intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển thị trường trái phiếu xanh - xu thế tất yếu cho tăng trưởng xanh và bền vững

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

19
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hiện nay, thị trường trái phiếu xanh trên thế giới đã phát triển khá sôi nổi. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chưa thực sự phát triển. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam thời gian qua; từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh hướng đến nền kinh tế trái phiếu xanh và bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển thị trường trái phiếu xanh - xu thế tất yếu cho tăng trưởng xanh và bền vững

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU XANH - XU THẾ TẤT YẾU CHO TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ BỀN VỮNG DEVELOP GREEN BOND MARKET - NECESSARY TREND FOR GREEN AND SUSTAINABLE GROWTH Ngày nhận bài : 05.4.2023 ThS. Đỗ Cao Thị Ngạn Triều Ngày nhận kết quả phản biện : 12.4.2023 Trường Đại học Tài chính - Kế toán Ngày duyệt đăng : 28.4.2023 TÓM TẮT Các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển bền vững. Trong đó, trái phiếu xanh (TPX) đang dần trở thành công cụ quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn cho những dự án xanh liên quan đến môi trường. Hiện nay, thị trường TPX trên thế giới đã phát triển khá sôi nổi. Tuy nhiên, thị trường TPX ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chưa thực sự phát triển. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng thị trường TPX ở Việt Nam thời gian qua; từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường TPX hướng đến nền kinh tế TTX và bền vững. Từ khóa: Trái phiếu, trái phiếu xanh, thị trường trái phiếu xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ABSTRACT Countries around the world are increasingly interested in green growth and sustainable development. In particular, green bonds are gradually becoming an important instrument in attracting capital for green projects related to the environment. Currently, the green bond market in the world has developed quite excitingly. However, the green bond market in Vietnam is still new, not really developed. The article analyzes and evaluates the current situation of the green bond market in Vietnam over the past time; thereby proposing some solutions to develop the green bond market towards green and sustainable growth economy. Keywords: Bonds, green bonds, green bond market, green growth, sustainable development 1. Đặt vấn đề Các nước trên thế giới cũng như Việt Nam hiện đang rất chú trọng đến vấn đề TTX và phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Việc phát hành TPX là xu hướng tất yếu, là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho TTX và phát triển bền vững ở các quốc gia. Theo Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 quy định: TPX là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp (DN) phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. TPX cũng là một công cụ nợ để huy động vốn như các loại trái phiếu khác, tuy nhiên số tiền thu về từ phát hành TPX phải được dùng để thực hiện cho các dự án xanh. Hiện nay, TPX đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó các thị trường lớn có thể kể đến là Mỹ, Canada, Pháp, Anh và Trung Quốc, tập trung vào các ngành có liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu, năng lượng, tái chế, xử lý nước, rác thải… Trên thế giới, TPX đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành TPX đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... 10
  2. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN Ở Việt Nam, nhu cầu về nguồn tài chính xanh được các chuyên gia tài chính bàn luận tại hội thảo “Phát triển thị trường TPX và huy động tài chính xanh cho TTX, bền vững” diễn ra ngày 30/9/2022 tại TP.HCM. Theo Hội thảo, Chính phủ Việt Nam đang cần nhiều nguồn vốn hơn để đạt được các cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris (COP26) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam cần huy động gần 1 triệu tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, trong đó trái phiếu Chính phủ 300.000 tỷ đồng, trái phiếu DN 400.000 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu địa phương và trái phiếu khác… Trong đó, nhu cầu TPX là rất quan trọng. Mặc dù, thời gian qua, các cơ chế chính sách phát triển thị trường TPX đã được hình thành. Song, đây vẫn là công cụ huy động vốn khá mới mẻ trên thị trường Việt Nam, chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính vì vậy, bài viết tập trung phân tích cơ sở pháp lý và thực trạng thị trường TPX ở Việt Nam thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường TPX ở Việt Nam trong thời gian tới. 2. Thực trạng thị trường trái phiếu xanh hiện nay ở Việt Nam 2.1. Chính sách phát triển thị trường TPX ở Việt Nam Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TPX, trái phiếu xã hội hay trái phiếu bền vững là những khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Tương tự như việc phát hành trái phiếu thông thường, DN cần tôn trọng các chuẩn mực và quy trình phát hành. Để gọi vốn thành công từ TPX, DN cần hiểu rõ hướng dẫn về cách thức phát hành, cách quản lý dòng tiền, nguồn vốn cho các dự án xanh, đặc biệt là việc công bố thông tin về môi trường, xã hội của DN một cách minh bạch. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về TTX và phát triển thị trường TPX. Cụ thể, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ xác định TTX là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/9/2014 xác định từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phâm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn lực tài chính cho TTX. Nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW khẳng định: “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và phát triển bền vững”. Trên cơ sở đó, ngày 20/10/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đến năm 2020. Theo đó, Quyết định nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Để hướng tới phát triển một thị trường trái phiếu tiếp cận với chuẩn quốc tế, ngày 14/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 -2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định đề ra quan điểm: “Phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với chi phí vốn hợp lý; Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu; Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin DN”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phát triển thị trường TPX ở Việt Nam. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, trong đó có quy định về TPX. Theo đó, đây là loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến 11
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN hoạt động BVMT theo quy định tại Luật BVMT và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Nghị định được ban hành nhằm thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch loại hình trái phiếu này.  Ngày 4/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu DN xanh. Trong đó nêu rõ: “Trái phiếu DN xanh là trái phiếu DN được phát hành để đầu tư cho các dự án BVMT theo quy định của Luật BVMT”, đồng thời đưa ra quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu DN xanh, về công bố thông tin trước đợt phát hành của DN… UBCKNN với vai trò là cơ quan quản lý, cũng đã triển khai nhiều hoạt động về nâng cao năng lực cho các bên tham gia thị trường liên quan đến các báo cáo bền vững kể từ 2012 thông qua việc Ban hành hướng dẫn về Báo cáo Bền vững (2012) và thường xuyên cập nhật những tiêu chí, nguyên tắc và những yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin. Không chỉ vậy, năm 2021, UBCKNN hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ, đã cho ra mắt cuốn Sổ tay “Hướng dẫn TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cũng như các quy định của Việt Nam về TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Hướng dẫn này là công cụ hữu ích hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội nhằm hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp định khí hậu Paris 2015. Với những cơ chế, chính sách về TPX được ban hành thời gian qua có thể thấy, Chính phủ Việt Nam đang nổ lực hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển thị trường TPX nói riêng và thị trường tài chính xanh nói chung. Từ đó, khuyến khích DN thu hút các nguồn lực vào sản xuất xanh nhằm BVMT và thực hiện xanh hóa nền kinh tế trong tương lai. 2.2. Thực trạng thị trường TPX ở Việt Nam hiện nay 2.2.1. Tình hình phát hành TPX ở Việt Nam thời gian qua Trên cơ sở những chính sách của Nhà nước, tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm TPX. Việc phát hành TPX được thực hiện theo quy định của thị trường trái phiếu thông thường; nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho các dự án phục vụ cho các công trình xanh như các dự án về thủy lợi, BVMT, điện gió… Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hỗ trợ các chủ thể phát hành sản phẩm TPX và thí điểm triển khai tại một số địa phương có nhu cầu huy động vốn. Hai địa phương triển khai thí điểm phát hành TPX là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, với loại trái phiếu phát hành là trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian từ năm 2016 - 2017, kỳ hạn từ 3 - 5 năm. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án. Trong đó, lập danh mục 11 dự án dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng TPX, với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Trong chương trình hợp tác từ năm 2018, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN, UBCKNN, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với IFC xây dựng Đề án phát triển TPX DN và TPX định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu DN xanh. Tháng 8/2019, Công ty cổ phần (CTCP) Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm và CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm. Riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Tháng 10/2019, CTCP Bamboo Capital công bố kế hoạch phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi 12
  4. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN trong quý IV/2019, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm. Trong đó, dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời; 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản; 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành nợ xanh với tổng trị giá khoảng 283,9 triệu USD (Theo Sổ tay “Hướng dẫn TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” của UBCKNN, 2021). Hiện nay, phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp. Xét về mặt cơ cấu, TPX ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án xanh, số lượng DN phát hành TPX trên thị trường còn rất khiêm tốn. Đây cũng là đặc thù riêng trên thị trường trái phiếu Việt Nam với tỷ trọng trái phiếu Chính phủ chiếm đa số, duy trì ở mức trên 90% trong giai đoạn 2010- 2018. Đặc biệt, tháng 7/2022, EVNFinance là DN đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành TPX theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA. Khối lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ là 1.725 tỷ đồng, lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, đơn vị tư vấn phát hành là VCBS và đơn vị bảo lãnh là GuarantCo. 2.2.2. Những tồn tại, hạn chế Có thể thấy, công cụ TPX đã bắt đầu được sử dụng, đem lại một kênh huy động vốn hiệu quả cho các chính quyền địa phương trong việc tài trợ cho các dự án xanh. Tuy nhiên, thị trường TPX ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau: (i) Khung pháp lý và cơ chế, chính sách về phát triển thị trường TPX chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. (ii) Giá trị phát hành của TPX so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam là quá nhỏ và không đáng kể. Hơn nữa, việc phát hành TPX của các chính quyền địa phương nhằm tài trợ cho các dự án xanh thời gian qua đang thiếu những tổ chức kiểm định để xác định dự án có thực sự “xanh” hay không (iii) Hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư và thị trường về TPX còn khiêm tốn. Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng vẫn chưa có chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ và lộ trình triển khai thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp. (iiii) Thị trường TPX chưa nhận được sự quan tâm của các đối tượng tham gia thị trường, còn yếu cả về yếu tố cung và cầu của thị trường, cơ chế vận hành của thị trường và hoạt động của thị trường TPX chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia huy động vốn qua thị trường TPX; (iiii) Các nhà đầu tư trên thị trường vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành TPX, chưa chú ý đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh hoặc các dự án phát triển có tính bền vững, mà chủ yếu tập trung vào những dự án, sản phẩm sinh lời cao. Nguyên nhân do chi phí ban đầu cho các dự án xanh thường có nhu cầu vốn cao, rủi ro về chi phí vốn lớn. Thời gian thực hiện dự án xanh dài, dẫn tới các loại rủi ro, đặc biệt liên quan tới dòng tiền. Trong khi hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, do đó nguồn lực cho các dự án về thúc đẩy TTX, phát triển bền vững vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. 3. Một số đề xuất nhằm phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam trong thời gian tới Để thúc đẩy thị trường TPX ở Việt Nam phát triển nhằm đạt mục tiêu TTX và bền vững trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, Nhà nước cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý đối với thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPX nói riêng. Trong đó, cần ban hành các văn bản quy định rõ các tiêu chuẩn về TPX, danh mục phân loại dự án xanh theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, quy định điều kiện, nguyên tắc phát hành, niêm yết, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ TPX làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. 13
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN Thứ hai, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường triển khai các chính sách ưu đãi thuế, phí; chính sách vay vốn ngân hàng có tác động ngay đến DN, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư TPX như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư TPX, hỗ trợ vay vốn ngân hàng về lãi suất, kỳ hạn, thủ tục… Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN, nhà đầu tư về thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư cho các dự án, chương trình, lĩnh vực xanh nhằm khuyến khích mạnh mẽ hoạt động phát hành TPX. Thứ ba, NHNN cần tăng tính thanh khoản cho TPX thông qua việc chấp nhận sử dụng TPX trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao, đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư xanh. Điều này tạo cơ sở thu hút, tiếp cận nhiều nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào Việt Nam. Nhà đầu tư có thể lựa chọn các sản phẩm đầu tư trong danh mục, cân đối rủi ro trên thị trường, từ đó thúc đẩy cung và cầu TPX. Hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành TPX. Ngoài ra, có thể phát triển sàn giao dịch điện tử trái phiếu để tạo tính thanh khoản, tính minh bạch và đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành Bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư có trách nhiệm đối với xã hội, môi trường. Cụ thể, yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hoạt động và rủi ro xã hội, môi trường của công ty, làm cơ sở cho nhà đầu tư xác định những ngành chính đáp ứng tiêu chuẩn tài trợ và đầu tư từ TPX. Thứ tư, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế xanh nhằm hỗ trợ cho các DN, nhà đầu tư thực hiện các dự án xanh có lợi ích về môi trường và xã hội. Đồng thời, cần tăng cường huy động nguồn vốn từ các định chế tài chính và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế. Các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn ODA cần được ưu tiên sử dụng cho TTX. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực tham gia hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, Ngân hàng Phát triển châu Á và các quỹ tài chính xanh quốc tế để tranh thủ nguồn vốn phát triển xanh của các tổ chức này. Thứ năm, Nhà nước cần tuyên truyền rộng rãi các chính sách về TTX và phát triển bền vững để nâng cao nhận thức của DN trong việc đầu tư có trách nhiệm hơn đối với môi trường và xã hội. Các DN có vai trò quan trọng trong định hướngTTX và bền vững của Nhà nước bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, việc thực hiện các dự án TTX không thể thành công nếu DN không nhận thức được ý nghĩa, vai trò cũng như cách thức thực hiện dự án TTX. Do đó, cần xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN và cộng đồng về thực hiện TTX, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.  TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài Chính (2015), Quyết định số 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. 2. Ths. Nguyễn Hoàng Dương và Ths. Phạm Thị Thanh Tâm (2020), Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đến năm 2030, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. 3. Vũ Thị Như Quỳnh (2021), Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính. 4. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt chiến lượt quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. 5. Nguyễn Thanh Thủy (2022), Xu hướng phát triển trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022. 6. UBCKNN (2021), Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”. 7. https://vietdu.vn/doanh-nghiep-xanh-phat-hanh-trai-phieu 8. https://vneconomy.vn/chinh-phu-se-bat-den-xanh-cho-trai-phieu-xanh.htm 9. https://nhandan.vn/trai-phieu-xanh-dong-luc-phat-trien-ben-vung-post717478.html 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2