QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT<br />
CỦA THÁI BÁ LỢI<br />
VÕ CÔNG CHÁNH<br />
Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng<br />
Tóm tắt: Thái Bá Lợi là một trong những cây bút văn xuôi đương đại thành<br />
công với mảng đề tài chiến tranh sau chiến tranh. Nhân tố quan trọng góp<br />
phần định hình phong cách tác giả là những mới lạ, độc sáng trong quan<br />
niệm nghệ thuật của người viết. Nhờ vậy, dẫu tiếp cận một hiện thực không<br />
còn nhiều tính thời sự, tác phẩm của ông vẫn rất phù hợp với thị hiếu thẩm<br />
mĩ của người đọc hôm nay, bộc lộ rõ ưu thế trong việc hoàn thiện hóa cuộc<br />
sống và nhân đạo hóa con người của văn học Việt Nam thời đổi mới.<br />
<br />
1. DẪN NHẬP<br />
Với đội ngũ nhà văn trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, Thái Bá Lợi là một<br />
gương mặt nổi trội. Với 6 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn và một số tác phẩm riêng lẻ<br />
khác, cây bút được xem là “vốn quý” vì thuộc lớp người “vừa cầm súng, vừa cầm bút”<br />
này đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc bằng một phong cách riêng khó<br />
nhầm lẫn. Có được vinh dự ấy, điều tiên quyết, theo chúng tôi, chính là bởi người viết<br />
đã xác định được một quan niệm nghệ thuật đúng đắn và nhất quán trung thành với<br />
quan niệm đó trong suốt nghiệp viết của mình. Đây cũng là nhân tố quan trọng để độc<br />
giả nói chung, người nghiên cứu văn học nói riêng, tiếp cận sâu hơn sáng tác của Thái<br />
Bá Lợi; từ đó có những đánh giá khách quan, chân xác về vị trí của ông trên văn đàn<br />
đương đại.<br />
2. CÁC PHƯƠNG DIỆN CHỦ YẾU TRONG NỖ LỰC ĐỔI MỚI QUAN NIỆM<br />
NGHỆ THUẬT CỦA THÁI BÁ LỢI<br />
Quan niệm nghệ thuật là nhân tố quan trọng góp phần thể hiện cái giới hạn tối đa trong<br />
cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật [1]. Là hình thức bên trong<br />
của sự chiếm lĩnh cuộc sống và cơ sở tư duy hình tượng, quan niệm nghệ thuật đã trở<br />
thành một tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá giá trị nhân văn của văn học trong từng tác<br />
phẩm cụ thể. Với nhà văn, cách thụ cảm, cắt nghĩa hiện thực khách quan vô cùng phong<br />
phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn của tài năng, nhân cách người nghệ sĩ. Do đó, càng<br />
khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật về cuộc sống, con người thì thực chất càng đi sâu<br />
vào sáng tạo của họ và càng đánh giá khách quan thành tựu mà người viết mang lại.<br />
Như tất cả các thành tố khác của đời sống văn học nói chung, sáng tác ngôn từ nói<br />
riêng, quan niệm nghệ thuật cũng thể hiện rõ tính lịch sử - xã hội của nó. Có thể dễ dàng<br />
nhận thấy điều đó trong văn xuôi sau 1975, đặc biệt là trong thời đổi mới. Khi có điều<br />
kiện và thời gian để suy ngẫm kĩ lưỡng về hiện thực và số phận cá nhân, các sáng tác<br />
văn học, theo quy luật chung, đã chuyển sang giai đoạn băn khoăn, trăn trở, tìm tòi và<br />
thay đổi. Sự nghiệp đổi mới đã đưa lại cho nhà văn tư thế đối thoại với mọi người và<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 02(18)/2011: tr. 75-79<br />
<br />
76<br />
<br />
VÕ CÔNG CHÁNH<br />
<br />
với xã hội. Tầm nhìn của người viết, do vậy, cũng được nâng cao và diện quan sát cũng<br />
mở rộng hơn. Đó là lí do dẫn tới việc nhà văn có thái độ khách quan trong miêu tả và sự<br />
nhận thức cuộc sống cũng đầy đủ và kĩ càng hơn. Cảm quan mới của người nghệ sĩ viết<br />
về đề tài chiến tranh sau chiến tranh là luôn suy nghĩ, lật trở một cách sâu xa, kĩ lưỡng<br />
những vấn đề đặt ra trên trang viết. Đằng sau những chiến công, đằng sau những số<br />
phận cộng đồng là số phận của mỗi cá nhân. Các tác giả luôn mong muốn làm nên<br />
những tác phẩm mà nhìn vào đó, người đọc có thể cảm nhận được đâu là tiếng nói, là<br />
chủ đề, tư tưởng trong cả đời văn. Điều này cho thấy sự trăn trở, khao khát cho việc đổi<br />
mới tư duy nghệ thuật thường trực, bức thiết của đội ngũ cầm bút.<br />
Cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc<br />
Trường, Lê Lựu, Bảo Ninh… Thái Bá Lợi cũng là một gương mặt có đóng góp thực sự<br />
cho tiến trình đổi mới, hiện đại hóa văn xuôi đương đại bằng hàng loạt tác phẩm viết về<br />
hình tượng người lính, về những mẫu người tốt đẹp trong cuộc sống bề bộn hôm nay, về<br />
nhân vật lịch sử trong hành trình mở cõi... Xuất phát từ sự thức nhận văn học không<br />
phải là trò chơi sang trọng mà là đời sống, là món nợ cần phải trả, nhà văn đã sớm có<br />
được sự chọn lựa đúng đắn trong cách sống và cách viết của mình. Mỗi một tác giả đều<br />
có một con đường đến với nghiệp viết khác nhau, có người bén duyên từ rất sớm và<br />
thành tài ngay, có người đến muộn do gặp một cơ duyên nào đó, có người qua chặng<br />
đường dài thử sức rồi thấy được và đi tiếp. Thái Bá Lợi thuộc típ người đến với văn<br />
chương không sớm nhưng cũng không muộn lắm. Nhập ngũ từ những năm đầu của<br />
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc sống chiến trường dồn nén chất liệu, khiếu văn<br />
chương "buộc" tác giả ghi chép nhiều, quan sát nhiều và... viết ra nhiều. Vùng chân Hòn<br />
Tàu là tập truyện "thử bút", để từ sau thành công đáng khích lệ đó, ông đã dính với<br />
nghiệp văn lâu dài. Tiếp sau tác phẩm đầu tay này, trong hàng loạt những sáng tác khác<br />
như Thung lũng thử thách (1981), Họ cùng thời với những ai (1982), Bán đảo (1983),<br />
Còn lại với thời gian (1989), Đội hành quyết (1994), Trùng tu (2003), Khê ma ma<br />
(2004) và gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử Minh sư (2010), nhà văn, mặc dù vẫn trung<br />
thành với quan niệm "viết như một cách ứng xử với đời sống" nhưng vẫn không ngừng<br />
tự làm mới ngòi bút, cách tiếp cận và suy nghiệm về hiện thực.<br />
Hệ quả tất yếu của sự thức nhận này là tác giả luôn tâm niệm nghề văn không phải là<br />
cái gì thật xa lạ, thần bí mà thực chất nó rất gần gũi với con người, được nảy sinh từ<br />
nguồn cảm xúc dạt dào của người nghệ sĩ. Người viết có cảm hứng thì cứ viết ra, còn<br />
việc đánh giá tác phẩm là câu chuyện của bạn đọc. Với Thái Bá Lợi, viết văn tức là theo<br />
đuổi mục đích viết về con người – một “nhân vị” ngày càng “tự hoàn thiện” và có khát<br />
vọng “tìm ra chính mình” từ những vẻ đẹp dung dị ở cuộc sống xung quanh (Trùng tu,<br />
Bán đáo, Khê ma ma, Minh sư). Đây chính là yếu tính mang lại nét khu biệt cho nhân<br />
vật trong sáng tác của Thái Bá Lợi: một thế giới của những con người khát khao, nỗ lực<br />
hướng thiện. Chúng ta ít gặp trong truyện ngắn, tiểu thuyết của ông những nhân vật xấu,<br />
thậm xấu. Ngoài một số ít như tay Thị hèn nhát trong trận mạc mà biết theo chủ nghĩa<br />
cơ hội để đi lên trong thời bình (Trùng tu), Mai Hồng Nhị phản bội đồng đội (Họ cùng<br />
thời với những ai), Trí có phần ranh mãnh trong tình bạn, không chung thủy trong tình<br />
yêu (Hai người trở lại trung đoàn), Đán vi phạm điều lệ đơn vị và bị án tử hình (Đội<br />
<br />
QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT CỦA THÁI BÁ LỢI<br />
<br />
77<br />
<br />
hành quyết), Triển đớn hèn trốn khỏi trận địa và phản bội tổ chức (Thung lũng thử<br />
thách),… còn lại đều là những người sống chí nghĩa, chí tình. Đã thế, cái xấu của Đán,<br />
sự phản bội của Nhị cơ hồ chỉ được thông báo qua, tác giả chưa chú tâm đặc tả đến cùng<br />
quá trình biến thái của nhân vật giống những cây bút khác cùng viết đề tài chiến tranh<br />
như Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Đỗ Tiến Thụy,... Đọc Vùng<br />
chân Hòn Tàu, Đồng đội của Phú, Đêm trong rừng quế, Lòng cha, Những người đánh<br />
giáp lá cà, Quê hương, Khê mama, chúng ta gặp một "đội ngũ" hùng hậu những người<br />
tốt, kể cả nhân vật chính và nhân vật phụ. Đa phần họ đều được “tắm gội sạch sẽ", "đặt<br />
trong lồng kính" (chữ dùng của Bakhtine khi nói về Nguyệt, Lãm trong Mảnh trăng<br />
cuối rừng của Nguyễn Minh Châu) như Mùi (Quê hương), Mãi (Những người đánh<br />
giáp lá cà)... Hình như Thái Bá Lợi không thích thú và cũng không có sở trường khi<br />
viết về cái xấu, những dạng thức nhân vật tiêu cực, phản diện. Trong Khê mama, và đặc<br />
biệt là Minh sư, chúng ta bắt gặp tư tưởng nhân văn lớn và nhiều ngôn ngữ của chí<br />
hướng tu hành. Điều này dẫu khiến cho cách nhìn đời, nhìn người của ông có đôi phần<br />
phiến diện nhưng lại gia tăng rất nhiều sự đằm sâu, nhân hậu và niềm tin yêu, hi vọng<br />
của tác giả về năng lực hướng thiện, phục thiện để hoàn nguyên trong “bản lai diện<br />
mục” của thiên tính người.<br />
Nếu một trong những chức năng ưu trội của văn học chân chính là khả năng nhân đạo<br />
hóa con người thì điều này thật sát đúng với sáng tác của Thái Bá Lợi. Suốt đời văn, anh<br />
luôn có niềm tin bất diệt vào con người với “khát vọng tìm ra chính mình, tự hoàn thiện<br />
mình để rồi không bao giờ đánh mất mình nữa” [2]. Mùi (Quê hương) từ một cô gái<br />
mới rời ghế nhà trường đã đi vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Xa gia<br />
đình, thân gái dặm trường, sống trong vùng chiến tranh khốc liệt, khó khăn chồng chất,<br />
cô đã từng bước lớn lên, trưởng thành, tỏa sáng. Kazimierz (Trùng tu) “đi khắp thế giới<br />
để làm một điều gì cho chính mình rất sâu lắng trong những giá trị văn hoá tiềm ẩn mà<br />
con người để lại với công việc tưởng như bình thường: tu sửa di tích?” [3, tr. 177].<br />
Trùng tu di tích hay trùng tu những vẻ đẹp, những chiến công của những con người mà<br />
một thời nhờ họ chúng ta sung sướng, tự hào; Tổ quốc được thống nhất, nếu không khẩn<br />
thiết “trùng tu”, quá khứ hào hùng của dân tộc sẽ sớm bị quên lãng; và cháu con có<br />
nguy cơ rơi vào bi kịch của những tội đồ lịch sử, hoặc gần hơn là nỗi day dứt, mặc cảm<br />
của kẻ vong bản, vong thân.<br />
Cùng với Bảo Ninh, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh…, Thái Bá Lợi cũng là nhà văn thành<br />
công khi viết về đề tài “chiến tranh sau chiến tranh”. Khác với những sáng tác văn xuôi<br />
thuộc khuynh hướng sử thi của giai đoạn trước, trong văn xuôi Thái Bá Lợi, mỗi một<br />
con người của cuộc sống thời hậu chiến luôn diễn ra quá trình âm thầm nhưng dằng dai,<br />
quyết liệt để kiếm tìm, đuổi bắt chính mình. Những người lính mới từ chiến trường ra<br />
dễ lạc lõng, xa lạ với cuộc sống mới. Trên chiến trường, kẻ xấu, người tốt rất dễ nhận<br />
ra. Cả đơn vị là một cộng đồng cùng chung tiếng khóc, cùng chung nụ cười. Thời bình,<br />
cái tốt, cái xấu rất khó nhận dạng. Sống cho mình thì dễ nhưng sống nhìn qua người<br />
chung quanh nữa thì khó. Có lẽ vậy mà Thái Bá Lợi đã để cho Ngà (Bán đảo) phải làm<br />
cuộc ra đi với chân lí “thế nào tôi cũng tự tìm ra tôi” [3, tr. 132].<br />
<br />
78<br />
<br />
VÕ CÔNG CHÁNH<br />
<br />
Cảm thấy cuộc đời mình "mắc nợ" nhiều nên Thái Bá Lợi viết văn để trả. Món nợ ân tình<br />
lớn nhất – và cũng khó trả hết nhất – với tác giả, là nợ những đồng đội còn sống hay đã<br />
vĩnh viễn ra đi, nên ông viết nhiều về họ với phương châm tôn trọng những gì thiêng liêng<br />
của người lính, của con người. Dường như nhà văn luôn ý thức được rằng cần phải viết<br />
đúng sự thật nhưng cũng "đừng bao giờ làm tổn thương những gì thiêng liêng của người<br />
lính, của con người". Ý nghĩa đích thực của người nghệ sĩ là ở sự cố gắng không mệt mỏi<br />
trong con đường phát hiện, tôn vinh giá trị tinh thần vốn có của con người dẫu cho họ viết<br />
về cái xấu hay cái tốt, người lớn hay trẻ em, quá khứ, hiện tại hay tương lai chăng nữa.<br />
Nói cách khác, "dù bút pháp nhà văn có lạnh lùng đến đâu, dù nhà văn viết về cái xấu, cái<br />
ác, cái dung tục có sắc sảo đến đâu thì cái đích cuối cùng của văn học là làm sáng ra phần<br />
trong trắng nhất, phần sáng suốt nhất, phần sạch sẽ nhất, phần nguyên vẹn nhất của con<br />
người” [2]. Nhờ những suy tư, chiêm nghiệm về lịch sử, về con người và về cả cuộc chiến<br />
đã qua mà người đọc, qua những trang viết thấm đẫm tình đồng đội và ý thức trách nhiệm<br />
của Thái Bá Lợi với cuộc sống hôm nay, đã thấu cảm một cách sống động rằng cuộc<br />
chiến tranh oanh liệt vẫn đang hiện diện, quá khứ vẻ vang vẫn là năng lượng cần thiết để<br />
mỗi cá nhân và toàn dân tộc vững bước đến tương lai. Như thế, với ông, viết về quá khứ,<br />
về những cái đã qua vẫn là khát vọng hướng vào cuộc sống hiện tại, là mong muốn quá<br />
khứ “nở một nụ cười xả bỏ” [5, tr. 418].<br />
Không chỉ phong phú, nhân bản trong nội dung phản ánh, văn xuôi Thái Bá Lợi cũng<br />
chinh phục bạn đọc ở sự mới mẻ, hiện đại trong hình thức thể hiện. Điều đó bộc lộ khá<br />
rõ ở sự đề cao văn học phải ngắn và tinh chất của ông. Không phải nhà văn không viết<br />
được dài (bằng chứng là Minh sư dài 418 trang) mà tác giả luôn là người cẩn trọng để<br />
chọn lọc, đúc kết những nghiền ngẫm về hiện thực cùng với phương thức chuyển tải<br />
chúng nên thành ra ngắn. Ngắn nhưng không phải cụt mà là tinh.<br />
Trong các tác phẩm của Thái Bá Lợi, chi tiết đời sống thường được hiện ra trong kí ức<br />
khi chủ đề xuất hiện. Hai người trở lại trung đoàn được sáng tác khi đứng từ thời điểm<br />
tháng 9/1975 để nhớ về sự việc của 6 năm về trước. Họ cùng thời với những ai tái hiện<br />
về cuộc chiến xảy ra từ 10 năm trước đó. Đội hành quyết là sự hồi ức về sự việc đã xảy<br />
ra hai chục năm. Trùng tu lại nhớ về chiến dịch Mậu Thân ở Huế. Chịu ảnh hưởng quan<br />
niệm của M. Kundera: “Tiểu thuyết là tiếng gọi của giấc mơ”, văn Thái Bá Lợi cũng có<br />
nhiều giấc mơ như thế. Giấc mơ về quá khứ ngày hôm qua - sự hồi tưởng day dứt khôn<br />
nguôi về số phận con người (Còn lại với thời gian); giấc mơ về ngày mai - khát vọng về<br />
những giá trị nhân văn con người cần phải có ở nhịp sống xô bồ và không ít cạm bẫy<br />
(Khê ma ma),… Sự song hành, hòa quyện giữa kí ức - tức là chất liệu đã qua độ dài thời<br />
gian - và sự suy ngẫm minh triết của nhà văn đã trở thành “màng lọc” gạt bỏ tạp chất,<br />
lắng lại độ cô, độ tinh túy để “gây nghiện” người đọc bằng nhiều trang viết chân chất<br />
nhưng có ma lực lớn. Có lẽ vì thế, nhà văn Nguyên Ngọc đã không quá “ưu ái” khi cho<br />
rằng: "Thái Bá Lợi viết súc tích đến gần như hà tiện từng chi tiết, từng câu văn, từng từ.<br />
Người đọc cảm thấy rất rõ, anh biết mười chỉ để viết có một" [4].<br />
Chi tiết là nhân tố giữ vai trò quan trọng trong nghệ thuật trần thuật của Thái Bá Lợi và<br />
cũng góp phần khẳng định phong cách văn xuôi độc đáo của ông. Đa phần chúng được<br />
<br />
QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT CỦA THÁI BÁ LỢI<br />
<br />
79<br />
<br />
gọi ra từ kí ức, được chọn lọc kĩ lưỡng, nghiêm túc nên có sức biểu cảm lớn. Chẳng hạn<br />
trong Họ cùng thời với những ai, chỉ một câu ngắn gọn mà tác giả đã chỉ ra được độ<br />
khốc liệt của chiến tranh cả từ hai phía: "Ở một trận đấu dù thắng mà thương vong dưới<br />
một trăm, ba phần tư bị thương thì cũng chưa được gọi là thắng!” [3, tr. 535]. Trong<br />
Khêmama, chỉ bằng cách để nhân vật nói hai câu ngắn gọn, người viết cũng đã bày tỏ<br />
được quan niệm hiện đại về văn chương, tiểu thuyết của mình: “Ông muốn lưu danh<br />
phải không? Nếu ông muốn lưu danh thì cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn<br />
lưu danh được” [3, tr. 176]. Trung thành tuyệt đối quan niệm này, nên trừ Minh sư mới<br />
trình làng, tiểu thuyết của Thái Bá Lợi thường có số trang khiêm tốn: Thung lũng thử<br />
thách và Họ cùng thời với những ai đều có dung lượng 200 trang, Bán đảo: 107 trang,<br />
Trùng tu: 161 trang, đặc biệt là tiểu thuyết Khê mama chỉ vỏn vẹn… 43 trang.<br />
3. LỜI KẾT<br />
Sự mới mẻ trong quan niệm nghệ thuật là hạt nhân quan trọng giúp Thái Bá Lợi có vị trí<br />
quan trọng của một một nhà văn tiên phong về đề tài chiến tranh trong văn học đương<br />
đại và cũng là tác giả có sự đột phá đáng trân trọng ở sự nhìn nhận, thể hiện hình tượng<br />
người lính thời hậu chiến. Bằng cách ấy, nhà văn đã tạo được phong cách nghệ thuật<br />
riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ, phương thức xây dựng nhân vật, kết cấu, giọng điệu,<br />
không gian và thời gian nghệ thuật... Đây là căn cốt để những sáng tác được xem là “cột<br />
mốc” trong hành trình sáng tạo của ông để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Với quan<br />
niệm tích cực và độc đáo này, chúng ta có quyền hi vọng ở tác giả nhiều tác phẩm “đỉnh<br />
cao” nữa để làm phong phú, giàu có thêm cho nền văn học dân tộc.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1]<br />
[2]<br />
[3]<br />
[4]<br />
[5]<br />
<br />
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009). Từ điển thuật ngữ Văn học.<br />
NXB Giáo dục, Hà Nội.<br />
Trần Trung Sáng (2009), Thái Bá Lợi và hành trình đi tìm chính mình.<br />
www.baodanang.vn, ngày 7/6/2009.<br />
Thái Bá Lợi (2008). Tiểu thuyết. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.<br />
Nguyên Ngọc (1981), Nhân đọc một tác phẩm mới của Thái Bá Lợi, Báo Văn nghệ<br />
ngày 19 tháng 12 năm 1981, tr. 3.<br />
Thái Bá Lợi (2010). Minh Sư. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.<br />
<br />
Title: THAI BA LOI AND HIS NEW PERCEPTIONS OF LITERATURE<br />
Abstract: Thai Ba Loi is one of well-known contemporary writers who succeeded in writing of<br />
wartime and its aftermaths. His freshness in writing plays an important role in forming his style.<br />
Nowadays, his works are suitable with popular sense and highlight advantage in perfecting and<br />
humanity through the background he writes have gone by.<br />
VÕ CÔNG CHÁNH<br />
Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng<br />
ĐT: 0905.026099. Email: vcchanh@gmail.com<br />
<br />