intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày nội dung về một số yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ quốc phòng việt Việt Nam - Hoa Kỳ; quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI

  1. QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VIỆT NAM - HOA KỲ TRONG 2 THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI Nguyễn Hà Trang1 1. Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, trong đó nổi lên vai trò của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở chia sẻ những lợi ích chung và những điều chỉnh chính sách từ cả 2 bên, quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây vốn được đánh giá là lĩnh vực có tính chất nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Song, thực tiễn trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI cho thấy sự thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước; chứng minh những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược, các giới hạn, khác biệt đã dần dần bị đẩy xa, tương ứng với mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ khóa: quan hệ quốc phòng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ… 1. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VIỆT NAM – HOA KỲ Về tình hình thế giới và khu vực, sự kiện nổi bật có tác động mạnh mẽ nhất đến đời sống quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI là cuộc tấn công của các lực lượng khủng bố vào Hoa Kỳ ngày 11/9/2001. Tình hình thế giới sau sự kiện 11/9 cho thấy một số điểm đáng chú ý (Trình Mưu, 2005): (i) các nước lớn tiếp tục đóng vai trò chi phối đối với các công việc của thế giới; sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau trong quan hệ giữa các nước lớn ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng; (ii) quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong sự cạnh tranh gay gắt tác động không nhỏ đến các quốc gia và tình hình thế giới; (iii) an ninh quốc gia và an ninh quốc tế có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng mở rộng phạm vi, vấn đề, quy mô, cách thức bảo đảm. Nhân tố an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen nhau. Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi lên là một khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ phát triển cao. Quan hệ giữa các nước lớn ở châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển từ đối kháng sang đối tác. Hợp tác và đấu tranh sẽ tiếp tục đan xen nhau và sẽ thể hiện trên những biến chuyển trong quan hệ giữa các nước trong khu vực trong nhiều thập kỷ tới (Học viện Quan hệ Quốc tế, 2003). Dưới tác động của những nhân tố trên, các nước đều tiến hành điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của quốc gia, dân tộc mình, trong đó có cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ phía Hoa Kỳ, sau sự kiện 11/9, chính quyền G.W.Bush đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, có một số điều chỉnh lớn. Khủng bố trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu; 504
  2. châu Á – Thái Bình Dương trở thành trọng điểm trong chiến lược đối ngoại, có sự điều chỉnh lớn về an ninh quân sự đối với khu vực này, trong đó có khu vực Đông Nam Á, xem đây như là “mặt trận thứ hai” trong cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 1/2009, Barack Obama chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, đã thực hiện một loạt thay đổi trong chính sách đối ngoại, thể hiện ở hai luận điểm: sức mạnh thông minh (Smart Power) và thế kỷ Thái Bình Dương (Pacific Century). Trong việc triển khai luận điểm về thế kỷ Thái Bình Dương, Đông Nam Á được chú trọng hơn so với chính quyền tiền nhiệm, thậm chí khu vực Đông Nam Á còn được xem là một phần trong “lợi ích” của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Robert Sutter, 2009). Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam có một ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với Hoa Kỳ (Thông tấn xã Việt Nam, 2006): thứ nhất, Việt Nam là một nhân tố khu vực then chốt tại Đông Nam Á với dân số đứng thứ hai, lực lượng quân sự lớn nhất và trữ lượng dầu mỏ ước tính 600 triệu thùng; thứ hai, Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, có các cảng sâu như Cam Ranh, Hải Phòng. Theo đánh giá của giới quân sự Hoa Kỳ, Việt Nam có thể trở thành một công cụ thực hiện các mục tiêu của Washington nhằm tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ và kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực. Khu vực Đông Nam Á có 2 trong số 5 đồng minh ở châu Á của Hoa Kỳ là Philippines và Thái Lan. Bên cạnh đó, Singapore cũng hợp tác rất chặt chẽ với Hoa Kỳ, tạo sự tiếp cận quan trọng với các phương tiện quân sự. Các nước khác như Indonesia và Việt Nam có những lợi ích chung quan trọng với Hoa Kỳ và nhiều khả năng sẽ trở thành các đối tác an ninh và chiến lược gần gũi hơn trong thời gian tới (Nguyễn Nhâm, 2011). Trong đó, Việt Nam được xem là một đối tác được phía Hoa Kỳ chú ý nhất. Có nhiều học giả cho rằng, gia tăng quan hệ quân sự Hoa Kỳ - Việt Nam là Hoa Kỳ nhằm xác lập một cân bằng mới trong quan hệ của Hoa Kỳ - ASEAN và Trung Quốc (Ngô Xuân Bình, 2007). Sau khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố lần lượt “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” và “Chiến Lược Quốc Phòng” vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, qua đó khẳng định “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ” (Secretary Mattis, 2018); và “hai yếu tố chính được nêu rõ trong quan điểm của chính quyền Trump tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “tự do” và “rộng mở” ( C Raja Mohan, 2017).Trong các văn bản và phát biểu chính thức, Hoa Kỳ đã sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thay cho “châu Á - Thái Bình Dương” cho thấy sự dịch chuyển của Hoa Kỳ từ khái niệm "châu Á - Thái Bình Dương" đến khuôn khổ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Đây có thể chỉ là động thái mang tính hình thức nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm, nhưng trên thực tế thì vẫn duy trì mức độ quan tâm cao đối với khu vực. Thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có ý nghĩa bao quát hơn về mặt địa lý so với châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là những cơ sở quan trọng để Hoa Kỳ tiếp tục có những đánh giá về mặt chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng và trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, các mục tiêu chính sách lâu dài đối với Việt Nam là bảo đảm một nước Việt Nam ổn định, an toàn, thịnh vượng và mở cửa. Trên cơ sở quan hệ tốt với Việt Nam, thông qua vị trí, vai trò của Việt Nam, Hoa Kỳ kiềm chế các đối tác và đối thủ khác, đặc biệt là những 505
  3. nước lớn ở châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ tính toán để có thể triệt để lợi dụng Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, không để Việt Nam và Trung Quốc liên kết với nhau với vai trò hai nước xã hội chủ nghĩa (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2005). Bên cạnh đó, việc phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ đem lại cho Hoa Kỳ các lợi ích chính trị, chiến lược, kinh tế đáng kể. Có thể thấy, Việt Nam trở thành quốc gia trọng điểm của Hoa Kỳ trong việc phát triển quan hệ tốt với các nước phi đồng minh ở khu vực Đông Nam Á (Nguyễn Thái Yên Hương (2007). Về chính sách quốc phòng, Hoa Kỳ chủ trương thực hiện chiến lược can dự toàn cầu với các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn. Đặc biệt, một trong những nhân tố định hình chiến lược của Hoa Kỳ chính là việc duy trì sự hiện diện quân sự tại các khu vực then chốt, trong đó có khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thông qua việc tăng cường diễn tập quân sự, tranh thủ tiếp cận các căn cứ quân sự có vị trí quan trọng, gửi quân đến các khu vực được quan tâm... Có thể nói, những điểm xuyên suốt trong tiến trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ liên quan khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn này là: (i) Hoa Kỳ ngày càng chú trọng hơn việc bảo vệ đất nước để ứng phó với những thách thức an ninh mới phát sinh, nhất là nhân tố khủng bố (giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Bush); (ii) Hoa Kỳ luôn coi trọng và từng bước đi và cụ thể hóa hơn việc hợp tác với Châu Á – Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực, bao gồm hợp tác quốc phòng với các nước đồng minh, đối tác, tại các diễn đàn đa phương. Trong những năm gần đây, trong quan hệ với khu vực, Hoa Kỳ chú trọng củng cố lại quan hệ với mạng lưới đồng minh và thúc đẩy hợp tác thực chất với các nước đối tác mới, trong đó có Việt Nam; (iii) Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh cùng lúc. Từ phía Việt Nam, khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chủ trương đối ngoại đã chuyển thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” từ Đại hội X; hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác. Tư tưởng chỉ đạo trong quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là tạo sự cân bằng lợi ích, một mặt thúc đẩy quá trình cải thiện, mở rộng và phát triển với từng nước lớn, mặt khác vẫn tiếp tực giữ vững độc lập, thống nhất và định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam, vì về chính trị Hoa Kỳ đóng vai trò chi phối trong nhiều tổ chức quốc tế và trong quan hệ với các nước tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập; về kinh tế Hoa Kỳ có vai trò chi phối nền kinh tế thế giới giúp Việt Nam tranh thủ thị trường rộng lớn, nguồn vốn và kỹ thuật. Nhìn chung, “Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, vì lợi ích thiết thực của cả hai bên” (Lê Khương Thùy, 2006). Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ, xem Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình; hướng đến việc xác định một khuôn khổ quan hệ ổn định (Trình Mưu, 2005). Về quốc phòng, Việt Nam cũng có những điều chỉnh, mang đặc trưng là gìn giữ hòa bình và tự vệ. Theo đó, chủ trương của Việt Nam là: (i) Không tham gia bất kỳ liên minh quân sự 506
  4. nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các nước khác nhưng sẵn sàng tự vệ chống mọi hành động xâm phạm lãnh thổ trên bộ, vùng trời và vùng biển và lợi ích quốc gia; không chạy đua vũ trang nhưng luôn củng cố sức mạnh quốc phòng tăng khả năng tự vệ, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược dưới mọi hình thức; (ii) Mở rộng quan hệ quân sự với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng và các nước trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giữ vững hòa bình, ổn định, góp phần hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; (iii) Ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ xung đột vũ trang từ chiến tranh, hoan nghênh những sáng kiến giải trừ quân bị, tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân; chống phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hạt nhân; chống phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác như vũ khí sinh học hóa học; (iv) Vì lợi ích củng cố hòa bình, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam, chính sách quốc phòng Việt Nam chủ trương thiết lập và phát triển quan hệ giao lưu hợp tác trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau với lực lượng vũ trang các nước; (v) Về những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh, Việt Nam sẵn sàng thương lượng hòa bình để giải quyết một cách có lý, có tình (Bộ Quốc phòng, 1998, 2004, 2009). Việt Nam cũng không ngừng tăng cường quan hệ toàn diện, trong đó có quan hệ quốc phòng, tích cực, chủ động phát triển quan hệ quân sự song phương và đa phương; phối hợp trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, cướp biển, suy thoái môi trường sinh thái... Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các điểm có nguy cơ bùng nổ xung đột khác trong khu vực thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực, hay đe dọa sử dụng vũ lực, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế (nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982). (Bộ Quốc phòng, 1998, 2004, 2009; Phạm Bình Minh, 2011). Song song đó, giữa Việt Nam và Hoa kỳ cũng chia sẻ và có nhiều lợi ích song trùng, cả hai nước cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược của việc xây dựng một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển, xây dựng Cộng đồng ASEAN và các mối liên kết khu vực ổn định, tích cực; hướng đến việc xây dựng một cấu trúc khu vực ổn định lâu dài, chống lại việc bất kỳ một cường quốc nào chi phối khu vực, không để xẩy ra bùng nổ xung đột liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, hai bên đã không ngừng mở rộng hợp tác, từ song phương đến khu vực và quốc tế, việc này đã tạo thuận lợi cho việc làm phong phú thêm quan hệ quốc phòng. Các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và mở rộng. Những cơ sở lợi ích và chính sách nêu trên cho thấy việc phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là nhu cầu chung của cả hai nước, như phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam M. Marine tại Hội thảo về Việt Nam, tổ chức tại Đại học Công nghệ Texas tháng 3/2005: “Một điều rõ ràng là cả Việt Nam và Hoa Kỳ hiện không có sự khác biệt về chiến lược. Trên thực tế, có nhiều lĩnh vực Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chung lợi ích hoặc có lợi ích song trùng…” (Lê Khương Thùy, 2006); trong đó bao gồm lĩnh vực quan hệ quốc phòng. 507
  5. 2. QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VIỆT NAM – HOA KỲ TRONG HAI THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng dần được bình thường hóa. Có lẽ, ý tưởng hợp tác quân sự, quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ xuất hiện ngay từ chuyến viếng thăm (tháng 7/1996) của tiến sỹ Althony Lake – cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Bill Clinton. Trong các cuộc tiếp xúc và hội đàm với phía Việt Nam, ông đã nói rõ quan điểm của phía Hoa Kỳ là “Hoa Kỳ muốn thấy một Việt Nam mạnh và ổn định, ngày càng hội nhập với các thể chế khu vực và quốc tế, đồng thời Hoa Kỳ muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam về những lợi ích chiến lược lâu dài” (Tuần báo quốc tế, 1996). Ông cũng nhắc đến vấn đề hợp tác quân sự khởi đầu ở cấp tùy viên giữa hai bên. Trong năm 1997, đô đốc J. Prueber – tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã đến thăm Việt Nam; sau đó một phái đoàn các sỹ quan cao cấp Cục đối ngoại Bộ quốc phòng Việt Nam cũng sang thăm Hoa Kỳ. Trong những năm đầu sau bình thường hóa quan hệ, giới quân sự hai bên thường chia sẻ mối quan tâm giống nhau về tình hình an ninh khu vực, mong muốn thúc đẩy các hợp tác quân sự song phương; trong khi nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam lại cho rằng quan hệ hai nước không nên chú trọng về quân sự, mà chủ yếu dựa trên các quan hệ kinh tế – thương mại; vấn đề hợp tác quân sự chỉ có thể ở tương lai (Murray Hiebert, 2012). Có thể nói, quan hệ quân sự, quốc phòng vẫn còn là một “vùng trũng” trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ở thời gian này. Từ năm 2000, quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã được mở rộng. Khởi động cho sự mở rộng của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực quốc phòng, có thể nói bắt đầu từ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen. Ông là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, chuyến thăm đã đánh dấu sự “tan băng” trong quan hệ quân sự Việt Nam – Hoa Kỳ. Ở giai đoạn này, hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tập trung cho vấn đề tù nhân và tìm kiếm người Mỹ mất tích (POW/MIA). Đáp lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Williams Cohen, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước kể từ năm 1975 quan chức cao nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào tháng 11/2003, chuyến thăm đã tạo ra những chuyển biến tích cực, là một bước đột phá trong quan hệ quân sự, quốc phòng giữa hai bên. Chuyến viếng thăm đã tạo ra cơ sở quan trọng cho các đoàn đại biểu quân sự, các tàu hải quân của hai quốc gia viếng thăm lẫn nhau. Từ năm 2003, hàng năm tàu hải quân Hoa Kỳ thăm hữu nghị cảng Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương như ngày 19/11/2003 chiến hạm USS Vandegrift của Hải Quân Hoa Kỳ ghé cảng Sài Gòn và trở thành chiến hạm đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam; tuy nhiên điều này chưa dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ giữa hải quân của hai nước. Tháng 6/2005 chuyến thăm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm Hoa Kỳ mở ra một sự hợp tác mới trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết một số hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quân sự và tình báo. Theo đó, các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đào tạo về y tế, kỹ thuật và ngôn ngữ cho quân đội Việt Nam. Tháng 6/2005, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, trong khuôn khổ của chuyến thăm, Hoa Kỳ đề cập đến 3 nội dung chính: (i) ký kết thỏa thuận tham gia chương trình Giáo dục và Đào tạo 508
  6. Quân sự quốc tế (IMET), đây là cách mà các nhà lãnh đạo Quốc phòng Hoa Kỳ cho là phương cách hữu hiệu nhất để xây dựng quan hệ với quân đội nước ngoài; (ii) tiếp tục tổ chức các chuyến thăm Việt Nam của tàu hải quân Hoa Kỳ; (iii) tăng cường vai trò của Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát các tuyến hàng hải. Ngày 4/6/2006, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà. Phía Hoa Kỳ bắt đầu cho phép một số công ty Hoa Kỳ cung cấp thiết bị quân sự hạn chế cho Việt Nam; tuy vậy, lệnh cấm bán vũ khí sát thương vẫn được duy trì. Năm 2007, Chính quyền Tồng thống George w. Bush đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán các loại trang thiết bị quốc phòng phi sát thương và dịch vụ quốc phòng cho Việt Nam. Các hoạt động phối hợp rà phá bom mìn, tìm kiếm cứu nạn giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương được thực hiện thường xuyên hơn ở cấp độ chuyên gia. Các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam cũng thường xuyên hơn. Tháng 6/2008, mối quan hệ quân sự đôi bên ghi nhận một cột mốc mới khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Washington đã hội đàm với Tổng Thống George W. Bush đồng thời có một chuyến thăm riêng biệt đến Lầu Năm Góc và hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Trong chuyến thăm này hai bên đã thống nhất việc tố chức các cuộc đối thoại an ninh - chiến lược cấp thứ trưởng (PSDD). Sau đó, đối thoại chính trị - an ninh quốc phòng đầu tiên giữa hai nước được tổ chức vào tháng 10/2008 tại Washington. Các cuộc hội đàm này tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực mà hai bên đều quan tâm, về quan hệ chính trị, quốc phòng giữa hai nước. Quan hệ quốc phòng hai nước có những bước tiến đáng kể từ năm 2009 khi cả hai bên đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhằm tăng cường sự tham vấn quốc phòng giữa hai nước. Trong tháng 4/2009, các quan chức quốc phòng Việt Nam đã tham quan hoạt động trên tàu sân bay USS John D. Stennis (CVN-74) đang hoạt động trên khu vực Biển Đông. Việt Nam mở cửa cơ sở sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh và tháng 9/2009, tàu cứu hộ USNS Safeguard đã trở thành chiếc tàu đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động sửa chữa nhỏ tại Việt Nam. Tháng 12/2009, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có chuyến thăm chính thức đến Washington nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trên đường đến Washington, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã ghé thăm Bộ Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dưong ở Hawaii và tham quan tàu ngầm tấn công hạt nhân uss Florida (SSGN- 728) lớp Ohio. Chuyến đi này đã góp phần xác định nhiều khuôn khổ hợp tác quốc phóng giữa hai ước. Trong năm 2010, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tồ chức kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ bằng nhiều hoạt động. Các quan chức Việt Nam đã thăm quan siêu tàu sân bay USS George W.H.Bush đang được đóng mới ở Norfolk (Virginia, Hoa Kỳ) và tàu sân bay USS George Washington khi đang hoạt động ở khu vực Biển Đông. Hai bên cũng đã mở ra một chương mới trong họp tác quốc phòng bằng cách lần đầu tiên tổ chức các hoạt động hợp tác đào tạo phi chiến tranh tại Đà Nẵng. Ngày 10/8/2010, Khu trục hạm USS McCain cập bến Ðà Nẵng trong công tác huấn luyện phi tác chiến, trao đổi kỹ thuật giữa hai nước. Cũng trong năm 2010 (17/8/2010), cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ (Defense Policy Dialogue – DPD) cấp thứ trưởng đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Ngày 10/9/2011, tại cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ hai ở Washington, hai bên đã đã nhất trí cần tăng cường hợp tác quốc phòng một cách thiết thực vì lợi ích của mỗi nước đồng thời để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và 509
  7. hợp tác trong khu vực và trên thế giới; trước tiên tập trung vào năm lĩnh vực, cụ thể: (1) đối thoại thường xuyên ở cấp cao, (2) vấn đề an ninh hàng hải, (3) vấn đề tìm kiếm cứu hộ, (4) vấn đề hỗ trợ nhân đạo và ứng cứu thiên tai, (5) vấn đề gìn giữ hòa bình; hai bên cũng thống nhất cứ 3 năm một lần trao đổi các chuyến viếng thăm của hai Bộ trưởng quốc phòng (U.S Department of State, Bureau of East Asian and Pacific affairs, 2014). Bản ghi nhớ ký ngày 20/9 định hướng quan trọng cho sự phát triển quan hệ quốc phòng giữa hai nước, thể hiện chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Việt Nam, theo tinh thần “chủ động hội nhập quốc tế”; lĩnh vực hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước cơ bản đã được khơi thông. Từ năm 2011, quan hệ quân sự - quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đẩy mạnh. Tháng 1/2012, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược quốc phòng mới, trọng tâm là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều quan trọng hơn là tăng cường khả năng phát triển của các nước đối tác trong khu vực này, trong đó có Việt Nam. Phía Hoa Kỳ cho rằng cần phải đưa quan hệ nâng lên tầm cao mới, bao gồm tổ chức đối thoại song phương cấp cao, và chú trọng an ninh hàng hải, tăng cường các chuyến thăm của tàu hải quân, cải thiện tìm kiếm cứu nạn, thúc đẩy trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm họa thiên tai, cũng như việc gìn giữ hòa bình... Việt Nam luôn xem Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dưong, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm hướng đến xác lập khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Vừa đến Việt Nam vào ngày 3/6/2012 và trước khi có các cuộc hội đàm với các quan chức Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã đi thăm cảng Cam Ranh, đây là lần đầu tiên, kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, một Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tới cảng Cam Ranh. Chuyến thăm mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy rõ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang được cải thiện. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Panetta đã đề xuất thành lập một văn phòng hợp tác quốc phòng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc phòng; đồng thời Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đối vấn đề an ninh khu vực và an ninh ở Biển Đông. Hai bên nhất trí về việc mở rộng khu vực tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng trong chiến tranh. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi các kỷ vật của các binh sĩ hai nước, trong đó có những bức thư của cựu binh Hoa Kỳ viết trong thời gian tham chiến ở Việt Nam. Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam gửi quan sát viên đến tham dự cuộc tập ừận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC-2012 giữa Hải quân Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry công bố cam kết ban đầu trị giá 32,5 triệu USD cho viện trợ khu vực và song phương để phát triển năng lực hàng hải tại Đông Nam Á. Hoa Kỳ dự kiến dành 18 triệu USD từ dự án này cho Việt Nam “để hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đội tuần tra biển triển nhằm nhanh chóng triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, đối phó với thảm họa và các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc huấn luyện và cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” (Office of the Spokesperson, 2013). Đây được xem là một sự hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy khuôn khổ xây dựng đối tác chiến lược đã được lãnh đạo hai nước thông qua trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 14/8/2014, Đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ do Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ dẫn đầu đã tới thăm và hội 510
  8. đàm tại Trụ sở Bộ Quốc phòng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 - 16/8/2014. Đây là lần đầu tiên đoàn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam đáp lễ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào tháng 6/2013 nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai quân đội và nhân dân hai nước, phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Tại buổi hội đàm, hai bên đã cùng trao đổi và đánh giá quan hệ quốc phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi bên trong đó có trao đồi đoàn, khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo quân y. Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện theo Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong đó tập trung vào trao đổi đoàn, tìm kiếm cứu nạn, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh biển, đào tạo chuyên ngành... Ngày 1/6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Ashton Carter đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giữa 2 nước, đây thực sự là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ. Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng nhằm định hướng hợp tác song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 201; góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện của hai nước. Đặc biệt, trong chuyến công du của Tổng thống Obama đến Việt Nam vào năm 2016, Tổng thống B. Obama đã chính thức tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam - dấu vết cuối cùng của sự thù địch trong quan hệ song phương thời Chiến tranh Lạnh, qua đó giúp quan hệ 2 nước bình thường hóa hoàn toàn. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, cho thấy độ gắn kết quan hệ và lòng tin chính trị dành cho nhau đã ở mức cao. Năm 2017, trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Washington, hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác nhân đạo, di sản chiến tranh và an ninh hàng hải. Theo Viện nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (USNI) (Sam LaGrone, 2017), ngày 25/5/2017, một trong những tàu tuần tra lớp Hamilton mang tên Morgenthau (WHEC 722) đã chính thức được chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), con tàu được đổi tên thành CSB 8020 và biên chế chính thức cho Cảnh sát biển Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 24-25 /1/2018. Khi đến Hà Nội Mattis lần đầu tiên gặp Cơ quan Kế toán Quốc phòng POW-MIA. Và ngày sau đó là chuyến thăm của Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng từ ngày 5-9/3/2018, đây là một cột mốc quan trọng mới trong tiến trình tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, và cùng với hai tàu chiến cùng 6.000 binh sĩ đi kèm, tạo nên sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ đó. Cùng ngày, Việt Nam và Hoa Kỳ đã khánh thành giai đoạn đầu tiên xử lý chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã có 2 chuyến thăm đến Việt Nam trong năm 2018, đây là một điều hiếm hoi cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng trong hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước. 511
  9. 3. KẾT LUẬN Quan hệ an ninh – quốc phòng vốn được đánh giá là có tính chất nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Trước năm 2010, hợp tác an ninh, quân sự giữa hai nước chủ yếu vẫn là tìm hiểu lẫn nhau, có những bước đi khá thận trọng; những giao lưu, hợp tác về quân sự, quốc phòng hiện vẫn chưa theo kịp được với tốc độ phát triển của các bình diện quan hệ khác. Song, sự thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước cho thấy hai nước đã có sự tương đồng về lợi ích chiến lược.Với nhận thức chung “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” và lấy lợi ích của hai nước làm trọng, “cả hai bên đã và đang thể hiện rõ tinh thần tôn trọng sự khác biệt, đối thoại thẳng thắn, cởi mở để thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác” (Phạm Bình Minh, 2015); các giới hạn, khác biệt đã dần dần bị đẩy xa, tương ứng với mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ trên lĩnh vực quốc phòng đã đạt được khá nhiều thành tựu, trước hết từ những vấn đề cơ bản, cốt lõi như khắc phục hậu quả chiến tranh. Vấn đề POW/MIA luôn được phía Hoa Kỳ xem là ưu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tiếp cận ở góc độ nhân đạo, phía Việt Nam đã chủ động, hợp tác chặt chẽ, giúp chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh. Hoạt động nhân đạo này đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Phía Hoa Kỳ đánh giá hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong kiểm kê MIA là mẫu mực và hiệu quả so với các nước mà Hoa Kỳ từng tham chiến trước đó (Trần Nam Tiến, 2010). Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có nhiều phối hợp trong giải quyết hậu quả chất độc màu da cam. Vấn đề xử lý chất độc hóa học nói chung là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Trước những yêu cầu chính đáng của Việt Nam, Hoa Kỳ từ chỗ không quan tâm, thậm chí né tránh đã có những động thái cung cấp tài chính cho Việt Nam để giải quyết hậu quả. Đến nay, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển lên một tầm cao mới, có những bước đi vững chắc trên với các kết quả quan trọng, bao gồm: (i) hai nước đã thiết lập được cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đưa quan hệ quốc phòng đi vào chiều sâu với việc ký Bản ghi nhớ 9/2011 về 5 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác quốc phòng (Nguyễn Vũ Tùng, 2007a), Tuyên bố về tầm nhìn chung 6/2015 cùng với việc ký một số thỏa thuận hợp tác khác về quân y, đào tạo (IMET...); thiết lập được cơ chế đối thoại Chính trị - an ninh – quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ 2008), đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng Quốc phòng (từ 2010); (ii) Hai nước tiến hành một số hoạt động chung như diễn tập, tàu hải quân Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam, lãnh đạo quốc phòng hai nước thăm lẫn nhau (Nguyễn Vũ Tùng, 2007b), phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ADMM+, tham gia công tác tìm kiếm POW/MIA, nhân đạo, rà phá bom mìn, Việt Nam tuyên bố tham gia PSI (5/2014)...; (iii) Hai bên tiếp tục trao đổi về việc phối hợp nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam thông qua việc trao đổi thông tin tình báo, hợp tác đào tạo, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương – mở đường cho những hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực này trong các giai đoạn về sau, nâng cao năng lực tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Việc khắc phục một số hậu quả, hàn gắn vết thương của chiến tranh vẫn là một yếu tố quan trọng; thể hiện bản chất nhân đạo, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước bổ trợ cho quan hệ chính trị giữa hai nước. Phát triển hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ luôn nhằm duy trì hòa bình, ổn định 512
  10. và an ninh trong toàn khu vực. Từ những động thái ban đầu, đến nay, quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng đã có nhiều bước phát triển, phù hợp với sự phát triển cả bề rộng và bề sâu trong quan hệ của 2 nước, đặc biệt là trong khuôn khổ của mối quan hệ Đối tác toàn diện mà hai nước đã xác lập cũng như qua tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng và tuyên bố chung về Tầm nhìn Việt Nam – Hoa Kỳ (2015). Quan hệ quốc phòng phát triển tương đối chậm và thận trọng, dù vậy, quan hệ quốc phòng cũng là một trong các lĩnh vực thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển lên một tầm cao mới, ngày càng toàn diện hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Bộ Quốc phòng (1998). Sách trắng Quốc phòng. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. 2 Bộ Quốc phòng (2004). Sách trắng Quốc phòng. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. 3 Bộ Quốc phòng (2009). Sách trắng Quốc phòng. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. 4 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2005). Giáo trình quan hệ quốc tế. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận chính trị. 5 Học viện Quan hệ Quốc tế (2003). Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 6 Nguyễn Thái Yên Hương (2007). Chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush. Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, 2 (107), 31-32. 7 Murray Hiebert, Phương Nguyen, Gregory B. Poling (2014). A New Era in U.S – Vietnam Relation. Washington, D.C.: A Report of the CSIS Sumitro Chair for Southeast Asia Studies. 8 Trình Mưu – Nguyễn Thế Lực – Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2005). Quá trình triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận chính trị. 9 Lê Khương Thùy (2006). Vài nét về lịch sử và cơ sở phát triển quan hệ Việt – Mỹ. Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, 7 (100), tr. 7-17. 10 Nguyễn Vũ Tùng (2007a). Chính sách đối ngoại Việt Nam (Tập 2). Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. 11 Nguyễn Vũ Tùng (2007b). Khuôn hổ quan hệ đối tác của Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Học viện Quan hệ Quốc tế. 12 Office of the Spokesperson (2013). Expanded U.S. Assistance for Maritime Capacity Building. Washington DC, available at http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2013/218735.htm 13 Robert Sutter (2009). The Obama Administration and U.S. Policy in Asia. Contemporary Southeast Asia, Vol. 31, No. 2 (2009), p. 24-30. 14 Sam LaGrone (2017). Former U.S. Cutter Morgenthau Transferred to Vietnamese Coast Guard. available at https://news.usni.org/2017/05/26/former-u-s-cutter-morgenthau-transferred- vietnamese-coast-guard 15 Secretary Mattis (2018). Remarks at Plenary Session of the 2018 Shangri-La Dialogue. US Department of Defense, 2 June 2018, available at https://translations.state.gov/2018/06/02/remarks- by-secretary-mattis-at-plenary-session-of-the-2018-shangri-la-dialogue/ 16 U.S Department of State, Bureau of East Asian and Pacific affairs (2014). U.S Relations with Vietnam. Facts Sheet, Feb 2014, http//www.state.gov/r/pa/ei/bgn/4130.htm 513
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2