Nhìn lại công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam và một số giải pháp, khuyến nghị cho năm 2024
lượt xem 5
download
Nghiên cứu "Nhìn lại công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam và một số giải pháp, khuyến nghị cho năm 2024" được thực hiện nhằm trình bày những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Chính phủ Việt Nam và vai trò của công tác kiểm soát lạm phát đối với quá trình ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở phân tích những yếu tố thuận lợi lẫn thách thức đặt ra đối với kinh tế trong nước, nhóm tác giả đưa ra những dự báo về tình hình lạm phát năm 2024; từ đó, đề xuất, khuyến nghị một số chính sách, giải pháp đối với Nhà nước và các doanh nghiệp. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nhìn lại công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam và một số giải pháp, khuyến nghị cho năm 2024
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 33. NHÌN LẠI CÔNG TÁC KIỂM SOÁT LẠM PHÁT NĂM 2023 CỦA VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KHUYẾN NGHỊ CHO NĂM 2024 ThS. Nguyễn Toàn Trí* ThS. Dương Thị Mộng Thường** Tóm tắt Nghiên cứu này được thực hiện nhằm trình bày những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Chính phủ Việt Nam và vai trò của công tác kiểm soát lạm phát đối với quá trình ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở phân tích những yếu tố thuận lợi lẫn thách thức đặt ra đối với kinh tế trong nước, nhóm tác giả đưa ra những dự báo về tình hình lạm phát năm 2024; từ đó, đề xuất, khuyến nghị một số chính sách, giải pháp đối với Nhà nước và các doanh nghiệp. Từ khóa: lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa 1. GIỚI THIỆU Năm vừa qua, thị trường hàng hóa toàn cầu đã chứng kiến nhiều biến động đến từ sự ảnh hưởng của các nhân tố tự nhiên, chính trị, kinh tế và xã hội. Tình trạng hạn hán kéo dài trên diện rộng, lũ lụt và hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ trên thế giới khiến cho sản xuất và tiêu dùng lương thực rơi vào tình cảnh mất cân đối. Căng thẳng ngày một leo thang tại khu vực Trung Đông. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, xung đột Isreal - Hamas vẫn chưa có hồi kết. Kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng chậm, tổng cầu suy giảm đáng kể. Thị trường tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản ở nhiều quốc gia đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. Do vậy, nhiều nước đã chọn giải pháp thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Đồng thời, để kiềm chế tình trạng lạm phát, nhiều quốc gia trên thế giới đã đồng loạt tiến hành tăng lãi suất. Tại Mỹ, trong suốt nhiều tháng liền, Cục Dự trữ Liên bang * Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ** Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh 461
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Mỹ (FED) đã chọn giải pháp duy trì ổn định lãi suất cơ bản ở mức 5,25 - 5,5%, vốn được xem là mức cao nhất trong suốt 22 năm qua. Vì thế, tình hình lạm phát trên thế giới đã có xu hướng giảm đi kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, lạm phát tháng 11 năm 2023 của Pháp, Đức, Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu lần lượt tăng 3,5%, 3,2%, 3,1%, 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực châu Á, trong khi lạm phát tháng 11 năm 2023 của một số quốc gia như: Lào, Ấn Độ, Philippines vẫn còn ở mức cao khi lần lượt tăng 25,24%, 5,55% và 4,1% thì Việt Nam chỉ tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, lạm phát trung bình của Việt Nam đạt mức 3,25%. Có thể thấy, việc kiểm soát thành công lạm phát không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà còn góp phần củng cố niềm tin đối với Nhân dân, doanh nghiệp trong nước, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tăng uy tín trên trường quốc tế. Do đó, bài viết này sẽ tập trung vào những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam, đồng thời đưa ra những dự báo và khuyến nghị cho công tác kiểm soát lạm phát năm 2024. 2. NỘI DUNG CHÍNH 2.1. Những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 và vai trò đối với đất nước 2.1.1. Nhận định chung về tình hình Hình 1. CPI qua các tháng của năm 2022 và năm 2023 so với cùng kỳ năm trước Trong năm 2023, tình hình lạm phát của Việt Nam diễn biến qua hai giai đoạn rõ rệt. Cụ thể, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, Việt Nam phải đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn vào tháng 01 năm 2023 khi CPI tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sau đó, áp lực đã giảm dần dần về mức 2% vào tháng 6 năm 2023. Ở giai đoạn nửa cuối năm 2023, lạm phát có xu hướng tăng trở lại. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8, tháng 9 có mức 462
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI tăng đột biến lần lượt 0,96% và 1,66% so với tháng 6 năm 2023, sau đó đạt mức tăng 3,59% vào tháng 12 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình lạm phát của 6 tháng cuối năm có xu hướng tăng nhưng do sự sụt giảm của lạm phát trong 6 tháng đầu năm nên tính chung cả năm 2023, lạm phát trung bình đạt mức 3,25%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đã đặt ra. Như vậy, Việt Nam tiếp tục giữ vững thành tích là một trong những quốc gia kiểm soát tốt lạm phát. Theo nhận định của nhóm tác giả, nguyên do khiến tình trạng lạm phát của Việt Nam ở giai đoạn nửa đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 là bởi sự suy yếu của tổng cầu. Điều đó được thể hiện rõ qua mức tăng trưởng GDP rất khiêm tốn trong quý I và quý II năm 2023 với 3,41% và 4,25%. Ngoài ra, sự suy giảm của lạm phát cũng đến từ việc giá của các mặt hàng cơ bản trên thế giới, trong đó có dầu, bị giảm mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của cung tiền trong năm 2022 chỉ đạt mức 3,8% và sáu tháng đầu năm 2023 đạt mức 2,7%, trong khi lãi suất thực cho vay tính đến thời điểm tháng 06 năm 2023 vẫn ở mức cao 6,9% cũng được xem là một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với sự gia tăng trong lạm phát ở nửa cuối năm 2023, theo đánh giá của nhóm tác giả, nguyên nhân là do sự tăng trở lại của giá dầu, tăng trưởng kinh tế của quý III và quý IV cao hơn so với hai quý đầu năm, lãi suất cho vay và lãi suất huy động giảm mạnh, sự tăng lên của cung tiền và tín dụng. Ngoài ra, việc Nhà nước điều chỉnh giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý đã góp phần làm cho lạm phát nửa cuối năm dần tăng trở lại. Hình 2. Các yếu tố làm tăng, giảm CPI năm 2023 so với năm 2022 463
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.1.2. Những thành quả đã đạt được trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 Năm 2023 trở thành năm thứ 12 liên tiếp Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, kể từ năm 2012. Những thành tựu nổi bật trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023: - Giá thực phẩm, lương thực trong nước được kiểm soát tốt: Trong rổ hàng hóa tiêu dùng để tính chỉ số CPI, trọng số của nhóm các mặt hàng cơ bản như: thực phẩm, lương thực chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, những thay đổi lớn từ giá của các mặt hàng này sẽ gây áp lực đáng kể lên lạm phát. Trong năm 2023, giữa lúc giá thực phẩm, lương thực ở nhiều nước trên thế giới đang tăng cao, chẳng hạn Pháp tăng 7,8%, Nhật Bản tăng 8,6%, Ấn Độ tăng 6,6%, khu vực châu Âu tăng 7,5% thì Việt Nam vẫn duy trì kiểm soát tốt giá thực phẩm, lương thực. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 3,44%. Có thể thấy, để duy trì sự ổn định trong giá thực phẩm, lương thực, các mặt hàng được đảm bảo nguồn cung dồi dào. Điều này có được là do các nhân tố như: sức cầu trong nước tăng không đáng kể, thời tiết năm qua thuận lợi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm so với năm 2022, giá phân bón ổn định, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi... Như vậy, việc kiểm soát tốt giá thực phẩm, lương thực trong nước đã hỗ trợ rất đáng kể cho công tác kiểm soát lạm phát của nước ta. - Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt: Việt Nam là quốc gia có đóng góp không nhỏ vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, độ mở thương mại lớn nên việc tỷ giá tăng cao hoặc sự mất giá mạnh của đồng nội tệ sẽ làm cho chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng lên dẫn đến chi phí sản xuất và chi phí tiêu dùng trong nền kinh tế tăng cao, từ đó tạo áp lực cho nhập khẩu lạm phát. Năm qua, đồng Việt Nam bị mất giá 2,9% so với đô la Mỹ, trong khi ở nhiều quốc gia lớn, giá trị đồng tiền bị mất giá hơn 10%. Việc giữ cho đồng tiền quốc nội được ổn định, ít bị mất giá đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế áp lực nhập khẩu lạm phát. Có được điều này là do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế những thay đổi lớn trong ngắn hạn của tỷ giá hối đoái, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ. - Kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam: Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy kỳ vọng CPI của các tháng trong năm 2023 cũng như kỳ vọng CPI bình quân năm 2023 so với CPI năm 2022 luôn được neo giữ trong phạm vi 3,4 - 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4 - 4,5% do Quốc hội đặt ra. - Sự sụt giảm của giá năng lượng trong nước: Trong năm 2023, giá xăng dầu và giá gas thế giới được điều chỉnh giảm kéo theo giá năng lượng trong nước cũng sụt giảm. Cụ thể, chỉ số giá xăng dầu trong nước và chỉ số giá gas trong nước lần lượt giảm 11,02% và 6,94% so với năm 2022, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng nói chung lần lượt giảm 0,4 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm. Những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 đã thể hiện năng lực quản lý, thực thi chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và sự điều hành chính sách tiền tệ của 464
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Ngân hàng Nhà nước. Việc kiểm soát lạm phát thành công đã góp phần không nhỏ vào quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để phục hồi và phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Gần đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam từ BB lên BB+. Nhờ vậy, thị trường Việt Nam càng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. 2.2. Triển vọng lạm phát năm 2024 2.2.1. Dự báo Bước sang năm 2024, thị trường tài chính tiền tệ thế giới vẫn còn ẩn chứa nhiều bất ổn và rủi ro, có khả năng làm gia tăng tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ và đồng nội tệ. Bên cạnh đó, vấn đề xung đột địa chính trị, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu... góp phần cản trở công tác kiểm soát và kiềm chế lạm phát ở nhiều quốc gia. Thậm chí, nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng lạm phát thực tế cao hơn lạm phát mục tiêu. Điều này có thể khiến lãi suất giảm đi nhưng vẫn còn ở mức cao, từ đó gây trở ngại cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Trong lúc thế giới phải đối mặt với những thách thức chung nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2024, lạm phát của Việt Nam là 3,43%, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo 3%, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo 4% và Ngân hàng HSBC dự báo 3,3%. Điều này chứng tỏ không chỉ Nhân dân, các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế đều tin tưởng vào công tác kiểm soát lạm phát nói riêng, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên quan sát Hình 1, nhóm tác giả nhận thấy từ giữa năm 2023, lạm phát có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lạm phát cơ bản vẫn còn dai dẳng cộng với những rủi ro tiềm ẩn từ tình hình kinh tế, chính trị của thế giới nên công tác kiểm soát lạm phát năm 2024 càng không thể lơ là, chủ quan. Bên cạnh việc nước ta nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cao nhằm đạt mục tiêu GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024 thì vấn đề kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5% như Quốc hội đã phê duyệt tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 càng trở nên cấp thiết. Dựa trên phân tích số liệu kinh tế vĩ mô và phân tích tình hình chính trị, kinh tế trong và ngoài nước, nhóm tác giả dự báo CPI trung bình của 6 tháng đầu năm 2024 trong khoảng 3,3 - 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số CPI trung bình cho cả năm 2024 trong khoảng 3,5 - 4%. Mức dự báo này khá phù hợp trong bối cảnh mức chi tiêu trong nền kinh tế không cao và tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại trong thời gian qua. 2.2.2. Cơ sở dự báo Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có những chuyển biến khó lường, công tác kiểm soát lạm phát năm 2024 sẽ đối mặt với những thuận lợi lẫn không ít thách thức. 465
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 1) Những thuận lợi Thứ nhất, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát bình quân năm 2024 của Việt Nam. Cụ thể là, trong thời gian qua, bằng việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia, tỷ lệ lạm phát trung bình của thế giới đã có khuynh hướng tăng chậm trở lại, từ 8,8% trong năm 2022 xuống còn 6,8% trong năm 2023 và theo IMF dự báo sẽ còn giảm xuống 5,7% trong năm 2024. Với xu hướng này, nhóm tác giả cho rằng, giá hàng hóa nhập khẩu vào nước ta sẽ giảm đi, từ đó hỗ trợ giảm chi phí sản xuất và chi phí tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc được các tổ chức quốc tế đánh giá sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, trong đó không loại trừ khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Tại Trung Quốc, tình trạng lạm phát thấp tiếp tục được duy trì. Theo dự báo, quốc gia này có tỷ lệ lạm phát bình quân 0,5% trong năm 2024. Vốn được xem là quốc gia cung cấp đầu vào chủ lực cho Việt Nam, việc Trung Quốc có tỷ lệ lạm phát thấp sẽ dẫn đến rủi ro nhập khẩu lạm phát của Việt Nam thấp. Song song đó, tình trạng lạm phát ở các quốc gia đối tác thương mại cũng như các thị trường xuất khẩu chính của nước ta đều được kiểm soát tốt, chẳng hạn như EU (lạm phát trung bình năm 2023 đạt 2,9%, mục tiêu lạm phát trung bình năm 2024 là 2%), Mỹ (lạm phát trung bình năm 2023 đạt 3,1%). Do vậy, rủi ro xuất khẩu lạm phát của Việt Nam là thấp. Ngoài ra, việc FED cân nhắc cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2024 sẽ khiến đồng đô la Mỹ giảm giá, đồng thời tác động làm giảm tỷ giá VND/USD, từ đó làm giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế nước ta. Thứ hai, nếu không có những biến động lớn về mặt địa chính trị thì với đà tăng trưởng như hiện nay của nền kinh tế thế giới, giá năng lượng và giá các nguyên liệu chính sẽ được duy trì ổn định trong năm 2024. Trong đó, giá dầu thô WTI được dự báo sẽ khó có thể tăng mạnh trước nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2024 khi đường cong lãi suất tại Mỹ bị âm. Thứ ba, Việt Nam luôn chủ động nguồn cung dồi dào thực phẩm, lương thực. Do vậy, công tác kiểm soát lạm phát năm 2024, trong một chừng mực nào đó, sẽ được chủ động tốt hơn. Thứ tư, áp lực gây ra bởi lạm phát cầu kéo không quá lớn do tổng cầu của thế giới và tổng cầu trong nước vẫn chưa thật sự hồi phục như giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng của nước ta năm 2023 chỉ tăng 3,52% so với năm 2022, trong khi tiêu dùng cuối cùng của những năm trước dịch Covid-19 đều đạt mức tăng trên 7% so với năm liền trước. Thứ năm, kỳ vọng lạm phát trong nước được neo giữ ổn định. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, kỳ vọng CPI của các tháng trong năm 466
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 2023 cũng như kỳ vọng CPI bình quân năm 2024 so với CPI năm 2023 luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4 - 4,5% do Quốc hội đặt ra. Kết quả điều tra mới nhất trong tháng 01/2024 cho thấy kỳ vọng CPI tháng 01/2024 so với tháng 12/2023 là 0,46%, kỳ vọng CPI bình quân năm 2024 so với CPI năm 2023 là 3,7%. Như vậy, việc kỳ vọng lạm phát được neo giữ ổn định sẽ góp phần tạo niềm tin cho Nhân dân, doanh nghiệp đối với chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước; đồng thời tránh những phản ứng tiêu cực trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, từ đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả nói chung. Thứ sáu, Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành, quản lý giá theo hướng bám sát với diễn biến thị trường và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Một số chính sách có thể kể đến như: chính sách giảm 50% thuế môi trường đối với xăng dầu (áp dụng đến hết năm 2024), thực hiện quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024... Do vậy, áp lực về lạm phát trong năm tới sẽ được giảm bớt. 2) Những thách thức Thứ nhất, các chương trình kích thích, phục hồi kinh tế và chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo áp lực lên mặt bằng giá cả trong năm 2024. Một khi vốn đầu tư công được giải ngân mạnh sẽ khiến giá các nguyên vật liệu, giá sắt thép xây dựng tăng cao, từ đó, có thể làm xuất hiện lạm phát cầu kéo. Thứ hai, các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá sẽ được điều chỉnh, tăng giá theo lộ trình. Trong nhiều năm qua, các mặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, năng lượng được Nhà nước bình ổn giá và chậm thực hiện lộ trình tăng giá nhằm hỗ trợ kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, nếu tất cả các địa phương trong nước thực hiện theo mức học phí và giá dịch vụ giáo dục được nêu trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (đang trình Chính phủ sửa đổi) thì chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm tăng CPI năm 2024 lên 1 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, những điều chỉnh tăng trong năm 2024 đối với giá dịch vụ y tế được nêu tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT sẽ tạo áp lực làm tăng lạm phát. Ngoài ra, biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã khiến nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, tiêu dùng ngày một nhiều hơn, từ đó làm tăng chỉ số giá điện sinh hoạt. Thêm vào đó, năm 2023, EVN đã hai lần tăng giá bán lẻ điện bình quân với tổng mức tăng 7,5%. Việc tăng giá điện cùng với nhu cầu sử dụng điện cao không chỉ tác động đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp mà còn tạo áp lực làm gia tăng lạm phát. Thứ ba, kể từ ngày 01/07/2024, chính sách cải cách tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng chính thức được áp dụng sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu tăng lên, từ đó tạo áp lực lên lạm phát cầu kéo. Bên cạnh đó, với chính sách cải cách tiền lương của khu vực công, các khu vực khác trong nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng lan tỏa tâm lý, do vậy, giá của các mặt hàng tiêu dùng sẽ được điều chỉnh tăng. Thứ tư, mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước hiện đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, với chỉ đạo tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo áp lực lạm phát cho năm 2024. 467
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Thứ năm, lạm phát cơ bản vẫn còn dai dẳng. Năm 2023 mặc dù chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% so với năm 2022 nhưng lạm phát cơ bản bình quân tăng 4,16% so với 2022. Theo quan sát của nhóm tác giả, lạm phát cơ bản của 7 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đưa ra những cảnh báo cho Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách về áp lực lạm phát trong trung hạn đối với nền kinh tế. Hình 3. Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2015 - 2023 (%) 3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Dựa trên những thành quả trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2023 và những thuận lợi lẫn thách thức đã được phân tích trên đây, nhóm tác giả đưa ra những khuyến nghị, giải pháp đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp như sau: 1) Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách vĩ mô khác. Cụ thể, việc điều hành tỷ giá linh hoạt sẽ giúp ổn định giá cả đầu vào đối với nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nội địa. Bên cạnh đó, việc điều hành lãi suất linh hoạt, điều hành tín dụng với khối lượng hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội vay vốn; đồng thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng trưởng hiệu quả, an toàn, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất then chốt, hạn chế được rủi ro đầu tư. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong việc nhận định, đánh giá tình hình thị trường và đưa ra những dự báo kịp thời làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ trong việc đưa ra những chính sách phù hợp trong điều hành, quản lý giá. 2) Nhà nước cần xây dựng các kịch bản sát với thực tiễn. Trước khi lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, Nhà nước cần đánh giá tác động 468
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI của việc tăng giá các mặt hàng này đến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế trong nước. Từ đó, Nhà nước quyết định mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh giá nhằm tránh sự bị động trong quá trình thực thi chính sách điều hành kinh tế của mình. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất đến người dân không chỉ góp phần ổn định tâm lý người dân, ổn định kỳ vọng lạm phát mà còn loại bỏ được những thông tin sai lệch liên quan đến giả cả trên thị trường. 3) Các Bộ, các cơ quan ban ngành, các địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến giả cả và tình hình lạm phát trên thế giới để kịp thời nhận diện các nhân tố có nguy cơ tác động đến giá cả và lạm phát trong nước. Từ đó, xây dựng các phương án kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, trong đó có chính sách chủ động về nguồn cung, bình ổn giá cả thị trường. Cụ thể, đối với các mặt hàng như năng lượng, lương thực - thực phẩm, việc nâng cao năng lực dự báo, năng lực dự trữ quốc gia là hết sức cần thiết trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị như hiện nay. 4) Đối với doanh nghiệp, cần trang bị đầy đủ các điều kiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ cho thị trường. Trước tiên, các doanh nghiệp cần lên phương án dự báo các nguyên nhiên vật liệu có khả năng thiếu hụt để kịp thời bổ sung, đảm bảo cho quá trình sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ, gây ra hiện tượng mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, tránh được tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng và cắt giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí khi giá năng lượng tăng cao. Cuối cùng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhân sự... góp phần nâng cao năng suất, gia tăng năng lực cạnh tranh và không ngừng tăng trưởng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Jeff Madura (2015), Financial Institutions And Markets, Cengage Learning. 2. Nguyễn Như Ý, Trần Thị Bích Dung (2010), Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 3. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/ 4. https://www.gso.gov.vn/so-lieu-thong-ke/ 5. https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/cpi?_afrLoop=459825544 58450023#%40%3F_afrLoop%3D45982554458450023%26centerWidth%3D80% 2525%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter %3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D13 qzvzkebl_147 6. https://www.adb.org/news. 7. https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam. 469
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn