intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển hệ thống đổi mới Quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

37
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia (HTĐMQG) có tầm quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ. Cách tư duy này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức lớn về tăng trưởng dài hạn và quan trọng hơn, phát triển HTĐMQG góp phần làm gia tăng sức cạnh tranh của đất nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển hệ thống đổi mới Quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 85-91 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐỔI MỚI QUỐC GIA ĐỐI VỚI VIỆC NÂNG CẤP LIÊN TỤC NĂNG LỰC CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Hoàng Thị Thinh Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia (HTĐMQG) có tầm quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ. Cách tư duy này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức lớn về tăng trưởng dài hạn và quan trọng hơn, phát triển HTĐMQG góp phần làm gia tăng sức cạnh tranh của đất nước. Từ khóa: Hệ thống đổi mới Quốc gia, năng lực công nghệ, tiếp cận hệ thống. 1. Mở đầu Jeffrey Sach, một chuyên gia về phát triển kinh tế của Liên Hợp Quốc, đồng tác giả của chương sách với tiêu đề: “Tiến bộ công nghệ và sự tăng trưởng kinh tế lâu dài của các quốc gia châu Á” đã nêu rõ sự cần thiết phải có chiến lược đổi mới ở các quốc gia này. Ông viết: “Sự cần thiết phải đề ra chiến lược đổi mới là một thực tiễn đặt ra cho các quốc gia châu Á, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, đối với châu Á trong đó có Việt Nam, nhu cầu này có lẽ còn cấp bách hơn, bởi vì nhiều nền kinh tế châu Á hiện nay đang đứng ở ngưỡng cửa của một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi một cách tiếp cận mới về công nghệ và tăng trưởng” [1]. Từ chỗ nhập khẩu, ứng dụng công nghệ của Mĩ và Tây Âu một cách thành công, các nền kinh tế này phải phấn đấu để tự mình đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ. Ở nước ta, đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ là một vấn đề từ lâu đã giành được sự quan tâm, được xem là một nhân tố tạo nên ưu thế cạnh tranh của quốc gia. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động đổi mới công nghệ, cách tiếp cận theo hướng xây dựng và phát triển HTĐMQG (National Innovation System - NIS), coi đó là một khuôn khổ thể chế quan trọng trong việc kết nối, làm gia tăng các năng lực sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH & CN) đã được quan tâm áp dụng. Phát triển HTĐMQG có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ cho một nước đi sau với nguồn lực KH&CN hạn chế như Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Liên hệ: Hoàng Thị Thinh, e-mail: hoangthinhhnue@gmail.com. 85
  2. Hoàng Thị Thinh 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cơ sở lí luận của phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ ở Việt Nam hiện nay 2.1.1. Tính tất yếu khách quan của việc đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ Ngày nay, việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ là một xu thế tất yếu của hệ thống công nghệ thế giới đã và đang mang lại những hiệu quả to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhờ liên tục đổi mới công nghệ thông qua việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiến tiến, hiệu quả hơn. . . Đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ là nhu cầu khách quan chung của sự phát triển bởi các lí do sau: Đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ cùng với ứng dụng tri thức là một trong những giải pháp tối ưu nhất trong việc giải quyết những khó khăn mà toàn cầu đang vấp phải. Hoạt động này có ý nghĩa thiết yếu đối với các công ti và quốc gia đang đang vật lộn trong nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt, và nó là thứ mà nhiều nước tiên tiến tìm thấy lợi thế so sánh lớn nhất của họ. Đầu tư vào đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ là chìa khoá để tạo ra các việc làm và tăng năng suất lao động. Các nước chậm phát triển cũng tìm thấy đổi mới là cách nâng cao sức cạnh tranh của mình và chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ đã tạo ra nhiều ngành sản xuất mới góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đồng thời thúc đẩy tăng năng suất lao động. Sáng tạo và đổi mới là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn gốc của nền kinh tế tri thức ngày nay. Tài nguyên là có hạn, năng lực sáng tạo của con người là vô hạn; một khi nền kinh tế dựa chủ yếu vào năng lực trí tuệ của con người, thì khả năng của nền kinh tế là hết sức to lớn. Tóm lại, nếu chúng ta không hướng tới tăng trưởng dựa vào đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ thì sẽ phải trả giá đắt cho sự tăng trưởng, chịu nhiều thiệt thòi, nguồn tài nguyên bị cạn kiệt nhanh, môi trường sinh thái ô nhiễm... 2.1.2. Một số quan niệm về Hệ thống đổi mới quốc gia và bản chất của Hệ thống đổi mới quốc gia * Một số quan niệm về Hệ thống đổi mới quốc gia Vào những năm cuối của thế kỉ XXI, nhiều học thuyết được nêu ra để giải thích nguyên nhân tại sao một số quốc gia lại tụt hậu, trong khi có những quốc gia khác lại vươn lên những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới. Cách tiếp cận "Hệ thống đổi mới Quốc gia" đã đưa ra những luận cứ để chứng minh rằng sở dĩ có sự khác biệt nêu trên ở các quốc gia tựu trung lại là ở cơ cấu tổ chức của quốc gia đó, thí dụ công trình của Freeman 1987, Lundvall 1992. . . Theo C. Freeman: “HTĐMQG là một mạng lưới các tổ chức, thiết chế trong các khu vực tư nhân và công cộng cùng phối hợp hoạt động lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu, nhập khẩu, cải tiến và phổ biến các công nghệ mới” [2]. Theo Lundvall: “HTĐMQG bao gồm những yếu tố và các mối quan hệ tương tác trong các hoạt động sáng tạo, phổ biến và sử dụng tri thức mới có ích lợi về kinh tế... diễn ra trong hoặc bắt 86
  3. Phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ... nguồn từ bên trong biên giới của một quốc gia” [3]. Theo Pate và Pavitt: “HTĐMQG bao gồm các tổ chức thiết chế trong nước, hệ thống các kích thích và năng lực quyết định tốc độ và chiều hướng cải tiến công nghệ (hoặc là tốc độ và cấu thành của các hoạt động tạo ra đổi mới) trong một nước” [4]. Theo OECD: “HTĐMQG là một hệ thống các cơ quan thuộc các lĩnh vực công và tư nhân, mà hoạt động của nó nhằm khám phá, du nhập, biến đổi và phổ biến các công nghệ mới. Đó là hệ thống có tính tương hỗ của các doanh nghiệp công và tư, các trường đại học và các cơ quan Chính phủ, nhằm hướng tới sự phát triển của KH&CN trong phạm vi quốc gia. Tính tương hỗ của các đơn vị này có thể là về mặt kĩ thuật, thương mại, luật pháp và tài chính, nhằm những mục đích phát triển, bảo trợ hay thực hiện các hoạt động KH&CN” [5]. GS. Vũ Đình Cự quan niệm: “HTĐMQG là một công cụ hàng đầu để liên tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm KH&CN nói riêng và của toàn nền kinh tế quốc gia nói chung, chủ yếu thông qua việc đổi mới công nghệ. Đó là một mạng lưới bao gồm tất cả các cơ sở KH&CN, các tổ chức quy hoạch chiến lược, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quản lí KH&CN nối mạng với nhau, cũng là tổng hợp các hệ thống đổi mới của vùng, ngành, doanh nghiệp với sự phối hợp ngang, dọc, trong phạm vi toàn quốc gia” [6]. GS. Đặng Hữu quan niệm: “HTĐMQG bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm gắn bó hữu cơ khoa học, đại học với sản xuất, thúc đẩy việc tạo ra và ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu sáng tạo để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế” [7]. Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về NIS nhưng xét về tổng thể, khái niệm “Hệ thống đổi mới quốc gia” được quan niệm là tập hợp tất cả các thể chế và cơ chế (công và tư), tương tác với nhau để kích thích và hỗ trợ cho đổi mới sản phẩm và hệ thống ở trong nền kinh tế quốc dân. * Bản chất của cách tiếp cận Hệ thống đổi mới quốc gia Bản chất của NIS là liên kết toàn hệ thống, lấy các công ti, các hãng, các doanh nghiệp làm chủ thể chính và là trung tâm liên kết các yếu tố của hệ thống đổi mới. Sơ đồ 1. Mô tả bản chất của Hệ thống đổi mới quốc gia Thực chất của cách tiếp cận NIS là liên kết toàn hệ thống, lấy các công ti, các hãng, các doanh nghiệp làm chủ thể chính và là trung tâm liên kết các yếu tố của hệ thống đổi mới như Chính 87
  4. Hoàng Thị Thinh phủ, cơ cấu tổ chức ngành tài chính, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tổ chức R&D, các trường đại học nghiên cứu. Đó không phải là một hành động tách biệt, cũng không phải diễn ra theo đường thẳng. Hệ thống chứa đựng nhiều yếu tố của quá trình đổi mới. Những yếu tố này không tách rời mà tương tác với nhau nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ. 2.1.3. Vai trò của phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ ở Việt Nam hiện nay Phát triển HTĐMQG có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nâng cấp và đổi mới công nghệ ở Việt Nam. NIS bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm thúc đẩy việc đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế. Việc xây dựng và phát triển HTĐMQG có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ của quốc gia, đó là: Thứ nhất, phát triển HTĐMQG tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc tích hợp năng lực của các thành tố KH&CN ở trong nước, cũng như với nước ngoài, chuyên môn công nghệ và ngoài công nghệ để sử dụng hiệu quả hơn tri thức và đổi mới công nghệ nhanh hơn, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Thứ hai, phát triển HTĐMQG mở ra cơ hội lớn cho các nước đi sau, nguồn lực và tiềm lực KH&CN còn yếu như Việt Nam có thể thông qua cơ chế liên kết HTĐMQG về KH&CN với hệ thống đổi mới toàn cầu thông qua các định chế của WTO để có thể nhanh chóng bắt kịp với các quốc gia đi trước. Thứ ba, phát triển HTĐMQG sẽ giải toả thế khép kín và khó liên kết trong hoạt động của các tổ chức KH&CN, do đó thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ ở Việt Nam. Thứ tư, phát triển HTĐMQG sẽ có đóng góp thiết thực vào việc tạo ra và nâng cao hàm lượng tri thức và công nghệ. Tư duy và cách tiếp cận HTĐMQG về KH&CN sẽ làm cho các hoạt động KH&CN tự chủ hơn, năng động hơn và do đó có đóng góp thiết thực vào việc tạo và nâng cao hàm lượng tri thức và công nghệ. Nhờ đó nâng cao mạnh mẽ chất lượng cho sản phẩm, doanh nghiệp, một số ngành sản xuất mũi nhọn có tính chất quyết định năng lực cạnh tranh lâu dài của đất nước. 2.2. Thực trạng xây dựng và hoàn thiện Hệ thống đổi mới quốc gia ở Việt Nam hiện nay Nhóm chuyên gia quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canađa (IDRC) tài trợ đã thực hiện một cuộc khảo sát về các chính sách và cải cách KH&CN ở Việt Nam. Nhóm đã đưa ra một số đánh giá sơ bộ về năng lực NIS của Việt Nam, theo đó có 2 đặc điểm lớn nổi lên là: Một là, mặc dù NIS của Việt Nam đã có nhiều thành tố được thiết lập, nhưng vẫn chưa thực hiện được vai trò của một hệ thống (IDRC, 1997). Hai là, những nghiên cứu khác có liên quan cũng khẳng định những yếu kém và sự chưa hoàn thiện trong các mối quan hệ tương tác giữa các thành phần trong NIS, đồng thời cũng nêu ra những điểm không phù hợp trong khung thể chế nói chung để thúc đẩy hoạt động đổi mới. Nhìn chung, mối tương tác giữa các thành viên và các luồng thông tin/tri thức- một yếu tố có tác dụng quyết định đến năng lực của NIS, vẫn còn rất yếu và hạn chế. 88
  5. Phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ... Bảng1. Điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam và các nước xung quanh Số Điểm cao Việt Nam Malaysia Singapore Thailand Năm nước nhất Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc 2008 153 5,8 2,38 65 3,47 26 4,1 7 3,01 34 2009 130 5,28 2,97 64 4,06 25 4,81 5 3,4 44 2010 132 4,86 2,95 71 3,77 28 4,65 7 3,06 60 2011 125 74,1 36,71 51 44,05 31 74,11 1 43,33 48 2012 141 68,2 33,9 76 45,9 64,8 64,8 3 36,9 57 (Nguồn: http://www.globalinnovationindex.org) Có thể khái quát thực trạng HTĐMQG ở Việt Nam như sau: Mối quan hệ giữa các viện nghiên cứu và khu vực sản xuất vẫn còn yếu; khung thể chế yếu kém, thiếu động lực đổi mới; HTĐMQG của Việt Nam còn ở tình trạng tĩnh, trong đó các luồng lưu thông tin tri thức giữa các tổ chức diễn ra rất hạn chế, trong khi các quốc gia phát triển rất khuyến khích quá trình lưu thông này; nguồn nhân lực KHCN khá lớn nhưng lại yếu về chất lượng, cơ cấu phân bổ. Nhìn vào bảng thứ hạng đánh giá chỉ số đổi mới/sáng tạo của Việt Nam so với các nước xung quanh, chúng ta nhận thấy rõ sự yếu kém trong hoạt động đổi mới của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Phải chăng trí tuệ của chúng ta thấp hơn so với các nước khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Câu trả lời không phải như vậy, điều này thể hiện rõ qua bảng chỉ số con người của Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu Bảng 2. Bảng 2. Việt Nam - Điểm và thứ hạng của các tiêu chí Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra sáng tạo Số nước Tổ chức nhà nước Vốn về con người Đầu ra sáng tạo Năm xếp hạng Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc 2009 130 3,38 99 3,82 69 2,52 63 2010 132 3,47 113 3,27 92 2,38 67 2011 125 54,9 84 31,7 85 33,34 42 2012 141 40,9 112 26,1 107 30,8 59 (Nguồn: http://tiasang.com.vn) Không khó để nhận ra rằng chỉ số về Tổ chức và Nguồn vốn con người của Việt Nam chẳng những dưới trung bình mà có lúc còn nằm gần sát đáy nửa dưới. Trong lúc chỉ số đầu ra, đánh giá năng lực con người Việt Nam thì luôn nằm khá cao ở nửa trên của thế giới. Rõ ràng là trí tuệ của con người Việt Nam không hề thấp. Vậy nguyên nhân làm cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thấp chính là do sự bất cập của Tổ chức quản lí nhà nước về KH&CN và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người. 2.3. Giải pháp xây dựng và hoàn thiện Hệ thống đổi mới quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cấp công nghệ ở Việt Nam hiện nay Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/05/2011 về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, với mục tiêu chính là nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới và nâng cấp công nghệ quốc gia đến năm 2020. Trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện HTĐMQG. Để xây dựng thành công HTĐMQG ở Việt Nam cần 89
  6. Hoàng Thị Thinh tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau: Tạo lập môi trường, thể chế xã hội thích hợp, ban hành và thực thi cơ chế chính sách đổi mới để phá thế biệt lập, tách rời trong quản lí đổi mới công nghệ Để thúc đẩy sự phát triển của HTĐMQG ở Việt Nam hiện nay, một tác nhân quan trọng đó là phải tạo lập được môi trường, thể chế xã hội thích hợp. Trước hết là tạo lập hành lang pháp lí vững chắc, hoàn thiện các bộ luật như: luật kinh doanh, luật sở hữu trí tuệ, luật đầu tư. . . Phải tạo ra sự cộng lực giữa các bộ/ngành, các hoạt động liên quan đến đổi mới như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển và sản xuất kinh doanh. Tạo lập môi trường kinh doanh sôi động, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền, chống bao cấp, từ bỏ tư duy kinh tế hiện vật. Đối với các dự án KH&CN do Chính phủ tài trợ, cần sử dụng đầy đủ mọi thông tin và sở hữu trí tuệ, lựa chọn mức khởi điểm sao cho phù hợp, tránh nghiên cứu trùng lặp ở mức thấp. Đối với những thành tựu nghiên cứu khoa học đã hoàn thành cần quan tâm đăng kí quyền SHTT để bảo hộ pháp lí bản quyền và lợi ích; trả lương và phân chia quyền lợi thích đáng giữa người sáng chế, người thiết kế, tác giả và những người ứng dụng chủ yếu đối với SHTT. Xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc, đảm bảo cơ chế tài chính khuyến khích cho việc phát triển HTĐMQG Việt Nam cần đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tương ứng để đảm bảo tính bền vững của cơ sở hạ tầng nghiên cứu. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao, có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao; tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết để phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ trong nước. Mặt khác, cần tăng cường đầu tư tài chính cho việc xây dựng HTĐMQG. Phương thức đầu tư tài chính sẽ thay đổi, chuyển từ việc hỗ trợ thông thường sang hỗ trợ theo từng dự án; thành lập quĩ đổi mới công nghệ cho SME, trợ giúp vốn cho việc chuyển hoá các thành tựu công nghệ cao và mới. Phát triển mạnh nguồn nhân lực KH&CN Đây là giải pháp quan trọng bởi lẽ con người nằm ở trung tâm của quá trình đổi mới. Họ sáng tạo ra các ý tưởng đồng thời biến ý tưởng đó thành hiện thực, tức là tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới. Hiện trạng nguồn nhân lực KH&CN ở Việt Nam còn rất yếu kém, mặc dù số lượng đông nhưng chất lượng lại chưa tương xứng. Do đó chúng ta cần đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp và tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Bằng cách nào chúng ta có thể phát triển được nguồn nhân lực này có hiệu quả thì chúng ta cần có môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, chú trọng học tập, cập nhật các thành tựu khoa học các nước trên thế giới, đặc biệt cũng cần có chính sách sử dụng hợp lí thể hiện ở chế độ lương, chính sách đãi ngộ nhân tài. . . Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ Theo bản chất của cách tiếp cận HTĐMQG thì chính doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn là trung tâm của đổi mới chứ không phải các viện nghiên cứu hay các tổ chức nghiên cứu. Do đó việc nâng cao vai trò của các doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển HTĐMQG. Nhà nước cần chuyển một số chức năng quản lí công nghệ mà nhà nước đang nắm giữ hiện tại cho các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu. Các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước phải coi nhiệm vụ thành lập hệ thống đổi mới công nghệ hiệu quả hơn và toàn diện hơn làm nội dung chính trong việc lập ra doanh nghiệp hiện đại, coi việc nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và chất lượng quản lí làm phương pháp then chốt để giúp doanh nghiệp 90
  7. Phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia đối với việc nâng cấp liên tục năng lực công nghệ... khắc phục khó khăn và phát triển; phấn đấu làm cho doanh nghiệp thực sự trở thành chủ thể chính của hệ thống đổi mới. Để tồn tại và lớn mạnh, các doanh nghiệp cần phải hướng vào thị trường, đẩy mạnh hoạt động R&D, tích cực chuyển hoá và ứng dụng các thành tựu khoa học, tăng lợi ích kinh tế bằng cách dựa vào tiến bộ công nghệ và nâng cấp công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển HTĐMQG Là quốc gia đi sau, với năng lực công nghệ còn yếu kém thì hợp tác quốc tế là cơ hội lớn để phát triển HTĐMQG. Đó là cơ hội giúp Việt Nam học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, chúng ta cần chủ động học hỏi, nghiên cứu mô hình HTĐMQG của một số nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Singgapore, Hàn Quốc. . . Ở các quốc gia này HTĐMQG đã hoàn thiện và thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động đổi mới công nghệ. 3. Kết luận Có thể khẳng định, chìa khoá để Việt Nam có thể thoát khỏi sự tụt hậu về công nghệ với thế giới chính là nhờ phát triển HTĐMQG, đó là con đường duy nhất để chúng ta hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Sachs, J.D., 2001. Technological advances and the long-term economic growth of Asian countries. pp.158-185. [2] Chris Freeman, C., 1987. The National System of Innovation in Historical Pespective. Cambridge Journal of Economics, (19), pp. 5-24. [3] Lundvall, B.A., 1992. National Innovation Systems: Towards a Theory of Innovation and Interactive Learning. London, Pinter Publishers. [4] Patel, P. và Pavitt. K., 1994. The ensence and importance of the National innovation system. (14), OECD. [5] OECD. 2010. Innovation strategy. London, Pinter Publishers. [6] Vũ Đình Cự, 2004. Thị trường khoa học công nghệ. Tạp chí Hoạt động khoa học. 10, tr. 12-16. [7] Đặng Hữu. 2005. Kinh tế tri thức - thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. ABSTRACT The importance of developing national innovative systems that will effect a continuous technology upgrade in Vietnam The development of a national innovative system of science and technology is needed to promote innovation and continuously upgrading technological capability. With innovation, Vietnam could address the major challenges of long-term growth and more importantly increase the competitiveness of Vietnamese products and businesses. 91
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2