intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ổn định giá xăng dầu: Cần bắt đầu từ các sắc thuế cấu thành giá cơ sở

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

8
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung phân tích và làm rõ những luận cứ cho việc cần thiết phải có sự thay đổi từ các sắc thuế cấu thành giá cơ sở của xăng dầu hơn là chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để ứng phó trước áp lực tăng giá của mặt hàng chiến lược này trong thời gian đến.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ổn định giá xăng dầu: Cần bắt đầu từ các sắc thuế cấu thành giá cơ sở

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN ỔN ĐỊNH GIÁ XĂNG DẦU: CẦN BẮT ĐẦU TỪ CÁC SẮC THUẾ CẤU THÀNH GIÁ CƠ SỞ STABILITY OF GASOLINE PRICES: A NEED TO START FROM THE TAXES CONSTITUTING THE BASE PRICES Ngày nhận bài : 08.3.2022 NGƯT, TS. Lê Văn Khâm Ngày nhận kết quả phản biện : 14.3.2022 Trường Đại học Tài chính - Kế toán Ngày duyệt đăng : 28.4.2022 TÓM TẮT Giá xăng dầu tăng liên tục đã mang đến nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh môi trường kinh tế, chính trị trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, giá xăng dầu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Bài viết tập trung phân tích và làm rõ những luận cứ cho việc cần thiết phải có sự thay đổi từ các sắc thuế cấu thành giá cơ sở của xăng dầu hơn là chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để ứng phó trước áp lực tăng giá của mặt hàng chiến lược này trong thời gian đến. Từ khóa: Giá xăng dầu, bình ổn giá, áp lực tăng giá ABSTRACT The continuous increase in gasoline prices has brought many negative impacts on production and life. In the context of complicated economic and political environment in the world, gasoline prices are forecast to continue to increase sharply. The article focuses on analyzing and clarifying the arguments for the necessity of a change from the taxes constituting the base prices of gasoline rather than just using the Price Stabilization Fund to cope with price increase pressure of this strategic item in the future. Keywords: Gasoline prices, price stabilization, price increase pressure. 1. Áp lực tăng giá xăng dầu và yêu cầu bình ổn giá Ngày 01/11/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; tiếp theo đó, ngày 18/11/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 104/2021/TT-BTC Hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Đáng lưu ý là theo quy định tại Điểm 2, Khoản 27, Điều 1 của Nghị định 95/2021/NĐ-CP, mỗi tháng sẽ có 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 01, 11 và 21 thay cho 2 lần điều chỉnh cách nhau 15 ngày như quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Các văn bản này đều có hiệu lực thi hành từ 02/01/2022 và đã được kỳ vọng là sẽ góp phần tích cực hơn vào việc bình ổn giá xăng dầu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng mặt hàng chiến lược này cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, trước sự leo thang của giá dầu thô trên thế giới trong tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải liên tục điều chỉnh tăng trong nhiều chu kỳ liên tiếp, bất chấp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để kìm hãm. Với những biến động khó lường về kinh tế, chính trị trên thế giới hiện nay, giá dầu thô được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng theo những kịch bản không lường trước sẽ tiếp tục kéo theo sự tăng giá xăng dầu của thị trường trong nước qua từng chu kỳ điều chỉnh giá. Thực tiễn này đòi hỏi cần có sự đánh giá lại cơ cấu giá xăng dầu và cần có những điều chỉnh quan trọng về thuế đối với mặt hàng này một cách phù hợp để ứng phó tốt hơn trước áp lực tăng giá. 2. Nhìn nhận về mức giá và cơ cấu giá xăng dầu Câu hỏi đặt ra được nhiều người quan tâm là giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay ở khoảng nào, cao hay thấp so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới? Nhìn nhận về vấn đề này, trong 58
  2. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng giá xăng dầu ở Việt Nam còn thấp hơn so với một số nước trong khi nhiều người khác thì có ý kiến ngược lại. Trang Web của Global Petrol Prices [13] cập nhật giá xăng dầu ngày 03/3/2022 của 170 quốc gia trên thế giới cho thấy giá xăng thấp nhất ở 10 quốc gia chưa đến 0,5 USD/lít; giá xăng cao nhất của 10 quốc gia là trên 2 USD/lít; trong đó giá xăng của của Việt Nam là 1,199 USD/lít, xếp thứ tự 82/170 nước. Bảng 1. Giá xăng của một số nước thấp nhất và cao nhất trên thế giới Giá thấp nhất ở 10 nước Giá cao nhất ở 10 nước Venezuela 0.025 Italy 2.110 Libya 0.033 Sweden 2.113 Iran 0.051 Greece 2.146 Syria 0.316 Finland 2.192 Angola 0.322 Denmark 2.197 Algeria 0.325 Iceland 2.215 Kuwait 0.347 Israel 2.265 Nigeria 0.400 Netherlands 2.313 Kazakhstan 0.416 Norway 2.349 Turkmenistan 0.428 Hongkong 2.757 Nguồn: Tổng hợp từ Website của Global Petrol Prices ngày 03/3/2022 [13] So với các quốc gia ASEAN, giá xăng của Việt Nam cũng nằm ở khoảng giữa, thấp hơn so với một số nước như Philippines, Lào, Thái Lan, Singapore nhưng lại cao hơn so với Indonesia, Malaysia, Campuchia, Myanmar. Bảng 2: Giá xăng của Việt Nam so với các nước ASEAN Giá xăng trên mỗi lít Tên nước USD Đồng Việt Nam Malaysia 0,488 11.133,447 Indonesia 0,897 20.451.836 Myanmar 1,107 25.249,230 Campuchia 1,156 26.373,149 Vietnam 1,199 27.347,500 Philippines 1,271 28.996,990 Laos 1,349 30.773,991 Thailand 1,360 31.029,197 Singapore 2,027 46.226,020 Nguồn: Tổng hợp từ Website của Global Petrol Prices ngày 03/3/2022 [13] Số liệu ở các bảng 1 và 2 cho thấy không có cơ sở để khẳng định giá xăng (và cả dầu) của Việt Nam cao hay thấp hơn so với các nước khác mà mức giá bán lẻ xăng dầu khác nhau giữa các nước là điều tất yếu, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước. Kết cấu giá cơ sở xăng dầu giữa các nước cũng không giống nhau, không thể đưa ra một chuẩn chung là tỷ trọng các loại thuế, phí,... cần chiếm bao nhiêu trong giá cơ sở của xăng dầu của mỗi nước. Hiện nay ở Việt Nam, trong kết cấu giá bán lẻ xăng dầu có các loại Thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), thuế Giá trị gia tăng (GTGT); cộng các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức và trích lập Quỹ bình ổn giá (Quỹ BOG) quy định cho từng loại mặt hàng. 59
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN Bảng 3: Kết cấu giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam Quy định đối với từng mặt hàng Yếu tố cấu thành Xăng Xăng E5, E10 Dầu Diesel Dầu hỏa Dầu Mazut Chi phí định mức 1.050 đ/lít 1.250 đ/lít 950 đ/lít 950 đ/lít 600 đ/kg Lợi nhuận định mức 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/kg Thuế nhập khẩu 10% 0,85% 0,13% 3,04% Thuế TTĐB 10% 7%- 8%(*) Thuế BVMT 4.000 đ/lít 4.000 đ/lít 2.000 đ/lít 1.000 đ/lít 2.000 đ/kg Trích Quỹ BOG 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/lít 300 đ/kg Thuế GTGT 10% 10% 10% 10% 10% (*): Thuế suất 7% Áp dụng đối với xăng E10, thuế suất 8% áp dụng đối với xăng E5 Nguồn: Website Bộ Công Thương [14] Vì xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước định giá nên cần có những quy định mang tính chất định mức trong cơ cấu giá như chi phí, lợi nhuận là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có thể thấy những quy định này còn có nhiều bất cập như chi phí định mức được điều chỉnh không bắt kịp sự biến động của thị trường, các loại thuế chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá cơ sở của xăng dầu, nhất là thuế BVMT. Đã đến lúc cần tính đến việc xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan đến các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu, đặc biệt là các loại thuế. 3. Bàn về các giải pháp điều chỉnh và ổn định giá xăng dầu Trong những đợt điều chỉnh giá gần đây vào các ngày 21/02/2022 và 01/3/2022, liên bộ Tài chính - Công Thương đã giảm hoặc không trích lập Quỹ BOG với một số mặt hàng xăng dầu nhưng lại sử dụng Quỹ để chống đỡ áp lực tăng giá trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ sức để kìm hãm và giá xăng dầu vẫn liên tục tăng qua mỗi lần điều chỉnh. Ngày 3/3/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 2068/BTC-CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu xin ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu [15]. Trên phạm vi rộng hơn, hiện nay Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến nghiên cứu rà soát, đánh giá và sửa đổi 9 luật thuế [15], trong đó có các luật thuế nằm trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu là thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT. Đã đến lúc cần có sự thay đổi cơ bản đối với các sắc thuế cấu thành trong giá cơ sở của xăng dầu cùng với việc sử dụng Quỹ BOG như là một công cụ hỗ trợ chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào Quỹ BOG để điều chỉnh và ổn định giá xăng dầu trước những diễn biến của thị trường. Trừ thuế nhập khẩu áp dụng đối với xăng dầu nhập khẩu cũng như thuế GTGT đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ là tất yếu; có thể thấy các sắc thuế TTĐB và thuế BVMT đang được áp dụng hiện nay đã bộc lộ những bất hợp lý và cần có sự điều chỉnh để đảm bảo giá xăng dầu được xây dựng phù hợp cũng như có khả năng ổn định tốt hơn trước những diễn biến phức tạp của thị trường. Sau đây là một số giải pháp đề xuất: (1) Nên bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu Có thể thấy đối tượng chịu thuế được quy định tại Điều 2 Luật thuế TTĐB năm 2008 [7] và vẫn giữ nguyên qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi. Nhìn chung, đó không phải là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng; người tiêu dùng có thể không sử dụng hoặc có cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ khác. Xét về đối tượng chịu thuế, việc áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu rõ ràng không phù hợp. Xăng dầu từ trước đến nay vẫn là một loại hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống, 60
  4. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN không phải là mặt hàng tiêu dùng xa xỉ và cần hạn chế tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá,... để đánh thuế TTĐB. Xét về tác động của thuế, việc áp dụng thuế TTĐB (cho dù hiện nay không đánh vào các loại dầu) sẽ làm tăng giá cơ sở của mặt hàng này và góp phần làm khó cho việc bình ổn giá, nhất là trong điều kiện giá dầu thô trên thế giới được dự báo là còn tiếp tục gia tăng. HIện nay, thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xăng từ 7% - 10% tùy loại [9]; nếu giá tính thuế TTĐB gia tăng trước áp lực tăng giá dầu trên thế giới thì giá cơ sở của các loại xăng lại tăng thêm phần thuế TTĐB cao hơn nhiều so với khả năng bù đắp của Quỹ BOG đối với xăng (trích lập tối đa chỉ có 300 đ/lít) và càng làm khó cho việc bình ổn giá. Vì lẽ đó, đã đến lúc cần có sự điều chỉnh cơ bản trong Luật thuế TTĐB, đưa xăng dầu ra khỏi danh mục hàng hóa chịu thuế. (2) Giảm mạnh thuế Bảo vệ môi trường Xăng dầu thuộc diện chịu thuế BVMT theo quy định của Luật Thuế BVMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định trong Luật [8]. Chỉ tính riêng với xăng, từ 1/1/2012 chịu thuế BVMT 1.000 đồng/ lít [10], từ 1/5/2015 thuế BVMT đối với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít tăng lên 3.000 đồng/lít [11], từ 1/1/2019 thuế BVMT với xăng tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít [12]. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế BVMT với các mức cụ thể khác nhau. Điều bất hợp lý ở chỗ thuế BVMT quy định số thu tuyệt đối trên mỗi lít xăng và có thể thấy trong cơ cấu giá, loại thuế này chiếm tỷ trọng rất lớn. Vì các sắc thuế TTĐB, thuế GTGT có thuế suất tỷ lệ với giá tính thuế khác nhau, trong khi thuế BVMT áp dụng mức thu tuyệt đối trên mỗi lít xăng nên khó đánh giá thuế suất thuế BVMT là cao hay thấp. Để thấy mối tương quan theo thuế suất giữa thuế BVMT so với thuế TTĐB và thuế GTGT, có thể quy đổi mức thu thuế BVMT từ 01/01/2019 đối với xăng là 4.000 đồng/lít thành thuế suất tỷ lệ trên các mức giá tính thuế giả định của thuế TTĐB và thuế GTGT như ở Bảng 4. Bảng 4: Tỷ lệ thu thuế BVMT so với giá tính thuế TTĐB và GTGT của xăng Chỉ tiêu ĐVT Mức Số thu thuế BVMT Đồng/lít 4.000 4.000 4.000 Giá tính thuế TTĐB Đồng/lít 18.000 20.000 22.000 Thuế BVMT/Giá tính thuế TTĐB % 22,22 20 18,18 Giá tính thuế GTGT Đồng/lít 20.000 22.000 24.000 Thuế BVMT/Giá tính thuế GTGT % 20 18,18 16,67 Bảng 4 cho thấy với các mức giá tính thuế TTĐB và GTGT giả định khác nhau, kết quả vẫn chỉ ra rằng tỷ lệ thu thuế BVMT luôn lớn hơn nhiều lần thuế suất hiện tại của thuế TTĐB và thuế GTGT đối với mặt hàng xăng hiện nay là 10%. Mức thu tuyệt đối của thuế BVMT như hiện tại là một yếu tố cơ bản góp phần làm gia tăng giá xăng dầu, vượt gấp nhiều lần bù đắp từ Quỹ BOG. Để có thể kiểm soát và điều chỉnh giá xăng dầu một cách căn bản và lâu dài thì cũng đã đến lúc cần có sự điều chỉnh giảm mạnh hơn trong Luật thuế BVMT đối với mặt hàng chiến lược này. (3) Sử dụng Quỹ BOG xăng dầu như một công cụ cần thiết và linh hoạt Theo quy định hiện hành [3], Quỹ BOG xăng dầu không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ được trích lập với mức ba trăm đồng/lít (300 đồng/lít) đối với các loại xăng, các loại dầu Diesel, dầu hỏa và ba trăm đồng/kg (300 đồng/kg) đối với các loại dầu Mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa. Mức trích lập này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng 61
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN dầu, việc trích lập được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Như vậy, về bản chất thì Quỹ BOG xăng dầu được hình thành từ phần đóng góp trước của người mua và được sử dụng sau để giảm bớt áp lực khi xăng dầu tăng giá. Trong bối cảnh giá xăng dầu thường xuyên biến động thì Quỹ BOG là một công cụ điều chỉnh cần thiết và linh hoạt. Tuy nhiên, khả năng của Quỹ là có giới hạn, nếu các yếu tố đầu vào khác - trong đó có các loại thuế TTĐB và BVMT - tăng mạnh thì việc sử dụng Quỹ BOG là không đủ mà cần kết hợp với sự thay đổi cơ bản đối với các sắc thuế TTĐB, GTGT cấu thành giá cơ sở xăng dầu như đã đề cập. 4. Kết luận Việc gia tăng chóng mặt giá xăng dầu trong giai đoạn hiện nay đang đòi hỏi cần có những thay đổi cấp thiết, tác động từ nhiều phía nhằm ổn định sản xuất và đời sống, phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Xét về lâu dài, cần có những điều chỉnh căn bản đối với các yếu tố cấu thành giá xăng dầu để quản lý giá phù hợp hơn trong dài hạn. Trên góc độ tài chính, sự thay đổi về chính sách thuế sẽ làm thay đổi trạng thái cân đối ngân sách đã được thiết lập. Với việc bỏ thuế TTĐB, giảm mạnh thuế BVMT như đề xuất chắc chắn sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu thu chi. Đổi lại, khi giá xăng dầu được kiểm soát và ổn định sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, làm phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm và ổn định xã hội. Kinh tế hồi phục đầy đủ cũng sẽ không còn phải giảm thuế suất thuế GTGT như hiện tại. Mặt khác, đây không phải là lần đầu tiên có sự thay đổi theo hướng làm giảm nguồn thu trong chính sách thuế. Cùng với sự điều chỉnh đồng bộ 9 luật thuế trong thời gian tới, tin tưởng rằng những thay đổi trong chính sách thuế đối với xăng dầu sẽ được khắc phục và cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo sự cân đối tích cực, vững chắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công Thương (2022), Văn bản số 791/BCT-TTTN ngày 21/02/2022 Về điều hành kinh doanh xăng dầu 2. Bộ Công Thương (2022), Văn bản số 961/BCT-TTTN ngày 01/3/2022 Về điều hành kinh doanh xăng dầu 3. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 Hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 4. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 Hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu. 5. Chính phủ (2014), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 Về kinh doanh xăng dầu 6. Chính phủ (2021), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. 7. Quốc hội (2008) Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt Số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008. 8. Quốc hội (2010), Luật thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010. 9. Quốc hội (2014), Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. 10. UBTVQH (2011), Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 về Biểu thuế bảo vệ môi trường 11. UBTVQH (2015), Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10 tháng 3 năm 2015 Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH ngày 14/7/2011 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. 12. UBTVQH (2018), Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 về Biểu thuế Bảo vệ môi trường. 13. https://www.globalpetrolprices.com/gasoline_prices/. 14. http://minhbach.moit.gov.vn/?page=petroleum_define&key=petroleum_ketcau 15. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh 62
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2