intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Song đề chấn thương và chữa lành trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày một cách khái quát về thuật ngữ chấn thương, chữa lành và lí thuyết về chấn thương từ một lí thuyết của phân tâm học Sigmund Freud sang tự sự học chấn thương với những đóng góp tiêu biểu của Cathy Caruth.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Song đề chấn thương và chữa lành trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH JOURNAL OF SCIENCE Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 Vol. 21, No. 5 (2024): 896-907 ISSN: Website: https://journal.hcmue.edu.vn https://doi.org/10.54607/hcmue.js.21.5.4265(2024) 2734-9918 Bài báo nghiên cứu 1 SONG ĐỀ CHẤN THƯƠNG VÀ CHỮA LÀNH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ Ở NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XXI Nguyễn Bùi Thiện Nhân*, Bùi Thanh Truyền Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam * Tác giả liên hệ: Nguyễn Bùi Thiện Nhân, Email: thiennhannguyenbui@gmail.com Ngày nhận bài: 07-5-2024; ngày nhận bài sửa: 20-5-2024; ngày duyệt đăng: 26-5-2024 TÓM TẮT Bài viết trình bày một cách khái quát về thuật ngữ chấn thương, chữa lành và lí thuyết về chấn thương từ một lí thuyết của phân tâm học Sigmund Freud sang tự sự học chấn thương với những đóng góp tiêu biểu của Cathy Caruth. Đó là cơ sở lí luận để chúng tôi soi chiếu, minh định song đề chấn thương và chữa lành trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI trên hai phương diện: 1) Gia đình – nơi khởi nguồn của những chấn thương và chữa lành; 2) Sự chủ động thay đổi bản thân như một liệu pháp hữu hiệu của hành trình chữa lành. Từ đó, nghiên cứu góp phần mang đến một cái nhìn sâu hơn về chấn thương và chữa lành không chỉ trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế XXI mà còn trong các tác phẩm văn học chấn thương khác. Từ khóa: đầu thế kỉ XXI; nhà văn nữ; chữa lành; tiểu thuyết; chấn thương 1. Đặt vấn đề Nguồn gốc ban đầu của khái niệm “chấn thương” (trauma) trong tiếng Hi Lạp (τραῦμα) là một thuật ngữ y học, mang nghĩa là vết thương trên thân thể. Trong Từ điển Thuật ngữ Y khoa Anh – Anh – Việt do Tạ Quang Hùng và Phạm Ngọc Trí chủ biên (2007), khái niệm “chấn thương” (trauma) được định nghĩa là một thuật ngữ y học, dùng để chỉ một vết thương sinh lí “bị thương hay tổn thương vật lí, như gãy xương hay bị đánh” (p.1294). Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (2016), khái niệm “chấn thương được hiểu là [tình trạng] thương tổn ở bộ phận cơ thể do tác động từ bên ngoài” (p.195). Ngoài những nét nghĩa thuộc về chuyên ngành y khoa, “chấn thương” (trauma) còn được dùng để chỉ những thương tổn tâm lí trong chuyên ngành tâm lí học. Trong các văn bản y học và tâm lí trị liệu, tập trung nhất trong văn bản của Sigmund Freud, thuật ngữ “chấn thương” được hiểu không phải như một vết thương trên thân thể mà ở tinh thần. Kế thừa phân tâm học của S. Freud, Cathy Caruth trong cuốn Trauma: Explorations in Memory đã Cite this article as: Nguyen Bui Thien Nhan, & Bui Thanh Truyen (2024). The dillema of trauma and healing in novels by female writers in Southern Vietnam in the early 21st century. Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, 21(5), 896-907. 896
  2. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 định nghĩa “chấn thương” từ góc độ “cấu trúc kinh nghiệm hay tri giác” là “sự kiện không được đồng nhất hóa hay được trải nghiệm trong quá khứ một cách đầy đủ, mà về sau, nó được tái chiếm lĩnh liên tục trong người trải nghiệm nó” (Cathy Caruth, 1995). Trong văn bản Unclaimed Experience: Trauma and the Possibility of History (Kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử), bà nhấn mạnh rằng: “Không có một định nghĩa chắc chắn về chấn thương, mà nó được mô tả rất khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, dưới những tên gọi khác nhau” (Cathy Caruth, 1991). Khái niệm “văn học chấn thương” (traumatic literature) ra đời trong bối cảnh cuối thế kỉ XX cùng với vấn đề về “Hội chứng sau chấn thương” (PTSD – Post traumatic stress disorder). Như đã nói, vấn đề chấn thương và văn học chấn thương được Cathy Caruth tiếp cận từ góc độ phân tâm học. Tâm điểm của vấn đề chấn thương trong văn học được Caruth phân tích dựa trên những ví dụ mà S. Freud đã nêu ra trong cuốn Vượt xa hơn nguyên tắc khoái cảm (Sigmund Freud, 2016). Theo Caruth, “sở dĩ Freud mượn văn học để mô tả kinh nghiệm chấn thương vì lẽ văn học, giống như phân tâm học, quan tâm đến mối quan hệ phức tạp giữa biết và không biết. Và quả thật như vậy, một điểm đặc biệt là ở nơi biết và không biết giao cắt, ngôn ngữ văn học và lí thuyết phân tâm học về kinh nghiệm chấn thương thật sự gặp gỡ nhau” (Cathy Caruth, 1995). Khái niệm “chấn thương” đã được hiểu theo nhiều nghĩa tùy thuộc vào từng lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Nhưng nhìn chung, đó là khái niệm chỉ những dấu vết của sang chấn bắt nguồn từ sự trải nghiệm và thấu hiểu sâu sắc những va chạm vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Chấn thương có thể là những nỗi ám ảnh của sự tồn tại bất toàn, mắc kẹt giữa hiện tại và quá khứ. Từ đó, những âm vọng của chấn thương dần lan tỏa và xâm nhập vào vô thức và tiềm thức của nạn nhân – người trực tiếp chịu hoặc chứng kiến những cảnh huống tạo ra chấn thương. Bước sang thế kỉ XXI – thế kỉ của nền công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của cuộc công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức của thế giới, con người phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề mang tính hai mặt của thời đại. Bên cạnh những lợi ích đạt được, nền kinh tế thị trường, vấn đề đô thị hóa nông thôn, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ… cũng để lại những hệ lụy không nhỏ: sự tha hóa đạo đức con người, sự ô nhiễm của môi trường, sự biến đổi của khí hậu... Điều này đã gây sang chấn tâm lí cho con người như chết chóc, sợ hãi, hoài nghi, bất an, căng thẳng... Bằng sự nhạy cảm vốn có của giới mình, các cây bút nữ Nam Bộ đã đi vào những ngóc ngách sâu thẳm bên trong để khám phá, bóc tách những vỉa tầng của những số phận con người. Cuộc sống thậm phồn đến trần trụi cũng được phản ánh trong tiểu thuyết của họ. Có thể nói tiểu thuyết là một thể loại phù hợp nhất để trình hiện lối viết chấn thương trong cảm quan sáng tạo của các nhà văn nữ Nam Bộ đầu thế kỉ XXI. Theo Nguyễn Thành Thi (2010), tự sự chấn thương có những đặc điểm đáng lưu ý như sau: (1) Người kể chuyện (trần thuật, xưng “tôi”) đồng thời là nhân vật trung tâm, người nắm 897
  3. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Bùi Thiện Nhân và tgk giữ điểm nhìn chủ đạo, và tất nhiên, nắm giữ luôn diễn ngôn trần thuật của tác phẩm; (2) Trong nhiều trường hợp, chức năng trần thuật còn được giao phó một phần cho nhân vật khác, thường là nhân vật “nhà văn”; (3) Diễn ngôn của tác phẩm mang đậm tính chủ thể và sắc thái hiện chứng/chấn thương rất đậm nét (Nguyen, 2010). Những đặc điểm thi pháp trên gắn liền với thể loại đắc dụng nhất của tự sự chấn thương là nhật kí, hồi kí và tự truyện. Tuy nhiên, thể loại tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng, thể hiện cuộc sống hiện tại không ngừng biến đổi, sinh thành trên kinh nghiệm của cá nhân. Ở đó, những câu chuyện cũng được kể như một sự tái hiện cuộc sống với những chi tiết giống như thật, không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa (Tran et al., 2012). Với những đặc trưng của một thể loại tự sự cỡ lớn, tiểu thuyết rất phù hợp để chuyển tải những chấn thương trong văn học, triển diễn nội dung và nghệ thuật của văn học chấn thương. Thẳng thừng từ chối các đại tự sự, nhà văn chủ yếu hướng tới khám phá những mảnh vỡ của cuộc sống và con người thời đại mới. “Chữa lành” (healing) là thuật ngữ xuất phát từ một liệu pháp tâm lí trong Tâm lí học Toàn diện để chữa lành những sang chấn tâm lí của con người (Nicole Lapera, 2022). Theo Từ điển Cambridge, “chữa lành là quá trình trở lại khỏe mạnh, đặc biệt là sau một vết cắt hoặc chấn thương khác, hoặc làm cho ai đó khỏe lại” hay “quá trình trong đó một tình huống xấu hoặc cảm xúc đau đớn kết thúc hoặc cải thiện” 2. Đối với lí thuyết chấn thương, chữa lành không phải là làm cho chấn thương tinh thần biến mất như chưa từng xảy ra, mà là tìm cách thích nghi, xử lí và điều hướng những chấn thương ấy trong lần tái diễn sau này. “Việc chữa lành bị ràng buộc và phụ thuộc vào sự lặp lại cho thấy rằng quá trình này không bao giờ hoàn tất” (Lalone, 2018, p.204). Xét đến cơ chế của sự chữa lành của tâm lí con người đối với sang chấn tâm lí/chấn thương, Sigmund Freud cũng đã đưa ra cặp đối lập bản năng chết (Thanatos) và bản năng sống (Eros). Bản năng chết (Thanatos) là bản năng tự hủy, nhóm bản năng liên quan đến sự hủy diệt, gây ra hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát. Freud cũng chỉ ra những hành động tiêu cực sẽ thường xuyên tái diễn nếu con người trải qua một sự kiện gây sang chấn. Bản năng sống (Eros), theo học thuyết của S. Freud, là những bản năng liên quan đến sinh tồn, sự thỏa mãn và sinh sôi nảy nở. Freud cho rằng những cảm xúc tích cực như tình yêu, sự hợp tác và những hành vi thuận xã hội là cách để con người duy trì sự sống của riêng mình và của xã hội, nuôi dưỡng những mầm sống mới. Qua đó, ta có thể thấy chấn thương, chữa lành vốn song hành và chữa lành như một cơ chế tự nhiên trong tâm lí người để chống lại, phục hồi, phản kháng lại những sang chấn tâm lí. 2. Nội dung nghiên cứu Theo Thái Phan Vàng Anh, trong tiến trình văn học Việt Nam, ở những giai đoạn trước, “sự có mặt của nữ giới không chiếm ưu thế. Những năm 60 của thế kỉ XX, một số cây 2 Cambridge Dictionary. https://dictionary.cambridge.org/vi/ 898
  4. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 bút nữ đã khẳng định vị thế trên văn đàn nhưng chưa thành một lực lượng chủ yếu. Đặc biệt, ở bộ phận văn học miền Nam, đội ngũ nhà văn nữ bắt đầu gây ấn tượng ở số lượng cũng như chất lượng” (Phung & Tran, 2016, p.275). Để hình thành nên một diện mạo như ngày hôm nay, tiểu thuyết nữ Nam Bộ đã có sự kế thừa, tiếp nối nền tiểu thuyết truyền thống. Đồng thời, nhờ nhu cầu đổi mới tư duy văn học cũng như những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc “chạy tiếp sức” (Nguyen, 2015, p.101) của những thế hệ nhà văn nữ giai đoạn này đã tạo ra một diện mạo mới cho thể loại tiểu thuyết. Để tạo nên tiếng nói đổi mới ấy, không thể không nhắc đến vị trí của những nhà văn nữ, trong đó có những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Nam Bộ đương đại như: Dạ Ngân, Bích Ngân, Lý Lan, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thu Hằng, Thu Trân, Võ Diệu Thanh... Không có nhiều tuyên ngôn, song bằng những trang viết thầm lặng, bền bỉ, bằng số lượng tác phẩm được bạn đọc đón nhận, các nhà văn nữ Nam Bộ đã góp phần không nhỏ trong việc trình hiện “cái tôi chấn thương” trong sự đổi mới nền văn học đương đại nói chung và thể loại tiểu thuyết của các nhà văn nữ nói riêng. Tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI đa phần đều mang đậm dấu ấn chấn thương và chữa lành như một song đề trong mỗi tác phẩm. Trong phạm vi khảo sát của bài viết, chúng tôi sẽ hướng trọng tâm tìm hiểu năm tác phẩm: Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Người cha hiện đại (Trầm Hương) và Sông (Nguyễn Ngọc Tư). 2.1. Gia đình – nơi khởi nguồn của những chấn thương và chữa lành Theo quan niệm truyền thống, gia đình là nơi những người thân cùng chung huyết thống chia sẻ tình yêu thương, vui buồn trong cuộc sống. Đây cũng là nơi ước mơ được ươm mầm và chắp cánh, nơi nhân cách được hình thành và phát triển của mỗi cá nhân. Cuộc sống hiện đại với nhiều con đường, hướng đi để con người lựa chọn, tìm kiếm những hi vọng thay đổi cuộc sống, thỏa mãn những nhu cầu, khát vọng của bản thân, nhưng họ chỉ có một nơi duy nhất để quay về sau những lần vấp ngã – đó chính là gia đình. Chính vì lẽ đó, trong tâm thức mỗi người, gia đình là một nơi không gì có thể thay thế được. Thế nhưng, trong thế kỉ XXI – đầy ngổn ngang, bất trắc này, con người dần mất đi những cảm giác, mong muốn được gắn kết, được yêu thương, chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình. Đồng thời, gia đình cũng dần trở thành gánh nặng và là nơi mà bản thân họ phải chịu những chấn thương về thể chất và chủ yếu là chấn thương tinh thần. Trong Tiểu thuyết đàn bà, hình ảnh gia đình với nhiều thế hệ của Liễu, Thoa, Ted và Không Bé là những sợi dây gắn kết mong manh. Với Ted, gia đình không phải là nơi đáng tin tưởng mà chỉ là nơi anh được sinh ra trong sự chỉ trích của người mẹ và sự ghẻ lạnh của người cha. Anh trưởng thành là nhờ một tay bà nội, người duy nhất yêu thương và chăm sóc anh. Còn với Không Bé, một số phận sinh ra đã phải mặc định ngay từ đầu cô là “không bé”, cô không được phép khóc trong bất kì trường hợp nào, dù là không có tình thương của cha hay là sự vứt bỏ một cách nhẫn tâm của bà nội. Sau ngày lập gia đình cùng Ted, Không Bé 899
  5. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Bùi Thiện Nhân và tgk đến Mĩ sống cùng chồng. Những ngày đầu mới đến Mĩ, Không Bé luôn mơ thấy cảnh tượng mình được chạy về nhà với má. Dù kết hôn với Ted xuất phát từ tình yêu nhưng khi đứng giữa đất Mĩ xa ngàn dặm ấy, Không Bé chỉ sống trong ngôi nhà với chồng như một cái xác không hồn. Câu nói “con còn có má” của Liễu là tảng đá mà Không Bé đã neo hi vọng của mình vào khi cô phải hứng chịu bao trận sóng gió dậy lên trong cuộc hôn nhân của mình. Trong kiếp sống tha hương, Không Bé đã không ngừng bám riết vào cam kết của hai má con để ngoi lên, để đứng vững và đi tới con đường mình đã chọn. Cô luôn cố gắng làm tất cả chỉ với niềm hi vọng một ngày nào đó có thể đón má qua ở chung với mình. Nhưng sau sáu năm đi học, đi làm, Không Bé dần nhận thấy ngôi nhà mình đang sống chỉ toàn là nơi “lừa phỉnh dối trá nhau”, là “nơi gào khóc một mình trong đêm vắng” (Ly, 2011, p.77) vì sau mỗi lần cãi nhau, Ted lại đùng đùng bỏ đi và bỏ mặt lại cô trong sự lo lắng, khổ sở, bơ vơ. Nếu Không Bé còn cảm nhận được sự yêu thương từ má và dì thì hai chị em Thoa và Liễu hoàn toàn không biết đến người mẹ đã sinh ra mình. Dì Bảy, má của Liễu, bỏ lại con cho mẹ mình, tức bà Ngoại, nuôi nấng để lên Sài Gòn làm ăn. Còn má của Thoa thì đã chết lúc Thoa còn nhỏ. Hai đứa trẻ mồ côi tội nghiệp này đã gắn cuộc đời vào Ngoại và chị Đen để cùng tồn tại. Đến một ngày, cái thế giới có bà Ngoại, chị Đen của Liễu, Thoa bị đảo lộn và thay thế bằng những đám đông hỗn loạn khi chị Đen bỏ nhà đi. Thoa được cha dẫn về gia đình mới của ông. Ngay cái được gọi là nhà ấy với Thoa “cũng toàn những người xa lạ” và nơi có Ngoại thì “bỗng nhiên xa hút”. Gia đình ấy đã biến mất hoàn toàn khi ba Thoa đưa cả nhà “lẳng lặng xuống tàu vượt biên”. Từ ngày bà Ngoại mất, những mối liên hệ với bên ngoại của Thoa càng lỏng lẻo. Sự lỏng lẻo trong các thế hệ gia đình ngoại biểu hiện rõ nhất trong đám tang của người mà Thoa gọi là cậu Hai. Những chị em bạn dì bên phía ngoại, Thoa đều không thể giữ được hình ảnh của họ trong bộ nhớ, vì giữa cô và họ “xa lạ còn hơn người dưng”. Với cô, đám tang cậu Hai chỉ là đến thắp cho cậu một nén nhang như để làm tròn bổn phận của một đứa cháu. Nhưng với những anh em cậu dì ấy thì lại lấy đó làm nơi “thẳng thắn với nhau chuyện quốc gia đại sự” hay là khoe mẽ cái mác sinh ra và lớn lên ở những nước phát triển, sống trong gia đình toàn làm ngoại giao. Trong trí nhớ của họ, dòng tộc Thoa chỉ toàn những người ưu tú nhưng thực chất cái truyền thống ấy Thoa là người hiểu rõ nhất: “Truyền thống dòng họ này, anh em ruột thịt còn đánh nhau đổ ruột, nói gì anh em họ” (Ly, 2011, p.121). Sau khi Thoa đi làm cách mạng, bà Ngoại vội vàng gả chồng cho Liễu. Trong gia đình nhà chồng, Liễu luôn phải chịu sự “chửi xiên chửi xéo” của bà mẹ chồng và sự vũ phu của người chồng – người không phải vì tình yêu mà đến với cô. Anh thương binh trong Thế giới xô lệch (Bích Ngân), nếu xét về tên gọi, bản thân anh đã mang trong mình cả chấn thương thể xác lẫn chấn thương tinh thần từ chiến tranh. Anh được sinh ra trong một gia đình quan chức ở một thành phố buồn tẻ. Xung quanh anh là một người cha liêm khiết đến ngờ nghệch, một người mẹ đảm đang, một người chị sẵn sàng đánh đổi gia đình nhỏ để chạy theo người tình, một người anh trai giỏi “lách luật” để được giàu có, một người anh rể mờ nhạt, một cô vợ thích thói học “làm sang” và chú chó Phèn luôn 900
  6. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 trung thành. Giống như bao gia đình khác, gia đình của anh phải trải qua những mâu thuẫn nội sinh giữa các thành viên. Giữa các cuộc trò chuyện, sự im lặng che giấu những điều muốn nói như là một bức màn ngăn cách vô hình giữa những con người ruột thịt đang ngồi bên nhau, đã tạo nên một không khí ngột ngạt. Trong những tình huống ấy, anh thương binh dù không lành lặn về thể xác nhưng luôn có những khao khát được gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Nhưng càng tỏ ra mình là người có thể làm chồng, làm con thì nhân vật “tôi” lại càng nảy sinh mặc cảm và những sự giằng xé trong tâm hồn. Bởi xung quanh anh, cả má, cả anh và anh trai hay là người cô cũng không khác gì nhau, cũng chênh vênh và cô độc cho dù đang ngồi sát bên cạnh. Và cũng bởi tất cả mọi người đều gắng sức “chiều chuộng” mình, nên từ sâu bên trong anh luôn có một khao khát mãnh liệt là được sống như một người bình thường. Anh muốn thoát khỏi sự bức bối trong chiếc áo chật ních của đứa trẻ mà người mẹ mặc cho: “sự săn sóc của người thân, đặc biệt là sự bao bọc kĩ càng của má nhiều lúc làm tôi ngột ngạt” (Bich Ngan, 2010, p.92). Tưởng chừng sẽ hạnh phúc bên người vợ trẻ, nhưng anh đã bị vợ “dần biến thành kẻ hàm ơn, thành tên nô lệ”, sự trơ trọi và bị tách ra khỏi vai trò làm chồng, làm con của anh ngày càng trở nên cách xa hơn. Cũng nhận được tình thương từ mẹ nhưng hai chị em Chuồn Kim và Khoai Lang trong Người cha hiện đại (Trầm Hương) lại luôn khao khát có được sự gần gũi, chăm sóc của cha mình. Bởi từ ngày còn nhỏ, hai đứa trẻ tội nghiệp này đã bị cha bỏ rơi. Phải chứng kiến những giọt nước mắt và nỗi đau từ mẹ, hai chị em Chuồn Kim từ những nỗi khao khát có ba, giờ đây lại biết được tại sao mẹ lại hận ba đến như vậy. Gia đình đối với hai đứa trẻ này chỉ được vang tiếng cười khi “người cha hiện đại” của chúng trở về nhà và cùng ăn những bữa cơm. Nhưng “những ô trống thời gian” mà người cha tạo ra đã ngày càng làm cho chúng hiểu ra rằng: mái nhà dù “không nóc” nhưng chúng vẫn được tình thương của mẹ sưởi ấm. Mái nhà không “nguyên vẹn” ấy của chúng không vì những lời nói lạnh nhạt hay cử chỉ hèn hạ của “người cha hiện đại” mà lụi tàn niềm tin, niềm hi vọng tốt đẹp vào tương lai. Nhưng những bi kịch của gia đình ấy lại âm thầm đẩy vào tâm thức của hai đứa trẻ sự mất niềm tin vào tình yêu và lời hứa của người lớn, vào mái ấm gia đình mà chỉ có người mẹ một mình gồng gánh để “người cha hiện đại” của chúng đi tìm “những tình bạn đẹp”. Hơn nữa, nhà văn để cho người trần thuật mang điểm nhìn của đứa con gái là Chuồn Kim thể hiện rõ được những đặc trưng của “cái tôi chấn thương” trong tiểu thuyết. Khác với các nhân vật trên, nhà văn Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn (Dạ Ngân) lại phải đối mặt với gia đình và tổ chức khi từ bỏ mối quan hệ không tình yêu với Tuyên – người cha của hai đứa con mình. Khi Mỹ Tiệp đến với người đàn ông “sét đánh”, cả họ tộc đã lấy danh dự gia đình cách mạng để kéo cô quay trở về với gia đình “bé mọn” của cô. Đặc biệt, khi đến mối tình với nhà văn Đinh, cô đã bị cả gia tộc ruồng bỏ bằng một lá đơn “từ mặt”. Ở gia đình lớn ấy, Mỹ Tiệp phải luôn chịu đựng những sự tò mò, sự can thiệp một cách thô bạo của cô Ràng, chị Hoài, những người mà lẽ ra cô có thể bày tỏ, trải lòng. Thật khó mà đắc tội với “cái cuống nhau gia tộc lắm lúc giống như sợi thòng lọng dai dẳng, mình an phận 901
  7. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Bùi Thiện Nhân và tgk thì nó nhắc nhở, thúc giục nhưng mình muốn nhuốm chạy thì nó kéo lại, thít chặt vào hơn” (Da Ngan, 2010, p.28). Thừa nhận sự tồn tại của mình trên thế gian này chính là một điều trăn trở và gây nhiều tổn thương cho nhân vật Ân trong tiểu thuyết Sông (Nguyễn Ngọc Tư). Ân sinh ra từ cuộc tình vụng trộm của mẹ với một cậu thực tập sinh. Cùng cực của sự ruồng rẫy, cậu đã hiểu được rằng: “Bà ngoại cậu đã thất vọng đến chừng nào về sự có mặt của cậu ở giữa đời này”. Còn với người cha, với người yêu thì cậu cũng chỉ là một bước ngoặt họ gặp trên con đường đời mà thôi. Người mẹ, người mà cậu yêu thương nhất thì đối với bà cậu chỉ là người khỏa lấp sự trống trải mỗi khi bà không gặp những người đàn ông của đời bà. Và sâu trong tâm trí, cậu nghĩ “mình sống đây là vay mẹ một món nợ. Và sống đây để trả món nợ ấy” (Nguyen, 2021, p.163). Ân luôn một mình đơn độc trong chính hành trình tìm lại bản thể của mình, chấn thương của những mặc cảm về giới tính là một dạng thức chấn thương mà ta thấy rõ nhất ở nhân vật Ân. Vậy gia đình cũng không còn là sự lựa chọn quay về, là sự nhớ nhung, mong chờ khi cậu quyết định bỏ tất cả để khám phá sông Di trong một khoảng thời gian trước khi chọn cách giải thoát cuộc đời mình ở Túi. Nhìn chung, một số nhân vật trong những tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ mang những chấn thương thể xác và chủ yếu là chấn thương tinh thần trong chính gia đình của họ. Ở họ hạnh phúc là một điều xa vời, bởi họ không thể tựa vào những người thân, những người trụ cột trong gia đình mỗi khi gặp khó khăn, mà phải tự trưởng thành và bước đi trên chính đôi chân của mình. Tuy nhiên, gia đình cũng chính là nơi mà họ gắn bó, ươm mầm những ước mơ, động lực để họ chống chọi lại những sang chấn tâm lí. Trong những lúc thương tổn nhất thì cơ chế tự chữa lành là một liệu pháp khiến họ vực dậy và tiếp tục chống chọi hoặc chuyển sang một dạng chấn thương khác. 2.2. Sự chủ động thay đổi bản thân như một liệu pháp hữu hiệu của hành trình chữa lành Giai đoạn thứ ba trong liệu pháp chữa lành ba bậc được đề xuất bởi Judith Lewis Herman là trạng thái tái kết nối: “Chấp nhận quá khứ chấn thương, người sống sót đối mặt với nhiệm vụ kiến tạo một tương lai. Cô ấy đã khóc thương một cái tôi cũ đã bị chấn thương hủy diệt, và giờ cô ấy cần phát triển cái tôi mới. Những mối quan hệ của cô ấy đã bị thử thách và thay đổi vĩnh viễn bởi chấn thương, bây giờ cô ấy cần phát triển những mối quan hệ mới. Đức tin cũ mang đến ý nghĩa sống cho cô ấy đã bị thử thách, giờ cô cần tìm lại một đức tin bền vững” (Herman, 2015, p.198). Ta có thể thấy đa số các nhân vật trong năm tiểu thuyết mà chúng tôi khảo sát đều có sự chủ động thay đổi bản thân mình như một hành trình chữa lành chấn thương mà họ đã trải qua trong quá khứ hay hiện tại. Sự chủ động thay đổi bản thân của mỗi nhân vật trong Tiểu thuyết đàn bà đều bắt đầu từ việc họ thay đổi cách suy nghĩ những vấn đề đang xảy ra xung quanh cuộc sống. Với Thoa, một cô bé từ nhỏ đã không được hưởng niềm hạnh phúc, sự quan tâm từ mẹ, những niềm vui, kỉ niệm mà cô có được chỉ có từ người bà, chị Đen và Liễu. Ngày phải rời xa tổ 902
  8. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 ấm của bà Ngoại, cô đã phải sống trong cảnh xa lạ của gia đình người cha ruột. Sống trong cảnh mâu thuẫn giữa con chồng và mẹ kế, Thoa luôn có ý định muốn đi xa. Cha cô đã quyết định cho cô đi du học ở Mĩ. Nhưng vì đọc được một tờ báo Mĩ viết về sự rẻ rúng của con gái Việt Nam mà cuộc đời cô đã xoay sang một hướng đi khác. Quyết định không đi du học mà đi làm cách mạng là sự chủ động của bản thân nhưng “cũng có định mệnh can dự” nếu Thoa không gặp nhiều biến động về sau. Sau khi được thả tự do khỏi ngục tù Côn Đảo, Thoa quyết định cưới người đàn ông đã hát bài Tình ca lúc cô kiệt sức và tuyệt vọng trong tù. Thoa cũng tự mình ý thức được rằng: “mình phải tự quyết định cho dù số phận hay thế lực này nọ luôn áp đặt hay xô lệch con đường đời mình chọn” (Ly, 2011, p.209). Vì vậy, sau khi cưới được người đàn ông ấy, Thoa và anh đã sống chung năm năm đầy giông bão vì ở hai người luôn có sự xung đột về tính cách, quan điểm, cách sống đã lung lay niềm tin và điều mà cô nghĩ là tình yêu. Nghị lực mạnh mẽ cùng ý chí sắt đá bảo vệ cho tình yêu “vượt biên giới”, cuộc sống của Không Bé đã vô tình bước vào một cánh cửa mới của cuộc đời. Tự quyết định sẽ theo chồng sang Mĩ sống nhưng Không Bé cũng không thể vượt qua được những sự tủi hờn, “lí do duy nhất mà Không Bé đã viện ra khi xa má lìa quê đến một nơi xa lạ, bắt đầu cuộc đời từ con số không, là vì Ted” (Ly, 2011, p.193). Ngày cô rời bỏ quê hương, xa vòng tay mẹ, cô cứ ngỡ mọi thứ sẽ ổn nếu cô có Ted. Nhưng sau sáu năm sống cùng Ted, Không Bé không còn là một cô gái hồn nhiên thuở nào mà cô trở nên “già sọp với mái tóc bơ phờ, gương mặt hốc hác”. Những lúc tê cóng trong giá tuyết, những lúc bị kì thị, bị xúc phạm một cách cố ý hay vô tình; những lúc bơ vơ, bị gạt ra lề; những lúc buồn tủi, cô độc, giận hờn Ted sau một cuộc cãi vã với anh... Tất cả cái đó đã làm cho Không Bé trở thành một người đàn bà biết nén nỗi riêng trong lòng, bình tĩnh giữa đám đông. Nhưng sự mất tích của người mẹ ở Việt Nam như một giọt nước tràn li, Không Bé đã quyết định quay về nước để tìm mẹ dù cho Ted có xin lỗi hay cô sẽ có nguy cơ mất việc vì nói dối. Tất cả đều không còn quan trọng với cô. Sau khi mẹ con cô trùng phùng, một lần nữa cô lại chọn cách ra đi. Cô quay về Mĩ để đoàn tụ với gia đình nhỏ, với Ted – người cô vẫn còn yêu thương rất nhiều. Không giống như Thoa và Không Bé, Liễu đã bị Ngoại ép gả cho một người mà cô không yêu. Tức ngay từ lúc đầu, Liễu đã bị động trong chính hôn nhân của đời mình. Để rồi, đến lúc không thể chịu đựng được nữa, Liễu kết thúc phận sự của một người làm dâu, làm vợ của mình với quyết định li hôn chồng. Ngày cô không giành được quyền nuôi đứa con trai lớn, cũng là ngày cô nuôi chí dựng chòi ở ngã ba Sầu Đâu, hi vọng ngày ngày còn được thấy con, để cho con biết người làm mẹ như cô không bỏ con đi đâu hết. Không chịu sự ràng buộc của nhà chồng, Liễu tự do sống, làm việc và nuôi đứa con gái nhỏ. Nhưng cũng chính quyết định này mà về sau cô luôn cảm thấy ân hận, mặc cảm và có lỗi với đứa con trai lớn lên và hư đốn ngay trước mắt, trước sự bất lực của cô. Người chị gái trong tiểu thuyết Thế giới xô lệch là một mẫu người lãng mạn, tin vào tình yêu và tấm chân tình của người đàn ông mà cô đang say nắng. Sẵn sàng vứt bỏ người chồng hiền lành và đứa con trai, cô đã chọn cho mình lối đi mới để đến với hạnh phúc khác. 903
  9. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Bùi Thiện Nhân và tgk Và tất nhiên, sự trả giá của lòng không chung thủy (theo cách nghĩ của gia đình và chồng cô) là phải ra đi với bàn tay trắng và chịu sự khinh miệt của người chồng cùng với cái thai đã bỏ lại bệnh viện khi người yêu cô đã “chết”. Những đắng cay đó là đáng trách nhưng nó cũng thực sự là niềm khát khao của một người đàn bà không còn tìm thấy hạnh phúc bên chồng. Trong số tất cả các nhân vật của tiểu thuyết Thế giới xô lệch, nhân vật “tôi” là người mang nhiều tâm sự nhất. Trải qua những sự mất mát, tật nguyền, cậu Út quyết định lấy vợ. Việc thay đổi suy nghĩ: “Làm sao có thể tự tin được khi một thằng người thiếu mất hai chân mà đi cưới vợ. Làm sao tôi có thể đứng vững trên đôi chân nhựa. Làm sao tôi có thể bù đắp được sự thiệt thòi này cho người con gái chọn tôi làm chồng” (Bich Ngan, 2010, p.130) đã ăn sâu vào tiềm thức của cậu được thay bằng một quyết định táo bạo. Khi nhìn thấy hình ảnh ngón chân Giao Chỉ của người vợ tương lai, cậu đã tin rằng mình sẽ được sống một cuộc đời mới. Nhưng quyết định mang tính thay đổi một chặng đường đời, phải đối diện với yếu tố may rủi rất cao này của cậu cũng chỉ bởi lời thách thức của chị gái và lòng thương má. Quyết định lấy vợ của cậu như một hình sóng vật lí lúc đưa cậu lên tột đỉnh của hạnh phúc với tiếng kèn ác-mô-ni-ca rạng rỡ, lúc lại làm tâm trạng cậu chông chênh với những giới hạn không thể phá vỡ. Những lo âu, chờ đợi và tự oán trách bản thân đã lấn át phần hạnh phúc mà cậu đã cảm nhận lúc mới cưới. Ngày cô vợ biết chạy theo bản năng sống thấp hèn, ham mê vật chất là ngày cậu rơi vào những chấn thương tinh thần mới. Tiểu thuyết Gia đình bé mọn và Người cha hiện đại được giới phê bình nhận xét là “bản dập” cuộc đời của chính nhà văn. Nhờ có cách nhìn riêng và những khám phá, sáng tạo mới mẻ, kết quả của sự nghiền ngẫm và trải nghiệm đời sống của chính tác giả mà những nhân vật như Mỹ Tiệp, Ngọc Trầm hiện lên thật sống động. Vượt qua tất cả khó khăn của nếp nghĩ truyền thống, những người đàn bà như Mỹ Tiệp (Gia đình bé mọn) và Ngọc Trầm (Người cha hiện đại) sẵn sàng tìm kiếm hạnh phúc ở những người đàn ông đã lập gia đình. Mỹ Tiệp, một người phụ nữ mạnh mẽ, dám yêu và dám chịu trách nhiệm tới cùng vì người mình yêu. Vượt lên tất cả những đau đớn và khó khăn, cô luôn thể hiện mình là một mẫu hình phụ nữ chủ động chèo lái con đò cuộc đời, một người kiên nhẫn, ngang bướng đến lì lợm để được sống thật và sống đẹp với chính nhu cầu tinh thần của mình. Ngày cô quyết định nói sự thật với chồng là ngày cuộc đời cô rẽ sang một hướng mới với đủ mọi cung bậc sướng khổ. Việc cả gia tộc ra sức níu kéo mối quan hệ của vợ chồng cô lại càng làm cô cảm thấy ghê sợ người chồng luôn phấn đấu vì sự nghiệp mà vô trách nhiệm với vợ và con. Sau những sai lầm do chiến tranh và cuộc sống đầy đẩy đưa, cô đã vững tâm chọn cho mình một tình yêu mới, một lối sống mới. Chối bỏ cách sống theo nếp truyền thống, cô đã tự giải phóng bản thân và mạnh dạn đi tìm tình yêu cho mình. Ngày cô và Đính bắt đầu cuộc tình vào Nam ra Bắc suốt mười một năm trời cũng là ngày cô bước vào một cuộc sống với bao nỗi đau đớn, chia li và những nỗi niềm hạnh phúc riêng. Sự lựa chọn này của cô như hai đầu của cán cân, một bên là lòng tự trọng, gia tộc, tình mẫu tử còn bên kia là tình yêu với Đính. Cô phải luôn tự cân bằng chúng để không phải mất đi những giá trị sống của mình. Trải qua bao 904
  10. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 nhiêu sóng gió, cuối cùng Mỹ Tiệp cũng đã được sống trong một gia đình lí tưởng với người đàn ông mà cô đã yêu rất nhiều. Không đạt được cái kết hạnh phúc lứa đôi như Mỹ Tiệp, nhưng Ngọc Trầm lại có kết cục hạnh phúc bên những đứa con ngoan. Ban đầu, Ngọc Trầm đến với Nguyễn Sơn đơn giản chỉ vì tình yêu, một tình yêu sai trái và chẳng hợp pháp. Việc quyết định sinh con cho người đàn ông này khiến cô rơi vào những tình huống cay đắng, chua chát và phẫn nộ. Nếu ở những gia đình khác, sự ra đời của những thiên thần bé bỏng là niềm hạnh phúc nhất của những bậc cha mẹ, nhưng đối với Nguyễn Sơn đây lại là sợi dây ràng buộc hoặc giả cũng là chiếc thòng lọng siết chặt anh. Gia đình bé nhỏ này đã chết dần chết mòn trong sợi dây nhùng nhằng khó gỡ đó. Sự chết mòn là một quá trình dài miên man chạy song song cùng nỗi đau của người mẹ Ngọc Trầm. Quyết định giữ lại đứa con trai Khoai Lang và chống đỡ ngôi nhà “không nóc” đã đưa “người chồng hiện đại”, “người cha hiện đại” rời xa cô và các con. Một sự trao gửi tình cảm sai chỗ đã làm cho Ngọc Trầm đánh đổi quá nhiều thứ: công việc, lòng tự trọng, sự tổn thương. Là sự lựa chọn mâu thuẫn dù còn yêu thương Nguyễn Sơn rất nhiều nhưng cô vẫn chấp nhận để anh ra đi, theo bóng những “tình bạn đẹp” lúc những đứa con còn nhỏ hay là sự níu kéo “người cha hiện đại” của các con trở về vì chúng rất cần có một người cha để yêu thương. Sự lựa chọn ấy rốt cuộc cũng là những quyết định gây ra chấn thương tâm lí cho cả người mẹ và những đứa con thơ. Bởi, họ đã quá yêu thương một con người không cần mái ấm gia đình, con cái mà chỉ cần đạt đến đỉnh của danh vọng cùng cái “bảo hiểm cho tuổi già” bên “những tình bạn đẹp” mà thôi. Ân, trong tiểu thuyết Sông, cũng từng yêu và được Tú – một người bạn đồng giới yêu say đắm nhưng vì những ràng buộc của chữ hiếu mà Tú đã bỏ rơi cậu. Để thay đổi thói quen luôn bên cạnh Tú, cậu đã chọn cách đi sông Di vừa là để viết sách nhưng cũng là để quên đi mối tình mà cậu đã từng coi đó là “sinh mạng của mình”, là “thứ quan trọng hơn những thứ quan trọng khác”. Sự chân tình cùng sự sẵn sàng hi sinh tất cả vì người mình yêu lại càng làm Ân quyết đoán hơn trong việc lựa chọn ra đi. Ngày Ân đi cũng là ngày cậu bắt đầu vứt bỏ tất cả sau lưng “hình ảnh của cha mẹ, hình ảnh căn phòng hơi tối man mác mùi cây cỏ mà cậu đã ngủ mười bảy năm trời cũng trở nên xa vời” (Nguyen, 2021, p.93). Những ngày đi khám phá dòng sông Di là những ngày cậu chiêm nghiệm lại những mối quan hệ, những công việc đã làm và những việc đau buồn đã xảy ra trong suốt thời gian cậu tồn tại ở cõi trần. Quyết định rời bỏ thành phố cũng đã đưa cậu đến lựa chọn tự giải thoát mình ở Túi. Việc tự giải thoát mình cũng cho thấy ngoài việc thay đổi thói quen quá gắn kết và tin tưởng vào người khác, Ân còn rất quyết đoán trong việc tự định đoạt số phận của chính bản thân cậu. Như vậy, trong năm tiểu thuyết mà chúng tôi hướng trọng tâm tìm hiểu đã có: Thoa, Liễu (Tiểu thuyết đàn bà); nhân vật người chị gái, cậu Út (Thế giới xô lệch); Ngọc Trầm (Người cha hiện đại); Mỹ Tiệp (Gia đình bé mọn) và Ân (Sông) đã tự chọn cho mình một con đường đi khác, con đường không phụ thuộc vào những người đàn ông giả dối, tầm thường, vô vị, ích kỉ, không đủ yêu thương và lòng vị tha. Những nhân vật này dám trở thành 905
  11. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Bùi Thiện Nhân và tgk nạn nhân của chấn thương cũng như tự chữa lành bằng cách: dám yêu, dám từ bỏ, dám sống hết mình vì những người thân yêu và thậm chí là tự giải thoát bản thân bằng cái chết chỉ để được là chính mình. 3. Kết luận Bài viết đã trình bày một cách khái quát về thuật ngữ chấn thương, chữa lành cùng với những lí thuyết về chấn thương từ một lí thuyết của phân tâm học Sigmund Freud sang tự sự học chấn thương với những đóng góp tiêu biểu của Cathy Caruth. Từ đó, chúng tôi đã vận dụng lí thuyết của tự sự học chấn thương để tiếp cận năm tiểu thuyết tiêu biểu của năm nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI: Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Người cha hiện đại (Trầm Hương) và Sông (Nguyễn Ngọc Tư). Cùng với sự nhạy cảm của nữ giới, các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI đã xây dựng được những nhân vật chất chứa những chấn thương về cả thể chất và chủ yếu là chấn thương tinh thần. Qua đó, ta có thể thấy được thế giới nhân vật trong những sáng tác này luôn trải qua một sự song hành, đấu tranh giữa những chấn thương và chữa lành. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một song đề giữa chấn thương và chữa lành trong tiểu thuyết đương đại nói chung và tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế kỉ XXI nói riêng. Hi vọng bài viết sẽ là một gợi dẫn để chúng ta tiếp tục khai thác sâu hơn về chấn thương và chữa lành không chỉ trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ ở Nam Bộ đầu thế XXI mà còn trong nhiều tác phẩm văn học chấn thương khác. TÁC PHẨM KHẢO SÁT Bich Ngan (2010). The gioi xo lech [The world is in disarray]. Writers Association Publishing House. Da Ngan (2010). Gia dinh be mon [Small family]. Youth Publishing House. Ly, L. (2011). Tieu thuyet dan ba [Women's novels]. Culture and Arts Publishing House. Nguyen, N. T. (2021). Song [River]. Tre Publishing House. Tram Huong (2008). Nguoi cha hien dai [Modern father]. Culture and Arts Publishing House.  Tuyên bố về quyền lợi: Các tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cathy Caruth (1991). Unclaimed Experience: Trauma and the Possibility of History. Yale French Studies. Cathy Caruth (1995). Trauma: Explorations in Memory. Johns Hopkins University Press. Hoang, P. (2016). Tu dien tieng Viet [Vietnamese Dictionary]. Hong Duc Publishing House. Herman, J. L. (2015). Trauma and Recovery The aftermath of Violence from domestic abuse to political terror. Basic Books Publishing House. Lalone, S. (2018). Healing and post-traumatic growth. In Trauma and Literature Cambridge Critical Concepts (pp.196-2010). Cambridge University Press. 906
  12. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 21, Số 5 (2024): 896-907 Nguyen, T. B. (2015). Van xuoi Viet Nam sau 1975 [Vietnamese prose after 1975]. Pedagogical University Publishing House. Nguyen, T. T. (2010). Tieng noi cua cai toi bi chan thuong va tinh kha dung cua cac yeu to nhat ki, trinh tham trong tieu thuyet [The Voice of the Traumatized Self and the Applicability of Diary and Detective Elements in the Novel]. Proceedings of the International Conference Literary Frontiers. Ho Chi Minh City University of Education Publishing House. Lapera, N. (2022). How to do the work – Chua lanh sau sang chan (Ung dung Tam li hoc Toan dien de chua lanh ton thuong) [How to do the work – Healing after trauma (Applying Holistic Psychology to heal trauma)] (Translated by Bui, T. C. D.). World Publishing House. Phung, G. T., & Tran, T. K. (2016). Van xuoi the he cac nha van nu sau 1975 nhin tu dien ngon gioi, Van hoc va nu gioi (Mot so van de li luan va lich su) [Prose of the generation of female writers after 1975 viewed from gender discourse, Literature and women (Some theoretical and historical issues)]. World Publishing House. Sigmund Freud (2016). Sau xa hon nguyen tac khong doi [Deeper than the principle of constancy] (Translated by Than, T. M.). Knowledge Publishing House. Ta, Q. H., & Pham, N. T. (2007). Tu dien Thuat ngu Y khoa Anh – Anh – Viet [English - English - Vietnamese Dictionary of Medical Terminology]. Ho Chi Minh City General Publishing House. Tran, D. S., La, K. H., Phung, N. K., & Nguyen, X. N. (2012). Li luan Van hoc (tap 2) – Tac pham va the loai van hoc [Literary Theory (volume 2) – Literary works and genres]. Pedagogical University Publishing House. THE DILLEMA OF TRAUMA AND HEALING IN NOVELS BY FEMALE WRITERS IN SOUTHERN VIETNAM IN THE EARLY 21ST CENTURY Nguyen Bui Thien Nhan*, Bui Thanh Truyen Ho Chi Minh City University of Education, Vietnam * Corresponding author: Nguyen Bui Thien Nhan, Email: thiennhannguyenbui@gmail.com Received: May 07, 2024; Revised: May 20, 2024; Accepted: May 26, 2024 ABSTRACT The article provides an overview of the concepts of trauma and healing, along with the theory of trauma from the perspective of Sigmund Freud's psychoanalytic theory to the narratology of trauma, with notable contributions by Cathy Caruth. This theoretical foundation enables us to elucidate and clarify the parallel between trauma and healing in novels by female writers in the South during the early 21st century, across two aspects: 1) The family – the origin of trauma and healing; 2) Proactive self-transformation as an effective therapeutic approach in the healing journey. Consequently, the study advances our understanding of trauma and healing in trauma literature and novels by women authors in the South in the early 21st century. Keywords: early 21st century; female writers; healing; novels; trauma 907
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2