intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sẵn sàng tự nguyện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp các công ty niêm yết quy mô lớn

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của nghiên cứu "Sẵn sàng tự nguyện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp các công ty niêm yết quy mô lớn" nhằm kiểm tra một số đặc điểm cụ thể của các công ty niêm yết quy mô lớn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS. Sử dụng phân tích thống kê mô tả và kiểm định hồi quy logistic để phân tích dữ liệu thu thập được từ 192 công ty niêm yết quy mô lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sẵn sàng tự nguyện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp các công ty niêm yết quy mô lớn

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 SẴN SÀNG TỰ NGUYỆN ÁP DỤNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT QUY MÔ LỚN WILLINGNESS TO VOLUNTARILY ADOPT INTERNATIONAL FINANCIAL REPORTING STANDARDS IN VIETNAM: A CASE STUDY OF LARGE-SCALE LISTED COMPANIES TS. Nguyễn Thu Hiền Học viện Tài chính Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Với mục tiêu hội tụ các chuẩn mực kế toán toàn cầu, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, Việt Nam đã công bố lộ trình triển khai áp dụng tự nguyện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) kể từ năm 2022 đối với một số công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm kiểm tra một số đặc điểm cụ thể của các công ty niêm yết quy mô lớn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS. Sử dụng phân tích thống kê mô tả và kiểm định hồi quy logistic để phân tích dữ liệu thu thập được từ 192 công ty niêm yết quy mô lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm xác nhận rằng một số đặc điểm của công ty như quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời, loại hình kiểm toán viên và nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS của các công ty niêm yết quy mô lớn, trong khi các đặc điểm khác như đòn bẩy, hoạt động nước ngoài được tìm thấy không có ảnh hưởng đến việc tự nguyện lựa chọn chuẩn mực kế toán này. Từ khóa: tự nguyện, áp dụng, doanh nghiệp, IFRS, công ty niêm yết. ABSTRACT With the aim of converging global accounting standards, contributing to promoting economic integration with the region and the world, Vietnam has announced a roadmap for voluntarily adopting IFRS for some listed companies, unlisted public companies from 2022. The objective of this study is to examine how some specific characteristics of large-scale listed companies affect their willingness of voluntarily adopting IFRS. Descriptive statistical analysis and logistic regression test are used to analyze data collected from 192 large-scale listed companies on Vietnam's stock market. Empirical research results confirm that some characteristics such as firm size, profitability, types of auditors and foreign investors have an effect on the willingness of voluntarily applying IFRS to large-scale listed companies, while other characteristics such as leverage, foreign operations have no effect on the voluntary choice of accounting standards. Keywords: voluntary, adopt, enterprises, IFRS, listed companies. 337
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Đặt vấn đề Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bởi áp dụng IFRS như một cách để các quốc gia có được sự chấp nhận trong thế giới kinh doanh quốc tế. Ở Việt Nam, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán để hội tụ các chuẩn mực kế toán toàn cầu, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Bộ Tài chính đã công bố lộ trình triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam, theo đó giai đoạn từ năm 2022 – 2025 sẽ áp dụng tự nguyện IFRS đối với một số công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết có nhu cầu và đủ nguồn lực (Bộ Tài chính, 2020). Tuy nhiên, trên thực tế việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS là vấn đề còn khá mới lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai áp dụng IFRS nên chưa có nhiều hướng dẫn về cách thức áp dụng IFRS. Mặt khác, các công ty áp dụng bộ tiêu chuẩn kế toán mới phải đối mặt với chi phí chuyển đổi và áp dụng cao (Soderstrom & Sun, 2007), chi phí bỏ ra cho quá trình chuyển sang áp dụng IFRS sẽ tăng trong những năm đầu tiên, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp khi lựa chọn sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS Xuất phát từ những phân tích nêu trên, nghiên cứu này tập trung kiểm tra ảnh hưởng của một số đặc điểm của công ty như quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời, đòn bẩy, loại hình kiểm toán viên, nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động nước ngoài đến khả năng lựa chọn sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS tại các công ty niêm yết quy mô lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, các công ty niêm yết quy mô lớn có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS hơn nếu quy mô doanh nghiệp lớn hơn, khả năng sinh lời cao hơn, được kiểm toán bởi một trong bốn công ty kiểm toán lớn (Big-4) và có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, mức độ sử dụng đòn bẩy cao hay thấp và có các hoạt động nước ngoài hay không của công ty được phát hiện không ảnh hưởng đến việc tự nguyện áp dụng IFRS. Các phát hiện của nghiên cứu này có thể là nguồn tài liệu tham khảo giúp các cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS, giúp các cơ quan quản lý kế toán ở Việt Nam ban hành những chính sách hỗ trợ và giải thích kịp thời liên quan đến áp dụng IFRS cho các công ty. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này giúp các công ty hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của từng đặc điểm, từ đó giúp họ đưa ra các chính sách và kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho quá trình áp dụng IFRS trong tương lai. Cuối cùng, nghiên cứu này có thể là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu liên quan đến tự nguyện áp dụng IFRS cũng như mối liên hệ giữa các đặc điểm của công ty với việc lựa chọn áp dụng chuẩn mực này. 2. Tổng quan nghiên cứu Trong thời gian qua có khá nhiều nghiên cứu khác nhau liên quan đến IFRS, tự nguyện áp dụng IFRS được thực hiện. Các nghiên cứu tập trung kiểm tra một số đặc điểm của doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyết định tự nguyện áp dụng IFRS. Francis & cộng sự (2008) kiểm tra các yếu tố quyết định đến việc áp dụng IFRS ở các công ty tư nhân vừa và nhỏ tại 56 quốc gia và nhận thấy các đặc điểm của doanh nghiệp như quy mô doanh nghiệp, cơ hội tăng trưởng dự kiến trong tương lai, nguồn vốn bên ngoài, chủ sở hữu nước ngoài, doanh số xuất khẩu và cơ cấu sở hữu doanh nghiệp…đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tự nguyện áp dụng IAS/IFRS. Tại Vương quốc Anh, André & cộng sự (2012) cho thấy tính quốc tế, đòn bẩy, quy mô doanh nghiệp và uy 338
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 tín của kiểm toán viên có tác động tích cực đáng kể đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS. Các đặc điểm khác như lợi nhuận, cường độ vốn, ngành sản xuất, ngành tài chính, tăng trưởng, cơ cấu sở hữu và năng suất của nhân viên dường như không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS của các công ty. Matonti & Iuliano (2012) cho rằng các công ty tư nhân của Ý có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS hơn khi quyền sở hữu bị phân tán, có cổ đông nước ngoài, đòn bẩy tài chính cao và công ty mẹ của họ lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS. Trong khi, quy mô doanh nghiệp, tình trạng hợp nhất không có liên quan tích cực đáng kể đến việc áp dụng IFRS; khả năng sinh lời, tính độc lập của các nhà quản lý, trình độ của kiểm toán viên và lĩnh vực công nghiệp không có ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng IFRS. Nghiên cứu trong bối cảnh các công ty chưa niêm yết tại Ý, Di Fabio (2018) nhận thấy các công ty sử dụng đòn bẩy có nhiều khả năng lập báo cáo tài chính theo IFRS, và điều này tương tự với quy định ở Đức nhưng khác với quy định của Vương quốc Anh; đối với các công ty tư nhân, việc áp dụng IFRS tự nguyện có thể gặp những rào cản nhất định do khó khăn về tài chính. Một số công ty tư nhân của Ý có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS nếu được kiểm toán bởi Big-4, có sự phân tán quyền sở hữu và khả năng sinh lời cao hơn, tuy nhiên, các đặc điểm khác của công ty như cường độ vốn và đòn bẩy cao hay thấp, quy mô doanh nghiệp hoặc mức độ tiêu thụ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến việc tự nguyện áp dụng IFRS (Pichler & cộng sự, 2018). Tại các quốc gia đang phát triển, việc quyết định áp dụng IFRS có liên quan chặt chẽ đến môi trường thể chế cũng như dữ liệu kinh tế vĩ mô. Một số nghiên cứu cho thấy đặc điểm của doanh nghiệp như quy mô doanh nghiệp, được kiểm toán bởi Big-4 có ảnh hưởng đến quyết định áp dụng IFRS của các công ty (ví dụ Kolsi & Zehri, 2013; Zehri & Chouaibi, 2013). Mặt khác, dựa trên một phân tích tổng hợp kết quả của 17 bài báo thực nghiệm liên quan đến các yếu tố quyết định mức độ tuân thủ IAS/IFRS ở các thị trường mới nổi, Samaha & cộng sự (2016) nhận thấy quy mô doanh nghiệp, loại hình kiểm toán viên, tính quốc tế, khả năng sinh lời và sự phân tán quyền sở hữu có ảnh hưởng tích cực đến việc tuân thủ IAS/IFRS. Ở Việt Nam, Lê Trần Hạnh Phương (2019) tiến hành kiểm tra mức độ tác động của các nhân tố vi mô đến áp dụng IAS/IFRS tại Việt Nam thông qua nguồn dữ liệu từ báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán của 500 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, chất lượng kiểm toán, đầu tư của nước ngoài và sự tham gia quản lý của người nước ngoài vào ban lãnh đạo tác động tích cực đến khả năng áp dụng IAS/IFRS tại các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Trong bối cảnh tại các công ty niêm yết ở Việt Nam, Trần Thị Cẩm Thanh & cộng sự (2019) nhận thấy tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), quy mô doanh nghiệp và chất lượng kiểm toán có ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp này. 3. Phát triển giả thuyết nghiên cứu Để giải quyết mục tiêu nghiên cứu, việc xây dựng các giả thuyết nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết, tài liệu có liên quan trong các nghiên cứu trước là rất quan trọng. Nghiên cứu này lựa chọn một số đặc điểm cụ thể của các công ty đã được đề cập trong các nghiên cứu trước để phát triển các giả thuyết Quy mô doanh nghiệp (Firm size): Các doanh nghiệp lớn thường có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để triển khai áp dụng IFRS (Pichler & cộng sự, 2018), do vậy, các doanh nghiệp này có khả năng sẵn sàng áp dụng IFRS cao hơn các doanh nghiệp nhỏ. Dumontier & Raffournier (1998) kết luận rằng quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng tích cực đến quyết định tự nguyện áp dụng IFRS, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì khả năng tự nguyện áp dụng IFRS càng cao (Iatridisa & Rouvolisb, 2010; Yang, 2014). Tương tự, Senyiit (2014) cho rằng các doanh nghiệp quy mô lớn 339
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 có nhiều nguồn lực hơn để áp dụng IFRS, vì vậy các doanh nghiệp này có khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS cao hơn. Dựa trên những lập luận này, nghiên cứu phát triển giả thuyết đầu tiên như sau: H1: Các công ty niêm yết quy mô lớn có quy mô càng lớn thì khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS càng cao. Đòn bẩy (Leverage): Các doanh nghiệp có mức độ đòn bẩy cao có khả năng tự nguyện công bố nhiều thông tin hơn và giảm sự bất cân xứng thông tin với chủ nợ, điều này sẽ đáp ứng được yêu cầu của các chủ nợ tốt hơn (Yang, 2014), ở các công ty đại chúng việc tự nguyện công bố thông tin có thể sẽ tăng lên nhờ đòn bẩy (Meek & cộng sự, 1995). Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa đòn bẩy và khả năng áp dụng IFRS. Samaha & cộng sự (2016) cho rằng ở các thị trường mới nổi việc tuân thủ IAS/IFRS có liên quan chặt chẽ đến đòn bẩy, doanh nghiệp có đòn bẩy cao có nhiều khả năng lựa chọn áp dụng IFRS hơn (Yang, 2014). Các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao hơn thì có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS hơn (Matonti & Iuliano, 2012). Do đó, giả thuyết thứ hai được phát triển như sau: H2: Các công ty niêm yết quy mô lớn có đòn bẩy tài chính càng lớn thì khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS càng cao. Khả năng sinh lời (Profitability): Các doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn sẽ có nhiều động lực để tự nguyện áp dụng IFRS nhằm huy động vốn rẻ hơn (Meek & cộng sự, 1995), và lợi nhuận của các doanh nghiệp được xác định một cách đáng tin cậy khi áp dụng IFRS (Guerreiro & cộng sự, 2008). Áp dụng IFRS sẽ cung cấp thông tin tốt về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư, từ đó có thể thu hút được nhiều vốn từ bên ngoài hơn. Pichler & cộng sự (2018) cho thấy các công ty có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS nếu khả năng sinh lời lớn hơn. Tương tự, Odia (2016) cũng chỉ ra rằng nhân tố khả năng sinh lời có ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại Nigeria. Ngoài ra, Samaha & cộng sự (2016) nhận thấy khả năng sinh lời có ảnh hưởng tích cực đến việc tuân thủ IAS/IFRS. Dựa vào cơ sở lập luận nêu trên, giả thuyết thứ ba được phát triển như sau: H3: Các công ty niêm yết quy mô lớn có khả năng sinh lời càng cao thì khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS càng lớn. Nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Investor): Các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu các doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế như một dấu hiệu cho sự minh bạch và có thể so sánh được, vì vậy, họ thường sử dụng báo cáo tài chính tuân thủ theo IFRS để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý. Áp dụng IFRS như là cách để doanh nghiệp phát đi tín hiệu tích cực về tính minh bạch, đáng tin cậy của thông tin kế toán, tài chính của mình đến các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng (Francis & cộng sự, 2008), vì vậy, các công ty tự nguyện áp dụng IFRS sẽ có khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn (Covrig & cộng sự, 2007). Do đó, nhà đầu tư quốc tế có tác động tích cực đến việc tự nguyện áp dụng IFRS (Kedzior & cộng sự, 2020). Dựa vào lập luận nêu trên, giả thuyết thứ tư được phát triển như sau: H4: Các công ty niêm yết quy mô lớn có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. Hoạt động nước ngoài (Foreign operations): Một số nghiên cứu cho thấy hoạt động nước ngoài có liên quan đáng kể đến việc tự nguyện áp dụng IAS/IFRS. El-Gazzar & cộng sự (1999) nhận thấy tính quốc tế có liên quan đáng kể đến việc tự nguyện áp dụng IAS. Các công ty có tỷ lệ 340
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 bán hàng nước ngoài cao hơn sẽ có xu hướng áp dụng IFRS (Gassen & Sellhorn, 2006), hoặc có nhiều hoạt động nước ngoài hơn (xuất khẩu) có nhiều khả năng tự nguyện chuyển đổi các chuẩn mực kế toán của họ sang IFRS (Jung & cộng sự, 2015). Các công ty tự nguyện áp dụng IFRS sẽ có doanh thu ở nước ngoài cao hơn (Tarca, 2004), được niêm yết trên nhiều thị trường chứng khoán hơn (Cuijpers & Buijinik, 2005). Ở các quốc gia mới nổi, hoạt động nước ngoài cũng có ảnh hưởng đến quyết định áp dụng IFRS của các công ty (Kolsi & Zehri, 2013). Dựa trên những lập luận này, giả thuyết thứ năm được phát triển như sau: H5: Hoạt động nước ngoài có mối liên hệ tích cực với khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS tại các công ty niêm yết quy mô lớn. Loại hình kiểm toán viên (Types of auditors): Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy việc loại hình kiểm toán viên có thể sẽ liên quan đến việc áp dụng IFRS của các doanh nghiệp. Pichler & cộng sự (2018) cho rằng các công ty được kiểm toán bởi Big-4 có nhiều khả năng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. Các kiểm toán viên thuộc Big-4 có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn về IFRS để tư vấn cho khách hàng của họ những kiến thức cần thiết trong việc áp dụng IFRS, vì vậy loại hình kiểm toán viên thuộc Big-4 có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến việc tự nguyện áp dụng IFRS tại các công ty niêm yết (Senyiit, 2014). Hallberg & Persson (2011) kết luận rằng việc quyết định tự nguyện áp dụng IFRS của các công ty có liên quan đến việc sử dụng một trong bốn công ty thuộc Big-4. Ở các quốc gia đang phát triển, các công ty có nhiều khả năng áp dụng IFRS hơn nếu họ được kiểm toán bởi Big-4 (Kolsi & Zehri, 2013). Vì vậy, giả thuyết cuối cùng được phát triển như sau: H6: Các công ty niêm yết quy mô lớn được kiểm toán bởi Big-4 có nhiều khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. 4. Thiết kế và phương pháp nghiên cứu 4.1. Chọn mẫu và thu thập dữ liệu Mẫu của nghiên cứu này được lựa chọn ngẫu nhiên tại 192 công ty quy mô lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, loại hình kinh doanh...Dữ liệu sử dụng cho nghiên cứu này là dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, bao gồm dữ liệu tài chính và phi tài chính của các công ty đã lựa chọn. Đối với dữ liệu của các biến độc lập là các biến định lượng và các biến nhị phân được thu thập trong báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2020 của các công ty niêm yết quy mô lớn từ trang công bố thông tin www.congbothongtin.ssc.gov.vn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đối với biến phụ thuộc là một biến nhị phân, dữ liệu của biến này được thu thập thông qua khảo sát đối tượng là nhà quản lý hoặc kế toán trưởng tại các công ty nêu trên để xem xét công ty của họ có sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hay không. Đây là những người nắm rất rõ về hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý tài chính hay thực trạng của công ty, vì vậy họ có vai trò quan rất quan trọng và mang tính chất quyết định đối với sự thành công trong việc chuyển đổi và tự nguyện áp dụng IFRS của công ty. Để thuận tiện cho việc khảo sát, tác giả lựa chọn phương pháp khảo sát theo hình thức phỏng vấn trực tiếp hoặc gửi bảng câu hỏi có sẵn qua bưu điện, email đến đối tượng khảo sát. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 02 đến tháng 05 năm 2021. 4.2. Phương pháp phân tích dữ liệu Nghiên cứu này sử dụng phân tích thống kê mô tả và phân tích hồi quy logistic nhị phân thông qua phần mềm SPSS 20 để kiểm tra các đặc điểm của công ty niêm yết quy mô lớn ở Việt Nam ảnh hưởng đến lựa chọn sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS. Hồi quy logistic thường được sử 341
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 dụng trong các nghiên cứu để phân tích dữ liệu từ các cuộc điều tra về việc tự nguyện áp dụng IFRS tại các công ty, đặc biệt là công ty niêm yết, công ty đại chúng chưa niêm yết. 4.3. Mô hình nghiên cứu Nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy logistic để kiểm tra mối liên hệ giữa các đặc điểm cụ thể của công ty niêm yết quy mô lớn đã chọn đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS. Mô hình này đã được áp dụng rộng rãi trong các nghiên cứu trước đây (ví dụ André & cộng sự, 2012; Yang, 2014; Pichler & cộng sự, 2018...). Vì vậy, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu dự kiến có dạng tổng quát như sau: IFRSi = β0 + β1*SIZEi + β2* LEVEi + β3*PROFi + β4*INVEi + β5*OPERi + β6*AUDIi + ε Trong đó: IFRSi là biến phụ thuộc sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS của công ty i . Các biến độc lập SIZEi, LEVEi, PROFi, INVEi, OPERi và AUDIi lần lượt là quy mô doanh nghiệp, đòn bẩy, khả năng sinh lời, nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động nước ngoài và loại hình kiểm toán viên của công ty i. Định nghĩa các biến trong nghiên cứu này được mô tả ở Bảng 1. Tham số: β0, β1, β2,….., β6; Sai số: ε. Bảng 1. Định nghĩa các biến nghiên cứu Biến Mô tả IFRS Là một biến giả có giá trị bằng 1 nếu công ty sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS và bằng 0 nếu ngược lại. SIZE Là logarit tự nhiên của tổng tài sản của công ty niêm yết quy mô lớn. LEVE Là tỷ lệ của nợ phải trả trên tổng tài sản của công ty niêm yết quy mô lớn. PROF Là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của công ty niêm yết quy mô lớn. INVE Là một biến giả có giá trị bằng 1 nếu công ty có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và bằng 0 nếu ngược lại. OPER Là một biến giả có giá trị bằng 1 nếu công ty niêm yết quy mô lớn có hoạt động nước ngoài và bằng 0 nếu ngược lại. AUDI Là một biến giả có giá trị bằng 1 nếu công ty niêm yết quy mô lớn được kiểm toán bởi Big-4 và bằng 0 nếu ngược lại. Nguồn: Tác giả tổng hợp 5. Kết quả nghiên cứu 5.1. Thống kê mô tả Bảng 2, Bảng 3 trình bày kết quả thống kê mô tả của các biến liên tục và biến nhị phân, tương ứng với nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS và nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị trung bình của quy mô doanh nghiệp (SIZE) đối với nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS (19.879.078 triệu đồng) cao hơn đáng kể so với nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (2.591.816 triệu đồng). Tương tự, giá trị trung bình của đòn bẩy (LEVE) đối với nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS (52,09%) cao hơn đáng kể so với nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (44,04%). Đối với khả năng sinh lời (PROF), giá trị trung bình của nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS (13,28%) cao hơn đáng kể so với nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (6,47%). 342
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 2. Thống kê mô tả nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS (N=79) Biến N Nhỏ nhất Lớn nhất Trung bình Độ lệch chuẩn SIZE 79 139.946 422.503.767 19.879.078 53.888.284 LEVE 79 11,04% 89,96% 52,09% 18,77% PROF 79 -15,55% 60,58% 13,28% 12,03% INVE 79 0 1 0,70 0,463 OPER 79 0 1 0,72 0,451 AUDI 79 0 1 0,61 0,491 Nguồn: Kết quả nghiên cứu Bảng 3. Thống kê mô tả nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (N=113) Biến N Nhỏ nhất Lớn nhất Trung bình Độ lệch chuẩn SIZE 113 133.789 23.785.878 2.591.816 4.282.041 LEVE 113 1,31% 95,62% 44,04% 21,74% PROF 113 -49,17% 37,29% 6,47% 10,09% INVE 113 0 1 0,42 0,495 OPER 113 0 1 0,56 0,499 AUDI 113 0 1 0,18 0,383 Nguồn: Kết quả nghiên cứu Đối với các biến định tính (biến nhị phân) như nhà đầu tư nước ngoài (INVE), hoạt động nước ngoài (OPER) và loại hình kiểm toán viên (AUDI) sử dụng phân tích thống kê mô tả là tần số và tần suất. Kết quả phân tích thống kê ở Bảng 4 cho thấy, nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (69,6%) cao hơn so với nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (41,6%). Tương tự, nhóm công ty tự nguyện áp dụng IFRS có hoạt động nước ngoài (72,2%) cao hơn so với nhóm công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (55,8%). Hơn nữa, 60,8% các công ty tự nguyện áp dụng IFRS được kiểm toán bởi một công ty thuộc Big-4, trong khi các công ty không tự nguyện áp dụng IFRS tỉ lệ này chỉ có 17,7%. Bảng 4. Tần suất của các biến nhị phân Tự nguyện áp dụng IFRS Không tự nguyện áp dụng IFRS Biến (N = 79) (N = 113) Tần số Tỷ lệ (%) Tần số Tỷ lệ (%) 0 24 30,4 66 58,4 INVE 1 55 69,6 47 41,6 0 22 27,8 50 44,2 OPER 1 57 72,2 63 55,8 0 31 39,2 93 82,3 AUDI 1 48 60,8 20 17,7 Nguồn: Kết quả nghiên cứu 343
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Nhìn chung, kết quả phân tích thống kê mô tả cho thấy các công ty niêm yết quy mô lớn ở Việt Nam lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS thường có quy mô doanh nghiệp lớn hơn, đòn bẩy cao hơn, khả năng sinh lời lớn hơn, có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và có hoạt động nước ngoài cao hơn các công ty không tự nguyện áp dụng IFRS. Bên cạnh đó, các công ty tự nguyện áp dụng IFRS thường lựa chọn công ty kiểm toán thuộc Big-4 với mục đích làm tăng chất lượng và tính minh bạch của thông tin được công bố hơn các công ty không tự nguyện áp dụng IFRS. Kết quả phân tích ma trận tương quan (Bảng 5) cho thấy, các biến độc lập có mối tương quan chặt chẽ với biến phụ thuộc (đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5% ), do đó, các biến độc lập này được đưa vào mô hình để giải thích cho biến phụ thuộc. Bảng 5. Ma trận tương quan Biến IFRS SIZE LEVE PROF INVE OPER AUDI IFRS 1 SIZE 0,448** 1 LEVE 0,190** 0,265** 1 PROF 0,295** 0,213** 0,077 1 INVE 0,276** 0,117 0,155* 0,018 1 OPER 0,167* -0,033 -0,094 0,053 0,372** 1 AUDI 0,443** 0,463** -0,006 0,211** 0,085 0,079 1 **. Mức ý nghĩa thống kê 1%. *. Mức ý nghĩa thống kê 5%.. Nguồn: Kết quả nghiên cứu Tiếp theo, nghiên cứu tiến hành kiểm tra mức độ đa cộng tuyến giữa các biến độc lập trước khi thực hiện phân tích hồi quy. Kết quả nghiên cứu ở Bảng 6 cho thấy, hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến độc lập đều nhỏ hơn 2, do đó, hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập không bị vi phạm. Bảng 6. Thống kê đa cộng tuyến Biến Giá trị SIZE LEVE PROF INVE OPER AUDI Tolerance 0,698 0,873 0,933 0,817 0,828 0,748 VIF 1,433 1,146 1,072 1,224 1,208 1,337 Nguồn: Kết quả nghiên cứu 5.2. Kết quả hồi quy logistic Bảng 7 trình bày kết quả phân loại các đối tượng quan sát cho thấy, trường hợp quan sát tự nguyện áp dụng IFRS, tỷ lệ dự đoán đúng là 65,8%; đối với trường hợp quan sát không tự nguyện áp dụng IFRS, tỷ lệ dự đoán đúng là 84,1%. Như vậy, tỷ lệ dự đoán đúng của toàn bộ mô hình là 76,6%. 344
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 7. Bảng phân loại đối tượng quan sát Dự đoán Quan sát thực tế IFRS Tỉ lệ dự đoán đúng 0 1 (%) 0 95 18 84,1 IFRS Step 1 1 27 52 65,8 Phần trăm tổng thể 76,6 Nguồn: Kết quả nghiên cứu Để đánh giá sự phù hợp của mô hình hồi quy, tác giả tiến hành kiểm định Chi-square về độ phù hợp của mô hình. Kết quả ở Bảng 8 cho thấy, kiểm định Chi-square có Sig. = 0,000
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Đối với trường hợp biến INVE, kết quả phân tích hồi quy logistic cũng cho thấy hệ số hồi quy dương (B = 1,160) ở mức ý nghĩa 1%, do đó, nhà đầu tư nước ngoài có tác động đáng kể khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS của các công ty. Phát hiện này ủng hộ giả thuyết H4, đồng thời phù hợp với phân tích thống kê mô tả (Bảng 4), và phù hợp với các nghiên cứu của Francis & cộng sự (2008), Kedzior & cộng sự (2020). Tiếp theo, biến AUDI có hệ số hồi quy dương (B = 1,432) và ý nghĩa thống kê ở mức 1%, như vậy giả thuyết H6 được ủng hộ. Điều này cho thấy các công ty niêm yết quy mô lớn được kiểm toán bởi Big-4 sẽ có nhiều khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. Phát hiện này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước (ví dụ André & cộng sự, 2012; Senyiit, 2014; Pichler & cộng sự, 2018). Đồng thời, phát hiện này cũng phù hợp với kết quả phân tích thống kê mô tả (Bảng 4), các công ty tự nguyện áp dụng IFRS lựa chọn kiểm toán Big-4 (tỉ lệ 60,8%) cao hơn so với công ty không tự nguyện áp dụng IFRS (tỉ lệ 17,7%). Tuy nhiên, biến LEVE được tìm thấy không có ý nghĩa về mặt thống kê (Sig. = 0,200 > 0,05), do đó, giả thuyết H2 không được chấp nhận. Tương tự, biến OPER cũng không có ý nghĩa thống kê (Sig. = 0,203 > 0,05), vì vậy giả thuyết H5 không được chấp nhận. Điều này cho thấy đòn bẩy và hoạt động nước ngoài không ảnh hưởng đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS của các công ty. Như vậy, kết quả phân tích hồi quy logistic ủng hộ các giả thuyết nghiên cứu H1, H3, H4 và H6, điều này xác nhận rằng các công ty niêm yết quy mô lớn ở Việt Nam có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn hơn, khả năng sinh lời cao hơn và được kiểm toán bởi một công ty thuộc Big-4 có nhiều khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. Trong khi các giả thuyết nghiên cứu H2, H5 không được chấp nhận, điều này cho thấy đòn bẩy, hoạt động nước ngoài được phát hiện không có ảnh hưởng đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS. 6. Kết luận Mục đích của nghiên cứu này tập trung phân tích một số đặc điểm cụ thể của công ty ảnh hưởng đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS tại các công ty niêm yết quy mô lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sử dụng phân tích thống kê mô tả và kiểm định hồi quy logistic nhị phân để phân tích dữ liệu thu thập trong báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2020 và kết quả khảo sát các nhà quản lý, kế toán trưởng tại 192 công ty niêm yết quy mô lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số đặc điểm chính quyết định đến việc lựa chọn sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS, chẳng hạn như quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời, nhà đầu tư nước ngoài và loại hình kiểm toán viên. Các công ty niêm yết quy mô lớn được kiểm toán bởi Big-4, có quy mô lớn hơn, khả năng sinh lời cao hơn và có sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn. Các đặc điểm khác như đòn bẩy, hoạt động nước ngoài được phát hiện không có ảnh hưởng đến việc sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS. Những phát hiện của nghiên cứu này có thể được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý liên quan trong hoạt động hỗ trợ áp dụng IFRS đặc biệt quan tâm, bởi hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai áp dụng IFRS. Nghiên cứu này cung cấp một số bằng chứng thực nghiệm nhằm giúp các cơ quan quản lý trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS. Mặt khác, phát hiện của nghiên cứu có thể liên quan trực tiếp đến các cơ quan quản lý kế toán ở Việt Nam, vì thông qua kết quả nghiên cứu họ có thể nhận diện được các yếu tố quyết định đến việc tự nguyện áp dụng IFRS, từ đó, giúp họ ban han hành các chính sách hỗ trợ và giải thích kịp thời các vấn đề liên quan đến việc áp dụng IFRS cho các công ty. Ngoài ra, phát hiện này có thể là một nguồn tài liệu tham khảo hữu 346
  11. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 ích giúp các công ty hiểu biết rõ ràng hơn về vai trò của từng đặc điểm ảnh hưởng đến lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS, từ đó, các công ty có thể đưa ra các chính sách phù hợp nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển sang áp dụng IFRS. Cuối cùng, nghiên cứu này có thể là nguồn tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu liên quan đến tự nguyện áp dụng IFRS cũng như mối liên hệ giữa các đặc điểm của công ty với việc lựa chọn áp dụng chuẩn mực này. Mặc dù nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết rõ ràng về đặc điểm cụ thể của công ty quyết định đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và các nghiên cứu tiếp theo cần xem xét, mở rộng để khắc phục. Đầu tiên, dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ các công ty niêm yết có ngành nghề kinh doanh, cơ cấu sở hữu…khác nhau nên không thấy được tính đại diện cho từng loại hình công ty. Thứ hai, dữ liệu của biến phụ thuộc sử dụng trong nghiên cứu được thu thập thông qua khảo sát các nhà quản lý tại 192 công ty niêm yết để xem xét công ty của họ có sẵn sàng tự nguyện áp dụng IFRS hay không, vì vậy chưa mang tính đại diện cho các công ty niêm yết khác. Thứ ba, trên thực tế vẫn còn một số các đặc điểm khác của công ty có thể ảnh hưởng đến quyết định tự nguyện áp dụng IFRS như đặc điểm ngành, cơ cấu sở hữu, năng lực của nhân viên kế toán, tăng trưởng…chưa được xem xét trong nghiên cứu này. Cuối cùng, kích thước mẫu của nghiên cứu này còn nhỏ nên chưa mang tính khái quát cao, điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của nghiên cứu. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] André, P., Walton, P. J., & Yang, D. (2012). Voluntary adoption of IFRS: A study of determinants for UK unlisted firms. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=1978986 [2] Bộ Tài chính (2020). Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16 tháng 03 năm 2020 phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. [3] Covrig, V. M., DeFond, M. L. & Hung, M. (2007). Home bias, foreign mutual fund holdings, and the voluntary adoption of international accounting standards. Journal of Accounting Research, 45(1), 41–70. [4] Cuijpers, R., & Buijink, W. (2005). Voluntary adoption of Non-Local GAAP in the European Union: A study of determinants and consequences. European Accounting Review, 14, 487–524. [5] Di Fabio, C. (2018). Voluntary application of IFRS by unlisted companies: evidence from the Italian context. International Journal of Disclosure and Governance, 15(2), 73–86. [6] Dumontier, P. & Raffournier, B. (1998). Why firms comply voluntarily with IAS: an empirical analysis with Swiss data. Journal of International Financial Management and Accounting, 9(3), 216-245. [7] El-Gazzar, S. M., Finn, P. M., & Jacob, R. (1999). An empirical investigation of multinational firm’s compliance with International Accounting Standards. The International Journal of Accounting, 34(2), 239-248. [8] Francis, J. R., Khurana, I. K., Martin, X., & Pereira, R. (2008). The role of firm-specific incentives and country factors in explaining voluntary IAS adoptions: Evidence from private firms. European Accounting Review, 17, 331–360. [9] Gassen, J. & Sellhorn, T. (2006). Applying IFRS in Germany: Determinants and consequences. In Working paper, Humboldt University of Berlin, WHU Otto Beisheim School of Management. 347
  12. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [10] Gu, J. (2020). Voluntary IFRS adoption and accounting quality: Evidence from Japan. Economic Research-Ekonomska Istraživanja, 34(1), 1985–2012. [11] Guerreiro, M. S., Rodrigues, L. L., & Craig, R. (2008). The preparedness of companies to adopt International Financial Reporting Standards: Portuguese evidence. Accounting Forum, 32(1), 75–88. [12] Hallberg, A., & Persson, S. (2011). Voluntary application of IFRS: a study of factors and explanations on the Swedish unregulated capital markets. Unpublished Master thesis, Kristianstad University. [13] Iatridis, G., & Rouvolis, S. (2010). The post-adoption effects of the implementation of International Financial Reporting Standards in Greece. Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 19(1), 55–65. [14] Jung, W. O., Park, S. O., & Chung, H. (2015). Debt Financing and Voluntary Adoption of the International Financial Reporting Standards: Evidence from Korean Unlisted Firms. Emerging Markets Finance and Trade, 52(1), 39–51. [15] Kędzior, M., Cyganska,M., & Syrrakos, D. (2020). Determinants of Voluntary International Financial Reporting Standards Adoption in Poland. Economics of engineering decisions, 31(2), 155–168. [16] Kolsi, M., & Zehri, F. (2013). The determinants of IAS/IFRS adoption by emergent countries. Working paper, Emirates College of Technology, Abu Dhabi. [17] Lê Trần Hạnh Phương (2019). Các nhân tố tác động đến áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) tại Việt Nam – Nghiên cứu ở phạm vi quốc gia và doanh nghiệp. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. [18] Matonti, G., & Iuliano, G. (2012). Voluntary adoption of IFRS by Italian Private Firms: A study of determinants. Eurasian Business Review, 2(2), 43–70. [19] Meek, G., Roberts, C., & Gray, S. (1995). Factors influencing voluntary annual report disclosures by US, UK, and continental European multinational corporations. Journal of International Business Studies, 26(3), 555-572. [20] Mısırlıoğlu, İ. U., Tucker, J., & Yükseltürk, O. (2013). Does mandatory adoption of IFRS guarantee compliance?. The International Journal of Accounting, 48(3), 327–363. [21] Odia, J. O. (2016). The determinants and Financial Statement effects of IFRS adoption in Nigeria. Economics and political implications of International Financial Reporting Standards, 319-341. [22] Pichler, S., Cordazzo, M., & Rossi, P. (2018). An analysis of the firms-specific determinants influencing the voluntary IFRS adoption: evidence from Italian private firms. International Journal of Accounting, Auditing and Performance Evaluation, 14(1), 85-104. [23] Samaha, K., Khlif, H., & Dahawy, K. (2016). Compliance with IAS/IFRS and its determinants: A meta-analysis. Journal of Accounting, Business and Management (JABM), 23(1), 41–63. [24] Senyiit, Y. B. (2014). Determinants of voluntary IFRS adoption in an emerging market: Evidence from Turkey. Accounting and Management Information Systems, 13(3), 449-465. [25] Soderstrom, N. S., & Sun, K. J. (2007). IFRS adoption and accounting quality: A review. European Accounting Review, 16(4), 675-702. [26] Tarca, A. (2012). The Case for Global Accounting Standards: Arguments and Evidence. SSRN Electronic Journal. Doi:10.2139/ssrn.2204889. 348
  13. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [27] Tran, T. C. T., Ha, X. T., Le, T. H. P., & Nguyen, N. T. (2019). Factors affecting IFRS adoption in listed companies: Evidence from Vietnam. Management Science Letters, 2169– 2180. [28] Yang, D. (2014). Exploring the determinants of voluntary adoption of IFRS by unlisted firms: A comparative study between the UK and Germany. China Journal of Accounting Studies, 2(2), 118-136. [29] Zehri, F., & Chouaibi, J. (2013). Adoption determinants of the International Accounting Standards IAS/IFRS by the developing countries. Journal of Economics Finance and Administrative Science, 18(35), 56-62. 349
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2