intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Số phận con người trong tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung bàn về số phận con người trong tiểu thuyết Quyên, được nhận diện thông qua trạng thái tâm lý cô đơn, lạc lõng và luôn mang thân phận của những người tha hương. Trên cơ sở đó, bài viết đi đến nhận định sự đóng góp của tiểu thuyết Quyên về phương diện nội dung trong việc phản ánh đời sống, số phận người Việt ở hải ngoại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Số phận con người trong tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ

  1. SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT QUYÊN CỦA NGUYỄN VĂN THỌ Nguyễn Thị Kim Tiến 1 ;Từ Văn Việt 2 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một. 2. Lớp CH21VH01, Trường Đại học Thủ Dầu Một. TÓM TẮT Quyên, một tác phẩm được xem như là sự trình làng đầu tiên của Nguyễn Văn Thọ ở thể loại tiểu thuyết. Quyên được đánh giá là khúc tráng ca cuộc đời của những con người sống nơi đất khách quê người và là một tác phẩm góp mặt vào dòng văn học Việt Nam ở nước ngoài viết về đề tài di dân. Sử dụng phương pháp loại hình, kết hợp cùng lý thuyết diễn ngôn kèm thao tác so sánh và phân tích, bài viết tập trung bàn về số phận con người trong tiểu thuyết Quyên, được nhận diện thông qua trạng thái tâm lý cô đơn, lạc lõng và luôn mang thân phận của những người tha hương. Trên cơ sở đó, bài viết đi đến nhận định sự đóng góp của tiểu thuyết Quyên về phương diện nội dung trong việc phản ánh đời sống, số phận người Việt ở hải ngoại. Từ khoá: con người cô đơn, con người tha hương, Nguyễn Văn Thọ, Quyên. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Văn học hải ngoại hay văn học di dân là một bộ phận của văn học Việt Nam. Tuy vậy, phải đến thời điểm của văn học Việt Nam đương đại (từ sau năm 2000, chúng tôi nhấn mạnh), văn học Việt Nam ở hải ngoại mới thực sự được nhắc đến một cách cởi mở và dân chủ, “trịnh trọng” khẳng định chỗ đứng của nó, hợp lưu vào dòng chảy với văn học trong nước, thể hiện sâu sắc cảm quan của lối viết hiện đại. Đóng góp đó chính là sức viết, sức sáng tạo không ngừng của những nhà văn, là người Việt, đang sinh sống ở nước ngoài. Điểm gặp gỡ chung ở những nhà văn này chính là đều hướng/ viết về những người gốc Việt, lựa chọn di dân, sinh sống ở nước ngoài. Một Lê Minh Hà (Gió từ thời khuất mặt) chậm rãi, từ tốn nhưng có chiều sâu, khắc khoải đi tìm thân phận, tâm thế của những người gốc Việt trong sự đối chọi với văn hoá, bản sắc, môi trường nơi họ đang sống với ký ức “cây đa nhà bò” gắn liền tuổi thơ, nơi họ được sinh ra. Một Thuận gây chú ý đáng kinh ngạc với Made in Việt Nam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích…, những vấn đề về thân phận lưu vong xuất hiện liên tục trong tiểu thuyết của chị nhưng lại luôn là các câu chuyện đa sắc màu ở diện mạo, cuộc sống, tâm tư, trải nghiệm của những người xa xứ. Và một Nguyễn Văn Thọ đầy thương cảm và nhân văn, viết Quyên để trải lòng, đã lột tả một cách da diết và khốn cùng nhất chân dung hành trành số phận, cuộc đời của những người Việt sống nơi đất khách quê người. Quyên là cuốn tiểu thuyết hay của Nguyễn Văn Thọ, nhà văn hải ngoại đang sống và làm việc tại cộng hòa Đức. Xoay quanh cuốn tiểu thuyết là một khúc bi ca về những phận người. Với lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, đầy ắp chi tiết đời sống và hơi thở đắng cay, lãng 389
  2. mạn của hiện thực, Quyên của Nguyễn Văn Thọ thực sự đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về tiểu thuyết hậu hiện đại. Kết cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ rất đặc biệt. Có thể nói đây là một trong những biểu hiện thành công của nền văn học Việt Nam đương đại về phương diện nghệ thuật, mảng đề tài người Việt hải ngoại. Tác phẩm được đánh giá là câu chuyện kể da diết, xót xa, đầy tính nhân bản về những con người đã phải trải qua, vật lộn với cuộc sống trên đất khách quê người bằng một giọng văn thấm thía, giàu những trải nghiệm đặc sắc nhưng lại cũng rất đời, rất thực. Với tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ, chúng tôi nhận thấy nổi bật trong đó là số phận của những người Việt, đã chọn con đường làm người lữ thứ. Trên hành trình sống nơi đất khách quê người, họ luôn phải đối diện với trạng thái tâm lý của con người cô đơn, lạc lõng và một thân phận của những người tha hương, trải dài xuyên suốt trong các chương truyện. Do đó, bài viết không quá chú trọng và những điểm nghệ thuật, hay thi pháp truyện kể hoặc những điểm nhấn về nghệ thuật trần thuật…, thay vào đó, chúng tôi đề cập đến thân phận con người cô đơn và tha hương được nói đến trong Quyên như một bản bi ca về cuộc sống người Việt ở hải ngoại. Từ đó đi đến khẳng định điểm nhấn đặc trưng về nội dung không chỉ ở tiểu thuyết Quyên mà đó còn là sức hấp dẫn riêng có của Nguyễn Văn Thọ khi chọn câu chuyện viết về người Việt xa xứ, xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân và cũng như là một món nợ cần phải trả đối với người cầm bút như ông. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp loại hình, nhìn tác phẩm với tư cách đặc trưng của thể loại tiểu thuyết viết về người Việt ở hải ngoại, đồng thời, phương pháp này cho phép chúng tôi nhận diện tính chất, thể hiện những trạng thái, tâm thế của con người cô đơn và tha hương trong tiểu thuyết Quyên là như thế nào. Bên cạnh đó, việc tiếp cận lý thuyết diễn ngôn đi kèm thao tác so sánh, phân tích ở một mức độ nhất định để làm rõ được khía cạnh phản ánh nội dung của tác phẩm mang lại những tiếng nói của người viết về thân phận người Việt sống ở hải ngoại. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Rơi vào trạng thái tâm lý cô đơn, lạc lõng Có thể nói, con người cô đơn là sản phẩm của xã hội hiện đại. Ngay từ sau năm 1975 đất nước được hòa bình thống nhất, văn học không còn khám phá con người ở phương diện mang tính cộng đồng, thay vào đó là sự lên ngôi của cái tôi cá nhân, các nhà văn lúc này chuyển ngòi bút quan tâm từng số phận con người. Đặc biệt hơn, trạng thái cô đơn trong gia đình là bi kịch đắng cay nhất của mỗi con người. Bởi lẽ, gia đình là mái ấm là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc. Thế nhưng, chính cuộc sống tấp nập vội vã của cuộc sống hiện đại, con người dường như vô tình để quên gia đình, thậm chí họ từ bỏ gia đình vốn có để đi tìm một hướng đi mới vì cuộc sống mưu sinh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho con người rơi vào cảm thức cô đơn lạc lõng. Trong khi đó, những người khi quyết định phải lựa chọn rời bỏ quê hương xứ xở của mình để tìm đến một vùng đất hứa, như những giấc mơ về thiên đường sống hạnh phúc trên đất người, lại thấy mình đang phải đối chọi với sự khác biệt về văn hoá, tư duy, lối sống và đặc biệt 390
  3. đó là sự xa cách của lòng người, sự tham lam, nghi ngờ, đố kỵ muốn triệt tiêu, huỷ diệt lẫn nhau chỉ vì sự chi phối của đồng tiền và những cạm bẫy luôn luôn rình rập. Với tư cách là một người nghệ sĩ mang trong mình vốn hiểu biết của một người từng trải, Nguyễn Văn Thọ đã tạo cho mình một tiếng nói riêng trên văn đàn hải ngoại. Là một người nghệ sĩ tha hương, tâm hồn của ông đã chạm đến miền thẳm sâu, đầy bí ẩn trong tâm trạng và bản thể của mỗi con người. Quyên của Nguyễn Văn Thọ chính là tiếng nói, tiếng khóc, tiếng lòng đầy chua xót của những người lựa chọn ra đi với hy vọng đổi đời đang từng ngày đấu tranh để sống, để tồn tại và cuối cùng vẫn là để được trở về. Trong chặng hành trình can go đó, có những người đã không còn đủ sức giữ mình nhưng cũng có những người sẵn sàng vượt qua mọi đổ vỡ, gượng dậy, xoá bỏ mặc cảm bản thân để đứng vững bằng niềm tin và hy vọng vào con đường sống của chính mình. Nếu “tôi” trong Chinatown của Thuận đang lần dở tìm cách vượt thoát ra khỏi chính bản thân mình, để tự hoá giải số phận cho mình nhưng kết cục cô vẫn triền miên tự lưu đày trong đó, khi “tôi” không biết mình là ai, muốn gì và sẽ đi đến đâu thì Quyên trong tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ lại bơ vơ, không còn chỗ bấu víu để tìm nghị lực sống tiếp. Quyên là một cô gái trẻ đẹp, vì muốn thay đổi cuộc sống, đã cùng chồng là Dũng vượt biên sang Đức với mong muốn được đổi đời. Thế nhưng, chính cuộc ra đi này đã khiến Quyên rơi vào bi kịch tan vỡ gia đình. Ngay ở những chương đầu của tiểu thuyết, tác giả đã để Quyên bước vào tác phẩm với một vẻ đẹp cuốn hút. Thế nhưng bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình, cô lại luôn mang một tâm lý cô đơn lạnh lẽo ở cõi lòng. Tìm đường vượt biên với khát vọng duy nhất được sống hạnh phúc cùng Dũng, chồng cô, họ đã bị lạc nhau, Quyên thì bị hãm hiếp. Không biết tiếng Đức, không quen biết ai, không tiền, không nhà, cô cứ thế mò mẫm, chơi vơi ở một nơi đầy sự bất định, mông lung, tối tăm đến cùng cực. Bi thảm và đau đớn hơn cả, khi đã vượt lên mọi hiểm nguy để tìm được Dũng, cô lại lạc lõng ngay trong mối quan hệ vợ chồng. Trong đêm đầu hai người gặp lại nhau, bao hy vọng được hạnh phúc bên chồng tan biến. Thay vào đó là sự đối xử lạnh nhạt vì cái thai trong bụng của Quyên. Suốt cả đêm, cả hai đều không ngủ, Quyên chủ động đưa tay ôm choàng lấy chồng nhưng đều bị Dũng hất ra và dùng những lời phũ phàng: “Cô chửa với thằng nào?” (Nguyễn Văn Thọ, 2011). Tưởng rằng Dũng phải mừng rỡ khi thấy cô còn sống, nhưng không, cái cô nhận được là ánh mắt nghi ngờ, ghen tuông, hằn học. Anh không hỏi han, chia sẻ cùng nỗi đau, nỗi buồn, nỗi uất hận nghẹn ngào trong Quyên một lời. Niềm tin để cô vực dậy mà sống, tìm đường thoát thân, chạy trốn tìm về với Dũng, trước mặt cô, người nằm chung một giường, nay lại đang hờ hững, không thèm đoái hoài đến cảm xúc của nhau. Hai con người tưởng như không thể rời xa nhau được nay lại đang trở thành những cá thể bơ vơ, hoang mang trong một thế giới đầy xa lạ, không chút tình thân. Trong đêm tối với niềm tuyệt vọng vây bủa lấy cô, Quyên tự kết liễu đời mình. Nỗi cô đơn trong Quyên còn xuất hiện khi cô nhớ đến quê nhà. Đó còn là nỗi cô đơn của một người con xa quê. Những lúc buồn Quyên chợt nhớ lại những ngày còn ở Hà Nội bên người thân, ngồi cạnh mẹ già. Giờ nhớ lại sao cô cảm thấy mình cô đơn lạc lõng quá, khó mà tìm lại được cuộc sống như ngày xưa. Một cô gái liễu yếu đào tơ như Quyên đã dám lựa chọn con đường vượt biên để được sống cùng bên người chồng của mình. Bị hãm hiếp, sỉ nhục nhưng điểm bám duy nhất của Quyên vẫn là Dũng, chồng của mình. Những niềm hy vọng nhỏ nhoi đó, thôi thúc cô gái nhỏ, can trường tìm đường sống. Sự ghẻ lạnh, hắt hủi của Dũng khiến cô buốt xót tận tâm can, không có người để sẻ chia, không 391
  4. có ai để bám víu, cho đến tận cùng Hùng cũng không cứu vớt nổi đời cô khi anh lại đột ngột ra đi. Người đàn bà khi đã làm mẹ đấy, đã đến lúc bỏ đi mọi sự chì chiết, xoi mói của miệng lưỡi những người xung quanh mà sống, đối diện với trống vắng, hoang mang, sợ hãi, Quyên đã tự mình đánh thức sức mạnh bản ngã bên trong của mình với một hy vọng dù mỏng manh, nhỏ nhoi là sống, chỉ cần sống trả được món nợ ân tình và có dịp được quay trở về nhà là đủ lắm rồi. Đâu đó trong nhân vật Quyên cũng giống với Không Bé (Tiểu thuyết đàn bà - Lý Lan). Lấy Ted, một anh chồng ngoại quốc, Không Bé theo chồng tới nước Mỹ xa xôi, với cái tên Betty. Từ một Không Bé sống hồn nhiên và vô tư nay cô lại luôn sống trong sự thiếu vắng của tình yêu thương. Nếu Không Bé cần được yêu thương bao nhiêu thì đổi lại là một Betty luôn lạ lẫm, lạc loài trước cuộc sống nơi xứ người bấy nhiêu. Quyên cũng vậy, cô khao khát được yêu thương, được vỗ về bao nhiêu thì lại càng tủi thân, chua xót bấy nhiêu. Rồi vẫn phải sống, phải bươn chải để tồn tại nhưng trong Quyên luôn thấy mình lạc lõng, đơn độc và không thể hoà nhập được khi thiếu hẳn tình yêu thương, tình cảm giữa người với người. Không chỉ thế, tâm lý cô đơn còn được thể hiện qua nhân vật Phi. Phi vốn là một người hiền lành, chính sự hiền lành ấy mà Thị - vợ của anh, chỉ xem Phi là một cái bóng nhạt nhòa núp sau vợ. Cuối cùng Phi trở thành một sản phẩm của sự yếu hèn. Trong Phi lúc nào cũng khao khát hạnh phúc một gia đình thực sự. Niềm khao khát ấy là nỗi cô đơn bám sâu vào Phi làm cho anh không cách nào thoát ra được. Anh cưu mang mẹ con Quyên với tình thương của một người đồng hương, nhưng chính tình thương ấy khi sống chung trong nhà đã làm cho anh nảy sinh tình cảm. Để rồi bao khát khao hạnh phúc trào dâng trong đêm tối và cảnh làm tình diễn ra, đối với Quyên, cô chỉ xem đây là một sự trả ơn chứ không có một tình cảm nào với Phi. Trong khi đó, Hùng, một nhân vật xuất hiện đầu tác phẩm đã tạo một dấu ấn khá sâu đậm trong lòng độc giả với sự thể hiện con người bản năng đầy ham muốn. Hùng là một con người sống theo bản năng, chỉ mong chiếm đoạt Quyên về mặt thể xác. Thế nhưng trong con người anh cũng tồn tại những suy nghĩ lo âu về một kiếp người. Trong cuối cuộc đời mình, Hùng nhận ra rằng, chỉ có niềm hạnh phúc và yêu thương thật sự mới làm cho con người ta thoát khỏi cô đơn. Hùng tâm sự: “lúc đi tây, người ta ham hố, thích thú lắm. Càng sống lâu, khi mọi việc trở nên nhàm, mới thấy con người cần nhiều thứ khác còn lớn hơn vật chất. Phải, giá như có tiền, tôi ở Việt Nam với mẹ và em trai tôi” (Nguyễn Văn Thọ, 2011). Tâm sự của Hùng chất chứa nỗi niềm của một con người từng trải, đã lăn lộn với đời bao nhiêu năm, anh nhận ra một điều quý giá ở đời. Đó là sự thật về giấc mộng làm giàu của những người tha hương mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được. Nếu như trước đây Hùng coi vật chất là đích đến cuối cùng và hy vọng khi bước chân đến phương Tây có thể đem lại cho anh được điều đó, thì nay, cuộc sống của kẻ đi buôn tội lỗi, ngày ngày xuyên qua những mảnh rừng, đối mặt với những cạm bẫy khắc nghiệt nhất của cuộc sống đã nhiều lúc khiến anh thấy kiệt sức, thấy nhớ da diết về gia đình. Anh nhận ra rằng con người ở đời không nên chỉ mải lo cho cuộc sống về mặt vật chất mà phải nghĩ đến tình thương, đặc biệt là tình thương ruột thịt. Tình cảm ấy nó còn lớn hơn cả vật chất. Vật chất - tình thương, là hai thứ rất cần thiết, nó cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy cuộc sống mỗi người, không sao tách ra được, nhất là đối với những thân phận tha phương cầu thực thì cái vòng luẩn quẩn ấy càng khó tìm được lối thoát chung. Giữa một nơi sống xa lạ, những người Việt tìm đến cư ngự ở đây, không chỉ bị sốc về văn hoá, mà còn ám ảnh, lạc lõng hơn ngay trong cộng đồng mình. Họ đều tự mình tách ra để tự tìm đường sống, có khi chạy theo 392
  5. những dục vọng tầm thường, lầm lạc, quên đi chính phần tốt đẹp trong con người mình. Cạm bẫy của đô la khiến họ đánh mất đi nhân tính, trơ trọi, lạc lõng ở xứ người, không điểm tựa. Và quan trọng hơn, Quyên đã cho chúng ta thấy sự đổ vỡ hôn nhân, đổ vỡ tình yêu, đổ vỡ giấc mơ về một thiên đường hạnh phúc trên xứ người đau đớn, trơ trọi, trống trải là cảm giác mà những người Việt xa xứ đang hàng ngày phải đối diện. Đọc Quyên, “người đọc có cơ hội được soi chiếu lại những đặc tính vốn đã định hình phần nào trong mỗi người Việt: tâm lí mặc cảm nhược tiểu, duy tình hơn duy lí, ưa co cụm song lại thiếu đoàn kết...” (Lý Hoài Thu và nnk., 2016). Không phải kiểu con người cô đơn đến văn học đương đại mới được nhắc đến nhưng nó lại được thể hiện rõ hơn cả trong văn học giai đoạn này. Cuộc sống tấp nập vội vã, toan tính, thực dụng của nền văn hóa tiêu dùng đã làm cho con người rơi vào cảm thức cô đơn khó giãi bày cùng ai. Một thế giới rộng lớn, con người chỉ là một tiểu vũ trụ trơ trọi, ly tâm, đối diện trực diện với chính mình nhất nhưng lại dễ nhận thấy sự trống trải, phi trung tâm bất khả giải nhất ở ngay trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Trong mỗi tác phẩm, kiểu con người này được thể hiện một cách khác nhau, nhưng nỗi cô đơn trong văn học hải ngoại, nhất là Quyên, là nỗi cô đơn khắc sâu vào tâm trạng nhân vật một cách mãnh liệt, dù họ đã cố gắng bám víu để tồn tại, để vượt qua mọi nỗi sợ hãi nội tại, đấu tranh với chính mình một cách mạnh mẽ nhất, nhưng đâu đó, sự lạc loài, đơn lẻ cứ luôn thường trực, đeo bám trong tâm khảm khiến họ cũng trở nên chông chênh, khó thoát ra được. Thông qua tác phẩm nhà văn muốn gửi gắm đến chúng ta một thông điệp vật chất và hạnh phúc là những thứ rất cần ở mỗi con người, nhưng không nên quá xem nặng vật chất mà đôi lúc đánh mất đi hạnh phúc mà mỗi cá nhân vốn được hưởng. 3.2. Mang thận phận của những người tha hương Văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau 1975, con người tha hương mới được nói đến một cách chân thực và rõ nét. Nếu văn học trong nước, tâm thế sống của con người hiện đại cô đơn và lạc lõng vì có thể không hoà nhập được với nhịp sống của cơ chế thị trường thì văn học hải ngoại lại khai thác điều đó ở thân phận của người lưu vong. Những người sống xa xứ luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau đớn, sự giằng xé giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và nhu cầu hội nhập. Trong đời sống hàng ngày, gần như họ phải sử dụng một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ để của mình. Do vậy, nếp ăn, nếp nghĩ cũng phải theo văn hoá tư duy của ngôn ngữ đó. Cảm giác day dứt của những người bị bứt rễ, bị trôi dạt luôn phải đối diện với ý thức bản sắc của mình khiến họ thường mang một nỗi buồn dai dẳng, khó lòng xoa dịu được. Trong dòng văn học thời chiến, con người được đặt trong mối tương quan với vận mệnh lớn lao của dân tộc. Văn học đề cao tinh thần đoàn kết của dân tộc trong công cuộc đấu tranh bảo về đất nước. Động lực chủ yếu làm nên văn học lúc bấy giờ, xem văn chương là vũ khí lợi hại của mặt trận đấu tranh. Không ít tác phẩm, các nhà văn cách mạng đã thể hiện cuộc sống thời chiến, với những suy nghĩ và hành động mang đậm dấu ấn anh hùng ca. Văn học thời hậu chiến đã đánh dấu những thay đổi trong nhận thức về con người. Đó chính là con người được nhìn nhận ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ. Văn học thời kỳ này đã có những bước đột phá về nội dung và cả nghệ thuật, cũng như những quan niệm về con người, từ đó mà có sự thay đổi rõ nét. Dòng chảy văn học Việt Nam đương đại ở hải ngoại đã có sự góp sức rất lớn của những cây bút như Đoàn Minh Phượng, Lê Minh Hà, Thuận, Phan Việt, Nguyễn Văn Thọ… Những vấn đề về cuộc sống, thân phận những mảnh đời, mảnh người sống 393
  6. nơi đất khách quê người, vật lộn mưu sinh trong sự khủng hoảng về tinh thần. Cái họ luôn trăn trở và tìm kiếm chính là những giá trị sống của bản thân, đi tìm bản thể, căn tính, căn cước cá nhân của chính mình, đấu tranh để khẳng định giá trị sinh tồn. Do vậy, các tác phẩm như Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau, Gió từ thời khuất mặt, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Tiếng người, Quyên đều là những tiếng lòng, tâm trạng hay chính là cảm thức cô đơn, lạc loài; nhung nhớ hoài niệm, day dứt băn khoăn của những con người tha hương. Liên và Mai trong Paris 11 tháng 8 đã phải sống lưu đày trong trạng thái hồi cố giữa một bên là xứ người với một bên là quê hương. Hà Nội của Liên là những tháng ngày tẻ nhạt, phẳng lặng; với Mai Lan là những chuỗi ngày sung túc của đời cô. Còn Quyên, Hà Nội là những ký ức hoài niệm đầy êm đềm về gia đình. Tuy vậy, tất cả những Liên, Mai Lan hay Quyên thậm chí cả Hùng, Thị, Phi đều tràn ngập nỗi lo về cuộc sống thường nhật đầy những rủi ro, bất trắc chẳng biết sẽ đến lúc nào. Trực tiếp chứng kiến những tác động của đời sống văn minh phương Tây, về một miền đất hứa, họ đã và đang mất niềm tin, hoài nghi vào cuộc sống tưởng sẽ đem lại cho họ tương lai sáng sủa, hy vọng đổi đời. Cùng với đó là những mặc cảm về sự bơ vơ gốc cội, vô nghĩa để tồn tại. Đó chính là trạng thái hiện hữu trong những con người mang thân phận tha hương. Những mộng tưởng về cuộc sống giàu sang nơi xứ người đã tan biến, thay vào đó là sự đỗ vỡ của hạnh phúc, của cảnh chia li đau buồn Quyên phải nếm trải. Trong tang lễ của Hùng. Quyên suy nghĩ về cuộc sống, mối quan hệ giữa người và người ở nơi xa biệt với quê hương này. “Cuộc sống, suy cho cùng, suy cho cùng là cái gì nhỉ? Suốt cả đời, sao cứ phải biền biệt, phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc… để rồi cuối cùng, nếu muốn trở về đất nước, tất cả, ai ai cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn tí tẹo teo kia? Có lẽ cuộc sống càng hoang lạnh hơn, nếu khi chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này” (Nguyễn Văn Thọ, 2011). Ý nghĩa sự tồn tại để sống thực sự là cái gì? Vì cuộc sống mưu sinh, có đáng không khi con người ta phải làm những chuyện tội lỗi như buôn thuốc lậu, dẫn đường như Hùng?! Để rồi một ngày kia, khi đối diện với cái chết, phải trở về với cát bụi, đặc biệt hơn là tình cảm giữa người ra đi và kẻ ở lại sẽ như thế nào, nếu anh ta chết đi mà chẳng có người thân bên cạnh. Qua những suy nghĩ, trải lòng của Quyên, Nguyễn Văn Thọ muốn gửi gắm đến độc giả một thông điệp về quan niệm sống ở đời. Cuộc sống là một quãng thời gian hữu hạn, cũng như con người trong cuộc hành trình tha hương, dù bạn là con người như thế nào, đã làm ra những lỗi lầm gì đi chăng nữa nhưng nếu bạn sống tốt, biết hướng đến ánh sáng của tình yêu thương thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những giọt nước mắt, tình cảm chân thành thực sự từ phía người thân khi bạn rời xa cõi tạm này. Bên cạnh đó, con người tha hương còn được thể hiện qua nhân vật Dũng, anh là một tiến sĩ trẻ trong nước. Anh ra đi với bao nhiêu niềm tin và hy vọng của cuộc sống giàu sang, sang nơi đất người, Dũng lại nhận lấy bấy nhiêu sự tuyệt vọng chán chường của một thanh niên trí thức: “Xưa, anh hy vọng biết bao nhiêu, về một vị trí xứng đáng đợi chờ anh ở thế giới phương Tây đầy hấp dẫn, thì ngay sau vài tuần nhập trại, anh thất vọng bấy nhiêu. Con người ta phải có công việc, một nhà khoa học tương lai như anh càng cần có công việc, thế mà bao ngày rồi, anh trở thành kẻ vô công rồi nghề. Bằng cấp, học vị tiến sĩ của anh, giờ đây chỉ là mớ giấy lộn. Kiến thức và những khát khao, tiền đồ của anh chỉ là sự phù phiếm. Một sự chờ đợi mệt mỏi, vô vọng!” (Nguyễn Văn Thọ, 2011). Vậy là bao nhiêu năm chí thú học hành nghiêm chỉnh, giờ 394
  7. đây vô hình trung, anh cũng đồng hành với những kẻ chỉ mơ ước đủ miếng cơm manh áo, những con người tha hương nơi đất khách. Đặc biệt hơn, sự ra đi của vợ là một cú sốc quá lớn đối với anh. Tất cả đã làm một người thanh niên như Dũng rơi vào những cơn say, đánh mất đi bản tính vốn có của một người trí thức. Nhân vật Dũng là một nét phản ánh đầy đủ hơn bi kịch của người trí thức thời hiện đại. Những con người dù cho có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn chỉ là thân phận hẩm hiu, kém cỏi trong một xã hội thực dụng, không thể sống được bằng năng lực thật của mình. Lẽ bởi, Dũng mang danh là một tiến sĩ nhưng anh sống ích kỷ, thụ động, nghi hoặc, ghen tuông. Vì thế, khi quyết định tìm đến “vùng đất hứa” để thay đổi cuộc đời mình, tấm bằng của anh chỉ là tờ giấy lộn, anh, trở thành một kẻ ở dưới đáy xã hội. Đau đớn và day dứt hơn cả là, cuộc sống của dân ngụ cư luôn phải đối mặt với những cạm bẫy, sự thao túng mạnh mẽ của đồng tiền khiến họ, dù được gọi là đồng hương nhưng cũng trở thành lạnh cảm, tàn nhẫn, ngày một xa rời nhau. “Những kẻ đồng hương trở nên thiêu thiếu một điều gì đó, điều gì đó có tính rộng khắp, bao trùm lên toàn thể cộng đồng người Việt đang ở đây. “Sự “thiếu một điều gì đó” đã khiến những gia đình như Quyên - Dũng, Thị - Phi trở nên tan rạn, vỡ nát, khiến những người như Thị trở nên trơ tráo, vô liêm sỉ, và khiến cả những gì gắn với quê hương cũng ngày một bị mất tích trong lòng xã hội nhập cư ngột ngạt” (Lý Hoài Thu và nnk., 2016). Có thể nói, số phận con người tha hương là một trong những kiểu nhân vật “định danh thương hiệu” cho dòng văn học hải ngoại. Trong mỗi thời kỳ và trong mỗi tác phẩm, kiểu con người này lại có những biểu hiện khác nhau theo quan niệm riêng của người nghệ sĩ. Với Nguyễn Văn Thọ, ông thể hiện con người tha hương như một cảm thức chủ đạo để gửi đến độc giả nỗi niềm của người xa xứ, của hàng vạn trái tim luôn hướng về quê nhà. Nói như Nguyễn Thiện khi đọc tiểu thuyết Quyên: “hãy sống thật tử tế, đàng hoàng với tư cách và nhân phẩm con người Việt Nam; hãy yêu chân thật, hết mình, trân trọng và tự hào về nhau, gắn bó bền chặt mãi mãi không để xa lìa! Con người ta sống và yêu không chỉ cho mình, cho bạn tình, mà cũng cần vì những người khác nữa. Vị tha, chỉ có như vậy, người ta mới tìm thấy trọn vẹn niềm vui sướng và sự thanh thản, sự hữu ích cho đồng loại, cho dân” (Hằng Thanh, 2009). Đấy cũng chính là sự đồng cảm của người đọc khi đón nhận Quyên, qua đó, để hiểu một cách sâu sắc hơn số phận của người Việt di dân được phản ánh qua tiểu thuyết của ông. 4. KẾT LUẬN Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, ngày càng nhiều những tác phẩm hải ngoại được giới thiệu đến bạn đọc một cách nồng nhiệt. Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ thật sự tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên văn đàn nghệ thuật nói chung và tiểu thuyết hải ngoại nói riêng. Sự hấp dẫn cuốn tiểu thuyết mang lại không chỉ ở lối kết cấu theo kiểu truyện ngắn trong tiểu thuyết của nhà văn mà nó còn là sự khái quát hóa về cuộc đời của những người Việt tha hương nơi đất khách, sống cơ cực, tủi nhục, không lối thoát, bế tắc mọi ước mơ, hy vọng về tương lai. Với dung lượng hơn bốn trăm trang sách, tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ đã mang đến cho người đọc một cái nhìn rõ nét về những biến cố trong cuộc sống mưu sinh của người Việt di dân tới Đức. Điều đặc biệt là cuốn tiểu thuyết đã mang lại cho người đọc một bức tranh, trong đó chứa đựng từng số phận của những con người tha hương trong hành trình mưu sinh và tìm kiếm lẽ sống qua ngòi bút giàu xúc cảm và đầy trăn trở của Nguyễn Văn Thọ. 395
  8. Giữa biển đời tấp nập đầy những biến cố, giá trị nhân bản ở mỗi con người luôn là “tiếng người” vẫy gọi tha thiết nhất, thúc giục con người dù sống ở nơi đâu, vẫn tìm về chân giá trị bản thể sâu sắc nhất của mình. Rõ ràng, những thành công của các cây bút sống ở hải ngoại không chỉ làm cho diện mạo tiểu thuyết đa dạng hơn mà còn góp phần đưa tiếng nói về cuộc đời và con người trong tiểu thuyết Việt Nam giàu sắc điệu và đa nghĩa hơn. Góp sức khẳng định cho điều đó, chính là khúc tráng ca về cuộc đời người Việt xa xứ, Quyên của Nguyễn Văn Thọ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hà Minh Đức (chủ biên) (2008). Lý luận văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 2. Phương Lựu (chủ biên) (2004). Lý luận văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 3. Nhiều tác giả (2002). Đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội nhà văn. 4. Phan Thanh Phong (2009). Nguyễn Văn Thọ viết “Quyên” như món nợ cần trả. https://vnexpress.net/nguyen-van-tho-viet-quyen-nhu-mon-no-can-tra-2137806.html. Truy cập tháng 5 năm 2023. 5. Trần Đình Sử (1998). Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 6. Hằng Thanh (2009). Tiểu thuyết Quyên là quan niệm của tôi về tình yêu và hạnh phúc. http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/218135/ti7875%3Bu-thuy7871%3Bt- quot%3Bquyenquot%3B-la-quan-ni7879%3Bm-c7911%3Ba-toi-v7873%3B-tinh-yeu-va- h7841%3Bnh-phuc. Truy cập tháng 5 năm 2023. 7. Nguyễn Văn Thọ (2011). Quyên. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội nhà văn. 8. Lý Hoài Thu và nnk (2016). Tiểu thuyết hải ngoại và vấn đề thân phận tha hương. http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/tieu-thuyet-hai-ngoai-va-van-de-than-phan-tha- huong-9002_4194.html. Truy cập tháng 5 năm 2023. 396
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2