3
PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lí do chọn đề tài.
Môn Giáo dục địa phương đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng lòng
yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Thông qua việc tìm hiểu về lịch sử, văn
hóa, kinh tế, xã hội của địa phương mình, học sinh sẽ có thêm kiến thức và tình
cảm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên. Điều này góp phần quan trọng vào
việc hình thành nhân cách và bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ, đồng thời đáp ứng
yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới về phát triển năng lực và phẩm
chất toàn diện cho học sinh.
Thực tế cho thấy, việc dạy và học môn Giáo dục địa phương hiện nay còn
tồn tại nhiều hạn chế. Phương pháp dạy học truyền thống vẫn còn phổ biến, khiến
học sinh thụ động, ít có cơ hội phát huy tính sáng tạo và năng lực tự học. Nội dung
môn học đôi khi còn mang tính lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và chưa gắn liền với
đời sống địa phương. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương
pháp dạy học hiện đại vào môn học này còn chưa được quan tâm đúng mức.
Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và phương pháp dạy học dự án là
hai yếu tố có tiềm năng to lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo
dục địa phương lớp 12. AI có thể hỗ trợ giáo viên trong việc thiết kế bài giảng, tạo
ra các hoạt động học tập tương tác, cá nhân hóa quá trình học tập cho học sinh.
Phương pháp dạy học dự án giúp học sinh chủ động tham gia vào các hoạt động
tìm hiểu, khám phá, giải quyết vấn đề, từ đó phát triển năng lực tự học, tự nghiên
cứu, làm việc nhóm và tư duy sáng tạo.
Xuất phát từ những lý do trên, tôi nhận thấy tính cấp thiết của việc nghiên
cứu và triển khai đề tài "Ứng dụng AI và phương pháp dạy học dự án trong dạy
học nội dung giáo dục địa phương Nghệ An lớp 12 góp phần phát triển phẩm
chất, năng lực cho học sinh". Việc vận dụng dạy học dự án và AI trong dạy học
các chủ đề địa phương lớp 12 không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách
hiệu quả hơn mà còn góp phần phát triển các năng lực và phẩm chất quan trọng
như: năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực tư duy
sáng tạo, lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo tồn
văn hóa địa phương. Điều này đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ
thông mới về phát triển toàn diện cho học sinh.
Đây là lĩnh vực nghiên cứu mới mà các đề tài khoa học khác trước đây chưa
thực hiện, với tâm nguyện xây dựng các giải pháp tổ chức hoạt động dạy học, đa
dạng hóa các hình thức dạy học môn giáo dục địa phương lớp 12, góp phần hình
thành các năng lực cho học sinh THPT, đó là yếu tố quan trọng để giúp cho giáo
viên thực hiện có hiệu quả môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.