muôn ngàn mối tương quan chằng<br />
chịt với nhau và với môi trường cụ thể xung quanh. Tái hiện “những tính cách điển hình<br />
trong hoàn cảnh điển hình” điều đó cũng có nghĩa là chủ nghĩa hiện thực phê phán phản<br />
ánh xã hội trong tính cụ thể và tính lịch sử của nó. Chủ nghĩa hiện thực hoàn toàn xuất<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
phát từ hiện thực “nó không thay thế cái hiện có bằng cái mong ước, mà làm nổi bật cái<br />
mong ước từ cái hiện có”.<br />
Với tấm lòng nhân đạo, với lương tâm trách nhiệm của người nghệ sĩ, Maupassant,<br />
Tchékhov, Ơ Henry không thể thờ ơ với hiện thực cuộc sống của những người dưới đáy<br />
xã hội, cả những con người đang tự đánh mất dần phần Người của mình. “Cái hiện có”<br />
mà cả ba nhà văn đều mong muốn thay đổi là cuộc sống của những con người nhỏ bé.<br />
Hoặc là nhỏ bé về vị thế xã hội khiến con người bị vật hóa, hoặc là nhỏ bé về tâm hồn<br />
khiến họ cam chịu cuộc sống mòn mỏi. Cả hai trường hợp đều được ba nhà văn quan tâm,<br />
thể hiện với những phương cách khác nhau.<br />
1.1. Con người nhỏ bé trong truyện Maupassant là con người tha hóa, thú vật hóa<br />
Con người nhỏ bé về vị thế xã hội trong truyện của Maupassant là thằng ăn mày, kẻ<br />
lang thang, là cô hầu, là cô gái điếm… Một thanh niên lương thiện, chăm chỉ, lang thang<br />
40 ngày để kiếm việc làm cuối cùng “anh chỉ còn khoanh đôi cánh tay lực lưỡng lại mà<br />
đành chịu thúc thủ”. Mọi nỗ lực dù để kiếm 20 xu đối với anh cũng khó có thể. Đang cơn<br />
đói khát, gặp được con bò cái bầu vú sữa căng mọng, anh liền mút lấy mút để. Đó là một<br />
chi tiết chẳng thơ chút nào nhưng nó có ý nghĩa tố cáo xã hội sâu sắc. Con vật còn không<br />
nỡ lòng với người đang cơn đói khát, vậy mà con người, xã hội lại làm ngơ bỏ mặc đồng<br />
loại. Chính xã hội là thủ phạm đẩy con người thấp cổ bé họng đến những hành động bản<br />
năng “ít tính người”. Một số truyện khác của Maupassant đề cập đến những cô hầu gái bị<br />
lừa dối, bị phỉnh nịnh, để cuối cùng phải mang nặng “những khối tình con” (Cô Rozali<br />
Druy-băng, Một đứa con).<br />
Bị đè bẹp về thân xác chưa đáng ngại bằng sự tha hóa, đánh mất nhân phẩm.<br />
Maupassant ái ngại cho sự biến chất của con người trong xã hội phi nhân tính. Bởi vậy<br />
tác giả mạnh dạn phơi bày sự thật nghiệt ngã về các nhân vật của mình. Đó là những con<br />
người bị vật hóa, hành động theo bản năng. Thằng bé ăn mày ném chết con gà vì cảm<br />
giác trong cơn đói “rằng đem nướng một con gà kia trên đống lửa củi cành rồi ăn thì chắc<br />
là ngon lắm”. Cũng vì quá đói mà Răng đen đã ăn nghiến ngấu như một con vật, và cái<br />
men rượu làm anh nhảy xổ vào cô gái “vì một thứ điên cuồng khác còn mãnh liệt hơn cái<br />
đói”. Cuộc sống đói nghèo đã khiến con người đánh mất nhân phẩm và hành động như<br />
một con vật. Đáng sợ hơn là một người mẹ rất thương yêu con lại phải giết con vì một<br />
bản năng sợ sệt nô lệ cố hữu. Hành động giết con vô ý thức của cô Pruy-đăng có khác gì<br />
với hành động của người bố trong truyện Mò sâm banh của Nam Cao. Có thể nói rằng<br />
cái đói, miếng ăn và sự tha hóa của con người là điểm gặp nhau giữa các nhà văn hiện<br />
thực Maupassant, Tchékhov, O’Henry và Nam Cao… Cái đói, miếng ăn oằn trên đôi vai<br />
của những người dân nghèo khổ trong xã hội lúc bấy giờ, và cũng trĩu nặng cuộc đời các<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
văn nghệ sĩ, khiến Nam Cao phải chua chát thốt lên “Giá người ta không ăn thì đời thật<br />
giản dị biết bao”.<br />
Bên cạnh những con người nhỏ bé về vị thế xã hội Maupassant còn lên án gay gắt<br />
những con người nhỏ bé về tâm hồn. Tác giả miêu tả những dạng vẻ khác nhau của sự<br />
thoái hóa nhân cách do sức cám dỗ của vật chất, của lối sống trưởng giả hưởng lạc, dâm<br />
ô. Đó là sự sa đọa của ông Viện sĩ Hàn lâm trong truyện Một đứa con. Đó là sự giằng xé<br />
xung đột giữa đạo đức thông thường và lòng tham, để cuối cùng công chức Lesaf đầu<br />
hàng trong nỗi hân hoan ô nhục trong Món gia tài. Sự tha hóa của con người được tác<br />
giả thể hiện xuất sắc trong truyện Món tư trang. Cái giả, cái thật ở đây được hoán vị cho<br />
nhau. Đồ nữ trang bấy lâu tưởng giả hóa ra thật; đức hạnh, tài đảm đang của vợ bấy lâu<br />
tưởng thật lại hóa giả. Lòng tham vật chất lấn át lương tâm. Bán những đồ nữ trang mà<br />
vợ đổi bằng phẩm giá, Lantin đồng thời bán danh dự người chồng. Đằng sau tiếng cười<br />
châm biếm truyện phảng phất một nỗi phiền muộn chua chát. Ngòi bút của Maupassant<br />
dành nhiều cho cuộc đời của các viên chức nghèo. Họ sống một cuộc sống trống rỗng và<br />
nhàm tẻ. Họ sống ngoan ngoãn, câm lặng, phục tùng, tăm tối. Khi họ thức tỉnh nhận ra<br />
cảnh ngộ của đời mình thì tất cả đã kết thúc. Đi dạo là một truyện ngắn về thời gian, là sự<br />
thất bại của con người trước thời gian. Thời gian trôi qua chỉ để lại những cay đắng, tan<br />
rữa trong các trang văn xuôi của Maupassant.<br />
1.2. Con người nhỏ bé trong truyện Tchekhov là con người sống mòn<br />
Thân phận con người nhỏ bé trong truyện Tchékhov được thể hiện sâu sắc qua các<br />
nhân vật trẻ em. Và chính vì thế mà sức tố cáo xã hội càng thêm sâu sắc. Trong truyện<br />
ngắn Cầu phúc, Lỗ Tấn đã kêu gọi: “Hãy cứu lấy trẻ em”, Tchékhov tuy không trực tiếp<br />
phát biểu như thế, nhưng những gì mà tác giả trình bày cũng nhức nhối không kém.<br />
Nhiều truyện của Tchékhov (Vanka, Buồn ngủ…) đã tái hiện thân phận côi cút của<br />
những đứa trẻ Nga lúc bấy giờ. Từ nhỏ đã phải đi ở, làm con sen, ăn không đủ no, ngủ<br />
không đủ giấc, lại còn luôn phải hứng chịu những trận đòn roi vô cớ của ông bà chủ.<br />
Người đọc rơi nước mắt trước những lời tâm tình của cậu bé Vanka với ông của mình<br />
trong đêm Giáng Sinh “Ông thương lấy cháu mồ côi mồ cút khổ sở, người ta cứ đánh<br />
cháu mà cháu thèm được ăn lắm… Đời cháu khổ quá, khổ hơn cả con chó…”. Hành<br />
động giết người của Vanka là hành động bản năng tất yếu để loại trừ nguyên nhân ngăn<br />
cản giấc ngủ của nó. Đó là đỉnh cao của sự tha hóa. Bàn tay của Vanka đã sớm vấy máu<br />
từ khi còn bé, và đau khổ hơn là nó không ý thức được hành động của mình. Sức tố cáo<br />
xã hội của tác phẩm chính là ở chỗ, xã hội đẩy những đứa trẻ ngây thơ thành kẻ sát nhân.<br />
Không thờ ơ trước số phận của những người dân thấp cổ bé họng, Tchekhov cũng<br />
quan tâm thể hiện sự nhỏ bé tâm hồn của những người tri thức. Đây là điểm gặp gỡ giữa<br />
Maupassant và Tchékhov. Nếu cho rằng Maupassant là bậc thầy trong nghệ thuật dò xét<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
bóng tối trong cuộc đời các viên chức thì Tchékhov cũng xứng đáng với địa vị ấy. Tác<br />
giả lật tẩy triệt để thói tầm thường dung tục, cuộc sống tiểu tư sản ngột ngạt, tù đọng. Đó<br />
là lão quản Prisưbeep hằn học với mọi biểu hiện tự nhiên của con người, là Con kỳ<br />
nhông uốn éo, đổi thay theo hoàn cảnh, nịnh trên nạt dưới. Tác giả phơi bày thói nô lệ,<br />
nhẫn nhục hạ mình – một căn bệnh nặng nề của xã hội Nga lúc bấy giờ. Vì thói nô lệ hạ<br />
mình mà anh gầy “rúm ró” khi gặp anh béo, viên chức “chết đưa ra ngoài đồng” chỉ vì<br />
một cái hắt hơi vô tình vào gáy của một viên tướng. Nô lệ trước quyền uy, hạng người<br />
này cũng nô lệ trước của cải, tiền tài. Vì sức mạnh tiền bạc mà năm vị trí thức phải khép<br />
nép trước nhà triệu phú (Mặt nạ), bác sĩ Ionuts từ bỏ tình yêu, danh vọng chỉ lo tích cóp<br />
làm giàu (Ionưts), hai vợ chồng Ivan to tiếng cãi nhau dù chỉ là tưởng tượng về vé trúng<br />
thưởng (Vé trúng số).<br />
Thói tầm thường dung tục, tự bằng lòng thỏa mãn với cuộc sống tẻ nhạt vô vị cũng<br />
là cái mà Tchékhov phê phán gay gắt. Cả cuộc đời của Nicolai Ivannứts trôi đi vô nghĩa<br />
chỉ để có một trang ấp nhỏ với khóm phúc bồn tử của riêng mình. Cuối cũng lão cũng đạt<br />
được ước mơ tầm thường đó nhưng lão đã trở thành một kẻ hoàn toàn sa đọa về tinh thần.<br />
Tchékhov lên án gay gắt hành động trốn vào “bao” của trí thức. Không dám đấu tranh, sợ<br />
cái mới, thu mình trong vỏ ốc là một phương châm sống của nhiều vị trí thức trong truyện<br />
của Tchékhov. Cuộc sống ngưng đọng, ngột ngạt, tù túng bởi vì con người không dám<br />
đổi thay. Bằng lời của người kể chuyện, tác giả bày tỏ quan điểm của mình “con người<br />
không chỉ cần ba ác sin đất, chỉ cần một trang trại, mà cần cả địa cầu, cả thiên nhiên…”.<br />
Không thể tiếp tục sống như thế này, phải cải cách xã hội, vấn đề là cải cách như thế nào?<br />
Tchékhov chống những chính sách giả tạo, chống “ thuyết việc nhỏ”, chủ trương “trị<br />
bệnh phải trị nguyên nhân chứ đừng nhè triệu chứng mà chữa”. Tchékhov cũng chống<br />
cái “bệnh hoạn của thế kỷ” đang thâm nhập vào giới trí thức - thứ triết lí siêu nhân, biện<br />
bạch cho sự lẩn trốn khỏi cuộc sống. Truyện ngắn “Nhà tu hành vận đồ đen” đã thể<br />
hiện một cách xuất sắc vấn đề này.<br />
1.3. Con người nhỏ bé trong truyện O’Henry là con người cao thượng<br />
Truyện ngắn của Tchékhov thiên về thể hiện con người nhỏ bé về tâm hồn, về đời<br />
sống tinh thần thì truyện của O’Henry lại thiên về thể hiện những con người nhỏ bé về<br />
địa vị xã hội. Nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc đã thật có lí khi cho rằng: “Thế giới của<br />
O’Henry cơ bản là thế giới của những người nghèo. Nghèo đến tận cùng xã hội. Nhưng<br />
đấy là thế giới thấm đẫm tình thương, giàu lòng vị tha và sẵn sàng làm điều tốt cho<br />
nhau”[2, tr. 115]. Quả thật, nhân vật của O’Henry dù thuộc hạng người nào cũng luôn<br />
cao thượng trong mọi hoàn cảnh. Là nghệ sĩ thì dù nghèo đến mấy, họ vẫn không bán đi<br />
lương tâm nghề nghiệp và luôn sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì nghệ thuật và vì người<br />
khác (Behrman, Sudie, Della, Joe,…). Là vợ chồng thì luôn hi sinh bản thân mình vì tình<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
yêu, hạnh phúc (Món quà Giáng sinh, Một sự giúp đỡ của tình yêu). Những cô gái<br />
nghèo, dù thiếu thốn vẫn không đánh mất nhân phẩm của mình (Buồng tầng thượng,<br />
Câu chuyện dở dang, Gương mặt trông nghiêng kỳ diệu). Những kẻ lang thang, lừa<br />
bịp thì trong sâu thẳm tâm hồn vẫn tiềm ẩn những khát vọng giản dị, rất đáng chia sẻ và<br />
trân trọng (Tên cướp và bản thánh ca, Sự hóa thân của Timmy Valentine, Người<br />
đánh giá sự thành công). Có thể nói, các nhân vật ở O’Henry tuy nhỏ bé về địa vị xã hội<br />
nhưng hầu như không hề nhỏ bé về tâm hồn. Xét theo quan điểm nghệ thuật về con<br />
người, ta có thể gọi kiểu nhân vật của O’Henry là con người cao thượng. Người đọc cảm<br />
phục trước sự hy sinh của họa sĩ Behrman, chấp nhận cái chết để tuổi trẻ tái sinh, để vì<br />
nghệ thuật chân chính. Della sẵn sàng bán đi mái tóc, đồng nghĩa với bán đi sắc đẹp của<br />
mình để làm cho người chồng hạnh phúc. Đi tìm sự cao thượng trong tâm hồn của những<br />
người công dân bình thường chưa đủ, O’Henry còn truy tìm sự cao thượng ấy trong tâm<br />
hồn của những kẻ phá két sắt và những người đại diện cho công lý. Dùng tình yêu thương<br />
để cảm hóa con người, Ben Praisee là mẫu người thực hiện công lí cao thượng, mẫu thám<br />
tử lý tưởng. Tự thức tỉnh lương tâm trước tình yêu, trước cái đẹp, Jimmy là mẫu tội phạm<br />
cao thượng. Đó cũng là sự thức tỉnh của nhân vật Haytinh Môli khi nhìn thấy cô bạn<br />
trong trắng, ngây thơ cùng học hồi phổ thông. Để cuối cùng một kẻ lừa đảo trắng trợn<br />
như Môli cũng phải thốt lên “trời ơi, tôi chỉ muốn chết thôi”. Có thể nói rằng truyện<br />
O’Henry có kiểu con người tự thú, thức tỉnh. Cái thức tỉnh được tác giả thể hiện trong<br />
những khoảnh khắc thần tình, trong “chốc lát” (moment). Bởi vậy, nếu Maupassant và<br />
Tchékhov là những bậc thầy trong nghệ thuật dò xét bóng tối cuộc đời các viên chức, trí<br />
thức, thì O’Henry là bậc thầy trong nghệ thuật dò tìm ánh sáng trong cuộc đời của<br />
“những kẻ lừa đảo lương thiện”. Chính điều này làm cho sáng tác của ƠHenry thấm đẫm<br />
tinh thần nhân đạo cao cả.<br />
Tóm lại, cùng phơi bày những sự thật trần trụi về cuộc sống xã hội và con người<br />
đương thời, cả ba tác giả đều quan tâm thể hiện những con người nhỏ bé. Tuy nhiên tính<br />
chất, mức độ và cách xử lý của ba nhà văn ở đây cũng đi theo những khuynh hướng khác<br />
hẳn nhau. Nếu ở truyện Maupassant con người nhỏ bé về vị thế xã hội và con người nhỏ<br />
bé về tâm hồn đều được quan tâm thể hiện, thì Tchékhov lại chủ yếu thiên về thể hiện sự<br />
nhỏ bé trong tâm hồn con người và O’Henry lại chủ yếu thiên về những con người nhỏ bé<br />
về địa vị xã hội. Mặt khác, nếu con người nhỏ bé của Maupassant và Tchékhov được thể<br />
hiện nhiều dưới dạng con người tha hóa, con người sống mòn, thì con người nhỏ bé của<br />
O’Henry hầu như không bị tha hóa, hoặc họ cố vươn lên cao thượng trong mọi hoàn<br />
cảnh. Vì vậy, bước vào thế giới nhân vật của Maupassant và Tchékhov là bước vào một<br />
thế giới u ám, đầy nước mắt, gợi lên cảm giác bi quan. Ngược lại thế giới nhân vật của<br />
O’Henry lại hồn hậu, thủy chung và tràn đầy tinh thần lạc quan. Chính vì thế mà cả hai<br />
chiều hướng đã bị quy kết hoặc là “bi quan quyết liệt” hoặc là “quá ảo tưởng”. Tất<br />
<br />