intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sau Thiên Tai, Bão Lụt, Động Đất

Chia sẻ: Than Kha Tu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

256
lượt xem
27
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Con người thường hay “lạc quan tếu” khi nghĩ rằng trái đất thuộc quyền sở hữu của mình. Thực ra, họ chỉ ăn nhờ ở đậu trên đó mà thôi, vì trái đất là của Thiên Nhiên, Tạo Hóa. Tại mỗi nơi loài người sống thì thiên tai đều có thể xảy ra. Đây là những hoàn cảnh khẩn cấp gây ra do biến cố của môi trường hoặc thời tiết khắc nghiệt.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sau Thiên Tai, Bão Lụt, Động Đất

  1. Sau Thiên Tai, Bão Lụt, Động Đất Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức (Câu Chuyện Thầy Lang) Con người thường hay “lạc quan tếu” khi nghĩ rằng trái đất thuộc quyền sở hữu của mình. Thực ra, họ chỉ ăn nhờ ở đậu trên đó mà thôi, vì trái đất là của Thiên Nhiên, Tạo Hóa. Tại mỗi nơi loài người sống thì thiên tai đều có thể xảy ra. Đây là những hoàn cảnh khẩn cấp gây ra do biến cố của môi trường hoặc thời tiết khắc nghiệt. Thiên tai có thể là động đất, cháy rừng, núi lửa, bão lụt, sóng thần, hạn hán, cơn giông, sấm sét mà các khoa học gia cho đó là những sinh hoạt tự nhiên của trái đất. Và những biến cố này cũng chứng tỏ cho con người thấy rằng, Mẹ Thiên Nhiên luôn luôn có nhiều quyền lực. Khi quyền lực này ra tay thì con người trở nên yếu đuối, chịu trận, nếu không biết cách phòng tránh, tự vệ. Hậu quả của thiên tai là các đe dọa trầm trọng cho sức khỏe cơ thể, cho sự hài hòa xã hội và cho nền kinh tế tại địa phương. Sẽ có cả ngàn tử vong, thương tích, nhiều loại bệnh truyền nhiễm xảy ra. Thực phẩm nước uống trở thành hư hỏng, nguy hại. Nạn nhân không nơi trú mưa tránh nắng và rất nhiều người rơi vào tâm trạng bất an, trầm cảm. Tử vong trực tiếp do thiên tai đột ngột đa số là vì chấn thương thể chất, chết đuối, sức ép. Ấy là chưa kể thiệt hại về mùa màng, gia súc, chim muông, cầm thú. Mỗi thiên tai đều để lại những vết sẹo lâu ngày mới xóa nhòa, hồi phục. Điều đáng ghi nhớ là tại các quốc gia đang phát triển, sự thiệt hại do thiên tai nhiều gấp bội vì thiếu các cơ sở hạ tầng, nguồn hỗ trợ, cứu giúp cũng như phương thức dự đoán, phòng tránh thiên tai. Năm 1500 BC, một cơn sóng thần đã hoàn toàn xóa bỏ nền văn minh Minoa của Hy Lạp cổ xưa. Năm 1138, động đất ở Syria đưa tới 230,000 tử vong. Từ năm 1330-1351, dịch Tử Thần Đen (Black Death) với vi khuẩn Yersinia Pestis đã lấy đi mạng sống của 75 triệu người trên thế giới, trong đó có gần 30 triệu từ Âu châu, vì bệnh dịch hạch. Lũ lụt Hoàng Hà năm 1931 khiến cho từ trên dưới 3,7 triệu tử vong vì chết đuối, bệnh tật, đói khát và hạn hán. Sóng thần Nam Dương năm 2004 giết hại 225,000 người. Hurricane Katrina tại New Orleans năm 2005 tuy gây thiệt hại nhân mạng nhẹ (1,800 người) nhưng thiệt hại vật chất quá lớn, cho tới thời điểm này vẫn chưa hồi phục. Mới đây, ngày 2 tháng 5, 2008, bão lụt tại Myanmar đưa tới 78,000 tử vong, 57,000 mất tích, số người bị thương chưa biết rõ và cả 2 triệu người cần giúp đỡ. Liền sau đó là động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 12 tháng 5, 2008. Theo thông tin chính thức từ chính quyền Trung Quốc, cho tới ngày 2 tháng 6-2008 có trên 69,000 tử vong, khoảng 400,000 thương tích, gần 20,000 người mất tích và trên 15 triệu cư dân không nơi cư trú, phải di tản. Với quyết định 44/236, ngày 22 tháng 12 năm 1989, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chỉ định ngày thứ Tư của tuần lễ thứ hai mỗi tháng 10 là ngày Quốc Tế Giảm Thiểu Thiên tai trong thời gian 10 năm, 1990-1999. Tới ngày 21 tháng 12 năm 2001, với quyết định số 56/165, Đại Hội Đồng quyết định duy trì ngày này là ngày toàn cầu ý thức thiên tai bao gồm phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thiên tai. Khi mọi người có hiểu biết về thời gian thiên tai có thể xảy ra, biết phải làm gì trước và sau thiên tai thì thiệt hại về nhân mạng và tài sản sẽ bớt xuống rất nhiều. Bài viết giới hạn ở lãnh vực bệnh tật xảy ra sau thiên tai, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
  2. Bệnh truyền nhiễm sau thiên tai Có nhiều loại bệnh có thể xuất hiện sau thiên tai. Nạn nhân bị thương tích và dễ dàng nhiễm trùng. Nạn nhân không chạy thoát khỏi hiện trường vì bệnh hoạn có nhiều nguy cơ bệnh nhiễm hơn. Khi tập trung ở nơi tạm trú chen chúc, thiếu vệ sinh, bệnh nhiễm cũng dễ dàng xảy ra. 1- Bệnh truyền nhiễm do nguồn nước uống bị pha lẫn các vi sinh vật gây bệnh như tiêu chẩy, dịch tả, kiết lỵ, viêm gan A, bệnh leptospirosis. Thường thường, sau một thiên tai, hệ thống cung cấp nước sạch đều bị phá hủy. Việc cung cấp nước an toàn cần thời gian để thực hiện. Nạn nhân đành phải dùng bất cứ loại nước nào sẵn có, mà nước này đa số đều bị ô nhiễm với đủ loại vi khuẩn đến từ xú uế cống rãnh, phế thải công kỹ nghệ. Các vi khuẩn Vibrio Cholerae, E Coli là tác nhân chính của bệnh dịch tả và tiêu chảy. Chúng đến từ phân của người và súc vật tràn đầy trong nước lũ lụt. Viêm gan A và E lan truyền do đường phân-miệng vì thiếu nguồn nước an toàn và kém vệ sinh cá nhân. Viêm gan A hầu như xảy ra thường xuyên (endemic) tại đa số các quốc gia đang phát triển và rất nhiều trẻ em đều đã mắc bệnh và trở nên miễn nhiễm với bệnh. Do đó, ở các nơi này số người bị bệnh rất ít. Ở các địa phương có dịch viêm gan E, bệnh xảy ra sau mưa, lụt. Bệnh không trầm trọng, tự hết nhưng với phụ nữ có thai thì tử vong có thể lên tới 25%. Leptospirosis là bệnh về da, niêm mạc miệng gây ra do tiếp xúc trực tiếp với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn leptospires. Xuất xứ của các vi khuẩn này là từ nước tiểu động vật gậm nhấm như chuột, sóc. Lũ lụt tạo cơ hội thuận tiện cho vi khuẩn lan rộng. Bệnh bắt đầu với cơn sốt và có thể ảnh hưởng tới gan, màng não, thận. Ngoài ra, khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, một số bệnh khác cũng thường xảy ra như vết thương làm độc trên da, viêm da, bệnh tai mũi họng, bệnh viêm mắt. 2- Bệnh do côn trùng chuyển-tải (vector-borne diseases) Côn trùng chuyển-tải thường thấy nhất là muỗi. Sau biến cố thời tiết như giông tố, bão lụt, vùng nước ngưng đọng là môi trường thích hợp cho côn trùng sinh sản và tăng rủi ro lây truyền bệnh. Ban đầu, bão lụt đẩy vi sinh vật đi xa nhưng sau đó, nước ổn định, nằm lại, chứa nhiều vi khuẩn. Tại đây, nạn nhân thiên tai cũng như nhân sự cấp cứu dễ dàng mắc các bệnh Sốt rét định kỳ (malaria), sốt đập lưng (dengue), viêm màng não, Sốt West Nile. Rủi ro mắc bịnh gia tăng nếu dân chúng sống chen chúc chật hẹp và ăn ngủ ngoài trời, muỗi đốt. Sốt rét do các ký sinh trùng nhóm Plasmodium xâm nhập hồng huyết cầu. Bệnh do muỗi anopheles truyền sang người và thường thấy ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bệnh sốt đập lưng là bệnh virus truyền sang người do muỗi Aedes aegypti với các triệu chứng như sốt, đau nhức xương khớp, đau đầu, chẩy nước mắt. Bệnh ít gây chết người nhưng bệnh nhân suy nhược rất nhiều và cần thời gian lâu để phục sức. 3- Bệnh gây ra do quá đông dân chúng Vì nhà ở bị thiên tai phá hủy, dân chúng phải ăn ngủ trong các nơi tạm trú chen chúc đông người. Thêm vào đó là các tiện nghi căn bản nhà tắm cầu tiêu, bếp núc đều hết sức giới hạn, kém vệ sinh. Theo sự quan sát của các nhà chuyên môn John T. Wastsonm, Maire A. Connolly của Cơ Quan Y tế Thế Giới (WHO), đây là những hoàn cảnh thuận lợi cho sự lây lan một số bệnh truyền nhiễm như bệnh đường hô hấp, bệnh ban sởi, bệnh viêm màng não.
  3. Thiếu dinh dưỡng là chuyện thường xảy ra trong thời gian đầu sau thiên tai, đặc biệt đối với dân chúng tại các địa phương có sự xung đột, bất ổn. Theo các nhà quan sát, sau bão lụt Nargis ở Myanmar, có cả nhiều chục ngàn người đang phải đối mặt với đói khát vì không có thực phẩm nước uống, nhất là mùa mưa sắp diễn ra trong những ngày sắp tới. Thiếu dinh dưỡng đưa tới suy nhược cơ thể và nạn nhân dễ dàng mắc bệnh truyền nhiễm. 4- Các rủi ro vì nước lụt như chết đuối, giảm thân nhiệt nhất là đối với trẻ em chìm mình trong nước quá lâu, tăng viêm phổi vì tiếp xúc với nước lụt ô nhiễm và nước mưa giá lạnh cũng là những điều cần được lưu ý. 5- Bệnh do gián đoạn các dịch vụ thông thường như cung cấp điện nước. Nước uống dễ dàng bị nhiễm vì hòa lẫn chất dơ, vi khuẩn đưa tới bệnh tiêu hóa. Không có điện khiến cho việc cất giữ thực phẩm, vaccin gặp trở ngại. Thực phẩm hư thối gây ra bệnh nhiễm như tiêu chẩy. Thiếu điện cũng khiến cho không khí tù hãm, tăng lây lan bệnh nhiễm trùng tại khu tạm trú đông đúc người tị nạn. 6- Ảnh hưởng tinh thần sau thiên tai Sau mỗi thiên tai, nạn nhân sống sót ở trong tâm trạng rất căng thẳng, sợ hãi, lo âu. Họ sẽ có một số phản ứng như: -Băn khoăn, không hiểu nổi tại sao lại có chuyện bất hạnh này; -Lo sợ cho tương lai không biết sẽ như thế nào; -Bối rối, mất định hướng, không tập trung, quyết định được việc gì; -Có những cơn ác mộng, nhớ lại thảm cảnh đã qua; -Thay đổi tính tình, dễ tức giận, buồn rầu; -Cảm thấy trở nên bất lực, tuyệt vọng; -Người mệt mỏi suy nhược -Nhức đầu, đau mình, đau bụng -Rối loạn giấc ngủ, -Ăn uống bất thường, mất khẩu vị. Giải quyết các khó khăn tâm lý này là vấn đề lâu dài, đặc biệt là đối với nạn nhân ít tuổi, tương lai còn dài. Các biện pháp phòng tránh Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, những biện pháp như sau cần được áp dụng: 1-Trong vòng 48 giờ sau thiên tai cần có một toán đặc nhiệm tới tận nơi để ước lượng tình hình thiệt hại, rủi ro y tế có thể xảy ra. 2-Thiết lập một hệ thống báo động, khám phá dịch bệnh. 3-Cung cấp nguồn nước sạch cho nạn nhân càng sớm càng tốt vì nước là một nhu cầu cấp bách. Nước có thể được khử trùng bằng hóa chất chlorine, ít tốn kém lại nhiều hiệu lực. 4-Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu được cung cấp sớm, chăm sóc sức khỏe ban đầu giúp khám phá ra bệnh rồi điều trị ngay như vậy sẽ tránh được bệnh bộc phát, lây lan. Các bệnh dịch tả, tiêu chẩy, nhiễm hô hấp, sốt rét có thể trở thành dịch nếu không bị dập tắt ngay từ đầu. 5-Hướng dẫn nạn nhân về giữ gìn vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, sớm đi khám bệnh nếu thấy có dấu hiệu bệnh, dùng thuốc đuổi muỗi. 6-Theo dõi, phát hiện dịch bệnh để tránh lây lan. 7-Chủng ngừa một số bệnh như bệnh sởi. 8-Loại bỏ điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của sinh vật chuyển-tải bệnh như muỗi tại các vùng nước ứ đọng; phát thuốc đuổi muỗi, phát mùng tẩm thuốc. Nhân viên cứu trợ cũng cần lưu ý ở mấy điểm căn bản để tự bảo vệ:
  4. -Coi xem chủng ngừa phong đòn gánh (tetanus) có còn hiệu lực không. Thường thường vaccin có hiệu lực bảo vệ khoảng 10 năm. -Không dùng nước tại nơi có thiên tai cho tới khi nhà chức trách tuyên bố nước an toàn. -Dự trữ một số nước sạch để tắm rửa, nấu nướng. -Lưu ý và đề phòng nước bị nhiễm hóa chất thải từ các cơ sở nông, công kỹ nghệ. -Cẩn thận khi dùng dụng cụ điện hoặc hóa chất. -Vứt bỏ thực phẩm, nước uống nghi bị nhiễm trùng, hư hao. -Khám bác sĩ ngay nếu bị côn trùng, súc vật cắn đốt. Kết luận Các nhà chuyên môn đều có cùng ý kiến là thi thể nạn nhân chết trực tiếp vì thiên tai không là rủi ro đưa tới các bệnh truyền nhiễm. Trái lại, bệnh gây ra do sự thiên cư, lánh nạn của dân chúng vào các không gian chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế, thiếu thực phẩm, nước uống an toàn. Chính các hoàn cảnh này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm xảy ra và đôi khi trở nên nguy hiểm chẳng thua gì chính thiên tai. Tuy nhiên tử thi có thể trở nên rủi ro lây lan trong một số trường hợp như thiệt mạng vì các bệnh dịch hạch, dịch tả, thương hàn, lao, nhưng bệnh không tồn tại lâu trong cơ thể sau khi chết. Trong các trường hợp này, phân của nạn nhân chứa vi khuẩn dịch tả sẽ nhiễm vào nguồn nước và gây ra lây lan bệnh đường tiêu hóa. Thiên tai có thể góp phần lây lan các bệnh vừa kể, với điều kiện là tác nhân gây bệnh đã có sẵn tại môi trường. Sự thực này là để nhắc nhở mọi người không nên vội vàng “hỏa thiêu, mồ chôn tập thể” tử thi nạn nhân, vì hoang sợ gây bệnh. Thân xác tuy đã vô tri bất động, nhưng vẫn cần được thân nhân nhận diện khâm liệm, chôn cất. “Nghĩa tử là nghĩa tận” mà. Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức Texas-Hoa Kỳ
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2