intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

4
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở phân tích lý luận về sức mạnh mềm văn hóa, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế đến sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, bài viết "Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế" đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” PHÁT HUY SỨC MẠNH MỀM VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Nguyễn Thị Hoài Thanh Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Hoài Thanh, email: nguyenhoaithanh.sfl@tnu.edu.vn Tóm tắt: Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt - Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; sự gắn kết này nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra luận đề “Khát vọng hùng cường” với các cột mốc thời gian cụ thể. Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bằng lối đi riêng của mình, với “sức mạnh mềm” (SMM), văn hóa đã và đang kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống dân tộc, khơi dậy ý chí và khát vọng của con người hướng tới sự phồn vinh của đất nước. Trên cơ sở phân tích lý luận về SMM văn hóa, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế đến SMM văn hóa Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy SMM văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ khóa: văn hóa; sức mạnh mềm văn hóa; toàn cầu hóa. 1. MỞ ĐẦU Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như những thành tựu của hơn 35 năm đổi mới ở nước ta có sự đóng góp của nhiều nhân tố, trong đó, không thể không nói tới những yếu tố thuộc về “sức mạnh mềm”, đặc biệt là sức mạnh từ truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết, tính cố kết cộng đồng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thắng cường bạo”, hai câu thơ nổi tiếng trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã thể hiện rất sâu sắc ý chí và văn hóa của người Việt Nam. Những giá trị văn hóa, tư tưởng, triết lý, nhân sinh quan của Việt Nam từ xưa đến nay luôn có sự tương đồng với những giá 465
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG trị mà thế giới cũng đều đang chia sẻ và hướng tới. Đây là nền tảng thuận lợi để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, qua đó phát huy sức mạnh mềm của dân tộc, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. 2. SỨC MẠNH MỀM VĂN HÓA VIỆT NAM Sức mạnh mềm (soft power) là một thuật ngữ xuất hiện khá sớm trong giới học thuật phương Tây. Khái niệm “sức mạnh mềm” được nhắc đến đầu tiên năm 1973, trong cuốn Sức mạnh và thịnh vượng của Klaus Knorr (Nguyễn V. Đ., 2016). Nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ XX, thuật ngữ này mới chính thức được Joseph Samuel Nye (nhà nghiên cứu chính trị học quốc tế Mỹ, giáo sư Đại học Haward, nguyên trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 1977 đến 1979) hoàn thiện về mặt khái niệm và từng bước tạo dựng thành một hệ thống lý luận có khả năng ứng dụng phổ biến trong quan hệ quốc tế. Với các nghiên cứu của mình, J. Nye đã mang lại cái nhìn mới về quyền lực trong quan hệ quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Trong cuốn Quyền lực mềm: Cách thức đạt đến thành công trong chính trị thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics). Đi từ lý thuyết đến thực tiễn, tác phẩm mang lại những phân tích sâu sắc mà qua đó chúng ta thấy được vai trò nổi bật của SMM trong quan hệ quốc tế. Trên cơ sở đó, J. Nye đã đưa ra khái niệm về sức mạnh mềm: “Đó là khả năng đạt được những gì bạn muốn thông qua sự hấp dẫn hơn là ép buộc hoặc thanh toán. Nó nảy sinh từ sự hấp dẫn của nền văn hóa, lý tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Khi chính sách của chúng tôi được xem là hợp pháp trong mắt của người khác, quyền lực mềm của chúng tôi được tăng cường… Nhưng sự thu hút có thể chuyển sang sự ghê tởm nếu chúng ta cư xử một cách kiêu căng và phá hủy thông điệp thực sự về những giá trị sâu sắc hơn” (Nye, 2009). Theo lý thuyết của J. Nye, sức mạnh mềm của quốc gia dựa trên ba nguồn cơ bản: Văn hóa của một quốc gia (có sức hấp dẫn đối với quốc gia khác); Các giá trị chính trị (dân chủ, nhân quyền, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội); và các chính sách đối ngoại (khi được coi là uy tín và có đạo đức). Trong ba nguồn tạo nên sức mạnh mềm, J. Nye đặc biệt đề cao nguồn lực về văn hóa. Văn hóa hiện diện ở các cấp độ vô cùng đa dạng, các nền văn hóa khác nhau tương tác theo những cách thức khác nhau, là kênh truyền bá giá trị và tư tưởng chính trị của một quốc gia. Khi đến thăm Việt Nam vào năm 2010, J. Nye đã đánh giá: “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng 466
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm và có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình” (Kim & Nguyễn, n.d.). Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, ngay từ khi mới thành lập, đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một cách rõ ràng rằng, cách mạng văn hóa là một bộ phận cấu thành của cách mạng Việt Nam; đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa là một bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu trong đường lối chung của cách mạng Việt Nam. Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm nổi tiếng khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự là tư tưởng đã đi trước thời đại. Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết nêu lên 5 quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng XI (năm 2011) thông qua, đã định hướng phát triển văn hóa: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Năm 2014, sau khi tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, rà soát lại các quan điểm chỉ đạo về văn hóa, Đảng ta hoàn thiện, bổ sung thành 5 quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung 467
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2014). Tại Đại hội XIII, lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng, thuật ngữ “sức mạnh mềm văn hóa” xuất hiện. Điều này đã thể hiện bước đột phá trong tư duy nhận thức về vai trò của văn hóa trong bối cảnh hội nhập, phát triển đất nước ở mọi lĩnh vực. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cần phải “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 145-146). Có thể nói, SMM văn hóa là lực tụ hội, lực hấp dẫn, lực tác động văn hóa của một quốc gia. Đó là sức mạnh xuất phát từ việc tổng hợp, phát huy cao độ sức mạnh của nhân tố nội sinh và ngoại sinh để hình thành hệ giá trị có sức lan tỏa lớn. Xây dựng SMM văn hóa phải xuất phát từ chiến lược xây dựng đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển, phải đặt xây dựng SMM văn hóa trong tương quan với xây dựng “sức mạnh cứng” kinh tế, làm sao cho “sức mạnh cứng” kinh tế và SMM văn hóa cùng phát triển, đồng thời xử lý tốt các quan hệ trong quá trình phát triển đất nước. 3. THỰC TRẠNG SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUÁ TRÌNH TOÀN CẦU HÓA, HỘI NHẬP QUỐC TẾ ĐẾN SỨC MẠNH MỀM VĂN HÓA VIỆT NAM HIỆN NAY 3.1. Thực trạng sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam Sức mạnh văn hóa là một trong những thành tố cốt lõi, cơ bản cấu thành nên sức mạnh mềm của một quốc gia. Xuất phát muộn hơn các nước trên thế giới trong cuộc đua sức mạnh mềm văn hóa, Việt Nam dù chưa nằm trong danh sách xếp hạng Soft Power 30 nhưng lại là quốc gia có thế mạnh về tài nguyên mềm văn hóa phong 468
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” phú. Nhận thức rõ về thế mạnh này, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt coi trọng phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa để quảng bá hình ảnh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế về văn hóa, từ đó góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Trong thời gian qua, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên đã trở thành sức hấp dẫn, thu hút sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Công tác quản lý, bảo tồn, tôn vinh, phát huy và quảng bá các thành tố sức mạnh mềm văn hóa nằm trong nguồn tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên của nước ta đã nhận được sự quan tâm, góp sức của cả cộng đồng trong nước và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế thông qua sự công nhận của các tổ chức văn hóa quốc tế và gia tăng du khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, di sản thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận có đủ cả ba loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Di sản thiên nhiên gồm: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn. Di sản văn hóa là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ. Di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 Di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào các danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (Representatitive List of the Intangible Cultural Heritage of Humanity) và cần được bảo vệ khẩn cấp, đó là: Xòe Thái; Hát then; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ; Nghi lễ Kéo co; Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát xoan Phú Thọ; Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội; Ca trù; Dân ca Quan họ; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc cung đình Huế. Việt Nam được Ủy ban Sinh quyển và Con người thuộc UNESCO công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; Khu dự trữ sinh quyển 469
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Đồng Nai; Khu dự trữ sinh quyển Langbian; Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa; Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. Di sản tư liệu tại Việt Nam do Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO công nhận gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, Châu bản triều Nguyễn (“Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam,” n.d.). Chính sự vinh danh di sản đã góp phần “quảng bá, tôn vinh văn hóa địa phương với du khách trong và ngoài nước, kích thích sự quan tâm đối với di sản, là nguồn lợi để thúc đẩy du lịch phát triển” (Từ, 2014, 366-367). Với nguồn tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú nên Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững, là nguồn lực có “sức mạnh mềm” hấp dẫn du khách quốc tế đến với Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng không chỉ về quy mô du khách mà còn tăng cả về tốc độ tăng trưởng du khách. Bảng 1. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2011-2019 Nguồn: Tổng cục Thống kê GSO (2019); Cơ sở dữ liệu CEIC (2019). Theo nội dung báo cáo TTCI năm 2019 của WEF thì du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 67 trên 136 quốc gia có tham gia khảo sát. Thứ hạng này đã tăng 3.4% so với thứ hạng năm 2017, và tăng 22 bậc hạng so với năm 2009 (hạng 89). 470
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Bảng 2. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam theo 14 nhóm tiêu chí Thứ tự Tiêu chí Thứ hạng Nhóm Các nguồn Năng lực cạnh tranh du lịch 136 1 Môi trường kinh doanh du lịch 68 2 An toàn và an ninh 57 3 Sức khỏe và vệ sinh 82 4 Nguồn nhân lực và Thị trường lao động 37 5 Nền tảng công nghệ sẵn sàng 80 6 Chính sách ưu tiên du lịch 101 7 Hội nhập quốc tế 73 8 Chỉ số giá tiêu dùng 35 9 Môi trường bền vững 129 10 Hạ tầng giao thông hàng không 61 11 Hạ tầng đường bộ và cảng du lịch 71 12 Cơ sở vật chất dịch vụ du lịch 113 13 Tài nguyên tự nhiên 34 14 Tài nguyên văn hóa và Business Travel1 30 Nguồn: Nghiên cứu số liệu từ World Economic Forum Dựa theo số liệu tại Bảng 2, có thể thấy nhóm 14 (tài nguyên văn hóa) đang có thứ hạng cao nhất so với các nhóm tiêu chí còn lại. Văn hóa trở thành “nguồn lực mềm”, chất xúc tác quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Mặc dù, đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nhưng xét một cách tổng thể, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam vẫn chưa vượt qua được nhiều giới hạn. Trong đó, nếu công nghiệp văn hóa vốn được xem là một trong những kênh truyền dẫn chiến lược của nhiều nước về sức mạnh mềm văn hóa trong cạnh tranh quốc tế, thì ở Việt Nam hiện nay đây lại là liên kết 1 Du lịch công tác, công vụ, một dạng của du lịch M.I.C.E. 471
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG yếu trong chuỗi liên kết các kênh truyền dẫn của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Mặc dù năm 2019, các ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 3,61% GDP của cả nước, nhưng nhìn một cách tổng thể, điều này chưa phản ánh được thực lực của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nếu khai thác hiệu quả tối đa ở kênh truyền dẫn này. Trong thời gian qua, sự thay đổi tư duy, những đổi mới về phương thức hoạt động, khuyến khích đầu tư xã hội đã từng bước tạo sự bứt phá ở một số ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, điện ảnh, thời trang để trở thành các ngành có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, lan tỏa hình ảnh quốc gia ra thế giới và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhưng đối với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn thị trường văn hóa trong và ngoài nước như một dạng chuyển hóa thành công của sức mạnh mềm văn hóa đã chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Những nguyên nhân và thách thức dẫn đến tình trạng trên phần lớn nhìn nhận ở tư duy xem nhẹ việc coi công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực đầu tư, việc mở cửa cho khu vực tư nhân, hoặc hợp tác công tư trong các ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều rào cản. Đặc biệt một thách thức bao trùm lên các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là hệ thống quản lý phân tách khó mang lại một phương thức tiếp cận tổng thể để cơ chế chuyển hóa sức mạnh mềm văn hóa vận hành hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, con đường vươn tầm thương hiệu, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn rất khó khăn đối với Việt Nam và chúng ta chưa có nhiều thương hiệu đủ sức vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Hạn chế tiếp theo là cơ chế phối hợp giữa các kênh truyền dẫn sức mạnh mềm văn hóa còn thiếu đồng bộ do Việt Nam thiếu một chiến lược quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Đây là điểm cốt yếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 3.2. Tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đến sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn là phát huy giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới, cũng như cần thiết phải định hình được vị 472
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” trí, vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại hiện tại và tương lai. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: “Khẩn trương (...) xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam (...) từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 145- 147). Đồng thời cần nhận thức sâu sắc quan điểm “Bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc” (Lê, 2019) để chủ động ứng phó với sự xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn hóa có nguy cơ ngày càng thâm độc và tinh vi hơn. Bởi với tiềm lực kinh tế, quân sự, công nghệ và truyền thông hiện đại, một số thế lực cường quyền vẫn đang ra sức thực hiện âm mưu xâm lược, chuyển hóa chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa ở những quốc gia, dân tộc khác bằng “quyền lực mềm”, khi mà việc sử dụng “quyền lực cứng” tỏ ra không thành công như mong đợi. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ giữa vật lý, công nghệ thông tin, công nghệ số và công nghệ sinh học mang lại cơ hội lớn cho các nước đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam để có thể rút ngắn quá trình phát triển bằng cách “đi tắt, đón đầu”, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Đây là cơ hội để nước ta nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các ngành, nghề truyền thống cũng như việc tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/Internet để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững với giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, con người. Kết nối Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,... giúp hình thành nền kinh tế số, xã hội số và văn hóa số; mọi người được tiếp cận và khai thác lượng thông tin đồ sộ của toàn nhân loại. Các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, Tiktok,...) đã trở thành hiện tượng văn hóa mới, diễn ra các hoạt động thông tin, văn hóa đa dạng và phong phú, chứa đựng nhiều giá trị và cả phản giá trị, lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa và hạn chế, phá hoại sức mạnh mềm văn hóa quốc gia... Việc hình thành các phương tiện truyền thông xã hội, các phương thức mới liên kết xã hội trong môi trường mạng đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý, phát triển văn hóa, thông tin. Cần chủ động sử dụng và phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông truyền thống và các phương tiện truyền thông hiện đại trong tổ chức các hoạt động văn hóa để thích ứng sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát triển công nghiệp 473
  10. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, 130). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu lên yêu cầu mới là: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 214). Tuy nhiên, cần nhận thấy mặt trái của công nghệ, những thay đổi về cách thức giao tiếp, thông tin và văn hóa trên Internet cũng đặt con người và văn hóa xã hội gặp nhiều nguy hiểm, bất trắc, khó lường... Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh văn hóa, an ninh con người, an ninh phi truyền thống, quyền sở hữu trí tuệ, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia... Các phương tiện truyền thông xã hội, mạng viễn thông, Internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thể chế chính trị, an ninh quốc gia, an ninh văn hóa, an ninh con người... Mặt trái của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn có thể gây ra sự bất bình đẳng về văn hóa, xã hội. Nó có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống, có thể làm gia tăng mức chênh lệch về cơ hội tiếp cận công nghệ và phúc lợi xã hội về văn hóa của các nhóm dân cư; nó có thể làm gia tăng sự xâm nhập của các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, phi nhân tính không phù hợp với nền tảng tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa; âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đòi hỏi cần gia tăng sức đề kháng và sự chủ động ứng phó, kiểm soát tốt. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT HUY SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Một là, nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò sức mạnh mềm của văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Cần tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức sâu rộng trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc bảo 474
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là nhận thức tư tưởng của cán bộ quản lý của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tạo ra sự chuyển biến thực chất trong việc ban hành chính sách phát triển văn hóa, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa ở các địa phương. Hai là, quan tâm chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua đó là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa và phát triển. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt thu hút các nguồn lực nhằm tập trung cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Vì vậy, nhiều di tích đã được giữ gìn và trở thành điểm đến hấp dẫn, địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích khi được phát huy giá trị đã thực sự trở thành không gian văn hóa được người dân chung tay bảo tồn, phát triển. Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện căn cứ pháp lý cho phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn. Quản lý và điều hành văn hóa, lãnh đạo văn hóa trong bối cảnh mới phải đổi mới tư duy, thay vì làm văn hóa phải chuyển sang quản lý nhà nước về văn hóa. Muốn vậy, phải hoàn thiện về thể chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý. Ngành văn hóa cần rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng để xem lĩnh vực nào đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Cần phát hiện được những “điểm nghẽn” để xây dựng quy định pháp luật, nói rộng hơn là các luật, nghị định, thông tư theo hướng tiếp cận xây dựng luật là phải tạo ra động lực phát triển. Tất cả những nội dung trên phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể ổn định và dễ thực hiện. Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. 475
  12. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại (...) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 161-164); “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 147). Cần nhận thức sâu sắc, công tác đối ngoại và ngoại giao văn hóa không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành ngoại giao, ngành văn hóa mà phải là nhiệm vụ của tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong nước, cơ quan đại diện và người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa để phổ biến và lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam trong lịch sử, nhất là về thời đại Hồ Chí Minh, thời đại vinh quang, vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam; giúp các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển; ủng hộ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tăng cường mở rộng đầu tư, kinh doanh, du lịch vào Việt Nam... Đồng thời các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa cũng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta có hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa trên thế giới; tiếp thu, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm quốc tế, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Năm là, tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Theo Tổ chức UNESCO: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn” (Vũ & Hoàng, 2016). Vì vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những ngành kinh tế - văn hóa mũi nhọn, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế, văn hóa và quảng bá sức mạnh mềm quốc gia. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, báo chí, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và 476
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” triển lãm, truyền hình và phát thanh, khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, hàng hóa văn hóa thông thường mà còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các thành tố nằm trong nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, Việt Nam cần: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư tài chính; Tăng cường cơ chế hợp tác công - tư nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống - hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa; Tăng cường truyền thông chiến lược quảng bá hình ảnh, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Sáu là, phát triển kinh tế du lịch. Trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, kinh tế du lịch đã và đang chiếm vị trí quan trọng. Vai trò của kinh tế du lịch không chỉ thể hiện dưới góc độ đóng góp vào GDP, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà nó còn là phương thức để kết nối - giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển bền vững đất nước là: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 145-146). Phát triển du lịch cũng chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đã và đang lựa chọn hiệu quả. Du lịch, nhất là du lịch văn hóa góp phần rất quan trọng trong việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho tăng trưởng và phát triển bền vững; làm cho du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư, kinh doanh,... hiểu và yêu mến hơn đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển mạnh các loại hình và sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể sản xuất và chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa dân tộc vào trong các loại hình và sản phẩm du lịch. Làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng thương hiệu, biểu trưng quốc gia với hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam - điểm đến tươi đẹp, thân thiện, hấp dẫn và an toàn. 477
  14. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 5. KẾT LUẬN Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tương ứng với đó là sự đa dạng trong văn hóa. Mỗi dân tộc, mỗi khu vực trên lãnh thổ Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn của con người Việt và của văn hóa Việt Nam. Những dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong nếp sống, trang phục, lễ hội, trong ăn uống, cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày,... của các đồng bào dân tộc là tài sản quý báu được lưu truyền qua các thế hệ. Trong bối cảnh và các điều kiện của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, những giá trị văn hóa này đã và đang chịu những ảnh hưởng nhất định theo các chiều hướng khác nhau cùng với sự phát triển của thời đại mới. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phát huy những tiềm năng sẵn có trong giá trị văn hóa để đưa vào khai thác hiệu quả hơn, từ đó phát huy được vai trò và sức mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi việc xây dựng một lộ trình thích hợp và sự đầu tư chiều sâu cho từng di tích, thắng cảnh, lễ hội; đồng thời cần có sự chú ý thường xuyên trong công tác quảng bá, giới thiệu với nhiều hình thức để người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (1998). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (No. 03-NQ/TW). [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011, March 24). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Tạp chí xây dựng Đảng. http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/ Van-kien-Dang-Nha-nuoc/2011/3525/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong- thoi-ky-qua-do-len.aspx [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2014, November 6). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/thoi-su/nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-9- khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-dap-ung- yeu-cau-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-251604.html [4]. Đảng Cộng sản Việt Nam,. (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Chính trị Quốc gia. 478
  15. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” [5]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Vol. 1). Chính trị quốc gia Sự thật. [6]. Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam. (n.d.). In Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Danh_hi%E1%BB%87u_UNESCO _%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam&oldid=68617305 [7]. Kim, C., & Nguyễn, H. (n.d.). Sức mạnh mềm Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới. Báo Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/chuyen-dai-su-suc- manh-mem-viet-nam-trong-thoi-ky-chien-luoc-moi-136735.html [8]. Lê, K. P. (2019). Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân - Trang thông tin điện tử Huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hóa. Trang thông tin điện tử huyện Như Xuân. https://nhuxuan.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2019-8-26/Dien-van-tai-Le- ky-niem-70-nam-Ngay-thanh-lap-Dangw1nhvd.aspx [9]. Nye, J. S. N. (2009). Soft Power: The Means To Success In World Politics. Hachette UK. [10]. Từ, T. L. (2014). Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tai Việt Nam. 366-367. [11]. Vũ, Đ. T., & Hoàng, K. L. (2016). “Công nghiệp văn hóa.” Tạp Chí Lý Luận Chính Trị. 479
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0