JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 53-58<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0059<br />
<br />
PHÁT TRIỂN PHÊ BÌNH LUÂN LÍ HỌC VĂN HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY<br />
Đỗ Văn Hiểu<br />
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Từ sau cải cách 1986 đến nay, trong hoạt động phê bình nghiên cứu văn học ở<br />
Việt Nam không hề nhắc đến phê bình luân lí học văn học. Nhưng theo tôi, ở Việt Nam<br />
phát triển phê bình luân lí học văn học có một tiềm năng rất lớn. Bài viết này sẽ khái quát,<br />
phân tích tiềm năng phát triển phê bình luân lí học văn học ở Việt Nam từ thực tiễn sáng<br />
tác văn học, các phương pháp phê bình đang tồn tại ở Việt Nam, tâm lí tiếp nhận của độc<br />
giả cũng như từ nhu cầu phát triển của hoạt động văn học nói chung.<br />
Từ khóa: Phê bình luân lí học văn học, phê bình văn học, luân lí học.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Hiện nay, trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam tồn tại rất nhiều phương pháp phê<br />
bình văn học, hình thành cục diện đa nguyên, nhưng từ sau Đổi mới, thuật ngữ phê bình luân lí học<br />
văn học chưa một lần được chú ý [1, 4, 8, 9]. Bài viết này muốn từ những vận động trong nghiên<br />
cứu văn học thế giới và thực tiễn hoạt động văn học trong nước, giới thiệu phương pháp phê bình<br />
luân lí học văn học và phân tích khả năng phát triển của phương pháp này ở Việt Nam.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Chuyển hướng luân lí trong nghiên cứu văn học thế giới – cơ hội đến từ bên<br />
ngoài<br />
<br />
Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và đạo đức luân lí ngay từ thời cổ đại đã được chú ý<br />
đến. Bởi từ rất xa xưa, các học giả đã nhận ra mối quan hệ tất yếu giữa văn học và đạo đức luân lí.<br />
Trên tổng thể, luân lí học phương Tây quan tâm khảo sát sâu rộng các hiện tượng ý thức đạo đức,<br />
quy phạm đạo đức,à hoạt động đạo đức và giải thích bản chất, chức năng, quy luật của các phương<br />
diện đạo đức trên phương diện thế giới quan và phương pháp luận. Đạo đức với tư cách là hình<br />
thái ý thức phản ánh tồn tại xã hội, chính điều này đã quyết định quan hệ tương hỗ giữa nghiên<br />
cứu luân lí và tồn tại xã hội. Trong khi đó, văn học thông qua tưởng tượng nghệ thuật và miêu tả<br />
nghệ thuật chuyển hóa hiện thực thành thế giới nghệ thuật tập trung thể hiện một cách kinh điển<br />
các hiện tượng đạo đức xã hội của nhân loại, miêu tả các mâu thuẫn, xung đột của đời sống xã hội.<br />
Không chỉ thần thoại, mà cả sử thi Home, kịch, thơ ca, truyện kí Hi Lạp. . . đều thể hiện nội dung<br />
luân lí đạo đức. Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại Hi - La đã có những biện luận kịch liệt về quan<br />
hệ giữa văn học và luân lí học, nhưng công trình nghiên cứu luân lí học văn học chỉ thực sự xuất<br />
Ngày nhận bài: 5/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/5/2016<br />
Liên hệ: Đỗ Văn Hiểu, e-mail: dovanhieu@hotmail.com/ dovanhieu@hnue.edu.vn<br />
<br />
53<br />
<br />
Đỗ Văn Hiểu<br />
<br />
hiện vào nửa sau thế kỉ XIX. Bài diễn giảng Luân lí học văn học ở Dartmouth College năm 1838<br />
của Ralph Waldo Emerson, Bàn về văn học và luân lí học (1853) của White có ảnh hưởng tương<br />
đối lớn. . . Sau đó, nửa sau thế kỉ XIX xuất hiện những chuyên luận học thuật như Luân lí học<br />
và mĩ học thơ cơ hiện đại (J.B.Selkir, 1878), Luân lí học tiểu thuyết hiện đại (Trevor Creighton,<br />
1884), Tuyển tập văn học và luân lí học (Wiliam E.A.Xon, 1889), Luân lí học văn học nghệ thuật<br />
(Maurice Thompson, 1893), Luân lí học văn học (John A.Kersey, 1894). . . Đầu thế kỉ XX, dưới<br />
ảnh hưởng của chủ nghĩa duy mĩ và lí luận ngôn ngữ của Saussure, chủ nghĩa thực chứng, nghiên<br />
cứu văn học phương Tây đã thực hiện sự chuyển hướng ngôn ngữ luận, với Phê bình mới, Chủ<br />
nghĩa hình thức Nga, Chủ nghĩa cấu trúc, Kí hiệu học. . . đều nhấn mạnh vị trí trung tâm của ngôn<br />
ngữ, nhấn mạnh quy luật nội tại của bản thân văn học, từ đó tiến thêm một bước phân tách quan<br />
hệ gữa văn học và ngôn ngữ. Vấn đề đạo đức luân lí luân lí trong nghiên cứu văn học bị mờ hơn<br />
khi nghiên cứu văn học bước vào giai đoạn hậu hiện đại với sự xuất hiện của chủ nghĩa tương đối,<br />
đa nguyên giá trị. . . . Tuy nhiên, nghiên cứu văn học và luân lí học vẫn là đối tượng được quan tâm<br />
của xã hội nhà văn và bạn đọc, như cuốn Dẫn luận luân lí học kịch thời đại Elizabeth: nhạc giao<br />
hưởng Shakepear (Harold Bayley, 1906), Văn học Hi Lạp và Tôn giáo luân lí học và luân lí học<br />
của toàn thư cựu ước (Stella Louise Lange, 1935). . . Nhưng nhìn chung, nghiên cứu luân lí học<br />
văn học đã trầm xuống.<br />
Từ những năm 80 của thế kỉ XX, nghiên cứu văn học thế giới lại có bước chuyển hướng<br />
văn hóa với hàng loạt khuynh hướng nghiên cứu như Chủ nghĩa nữ quyền, Chủ nghĩa hậu thực<br />
dân, Phê bình sinh thái. . . Lúc này, nghiên cứu luân lí học văn học lại được phục hưng. Có khuynh<br />
hướng nghiên cứu giá trị luân lí của văn học nhà văn và việc đọc, như Tưởng tượng đạo đức: bàn<br />
về văn học và luân lí học (Chrristopher Laurensen, 1986), Luân lí học của sự đọc (J.Hills Miller,<br />
1987). . . luân lí học văn học đã trở thành một khoa học mới được đông đảo giới học thuật chú ý.<br />
Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyển từ nghiên cứu giá trị đạo đức thông thường của văn học sang<br />
phân tích vấn đề luân lí của tác phẩm, nhà văn. Gray. Wei và David Williams chủ biên cuốn Văn<br />
học và luân lí học (1988) đã thể hiện rõ ràng khuynh hướng này. Sang thế kỉ XXI thì hướng này<br />
phát triển thêm một bước với những công trình như Song trùng điểm nhìn: triết học đạo đức và<br />
Kịch Shakepear (2007), Tưởng tượng đạo đức của T.S.Eliot thế kỉ XX (2008). Như vậy phê bình<br />
luân lí văn học đã thoát khỏi sự chèn ép của các trường phái nghiên cứu khác và trở lại, đồng thời<br />
đã có những biểu hiện mới. Có học giả cho rằng, sang thế kỉ XXI nhân loại phải đối diện thường<br />
xuyên với vấn đề sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, cho nên, luân lí đạo đức và môi trường tự<br />
nhiên trở thành vấn đề chủ yếu của thế kỉ mới, chính điều này đã thúc đẩy sự chuyển hướng của<br />
luân lí học văn học.<br />
Ở Trung Quốc, hình thức biểu hiện sớm nhất của phê bình luân lí – phê bình đạo đức - bắt<br />
đầu từ thời Chu. Chỉ có điều phê bình luân lí lúc đó chủ yếu dùng ý thức đạo đức chính trị và<br />
quan hệ luân lí để phân tích và bình giá tác phẩm văn học nghệ thuật, sau đó, thông qua sự khuếch<br />
trương của Khổng Tử, nó có ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác và phê bình văn nghệ sau này. Đến<br />
những năm 80 của thế kỉ XX, giáo sư Chu Hiến bắt đầu nghiên cứu công trình của đại diện cho<br />
phê bình luân lí Mĩ Wayne Clayson Booth, năm 1984 đã đăng bài Một vài khuynh hướng nghiên<br />
cứu văn học phương Tây hiện đại trong đó đặc biệt đã nói đến phê bình luân lí hiện đại phương<br />
Tây. Cuốn Tu từ học tiểu thuyết của Booth do Chu Hiếu dịch năm 1987 đã đánh dấu phê bình luân<br />
lí Mĩ bắt đầu được tiếp nhận và truyền bá ở Trung Quốc, đặt cơ sở cho phê bình luân lí phát triển<br />
mạnh ở Trung Quốc đầu thế kỉ XXI. Năm 2009 Mục Lôi chủ biên và cho xuất bản cuốn Sự phục<br />
hưng của tu từ của Clayson Booth tập hợp 17 bài kinh điển giới thiệu quan điểm chủ yếu và phê<br />
bình mang tính chất đại diện cho phê bình luân lí Mĩ của ông. Nhưng phê bình luân lí học văn học<br />
ở Trung Quốc chỉ thực sự phát triển mạnh với giáo sư Đại học Sư phạm Hoa Trung Nhiếp Trân<br />
54<br />
<br />
Phát triển phê bình luân lí học văn học ở Việt Nam hiện nay<br />
<br />
Chiêu. Từ năm 2004 đến nay ông đã chủ trì 5 hội thảo quốc tế về phê bình luân lí học văn học thu<br />
hút sự tham gia của hàng trăm học giả trong nước và quốc tế mỗi lần tổ chức, đồng thời cho xuất<br />
bản cuốn Dẫn luận phê bình luân lí học văn học (2014).<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Phê bình luân lí học văn học – phương pháp nghiên cứu văn học đặc thù<br />
<br />
Cho đến nay, phương pháp phê bình luân lí học văn học vẫn chưa thực sự được chú ý ở Việt<br />
Nam. Ấn tượng về một thời phê bình văn học có khuynh hướng chụp mũ, quy kết, phán xét khá<br />
nặng nề đã dẫn đến tình trạng dị ứng với phương pháp phê bình luân lí đạo đức trong nghiên cứu<br />
văn học, mặc dù ở chỗ này chỗ khác, trong quá trình nghiên cứu các nhà nghiên cứu văn học Việt<br />
Nam vẫn khắc khoải về tình trạng tha hóa về đạo đức. Để xóa bỏ định kiến này, trước hết, chúng ta<br />
cần phải giới định về phương pháp phê bình luân lí học văn học trong tương quan với luân lí học<br />
và phê bình đạo đức.<br />
Phê bình luân lí học văn học và luân lí học có mối quan hệ gần gũi bởi vì phê bình luân lí<br />
học văn học đã mượn phương pháp luân lí học để nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, khi vận dụng<br />
phương pháp luân lí học nghiên cứu văn học, phê bình luân lí học văn học vẫn không xa rời các<br />
phương pháp nghiên cứu văn học khác. Đối tượng nghiên cứu của phê bình luân lí học văn học và<br />
luân lí học cũng khác nhau. Đối tượng nghiên cứu của luân lí học là các hiện tượng đạo đức trong<br />
xã hội hiện thực, hoặc nếu có nghiên cứu các hiện tượng đạo đức trong tác phẩm văn học thì luân<br />
lí học cũng chỉ coi nó như một tư liệu để đánh giá vấn đề đạo đức trong đời sống hiện thực xã hội,<br />
từ đó đưa ra các phán đoán giá trị thiện ác. Trong khi đó, đối tượng nghiên cứu của phê bình luân<br />
lí học văn học lại là các hiện tượng đạo đức trong thế giới sáng tạo bằng ngôn từ nghệ thuật, giống<br />
hiện thực mà không phải là hiện thực, từ đó đưa ra các phán đoán thẩm mĩ. Nhiếp Trân Chiêu<br />
khẳng định: “phương pháp phê bình luân lí học văn học và luân lí học vừa có điểm tương đồng<br />
vừa có điểm khác biệt trên phương diện đối tượng, nội dung và mục đích đạt tới” [5;9].<br />
Cũng cần phải phân biệt Phê bình luân lí học văn học với Phê bình đạo đức. Về bản chất,<br />
phê bình luân lí học văn học là một phương pháp nghiên cứu văn học, cho nên điều mà nó quan<br />
tâm là phân tích, lí giải các hiện tượng đạo đức trong thế giới do nhà văn sáng tạo ra, một thế giới<br />
nghệ thuật có không gian, thời gian, quy luật và số phận riêng. Trong quá trình phân tích lí giải<br />
đó, phương pháp phê bình này chú ý đảm bảo nguyên tắc thẩm mĩ, ứng xử với vấn đề đó như ứng<br />
xử với một sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật. Trong khi Phê bình đạo đức lại ứng xử với các hiện<br />
tượng đạo đức từ lập trường của hiện thực, quy kết nó về thực tại. Chính điều này khiến cho giới<br />
nghiên cứu phê bình Việt Nam dị ứng với phê bình đạo đức. Bởi phương pháp này dễ dẫn đến quy<br />
chụp, phán xét không để ý đến bản chất thẩm mĩ của văn học. Nhiếp Trân Chiêu từng chỉ ra: “Phê<br />
bình luân lí học văn học và phê bình đạo đức khác nhau ở chỗ phê bình luân lí học văn học kiên trì<br />
bình giá văn học từ lập trường của hư cấu nghệ thuật, còn phê bình đạo đức lại phê bình văn học<br />
từ lập trường hiện thực và chủ quan” [5;11].<br />
Trên tổng thể, sang thế kỉ mới, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc đã tiến hành giới định<br />
lại, tiến tới hoàn thiện trong quan niệm về phê bình luân lí học văn học. Ở phương diện này, người<br />
có đóng góp khá lớn là Nhiếp Trân Chiêu. Ông đã xuất phát từ nhiều góc độ để có một cái nhìn<br />
tương đối toàn diện về phương pháp phê bình cổ điển mà hiện đại này. Từ góc độ quan hệ giữa<br />
nhà văn và sáng tác, phê bình luân lí nghiên cứu quan niệm đạo đức luân lí của nhà văn và đặc<br />
điểm, nguyên nhân, bối cảnh thời đại, quá trình hình thành những quan niệm này; quan hệ giữa<br />
quan niệm đạo đức của nhà văn và khuynh hướng đạo đức mà tác phẩm biểu hiện; ảnh hưởng của<br />
quan niệm đạo đức luân lí của nhà văn đến sáng tác của họ. Riêng đối với sáng tác của nhà văn,<br />
phê bình luân lí nghiên cứu các quan hệ giữa tác phẩm và các hiện tượng đạo đức tồn tại trong<br />
55<br />
<br />
Đỗ Văn Hiểu<br />
<br />
xã hội; khuynh hướng đạo đức mà tác phẩm biểu hiện; giá trị xã hội và giá trị đạo đức trong tác<br />
phẩm. Đối với quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, phê bình luân lí nghiên cứu cảm thụ của người<br />
đọc về quan niệm đạo đức của nhà văn và khuynh hướng đạo đức trong tác phẩm, sự bình giá của<br />
người đọc về quan niệm đạo đức của nhà văn và khuynh hướng đạo đức trong tác phẩm, ảnh hưởng<br />
của khuynh hướng đạo đức trong tác phẩm đối với người đọc và xã hội. Phê bình luân lí còn bao<br />
gồm: làm thế nào từ góc độ luân lí học bình giá khuynh hướng đạo đức của nhà văn và tác phẩm;<br />
quan hệ giữa quan niệm đạo đức của nhà văn và khuynh hướng đạo đức mà tác phẩm biểu hiện với<br />
truyền thống; ảnh hưởng của quan niệm đạo đức của nhà văn và khuynh hướng đạo đức của tác<br />
phẩm đến nhà văn và văn học đời sau; tác phẩm văn học, đạo đức xã hội và giáo dục đạo đức xã<br />
hội. Mục đích của phê bình luân lí học văn học không chỉ là thuyết minh đặc điểm của luân lí đạo<br />
đức trong văn học hoặc vấn đề luân lí học của việc nhà văn sáng tác văn học, mà còn là từ góc độ<br />
đạo đức luân lí nghiên cứu các vấn đề về quan hệ giữa tác phẩm văn học và xã hội, văn học và nhà<br />
văn, văn học và người đọc<br />
Như vậy, trong khái quát giới định lại về phê bình luân lí học văn học của giới nghiên cứu<br />
Trung Quốc đã cho thấy diện mạo mới của phê bình luân lí học văn học trong thời kì mới. Phê bình<br />
luân lí học văn học khôi phục lại vị trí của tác giả trong quá trình hình thành văn bản; thừa nhận<br />
tính xã hội của văn bản. Nhấn mạnh vai trò của người đọc, có điều, văn học bị coi là kẻ khác của<br />
người đọc, người đọc là tham tố của vấn đề luân lí mà tác giả - người thiết kế văn bản quan tâm.<br />
Phê bình luân lí phát hiện ra diện mạo đạo đức, mục đích đạo đức ngay trong kết cấu hình thức,<br />
mô hình thể loại, mô hình diễn ngôn cụ thể. Tất nhiên, phê bình luân lí học văn học cũng không<br />
quên vai trò của chính trị, xã hội. Cuối cùng, phê bình luân lí học văn học tiếp tục bàn luận vai trò<br />
của chính trị, xã hội. Rõ ràng, trong thời kì mới, phê bình luân lí học văn học chú ý đến quan hệ<br />
tương tác giữa việc làm thế nào để miêu tả kẻ khác, xác lập quan hệ trách nhiệm với kẻ khác, so<br />
sánh thể nghiệm kẻ khác và việc đọc văn bản. Thông qua việc đọc văn bản có thể thu được kinh<br />
nghiệm đối xử một cách luân lí với kẻ khác và bản thân việc đọc chính là trải nghiệm đối xử luân<br />
lí với người khác. Có thể thấy, phê bình luân lí học văn học hiện đại đã hấp thu được những thành<br />
quả mới nhất của nghiên cứu văn học để tự hình thành nên một diện mạo mới.<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Đời sống văn học Việt Nam – cơ hội đến từ bên trong<br />
<br />
Từ góc độ thực tiễn sáng tác, có thể thấy văn học Việt Nam từ xưa đã thấm đậm tinh thần<br />
đạo đức luân lí. Đây là cơ sở lí tưởng cho phê bình luân lí học văn học phát triển. Ngự trị trong<br />
thời trung đại là quan niệm sáng tác “văn dĩ tải đạo”. Dòng chủ lưu của sáng tác thời kì đó là văn<br />
học thể hiện các phạm trù luân lí đạo đức phong kiến, ngay kiệt tác Truyện Kiều cũng không xa<br />
rời quan hệ, xung đột đạo đức. Đến những năm đầu thế kỉ XX, vấn đề lớn trong văn học lãng mạn<br />
cũng là vấn đề xung đột giữa quan niệm đạo đức truyền thống và hiện đại, vấn đề khát vọng hạnh<br />
phúc cá nhân và nền tảng đạo đức phong kiến. Văn học hiện thực phê phán cũng tập trung vào vấn<br />
đề quan hệ giữa con người và xã hội hiện thực, vào việc xử lí vấn đề đạo đức nhân phẩm trong<br />
quan hệ với hiện thực nghiệt ngã. Đến văn học cách mạng, bao trùm lên tất cả là vấn đề đạo đức<br />
cách mạng, vấn đề đạo đức của con người trong công cuộc xây dựng xã hội mới, đạo đức của con<br />
người trong ứng xử với chiến tranh, kẻ thù, chiến hữu. . . Rồi văn học thời kì hậu chiến, vấn đề<br />
đạo đức trong thời kì mới được đặt ra mãnh liệt hơn, đặc biệt là khi cơ chế thị trường, đồng tiền<br />
can thiệp mạnh mẽ vào các mối quan hệ xã hội, vấn đề ứng xử với quá khứ, với những tàn dư của<br />
chiến tranh như thế nào. Điều này có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Ma<br />
Văn Kháng, Chu Lai. . . Thực tiễn sáng tác như vậy là mảnh đất màu mỡ để phê bình luân lí học<br />
văn học phát triển. Chúng ta có thể sử dụng các thuật ngữ công cụ như ý thức luân lí, trật tự luân<br />
lí, cấm kị luân lí, hoàn cảnh luân lí, căn cước luân lí, hỗn loạn luân lí, tuyến luân lí chi phối, liên<br />
56<br />
<br />
Phát triển phê bình luân lí học văn học ở Việt Nam hiện nay<br />
<br />
kết các sự kiện luân lí và xung đột luân lí. Các thuật ngữ này giúp nhà phê bình có thể thao tác<br />
được lí thuyết nhằm ứng dụng vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể. Từ xưa đến nay, mặc<br />
dù trải qua nhiều lần đổi mới, nhưng về đại thể, sáng tác văn học Việt Nam chưa bao giờ là những<br />
trò chơi hình thức thuần túy.<br />
Từ thực tiễn nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam, cũng có thể nhận thấy, hiện nay là thời<br />
điểm thuận lợi để phát triển phê bình luân lí học văn học. Nghiên cứu văn học trước đổi mới chịu<br />
ảnh hướng của không khí văn học phục vụ chính trị, cho nên đã coi nhẹ bản chất thẩm mĩ của văn<br />
học. Muốn thoát khỏi không khí đó, dòng chính của nghiên cứu văn học sau 1986 là dòng truy tìm<br />
bản chất nghệ thuật của văn học, khẳng định giá trị tự thân của tác phẩm văn học. Nhưng cuối thế<br />
kỉ XX đầu thế kỉ XIX, hướng nghiên cứu nội tại tồn tại trên dưới 20 năm đã không còn giữ vị trí<br />
độc tôn nữa, bên cạnh chủ nghĩa hình thức Nga, kí hiệu học, Chủ nghĩa cấu trúc, Tự sự học, Thi<br />
pháp học đã xuất hiện Phân tâm học, Chủ nghĩa nữ quyền, Phê bình hậu thực dân, Phê bình sinh<br />
thái và sự trở lại của Mĩ học tiếp nhận. Giống như bối cảnh dẫn đến chuyển hướng luân lí học trong<br />
nghiên cứu văn học thế giới, đây cũng là cơ hội để phê bình luân lí học văn học có thể được nhìn<br />
nhận và phát triển ở Việt Nam. Ngoài ra, việc tồn tại phong phú các phương pháp phê bình khác<br />
không hề mâu thuẫn với việc phát triển phê bình luân lí, ngược lại, còn tạo điều kiện thuận lợi để<br />
phê bình luân lí phát triển. Phê bình luân lí học văn học không hề tách rời các phương pháp phê<br />
bình khác. Chẳng hạn, cũng giống như phê bình lịch sử, phê bình luân lí quan tâm đến các hiện<br />
tượng văn học, xác lập địa vị lịch sử của nhà văn, tác phẩm, cũng đặt các hiện tượng văn học vào<br />
bối cảnh lịch sử để đánh giá. Tất nhiên phê bình luân lí trong thực tiễn phê bình không thể tách rời<br />
phê bình thẩm mĩ, không né tránh các yếu tố thuộc hình thức nghệ thuật. Đây cũng là xu hướng<br />
tồn tại chung của các phương pháp phê bình hiện nay. Nói như Trâu Kiến Quân: “Phê bình lịch sử<br />
văn học, phê bình xã hội học, phân tâm học, phê bình nữ quyền chú trọng tư liệu lịch sử, xã hội mà<br />
tác phẩm văn học cung cấp, nhưng cũng không xa rời sự thực thẩm mĩ văn học”. Sự phong phú đa<br />
dạng của các khuynh hướng phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay trở thành điều kiện thuận lợi<br />
để phê bình luân lí học văn học phát triển. Thành tựu của các phương pháp phê bình văn học khác<br />
sẽ được tận dụng để giúp cho phê bình luân lí luân lí làm tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu của mình.<br />
Phê bình luân lí học văn học cũng có thể tìm thấy cơ hội phát triển trong tâm lí tiếp nhận<br />
của độc giả Việt Nam. Cho dù bản thân người viết chưa có dịp tiến hành điều tra xã hội học về vấn<br />
đề thị hiếu độc giả, nhưng thông qua những tác phẩm được sáng tác, dịch thuật ở Việt Nam có thể<br />
gián tiếp thấy được vấn đề tâm lí tiếp nhận. Bởi sáng tác văn học, dịch thuật văn học trước hết là<br />
sáng tác dịch thuật cho độc giả, nếu độc giả không hưởng ứng, thì tự nhiên tác phẩm không có lí<br />
do để tồn tại và tiếp tục xuất hiện. Từ thực tiễn sáng tác và dịch thuật có thể thấy độc giả Việt Nam<br />
chưa bao giờ tỏ ra lạnh nhạt với những vấn đề thuộc phạm trù luân lí đạo đức. Đó cũng là một<br />
trong những lí do khiến sáng tác mang nhiều trăn trở về vấn đề luân lí đạo đức gia đình, xã hội, về<br />
cách ứng xử với con người với tự nhiên của Nguyễn Huy Thiệp được hưởng ứng mạnh mẽ như vậy<br />
ở Việt Nam từ sau đổi mới đến nay. Xa rời những trăn trở về xã hội, cuộc sống con người, trong đó<br />
có vấn đề luân lí đạo đức, những thể nghiệm hình thức thuần túy hoặc thiên sang thể nghiệm hình<br />
thức chưa bao giờ được nhiệt liệt đón nhận ở Việt Nam.<br />
<br />
3.<br />
<br />
Kết luận<br />
<br />
Nhìn chung, ở Việt Nam từ góc độ sáng tác, nghiên cứu văn học đến tâm lí tiếp nhận đều<br />
cho thấy phê bình luân lí học văn học có nhiều cơ hội phát triển. Không thể phủ nhận ảnh hưởng<br />
sâu sắc của luân lí đạo đức Nho giáo trong đời sống văn hóa văn học Việt Nam hàng nghìn năm.<br />
Cho nên, phát triển phê bình luân lí văn học cũng là xây dựng và vận dụng một phương pháp phê<br />
57<br />
<br />