intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á (Cuối thập niên 50 của thế kỷ XX)

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á (Cuối thập niên 50 của thế kỷ XX)" tập trung phân tích tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế tại khu vực tại Đông Nam Á (nửa sau thế kỷ XX), từ đó đưa ra một số nhận xét, đánh giá cho thấy tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á (Cuối thập niên 50 của thế kỷ XX)

  1. TÁC ĐỘNG CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN QUAN HỆ QUỐC TẾ TẠI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (CUỐI THẬP NIÊN 50 CỦA THẾ KỶ XX) CN. Bùi Huỳnh Hữu Phúc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Tp.HCM) Email: 1956040017@hcmussh.edu.vn Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đánh dấu một bước ngoặt lớn, không chỉ trong lịch sử dân tộc ta mà còn đối với lịch sử thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây ra tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, cho phong trào vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đặt trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á và thế giới đang bị chi phối bởi cục diện Chiến tranh lạnh và chủ nghĩa thực dân – đế quốc vẫn đang ngự trị một cách mạnh mẽ trên vũ đài chính trị thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ có những tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa các nước lớn, đến trật tự thế giới và khu vực. Sự kiện lịch sử này đã góp phần làm sụp đổ hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ của các nước đế quốc, đẩy mạnh hơn nữa và là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc, là sự kiện mà tất cả các nước lớn cũng phải chú ý đến, cụ thể là Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô. Đông Nam Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã là một khu vực bị chi phối nặng nề bởi cục diện Chiến tranh lạnh, Việt Nam lại là quốc gia nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á nên vì thế, bất kỳ những “biến chuyển” nào ở Việt Nam đều “ít nhiều” tác động đến mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau cũng như chiến lược của các nước lớn tại khu vực. Bài viết tập trung phân tích tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế tại khu vực tại Đông Nam Á (nửa sau thế kỷ XX), từ đó đưa ra một số nhận xét, đánh giá cho thấy tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ khóa: Điện Biên Phủ, tác động, quan hệ quốc tế, khu vực Đông Nam Á. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Bán đảo Đông Dương nói riêng và Đông Nam Á nói chung luôn có một vị trí chiến lược quan trọng trong mắt các nước đế quốc, thực dân. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp quay trở lại chính sách thực dân của mình ở Đông Dương. Cho đến thập niên 50 của thế kỷ XX, Mỹ cũng bắt đầu can thiệp vào tình hình tại Đông Dương, phối hợp với Pháp âm mưu thống trị Đông Dương – trái tim của Đông Nam Á – một cách lâu dài để phục vụ lợi ích riêng của mình, như nhà sử học D.G.E Hall đã từng nhận xét: “Pháp vẫn coi Đông Dương là thiết yếu đối với việc duy trì vị thế của mình trên thế giới”1. Trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết thực hiện chính sách răn đe và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn cầu và nhân lúc Pháp đang gặp khó khăn, Mỹ đã thay đổi thái độ, từ “không can thiệp” sang “ủng hộ” Pháp quay trở lại thuộc địa Đông Dương. 1 D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1181. 166
  2. Điều này không nằm ngoài chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai: lôi kéo đồng minh, gắn chặt quyền lợi của các nước Tây Âu, trong đó có Pháp vào Mỹ; đặc biệt, Mỹ nhận thấy được sự phát triển của Nhân dân Đông Dương, nhất là ở Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với nỗ e sợ chủ nghĩa cộng sản và với học thuyết domino2, Mỹ quyết định viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nghị quyết của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ NSC-124/2 ngày 25/6/1952 đã xác định Đông Dương là khu vực có tầm quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Từ đó, có thể nhận định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của Việt Nam trong giai đoạn 1946 – 1954 mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (13/3 – 07/5/1954) không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam và Đông Dương mà còn tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới lúc bấy giờ. Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954) mang tầm vóc vĩ đại, có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, mà theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thắng này “không những là thắng lợi to lớn của Nhân dân ta mà còn được các nước xã hội chủ nghĩa anh em coi như thắng lợi của bản thân mình; là thắng lợi của các dân tộc nhỏ yếu đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành tự do, độc lập; là niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, là một cống hiến lớn lao của Nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thực dân cũ trên thế giới”3. Bài viết sẽ tập trung phân tích tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) đến quan hệ quốc tế tại khu vực tại Đông Nam Á (nửa sau thế kỷ XX), từ đó đưa ra một số nhận xét, đánh giá cho thấy tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như những đóng góp của chiến thắng lịch sử này trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc và sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Vài nét về Chiến thắng Điện Biên Phủ Kế hoạch Navarre bị đảo lộn do thành công của cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 - 1954 của Việt Nam, thực dân Pháp cùng can thiệp Mỹ điều chỉnh kế hoạch, chọn Điện Biên Phủ làm nơi “nghiền nát chủ lực của ta”. Tình hình nguy khốn của quân Pháp đã đặt ra cho Pháp vấn đề phải có những chính sách mới để cứu vãn tình thế. Về phía Mỹ, với quyết tâm không để cho chủ nghĩa cộng sản lan rộng ra Đông Nam Á, đặc biệt là ở Đông Dương, Mỹ không ngừng gây áp lực lên thực dân Pháp, đòi hỏi Pháp phải nỗ lực giành lại thế chủ động, đồng thời cũng tích cực thay thế Pháp can thiệp 2 Thuật ngữ “Học thuyết domino” (domino theory) lần đầu tiên xuất hiện dưới thời của Tổng thống Dwight D. Eisenhower , ám chỉ nguy cơ phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương mà trọng tâm là ở miền nam Việt Nam. Theo thuyết này, nếu Mỹ không can thiệp để những người cộng sản “chiếm cứ” miền Nam Việt Nam thì đó sẽ là quân bài domino làm cho Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar “sụp đổ vào tay cộng sản” và sẽ tạo lợi thế lớn cho các phong trào cộng sản tại Châu Á đe dọa các khu vực sống còn còn lại của “thế giới tự do”. 3 Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2013), Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.211. 167
  3. vào Đông Dương. Pháp – dưới sự giúp sức của Mỹ - đã quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia làm ba phân khu. Âm mưu của Pháp – Mỹ khi chiếm đóng Điện Biên Phủ là “định giành lại khu Tây Bắc, lập lại xứ Thái tự trị giả dối, chia rẽ các dân tộc ở Việt Nam, đồng thời cố giữ vững Thượng Lào tạm bị chiếm, kiểm soát cả một vùng rộng lớn ở khu biên giới Việt – Hoa và Việt – Lào”4. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào, giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao để kết thúc chiến tranh. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày đêm, được chia làm ba đợt (Đợt 1: 13/3 – 17/3, đợt 2: 30/3 – 26/4, đợt 3: 01/5 – 07/5), ta đã làm chủ được cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1953, ta bắt sống được tướng De Castries cùng toàn bộ ban tham mưu địch. Thắng lợi của cuộc tiến công Đông Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ làm phá sản hoàn toàn Kế hoạch Navarre và mọi âm mưu của Pháp – Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve, kết thúc cuộc kháng chiến. Nhận định về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta đã khẳng định: “Chiến thắng ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường toàn quốc có tác dụng rất lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình của Nhân dân Việt Nam, cũng như của Nhân dân Miên – Lào, đồng thời góp phần đắc lực vào việc bảo vệ hòa bình thế giới”5. Có thể thấy rõ, thắng lợi của ta tại Điện Biên Phủ không chỉ đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp tại Đông Dương, mà còn làm phá sản âm mưu can thiệp vào Đông Dương của Mỹ. Hội nghị Geneve được triệu tập vào tháng 4/1954 để bàn về vấn đề Triều Tiên và việc giải quyết hòa bình cho cuộc chiến ở Đông Dương. Hội nghị thảo luận về tình hình Đông Dương bao gồm 9 phái đoàn: 5 nước lớn (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc) và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Campuchia và Vương quốc Lào. Đặt trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, vấn đề giải quyết hòa bình ở Đông Dương sau chiến thắng Điện Biên Phủ chịu sự chi phối nặng nề bởi các nhân tố quốc tế, nhất là cuộc đối đầu ý thức hệ giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. 2.2. Tác động đến quan hệ quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) có tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế, thậm chí là điểm nhấn nổi trội nhất của cao trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần đắc lực vào sự cáo chung của chủ nghĩa thực 4 Báo Nhân Dân, số 184 ra ngày 12/05/1954, tiêu đề: Ý nghĩa chiến thắng vĩ đại của ta ở Điện Biên Phủ. 5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.101. 168
  4. dân cũ, vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Quan hệ quốc tế những năm 50 của thế kỷ XX bị chi phối nặng nề bởi cục diện Chiến tranh lạnh, song song với đó là cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang bùng nổ ở Á – Phi – Mỹ Latinh, chính vì thế, việc phân tích tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đến quan hệ quốc tế phải kể đến các nhân tố trên. Thứ nhất, là đối với các nước lớn. Về phía Mỹ, trong khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, dường như đã thấy trước kết cục của Pháp, ngày 13/4/1954, Ngoại trưởng Mỹ John Dulles và Ngoại trưởng Anh Anthony Eden đã tuyên bố “chính phủ của họ sẵn sàng cùng với các nước có liên quan chủ yếu khác xem xét khả năng thành lập một hệ thống phòng thủ tập thể để đảm bảo hòa bình, an ninh và tự do của Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương”6. Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ không chấm dứt cuộc thảo luận về sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã soạn thảo một văn bản chung khác nghị quyết của Quốc hội cho phép Tổng thống sử dụng máy bay và lực lượng hải quân ở châu Á để hỗ trợ các chính phủ thân thiện “duy trì thẩm quyền . . . chống lại những nỗ lực lật đổ và cách mạng được thúc đẩy bởi chế độ cộng sản”7. Đặc biệt, chỉ một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng thống Mỹ Eisenhower triệu tập khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia bàn về tình hình Đông Nam Á và Đông Dương. Vấn đề then chốt là cần gấp rút tổ chức một hệ thống phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á với tư tưởng bao trùm rằng việc thất thủ của Pháp ở Điện Biên Phủ phải được coi như một tiền đề cho việc mất cả Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cảnh báo: “Cộng sản đã thống trị một phần ba thế giới” và những gì đang diễn ra ở Đông Dương đã cho thấy một “bằng chứng về việc cộng sản đang cố bành trướng hơn nữa”8. Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á – SEATO ra đời ngày 8/9/1954 như một xu thế tất yếu nhằm mục đích khống chế khu vực Đông Nam Á và tránh đưa khu vực này vào quỹ đạo chủ nghĩa cộng sản của Mỹ. Điều 8 của Hiệp ước SEATO nêu rõ: khu vực được Hiệp ước che chở bao gồm toàn thể vùng Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương, kể từ 21030 vĩ tuyến Bắc trở xuống, nghĩa là gần như toàn bộ Đông Nam Á, kể cả ba nước Đông Dương đều nằm trong khu vực kiểm soát và “bảo hộ” của SEATO (mặc dù không phải nước nào ở Đông Nam Á cũng tham gia vào Hiệp ước). Mỹ thông qua thất bại của Pháp ở Đông Dương để tăng cường can thiệp vào Đông Nam Á, ngày càng sâu rộng hơn, mục đích của Mỹ là kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, làm cho Hội nghị Geneve đang diễn ra không đi đến kết quả có lợi cho Nhân dân ba nước. 6 D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1228. 7 Lawrence S. Kaplan – Denise Artaud (1990), Dien Bien Phu and the crisis of Franco-American Relations 1954- 1955, Scholarly Resources. Inc, US, tr.96. 8 Lý Tường Vân, “Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)”, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn), ngày 07/03/2016, nguồn: https://lichsu.tnus.edu.vn/chi- tiet/625-Mot-lich-su-quan-he-quoc-te-moi-o-Dong-Nam-A-trong-nhung-thap-nien-1950-1960-tac-dong-tu-cuoc- khang-chien-chong-Phap-cua-Viet-Nam-1946-1954. 169
  5. Về phía Liên Xô, thời kỳ đầu sau chiến tranh, chính sách đối ngoại của Liên Xô chủ yếu tập trung vào bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nhà nước XHCN, hình thành một vành đai bảo vệ đất nước từ Tây sang Đông. Trong những năm 50 của thế kỷ XX, Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng được coi là “khu vực ngoại diên” nên Liên Xô chỉ gián tiếp ủng hộ và viện trợ mặc dù trên danh nghĩa, Liên Xô lên tiếng ủng hộ cách mạng ở Việt Nam. Về phía Trung Quốc, việc cung cấp viện trợ cho Việt Nam và có mặt tại bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve là muốn nâng cao vị thế, hình ảnh, tiếng nói của mình, không chỉ ở các nước thế giới thứ ba hay các nước thuộc phe XHCN mà còn trên thế giới. Cần phải chú ý rằng, Mỹ lúc này vẫn đang có thái độ thù địch với Trung Quốc, Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch còn giữ vị trí của Trung Quốc là một trong năm Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Do phải gánh chịu những hệ quả từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) và ra sức tập trung cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953 – 1957), Trung Quốc muốn việc lập lại hòa bình ở Đông Dương theo hướng không để Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương – sát sườn phía Nam của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Trung Quốc từ ngày 3 – 5/7/1954 để thuyết phục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận giải pháp thỏa hiệp với Pháp9, điều này có nghĩa là đi ngược lại với lập trường của Việt Nam, chấp nhận một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội viễn chinh Pháp, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 24/8/1953, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tuyên bố: “đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác”10, điều đó có nghĩa Trung Quốc muốn có một khu đệm vững chắc ở Đông Nam Á, ngăn chặn Mỹ thế chân Pháp can thiệp vào Đông Dương, đồng thời cũng hạn chế đến mức tối đa thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ ba nước Đông Dương, thậm chí thông qua thắng lợi của Việt Nam và sự xuất hiện của Trung Quốc trên vũ đài chính trị thế giới ở Geneve năm 1954 làm bàn đạp “lan tỏa” ảnh hưởng của mình xuống Đông Nam Á. Thứ hai, là đối với các nước Á – Phi – Mỹ Latinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể nói là một nguồn cảm hứng lớn lao, là động lực thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các nước Á – Phi – Mỹ Latinh. Một trong những quốc gia xem Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu lý tưởng cho con đường tiến đến độc lập, tự do cho dân tộc mình, đó là Algeria – vốn là thuộc địa Bắc Phi của Pháp. Ngay trong năm 1954, Nhân dân Algeria đứng lên đấu tranh giành độc lập, quá trình này kéo dài đến năm 1962, Algeria giành lại độc lập từ tay Pháp, khi nhắc lại niềm cảm hứng của cuộc đấu tranh của Nhân dân Algeria, Chủ tịch Thượng viện Algeria Abdelkader Bensalah khẳng định: “Việt Nam là 9 Trần Nam Tiến (Chủ biên) (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại (1954 – 2000), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.195. 10 Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tháng 10/1979, tr.29. 170
  6. nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của Nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể?”11. Báo Algum Gurria (Ai Cập), ngày 8/5/1954, nhận định: “Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ”12. Năm 1960 được đánh dấu là “năm Châu Phi” khi có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập, châu Phi trở thành “lục địa trỗi dậy” trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân. Nếu như châu Phi là “lục địa trỗi dậy”, thì ở Mỹ Latinh, chiến thắng Điện Biên Phủ như ngọn lửa thổi bùng lên phong trào đấu tranh chống các chế độ độc tài thân Mỹ, chống lại chủ nghĩa thực dân mới dưới nhiều hình thức khác nhau như đấu tranh vũ trang, biểu tình, mít tinh, bãi công, đấu tranh chính trị,… Thắng lợi của Điện Biên Phủ như làn sóng to lớn, cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh, cách mạng Cuba ngày 1/1/1959 thắng lợi đã chứng tỏ Mỹ Latinh không còn là “sân sau” yên ổn của Mỹ. Tại châu Á, Tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) nêu rõ: “... Nhân dân Việt Nam đã đạt được thêm những thắng lợi vĩ đại và đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho thế giới thấy rằng Nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có lực lượng nào khuất phục nổi...”13. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Cộng sản nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 05/1999), đã nhấn mạnh: “Với Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, một nước nhỏ, vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, đã vùng lên đánh bại đội quân xâm lược hiện đại của một cường quốc tư bản phương Tây. Sau Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp đi một số nước Á, Phi, họ nói: Điện Biên Phủ là của chúng tôi; nhờ có Điện Biên Phủ mà chúng tôi ngẩng đầu lên, và họ hô vang: Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ”14. Thứ ba, đối với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước trung lập và các lực lượng tiến bộ, Nhân dân yêu chuộng hòa bình của thế giới. Thắng lợi của Điện Biên Phủ đã cho thấy âm mưu của Pháp và mưu đồ can thiệp của Mỹ đã phá sản hoàn toàn. Bên cạnh đó, thắng lợi này và những gì diễn ra trên bàn đàm phán ở Geneve đã cho thấy âm mưu kéo dài chiến tranh, thế chân Pháp nhằm kiểm soát Đông Dương của Mỹ, điều này được các các nước xã hội chủ nghĩa, các nước trung 11 Phạm Quang Minh (2019), Chiến thắng vang vọng trên thế giới, Báo Nhân Dân, nguồn: https://special.nhandan.vn/chienthang_vangvong_tren_thegioi/index.html. 12 Lê Quang Lạng (2009), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới, Tạp chí Cộng sản. 13 Lê Quang Lạng (2009), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới, Tạp chí Cộng sản. 14 Võ Nguyên Giáp (2013), Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.375. 171
  7. lập và các lực lượng tiến bộ, Nhân dân yêu chuộng hòa bình của thế giới lên án. Trả lời Hãng thông tấn Nam Dương Antara (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh chính sách của Chính phủ Ấn Độ, Nam Dương và Diến Điện đeo đuổi để chống lại việc mở rộng chiến tranh xâm lược và bênh vực cách giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương và Triều Tiên. Chính sách ấy sẽ giúp cho nền hòa bình ở Viễn Đông và thế giới. Tất cả các nước Á châu đã bị hoặc đang bị ngoại quốc nô dịch và biến thành thuộc địa phải cùng nhau đoàn kết để đấu tranh chống lại chính sách nô lệ và xâm lược ấy”15. Trong lúc Mỹ đang ra sức lôi kéo các nước tham gia vào liên minh với Mỹ chống lại sự phát triển phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc thì Hội nghị các nước Á - Phi được Tổng thống Indonesia nêu lên vào tháng 3/1954, ngày 28/4/1954, Inđônêsia, Myanmar cùng 3 nước Nam Á là Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan đã nhóm họp tại Colombo (Sri Lanka) cùng nhau tán thành các vấn đề đình chiến ở Đông Dương, cấm vũ khí hạt nhân, lên án chủ nghĩa thực dân, đồng thời tuyên bố kế hoạch tổ chức Hội nghị Á - Phi. Tháng 4/1955, Hội nghị Á – Phi được tổ chức tại Bandung (Indonesia) với sự tham gia của 29 nước Á, Phi, dù có mang thể chế chính trị khác nhau nhưng điểm chung ở các nước này là đều tập hợp trong một mặt trận thống nhất của các dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và củng cố nền độc lập của dân tộc. Hội nghị này được xem là tiền đề cho Phong trào Không liên kết trong giai đoạn sau. Đối với các nước trong hệ thống XHCN, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đóng góp to lớn vào những nỗ lực chung của khối XHCN trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Trong bài viết với nhan đề “Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân”, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8/5/1954, chỉ rõ: “Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...”16. Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Đức Otto Grotewohl trong bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957 đã khẳng định: “Một lần nữa chứng tỏ trước Nhân dân toàn thế giới rằng một dân tộc kiên quyết đấu tranh để tự định đoạt số phận của mình, nhất định cuối cùng sẽ thoát khỏi áp bức. […] Thắng lợi to lớn ấy17 của phe hòa bình dưới sự lãnh đạo của Liên Xô hùng mạnh, làm cho Nhân dân Đức thêm sức mạnh và tin tưởng trong cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức và đòi một hiệp ước hòa bình”18. 2.3 Tác động đến quan hệ khu vực Đông Nam Á Diễn biến cuộc kháng chiến chống Pháp kể từ khi Mỹ chính thức kiểm soát cuộc chiến ở Đông Dương từ tay người Pháp đã tác động rất lớn đến tình hình chính trị khu vực Đông Nam Á, làm thay đổi diện mạo quan hệ chính trị quốc tế ở khu vực này. Trong 15 Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập – Tập 8 (1953 – 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.475-476. 16 Lê Quang Lạng (2009), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới, Tạp chí Cộng sản. 17 Tức sự kiện các bên ký kết Hiệp định Geneve 1954. 18 Báo Nhân dân, số 210, ngày 31/07/1954, nhan đề: Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Đức kính gửi Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch kiêm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 172
  8. bối cảnh của cục diện Chiến tranh lạnh được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì khu vực Đông Nam Á chính là điểm hội tụ cao nhất của những xung đột bên ngoài châu Âu, có thể nói “Cùng với Malayxia ở phía Nam của khu vực Đông Nam Á, Đông Dương ở phía Bắc được coi là những phòng tuyến quan trọng chống chủ nghĩa cộng sản trong khu vực”19. Phản ứng với sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam, các nước Đông Nam Á chia thành hai nhóm nước. Những năm đầu của Chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã tiến hành chiến lược bao vây, ngăn chặn sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội và các phong trào dân tộc, dân chủ ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, đặt nhiều dân tộc trên thế giới trước nguy cơ về sự tái xâm lược, tái phụ thuộc. Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mỹ bắt đầu ký với Thái Lan hiệp ước phòng thủ và tương trợ (Mỹ năm 1951 cũng đã ký với Philippines). Ngay trong thời gian tiến hành Hội nghị Geneve, Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles đã đưa ra đề nghị thành lập một liên minh quân sự để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, bù đắp lại những thất bại ngoại giao và chính trị do thỏa hiệp Geneve gây ra20. Hệ quả, SEATO ra đời khi thắng lợi ở Điện Biên Phủ của Việt Nam mới diễn ra bốn tháng và Hội nghị Geneve mới kết thúc chưa đầy hai tháng. Hiệp ước Phòng thủ chung Đông Nam Á này có 8 nước tham gia, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Thái Lan, Philippines và Pakistan. Có thể nhận thấy rõ, Thái Lan và Philippines là những đại diện cho nhóm nước đầu tiên, có lập trường chống cộng sản mạnh mẽ. Bangkok được chọn làm nơi đóng trụ sở chính của SEATO, Hoàng thân kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Wan Waithaykon là Chủ tịch đầu tiên của SEATO, cựu Ngoại trưởng và Đại sự Thái Lan ở Mỹ Nai Pote Sarasin là Tổng thư ký đầu tiên vào tháng 7/1957. Thậm chí, Thái Lan muốn có lực lượng quân sự thường trực đóng ở khu vực quy định trong Hiệp ước và Philippines thì phê phán hiệp ước không có lực lượng có hiệu quả và muốn SEATO có những điều khoản về quân sự giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO21. Tiêu biểu cho nhóm nước thứ hai, ta có thể nói đến Indonesia, Myanmar, Malaysia. Các quốc gia từ sau khi giành được độc lập đã tiến hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên kết. Ấn Độ, Miến Điện và Indonesia là các quốc gia phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của SEATO. Chính quyền Liên bang Malaysia thuộc Anh từ chối cùng Anh đàm phán gia nhập SEATO, Campuchia cũng từ chối không đặt nước mình dưới sự bảo trợ của SEATO. Hoàng thân Sihanouk của Campuchia từng chia sẻ: “Tháng 4/1955, các thành viên của khối quân sự NATO họp tại Bangkok đã quyết định đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự “che chở” của SEATO mà không cần hỏi ý kiến 19 Lý Tường Vân, “Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)”, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn), ngày 07/03/2016, nguồn: https://lichsu.tnus.edu.vn/chi- tiet/625-Mot-lich-su-quan-he-quoc-te-moi-o-Dong-Nam-A-trong-nhung-thap-nien-1950-1960-tac-dong-tu-cuoc- khang-chien-chong-Phap-cua-Viet-Nam-1946-1954. 20 Nguyễn Ngọc Dung (2002), Sự hình thành chủ nghĩa khu vực của ASEAN, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. HCM, tr.83. 21 D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1229. 173
  9. trước. Campuchia chỉ còn biết lên tiếng phản đối và tôi đã báo cho Đại sứ Mỹ McClintock ở Phnom Penh biết “chúng tôi không cần sự che chở mà chúng tôi không tự nguyện yêu cầu”, mặc dù tôi biết rõ, sự từ chối này sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho Campuchia” và “nếu Mỹ thật sự là một nước dân chủ thì chính phủ Mỹ cần phải tôn trọng lập trường trung lập của chúng tôi”22. Đây là nhóm nước tiêu biểu cho lập trường trung lập, phi liên kết trong bối cảnh cục diện chiến tranh lạnh và phân hóa thành hai khối đối đầu đang ngày càng hiển hiện rõ tại Đông Nam Á. Có thể nói, chính việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á đã vô tình đẩy các quốc gia trong khu vực ngả theo một chiều hướng mới. Các nước đều cho rằng tại thời điểm nhạy cảm này, “chính sách trung lập” sẽ có lợi hơn cả để đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực23. 2.4. Đánh giá Qua việc phân tích tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á và trong quan hệ với các nước lớn thời kỳ Chiến tranh lạnh, ta có thể rút ra được một vài đặc điểm sau: Một là, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ ảnh hưởng đến các thuộc địa của thực dân Pháp, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 còn buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho Mỹ nhận thấy rằng, chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của Pháp đã lỗi thời, cần phải thay thế. Mỹ cho rằng “các sự kiện ở Đông Nam Á cũng không thể tách rời khỏi các sự kiện ở châu Âu: Sự sụp đổ của Pháp ở Đông Dương chắc chắn sẽ làm suy yếu tinh thần của Pháp và từ đó làm suy yếu NATO”24. Vì thế, Mỹ với mọi nỗ lực của mình ngăn chặn sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương, và rộng hơn là Đông Nam Á, châu Á và toàn cầu. Hai là, Chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ phong trào đấu tranh đòi tự do, độc lập đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã nhổ bật ách thống trị của thực dân, đế quốc ở gần 40 nước, trong số đó có 32 nước là thuộc địa của Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một thời kỳ mới của của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ba là, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi không chỉ riêng Nhân dân Việt Nam, của Nhân dân ba nước Đông Dương mà còn là thắng lợi của hệ thống xã hội chủ 22 Norodom Sihanouk (2003) – Lê Kim (dịch), Từ cuộc chiến chống CIA đến người từ của Khơ me Đỏ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.58. 23 Lý Tường Vân, “Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)”, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn), ngày 07/03/2016, nguồn: https://lichsu.tnus.edu.vn/chi- tiet/625-Mot-lich-su-quan-he-quoc-te-moi-o-Dong-Nam-A-trong-nhung-thap-nien-1950-1960-tac-dong-tu-cuoc- khang-chien-chong-Phap-cua-Viet-Nam-1946-1954. 24 John Lewis Gaddis (1997), We now know: Rethinking Cold War History, Oxford University Press, New York, tr.157. 174
  10. nghĩa, các nước trung lập và các lực lượng tiến bộ, Nhân dân yêu chuộng hòa bình của thế giới. Bốn là, Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á: Mỹ bắt đầu thay chân các cường quốc châu Âu can thiệp vào Đông Dương và Đông Nam Á, buộc Nhân dân ba nước Đông Dương tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc. 3. KẾT LUẬN Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là thắng lợi to lớn của Nhân dân ta mà còn được các nước xã hội chủ nghĩa anh em coi như thắng lợi của bản thân mình. Điện Biên Phủ được coi là thắng lợi to lớn của các dân tộc nhỏ yếu đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành tự do và độc lập. Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, là một cống hiến lớn lao của Nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới”25. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đã được minh chứng rõ nét qua câu nói của Đại tướng. Điện Biên Phủ đã trở thành tượng đài bất diệt của tinh thần vì độc lập, tự do, chống mọi hình thức nô dịch, xâm lược của các nước đế quốc thực dân, là nguồn cảm hứng lớn lao các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành quyền tự quyết. Điện Biên Phủ - một chiến thắng lẫy lừng – xứng đáng được ca ngợi như một bản anh hùng ca bất diệt của lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung. 4. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo Nhân Dân, số 184 ra ngày 12/5/1954, tiêu đề: Ý nghĩa chiến thắng vĩ đại của ta ở Điện Biên Phủ. [2] Báo Nhân dân, số 210, ngày 31/7/1954, nhan đề: Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Đức kính gửi Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch kiêm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập – Tập 8 (1953 – 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Võ Nguyên Giáp (2013), Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6] D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [7] Đỗ Thanh Bình (2010), Lịch sử Phong trào Giải phóng dân tộc thế kỷ XX – Một cách tiếp cận, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội. 25 Võ Nguyên Giáp (2013), Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 211. 175
  11. [8] Lê Quang Lạng (2009), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới, Tạp chí Cộng sản. [9] Lý Tường Vân, “Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)”, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn), ngày 07/03/2016, nguồn: https://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/625-Mot-lich-su-quan- he-quoc-te-moi-o-Dong-Nam-A-trong-nhung-thap-nien-1950-1960-tac-dong-tu-cuoc-khang- chien-chong-Phap-cua-Viet-Nam-1946-1954’. [10] Nguyễn Ngọc Dung (2002), Sự hình thành chủ nghĩa khu vực của ASEAN, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. HCM. [11] Norodom Sihanouk (2003) – Lê Kim (dịch), Từ cuộc chiến chống CIA đến người từ của Khơ me Đỏ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội. [12] Phạm Quang Minh (2019), Chiến thắng vang vọng trên thế giới, Báo Nhân Dân, nguồn: https://special.nhandan.vn/chienthang_vangvong_tren_thegioi/index.html. [13] Trần Nam Tiến (Chủ biên) (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại (1954 – 2000), Nxb. Giáo dục, Hà Nội. [14] Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 10/1979, tr.29. [15] John Lewis Gaddis (1997), We now know: Rethinking Cold War History, Oxford University Press, New York. [16] Lawrence S. Kaplan – Denise Artaud (1990), Dien Bien Phu and the crisis of Franco-American Relations 1954-1955, Scholarly Resources. Inc, US. 176
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1