intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ đang dần thay thế hầu hết các công việc liên quan đến tay chân thì việc quan tâm đến sức khỏe và rèn luyện thân thể thường bị lơ là nhất là trong đời sống học đường của các bạn sinh viên. Trong tham luận này, tác giả muốn nhấn mạnh về việc rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong sinh viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một

  1. RÈN LUYỆN THÂN THỂ THEO GƯƠNG BÁC HỒ VĨ ĐẠI TRONG SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT Nguyễn Nhất Duy1, Phạm Thị Hồng Nhung1 1. Khoa Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ đang dần thay thế hầu hết các công việc liên quan đến tay chân thì việc quan tâm đến sức khỏe và rèn luyện thân thể thường bị lơ là nhất là trong đời sống học đường của các bạn sinh viên (SV). Mặc dù ai trong chúng ta đều biết và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sức khỏe trong việc đảm bảo sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng việc luyện tập và luyện tập thường xuyên thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong tham luận này, tác giả muốn nhấn mạnh về việc rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong sinh viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một (ĐH TDM). Từ khóa: Rèn luyện thân thể, Hồ Chí Minh, tấm gương, vận động, sinh viên… 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Rèn luyện thân thể (RLTT) là hoạt động giúp cải thiện sức khỏe bằng cách tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt và độ bền của cơ thể. Việc tập luyện TDTT đều đặn và thường xuyên sẽ giúp cho mọi người không chỉ là SV có thể tránh được nhiều vấn đề sức khỏe như các loại cảm vặt thông thường, bệnh tim, tiểu đường, béo phì… Thông qua việc duy trì một lối sống lành mạnh và rèn luyện thể chất đều đặn hàng ngày, vóc dáng con người sẽ trở nên hài hòa cân đối và tuổi sinh học trẻ hơn so với người không tập hoặc ít tập. Nếu duy trì thời gian dài và liên tục sẽ kéo dài tuổi thọ mà đây chính là mong muốn của hầu hết mọi người. Rèn luyện thể chất cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần như: giúp giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Đối với SV, họ có thể cảm thấy sảng khoái và năng động hơn sau khi thực hiện các hoạt động thể chất, từ đó tăng cường tinh thần, sự tự tin, giúp sinh viên cảm thấy lạc quan hơn về cuộc sống và nhờ đó họ có khả năng vượt qua khó khăn, hoàn cảnh. Nhờ vậy, họ nỗ lực trong học tập và đạt kết quả tốt hơn. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng việc rèn luyện thể chất có thể tăng cường sự tập trung, trí nhớ và khả năng tư duy sáng tạo, từ đó giúp SV đạt được hiệu suất học tập tốt hơn. Việc tập thể dục định kỳ còn giúp SV phát triển khả năng quản lý thời gian, vì họ phải tìm cách để cân bằng giữa học tập, rèn luyện thể chất và các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, việc RLTT thường xuyên không chỉ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe vật lý và tinh thần của SV mà còn có tác động lớn đến hiệu suất học tập và phát triển cá nhân của họ. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động rèn luyện thể chất trong cộng đồng sinh viên. Hơn nữa, việc tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại đã được phổ biến rộng rãi và được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, SV ĐH TDM cũng không nằm ngoài ngoại lệ! 2. NỘI DUNG 2.1. Bác Hồ vĩ đại và việc duy trì thói quen rèn luyện thân thể Ngay từ khi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết – Bình Thuận), “Thầy” đã không dạy văn hoá đơn thuần mà còn khéo léo tuyên truyền lòng yêu nước cho con trẻ và thầy cũng dạy học trò tập luyện Thể dục Thể thao (TDTT). Sáng sáng, thầy giáo Thành thường dẫn học trò ra bờ sông hay bãi biển để tập thể dục. Cứ thứ năm mỗi tuần, ông giáo Thành lại 121
  2. dành ra một số thời gian để dạy thể dục cho các học trò với các môn nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, kéo co, nhảy đây... Thầy giáo Thành tập thể dục bằng cách đi bộ hàng giờ trên các đường phố của Thị xã Phan Thiết đề vừa ngắm cảnh vừa RLTT. Trong thời gian ở nước Nga, vào mùa Đông rét mướt, Bác Hồ vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun... Khi còn ở Vân Nam (Trung Quốc), trong những nơi ở chật chội của người dân lại phải hoạt động bí mật ở nhiều địa điểm, Bác Hồ vẫn tập thể dục, vận động thường xuyên kết hợp với dọn dẹp trong nhà, ngoài vườn. Lúc ở hang Pắc Pó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, Bác luôn duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập đều đặn. Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, thời kỳ chuẩn bị Hội nghi Trung ương Đảng lần thứ 18 năm 1941, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết lách tài liệu. Cũng nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dù đất nước đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải lãnh đạo nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng ta và Bác Hồ vẫn dành cho công tác Thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền Thể thao cách mạng Việt Nam với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Bác thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bác viết: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Bác kêu gọi mọi người dân bất kể già trẻ, trai gái ra sức luyện tập thể dục hằng ngày để có sức khỏe, đồng thời Bác cũng khẳng định rằng: Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe, có như vậy, công cuộc kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Những năm 1957 - 1958, Bác rất thích tập Thái cực quyền. Những đêm trăng, Bác cùng những anh em cảnh vệ thường tập trên sân thượng của Bắc bộ phủ. Sống cùng các chiến sĩ, Bác thường tìm hiểu và tập luyện những bài quyền mới. Bác tập bài mới rất say sưa và chú ý đến từng thế tấn, thế đỡ gạt... Mỗi động tác đều vận gân cốt và tập trung tinh thần, vì vậy Bác đi quyền rất sinh động. Bác cũng rất sốt sắng truyền lại cho các đồng chí của mình những bài quyền mà Bác biết. Năm 1967, Bác đề xuất với Bộ Chính trị bố trí cho Bác vào Nam thăm đồng bào ruột thịt. Để chuẩn bị cho ý nguyện đó, Bác lên kế hoạch luyện tập sức khỏe hàng ngày bằng cách đi bộ, tập mang ba lô nặng để có thể vượt Trường Sơn. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, thì mỗi ngày Bác đi bộ 5 - 10 km, có hôm đến 20 km, băng rừng, lội suối, vượt sông, vai mang ba lô nặng 25kg… Khi ngoài 70 tuổi, Bác Hồ vẫn kiên quyết duy trì sức khỏe. Bác bỏ hút thuốc và giữ vững chế độ tập luyện và sinh hoạt hàng ngày. Theo đề nghị của Bác, các đồng chí cảnh vệ mua cho Bác 20 quả bóng quần vợt và cất trong ngăn kéo. Bác đặt một sọt giấy vụn cách bàn làm việc chừng 5m, mỗi khi viết mỏi tay, Bác dừng lại và đứng dậy lấy bóng ném vào sọt, ném tay trái rồi đổi qua tay phải. Bác cho biết tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển của thần kinh và tính chính xác của đôi tay. Qua đó có thể thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống dù thiếu thốn hay khắc nghiệt, cam go hay nguy hiểm, Bác Hồ vẫn kiên trì tập luyện thể thao, RLTT đều đặn. Thế mới thấy được ý chí kiên định ngất trời của một nhà lành đạo tài ba và kiệt xuất, mới thấy được một con người mẫn tiệp và khỏe khoắn dù đã ở tuổi xế chiều. 122
  3. 2.2. Ảnh hưởng từ hoạt động thể chất của Bác Hồ đến thế hệ trẻ Đầu tiên, nếu luyện tập đều đặn như Bác thì ai ai cũng có sức khỏe vượt trội. Bác đã sống đến tuổi cao niên và duy trì thói quen rèn luyện sức khỏe tốt suốt đời, điều này là một minh chứng hết sức rõ ràng về ảnh hưởng tích cực của lối sống lành mạnh và RLTT thường xuyên. Như chúng ta đã biết, có nhiều loại trí thông minh (Howard Garner, 2024-Phạm Toàn dịch), trong đó có trí thông minh vận động hay còn gọi là thông minh thể chất. Thực sự, nếu không có sức khỏe cơ thể thì hầu như các loại trí thông minh khác không thể phát huy hết tác dụng của mình thậm chí là biến mất. Bác dường như là một bậc tiên tri rất có tầm khi nhìn thấy được điều này từ khá sớm và áp dụng trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày của mình. Và chúng ta đều có thể thấy Bác làm việc rất nhiều, rất căng thẳng, liên tục trong thời gian dài mà vẫn rất trôi chảy đó chính là do tác dụng tuyệt vời của tập luyện thể thao đều đặn mang lại. Vì vậy, trí thông minh thể chất là tiền đề để các loại trí thông minh khác phát huy hết tác dụng của mình. Với hoạt động này của Bác, phong trào tập luyện luôn được truyền cảm hứng qua nhiều thế hệ. Mỗi khi thấy hình ảnh tập luyện thể dục của Bác cũng đều thúc đẩy con người ta làm việc gì đó để khỏe hơn từng ngày. Qua nhiều hình thức tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng với hình ảnh hết sức trực quan, thanh niên khi nhìn vào đó sẽ thấy ngại. Vì trong ảnh, Bác là một người cao tuổi chơi khá nhiều môn thể thao như: billiard, bơi lội, võ thuật, bóng chuyền, kể cả “tập tạ”…điều này thường thấy trong các phòng tập thể thao chuyên dùng. Trong khi đó thanh niên trai tráng thì không làm gì mà chỉ lướt điện thoại hoặc nằm ì cả ngày…. Những hình ảnh đó mang tính cổ vũ khá cao vì Bác là người đáng kính đáng ngưỡng mộ, độ uyên bác, thâm sâu và tầm nhìn của Bác đã đi trước thời đại. Vậy cứ học Bác, làm theo Bác thì chỉ có đúng. Thứ hai là ý chí, tinh thần trở nên mạnh mẽ hơn, mục tiêu dễ hoàn thành hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy tinh thần mạnh mẽ và sự kiên nhẫn của Bác Hồ như đã trình bày ở phần trên. Bác rèn luyện bất chấp điều kiện, hoàn cảnh lúc khó khăn, gian khổ, hiểm nguy cũng ráng dành thời gian tập, lúc thảnh thơi, thư thả thì đương nhiên tập. Bác luôn tìm việc gì đó để vận động cơ thể mà không ngồi quá lâu. Nên dễ thấy, trong mọi hoạt động như leo đèo, lội suối, băng rừng, vượt sông… Bác luôn thoăn thắt, vững vàng trong mỗi bước chân, hành động mà không cần dìu đỡ (dù luôn có người đi cùng để hỗ trợ Bác). Đây được coi là kết quả của việc duy trì một cơ thể, ý chí và tinh thần khỏe mạnh thông qua việc RLTT đều đặn. Trong khi đó, SV ngày nay thì do cám dỗ quá lớn từ công nghệ nên việc ngồi lì trong thời gian dài, ít vận động ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thông qua học tập lý thuyết GDTC tại trường, kết hợp thu nhận từ các phương tiện nghe nhìn tuyên truyền về lợi ích của tập luyện thể thao đều đặn, thường xuyên như Bác thì sự chuyển biến đã bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn. Các bạn SV đã chọn được môn thể thao yêu thích và tham gia đều đặn. Đây là biểu hiện đáng mừng không chỉ trong các nhà trường mà cả ngoài xã hội. Đối với thanh thiếu niên, Bác dạy: “Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước…Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải xung phong trong mọi công tác. Phải học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Bác huấn thị cho các trường học: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”; “Thể dục kết hợp với giữ gìn vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”. Vậy nên, qua những lời dạy của Bác, qua những minh chứng hùng hồn, sống động của các hình ảnh , video tư liệu về việc RLTT thường xuyên của Bác là nguồn cảm hứng, động lực to lớn, có sức ảnh hưởng vô cùng đáng kể và là cơ sở để thế hệ trẻ học tập làm theo để tự tin “rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”. 3. THỰC TRẠNG RÈN LUYỆN THÂN THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo thông qua các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trường ĐH TDM luôn bám sát và tạo mọi điều kiện cho SV RLTT và tập luyện TDTT. Cụ thể, khuôn viên trường được thiết kế có nhiều không gian và cây xanh tạo cảnh quan thông thoáng và mát mẻ cùng với các bộ dụng cụ tập luyện cá nhân (thường để trong công viên), xà 123
  4. đơn, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân bóng rổ, khu vực chơi cờ, đường bê tông chạy bộ... Nhờ đó, mỗi buổi chiều khi tan lớp, những khu vực này có rất nhiều SV tham gia tập luyện với không khí hết sức sôi nổi. Qua đó cho thấy, không phải SV nào cũng dán mặt vào điện thoại hoặc thiết bị di động, một bộ phận trong SV đã thấy được tầm quan trọng của việc RLTT theo gương Bác thông qua học tập từ các Giảng viên (GV) giảng dạy Giáo dục Thể chất (GDTC) trong trường (một số GV đã bắt đầu ngày nào cũng tập như Bác để tạo cảm hứng cho SV) cũng như qua loa phát thanh của trường về lợi ích của RLTT thường xuyên. Ngoài ra, Đoàn thanh niên của trường đã thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) đội nhóm trực thuộc Đoàn về thể thao như: CLB Bơi lội, CLB Karatedo, CLB Cờ vua, CLB Bóng chuyền, CLB Vovinam,…nhằm giúp cho SV có nhiều lựa chọn sau giờ học và số lượng hội viên CLB ngày càng gia tăng qua từng năm. Như vậy, việc RLTT thường xuyên trong SV đang dần vào quỹ đạo. Trong việc học tập để tích lũy môn học GDTC phần thực hành, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện bằng cách cho SV đăng ký môn thể thao yêu thích để tập luyện. Điều này mang lại lợi ích khá lớn vì SV yêu thích môn thể thao đó mà tập luyện với ý chí Hồ Chí Minh nữa thì chỉ có sức khỏe gia tăng, sức lực dồi dào mà thôi. Qua thực tế giảng dạy cho thấy, SV đăng ký và học đúng môn mình yêu thích thì rất khỏe, dẻo dai và linh hoạt họ tập luyện hang say khi có thời gian rảnh vì thể thao đem lại rất nhiều niềm vui. Đây là tín hiệu đáng mừng vì tầng lớp tri thức này đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân. Và qua đó cũng nhận thấy rằng việc tuyên truyền thường xuyên về RLTT lấy tấm gương từ Bác đã bắt đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Việc ươm mầm nay đã trở thành cây lớn và bắt đầu đơm hoa kết trái khẳng định lại những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, hợp quy luật của sự phát triển. Hơn nữa, hàng năm, các khoa, viện và nhà trường thường xuyên tổ chức các giải đấu thể thao trong trường nhằm phát hiện các nhân tố chủ lực để tiếp tục đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao ở cấp cao hơn đều được SV nhiệt tình tham gia. Nhờ đó mà các giải đấu hết sức hào hứng, sôi nổi, tạo động lực không nhỏ trong tập luyện và thi đấu thể thao trong cộng đồng SV: như hội thao SV khỏe chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, hội thao chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/03… Chính nhờ việc xác định tầm nhìn đúng đắn, sự tập luyện tích cực của SV mà trong nhiều giải đấu thể thao trong và ngoài tỉnh qua nhiều năm, trường ĐH TDM luôn đạt được thành tích khá tốt. Đơn cử như Bóng chuyền nam nữ luôn nằm trong top 3 các năm từ 2013-2018, hạng 3 bóng chuyền nam 2022… trong hội thao SV khỏe cấp tỉnh, năm 2023 vô địch bóng đá nam, còn giải Việt dã gần đây nhất do BTV phối hợp với công ty Tân Hiệp Phát tổ chức, ĐH TDM xuất sắc giành 06 thứ hạng cao nhất (nhất nhì ba nam và nhất nhì ba nữ) trong khối SVđại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh… Ngoài ra SV trường còn đạt các giải khác như Vô địch cầu lông đơn nữ SV tỉnh, hạng 3 cờ vua SV tỉnh, hạng 3 cờ vua do Đại học Văn Lang tổ chức năm 2023… Như vậy, mặc dù không phải tất cả SV đều tập luyện TDTT và RLTT thường xuyên nhưng với những kết quả đạt được kể trên phần nào đã bộc lộ rõ nét về thực trạng tập luyện thể thao của SV trường ĐH TDM đó là đã có sự chuyển biến tích cực cả chiều sâu lẫn chiều rộng. 4. KẾT LUẬN Thông qua bài viết, nhóm tác giả có một số kết luận như sau: - Tham luận đã phân tích tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể đối với sinh viên trong quá trình học tập và phát triển cá nhân, bao gồm lợi ích về sức khỏe cơ thể (vật lý) và sức khỏe tinh thần, cũng như ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất học tập, làm việc của SV. - Tham luận đã khám phá phong cách sống và các hoạt động thể chất, RLTT của Bác Hồ vĩ đại. Bác có cái nhìn và nhận thức hết sức đầy đủ tầm quan trọng của việc duy trì một lối sống lành mạnh và rèn luyện thể chất thường xuyên có tác động không nhỏ đến các năng lực trí tuệ khác. 124
  5. - Tham luận cũng đã phân tích thực trạng của việc rèn luyện thân thể trong cộng đồng SV trường ĐH TDM, đặc biệt là các thách thức mà sinh viên thường gặp phải khi cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh. Khẳng định việc rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn là một phần không thể thiếu trong việc phát triển tinh thần và đạo đức của sinh viên và việc nắm bắt, áp dụng các nguyên tắc, phong cách sống của Bác sẽ giúp SV phát triển toàn diện hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. 2. Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; 3. Quyết định 1076/QĐ-TTg ngày 17/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Thông tư số 25/2015/TT-BGD&ĐT ngày 25 tháng 10 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học. 5. Thông tư 48/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 Quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường. 6. Thủ tướng Chính phủ (2015), Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31/01/2015 quy định “Chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường”. 7. Nguyễn Nhất Duy (2012). Nghiên cứu ứng dụng một số bài tập thể chất nâng cao thể lực cho nữ sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Luận văn Thạc sĩ Giáo dục học. Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Nhất Duy, Phan Thành Biên Hùng, Nguyễn Thị Bé Năm (2023). Xây dựng nguồn lực con người khỏe-đẹp trong bối cảnh tự chủ hội nhập. Kỷ yếu hội thảo quốc gia Nguồn lực đầu tư cho các trường Đại học, Cao đẳng thuộc lĩnh vực nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ,Hà Nội, 2023(tr388-399). Hà Nội: NXB Văn học. 9. Nguyễn Nhất Duy (2022). Giáo dục Thể chất và Thể dục thể thao trong các trường Đại học-Cao đẳng. Tạp chí Giáo chức Việt Nam, số 181, 2022 (tr 28-31). 10. Howard Garner (2024). Cơ cấu trí khôn - dịch giả Phạm Toàn, Hiệu đính: Nguyễn Dương Khư, Phạm Anh Tuấn. NXB Tri thức. 11. Phạm Thị Hồng Nhung (2023). Người cao tuổi thành phố Thủ Dầu Một với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Hội thảo khoa học: “Truyền thống, kinh nghiệm và những vấn đề tiễn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố Thủ Dầu Một” trang 92-97. 12. Phan Quý (2022). Sáng ngời tấm gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ. https://www.khuditichkimlien.gov.vn/vi/sang-ngoi-tam-guong-ren-luyen-than-the-cua-bac-ho- ssn143.html#:~:text=L%C3%BAc%20%E1%BB%9F%20hang%20P%E1%BA%AFc%20P%C3%B3,% C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20trong%20x%C3%B3m..., truy cập ngày 23/04/2024. 125
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2