Pansori và quan họ đỉnh cao của âm nhạc Hàn Quốc và Việt Nam
lượt xem 14
download
Nghiên cứu này góp nhần giúp các bạn hiểu hơn về Pansori, Quan họ và thêm yêu quý, trân trọng hai loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Chính các yếu tố như kỹ thuật hát, ngôn từ cũng như những nội dung tư tưởng chứa đựng trong Pansori và Quan họ đã làm nên nét độc đáo, tinh tế, đặc sắc ấy. Bất chấp dòng thời gian nghiệt ngã, Pansori và Quan họ vẫn khẳng định được vị trí của mình trong lòng người dân hai nuớc và cả thế giới. Pansori và Quan họ không chỉ là linh hồn, là tinh hoa của văn hóa HànViệt mà còn là tinh hoa của nhân loại.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Pansori và quan họ đỉnh cao của âm nhạc Hàn Quốc và Việt Nam
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 PANSORI VÀ QUAN HỌ ĐỈNH CAO CỦA ÂM NHẠC HÀN QUỐC VÀ VIỆT NAM SVTH:- Bùi Thị Nhàn, Hoàng Thùy Linh (2H-08) GVHD: Ths. Bùi Thị Bạch Dương I. PHẦN MỞ ĐẦU Khi nhắc tới âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc ta không thể nào không nhắc tới Pansori. Có thể nói Pansori chính là đỉnh cao của nền âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Khác với Hàn Quốc lãnh thổ Việt Nam có hình chữ S trải dài từ Bắc đến Nam với hơn 54 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại mang trong mình những nét văn hóa truyền thống và một nền âm nhạc dân ca đặc sắc riêng. Vì thế khi nói đến âm nhạc truyền thống của Việt Nam ta có thể kể đến rất nhiều loại hình âm nhạc như: chèo, tuồng, hát chầu văn, ca trù, quan họ….Tuy nhiên trong bao nhiêu loại hình âm nhạc truyền thống đó thì chỉ có ca trù và quan họ là được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Ngày 30/9/2009, Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và tới ngày 1/10/2009 ca trù cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên trong bài báo cáo này chúng tôi đã chọn Quan họ làm đề tài nghiên cứu chứ không phải là ca trù hay bất cứ loại hình âm nhạc truyền thống nào khác của Việt Nam mặc dù nhiều người cho rằng tuồng gần giống với Pansori của Hàn Quốc hơn. So với ca trù mang tính chất bác học và không phải ai cũng có thể hiểu được thì quan họ lại là âm nhạc của tầng lớp bình dân với những nội dung dễ hiểu, lời ca đằm thắm dễ đi vào lòng người. Hơn nữa so với ca trù, quan họ có quy mô duy trì và bảo tồn cao hơn rất nhiều. Hiện nay ở Bắc Ninh(trước kia gọi là Kinh Bắc) - cái nôi của quan họ, cả tỉnh còn hơn 49 làng quan họ đông tới hàng trăm người. Việc truyền dạy hát quan họ được quan tâm ngay trong chính các gia đình chứ không phụ thuộc hay chờ đợi vào việc tổ chức lớp học hát của địa phương và tỉnh. Ở Kinh Bắc không phân biệt già trẻ gái trai, ai ai cũng có thể hát được một vài làn điệu quan họ. So với những loại hình âm nhạc, dân ca khác, quan họ không phải là cái gì hoàn toàn tách biệt mà là sự huy động, vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật có sức biểu hiện cao, có sức hấp dẫn mạnh thường được vận dụng lẻ tẻ trong một vài làn điệu dân ca trước đây như tuồng, chèo, chầu văn...Có lẽ bởi vậy mà có người đã cho rằng “Quan họ là đỉnh cao của nền dân ca Việt Nam”(htttp.www.bacninh.gov.vn) Trong bài báo cáo này, với việc so sánh những điểm tương đồng, khác biệt của hai loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc và Việt Nam là Pansori và Quan họ các bạn sẽ thấy rằng Pansori và Quan họ thực sự xứng đáng là đỉnh cao của nền âm nhạc truyền thống hai nước. Ngoài ra thông qua việc tìm hiểu sự khác biệt giữa hai loại hình nghệ thuật này ta có thể thấy rõ hơn những nét đặc trưng văn hóa cũng như tâm tư tình cảm của người dân hai nước Hàn - Việt. 78
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 II. NỘI DUNG 1. Khái niệm Pansori và Quan họ 1.1 Pansori Trong cái tên Pansori ta có thể tách thành hai phần là “pan”và “sori”. Trước hết xét về nghĩa của từ “pan”. Từ “pan”co rất nhiều lớp nghĩa khác nhau. Từ “pan”xuất hiện trong các danh từ như No reum pan (노름 반), Ssi reum pan (씨름 반”), Gut pan (굿반) với ý nghĩa là nơi tổ chức trò chơi,nơi đấu vật và nơi tổ chức lễ pháp thuật. Trong trường hợp này thì từ “pan”dùng để chỉ nơi có đông người tụ tập và là nơi tổ chức các sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên từ “pan”cũng mang một ý nghĩa khác trong một số từ như Noreum hanpan (노름 한반-một cuộc chơi) Ssi reum pan Ssi reum pan (씨름함반- một ván đấu vật). Lúc này từ “pan”lại chỉ quá trình diễn ra từ đầu đến cuối của một sự kiện. Nếu không có mở đầu không có kết thúc và đôi khi có thêm cả sự phân biệt thắng bại thì không thể gọi là “pan”. Thứ hai ta xét về ý nghĩa của từ “sori”. Khi nói đến thanh nhạc trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc ta có thể chia làm Nore (노래)và Sori(소리). Hầu hết các loại âm nhạc như kyonggi japga (경기 잡가 - dân ca tỉnh 경기), Sodo japga(서도 잡가- dân ca tỉnh sodo) bắt nguồn từ các ca khúc, lời ca đều được gọi là Nore 노래 và chỉ có Pansori 반소리 là được gọi là Namdo sori (남도 소리). Chúng ta có thể hiểu “sori”là một loại của âm nhạc biểu hiện tình cảm con người bằng giọng nói. Tuy nhiên, so với nore(노래) thì sori(소리) mang khái niệm rộng lớn hơn và cách thể hiện của nó cũng phức tạp hơn. “Sori”được phát ra từ trong tâm khảm con người, thể hiện đầy đủ mọi cung bậc tình cảm của con người. Không chỉ giới hạn ở âm thanh của con người là tiếng của nụ cười và tiếng của giọt nước mà nó còn là âm thanh của vạn vật tự nhiên như: Tiếng chim, tiếng gió, tiếng nước. Như vậy “sori”không chỉ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác mà còn là âm thanh của tinh thần. Trong âm nhac, người ta rất coi trọng giọng của con người không phải bởi giọng của con người đẹp và chính xác hơn so với các loại âm thanh phát ra từ nhạc khí mà chính bởi nó thể hiện rõ nhất tính con người. Qua sự phân tích về hai từ “pan”và “sori”chúng ta có thể hiểu Pansori là hoạt động nghệ thuật kể những câu chuyện hay côt truyện hoàn chỉnh và được biểu diễn ở nơi đông người tụ tập. 1.2 Quan họ Quan họ hay còn gọi là quan họ Bắc Ninh hay Quan họ Kinh Bắc là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ,Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc xưa tức Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Có rất nhiều ý kiến khác nhau giải thích về từ Quan họ. Khi cắt nghĩa "Quan họ", nhiều người dùng lối phân tích ngữ nghĩa từ đơn, tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen 79
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 về mặt từ nguyên của "quan”và của "họ". Điều này dẫn đến những kiến giải về Quan họ xuất phát từ "âm nhạc cung đình”(nhạc của tầng lớp quan lại), hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức "họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian. Một số quan điểm lại cho rằng Quan họ bắt nguồn từ những nghi lễ tôn giáo dân mang yếu tố phồn thực chứ không phải Quan họ có nguồn gốc từ âm nhạc cung đình, hoặc có quan điểm nhận định diễn tiến của hình thức sinh hoạt văn hóa "chơi Quan họ”bắt nguồn từ nghi lễ tôn giáo dân gian qua cung đình rồi trở lại với dân gian. Nhận định khác dựa trên phân tích ngữ nghĩa từ ngữ trong các làn điệu và không gian diễn xướng lại cho rằng Quan họ là "quan hệ”của một nhóm những người yêu quan họ ở vùng Kinh Bắc. Tuy vậy vẫn chưa có quan điểm nào được đa số các học giả chấp nhận. Nhưng có thể nói rằng Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. 2. Điểm tương đồng Văn hóa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng và có lẽ cũng chính vì thế mà hai nước có thể tạo dựng được mối quan hệ thân thiết và ngày càng trở nên gần gũi. Trong văn hoá của Hàn Quốc ta có thể thấy phảng phất những nét văn hóa của Việt Nam và ngược lại trong văn hóa Việt Nam ta cũng có thể bắt gặp những nét văn hóa của Hàn Quốc. Pansori và Quan họ của Việt Nam cũng vậy.Khi nghiên cứu về hai loại hình âm nhạc truyền thống này của Hàn Quốc và Việt Nam chúng tôi cũng thấy những nét văn hóa tương đồng giữa hai loại hình này. Những nét giống nhau này cũng chính là một minh chứng sâu sắc giúp ta nhận ra rằng Pansori và Quan họ chính là loại hình tiêu biểu cho âm nhạc truyền thống của hai nuớc. 2.1 Pansori và quan họ đều là âm nhạc của dân gian, âm nhạc của dân tộc, do nhân dân sáng tác và được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử nhưng Pansori và Quan họ vẫn giữ lại được những kỹ thuật hát đặc sắc cùng những giá tri truyền thống được lưu lại từ nhiều đời nay. Dù thời gian vô cùng khắc nghiệt đã bào mòn và phai tàn bao nhiêu thứ nhưng Pansori và Quan họ vẫn trường tồn cùng thời gian và nhận được tình yêu mến của nhiều người. Điều đó giúp ta khẳng định thêm giá trị văn hóa đặc sắc của Pansori và Quan họ. Pansori và Quan họ không phải là âm nhạc của một tầng lớp mà là âm nhạc của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Bởi vậy mà có thể nói rằng Pansori và Quan họ có tính đại chúng cao. Tâm tư tình cảm trong Pansori và Quan họ không phải là tâm tư của một cá nhân riêng lẻ mà là của cả một nhóm người,một cộng đồng, một dân tộc tạo ra nó. Vì vậy tính cá nhân đã mờ nhạt đi, đôi khi biến đi hoàn toàn thay vào đó là tính cộng đồng. Dường như Pansori và Quan họ đã phá bỏ rào cản khắc nghiệt giữa các giai cấp, 80
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 tầng lớp trong xã hội cũ và trở thành âm nhạc của tất cả mọi người, ai ai cũng yêu thích cũng lắng nghe. Phải chăng là bởi họ đã bắt gặp thấy nối lòng, những suy nghĩ trăn trở băn khoăn của chính mình trong đó. Trong Pansori ta thấy được ý thức về xã hội đương thời của người dân lúc bấy giờ. Pansori là tiếng lòng của người dân kêu gọi sự đoàn kết và sự hòa hợp giữa các tâng lớp trong xã hội. Pansori vỡ ra từ những con đường tấp nập kẻ mua người bán ai ai cũng thích thú lắng nghe, từ tầng lớp thứ dân nông thôn - tầng lớp thấp nhất trong xã hội lúc đó sau đó lan rộng ra cả tầng lớp quý tộc cho tới tận vua chúa. Đây là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới và khiến Pansori trở thành đỉnh cao của âm nhạc Hàn Quốc. Pansori ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 thời kỳ Jeoson (저선). Có lẽ đây là thời kỳ đen tối và rối ren nhất của xã hội Hàn Quốc. Mâu thuẫn trong xã hội đã lên tối cung cực, bọn tham quan ô lại chỉ lo vun vén cho mình mà bóc lột dân chúng tới tận xương tận tủy, vua đã hoàn toàn bất lực để mặc cho các thế lực nắm quyền ra sức thao túng nền chính trị. Người dân Jeoson không còn được bảo vệ bởi những người được coi là vua là quan thế nhưng vua và quan lại vẫn giữ nguyên vị trí là chủ nhân của xã hội jeoson và người dân vô cùng bất mãn vì điều này. Họ muốn thay đổi xã hội và làm chủ xã hội. Pansori chính là âm nhạc nảy sinh trong bối cảnh mâu thuẫn đó và chứa đựng nhận thức đầy sắc sảo về tình hình xã hộ lúc bấy giờ của người dân. Vậy còn quan họ thì sao? Từ xa xưa dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam, quan họ là bức tranh phản ánh cuộc sống muôn mặt và là nét văn hóa tiêu biểu của vùng Bắc Bộ. Sau mỗi vụ mùa bận rộ hay khi những hội xuân về những chàng trai đầu đội khăn xếp mặc áo the dài, quần trắng ống rộng và những cô gái mặc áo tứ thân đầu đội nón quai thao đó là các liền anh liền chị hẹn gặp nhau trong những câu hát đối đáp giao duyên, những câu hát về quê hương đất nước. Cứ như vậy những câu hát được truyền qua bao thế hệ. Quan họ ra đời với mục đich giải trí, trong những nông nhàn các liền anh liền chị đã cất lên những câu hát đối đáp giao duyên. 2.2 Pansori và Quan họ là tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa - nghệ thuật dân gian, là âm nhạc chứa đựng tính cảm thụ về mặt ngôn ngữ vừa phong phú vừa tinh túy của tiếng Hàn và tiếng Việt. Pansori bắt nguồn từ những câu chuyện dài. Phần lớn các câu chuyện trong Pansori không phải là truyền thuyết được chuyển thể thành bài hát mà là sự kết hợp nội dung của nhiều truyện kể thành một câu chuyện có kết cấu hợp lý và chặt chẽ. Nhiều câu chuyên kết hợp với nhau khiến câu chuyện trong Pansori thêm phần dài và phức tạp hơn. Pansori gần như giống hoàn toàn với văn hầu Đồng (Vuca), độ dài ngắn và cách phát âm của người Hàn Quốc. Các vở Pansori đều lấy nền tảng từ truyền thuyết và các câu chuyện kể dân gian. Nhưng chúng cũng không đơn giản như truyền thuyết hay 81
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 chuyện kể. Mặc dù cốt chuyện khá đơn giản nhưng trong đó có thêm cả những nội dung phức tạp, câu chuyện dài thêm và mang không khí buồn thảm. Trong nội dung khá phức tạp đó chứa đựng hình ảnh sống động đời sống của người dân thường. Pansori có 5 tác phẩm tiêu biểu là ChunHyang ga(춘향가), SimCheong ga(심정가), Heungbo ga(홍부 가), Sugung ga(수궁가), jeokbyok ga(적북가).Trong đó ChunHyang Ga, SimCheong Ga, HungBo Ga là 3 tác phẩm tiêu biêu nhất và nhận được nhiều sự ưa chuộng và yêu mến của người Hàn Quốc.(có clip một số tác phẩm tiêu biểu) Vở ChunHyang Ga: Đây là vở dài nhất trong 5 vở Pansori. Câu chuyện kể về mối tình tuyệt đẹp nhưng cũng đầy chông gai giữa nàng ChunHyang (con gái của kỹ nữ) và chàng Lee Mong Ryong (con trai của một vị quan huyện). ChunHyang và LeeMongRyong đem lòng yêu nhau họ đã hẹn ước với nhau nhưng cái xã hội phân biệt đẳng cấp ấy đã không chấp nhận tình yêu giữa hai người và ngăn cản tình yêu giữa họ. LeeMongRyong phải theo cha lên Seoul. ChunHyang ở quê nhà vẫn đợi chờ chàng. Nhưng rồi quan trên phái tên họ Byon xuống làm quan huyện tinh NamWon hắn nghe danh tiếng của nàng ChunHyang và đã dùng vũ lực ép buộc nàng rồi giam nàng vao tù. Nhưng nàng ChunHyang đã đã không chấp nhận và đã phản kháng lại. LeeMongRyong thi đỗ trạng nguyên quay về NamWon và đã cứu nàng ra khỏi tù. Cuối cùng qua bao nhiêu sóng gió hai người đã được đoàn tụ. Vở SimCheong Ga: Đây là vở xứng đáng được gọi là vở bi tráng nhất trong 5 vở Pansori. Cha của SimCheong là Simbongsa không chỉ nghèo mà còn mù lòa, mẹ cô hiền lành dịu dàng nhưng vì cảnh nghèo đói mà sau khi đẻ SimCheong đã chết vì hậu sinh. SimCheong lớn lên bằng sữa mà ông bố mù lòa của mình đi xin được. Vừa lớn SimCheong đã phải gánh trách nhiệm phụng dưỡng cha mình. Để cha mình sáng mắt SimCheong đã phải bán mình làm cống vật cho biển. Sau khi rơi xuống biển SimCheong đã không chết mà lạc vào long cung rồi trở thành hoàng hậu nhưng lòng vẫn thương nhớ về cha già. Truyện kết thúc bằng chi tiết SimCheong gặp lại cha mình và người cha mắt sáng trở lại. Vở Hungbu Ga: Đây là một trong những câu chuyện mang đậm tính chất bản địa và cũng phong phú chất liệu đời sống người dân thường nhất. Chuyện kể về 2 anh em Nolbu và Hungbu. Nolbu xấu xa làm đủ mọi trò xấu nhưng lại giàu có sau khi cha mất đã lấy hết gia sản và hắt hủi người em.Hungbu hiền lành tuy nghèo nhưng hay giúp đỡ người khác. Thấy con chim én bị thương Hungbu đã cẩn thận bó vết thương cho chim và chăm sóc cho nó đến khi nó khỏi. Chim đã cho Hungbu hạt bí thần và sau khi trong lên ra quả thì trong quả bí thần kỳ đó có tiền vàng khiến Hungbu trở nên giàu có và sống hạnh phúc. Người anh thấy vậy đã làm chim bi thương rồi chăm sóc cho nó. Chim cũng cho người anh hạt bí thần kỳ nhưng khi bổ quả ra lại toàn là rắn rết và ma quỷ. Pansori và Quan họ đều mang đậm tính chất dân gian. Nếu Pansori bắt nguồn từ những câu chuyện dài thì Quan họ lại chủ yếu là nghệ thuật phổ lời ca dao và thơ. Có lẽ vì thế mà những câu ca trong Quan họ dễ đi vào lòng người. Người nghe bị mê hoặc bởi 82
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 những giọng hát ngọt ngào,tình tứ của những con người sinh ra và lớn lên cùng những câu ca dao dân ca quan họ nơi Kinh Bắc. Ta say sưa trong lời ca quan họ để rồi nghe một lần lại muốn nghe nữa, nghe nữa lai muốn ở lại nghe mãi không thôi. Khi hát các liền anh liền chị sử dụng những thể thơ và ca dao nhất định của người Việt phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc 4 từ hỗn hợp. Điều thú vị là ở chỗ ca từ trong câu hát Quan họ tuy là lời lẽ của ca dao nhưng phần nhiều những câu thơ thể lục bát trong điệu hát lại do chính các ca sĩ dân gian sáng tác và người nghe tham gia vào quá trình chỉnh sửa để rồi chính những lời ca đẹp được vang lên từ vùng dân gian này lại hòa vào thành ca dao của cả nước. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng quen thuộc với bài ca dao Mình về mình nhớ ta chăng Ta về ta nhớ hàm răng mình cười Năm quan mua lấy miệng cười Mười quan chẳng tiếc tiếc người răng đen Răng đen ai nhuộm cho mình Cho răng mình đẹp cho tình anh say Và rồi bài ca dao quen thuộc này đã được các liền anh liền chị biến thể đi đôi chút và đưa vào bài quan họ “Cò Lả”rất đỗi ngọt ngào và đằm thắm (clip bài quan họ Cò lả). Pansori và Quan họ còn mang tính ngôn ngữ-lời nói của 2 nước Hàn Quốc-Việt Nam. Bán đảo Triều Tiên mặc dù có diện tích khá rộng nhưng núi sông xen kẽ với nhau khiến mỗi khu vực đều mang những đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ lời nói riêng. Gốc của lời hát là lời nói. Tiếng nói khác nhau sẽ tạo ra âm nhạc khác nhau. Pansori chính là hình thức thanh nhạc tận dụng và khai thác tối đa những điểm khác nhau đó. Trong Pansori có sự góp mặt của tiếng địa phương từng vùng, có cả từ tượng thanh tượng hình đầy sống động và đa dạng. Bên cạnh đó các tình huống truyện cũng được mô tả rất chân thực như đang diễn ra trước mắt khán giả. Pansori là nghệ thuật thể hiện đặc sắc và mang nhiều đặc tính của lời nói - ngôn ngữ người Hàn (clip về Pansori). Cũng giống như Pansori, ngôn ngữ thi ca trong lời ca quan họ đã đạt tới những thành tựu nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và có thể nói rằng kho tàng văn học dân gian Việt Nam (ca dao, tục ngữ…) - những nhân tố hình thành nên phần lời của Quan họ đã thể hiện rất rõ nét ngôn ngữ Việt cũng như các nét bản sắc văn hóa dân tộc, vẻ đẹp tình người đất Việt. Ngôn ngữ trong quan họ khi thì mộc mạc đồng quê, khi thì trau chuốt tài hoa nhưng bao giờ cũng giàu tính hình tượng,sâu đậm nghĩa tình. Ngôn ngữ ấy đã thu hút nhiều tinh hoa của nghệ thuật ngôn ngữ thơ ca dân gian, ngôn ngữ bác học…để rồi tạo nên sắc thái riêng với những giá trị nổi bật, góp phần tạo nên những giá trị riêng của bài quan họ. Đây cũng là một yếu tố để có thể nói Quan họ là đỉnh cao của âm nhạc dân ca Việt Nam. Bài “Em là con gái Bắc Ninh”sau đây là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. 83
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Mở đầu bài quan họ là câu hát: Ðôi tay nâng lấy cơi giầu Trước mời quý khách, sau mời đôi bên Em là con gái Bắc Ninh... Trong lời ca mở đầu trên không thấy vần của thơ, từ ngữ mộc mạc như lời nói. Những từ ngữ mộc mạc kia đã gắn quyện với dáng dấp xinh đẹp và nền nã của "Em là con gái Bắc Ninh", với miếng trầu mặn nồng tình nghĩa của làng quê quan họ... khiến ngay từ giây phút ban đầu, lời ca đã cuốn hút lòng người bằng từng tiếng một. Bài ca tiếp tục cho đến lúc kết bài ca: ơ này anh Hai ơi ơ này anh Ba ơi! Trăm em xin đợi Nghìn em xin chờ Chờ từ đây Cách diễn đạt của bài quan họ này thật mộc mạc thật gần gũi nhưng chính cái mộc mạc ấy lại làm ta xao xuyến mãi không thôi,dư âm của bài ca ngân mãi trong lòng người,trong cả đời người. Tiếng hát ấy chính là tiếng hát đích thực của trái tim. Ở bài bài "Ngồi tựa mạn thuyền" thì lại chiếm lĩnh tâm hồn người nghe không phải bằng một ngôn từ mộc mạc như lời nói mà lại chiếm lĩnh người nghe bằng một lời ca có ngôn từ rất trau chuốt, một nghệ thuật vần, điệu công phu, những hình ảnh nên thơ, nên nhạc: Ngồi tựa mạn thuyền Giăng (trăng) in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh Sơn thuỷ hữu tình Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang Tay dạo cung đàn Tiếng tơ, tiếng trúc, bổng trầm, non nỉ, thiết tha Một ngôn từ đầy hình tượng,âm thanh có cảnh có tình cảnh và tình hòa quyện lấy nhau nổi bật lên con người “trai tài”và “thục nữ”. Người quan họ đã biết lựa chọn và sàng lọc ngôn từ ở trình độ cao,có một trình độ tích lũy,am hiểu sâu rông hơn về thơ ca dân gian và cao hơn là sự rung cảm nghệ thuật tinh tế.chân thành. 2.3 Trong không gian biểu diễn và thời gian biểu diễn của Pansori và Quan họ cũng có nhiều điểm tương đồng. Người ta có thể hát Pansori và Quan họ ở bất cứ nơi đâu, không gian biểu diễn Pansori và Quan họ không tách thành không gian riêng biệt, không phải âm thanh từ nghệ thuật sân khấu mà là âm thanh được vọng lên từ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mọi người vừa làm vừa trao nhau những lời ca tiếng hát, âm nhạc đã gắn kết con người lại với nhau khiến mọi người hòa lại làm một. Không gian xuất hiện gánh hát Pansori là 84
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 không gian mà ta bắt gặp bất cứ nơi đâu trong đời sống thường nhật hàng ngày. Quan họ được cất lên từ trong đình làng trên những cánh đồng, những ngả đường. Từ quê hương Kinh Bắc tiếng hát Quan họ đã bay đến nhiều nơi xa xôi trên cả nước và được cả nước biết đến. Người Kinh Bắc hát dân ca quan họ, chơi quan họ không chỉ trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp… Mỗi độ xuân về trong hội làng, những liền anh liền chị lại say sưa cất lên câu ca quan họ làm say đắm lòng người và bao du khách thập phương. 3. Điểm khác biệt. Với những phân tích về điểm tương đồng của hai loại hình nghệ thuật ở trên, chúng ta có thể thấy rằng Pansori và Quan họ thực sự là hai loại hình âm nhạc truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, là điểm hội tụ, kết tinh, kế thừa mọi giá trị văn hóa – nghệ thuật dân gian Việt – Hàn. Đồng thời qua đó chúng ta cũng có thể chiêm nghiệm được phần nào lý do tại sao cho tới giờ, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bất chấp vòng quay hối hả, gấp gáp của cuộc sống hiện đại, Pansori và Quan họ vẫn giữ được vị thế của mình trong lòng dân chúng trong và ngoài nước. Ngoài những kiến giải ban đầu như trên, với những khác biệt vô cùng độc đáo và đặc sắc trong hình thức biểu diễn, kỹ thuật hát cũng như nội dung tư tưởng, Pansori và Quan họ một lần nữa lại khẳng định vị thế của mình, xứng đáng là đỉnh cao của âm nhạc truyền thống hai nước Việt – Hàn. 3.1 Hình thức biểu diễn. 3.1.1 Pansori. Trong âm nhạc truyền thống, sân khấu Pansori không tách thành không gian riêng để hát. Chính hiện trường sinh hoạt đôi khi chỉ là một khoảng sân rộng giữa làng, là một góc chợ, một căn phòng nhỏ cũng trở thành sân khấu của Pansori. Pansori xuất phát từ nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra, nên không gian biểu diễn của nó cũng thật gần gũi, giản dị nhưng lại là sợi dây liên kết giữa người với người, kéo con người sát lại gần nhau hơn. Tuy nhiên hiện nay sân khấu Pansori lại là khán phòng rất rộng và sang trọng. Liệu rằng sự thay đổi đó phải chăng là một sự tiến bộ cách tân đối với Pansori? Theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi và theo những gì tôi cảm nhận được sân khấu hiện đại đó dường như không phù hợp với Pansori nữa. Với Pansori truyền thống, người đánh trống, người hát và khán giả ở gần nhau, khán giả không chỉ là xem mà còn trực tiếp tham gia vào buổi diễn bằng những câu nói tán thưởng ủng hộ. Đó mới thực sự là Pansori, mới tạo lên giá trị đích thực cho dòng nhạc truyền thống này. Một buổi biểu diễn của Pansori bao gồm: một ca sĩ Pansori, một nhạc công đánh trống, đối diện là khán giả nghe hát và hưởng ứng. Ca sĩ hát Pansori được gọi là jangja (창자) và người nhạc công là banjuja(반주자). So với hình thức biểu diễn của Quan họ có khi là cá nhân, là đôi nam nữ, là tốp nam nữ, liền anh liền chị, Pansori chỉ có một mình ca sĩ là người hát chính. Người hát Pansori thường mặc hanbok (한복)- trang phục truyền thống của người Hàn, chủ yếu là mặchanbok (한복) đơn giản màu trắng, tay cầm quạt hoặc không cầm gì cả. 85
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Biểu diễn Pansori tại trung tâm văn hóa Busan thuộc Busan Hàn Quốc Đầu tiên ca sĩ sẽ hát, rồi nói, có khi hội thoại. Sau đó lời hát và lời nói trộn lẫn với nhau tạo thành lời ca Pansori. Trong tiếng thuần Hàn, bài hát được gọi là“Chang”(창) còn lời nói làAniri”(안나리). Vì vậy cũng có thể khái niệm rằng “Pansori là cấu trúc hoán đổi lặp đi lặp lại giữa Chang và Aniri. Trong “Chang”có độ ngắn dài. Ca sĩ khi biểu diễn, tới phần câu chuyện buồn còn phải tỏ ra vẻ mặt buồn trên mặt, khi nhân vật hào hứng còn phải nhảy nhót như thể chính mình là nhân vật. Các động tác trong biểu diễn Pansori được gọi là Noe Reum Sae (너름새). Nhạc công đánh trống ngồi bên cạnh, hướng chếch về phía ca sĩ, trống được đặt trước mặt. Không chỉ đánh trống, nhạc công còn phải hưởng ứng những câu như Eol Ssi Ku(아시구), Jot tha 좋다(Tốt/ Được!), Kue roet ji 그렇지(Chí phải), “A meon”아면(Cơ mà…) Những câu hưởng ứng này trong tiếng Hàn được gọi là “Chu Im Sae”(추임새). Nhạc công đánh trống phải hưởng ứng sao cho thật khớp và ăn ý với ca sĩ thì “Chu Im Sae”추임새 mới phát huy được tác dụng. Nhiều khi“Chu Im Sae”추임새 còn là từ chỉ hiện tượng trực hưởng ứng của đám đông khán giả. Có thể thấy Pansori là loại hình có một không hai trên Thế Giới có sự cộng hưởng từ phía khán giả. Bởi vậy mới nói Pansori tồn tại được là vì có khán giả và dành cho khán giả. Mỗi buổi biểu diễn ngắn thì kéo dài 2-3 tiếng, dài thì từ 8-12 tiếng. 3.1.2 Quan họ. Như đã nhận định ở phần trên Quan họ và Pansori có một điểm tương đồng về không gian thời gian biểu diễn là mọi lúc mọi nơi, sân khấu của Quan họ cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống sinh hoạt giản dị đời thường. Đó là sân đình, là cây đa giếng nước, cậy cầu…Chúng ta mỗi người dân Việt Nam không thể bồi hồi xao xuyến khi ngắm nhìn những liền anh liền chị trong chiếc áo năm thân, áo “mớ ba mớ bảy”đang say sưa cất lên tiếng hát yêu thương, say đắm lòng người trong mỗi dịp hội làng, mỗi dịp Tết đến xuân về. 86
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Xuôi dòng trên dòng quan họ Có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa đặc sắc khác, có những trang phục khác nhau. Bạn bè Quốc Tế không chỉ biết đến tà áo dài đoan trang kín đáo của phụ nữ Việt Nam mà còn biết đến áo mớ ba mớ bảy, biết đến những chiếc yếm rực rỡ dịu dàng e thẹn, nửa như kín đáo nửa như phô ra một cách tinh tế, ý nhị những đường cong gợi cảm của người con gái Quan họ.Bởi vậy trước khi nói về hình thức biểu diễn đặc sắc được chia thành 6 loại của Quan họ chúng tôi cũng xin phép được nói sơ qua về trang phục của Quan họ. 87
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Trang phục của liền anh thường mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Bên trong mặc thêm một hoặc hai áo cánh, sau đó đến áo dài.Áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, người khá giả thì áo ngoài may bằng đoạn màu đen, áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần là lương, the, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ, màu vàng chanh…gọi là áo két. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què tới mắt cá, chất liệu bằng diêm bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Đầu các liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp, thời trước đàn có nhiều búi to nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu, sau này thường cắt ngắn, rẽ đường ngôi nên chuyển sang dùng khăn xếp.Ngoài ra còn có ô đen, các phụ kiện như khăn tay, lược, thắt lưng. Các liền chị Thổ Hà. 88
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Trang phục liền chị thường gọi là “áo mớ ba mớ bảy”(mặc ba áo hoặc bảy áo lồng vào nhau). Về cơ bản, trang phục gồm trong cùng là yếm có màu rực rỡ làm bằng lục truội nhuộm (màu đỏ, vàng thư, xanh da trời, hồng nhạt, xanh biển, trắng,…).Yếm gồm hai loại: yếm cổ xẻ(trung niên), yếm cổ viền (thanh nữ), bên ngoài yếm là áo cánh màu trắng, vàng, ngà, những màu nhẹ nhàng. Ngoài cùng là áo măn thân, cách phối màu tương tự bên nam nhưng tươi hơn. Chất liệu may áo là the, lụa, áo dài ngoài thường màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán trong ái dài thường màu cánh sen, vàng chanh, vàng cốm,…Thắt lưng là loại bao nhỏ thường có màu hoa lựu, hoa đào, hoa hiên tươi. Liền chị mặc váy sồi, váy lụa, váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the. Người mặc khéo là không để váy hớt trước, khổng để váy quây tròn lấy người, phía trướcrủ hình lưỡi trai xuống gần mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm gót chân. Ngoài ra còn có khăn mỏ quạ, nón quai thao, thắt lưng đeo dây xà tích. 3.2 Kỹ Thuật Hát 3.2.1 Pansori Kỹ thuật hát và giọng hát trong Pansori được coi là nét đặc sắcnhất trong loại hình nghệ thuật này. Giọng hát trong Pansori vô cùng đặc biệt. Giọng hát ấy không nhằm tại ra cái đẹp đẽ, mượt mà, khiến người nghe cảm động mà giọng của ca sữ phần nhiều thô ráp, thô kệch pha lẫn chút buồn rầu. Giọng hát sử dụng trong Pansori trước tiên không phải là giọng bình thường mà là giọng khàn, cũng là giọng khàn và đặc nhưng người ta lại chia thành giọng được xử lý hay giọng thiên bẩm. Giọng được xử lý là giọng mang tính thô và đục đậm hơn còn giọng thiên bẩm có phần sạch, trong hơn. Việc Pansori cơ bản đánh giá chất giọng khàn cao hơn cho thấy tiêu chuẩn mỹ học trong Pansori hoàn toàn khác biệt so với thanh nhạc của phương Tây. Nghệ thuật của cuộc sống không phải là cái được tách rời riêng biệt mà luôn phải là một với cuộc sống. Nói giọng hát mà Pansori yêu cầu trước nhất phải là giọng khàn không có nghĩa là cứ khàn và đục là đều được cả. Giọng hát phải vừa đục nhưng lại phải toát lên nét mềm mại nhẹ nhàng. Giọng khàn và đục khi có chất trong sáng và thanh sạch trong nó được đánh giá là tương đối sáng giá. Điều mà Pansori yêu cầu là một cái gì đó đã được “lên men”. Những giọng hát có tính chất ấy trong Pansori được gọi là “Giọng ngấu”, có nghĩa là giọng đã chín muồi. Trong giọng ngấu, người ta có thể cảm nhận thấy nỗi buồn thấm đượm trong đó. Giọng hát chứa nỗi buồn như thế trong Pansori gọi là “Giọng ai oán”và được đánh giá là giọng quý nhất. 89
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Tính nghệ thuật của Pansori được phát huy cao nhất trong sự biến hóa đa dạng. Sự biến hóa ở đây bao gồm nhiều thứ. Từ trường đoạn, giai điệu, tới hòa âm, nhịp điệu cho tới giọng, chất giọng và các kỹ thuật. Pansori lấy hơi từ bụng lên để phát âm chứ không phải từ cổ và cách phát âm này được gọi là “Thong seong”통성 (thông thanh). Trong”Thong seong”(통성) người ta lại phân biệt ra thành “Yang seong”(양성- thanh dương, mok đẩy) và “eum seong”(음성 thanh âm, mok kéo).Người ca sỹ Pansori cơ bản sử dụng thuần thục hai thanh này. Ngoài ra còn phải vận dụng tốt các âm phát ra từ ngũ âm: vòm họng, lưỡi, môi, răng, cổ họng; nguyên âm cũng phải được phát ra rành mạch. Đặc biệt là âm vòng họng được phát ra gần răng cối có tên là “a guy seong”(아귀성) là một âm rất quan trọng. Âm vực của Pansori rộng hơn nhiều so với âm nhạc của phương Tây, từ âm cao nhất cho tới âm trung, âm bình âm thấp tới âm thấp trung, âm thấp nhất với 7 quãng tám (bát độ). Bắt đầu từ cách phát âm cơ bản, mỗi cách phát âm khác nhau lại đượcđặt tên riêng: Mok gói, mok đốn, mok dựt, mok cuộn, mok chuông, mok ngắt, mok xoắn, mok chộp, mok tóe, mok ướt…cả thảy có hơn 40 loại mok khác nhau. 3.2.2 Quan họ a. Hát đối đáp Khi hát vui ở hội, ở một canh hát gặp gỡ bạn bè, bao giờ Quan họ cũng tuân theo lề luật: đối đáp nam nữ, đối giọng, đối lời và hát đôi nam đối với nữ. Đối đáp nam nữ là bên gái hát một bài, tiếp đó, bên trai lại hát một bài, cứ thế dài hết cuộc hát hoặc canh hát. Đối giọng: bên hát trước hát bài có làn điệu âm nhạc như thế nào thì bên hát sau phải hát đối lại một bài cũng có làn điệu âm nhạc như thế nào thì bên hát sau phải hát đối lại một bài cũng có làn điệu âm nhạc như thế, được coi là đối giọng. Đối lời: Đối lời khác với đối giọng không chỉ ở chỗ một bên thuộc lĩnh vực âm nhạc, một bên thuộc lĩnh vực thơ ca, mà còn khác ở chỗ:nếu bên hát trước đã hát một lời ca nào đấy (một đoạn thơ, một bài thơ…) thì bên hát sau cũng sử dụng làn điệu âm nhạc giống như bên hát trước, nhưng lời ca phải khác đi mà vẫn gắn bó với tình, ý, hình tượng…của lời ca người hát trước để tạo nên hiệu quả hô ứng, đối xứng, cảm thông. Hát đối nam nữ, đối giọng, đối lời được coi là sự đối đáp hoàn chỉnh theo lề lối của Quan họ. Điều này cũng giống lề lối của nhiều dòng dân ca khác. Nhưng cần lưu ý rằng trình độ đối giọng, đối lời của ca hát Quan họ đã tiến tới một đỉnh cao mới về nghệ thuật âm nhạc và thơ ca, bởi vậy Quan họ không ngừng liên tiếp vươn tới những sáng tạo mới, vươn tới sự tích lũy thường xuyên về vốn âm nhạc, vốn thơ ca, trình độ sáng tác và nghệ thuật ca hát. b. Hát giải hạn Ngày xưa, con người thường tin vào số mệnh. Khi gặp nhiều việc không may hoặc tin rằng vào những tuổi, những năm, tháng nào đấy con người sẽ bị những hạn lớn 90
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 như mất tiền của, bệnh tật,…thì con người đã tìm những cách giải hạn, hy vọng tai qua nạn khỏi. Ở vùng quan họ, nhiều người trước đây, sau khi làm các nghi thức cũng lễ, thường mời 4, 5, 6 nhóm quan họ vừa nam, vừa nữ đến nhà ca một đêm Quan họ với niềm tin rằng có Quan họ nam nữ dập dìu đến nhà, ca xướng giao hòa đông vui, gắn bó thì cái may sẽ đến, cái rủi sẽ qua, vững lòng sống trong niềm tin, hy vọng. Hát giải hạn khộng bị gò bó nhiều vào lề lối, bên hát trước muốn hát bài nào thì bên hát sau hát đối bài đấy. Không đối đúng cũng cho qua và cứ thể tiếp tục kéo dài canh hát gồm những bài đối đáp có nội dung vui vẻ, gắn bó, hẹn ước, thề nguyền…Kết thúc canh hát cũng hát đôi câu giã bạn rồi các Quan họ chúc gia chủ may mắn, bình yên, rủi không đến, phúc ùa về…Trước lúc ra về gia chủ thường gửi biếu Quan họ “lộc thánh”tức là một ít vật phẩm đã dùng để cúng lễ. c. Hát cầu đảo Không biết tự bao giờ người Quan họ cũng như đông đảo cư dân nông nghiệp trên quê hương Quan họ tin rằng mưa, nắng thuận hòa, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh…Là kết quả của hòa hợp âm dương, hòa hợp giữa đất trời và con người. Nếu âm thịnh dương suy thì gây lụt, bão. Nếu dương thịnh âm suy sẽ gây hạn hán, sâu keo…Người Quan họ tin rằng tiếng hát Quan họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hòa hợp âm dương. Vì vậy, nếu trời hạn hán kéo dài mãi không mưa thì ở mốt số đền miếu trong vùng Quan họ thường có câu hát cầu đảo (cầu mưa). Hát cầu đảo thường chỉ có Quan họ nữ. Dân làng gọi hết Quan họ nữ trong làng, giữ gìn chay tịnh, đến ăn ngủ tại cửa đền hát liền 2, 3 ngày đêm. Không hát những bài tình tứ trao duyên như Quan họ thường hát mà chỉ hát những bài hát có nội dung cầu nguyện mưa thuận gió hòa và chỉ hát một giọng La rằng. d. Hát mừng Xưa khánh thành nhà mới, con cái đỗ đạt bằng cấp, đã đẻ nhiều con gái rồi đẻ được con trai…đều có thể ăn mừng. Lên thọ tuổi 50, 60, 70, 80 tuổi,…đỗ bằng cấp cao, thăng quan tiến chức… thường mở tiệc khao. Trong các dịp ăn mừng và khao, ngoài việc làm những nghi lễ, mời họ hàng, dân làng…đến ăn mừng, thì trong vùng Quan họ bao giờ cũng có những canh hát Quan họ của nhiều nhóm Quan họ kéo dài có khi vài ngày đêm. Trong những cuộc hát mừng này, Quan họ không phải tuân thủ lề lối nghiêm ngặt mà cốt sao có nam, có nữ, có đối đáp, hầu hết là ca nhưng bài giọng Vặt có nội dung lời ca sâu nặng nghĩa tình, gắn bó keo sơn và không khí hát phải thật vui, nhiều tiếng cười, lời nói vui xen vào khi hát. Chủ và khách chan hòa trong niềm vui và hy vọng chân tình. Hát ở các đám cưới cũng vậy. Chỉ cần tránh những bài có nội dung, lời ca ai oán, trách móc, than thân trách phận. e. Hát hội Trong vùng Quan họ, một trong những hoạt động văn nghệ chủ yếu của hội làng là ca hát Quan họ giữa nhiều tốp Quan họ nam nữ. Từ ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch cho đến ngày 28 tháng hai âm lịch, liên tiếp các hội làng diễn ra trong vùng Quan họ. 91
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 Nam nữ Quan họ cũng tấp nập mời nhau đi các hội làng “…để vui xuân, vui hội, gặp bầu, gặp bạn, ca đôi câu, đôi canh cầu may, cầu phúc”. Suốt tháng 8 âm lịch hàng năm, các làng có lệ vào đám, ở hội đình, Quan họ lại có dịp mời nhau dự hội, ca hát. f. Hát canh Nhiều nơi kiêng chữ hát, nên canh hát còn được gọi là canh ca; chẳng hạn: ca một canh. Một canh hát Quan họ đúng lề lối xưa thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, mùa của hội chùa, hội đình làng vào đám, giữa những nhóm Quan họ nam và nữ mời nhau đến nhà “ca một canh cho vui bầu vui bạn, vui xóm vui làng, cầu may cầu phúc”. Canh hát thường được giữ đúng các lề lối như Quan họ đã đề ra và được kéo dài từ 7- 8h tối đến 2-3h sáng. Đôi khi hội làng mở nhiều ngày cũng có những canh hát kéo dài từ 2-3 ngày đêm. g. Hát lễ thờ Khi các Quan họ rủ nhau đến hội làng để hát vui hoặc hát giải thì mỗi nhóm Quan họ thường sắm sửa trầu cau, hương, nên, hoa quả để vào đình làm lễ thánh cũng như lễ trình dân. Khi các Quan họ xin vào đặt lễ thờ thì thường được các vị bô lão trong làng có hội đón tiếp mọt cách trang trọng nồng hậu. Mặc dù dưới thời Phong kiến rất ngặt nghèo với việc có đàn bà con gái vào lễ trước bàn thờ Thành hoàng nhưng dường như các liền anh liền chị Quan họ lại là một ngoại lệ. Sau khi đặt lễ cúng Thành hoàng các nhóm Quan họ thường ca một đôi bài theo giọng La rằng để chúc thánh, chúc dân người an - vật thịnh, phúc, lộc, thọ, khang ninh. Như vậy Quan họ gọi là hát lễ thờ. 3.3 Nội dung tư tưởng chứa đựng Pansori và Quan họ Bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào được sáng tác ra đều có mục đích và tư tưởng của người sáng tác hàm chứa trong đó. Pansori và Quan họ cũng vậy. Chủ thể sáng tác của 2 loại hình nghệ thuật này không phải là cá nhân mà là quần chúng nhân dân thế nên tư tưởng, nỗi niềm mà người dân gửi gắm trong đó cũng sâu sắc hơn rất nhiều. 3.3.1. Pansori Pansori ra đời trong hoàn cảnh xã hội đương thời từ cuối thế kỷ XVII- đầu thế kỷ XVIII vô cùng đen tối và khủng hoảng. Trong nước, mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị ngày càng gia tăng, vua bất lực, các thế lực nắm quyền xung quanh vua tranh chấp thao túng chính trị. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, hết mất mùa, thiên tai lại đến nạn giặc Oa xâm chiếm vào năm Nhâm Thìn (1592).Trong khi đó điểm tựa trước đây luôn được tôn sùng là vua quan, triều đình lại bất lực, bỏ mặc dân đen. Trước tình hình đó nhân dân phải tìm một chỗ dựa mới cho mình ít nhất là về mặt tinh thần và khi đó Pansori đã được ra đời. Pansori là khúc hát về hiện thực tăm tối, về bộ mặt thật đang được phơi bày của xã hội đương thời. Xã hội trong những tác phẩm của Pansori chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội đương thời – một xã hội phong kiến cổ hủ lạc hậu đang trên đà sụp đổ, một 92
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 xã hội mà vua trở thành bù nhìn không còn khả năng quyết định và cứu giúp thần dân của mình thông qua tấm gương phản chiếu là Pansori, đời sống hiện thực đi vào trong lời ca tiếng hát rất đỗi thân quen và gần gũi. Những số phận con người, những mảnh đời éo le như được tạc lại một cách chân thực tỉ mỉ. Bộ mặt của xã hội phong kiến lạc hậu, của vua quan thời Joseong(조성) chưa bao giờ lại được hiện lên một cách chân thực đến thế. Trong vở Chun Hyang Ga (춘향가) nàng Chun Hyang (춘향) hiện lên với thân phận của một kỹ nữ - một thân phận có địa vị thấp nhất và bị khinh rẻ trong xã hội đương thời. Cũng chính bởi thân phận ấy mà biết bao sóng gió tủi cực đã ập đến cuộc đợi nàng. Tình yêu trong sáng, rất đáng ngưỡng mộ của nàng và Lee Mong Ryong (이몽룡) cũng bị ngăn cản bởi bức rào cản của định kiến xã hội chính là sự phân biệt giai cấp, đẳng cấp trong xã hội. Đối với thân phận của Chun Hyang (춘향) những người tôn trọng, khắt khe trong việc giữ gìn phong tục tập quán của xã hội sẽ nhìn Chun Hyang (춘향) trong hình thái của một kỹ nữ. Còn những ai đứng ở lập trường tiến bộ sẽ thấy việc đối xử với Chun Hyang (춘향) như một kỹ nữ là không thỏa đáng. Với thân phận là nữ giới lại bị coi là tầng lớp tận cùng của xã hội, nàng Chun Hyang (춘향) vẫn vươn lên phản kháng chế độ xã hội phong kiến đương thời bằng một tinh thần sắt đá, quật cường. Chính Chun Hyang (춘향) là hiện thân cho tầng lớp nhân dân của xã hội đương thời luôn khao khát được giải phóng mình, khao khát được tôn trọng, được sống với đúng nghĩa của một con người thực sự. Nếu như vở Chun hyang ga (춘향가) phản ánh nguyên hình chế độ hà khắc, bất công của xã hội đương thời thì vở Sim Cheong Ga (심청가) lại phản chiếu chân thực bức tranh cuộc sống nghèo khổ, bần hàn của người dân qua hai hình ảnh nàng Sim Cheong (심청) và người cha Simbongsa(심봉사). Vợ mất sớm Simbongsa (심봉사) một mình gà trống nuôi con trong cảnh tủi nhục.Sim Cheong (심청) lớn lên khó nhọc bằng dòng sữa mà ông bố mù lòa của mình ăn xin được. Vừa lớn Sim Cheong (심청) đã phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề vừa làm để kiếm sống vừa phụng dưỡng cha. Nhưng rồi Sim Cheong (심청) lại phải đối mặt với cái chết. Để cha mình có thể sáng mắt trở lại, Sim Cheong (심청) đã quyết định bán mình làm vật tế để đổi lấy 300 bao gạo cống vật. Vở kịch Sim cheong ga (심청가) không chỉ phản ánh cuộc sống nghèo đến cùng cực của người dân mà còn khắc họa tấm gương của một người con gái hiếu thảo như Sim cheong (심청). Pansori không chỉ mang đến bức tranh hiện thực cho người xem mà còn khơi dậy trong mỗi người sự đồng cảm, lòng khát khao được sống hạnh phúc, được giải phóng khỏi giới hạn của con người. Và phần sau của vở Sim cheong ga (심청가)chính là minh chứng cho điều đó. Nàng Sim cheong (심청) bị đưa đi làm tế vật cho thần biển, nàng nhảy xuống biển nhưng không chết mà lạc vào long cung và trở thành hoàng hậu. Ở đoạn kết Sim cheong (심청) gặp lại cha và giúp cha sáng mặt chính là kết thúc có hậu xứng đáng mà nhân dân dành cho hai nhân vật. Có thể thấy Pansori chủ yếu khắc họa những nỗi buồn đau da diết nhưng trong nỗi buồn ấy ta 93
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 không thấy nỗi tuyệt vọng, chán nản mà ta vẫn thấy đâu đó ánh sáng của sự lạc quan, hy vọng. Đó phải chăng là tư tưởng mà người dân Hàn Quốc muốn gửi gắm trong Pansori? 3.3.2 Quan họ Quan họ là một hinh thái sinh hoạt văn hóa dân gian, một tổng thể do nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật hợp thành, trong đó nổi bật là giá trị của nghệ thuật ca hát Quan họ với nội dung tư tưởng bao hàm nhiều ý nghĩa phong phú, sâu, rộng. Quan họ là một tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Bắc, trong một quá trình lịch sử lâu dài, có nhiều tầng, nhiều lớp trong một chỉnh thể văn hóa; gắn bó với văn hóa, văn minh làng xã, thu hút và biểu hiện những ước mơ; tập hợp và hành động chung cho những nguyện vọng, những khát khao của con người xứ Bắc nhiều đời, đối với quyền sống, quyền hạnh phúc của con người trên bình diện văn hóa – xã hội. Theo chiều dài lịch sử, Quan họ đã sáng tạo, dung nạp, chuyển hóa, sinh thành, đào thải để thích nghi, đáp ứng những nhu cầuvề văn hóa, nghệ thuật, những nguyện vọng về cuộc sống của cộng đồng người sáng tạo, nuôi dưỡng, giữ gìn, phát triển. Trong mọi chặng đường lịch sử giá trị nội dung bản chất của Quan họ giàu có, phức tạp, đa diện. Đến với ngày hội có hàng trăm nhóm Quan họ nam nữ tươi vui, mời chào, ca hát hoặc đến với một canh hát do Quan họ gái, trai mời nhau đến nhà ca một canh “Mừng xuân, mừng hội, vui bầu, vui bạn...”. Người đẹp, trang phục đẹp, cử chỉ đẹp, ngôn ngữ đẹp, tiếng nói, tiếng cười, miếng trầu, chén nước...Chuẩn mực văn hóa thắm đượm tình người, tình bạn, tình yêu “sum họp trúc mai”, “Bốn bể giao tình”, thế giới lung linh, say đắm của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, thật sự mang lại những khoảnh khắc hạnh phúc cho con người. Đến với Quan họ là đến với sự liên kết con người bằng sợi dây ân nghĩa, yêu thương, của tình bạn trọn đời, tình bạn truyền đời, tình yêu nam nữ mang màu sắc lý tưởng kiểu Quan họ như phong tục, lề lối Quan họ đã ước định. Con người có thêm sức mạnh, niềm tin yêu để chống lại sự cô đơn, sự bất lực trước một xã hội có nhiều bất công, áp bức đè nặng nhiều thế kỷ. Sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt thân phận nhất là trong xã hội xưa là nỗi đau tinh thần của nhiều người. Đến với Quan họ là đến với mối quan hệ tôn lẫn kính trung sự bình đẳng giữa người với người: giữa nam với nữ, giữa các thân phận khác nhau trong đời thường. Không ở đâu trong xã hội cũ con người lại được sống trong mối quan hệ “Người với người là bạn”như trong sinh hoạt văn hóa Quan họ. Có lẽ cũng bởi vậy mà bất chấp quy định của xã hội phong kiến ngặt nghèo trong việc đàn bà, con gái trước bàn thờ Thành hoàng vào những dịp lễ quan trọng, những liền anh, liền chị khi vào lễ thánh vẫn được các vị đứng đầu làng đón tiếp một cách trang trọng nồng hậu. Trước vũ trụ bao la huyền bí, nhiều rủi hơn may người Quan họ đã đến với tiếng hát làm nhịp cầu đến với thế giới tâm linh để cầu mưa, cầu phúc, cầu duyên hay giải hạn…hy vọng vượt qua mọi thác ghềnh, hy vọng tấm lòng thành kính tiếng hát diệu kỳ kia sẽ xua đi mọi tai ương bất hạnh mang lại niềm tin trong cuộc sống. 94
- HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA HÀN LẦN THỨ 5 Tháng 3 - 2011 III. KẾT LUẬN Bài nghiên cứu của chúng tôi còn rất nhiều thiếu sót nhưng chúng tôi hy vọng những kiến thức ít ỏi này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về Pansori, Quan họ và thêm yêu quý, trân trọng hai loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Chính các yếu tố như kỹ thuật hát, ngôn từ cũng như những nội dung tư tưởng chứa đựng trong Pansori và Quan họ đã làm nên nét độc đáo, tinh tế, đặc sắc ấy. Bất chấp dòng thời gian nghiệt ngã, Pansori và Quan họ vẫn khẳng định được vị trí của mình trong lòng người dân hai nuớc và cả thế giới. Pansori và Quan họ không chỉ là linh hồn, là tinh hoa của văn hóa Hàn- Việt mà còn là tinh hoa của nhân loại. IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình văn hóa Hàn Quốc 한국의 문화 욕사 자료집 II 2. 판소리 이야기 Câu chuyện về Pansori 3. Nghiên cứu khoa học:Vài nét khai quát về Pansori loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc của nhóm nghiên cứu Chu Thị Thanh Thúy, Dương Thị Tuyên, Lê Thị Hải Yến, Trần Thị Yến. 4. Ca dao trữ tình Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục-năm xuất bản 1998 do Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào sưu tầm và biên soạn). 5. Sv kinhbac.com 6. Quan ho.org 95
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn