Phương ngữ Nam Bộ trong một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư
lượt xem 2
download
Nguyễn Ngọc Tư được biết đến là nhà văn của Nam bộ. Chất miền Tây in dấu rõ nét trong các sáng tác của chị mà trước hết là trong hệ thống ngôn từ. Bài tham luận nhỏ này sẽ đi sâu tìm hiểu đặc điểm của phương ngữ Nam bộ trong một số sáng tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phương ngữ Nam Bộ trong một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư
- PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ Hoàng Thị Thắm 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Vốn là biến thể địa lí của ngôn ngữ toàn dân, phương ngữ tiếng Việt vô cùng đa dạng và mang dấu ấn vùng miền đậm nét. Phương ngữ được sử dụng sinh động trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người Việt. Tuy nhiên, nếu trong đời sống, tiếng địa phương đa dạng và sống động bao nhiêu thì đi vào tác phẩm nghệ thuật, nó lại “cô đặc” và được sử dụng “tiết chế” bấy nhiêu. Nguyễn Ngọc Tư được biết đến là nhà văn của Nam bộ. Chất miền Tây in dấu rõ nét trong các sáng tác của chị mà trước hết là trong hệ thống ngôn từ. Bài tham luận nhỏ này sẽ đi sâu tìm hiểu đặc điểm của phương ngữ Nam bộ trong một số sáng tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Từ khóa: Nguyễn Ngọc Tư, phương ngữ, phương ngữ Nam bộ... 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút nữ trẻ đầy tài năng và có sức sáng tạo mãnh liệt. Mặc dù xuất khá muộn trên văn đàn nhưng có thể nói rằng những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến một hơi thở, hương vị mới Văn học Việt Nam sau đổi mới. Có lẽ cái làm nên phong vị riêng khó lẫn của nữ nhà văn trẻ này chính là sự chân phương, bình dị trong cả con người lẫn trang văn. Dường như không một người nghệ sĩ nào viết nhiều và viết về miền Tây bình dị nhưng sâu lắng, nhẹ nhàng nhưng dằn vặt, nhức nhối như Nguyễn Ngọc Tư. Chất miền Tây in hằn trong từng cái tên, từng lời ăn tiếng nói và cả tính cách nhân vật. Chất miền Tây ấy không chỉ được thể hiện qua hệ thống nhân vật, qua không gian nghệ thuật mà còn in dấu trong ngôn ngữ. Phương ngữ vốn là các biến thể địa lí của ngôn ngữ toàn dân. Khi xác lập và nghiên cứu phương ngữ các nhà nghiên cứu phải dựa trên các điều tra điền dã để vẽ các đường đồng ngữ. Mỗi một vùng phương ngữ được xác lập dựa trên một hay hơn một đường đồng ngữ. Nhưng rõ ràng khi nghiên cứu phương ngữ yếu tố ngữ âm luôn là yếu tố đầu tiên và bản lề; tiếp đến là từ vựng ngữ nghĩa; phương diện ngữ pháp gần như ít có sự khác biệt giữa các vùng phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân. Vì phương ngữ chủ yếu được xem xét và nghiên cứu trên bình diện ngữ âm nên phần lớn sự biểu hiện của phương ngữ chủ yếu là trong đời sống giao tiếp hằng ngày. Chúng ta dễ dàng nhận ra dấu vết của phương ngữ khi nghe phát âm nhưng chúng ta khó lòng xác lập được điểu này khi tiếp cận văn bản viết. Hơn thế, tác phẩm văn chương là sản phẩm của hoạt động sáng tạo ngôn từ. Tính nghệ thuật của tác phẩm văn học gần như trở thành rào cản để phương ngữ đi vào trong các sáng tác ngôn từ. Chính điều đó, lí giải vì sao phương ngữ ít/ hầu như không xuất hiện trong tác phẩm văn học. Vậy nhưng trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi thấy dấu ấn của phương ngữ được thể hiện một cách dân dã, tự nhiên, mộc mạc và gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền Tây. Bài nghiên cứu nhỏ này sẽ chỉ ra những đặc trưng của phương ngữ Nam bộ được thể hiện trong một số truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, cụ thể là trong tiểu thuyết Sông và tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. 2. LÍ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1 Lí thuyết nghiên cứu Bài tham luận này là một nghiên cứu liên ngành. Người viết sử dụng lí thuyết ngôn ngữ học để khảo sát một loại giao tiếp chức năng đặc biệt: giao tiếp nghệ thuật ngôn từ - tác phẩm văn chương. Do đó, bài viết sẽ sử dụng các lí thuyết liên quan đến phương ngữ, đặc điểm của phương ngữ Nam là cơ sở lí luận, làm nền tảng để soi chiếu vào một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. 382
- Cho đến nay, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về phương ngữ và phân vùng phương ngữ. Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng khái niệm phương ngữ được sử dụng nhiều nhất chính là “Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác”. Từ khái niệm này suy rộng ra tất cả những đơn vị ngôn ngữ tồn tại hay không tồn tại biến thể song song trong ngôn ngữ toàn dân mà được sử dụng ở một vùng địa lí đều được xem là thuộc về phương ngữ. Phương ngữ Nam chính là biến thể địa lí của tiếng Việt toàn dân ở miền Nam. Miền Nam là một vùng đất mới nên phương ngữ Nam bộ cũng chỉ mới xuất hiện. Phương ngữ Nam bộ chính là kết quả của sự hợp nhất và tiếp biến giữa các đặc điểm của tiếng Việt cổ sẵn có trong hai vùng phương ngữ Trung và phương ngữ Bắc với những đặc điểm của các ngôn ngữ đang sử dụng của các cộng đồng cư dân bản địa cổ ở miền Nam như Khơme, Chăm... Cuối cùng, phương ngữ Nam bộ ấy lại tiếp tục vận động và phát triển khi chủ động tiếp nhập và đồng hóa các yếu tố Hoa của người Triều Châu, Phúc Kiến đem đến vào thế kỉ XVII – XVIII. Vì thế, phương ngữ Nam bộ có những đặc điểm căn bản sau đây: + Về ngữ âm: phương ngữ Nam có 5 thanh điệu, thanh hỏi và thanh ngã nhập làm một. Về mặt điệu tính, hệ thống thanh điệu của phương ngữ Nam khác với phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung. Về phụ âm, phương ngữ Nam có 23 phụ âm, có các phụ âm uốn lưỡi như [ʂ, ʐ, ʈ], /ʐ/ có thể phát âm rung lưỡi [r]; thiếu phụ âm [v-] nhưng lại có âm [w-] bù lại, âm [z-] và được thay thế bằng âm [j-]; có khuynh hướng lẫn lộn s/x và tr/ch như trong phương ngữ Bắc, nhưng trong ngôn ngữ thông tin đại chúng, trong hoạt động văn hóa, giáo dục, sự phân biệt các phụ âm trên được duy trì rất có ý thức. Âm đệm [-w-] đang biến mất. Vần ở phương ngữ Nam mất đi rất nhiều so với phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung; đồng nhất các vần -in, -it với -inh, -ich; -un, -ut với -ung, -uc. Và đặc biệt là thiếu đôi âm cuối [-nh, -ch], cặp âm cuối [-ngm, -kp] trở thành những âm vị độc lập. + Về từ vựng – ngữ nghĩa: trước hết lớp từ vựng có hiện tượng biến âm so với lớp từ vựng chung. Đó là kết quả của sự biến đổi ngữ âm xảy ra đều đặn và nhất loạt. Sự biến âm này có thể do khuynh hướng phát âm các nguyên âm với thanh lượng hẹp hơn các nguyên âm trong chính âm: “hảo hớn, minh mông, phui pha, tuồm luôm, nươm nướp, tiên phuông, cháng váng, lè lẹt…”; hoặc do khuynh hướng kiêng kị: “huê (hoa), kiểng (cảnh), hường (hồng), huỳnh (hoàng), phước (phúc), quới (quý), luông (long), mệnh (mạng)…”. Phương ngữ Nam bộ còn giữ lại một lớp từ cổ của tiếng Việt mà phương ngữ Bắc và tiếng Việt chuẩn không còn sử dụng như” “mầng (mừng), ngộ (dễ nhìn), coi (xem), cậy (nhờ), méc (mách), hun (hôn), thơ (thư), nhơn (nhân)…”; tồn tại lớp từ vay mượn của các dân tộc sống chung như Khơme, Chăm, Hoa như “cà rá, cà ràng, cà ròn, xà rong, lục, thốt nốt, len trâu, bò hóc, đi ênh…; chế, hia, tía, số dách, chào quẩy, xập xám, bạc xỉu, miệt, mai, báo... Phương ngữ Nam bộ còn có một lớp từ, ngữ phản ánh địa hình cây cối, sản vật, sông nước... của miền Tây như: “sông, rạch, xẻo, kinh, mương, rãnh, láng, lung, đầm, ao, bầu,..; tràm, đước, bần, mù u, xuồng ba lá, trẹt, xà lan, tắc rán…”. Lớp này rất đa dạng và có số lượng lớn. Từ vựng trong phương ngữ Nam bộ có thể tồn tại nhiều nét nghĩa khác nhau mà trong ngôn ngữ toàn dân mỗi một nét nghĩa ấy lại được biểu hiện bằng những từ ngữ riêng biệt (so sánh lạnh trong phương ngữ Nam với lạnh/ giá/ rét/ buốt trong ngôn ngữ toàn dân...; thương với thương/ yêu/ mến...). Nói cách khác từ trong ngôn ngữ toàn dân có khuynh hướng chi tiết hóa, cụ thể hóa thực tại; từ trong phương ngữ Nam bộ có khuynh hướng khái quát hóa, trừu tượng hóa thực tại. + Bình diện ngữ pháp: nhìn chung không có sự khác biệt lớn giữa các phương ngữ. Tuy nhiên, trong cách nói của người Nam bộ cũng có một số nét rất riêng. Điển hình là cách xưng gọi, từ dùng trong xưng gọi. Người Nam bộ có thói quen dùng “thứ tự” trong gia đình kết hợp với tên riêng để xưng gọi. Biến âm các danh từ (đổi thành thanh hỏi) thành đại từ là một phương ngữ thức ngữ pháp sử dụng rộng rãi trong phương ngữ Nam. Ngoài những từ nhân xưng như ổng, cổ, chỉ, ảnh, bả… còn hình thành những đại từ chỉ không gian: trỏng (trong ấy), ngoải (ngoài ấy), đại từ chỉ thời gian: hổm (hôm ấy), nẳm (năm ấy)…; Để nhấn mạnh ý phủ định, ở các địa phương cũng có những từ khác nhau bên cạnh từ không, chẳng dùng thống nhất. Điển hình nhất là xu hướng dùng mô hình “không có +X”, “chưa có +X”, “hổng có +X”; Dùng phó từ và trạng từ đa dạng để tăng cường cho tính từ và 383
- động từ cũng là một đặc trưng không thể thiếu của phương ngữ Nam bộ; Ngữ khí từ phụ họa với ngữ điệu tạo ra sắc thái địa phương rõ nét của từng vùng miền riêng biệt. Tóm lại, phương ngữ Nam là biến thể địa phương của ngôn ngữ toàn dân với những đặc trưng ngữ âm, từ vựng – ngữ nghĩa và ngữ pháp điển hình. Biến thể ngôn ngữ này không chỉ được người dân Nam bộ sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn thâm nhập, thẩm thấu vào trong các sáng tác văn học tạo nên một phong vị riêng khó lẫn, có giá trị nhất định đối với việc xây dựng nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn chương. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài tham luận này vận dụng nhiều phương pháp, thủ pháp nghiên cứu. Điển hình như phương pháp thống kê – mô tả. Phương pháp này được sử dụng để thống kê các từ địa phương được sử dụng trong tập truyện Ngọn đèn không tắt và tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư. Trên cơ sở các ngữ liệu đã thống kê, người viết phân loại theo các tiêu chí khác nhau và mô tả đặc trưng của từng tiểu loại. Bênh cạnh đó, phương pháp so sánh đối chiếu cũng được sử dụng để so sánh các đặc điểm ngữ âm, từ vựng ngữ nghĩa, ngữ pháp của phương ngữ Nam được sử dụng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư với phương ngữ Nam bộ cũng như ngôn ngữ toàn dân. Ngoài ra, phương pháp phân tích nét nghĩa, phương pháp khái quát hóa cũng được sử dụng để phân tích, xử lí các ngữ liệu liên quan. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN Sau khi khảo sát tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt và tiểu thuyết Sông, chúng tôi đã thu được một số lượng lớn các từ và cụm từ của phương ngữ Nam được sử dụng trong các trang viết của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, bình diện ngữ âm và ngữ pháp được thể hiện mờ nhạt hơn so với bình diện từ vựng ngữ nghĩa. Điều này khác biệt với thực tiễn sử dụng phương ngữ ở các vùng địa lí nhưng lại rất phù hợp với các ngôn bản viết. Bởi vì tác phẩm văn học là sản phẩm của hoạt động tạo lời dưới dạng các diễn ngôn viết. Khi đi vào văn bản dạng viết các yếu tố ngữ âm, nhất là các hiện tượng ngôn điệu gần như biến mất. Hơn thế, các tác phẩm văn học cần phải tuân thủ những quy tắc chính âm, chính tả để kênh giao tiếp giữa nhà văn và độc giả được thông suốt. Có lẽ vì những lí do trên mà đặc điểm ngữ âm và ngữ pháp của phương ngữ Nam trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư khá mờ nhạt. Về phương diện ngữ âm, sự biến đổi của thanh điệu hoàn toàn vắng mặt không có ngữ liệu nào thể hiện sự biến đổi thanh điệu của phương ngữ Nam. Sự biến đổi của âm đầu cũng chỉ có một vài trường hợp lẻ tẻ như biến thể l/nh (lanh/ nhanh; lạt/ nhạt): Canh lạt. Xu gọi cô gái mang ra thêm chút muối; Nó tuổi con gà, hai chục rồi, nó lanh lắm; biến thể s/ th (sẹo/ thẹo); biến thể nh/ r (nhau/ rau): Giờ thì mọi nơi cậu và Tú đi qua, nhắc tên là nghe quen thuộc như cuống nhau cậu chôn ở đó. Về vần, phương ngữ Nam bộ mất đi khá nhiều vần so hai vùng phương ngữ Bắc, Trungvà thay vào đó là những biến thể mới xuất hiện. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết Sông và tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. Trong đó, xuất hiện nhiều nhất là sự biến âm đều đặn của các nguyên âm chính như: [u]/ [ô] (tui/ tôi; rún/ rốn) “Nói Phi ai cũng buột miệng khen “Thằng đó ca mùi rụng rún”. “Tôi gọi Hường Buồn vì cái rún của cổ buồn lắm, nhìn như mặt người đang khóc; [ư] / [â] (nhứt/nhất); [â] / [a] (mậy/mày); [ơ] / [a] (đờn/đàn); [a] / [i] (sanh/sinh) Nhớ sanh hai đứa thôi, đúng chính sách. Sanh nhiều mau già, dễ chết. - Phi dặn thêm; [ơ] / [ư] ( thơ/thư, chớ/chứ, gởi/gửi)... Đây cũng là những từ ngữ được sử dụng hằng ngày trong giao tiếp của người Nam bộ được nhà văn sử dụng nguyên trạng trong các trang viết. Rõ ràng, bình diện ngữ âm không phải là nét độc đáo trong cách sử dụng phương ngữ Nam bộ của Nguyễn Ngọc Tư. Tính phương ngữ được thể hiện đậm đặc nhất trong ngôn từ của tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư chính là việc sử dụng hệ thống các từ xưng hô, các ngữ khí từ và các trường từ vựng chỉ tồn tại trong phương ngữ Nam mà không có biến thể song song trong ngôn ngữ toàn dân. 3.1. Từ xưng hô Xưng hô là một trong những phương diện hàm chứa trong lòng nó nhiều bình diện của đời sống từ ngôn ngữ đến văn hóa xã hội. Từ xưng hô cũng chính là nét độc đáo khác nhau giữa các vùng phương ngữ. Trong đó, phương ngữ Nam đã sáng tạo ra một hệ thống từ hô gọi hết sức đa dạng và đặc biệt. Điều này được phóng chiếu rõ nét trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. 384
- Đó là lối hô gọi nội – ngoại xưng con thay thế cho lối hô gọi ông - bà xưng cháu trong ngôn ngữ toàn dân. Cách xưng hô này vừa thể hiện được sự tôn kính đối với người lớn lại vừa thể hiện sự gần gũi, thân mật trong tình cảm của các thành viên trong gia đình. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, cách xưng hô này xuất hiện khá nhiều: từ “nội” xuất hiện 27 lần trong Ngọn đèn không tắt và 4 lần trong Sông. Từ “ngoại” xuất hiện 26 lần trong Ngọn đèn không tắt và 2 lần trong Sông: “Con Tươi ngồi kế ông nội, có khi nó nhắc: - Còn chuyện nội với thầy lên Hòn bắn chim bằng nạng thun đó nội. Trong mối quan hệ gia đình, ba, má là cũng cách xưng gọi phổ biến của người miền Nam. Trong Sông và Ngọn đèn không tắt, từ xưng hô này cũng thường được sử dụng để xưng hô với bậc sinh thành. Cụ thể từ “ba” xuất hiện 46 lần, “má” xuất hiện 116 lần trong Ngọn đèn không tắt. Trong Sông “ba” xuất hiện 9 lần; má xuất hiện 12 lần. Ngoài từ ba, Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng từ “cha” 33 lần trong tác phẩm Sông và 3 lần trong Ngọn đèn không tắt. Từ này thường được dùng trong giao tiếp gia đình của người miền Tây Nam bộ. Bên cạnh, cha, má, ba được dùng đề hô gọi trong mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư còn có cách xưng hô đậm đặc phong vị Nam bộ. Đó chính là cách hô gọi cha mẹ bằng “ông già”, “bà già” khi trò chuyện với người khác: Con nhỏ bỏ xứ mất biệt rồi. Chưa kịp nói thằng con là của chồng hay ông già chồng. Ở vùng phương ngữ Nam bộ, người ta thường xuyên sử dụng các từ như: ổng, bả, chỉ, cẩu, mở, dỉ, dưởng… thay cho các từ như ông ấy, bà ấy, chị ấy,… Và trong sáng tác của mình, Nguyễn Ngọc Tư cũng sử dụng yếu tố đặc trưng vùng miền này một cách tự nhiên, thân thuộc, gần gũi. Từ ổng xuất hiện 21 lần, từ cổ xuất hiện 17 lần: Tôi đã rủ cổ đi rồi. Cổ nói cậu chỉ một mẩu con con vậy thì làm gì để nuôi tôi. Trong cách xưng gọi của người miền Nam, người ta thường dùng “con” hơn dùng “cháu”. Từ con được dùng để hô gọi với người giao tiếp bậc dưới. Tui cũng là từ xưng hô được dùng với tần số dày đặc. Từ này xuất hiện 11 lần trong tác phẩm Sông và 9 lần trong Ngọn đèn không tắt: Thiệt rầu hết sức, nhà tui tưởng còn ai đi kể chuyện khởi nghĩa. Hổng ấy cho con Tươi đi, chịu hôn? Cách xưng hô ngoài xã hội cũng tương đối giống với cách xưng hô trong gia đình. Đối với những người lớn tuổi hơn thì thường gọi theo vai là ông, bà, cô, bác, chú, dì… và thường đi kèm với thứ tự như: Bác Hai Tương, ông Tư Đờ, Tư Đấu, Mười Mực, Út Hết…Và khi xưng hô với người khác, người nói thường xưng là “con” đối với người có vai lớn hơn; xưng là “tui” hoặc “mình” đối với những người bằng vai vế. Và có một kiểu xưng hô với những người bằng tuổi hoặc hơn kém nhau một hai tuổi nhưng rất thân nhau là kiểu gọi đối phương bằng “cha nội”. Đây là một kiểu xưng hô rất riêng, thể hiện sự thân mật của hai người đối thoại nhưng cũng không làm mất đi yếu tố lịch sự trong giao tiếp. Từ “cha nội” này xuất hiện 1 lần trong Sông và 1 lần trong Ngọn đèn không tắt. Trong mối quan hệ gia đình hay ngoài xã hội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không thay thế các từ hô goi trong phương ngữ Nam bằng cách hô gọi trong ngôn ngữ toàn dân. Khi các từ xưng hô này đi vào tác phẩm, nó không chỉ dùng để hô gọi, để giới thiệu, khắc họa nhân vật mà còn mang cả không khí gia đình, không khí làng xã với những lối xưng hô bình dị vào tác phẩm. Cách xưng hô của người miền Nam tương đối phóng khoáng so với người miền Bắc và Trung. Tuy vậy, nó vẫn lưu giữ những nét đẹp của truyền thống, của văn hoá như vẫn đảm bảo tính lịch sự, sự lễ phép và tôn trọng người nghe. Mang cách xưng hô từ cuộc sống vào trong tác phẩm Văn học chính là sự dịch chuyển câu chuyện cuộc đời, câu chuyện nhân sinh, câu chuyện của những tương tác xã hội vào trong Văn học. Hệ thống từ xưng hô không chỉ có tác dụng quy chiếu nhân vật mà còn làm tái hiện cuộc sống bình dị của người bình dân Nam bộ vào trong các trang viết với những mối quan hệ xã hội dày đặc, với những tương tác cụ thể và đa dạng. Chính điều này góp phần xây dựng nên hệ thống các nhân vật rất Nam bộ trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. 3.2. Hệ thống các ngữ khí từ Hệ thống các ngữ khí từ trong phương ngữ Nam cũng đi vào các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư một cách mộc mạc, tự nhiên. Trong mỗi lời thoại của nhân vật, nhà văn tái hiện một cách chân thật, không gọt giũa, cũng không thay thế các ngữ khí từ trong phương ngữ Nam thành các ngữ khí từ trong ngôn ngữ toàn dân. Đáng chú ý tác giả sử dụng đồng thời cả các ngữ khí từ trong phương ngữ Nam lẫn các ngữ khí từ trong ngôn ngữ toàn dân. Nhà văn dùng cả hôn (3 lần) lẫn không (65 lần), hổng (2 lần) (Thiệt rầu hết sức, nhà tui tưởng còn ai đi kể chuyện khởi nghĩa. Hổng ấy cho con Tươi đi, chịu hôn?... “Hổng nhớ ngoại à, má thương chồng má hơn thương ngoại, thương con”, “Hồi má 385
- quyết định bỏ con lại cho ngoại, má có buồn như con bây giờ không?”) để thêm vào các câu hỏi hoặc câu phủ định. Các ngữ khí từ tình thái như: hả, hén, hen, bộ, nghen… cũng xuất hiện trong lời thoại của các nhân vật nhưng xuất hiện với tần số thấp: Dạ, xa quá hen nội. Bộ có nhiều đứa giống như nó lắm sao?...Con đã gặp nhiều người như vậy lắm hả con?...Ê, nãy chạy ngang qua tao thấy nhà mày có mồi bén quá, lẩu mực hả? Mà có đám nào ngồi với mày lạ hoắc vậy? Ngữ khí từ dùng trong câu khuyến lệnh nghen xuất hiện với tần số cao. Nghen chính là hình thức rút gọn của “nghe không” và được dùng chủ yếu để dặn dò, hay nhắc nhở điều gì. Từ “nghen” này xuất hiện trong Ngọn đèn không tắt 11 lần: Sứa lửa đó nghen mậy, coi chừng chết nghen!”. Ngữ khí từ dùng trong câu biểu cảm nè khi đặt ở cuối câu cũng có nghĩa giống như các từ “này”, “nào” của phương ngữ Bắc. Từ này xuất hiện 4 lần trong tác phẩm Ngọn đèn không tắt và 2 lần trong tiểu thuyết Sông. Ngữ khí ta thường xuất hiện cuối câu, dùng để biểu thị thái độ tự vấn, không đoán trước được kết cục của sự việc. Từ này xuất hiện trong Ngọn đèn không tắt 1 lần và 2 lần trong Sông: Tôi thì buồn ngủ muốn chết đây nè; Và bướm xám thì bay xập xòe. Giờ không phải mùa bướm nhơ nhởn đâu, ta. Ngữ khí từ là một nét rất riêng, rất đặc trưng làm nên cá tính của con người Nam bộ. Ngữ khí từ được sử dụng thường xuyên trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cũng đậm dấu ấn của ngữ khí từ. Có thể nói, nếu không có ngữ khí từ “chất Nam bộ” sẽ phôi pha, nhạt nhòe trong mỗi nhân vật. 3.3. Trường từ vựng biểu thị “sông nước” miền Tây Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miền Tây Nam bộ. Trong mỗi trang văn của chị đầy ắp hơi thở của miền Tây. Đó là những đặc sản địa phương như cá sặc, bánh xèo, canh chua bông súng, cây bần, cây đước, so đũa, dầu mù u, … hiện lên tầng tầng lớp lớp trong bức tranh cảnh vật miền Tây. Đó là địa hình sông nước đặc trưng với những sông, những rạch, những kinh, những đầm, ao, bãi, những cù lao… Lớp lớp các dòng sông, con rạch, con kinh, con đầm, cù lao.. .gắn với những tên riêng hiện ra trên từng câu chuyện, từng lời văn như một thước phim quay chậm về miền Tây với những: sông Di, sông Đốc, rạch Giồng Ông, kinh Thợ May, đầm Bà Tường…. Con Tươi qua sông, chở nước ngọt về uống trượt chân té xuống sình; Thế là đang làm phóng sự ở sông Ðốc, hết đò tôi quá giang tàu dầu về thành phố. Trong chằng chịt kênh rạch của miền Tây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn dành riêng một tác phẩm để khắc họa một dòng sông – sông Di. Nổi bật trên nền địa hình trong Sông vẫn là không gian sông nước mênh mông. Sông vùng hạ lưu, sông ở thượng nguồn, sông len lỏi vào từng xóm, từng làng. Ngay cả số phận của mỗi con người trong Sông cũng bị bao phủ, chi phối và gắn bó máu thịt với dòng sông. Sông không còn là vật thể tự nhiên mà như một sinh thể mang theo hồn cốt, phong vị và cả văn hóa của con người miền Tây. Những địa danh trong Sông gợi cho ta cảm giác về những vùng đất bí hiểm, xa lạ trở thành đích đến trong hành trình khám phá của ba chàng trai Xu, Ân, Bối. Hành trình đi ngược sông Di của ba chàng trai được tác giả mô tả như một cuốn phim quay chậm. Từng tên làng, tên núi, tên sông được dẫn ra. Mỗi địa danh được nhắc đến lại gắn với những sự kiện lịch sử, những con người, những số phận… khiến người đọc như cũng bị cuốn vào chuyến đi dài ngày và thú vị ấy. Ngoài trường từ vựng biểu thị không gian sông nước miền Tây, trường từ vựng gắn với hoạt động của dòng sông, của con nước, hoạt động gắn với sông nước của con người cũng được sử dụng và tái hiện sinh động trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư. Đó là hình ảnh của nước ròng, nước lên, nước rút; đó là ghe (50 lần), là xuồng (12 lần), đò, quách (6 lần), thuyền… Sông nước chính là mảnh đất sinh tồn của biết bao số phận, biết bao mảnh đời và nó cũng chính là không gian nghệ thuật để nữ nhà văn chấm phá, gợi tả, phỏng dựng những cuộc đời, những con người sinh ra ở sông, luôn cảm thấy “thiếu sông” và nhớ sông da diết, quay quắt. Có thể nói, miền Tây Tổ quốc ta có một hệ thống sông ngòi dày đặc nên việc xuất hiện những nhóm từ liên quan đến sông nước trong phương ngữ Nam bộ là một điều hiển nhiên. Đi vào trong các trang viết của Nguyễn Ngọc Tư những từ ngữ địa phương này không chỉ có tác dụng miêu tả sự vật, sự việc mà còn là thứ chất liệu quan trọng phỏng dựng nên không gian nghệ thuật rộng lớn. Trên cái nền không gian sông nước mênh mông ấy, Nguyễn Ngọc Tư như 1 người hoạ sư tài hoa đang vẽ, 386
- đang hoạ nên những con người, những số phận rất miền Tây và cũng rất đời thường. Không gian ấy còn mang theo cả hơi thở của lịch sử và cả những cơ tầng văn hoá của biết bao con người miền Tây đã sinh sống và gắn bó máu thịt với vùng sông nước mênh mông ấy. Văn hóa sông nước đã thấm rất sâu vào trong đời sống, sinh hoạt và cả trong ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư. Và chính nó đã góp phần làm nên cái riêng, cái độc đáo, đa dạng trong các tác phẩm của nhà văn trẻ này. 4. KẾT LUẬN Có thể nói Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miền Tây sông nước. Hơi thở miền Tây thấm vào trong từng câu văn, từng nhân vật, từng cuộc đời, từng dòng sông, con nước, từng cái cây, ngọn cỏ... được nhà văn miêu tả trên những trang văn. Ngôn ngữ được sử dụng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư mang phong vị riêng, đậm chất Nam bộ. Đó là dấu vết của hệ thống từ địa phương với những biến âm của nguyên âm chính. Đó là hệ thống các từ xưng hô rất Nam bộ được dùng để xưng hô giữa các nhân vật, giữa nhà văn với nhân vật. Đó là hệ thống các ngữ khí từ được tái hiện sinh động trên các lượt lời hội thoại của các nhân vật. Đó là trường từ vựng sông nước chỉ có ở vùng phương ngữ Nam được dùng để miêu tả không gian, cảnh vật và con người Nam bộ.... Các từ và nhóm từ ấy xuất hiện khi nhặt, khi thưa, khi dồn dập, hối hả khi điểm xuyết qua loa. Chúng đan cài, hoà quyện, thẩm thấu vào nhau một cách tự nhiên, sinh động tạo nên một dư vị riêng cho ngôn từ nghệ thuật và cho tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Ngọc Tư (2000). Ngọn đèn không tắt. Tp Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 2. Nguyễn Ngọc Tư (2015). Sông. Tp Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 3. Nguyễn Văn Ái (Chủ biên) (1994). Từ điển phương ngữ Nam bộ. Tp Hồ Chí Minh: NXB. Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Hoàng Thị Châu (2004). Phương ngữ học tiếng Việt. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Nguyễn Thiện Giáp (2012). Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ. Hà Nội: NXB Giáo dục Việt Nam. 6. Phạm Văn Hảo (2009). Từ điển phương ngữ Tiếng Việt. Hà Nội: NXB. Khoa học Xã hội. 7. Lý Tùng Hiếu (2012). Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam bộ. Tp Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 8. Trần Thị Ngọc Lang (1995). Phương ngữ Nam bộ. Hà Nội: NXB. Khoa học Xã hội. 9. Đào Thản (1998). Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật. Hà Nội: NXB. Khoa học Xã hội. 10. Nguyễn Huy Thiệp (2010). Phương ngữ Nam bộ về sông nước. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 6 (83). 11. Huỳnh Công Tín (2007). Từ điển từ ngữ Nam bộ. Hà Nội: NXB. Khoa học Xã hội. 387
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Những yếu tố cách tân trong văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
9 p | 164 | 21
-
Thành ngữ tiếng Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua sáng tác của một số nhà văn Nam Bộ tiêu biểu
9 p | 117 | 16
-
Biến thể ngữ pháp của một số tiểu từ tình thái cuối câu trong phương ngữ Nam Bộ
6 p | 113 | 14
-
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn
9 p | 116 | 12
-
Phương ngữ Nam Bộ trong ca dao về tình yêu đôi lứa
8 p | 230 | 8
-
Sự chuyển đổi một số nguyên âm trong phương ngữ Nam Trung Bộ và hệ quả của nó
5 p | 143 | 8
-
Vấn đề “hình vị” và “từ” trong tiếng Việt và trong phương ngữ Nam bộ
11 p | 156 | 6
-
Ngôn ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Trần Kim Trắc
8 p | 18 | 6
-
Tiếp nhận “Truyện Kiều” ở Nam Bộ qua khảo sát trường hợp phó phẩm “Kim Vân Kiều ca”
8 p | 18 | 5
-
Vai trò của một số phương tiện tình thái cuối câu trong phương ngữ Nam Bộ
8 p | 51 | 5
-
Định danh thời gian trong phương ngữ Nam Bộ
3 p | 38 | 5
-
Dấu ấn văn hóa Nam bộ trong một số truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh
11 p | 27 | 5
-
Phương ngữ Nam Bộ - Nét đặc sắc của văn học đồng bằng sông Cửu Long cần lưu giữ
4 p | 72 | 4
-
Các từ đa tiết phương ngữ Nam Bộ trong ca dao, dân ca
6 p | 93 | 3
-
Dấu ấn văn hóa của người Nam bộ biểu hiện qua nhóm từ đánh giá sự vật
6 p | 87 | 2
-
Ngữ nghĩa của một số tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong tiếng Quảng Nam
9 p | 25 | 2
-
Chất Nam bộ qua ca từ của soạn giả Viễn Châu
5 p | 45 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn