intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quan điểm của người đào tạo kế toán khi triển khai đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dưới góc nhìn của người đào tạo kế toán, bài viết "Quan điểm của người đào tạo kế toán khi triển khai đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam" phân tích thực trạng và đánh giá những khó khăn trong giảng dạy chuẩn mực kế toán của các trường đại học hiện nay trên các khía cạnh chủ yếu: chương trình đào tạo; phương pháp đào tạo; đội ngũ giảng viên và giáo trình, tài liệu giảng dạy. Theo đó, bài viết đề xuất một số định hướng đào tạo kế toán đáp ứng yêu cầu hội tụ IFRS. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quan điểm của người đào tạo kế toán khi triển khai đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI ĐÀO TẠO KẾ TOÁN KHI TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN ÁP DỤNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI VIỆT NAM THE VIEWPOINTS OF ACCOUNTANTS ON IMPLEMENTING PROPOSED APPLICATION OF FINANCIAL REPORTING STANDARD IN VIET NAM TS. Đoàn Thục Quyên Trường Đại học Công đoàn Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Hội tụ theo chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) là xu thế chung trên toàn thế giới, ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam. Việc ban hành và triển khai áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam theo đề án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bản thân doanh nghiệp áp dụng và người sử dụng thông tin kế toán. Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn mực BCTC sẽ phát sinh nhiều khó khăn, cản ngại, trong đó có yếu tố về nhân lực kế toán khi thực hiện chuẩn mực BCTC, đặc biệt là IFRS. Do vậy, vai trò của đào tạo kế toán trong bối cảnh hội tụ theo IFRS là rất quan trọng đối với việc xây dựng nguồn nhân lực kế toán kịp thời, phù hợp với sự đổi mới. Dưới góc nhìn của người đào tạo kế toán, bài viết phân tích thực trạng và đánh giá những khó khăn trong giảng dạy chuẩn mực kế toán của các trường đại học hiện nay trên các khía cạnh chủ yếu: chương trình đào tạo; phương pháp đào tạo; đội ngũ giảng viên và giáo trình, tài liệu giảng dạy. Theo đó, bài viết đề xuất một số định hướng đào tạo kế toán đáp ứng yêu cầu hội tụ IFRS. Từ khóa: Đào tạo kế toán, IFRS, đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính ABSTRACT Convergence to International Financial Reporting Standards (IFRS) is a global trend, and on March 16, 2020 the Ministry of Finance issued Decision 345/QD-BTC approves the proposed application of financial reporting standards in Viet Nam. The promulgation and implementation of financial reporting standards in Viet Nam under the proposal would benefit both the entity itself and users of accounting information. However, the application of the financial reporting standard will create many difficulties, including factors in accounting personnel when implementing the IFRS, particularly. Therefore, the role of accounting training in the context of convergence in IFRS is critical to the timely development of accounting human resources, consistent with innovation. From the perspective of an accountant, the paper analyzes the current situation and evaluates the difficulties in teaching accounting standards of existing universities in key respects: training programs; methods of training; faculty and curriculum, teaching materials. Accordingly, the paper suggests several training guidelines for accounting that meet the requirements of convergence of IFRS. Keywords: Training in accounting, IFRS, proposals to apply financial reporting standards. 118
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Giới thiệu Hiện nay, cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia. Do vậy, IFRS đang được nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều nước láng giềng của Việt Nam áp dụng. Việc áp dụng IFRS được xem như là một điều kiện cần thiết đảm bảo cho sự công nhận rộng rãi của thông tin trình bày trên BCTC của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có lợi ích công chúng như tổ chức niêm yết, đại chúng. Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, các quốc gia thường qui định rõ các doanh nghiệp phải áp dụng hoặc được lựa chọn áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế và các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực BCTC quốc gia được xây dựng trên cơ sở IFRS khi lập và trình bày BCTC. Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Từ thực tế này, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam quy định việc áp dụng IFRS, thực hiện theo lộ trình 03 giai đoạn: (1) Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021; (2) Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025; (3) Giai đoạn áp dụng bắt buộc: từ sau năm 2025. Đối với việc áp dụng VFRS, thực hiện theo lộ trình 02 giai đoạn: (1) Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2024; (2) Giai đoạn triển khai áp dụng: từ năm 2025. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cho thấy việc triển khai thực hiện đưa IFRS và VFRS vào áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trên nhiều phương diện, trong đó có trở ngại về nguồn nhân lực kế toán thực hiện IFRS và VFRS, vấn đề này rất cần được các cơ sở đào tạo quan tâm. 2. Khó khăn của việc triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam Thứ nhất, về phía cơ quan nhà nước, việc triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam còn triển khai chưa kịp thời, như: - Theo Quyết định 345/QĐ-BTC thì việc áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam được thực hiện theo 03 giai đoạn: (1) Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021; (2) Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025. Theo đó, giai đoạn mà các doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng IFRS là từ năm 2022 đến hết năm 2025, tuy nhiên cho tới nay Bộ Tài chính chưa ban hành IFRS làm cơ sở cho các doanh nghiệp muốn tự nguyện áp dụng IFRS làm cơ sở pháp lý để triển khai. - Theo mục tiêu cụ thể của đề án, việc áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam có 2 nội dung mà cho tới nay Bộ Tài chính chưa công bố và hướng dẫn triển khai để các doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện, đó là: (1) Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế là các doanh nghiệp nào. (2) Ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu 119
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Trên thực tế, việc áp dụng IFRS ở nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ, đối với những quốc gia có ngôn ngữ hành chính không phải là tiếng Anh thì việc hiểu đúng bản chất và diễn giải khó chính xác 100%. Do vậy, việc giải quyết những tranh cãi từ cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp với các cơ quan kiểm toán, thanh tra,…không phải là vấn đề dễ dàng. Thứ hai, yêu cầu xây dựng thể chế và năng lực kỹ thuật để cải thiện chất lượng BCTC là hết sức cần thiết thông qua việc triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam. Yêu cầu này trong bối cảnh nguồn lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trên cả nước còn hạn chế, chưa được quan tâm thỏa đáng khi triển khai thực hiện. Đồng thời những năm qua có rất nhiều thay đổi quan trọng trong công tác kế toán và BCTC. Trên bình diện quốc tế, các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán quốc tế đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi, xây dựng trên cơ sở nền kinh tế thị trường phát triển cao, theo hướng cố gắng hài hoà các nguyên tắc kế toán được thừa nhận của Mỹ (USGAAP) và các chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế. Các CMKT quốc tế gồm 2 loại: Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) (gọi chung là chuẩn mực kế toán quốc tế) lại luôn được cập nhật, thay đổi nên Việt Nam cũng phải cập nhật cho phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Thứ ba, do nền kinh tế thị trường Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, mối quan hệ giữa CMKT với pháp luật về thuế và cơ chế tài chính còn mang nhiều nét đặc thù và phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ yếu, quan trọng. Do vậy việc ban hành và công bố áp dụng hệ thống CMKT Việt Nam (VFRS) cần dựa trên cơ sở CMKT quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam. Theo đó, chúng ta phải dịch thuật, soát xét bản dịch IFRS và nghiên cứu đồng bộ các CMKT quốc tế để có định hướng các nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong các CMKT đã và sẽ ban hành mới. Thứ tư, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp thực hành kế toán không dựa vào các CMKT đã được ban hành mà chủ yếu được thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp. Các nhà quản lý cũng như người làm kế toán ở doanh nghiệp vừa chưa quan tâm đến CMKT mà họ thường quan tâm đến việc lập ra BCTC được cơ quan chức năng chấp nhận là coi như hoàn thành nhiệm vụ dù rằng những báo cáo này có tuân thủ CMKT, chế độ kế toán hay không. Ngay cả việc đào tạo kế toán ở không ít cơ sở đào tạo cũng chỉ dựa vào chế độ kế toán để giảng dạy và hướng dẫn thực hành kế toán chứ chưa gắn nhiều với các CMKT đã được ban hành. Tất cả những điều lý giải trên cho thấy tại sao nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ biết đến chế độ kế toán và dựa vào chế độ kế toán để thực hiện công tác kế toán chứ chưa quan tâm nhiều đến CMKT. Như vậy, để có thể ban hành bộ CMKT cho doanh nghiệp ở Việt Nam còn là một chặng đường dài với nhiều cản ngại liên quan đến tập quán thực tế làm kế toán không dựa vào quy định và hướng dẫn của CMKT mà chỉ dựa vào những hướng dẫn chi tiết của chế độ kế toán. Điều này phù hợp với trình độ của các nhà quản lý và người làm kế toán tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay và tình trạng đó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Do vậy, việc nghiên cứu để xây dựng hệ thống CMKT Việt Nam (VFRS) trên cơ sở vận dụng IFRS và áp dụng toàn diện IFRS đang trở thành một thách thức lớn với các cơ quan chức năng nhà nước về kế toán, kiểm toán cũng như đối với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đứng trước xu thế hội nhập sâu rộng về mọi lĩnh vực trong đó có kế toán thì việc 120
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 áp dụng theo CMKT quốc tế về lâu dài đang là một vấn đề không thể không thực hiện vì thông qua việc áp dụng IFRS và VFRS cho các đối tượng cụ thể sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam tăng cường được năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập để phát triển hoạt động kinh doanh. Những khó khăn nêu trên nếu không tháo gỡ kịp thời và có những giải pháp xử lý thích ứng thì việc áp dụng IFRS và VFRS ở Việt Nam sẽ không thực hiện được theo đúng lộ trình của đề án mà Bộ Tài chính đã phê duyệt tại Quyết định 345/QĐ-BTC. Đứng dưới góc độ của người đào tạo kế toán, bài viết đi sâu nghiên cứu và tháo gỡ cản ngại về trình độ người làm kế toán trên cơ sở nghiên cứu thực trạng đào tạo và đề xuất một số định hướng đào tạo kế toán theo IFRS tại Việt Nam. 3. Vấn đề đào tạo chuẩn mực kế toán ở các cơ sở giáo dục 3.1. Thực trạng đào tạo chuẩn mực kế toán ở các cơ sở giáo dục Thứ nhất, về chương trình đào tạo: Hiện nay chương trình đào tạo (CTĐT) kế toán tại các trường đại học ở Việt Nam rất đa dạng. Các trường đều chủ động thiết kế CTĐT riêng để phù hợp với điều kiện thực tế như: định hướng đào tạo theo hướng nghiên cứu hay hướng ứng dụng, chất lượng đầu vào, chuẩn đầu ra. Theo đó, việc đào tạo CMKT tại các trường cũng có nhiều điểm khác biệt. Hiện nay, việc giảng dạy IFRS còn khá mới mẻ, chỉ có một số ít trường đại học như Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Ngân hàng,… đã kết hợp lồng ghép IFRS vào các CTĐT tiên tiến, chất lượng cao bằng cách tích hợp nội dung một số môn học trong CTĐT của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA, CIMA… còn các CTĐT khác thì mới dừng lại ở những cấp độ mang tính giới thiệu về IFRS hoặc so sánh một số IFRS với VAS mà chưa giảng dạy một cách có hệ thống về nội dung IFRS cũng như áp dụng IFRS để lập BCTC thông qua một số môn học như: môn Kế toán quốc tế căn bản của Trường Đại học Tài chính - Marketing Tp.HCM, môn Kế toán quốc tế của các trường đại học như Trường đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện ngân hàng……Như vậy, phần đông các trường đại học cũng như sinh viên ngành kế toán hiện nay chưa tiếp cận IFRS trong giảng dạy và nghiên cứu. So với IFRS, thì chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã được đưa vào giảng dạy khá phổ biến trong CTĐT của nhiều trường đại học thông qua các môn học: Kế toán tài chính, Luật và chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kế toán, mặc dù vậy, nhưng nội dung giảng dạy của nhiều CTĐT cũng chưa đi sâu vào bản chất của các CMKT mà vẫn thiên về chế độ kế toán Việt Nam. Ngoài ra, vẫn còn một số trường chưa giảng dạy về nội dung VAS, mà chỉ giảng cách thức hạch toán theo qui định của chế độ kế toán. Đồng thời, việc nghiên cứu các tình huống thực tế của Việt Nam còn hạn chế trong nội dung giảng dạy kế toán. Điều này dẫn đến sinh viên có thể thực hiện ghi nhận các nghiệp vụ theo hướng dẫn của chế độ một cách khiên cưỡng mà chưa hiểu rõ bản chất và nguyên tắc hạch toán. Khó khăn đặt ra về chương trình đào tạo: (1) Mặc dù một số trường đại học đã đưa IFRS và VAS vào giảng dạy, tuy nhiên do khung pháp lý kế toán Việt Nam vẫn chú trọng nhiều vào các quy định cụ thể trong khi IFRS theo khuynh hướng kế toán dựa trên nguyên tắc nên các trường đại học vẫn phải giảng dạy theo tinh thần hướng dẫn các quy định cụ thể để sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công việc. (2) Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thời lượng thực hành còn quá ít, hầu như sinh viên chỉ được thực tập, thực tế năm cuối để hoàn thành đề tài tốt nghiệp. 121
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Thứ hai, về phương pháp đào tạo: Hiện nay, hầu hết các trường đại học đào tạo theo hệ thống tín chỉ, theo đó phương pháp dạy là lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, hầu như phương pháp này chưa được thể hiện đúng bản chất, thay vào đó phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, hay “giảng dạy những gì mình có chứ không giảng những gì người học cần” của một bộ phận giảng viên vẫn tồn tại, các buổi thảo luận nhóm, thuyết trình nhóm, bài tập nhóm vẫn còn khá hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên hình thành thói quen ỷ lại vào bài giảng của thầy cô và những kiến thức và thầy cô truyền tải, không biết cách tự đào tạo bản thân, bỡ ngỡ trong các tình huống phát sinh, khả năng thu nhận những kiến thức mới còn nhiều hạn chế. Với hiện thực đặt ra trong đào tạo kế toán theo CMKT thì phương pháp như trên sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Đào tạo để sinh viên hiểu và vận dụng được CMKT, đặc là IFRS đòi hỏi sinh viên phải tự học khá nhiều. Khối lượng kiến thức khi đào tạo IFRS nhiều hơn so với việc đào tạo chỉ theo chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam của nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Khó khăn đặt ra về phương pháp giảng dạy: Phương pháp giảng dạy chưa tạo ra sự chủ động trong các hoạt động học tập, đặc biệt là phát huy khả năng tự nghiên cứu và cập nhật IFRS. Thứ ba, về đội ngũ giảng viên: Đội ngũ giảng viên kế toán tại các trường đại học đang có sự cải thiện về chất lượng, các giảng đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên, được đào tạo bài bản, đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức chuyên ngành. Đặc biệt, số lượng các giảng viên được đào tạo ở nước ngoài gia tăng rõ rệt, đây là bộ phận nòng cốt để triển khai đào tạo IFRS vì họ có được khả năng rất cần thiết là thành thạo tiếng Anh chuyên ngành, có thể nghiên cứu trực tiếp các tài liệu nguyên bản IFRS. Bên cạnh đó, do được đào tạo ở các quốc gia tiên tiến nên họ đã tham gia học kế toán theo IFRS và có được kiến thức nền tảng vững chắc về IFRS. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên được đào tạo nước ngoài vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần lớn giảng viên kế toán hiện nay chưa thể tham gia đào tạo IFRS vì chưa được nghiên cứu bài bản IFRS, khả năng tiếng Anh còn hạn chế nên gặp nhiều rào cản trong việc tìm kiếm tài liệu về IFRS, cũng như khả năng tiếp cận các lớp học IFRS do chuyên gia nước ngoài đào tạo… Khó khăn đặt ra về đội ngũ giảng viên giảng dạy: Đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu giảng dạy IFRS như: hiểu biết, kinh nghiệm và ngoại ngữ còn khá mỏng về số lượng. Thời gian áp dụng IFRS không còn xa, để thực hiện được theo lộ trình trong Đề án thì việc tháo gỡ khó khăn này cần phải triển khai hết sức nhanh chóng và quyết liệt. Thứ tư, về giáo trình, tài liệu giảng dạy: Hiện nay, việc xuất bản giáo trình tài liệu giảng dạy IFRS của các trường đại học hầu như chưa có, ngoại trừ một số ít trường đầu ngành như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM… Các tài liệu nước ngoài chuyên ngành kế toán còn khan hiếm, đặc biệt là tài liệu liên quan đến IFRS. Chủ yếu vẫn là giáo trình, tài liệu tiếp cận theo CMKT, chế độ kế toán Việt Nam. Do đó, có tình trạng nội dung giáo trình tập trung vào kỹ thuật định khoản Nợ - Có cho từng nghiệp vụ phát sinh, chưa chú trọng đến nội dung chuẩn mực kế toán nên còn mang nặng tính học thuộc, rập khuôn, chưa phát huy được khả năng tư duy, suy luận và xét đoán nghề nghiệp của người học. Nội dung giáo trình, tài liệu cũng còn hạn chế tình huống thực tiễn, điều này dẫn đến sinh viên ra trường chậm thích ứng với công việc và môi trường thực tế rất đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, do nhiều giáo trình và tài liệu chuyên ngành kế toán được 122
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 viết dựa trên chế độ kế toán nên giáo trình, tài liệu của một môn học giữa các tác giả hầu như nội dung gần giống nhau, có khác cũng chỉ là sắp xếp trật tự các nội dung khác nhau, cho các ví dụ nghiệp vụ phát sinh khác nhau, dẫn đến tài liệu phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu chưa phong phú, đa dạng. Khó khăn đặt ra về giáo trình, tài liệu giảng dạy: (1) Học liệu liên quan đến IFRS còn thiếu ở hầu hết các trường đại học. (2) Chi phí tài liệu để học, nghiên cứu IFRS khá tốn kém đối với điều kiện kinh tế của sinh viên Việt Nam nếu sinh viên phải sử dụng tài liệu được công bố từ tổ chức biên soạn chuẩn mực IFRS do Bộ Tài chính công bố. 3.2. Định hướng đào tạo kế toán Việt Nam khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam Nhằm góp phần thực hiện đảm bảo tiến độ đề án áp dụng chuẩn mực BCTC ở Việt Nam của Bộ Tài chính đòi hỏi công tác đào tạo kế toán của Việt Nam phải có định hướng phù hợp nhằm khắc phục những khó khăn đã đặt ra trong nghiên cứu thực trạng, cụ thể: Thứ nhất, về chương trình đào tạo Cần phải xây dựng chiến lược đào tạo kế toán theo hướng quốc tế hoá về kỹ năng nghề nghiệp và năng lực ứng xử để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện việc đào tạo chuyên ngành phù hợp với điều kiện áp dụng IFRS. Hiện nay việc đào tạo kế toán đang được thực hiện ở rất nhiều cơ sở đào tạo. Tuy nhiên để sinh viên tốt nghiệp đại học đủ năng lực làm việc trong điều kiện áp dụng IFRS thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với Bộ Tài chính, các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế để xây dựng CTĐT kế toán có sự gắn kết giữa IFRS với các quy định của kế toán Việt Nam để người học vừa có thể làm việc trong điều kiện hiện tại vừa có thể tự nâng cao trình độ để có thể làm việc khi áp dụng IFRS. CTĐT cần rà soát, đánh giá để giảm thời lượng những môn học nặng lý thuyết, tăng thời lượng các môn thực hành. Rà soát, đánh giá đề cương chi tiết để giảm nội dung lý thuyết và tăng tình huống thực tế. Với mục tiêu áp dụng IFRS thì nội dung chương trình giảng dạy kế toán ở các trường đại học cần phải có thay đổi, điều chỉnh dần theo hướng giảng dạy IFRS kết hợp với các tình huống cụ thể phát sinh trên thực tế của Việt Nam. Việc làm này một mặt sẽ giúp người học vừa tiếp cận được IFRS vừa am hiểu các quy trình kế toán ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thực tế sau khi ra trường và khi doanh nghiệp áp dụng IFRS. Thực tế các IFRS đã ban hành và sử dụng hiện nay được biên soạn dựa trên các nguyên tắc kế toán cơ bản đã được thừa nhận rộng rãi nhiều hơn là dùng các quy định chung. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải chấp nhận quan điểm xây dựng khung pháp lý kế toán theo khuynh hướng nguyên tắc, không đi theo hướng các quy định cụ thể. Một khi khung pháp lý kế toán theo khuynh hướng nguyên tắc, tất nhiên các trường đại học sẽ thay đổi nội dung giảng dạy kế toán theo khuynh hướng phân tích các nguyên tắc trên tinh thần của IFRS để người học có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hữu ích sau khi tốt nghiệp. Một vấn đề khác cũng cần được xem xét là Việt Nam đã gia nhập AEC. Với việc gia nhập tổ chức kinh tế này thì vấn đề cạnh tranh nhân lực kế toán có tay nghề cao đang trở nên quyết liệt giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Chúng ta phải đào tạo được nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước đồng thời đủ năng lực để xuất khẩu lao động cho các nước trong khu vực. Để làm điều này thì việc đào tạo đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán phải được thực hiện theo hướng quốc tế hoá về nội dung giảng dạy và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Do vậy, những trường có điều kiện về nhân lực nên mở ngay chuyên ngành Kế toán quốc tế giảng dạy bằng tiếng 123
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Anh cho sinh viên chính quy và chất lượng cao. Chương trình đào tạo này sẽ học chuyên sâu vào IFRS gắn kết với các tình huống cụ thể ở Việt Nam đồng thời kết hợp với chương trình của ACCA để một khi tốt nghiệp sinh viên vừa có bằng đại học về kế toán vừa có chứng chỉ ACCA. Việc làm này cần được phát triển và nhân rộng thì trong tương lai gần chúng ta mới có đủ lực lượng để khai phá, gây dựng và phát triển việc áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp của Việt Nam. Thứ hai, về phương pháp đào tạo Để chuẩn bị cho việc đào tạo ra các kế toán có khả năng áp dụng IFRS trong thực tế thì việc các trường đại học cần áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm, thay đổi phương pháp dạy từ truyền thống sang phương pháp dạy tích cực, chú trọng trang bị cách học, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên. Giảng viên sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực: Thuyết trình kèm đối thoại, nêu vấn đề đối thoại, thảo luận nhóm theo chủ đề; sử dụng công nghệ trang thiết bị hiện đại nhằm phát huy tính chủ động khám phá tri thức ở các bậc nhận thức cao. Tăng cường các giờ học thực hành, thực tế doanh nghiệp kết hợp học tập với nghiên cứu khoa học với các chủ đề liên quan đến IFRS để nâng cao kiến thức IFRS cho sinh viên. Để thực hiện được điều này giảng viên vừa tham gia giảng trực tiếp vừa đóng vai trò là người hướng dẫn, điều tiết và giám sát hoạt động nhóm và quá trình học tập của từng sinh viên, còn sinh viên đóng vai trò chủ đạo tự tìm tòi, nghiên cứu là chính. Cụ thể kiến thức sẵn có trong giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy giảng viên có thể hướng dẫn dưới dạng các câu hỏi, hoặc sơ đồ tư duy, tóm tắt nội dung chính cần nắm để sinh viên tự đọc, tự nghiên cứu. Hơn hết, giảng viên cần tập trung vào kết quả mà sinh viên thu nhận được trong quá trình tự nghiên cứu IFRS. Giảng viên nên chú trọng giảng dạy kế toán theo phương pháp dựa trên các nguyên tắc, tăng khả năng phán xét, suy luận bản chất vấn đề, chú trọng các khái niệm cơ bản thay vì các quy định cụ thể. Có như vậy người học mới dần thích nghi với quy định của IFRS. Thứ ba, về đội ngũ giảng viên Việc chuyển hoá tinh thần và nội dung của IFRS để chuyển thành kiến thức chuyên ngành cho người học là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc áp dụng IFRS bởi đây chính là lực lượng chủ yếu thực hiện kế toán trong doanh nghiệp. Quá trình chuyển hoá này phụ thuộc vào trình độ và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Chỉ khi nào các giảng viên am hiểu đúng và sâu về IFRS thì mới đủ năng lực để chuyển hoá IFRS thành kiến thức cho người học. Đây là vấn đề có tính chiến lược lâu dài và đòi hỏi lượng kinh phí khá lớn. Do vậy, các cơ sở giáo dục phải xây dựng ngân sách để hoàn thiện đội ngũ giảng viên giảng dạy IFRS. Việc tuyển dụng giảng viên được đào tạo chuyên sâu ở các quốc gia phát triển về ngành kế toán theo IFRS sẽ có chi phí rất lớn mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện được. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực nội bộ là giải pháp có tính khả thi hơn, bằng cách: (1) tạo điều kiện khẩn trương cho giảng viên đi học và thi các chứng chỉ kế toán chuyên nghiệp ACCA, ICAEW, CPA Australia… và tham gia học các khóa đào tạo về IFRS từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. (2) tổ chức hội thảo chuyên sâu về IFRS giữa các trường đại học có đào tạo kế toán, bằng cách mỗi buổi hội thảo do một trường tổ chức và chỉ tập trung thảo luận về một hoặc một vài chuẩn mực có nội dung liên quan. (3) các trường tự tổ chức sinh hoạt khoa học để tất cả các giảng viên kế toán có điều kiện được tham gia nghiên cứu, bày tỏ hiểu biết và lĩnh hội những kiến thức về IFRS. (4) tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng IFRS, giúp giảng viên có điều kiện tham gia thực tế và học tập kinh nghiệm thực tế kế toán theo IFRS. 124
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Thứ tư, về giáo trình, tài liệu giảng dạy: Giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy phải phù hợp với CTĐT và phương pháp giảng dạy mới. Giáo trình trên cơ sở bám sát CMKT, trong đó lấy IFRS là nền tảng, tăng cường bài giải tình huống cho sinh viên tự học. Nhưng chuẩn mực kế toán mang tính hướng dẫn chung, tôn trọng bản chất hơn nên khi soạn tài liệu dựa trên chuẩn mực giúp người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, tăng khả năng xét đoán nghề nghiệp nên có thể giải quyết tình huống trong thực tế tốt hơn. Các trường cần đổi mới toàn diện nội dung chương trình học, trong đó quan trọng là đổi mới nội dung, chương trình học, ôn thi phải đảm bảo chất lượng, mang tính thực tiễn và sát với các tình huống thực tế nghề nghiệp hơn. Các tài liệu tham khảo nên bổ sung thêm các đầu sách nước ngoài viết bằng tiếng Anh vào kho tàng thư viện. Để giảng viên và sinh viên có nhu cầu và có cơ hội mở rộng kiến thức và rèn luyện thêm về ngoại ngữ. Tổ chức các buổi tập huấn cho giảng viên và sinh viên khai thác dữ liệu mở trên ineternet. Đối với IFRS, việc chuyển ngữ sang ngôn ngữ tiếng Việt là việc làm không đơn giản bởi việc chuyển ngữ này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cảm thụ của người đọc và điều đó ảnh hưởng lớn đến sự hiểu biết tinh thần đúng đắn của IFRS trong nghiên cứu học thuật cũng như trong thực hành kế toán. Do vậy, Bộ Tài chính nên thành lập ban chuyển ngữ bao gồm các giảng viên có am hiểu chuyên sâu về IFRS, có tiếng Anh tốt và có nhiều kinh nghiệm trong biên soạn giáo trình, tài liệu kế toán. Theo chúng tôi việc chuyển ngữ này nên giao cho các trường đại học có uy tín thực hiện và sau đó Bộ Tài chính thực hiện việc biên tập lại trước khi phát hành. 5. Một số kiến nghị - Trong môi trường kinh tế toàn cầu như hiện nay, người làm kế toán của mỗi quốc gia phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, phải được thừa nhận lẫn nhau để có được “ngôn ngữ” chung trong việc cung cấp thông tin kinh tế tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng một chiến lược phát triển kế toán theo hướng hội nhập trong đó có việc chú trọng công tác đào tạo kế toán cho doanh nghiệp. Dựa trên chiến lược này, cần có sự phối hợp với các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về IFRS và VFRS. - Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học liên quan đến việc tìm hiểu kinh nghiệm về nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng IFRS và VFRS của các nước trên thế giới để làm cơ sở cho việc nghiên cứu và ban hành như đã nói trên phục vụ cho việc giảng dạy cũng như tổ chức thực hiện IFRS và VFRS cho các doanh nghiệp trong dài hạn. Theo chúng tôi, để việc áp dụng toàn bộ IFRS và VFRS có thể thực hiện được cần một khoảng thời gian khá dài để tiến hành các công việc cần thiết nói trên và chỉ khi nền kinh tế đã có những chuyển đổi cơ bản phù hợp với đặc tính của nền kinh tế thị trường như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. - Để đưa công tác kế toán tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vào nền nếp, từng bước tiếp cận và đi đến áp dụng IFRS và VFRS thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo trong việc soạn thảo các văn bản pháp lý về kế toán nói chung và bộ CMKT áp dụng cho doanh nghiệp nói riêng; phối hợp trong công tác đào tạo nhân lực về kế toán, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức kế toán để người làm kế toán cũng như các nhà quản lý doanh nghiệp có được những am hiểu cần thiết để phục vụ tốt cho quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp. - Các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học cần dành một tỷ lệ thích đáng trong nội 125
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 dung chương trình đào tạo kế toán cho doanh nghiệp để người được đào tạo có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. - Các cơ quan nhà nước cần có những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà quản lý doanh nghiệp trong việc tiếp cận những đổi mới về kế toán áp dụng cho doanh nghiệp để các nhà quản lý doanh nghiệp có nhận thức đúng về IFRS, VFRS và thật sự quan tâm đến chất lượng thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng sử dụng có liên quan. Việc đổi mới, hoàn thiện nội dung, CTĐT trong các cơ sở đào tạo kế toán theo hướng tiếp cận IFRS như đã nêu trên sẽ xác lập vị thế quan trọng của nghề nghiệp kế toán, nâng cao giá trị ở tầm quốc gia và thừa nhận quốc tế đối với nguồn nhân lực kế toán ngay khâu đào tạo ở Việt Nam. Với đội ngũ sinh viên được đào tạo căn bản, được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn cần thiết, đặc biệt là IFRS và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn chất lượng kế toán doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, để đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế toán ở Việt Nam cần phải có một quá trình đòi hỏi những nỗ lực và đóng góp từ nhiều phía bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và quan trọng nhất là từ chính bản thân các kế toán viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Tài chính (2020). Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. [2] Bui, B., & Porter, B. (2010). The expectation-performance gap in accounting education: an exploratory study. Accounting Education: an international journal. [3] Dương Hoàng Ngọc Khuê và các cộng sự (2020). Tích hợp IFRS vào chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán của trường Đại học Tài chính – Marketing. Tạp chí nghiên cứu Tài chính – Marketing [4] Đàm, T. B. H. (2016). Sự cần thiết áp dụng và đào tạo IFRS tại Việt Nam Paper presented at the IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam, TP. HCM. [5] Jackling, B., Howieson, B., & Natoli, R. (2012). Some implications of IFRS adoption for accounting education. Australian Accounting Review. [6] Jones, C. G., Vedd, R., & Yoon, S. W. (2009). Employer expectations of accounting undergraduates' entry-level knowledge and skills in global financial reporting. American Journal of Business Education, 2(8), 85. [7] Karreman, G. H., Ahern Jr, J., Kuijl, J., & Marrian, I. (2007). GAE 2007, trends in global accounting education. JT Ahern, Jr., JG Kuijl, & IFY Marrian (Eds.). [8] Karthik Ramann, Ewa Sletten (2009), why do countries adopt IFRS?. Truy cập từ < https://www.google.com.vn. [9] Lê, T. T. H., & Hoàng, T. T. (2016). Đào tạo cử nhân kế toán trong xu hướng hội nhập: thực trạng và giải pháp. Paper presented at the Kế toán, kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC, Hà Nội. [10] Munter, P. & Reckers PM. (2009). IFRS and Collegiate Accounting Curricula in the United States: 2008 A Survey of the Current State of Education Conducted by KPMG and the Education 126
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [11] Nguyễn Hữu Ánh (2017). Đổi mới đào tạo ngành kế toán của các trường đại học của Việt Nam đáp ứng yêu cầu xã hội trong xu thế hội nhập. Kỷ yếu hội thảo IFRS định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tài chính. [12] Nguyễn Xuân Hưng (2017). Định hướng đào tạo Kế toán tại Việt Nam trong quá trình hội nhập chuẩn mực lập báo cáo tài chính Quốc tế IFRS. Kỷ yếu hội thảo IFRS định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tài chính. [13] Nguyễn, T. M. H. (2016). Đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập. Paper presented at the Kế toán, kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC, Hà Nội. [14] Nguyễn, T. P. T. (2016). Đào tạo Kế toán khi áp dụng IFRS tại Việt Nam. Paper presented at the IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam, TP. HCM. [15] Phan, T. D. (2017). Định hướng chương trình đào tạo kế toán trong môi trường hội nhập chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Paper presented at the Chính sách tài chính - kế toán trong bối cảnh hội nhập, Nha Trang. [16] Phan Thị Anh Đào (2020) “Áp dụng IFRS tại Việt Nam: Những khó khăn và giải pháp cho các trường đại học đào tạo kế toán, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hang. [17] Trần, V. T., Phạm, T. A., & Nguyễn, K. C. (2014). Đổi mới chất lượng công tác giảng dạy môn Kế toán tài chính tại các trường đại học Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới. Paper presented at the Kế toán tài chính - Những thay đổi và định hướng trong tiến trình hội nhập, TP. HCM. [18] Trịnh Thị Hợp (2021). Đào tạo kế toán tại các trường đại học ở Việt Nam giai đoạn hội tụ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tạp chí Khoa học Quốc tế AGU. [19] Vo, V. N., & Nguyễn, V. T. L. (2016). Một số ý kiến về vấn đề áp dụng IFRS vào kế toán doanh nghiệp ở Việt Nam dưới góc nhìn của người đào tạo kế toán. Kỷ yếu hội thảo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế- những thách thức và kinh nghiệm áp dụng, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và ICAEW. 127
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2