intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng mức độ tham gia thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

6
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia của người dân Thành phố Thủ Dầu Một vào thị trường chứng khoán. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tham gia tại Thủ Dầu Một vẫn còn tương đối thấp. Nghiên cứu đã xác định các yếu tố chính như trình độ hiểu biết tài chính, ảnh hưởng xã hội và các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến mức độ tham gia đầu tư.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng mức độ tham gia thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một

  1. PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG MỨC ĐỘ THAM GIA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CỦA NGƯỜI DÂN THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT Võ Trung Hưng 1 1. Khoa Kinh Tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Nghiên cứu này khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia của người dân Thành phố Thủ Dầu Một vào thị trường chứng khoán. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tham gia tại Thủ Dầu Một vẫn còn tương đối thấp. Nghiên cứu đã xác định các yếu tố chính như trình độ hiểu biết tài chính, ảnh hưởng xã hội và các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến mức độ tham gia đầu tư. Dữ liệu được thu thập thông qua một cuộc khảo sát dành cho 150 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 14 phường của thành phố. Kết quả cho thấy có một khoảng cách lớn trong việc tham gia thị trường, với một bộ phận đáng kể của dân số cho thấy sự tham gia hạn chế. Nghiên cứu đề xuất việc nâng cao giáo dục tài chính, cải thiện quyền truy cập vào thông tin thị trường và hỗ trợ quy định có thể làm tăng tỷ lệ tham gia thị trường. Từ khóa: Hiểu biết tài chính, Hành vi đầu tư, Quy định thị trường, Tham gia thị trường chứng khoán Thành Phố Thủ Dầu Một. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua, đặc biệt là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đến cuối năm 2021, tổng giá trị vốn hóa thị trường đã đạt mức 919 triệu tỷ đồng, tương đương với 147.97% GDP, tăng 37.6% so với năm trước. Đáng chú ý, thị trường cổ phiếu niêm yết đã đạt gần 77 triệu tỷ đồng, chiếm 123.77% GDP và tăng 45.27% so với năm 2020; trong khi đó, thị trường trái phiếu gồm cả chính phủ và doanh nghiệp niêm yết đạt 15 triệu tỷ đồng, tương đương 24.19% GDP, tăng 8.45%. Chỉ số Vn-Index cũng đã đạt mức cao kỷ lục với 1.500 điểm vào ngày 25/11, phản ánh sự tăng gần 36% so với cuối năm 2020 (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2021). Thành phố Thủ Dầu Một, một trong những trung tâm đang phát triển nhanh chóng của tỉnh Bình Dương, không ngoại lệ trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng. Dù người dân tại đây ngày càng tiếp cận được nhiều thông tin và sản phẩm tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán, sự tham gia vào thị trường này vẫn chưa thể hiện được hết tiềm năng. Thị trường chứng khoán là một phần không thể thiếu của hệ thống tài chính, nơi diễn ra các hoạt động mua bán cổ phiếu và trái phiếu. Đặc điểm của thị trường này bao gồm hai phân khúc chính: thị trường sơ cấp, nơi các chứng khoán được phát hành lần đầu tiên, và thị trường thứ cấp, nơi các nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán với nhau (Fabozzi, Modigliani, & Jones, 2010). Thị trường chứng khoán không chỉ cung cấp cơ hội đầu tư mà còn phản ánh trạng thái kinh tế thông qua giá trị của các tài sản tài chính. 257
  2. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hình thức đầu tư truyền thống như "hụi" vẫn được ưa chuộng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn hoặc các thành phố nhỏ. Đây là hình thức đầu tư dựa trên mối quan hệ tin tưởng, không qua các kênh tài chính chính thức, phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận tài chính của người dân (Scott, 2004). Rủi ro là một yếu tố không thể tránh khỏi trong đầu tư, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán. Rủi ro đầu tư bao gồm sự không chắc chắn về lợi nhuận và khả năng mất vốn. Biến động lãi suất có thể ảnh hưởng đến giá trị của các loại chứng khoán, nhất là trái phiếu (Cox, Ingersoll, & Ross, 1985). Lý thuyết Tài chính Hành vi cho rằng quyết định đầu tư không chỉ dựa trên phân tích kinh tế mà còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý như lòng tham, nỗi sợ, và các yếu tố văn hóa (Barberis & Thaler, 2003). Điều này có thể dẫn đến các quyết định đầu tư không hiệu quả. Lý thuyết Thông tin bất cân xứng của Akerlof (1970) chỉ ra rằng sự chênh lệch thông tin giữa các bên trong giao dịch có thể dẫn đến quyết định sai lầm do thiếu thông tin đầy đủ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch cho các nhà đầu tư. Lý thuyết Ảnh hưởng xã hội giải thích cách mà các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi của người khác, dẫn đến hiện tượng "đám đông thông minh", nơi mọi người theo đuổi cùng một hướng đầu tư mà không cần phân tích kỹ lưỡng (Bikhchandani, Hirshleifer, & Welch, 1992). Lý thuyết Thanh khoản thị trường nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng mua bán cổ phiếu một cách dễ dàng, qua đó giảm thiểu chi phí giao dịch và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác hơn (Kyle, 1985). Các lý thuyết này giúp phân tích và hiểu sâu về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của người dân Thành phố Thủ Dầu Một. Qua đó, nghiên cứu này không chỉ phân tích các yếu tố kinh tế tài chính mà còn xét đến các yếu tố tâm lý và xã hội, cung cấp cái nhìn toàn diện về những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia của người dân Thành phố Thủ Dầu Một vào thị trường chứng khoán, từ đó đề xuất các chính sách thúc đẩy sự tham gia hiệu quả hơn. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở cấp quốc tế để tim hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Smith và cộng sự (2018) đã phân tích ảnh hưởng của các tin tức kinh tế lên hành vi đầu tư chứng khoán ở châu Âu và chỉ ra rằng những tin tức tiêu cực về kinh tế có thể gây ra phản ứng thái quá trong ngắn hạn từ phía nhà đầu tư. Công trình này cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa thông tin kinh tế và các quyết định đầu tư cá nhân, nhấn mạnh vai trò của thông tin trong việc hình thành quyết định đầu tư. Trong một nghiên cứu của Lee và Lee (2017), các tác giả khám phá ảnh hưởng của các nhân tố tâm lý đến quyết định đầu tư và chỉ ra rằng quá tự tin và sợ hãi có thể dẫn đến các quyết định sai lệch. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu hiểu biết về hành vi và quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân là hết sức cấp thiết. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai Hương và cộng sự (2022) tập trung vào việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân mới tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Sử dụng dữ liệu khảo sát từ 183 nhà đầu tư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 và phân tích bằng mô hình hồi quy đa biến, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng ý kiến của nhân viên tư vấn, thông tin thị trường, sự tự tin cá nhân và kết quả phân tích kỹ thuật là những nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ. Nghiên cứu của Lê Trung Hiếu (2023) tập trung vào việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tại Trà Vinh và đề xuất các giải pháp để thu hút đầu tư. Các phương pháp nghiên cứu định lượng như Cronbach’s Alpha, EFA 258
  3. và hồi quy Binary Logistic đã được sử dụng để xử lý dữ liệu từ 214 nhà đầu tư. Tác giả tìm thấy các kiến thức cơ bản về chứng khoán, hiểu các chỉ số tài chính và tiềm năng của các công ty trong các ngành khác nhau ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Phạm Ngọc Toàn và Nguyễn Thành Long (2019) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh bằng cách sử dụng phương pháp định tính và định lượng, các tác giả đã khảo sát 192 nhà đầu tư. Nghiên cứu tìm ra năm yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư bao gồm chất lượng thông tin, hình ảnh công ty, ý kiến tư vấn, tâm lý đám đông và sự tự tin thái quá. Nghiên cứu của Võ Thị Hiếu và cộng sự (2012) nhằm khám phá các nhân tố hành vi ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh. Phân tích hồi quy bội đã chỉ ra rằng các yếu tố như neo quyết định và sự quá tự tin ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư. Nghiên cứu của tôi tập trung vào Thành phố Thủ Dầu Một – một thị trường chứng khoán chưa được nghiên cứu. Điểm khác biệt khác là tôi khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia chứ không chỉ quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Điều này mở ra một góc nhìn mới về sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tại một thị trường ít phát triển hơn, từ đó đề xuất các chính sách và giải pháp thích hợp hơn cho địa phương này. Những điểm khác biệt này không chỉ làm rõ cấp thiết của nghiên cứu mà còn đề xuất các biện pháp cải thiện hiệu quả tham gia thị trường chứng khoán cho người dân tại Thủ Dầu Một, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao kiến thức tài chính cho cộng đồng. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nghiên cứu này đã áp dụng một phương pháp khảo sát khoa học để thu thập dữ liệu, nhằm đảm bảo tính đại diện và hiệu quả. Mẫu nghiên cứu gồm 150 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 14 phường của Thành phố Thủ Dầu Một. Để tiếp cận những người không thể gặp trực tiếp, tôi đã phát triển một bảng hỏi khảo sát thông qua Google Forms. Liên kết đến bảng hỏi được gửi qua email và các nền tảng mạng xã hội, kèm theo thông báo rõ ràng về mục đích nghiên cứu và cam kết bảo mật thông tin cá nhân. Quá trình khảo sát dự kiến diễn ra từ ngày 13/10/2023 đến ngày 13/11/2023. Phiếu khảo sát được thiết kế với 28 câu hỏi, chia thành: 6 câu hỏi về thông tin cá nhân (tuổi, giới tính, trình độ học vấn), 9 câu hỏi đánh giá mức độ hiểu biết về thị trường chứng khoán, 7 câu hỏi liên quan đến mức độ tham gia vào thị trường chứng khoán, 6 câu hỏi về ý kiến cá nhân đối với các chính sách và giải pháp hỗ trợ đầu tư chứng khoán. Dữ liệu thu thập được phân tích sử dụng thống kê mô tả để cung cấp cái nhìn rõ ràng về các đặc điểm và xu hướng của mẫu nghiên cứu. Tôi tính toán tuần suất và tỷ lệ phần trăm cho mỗi câu trả lời, và vẽ các biểu đồ hình tròn, cột, và tầng để trực quan hóa dữ liệu. Các biểu đồ này giúp thể hiện tỷ lệ phần trăm của các câu trả lời, so sánh số lượng hoặc tỷ lệ phần trăm giữa các nhóm khác nhau, và thể hiện mối quan hệ giữa các biến khác nhau. Qua đó, tôi sẽ phân tích và rút ra nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định và mức độ tham gia của người dân vào thị trường chứng khoán. Thông tin cá nhân của người khảo sát như tỷ lệ người tham gia theo tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, và thu nhập được thu nhập trên quy tắc cân bằng và hợp lý trong mẫu khảo sát để làm tăng tính đại diện của nghiên cứu. Đối sự phân bố đều về độ tuổi, từ thanh niên đến người cao tuổi, cho thấy mức độ quan tâm đến thị trường chứng khoán không bị hạn chế ở một 259
  4. nhóm tuổi cụ thể mà lan tỏa qua nhiều thế hệ. Nhóm tuổi 18-30 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong mẫu khảo sát, với 67.33%, trong khi các nhóm tuổi khác như 30-40 và trên 50 tuổi có tỷ lệ thấp hơn. Mẫu khảo sát cũng có sự cân bằng giới tính, với số lượng phụ nữ hơi nhiều hơn nam nhưng không đáng kể. Đồng thời, mẫu cũng bao gồm người dân từ nhiều phường khác nhau, với tỷ lệ cao nhất thuộc về Phú Hòa, thể hiện một đa dạng địa lý. Về trình độ học vấn, đa số người tham gia khảo sát có trình độ từ trung học phổ thông trở lên, với tỷ lệ cao nhất thuộc về nhóm có trình độ đại học và sau đại học. Điều này có thể phản ánh mức độ hiểu biết và quan tâm đến đầu tư chứng khoán. Sự đa dạng về ngành nghề và mức thu nhập của người tham gia khảo sát cũng là điểm đáng chú ý, cho thấy sự thu hút của thị trường chứng khoán đối với người dân từ nhiều lĩnh vực và tầng lớp kinh tế khác nhau. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Biểu đồ 1: Tỷ lệ người dân có nhu cầu tham gia vào thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 1 mô tả tỷ lệ người dân có nhu cầu tham gia thị trường chứng khoán cho thấy: 39.3% của mẫu khảo sát có ý định tham gia thị trường chứng khoán, cho thấy một lượng không nhỏ người dân có hứng thú đối với việc đầu tư chứng khoán. Điều này có thể phản ánh sự tăng trưởng của nhận thức về đầu tư tài chính và cơ hội kiếm lời từ thị trường chứng khoán trong khu vực. 60.7% của mẫu khảo sát không có nhu cầu tham gia thị trường chứng khoán. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với nhóm có nhu cầu, điều này có thể chỉ ra rằng một phần lớn người dân còn thiếu hiểu biết, thiếu hứng thú hoặc thiếu các nguồn lực cần thiết để tham gia vào loại hình đầu tư này. Các cơ quan chức năng có thể cân nhắc triển khai các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư cho người dân, từ đó tăng tỷ lệ tham gia thị trường chứng khoán. Biểu đồ 2: Tỷ lệ có người trong gia đình tham gia thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) 260
  5. Biểu đồ 2 cho thấy 37.3% gia đình ở Thành phố Thủ Dầu Một có ít nhất một thành viên đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong khi 62.7% không có ai tham gia. Sự tham gia vào thị trường chứng khoán của người thân đã đầu tư có thể khuyến khích các thành viên khác tham gia do truyền thống và kiến thức chia sẻ về đầu tư. Biểu đồ 3: Mức độ tham gia vào các thị trường tài chính Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 3 cho thấy người dân Thành phố Thủ Dầu Một chủ yếu không tham gia các thị trường tài chính, có thể do thiếu kiến thức tài chính hoặc quan tâm đến các kênh đầu tư. Hình thức tiết kiệm tiền trong ngân hàng hoặc tham gia hụi là phổ biến nhất, phản ánh sự ưa chuộng các kênh đầu tư truyền thống và an toàn. Thị trường vàng cũng được ưa chuộng do tính an toàn và khả năng tích lũy giá trị dài hạn. Trong khi đó, bất động sản và chứng khoán, với yêu cầu kiến thức và chuyên môn cao hơn, có mức độ tham gia ít hơn. Rất ít người tham gia vào các hình thức đầu tư khác. Những thông tin này cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường giáo dục tài chính để mở rộng sự tham gia của người dân vào các thị trường tài chính đa dạng hơn. Biểu đồ 4: Mức độ hiểu biết về thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 4 cho thấy mức độ hiểu biết về thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một. Phần lớn (80 người) chỉ có hiểu biết rất ít về thị trường chứng khoán, cho thấy một thiếu sót lớn về kiến thức tài chính trong cộng đồng. Một số ít hơn (57 người) có kiến thức cơ bản, biết đến những khái niệm chính và có thể đã thực hiện một số giao dịch đơn giản. Chỉ 261
  6. 13 người có hiểu biết chuyên sâu, cho thấy chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người dân đủ trình độ để phân tích và đầu tư một cách chuyên nghiệp. Tổng quan, mức độ hiểu biết về chứng khoán ở Thủ Dầu Một còn thấp, điều này đòi hỏi cần có những nỗ lực lớn trong việc giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư cho người dân. Biểu đồ 5. Mức độ theo dõi thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 5 thể hiện mức độ theo dõi thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một. Cụ thể, chỉ 13% người dân theo dõi thị trường "rất thường xuyên", trong khi 33% theo dõi "thường xuyên". Số lượng lớn nhất là nhóm "thỉnh thoảng" theo dõi, chiếm 60%, và có 44% người dân không theo dõi thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy dù có một tỷ lệ không nhỏ người dân quan tâm đến thị trường, đa số vẫn chỉ theo dõi một cách lỏng lẻo hoặc không hề theo dõi. Điều này phản ánh sự thiếu hụt trong kiến thức hoặc sự quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán, cũng như cơ hội để tăng cường giáo dục và cung cấp thông tin về đầu tư chứng khoán cho cộng đồng. Biểu đồ 6. Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) 262
  7. Biểu đồ 6 phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một chỉ ra rằng, chính sách và quy định của Chính phủ là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất, điều này cho thấy tầm quan trọng của các điều kiện pháp lý và khuôn khổ chính sách trong việc hình thành thái độ và hành vi đầu tư. Tình hình kinh tế tổng thể, đặc biệt là các tác động từ dịch bệnh COVID-19, cũng đóng vai trò quan trọng, phản ánh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô đến quyết định cá nhân. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết và kỹ năng cá nhân trong việc đầu tư chứng khoán cũng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tham gia của nhà đầu tư. Đồng thời, sự ổn định chính trị và niềm tin vào khu vực cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán tác động không nhỏ tới quyết định đầu tư. Những yếu tố này cùng nhau tạo nên một bức tranh đa diện về các động lực đằng sau quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán tại Thành phố Thủ Dầu Một. Biểu đồ 7. Mức độ tin và khả năng sinh lời trên thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 7 cho thấy mức độ tin tưởng vào khả năng sinh lời của thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một. Theo đó, đa số người dân (68%) tin tưởng vào khả năng sinh lời từ thị trường này, phản ánh một niềm tin tích cực vào việc đầu tư chứng khoán như một lựa chọn sinh lời hiệu quả. Trong khi đó, có 32% số người không tin tưởng vào khả năng này, có thể do nhận thức về rủi ro hoặc thiếu hiểu biết về thị trường. Sự chênh lệch này cho thấy mặc dù có một tầng lớp dân cư nhìn nhận tích cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân còn e ngại hoặc không đủ thông tin để tin tưởng vào thị trường chứng khoán. Biểu đồ 8. Mức độ nhận biết về rủi ro thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) 263
  8. Biểu đồ 8 phản ánh mức độ nhận biết rủi ro trên thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một với mức hiểu biết cao nhất về rủi ro mất vốn (100%), cho thấy người dân rất ý thức được khả năng mất vốn khi tham gia thị trường. Rủi ro thị trường và rủi ro lãi suất cũng được hiểu rõ với tỷ lệ khoảng 80%, trong khi rủi ro thị trường toàn cầu nhận được sự nhận biết ở mức 60%. Tuy nhiên, kiến thức về rủi ro cổ phiếu, rủi ro liên quan đến cơ hội và rủi ro tâm lý còn thấp, chỉ khoảng 20-40%, cho thấy sự thiếu hụt trong hiểu biết sâu hơn về các yếu tố phức tạp và tâm lý liên quan đến đầu tư chứng khoán. Điều này cần được cải thiện để người dân có thể tham gia thị trường một cách hiệu quả và an toàn hơn. Biểu đồ 9. Ý kiến của người dân về mức độ hỗ trợ của nhà nước về thị trường chứng khoán Nguồn: Tác giả tính toán, (2023) Biểu đồ 9 thể hiện rõ ràng quan điểm của người dân Thành phố Thủ Dầu Một về vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ và phát triển thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, có một sự ủng hộ mạnh mẽ cho các biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường, với 35.33% người dân hoàn toàn đồng ý và thêm 30% đồng ý rằng nhà nước cần đưa ra các chính sách như cung cấp thông tin đầy đủ và hỗ trợ tài chính khi cần thiết. Điều này cho thấy một nhu cầu rõ ràng cho sự can thiệp tích cực để đảm bảo sự ổn định và tính thanh khoản của thị trường. Sự đồng thuận cũng cao đối với việc tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động giao dịch trên thị trường để bảo vệ nhà đầu tư, với 39.33% hoàn toàn đồng ý rằng điều này là cần thiết. Điều này phản ánh một sự quan tâm đến việc duy trì một môi trường đầu tư công bằng và minh bạch, giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận và lạm dụng thị trường. Tuy nhiên, khi xét đến việc đưa ra các chính sách mới cho các tài chính hiện đại để thu hút đầu tư, chỉ có 36.67% hoàn toàn đồng ý, cho thấy mặc dù có sự ủng hộ nhưng vẫn còn một số e ngại hoặc thiếu thông tin về lợi ích và rủi ro của những sáng kiến mới. Điều này có thể chỉ ra rằng nhà nước cần tăng cường công tác giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức về các chính sách mới và khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn từ phía công chúng. Ngoài ra, mặc dù có một số sự hỗ trợ cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư thông qua các chính sách phù hợp (40% hoàn toàn đồng ý), vẫn có một tỷ lệ không nhỏ người dân chỉ trung lập hoặc không đồng ý, cho thấy cần có sự cải thiện và minh bạch hơn trong việc thiết kế và triển khai các chính sách để chúng thực sự hiệu quả và dễ tiếp cận cho tất cả các nhà đầu tư. 264
  9. Tóm lại, người dân Thủ Dầu Một nhận thức rõ về vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ thị trường chứng khoán nhưng vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào sự phát triển các chính sách hiệu quả và minh bạch, cũng như tăng cường giáo dục tài chính để mọi người có thể tham gia một cách an toàn và hiệu quả vào thị trường chứng khoán. 4. KẾT LUẬN VÀ THẢO LUẬN Phân tích từ các biểu đồ và dữ liệu thu thập cho thấy mức độ tham gia vào thị trường chứng khoán của người dân Thành phố Thủ Dầu Một còn tương đối hạn chế. Mặc dù có một tỷ lệ không nhỏ của các gia đình đã có thành viên tham gia đầu tư vào thị trường này, phần lớn dân số vẫn chưa tham gia. Sự thiếu hụt trong kiến thức và nhận thức về thị trường chứng khoán, cũng như sự hiểu biết về các rủi ro liên quan, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự tham gia này. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả đã được quan sát ở các nghiên cứu tương tự của Nguyễn Thị Mai Hương và cộng sự (2022), cũng như Phạm Ngọc Toàn và Nguyễn Thành Long (2018). Cả hai đều nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý cá nhân và sự tự tin thái quá, thiếu kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo và nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư, nhất là những người mới, để họ có thể đưa ra quyết định dựa trên phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan hơn, không bị ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý đám đông hoặc các yếu tố bên ngoài không liên quan đến bản chất tài chính của công ty. Để nâng cao nhận thức và kiến thức về thị trường chứng khoán trong cộng đồng, việc triển khai các chương trình giáo dục tài chính là cần thiết. Các chương trình này nên bao gồm việc cung cấp các khóa học miễn phí hoặc với chi phí thấp, bao gồm các nội dung từ cơ bản đến nâng cao như phân tích rủi ro, chiến lược đầu tư, và lập kế hoạch tài chính cá nhân. Qua đó, người dân không chỉ được trang bị kiến thức cần thiết mà còn phát triển được kỹ năng đánh giá và quản lý tài sản của bản thân một cách hiệu quả. Một mặt khác, phát triển một nền tảng trực tuyến hoặc ứng dụng di động có khả năng cung cấp thông tin thời gian thực về các diễn biến của thị trường chứng khoán, bao gồm cả các bài học về đầu tư và các công cụ hỗ trợ đầu tư, là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Nền tảng này sẽ giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó có thể đưa ra các quyết định đầu tư thông minh hơn dựa trên dữ liệu và phân tích đáng tin cậy. Kết luận này được củng cố bởi khuyến nghị chính sách của Lê Trung Hiếu (2023), về việc cần cải thiện việc cung cấp và truy cập thông tin, điều đã được đề cập trong đề xuất phát triển nền tảng trực tuyến hoặc ứng dụng di động cung cấp thông tin thị trường chứng khoán thời gian thực và các công cụ hỗ trợ đầu tư Để đảm bảo một thị trường chứng khoán công bằng và minh bạch, việc tăng cường giám sát và cải tiến các quy định là cực kỳ quan trọng. Nhà nước cần đề xuất và thực thi các quy định nghiêm ngặt về công bố thông tin tài chính cho các công ty niêm yết và áp dụng các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư mạnh mẽ để nâng cao niềm tin và sự an toàn cho nhà đầu tư. Điều này sẽ không chỉ tạo dựng được một môi trường đầu tư lành mạnh mà còn thu hút nguồn vốn đầu tư mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Theo La Porta et al. (2006), quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là yếu tố thiết yếu để duy trì niềm tin vào thị trường và khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn. Ngoài ra, việc cung cấp các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho những người mới bắt đầu sẽ giúp giảm bớt các rào cản tài chính, khuyến khích nhiều người tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán, từ đó góp phần vào việc tăng tính thanh khoản và sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Poterba, J. (2001) đã phân tích rằng chính sách thuế ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của cá nhân, trong đó các ưu đãi thuế có thể khuyến khích đầu tư vào các kênh đầu tư rủi ro cao hơn như thị trường chứng khoán bằng cách giảm thiểu gánh nặng tài chính và rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư. 265
  10. Về mặt hạn chế, nghiên cứu cần được mở rộng để hiểu sâu hơn về những yếu tố cá nhân hoặc văn hóa có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của người dân. Điều này có thể bao gồm việc khảo sát rộng rãi hơn về các yếu tố như thu nhập, trình độ học vấn, và quan điểm rủi ro cá nhân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Akerlof, G. A. (1970). The market for 'lemons': Quality uncertainty and the market mechanism. The Quarterly Journal of Economics, 84(3), 488-500. 2. Barber, B. M., & Odean, T. (2001). The internet and the investor. Journal of Economic Perspectives, 15(1), 41-54. 3. Barberis, N., & Thaler, R. (2003). A survey of behavioral finance. Handbook of the Economics of Finance, 1, 1053-1128. 4. Bikhchandani, S., Hirshleifer, D., & Welch, I. (1992). A theory of fads, fashion, custom, and cultural change as informational cascades. Journal of Political Economy, 100(5), 992-1026. 5. Cox, J. C., Ingersoll, J. E., & Ross, S. A. (1985). A theory of the term structure of interest rates. Econometrica, 53(2), 385-407. 6. Fabozzi, F. J., Modigliani, F., & Jones, F. J. (2010). Foundations of financial markets and institutions (4th ed.). Pearson. 7. Kahneman, D., & Tversky, A. (1979). Prospect theory: An analysis of decision under risk. Econometrica, 47(2), 263-291. 8. Kyle, A. S. (1985). Continuous auctions and insider trading. Econometrica, 53(6), 1315-1335. 9. La Porta, R., Lopez-de-Silanes, F., Shleifer, A., & Vishny, R. (2006). What works in securities laws? The Journal of Finance, 61(1), 1-32. 10. Lusardi, A., & Mitchell, O. S. (2014). The economic importance of financial literacy: Theory and evidence. Journal of Economic Literature, 52(1), 5-44. 11. Myers, S. C., & Majluf, N. S. (1984). Corporate financing and investment decisions when firms have information that investors do not have. Journal of Financial Economics, 13(2), 187-221. 12. Poterba, J. M. (2001). Taxation, risk-taking, and household portfolio behavior. The Handbook of Public Economics, 3, 1109-1171. 13. Shiller, R. J. (2005). Irrational exuberance (2nd ed.). Princeton University Press. 14. Smith, J., & nnk (2018). Economic news and stock market correlation: A study of the European market. European Financial Management Journal. 15. Thaler, R. H. (2015). Misbehaving: The making of behavioral economics. W. W. Norton & Company. 16. Lê Trung Hiếu (2023). Nhân tố tác động đến quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tại Trà Vinh. Tạp chí Tài chính. 17. Nguyễn Thị Mai Hương và nnk (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, 227(09), 259-267. 18. Phạm Ngọc Toàn và Nguyễn Thành Long (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Tạp chí Công thương. 19. Võ Thị Hiếu và nnk (2020). Tác động của các yếu tố hành vi đến quyết định và hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật, 31(3), 2020. 20. Tiến Đạt (2022). Thị trường chứng khoán Việt Nam: Năm 2021 xác lập các kỷ lục và triển vọng năm 2022. Bộ Tài chính NIF. 21. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (2021). Báo cáo thường niên về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam. 266
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2