intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sương vẫn bay trên cánh đồng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

69
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Lủ nằm phía nam Hà Nội, bên bờ sông Tô, cách Ngã Tư Sở chừng hai cây số. Nhiều năm trước tôi từng ở đấy. Lúc bấy giờ nơi đây còn hoang tịch lắm. Trên nền cái nghĩa địa cổ sau làng, người ta bạt đi một góc, dựng lên mấy dãy nhà hộp. Nhưng dựng lên rồi để đấy chứ chẳng ai đến ở. Điện đóm thì bữa đực bữa cái, phập phù như ma trơi. Nước máy cũng chả hơn gì. Nhưng được cái yên tĩnh. Một sự yên tĩnh gần như tuyệt đối....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sương vẫn bay trên cánh đồng

  1. Sương vẫn bay trên cánh đồng TRUYỆN NGẮN CỦA CAO CHIẾN Lủ nằm phía nam Hà Nội, bên bờ sông Tô, cách Ngã Tư Sở chừng hai cây số. Nhiều năm trước tôi từng ở đấy. Lúc bấy giờ nơi đây còn hoang tịch lắm. Trên nền cái nghĩa địa cổ sau làng, người ta bạt đi một góc, dựng lên mấy dãy nhà hộp. Nhưng dựng lên rồi để đấy chứ chẳng ai đến ở. Điện đóm thì bữa đực bữa cái, phập phù như ma trơi. Nước máy cũng chả hơn gì. Nhưng được cái yên tĩnh. Một sự yên tĩnh gần như tuyệt đối. Chiều chiều, trong màn sương giăng mờ mờ trên cánh đồng, từ phía Ba Vì, từng đàn cò bay về đậu trắng mấy cái lô cốt bên sông, đẹp và buồn đến rợn người. Những cư dân đầu tiên của khu nhà hộp đếm trên đầu ngón tay. Hàng xóm của tôi là bác Du, giáo viên triết học. Đó là một người đàn ông gầy, hao hao giống Đông Ki Sốt. Bác ta không thuốc không rượu, nhưng nghiền trà nặng. Căn phòng ở cuối hành lang, hầu như suốt ngày đóng im ỉm. Sáng, bác ta đi thư viện sớm, ở lỳ đó đến tối. Ngày nào cũng như ngày nào. Nhiều hôm mưa gió cồn cào, mặt mũi con đường biến dạng, bác ta vẫn không tởn. Nhìn cảnh bố già lốc thốc đạp xe đi, chẳng riêng gì dân khu mới mà người trong Lủ cũng phát khiếp. Thỉnh thoảng, tôi sang phòng bác Du. Bao giờ cũng vậy, vừa bước vào nhà, tôi có ngay một cảm giác rất lạ. Sợ sợ, thích thích, rất khó tả. Giữa bốn bức tường sách, bác Du ngồi khoanh chân, ly trà bốc khói ngùn ngụt. Thấy tôi, bác ta lấy thêm cái ly mắt trâu, rót đầy, xong lại cúi đầu xuống. Cứ thế, có khi cả buổi chẳng mở miệng. Nhưng tôi vẫn thích sang đấy. Vì lẽ gì cũng chả biết. Một bữa, người đàn ông đột ngột hỏi tôi: - Này, thế giới này là gì anh biết không?
  2. Tôi bối rối lắc đầu. Bác Du xòe bàn tay, ngón rất dài, chỉ ra cửa sổ. Đêm thăm thẳm. Những hạt sao run rẩy giữa khoảng không tít tắp. Đôi mắt người đàn ông vụt sáng quắc. - Thế giới là cái gì, đố anh và tôi biết được. Thế mà có một kẻ biết tường tận về nó đấy. Để tôi mách nhé. Cái kẻ ghê gớm ấy là triết học. Nhân loại gói trong vài trang triết thôi. Hôm nay tôi bảo anh cái này là vàng, ngày mai có người lại bảo cái này không phải vàng, lẽ thường thôi, nhưng triết thì không nhé, vàng là vàng, thau là thau, rạch ròi lắm. Lại cười đấy à? Anh biết Thích Ca không? Biết hả. Ông ấy bảo: “Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn là nước trong bốn bể..!”Chao ôi, nhân tình lớn chừng nào! Bác Du lảo đảo đưa tay ôm ngực. Tôi lặng lẽ về. Giữa sân, dưới ánh trăng, cái vòi nước đang nhểu giọt tong tong. Lúc đi ngang, tiện tay, tôi vặn nghiến lại. Khu mới mỗi ngày mỗi đông, đa phần là con cái những người được chia nhà hoặc sang tên. Khoảng đất còn trống bên sông, nơi có mấy cái lô cốt, biến thành chợ. Đàn cò giạt ra bãi tha ma. Thỉnh thoảng, vào những chiều gió đổi, có vài con bay về, nhưng chỉ lảng vảng phía trên, kêu dáo dác một hồi rồi lại bay đi. Có vẻ như chúng còn quyến luyến mảnh đất thanh bình ngày nào. Hình như cái nhịp sống tưng bừng kia chẳng làm bác Du bận tâm. Sáng, bác ta vẫn đạp xe đi. Tối, như đã thành lệ, nghe tiếng cửa lách cách, các nhà vội bật ti vi. Người ta kháo: “Bố già quy lát gớm lắm, ỉa cũng theo giờ!” Đêm, bác ta thường lởn vởn bên vòi nước, hì hụi chả hiểu làm cái gì. Thiên hạ không chỉ tò mò mà còn khoái chí trước vẻ bí hiểm của người đàn ông. Mỗi khi thấy bác ta, những kẻ hiếu kỳ lại bấm nhau: “Ông ấy đi coi sách chùa!” Bọn nhóc thì nhông nhông chạy bám theo, vừa cười vừa réo ầm ĩ: “Bác Khốt Ta Bít! Bác Khốt Ta Bít!” Có đứa bạo miệng hét toáng lên: “Bác Khốt Ta Ru!” Dần dà, Du biến thành Ru. Để không lẫn lộn với cô Ru ở trong Lủ, thường, người ta gọi một cách đầy đủ là bác Khốt Ta Ru. Mấy bà sồn sồn bán cà pháo, nơi tôi thường ghé, bảo: “Ông Khốt Ta Ru nghèo nhưng tốt, ngày trước dễ ai ăn được ông ấy, gái tơ ngửa ra đấy cũng chả coi ra gì!”
  3. Một buổi sáng mùa xuân mưa lất phất bay. Tôi đi làm muộn. Dắt xe tới đầu cầu thang, tôi gặp một người đàn bà chừng ba sáu ba bẩy tuổi, không đẹp, nhưng mặt nhìn dễ ưa. Chị ta hỏi thăm bác Du. Tôi bảo bác ấy đi đọc sách. Người đàn bà thoáng tỏ vẻ thất vọng. Chị ta ghi vài chữ găm vào ổ khóa rồi đi. Đầu đuôi chỉ có vậy mà ầm cả lên. Chiều hôm ấy, vừa thoáng thấy bác Du đạp xe về ngang, mấy mụ nạ dòng đã léo nhéo: “Bác Khốt Ta Ru! Bác Khốt Ta Ru!” Rồi phá lên cười ngặt nghẽo. Bác Du cầm mảnh giấy, đứng bần thần hồi lâu. Tối đó, tôi không thấy bác ta ra canh cái vòi nước như mọi bữa. Trong đám ở cùng với tôi ở Lủ thì thằng Tuấn có nốt ruồi mũi là quậy nhất. Nghe tôi bảo bác Du có bạn gái, nó cười típ cả mắt. “Xì, cái lão Khốt Ta Ru của mày, tẩm ngẩm mà ra phết đấy!” Nó nhịu mũi chọc tôi, rồi kéo cả bọn đi. Bác Du hơi bất ngờ bởi có lẽ đây là lần đầu tiên nhà đông khách. Tay chân quýnh quáng cả lên. Tuấn lấy xị đế rót tràn các ly. Nó mời bác Du, gọi là để chia vui. - Các anh cứ tự nhiên, tôi không uống! Bác Du chối. - Cháu hỏi thật, bác cũng nói thật nhé, có lúc nào bác cảm thấy buồn không? Tuấn hỏi, tay vẫn mân mê cái ly. - Tôi... cũng bình thường. Nhưng ý anh là sao? - Ý là... cháu muốn hỏi bác gái? Bác Du ngẩn ra trong giây lát, rồi chợt hiểu, cười một cách độ lượng: - Tôi không lấy vợ! - Không lấy vợ? Tuấn kêu lên, ngó sững bác ta như nhìn ông thánh. Nó dằn cái ly, rượu đổ cả ra ngoài. Tôi cảm thấy ớn lạnh. Mấy đứa kia cũng vậy. Tuấn kéo dựng cổ áo, lẩm bẩm: “Khiếp quá! Khiếp quá!” Sau lần ấy, hễ gặp bác ta ở đâu là nó la lối ầm lên: “Lấy vợ đi bác Du ơi, sướng lắm!” Rồi lại nghiêm giọng: “Không nhanh lại cha già con cọc!” Bác Du biết thằng Tuấn không thủ ác, nhưng bị chọc mãi cũng tức. Mắng, thì nó cứ nhăn răng ra cười. Dù không rượu thuốc như bọn tôi nhưng mặc nhiên bác Du vẫn được coi là cùng hội thuyền. Tuấn bảo
  4. mọi người: “Trong hội bọn mình, tao là trưởng, còn bác Khốt Ta Ru làm phó!” Dĩ nhiên chẳng ai phản đối. Hội độc thân tồn tại được hơn một năm. Tuấn có người yêu. Rồi lần lượt những đứa khác cũng có. Thế là tan đàn xẻ nghé. Còn trơ khấc tôi với bác Du. Trống trải nhất là những chiều thứ bẩy. Tôi mượn mấy tập sách triết, đọc ngốn ngấu, nhưng chẳng hiểu gì. Đầu óc bồng bềnh như trên mây. Tôi phàn nàn với bác Du. “Đọc như anh sao mà hiểu! Phải tịnh! Tịnh rồi, mọi thứ rõ ràng ngay!” Bác Du chớp chớp mắt, bảo tôi. Sự kiện đầu tiên của hội do tôi chủ trò là sinh nhật thằng Tuấn. Như nhiều cuộc vui có tính bầy đàn, mọi người vừa uống vừa nghêu ngao, bốc lên, gõ xoong thìa ầm ĩ. Tuấn nắm tay người yêu, chỉ bác Du, thầm thì: - Bác ấy là triết gia, hội phó của bọn anh! - Bác được mấy anh chị ạ? Cô gái chúm miệng hỏi. - Tôi không lấy vợ! Bác Du tặc lưỡi. - Eo ôi! Cô gái kêu lên, tròng mắt đen mở to hết cỡ. Tôi mở nhạc. Tiếng nhạc cuốn mọi người vào cuộc vui. Tuấn ôm bồ nhảy rất dẻo. Một tay nó bỗng lòn xuống. “Nhột!” Tiếng con gái chợt ré lên. Bác Du lặng lẽ đứng dậy. Tôi bỏ ra ngoài ban công. Chẳng hiểu sao, tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì tựa như là nỗi buồn, như là bóng đêm, cái khoảng trống thăm thẳm ấy loang mãi ra. Tôi nhìn hút về phía cánh đồng. Lẫn trong gió, vẳng nghe có tiếng chim lợn kêu éc éc, buồn rợn rợn. Giữa sân, cái vòi nước rỉ è è, hẳn ai đó sau khi lấy đã quên không khóa lại. Dưới ánh trăng, chợt có bóng người loang loáng đi tới. “Bác Du!” Tôi buột miệng. Người đàn ông lượn qua lượn lại quanh cái vòi. Trong các nhà, tiếng nhạc, tiếng ti vi vẫn đang ồn ào không dứt. Chỉ nghe “choác” một tiếng khô khốc. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Lát sau, bóng bác Du đã tan vào bóng trăng. Mấy ngày sau đấy, không thấy bác Du đi làm. Có lẽ bác ta bị ốm. Tuấn hô mọi người góp tiền. Nó ù xuống chợ. Rồi cả bọn cùng sang phòng bác Du. Người đàn ông nằm thiêm
  5. thiếp, chẳng biết gì xung quanh. Tôi hoảng, gọi ầm lên. Hồi lâu, bác ta mở mắt, đầu gật gật, rồi lại thiếp đi. - Anh Du đã đỡ nhiều rồi, cứ để cho anh ấy ngủ! Một giọng phụ nữ êm ái chợt vang lên. Tôi ngỡ ngàng nhận ra người đàn bà mình gặp bữa nọ. Chị ta dùng khăn thấm chầm chậm từng giọt mồ hôi đang rịn ra trên trán người ốm, nhẫn nại và dịu dàng vô cùng. Tuấn đưa chục trứng biếu bác Du, rồi nháy cả bọn biến. - Cảm ơn mấy em! Giọng người đàn bà rưng rưng. Bác Du thoát hiểm, nhưng người vẫn xanh như tầu chuối. Một bữa, gặp tôi ở cầu thang, bác níu tay, bảo: - Bình thường chả sao, nhưng lúc đau yếu mới cảm thấy thấm. Eureka, có lẽ tôi phải lấy vợ! Một buổi tối mùa đông, sương rụng trắng đồng. Bác Du mời chúng tôi sang nhà, cười bối rối: - Tôi với chị Du có chút rượu, gọi là làm cái lễ ra mắt! Cả bọn uống lia lịa. Người đàn bà ép bác nửa ly. Giọng chị ta mềm như tơ bún: - Chị về đây làm bạn với anh Du. Đàn bà sống một mình đã khổ, nhưng đàn ông sống một mình còn khổ gấp mười. Ờ, mà các em gọi anh Du là anh chứ! Thằng Tuấn hú hú, cười ngoác tận mang tai. Nó đập tay lên đùi bác Du, gọi khẽ “Anh Du!” Rồi liếc nhìn người đàn bà làm chị ta sướng rơn. - Anh định tặng chị Du hoa gì để em lo? Tuấn tưng tửng hỏi. - Thôi, vẽ vời làm gì! Bác Du xua tay. Trong một thoáng, tôi thấy người đàn bà lặng lẽ nén một tiếng thở dài. Có lẽ, lời nói vô tình kia đã làm cho chị chạnh lòng.
  6. Mái tóc bờm xờm của Tuấn gặc qua gặc lại. Bỗng nó đứng vụt dậy, rút một cuốn sách dầy cộm trên giá ấn vào tay bác Du, nói dằn từng tiếng: - Anh phải tặng hoa cho chị. Em sẽ dạy anh. Nào, bắt đầu nhé ! Bác Du thoáng nhăn mặt. Tôi nghĩ bác ta sẽ giận cái trò quỷ của thằng Tuấn. Nhưng té ra không phải. Người học trò già khư khư ôm cuốn sách, hớn hở đi tới đi lui. Bác ta càng tập càng hăng. Mồ hôi ròng ròng vẫn không chịu nghỉ. “Tốt! Tốt!” Tuấn khen tới tấp. Còn người đàn bà thì khỏi phải nói, mặt mũi tươi rói, những vết rạn mờ mờ nơi đuôi mắt như tan biến. Đám cưới bác Du đơn giản mà vui. Chị Du mặc áo dài trắng, slip nổi gân. Chú rể bận vét, tay cài măng sét, ôm bó lay ơn to tướng tặng cô dâu. Tan cuộc, đôi uyên ương giữ cả bọn nán lại. Tự nhiên, bác Du gân cổ ông ổng “Thằng cuội ngồi gốc cây đa…” làm mọi người cười bò ra. Tôi và Tuấn đổ tại trận, về tới phòng là kềnh luôn chẳng biết trời đất gì nữa. Người ta bảo canh tàn rượu tỉnh. Không gì vui bằng lúc rượu đang say, cũng không gì buồn bằng lúc rượu tỉnh. Tầm hai ba giờ sáng, tôi chợt thức giấc. Lẫn trong tiếng gió, mơ hồ nghe có tiếng khóc. Tiếng khóc rất nhỏ, ri rỉ phía cuối cầu thang. Tôi đi lại gần và ngỡ ngàng khi nhận ra bác Du. - Kìa bác, à anh làm sao? Tôi hốt hoảng. - Trời! Nếu biết thế này từ trước thì tôi...tôi..! Bác Du nấc lên, nghẹn ngào. Thì ra bác ta đang sướng. Cái vòi nước được thay mới. Người ta còn rải đá đoạn đường vào Lủ. Chiều chiều, từng tốp công nhân xách hăng gô đảo khắp các lầu rao bán xi măng. Nhờ món cải thiện này chị Du xây được cái bể chứa nhỏ. Mười tháng sau cái đêm bác Du đứng khóc ở cuối cầu thang, chị Du đẻ cho chồng một thằng cún. Hai vợ chồng bận túi bụi. Nước thiếu, nhiều đêm bác Du phải đem xô chậu xuống vòi. Cứ bồm bộp, bồm bộp như gọi ma, có bữa tới gần sáng mới chịu tắt. Mấy mụ nạ dòng lại được dịp chì chiết: “Đáng đời! Ai bảo ham vui cho lắm vào!”
  7. Ngỡ rằng lấy vợ, có con, người đàn ông sẽ thay đổi. Ai dè bác Du vẫn chứng nào tật nấy. Tôi có cảm giác bác ta đang cố giành lại cái khoảng thời gian bị mất do việc lấy vợ. Mọi thứ ở nhà dồn hết vào một tay chị Du. Tôi chưa thấy có người đàn bà nào tốt tính như chị. Chẳng bao giờ tôi nghe chị ca thán điều gì. Chiều nào cũng như chiều nào, người đàn bà bế con đứng đợi chồng ngoài ban công. Đợi chán, lại bế vào. Trông cảnh ấy không ít kẻ bảo họ mà là chị Du thì đã cho lão ấy đi “tàu suốt” từ lâu rồi. Tuấn hậm hực ra mặt. Tôi biết nó thương mẹ con chị Du. Một bữa, vừa thấy bác Du đạp xe về, nó chặn lại mắng: - Vứt mẹ cái mớ triết của anh đi! Anh có biết mẹ con chị Du khổ chừng nào không! - Ơ! Tôi làm gì để anh mắng? Bác Du ngơ ngác. - Nói cứ như ông thánh. Hay nhỉ! Anh không biết thật hả! Chị Du thấy ồn ào ôm con chạy ra. Vốn tinh ý, chị hiểu ngay đầu đuôi câu chuyện. - Thôi, đừng ầm ĩ nữa kẻo người ta lại chê chị em mình không biết bảo nhau. Mà, mấy em mắng oan anh Du. Anh ấy đi làm chứ có đi chơi đâu! Chị Du nhỏ nhẹ bảo Tuấn. Tuấn mắc cỡ, toan bỏ đi. Tôi đưa tay cù nách thằng cún. Nó bị nhột, ưỡn lưng đái vọt cầu vồng. Nước văng tung tóe vào Tuấn. Mọi người cười ầm lên. Cơn giận nãy giờ cũng tan biến luôn. Sau lần ấy, có vẻ bác Du tỉnh ngộ, bớt hẳn thói đi sớm về muộn. Tôi giúp bác kê cái bàn áp ra ban công. Người đàn ông đọc sách rất khuya. Nhiều đêm, đã gần sáng, ghé mắt nhìn qua khe cửa, tôi thấy bác ta vẫn lúi húi viết. Nhờ trời, thằng cún cũng chịu ăn chịu chơi. Thỉnh thoảng, bác Du bế sang phòng bọn tôi, vừa đi vừa hát ư ử. - Tính toán gì cũng thế thôi. Hy sinh đời bố củng cố đời con! Lấy vợ đi các cậu! Một bữa bác ta bảo mấy đứa. Nghe vậy, Tuấn lè lưỡi, rỉ vào tai tôi, giọng nhồn nhột: “Bọn mình ráng theo anh Du!”
  8. Thời gian này, cuộc sống khó khăn vô cùng. Chẳng mấy nhà được no đủ. Tôi cũng như mọi người, ăn một bữa, nhịn một bữa, là thường. Tuấn bầy trò tập yôga. Trông nó thiền mà phát sợ, bụng thóp, mắt lờ đờ, miệng lẩm bẩm thần chú. Tối lại hò chơi bài, hò mỏi mồm chẳng ai chơi. Nó buồn, hát nghêu ngao. Tôi với những đứa khác chụm đầu tính kế, nhưng càng tính càng thấy rối. Rốt cuộc, phải rập theo sách của Tuấn, ngồi luyện đan. Vài lần, bác Du đảo qua, thấy cả bọn đang thiền, lại lẳng lặng về. Lát sau bác bê sang rổ khoai tướng. Khoai lang luộc cháy cạnh, mật chảy ròng ròng. Tôi nuốt khan trong cổ. Những đứa khác cũng vậy. Thèm rỏ dãi mà chẳng đứa nào dám cầm. “Ăn đi! Cho vui ấy mà! Tôi với chị Du ăn một mình cũng buồn, muốn các anh cùng ăn cho vui!” Bác Du vừa nói vừa lấy khoai ấn vào tay từng người. Một loáng rổ khoai hết bay. Có đứa liếm mép, trệu trạo nhai cả vỏ. Tuấn là đứa tình cảm. Bên ngoài cái vỏ xù xì cộc lốc của nó là một tâm hồn sóng gió. Một buổi chiều đi làm về, tôi thấy nó ngồi xo ro, mắt ngân ngấn như mới khóc. - Sao thế? Tôi ngạc nhiên hỏi Tuấn. - Chẳng sao cả! Lúc đi ngang chợ thấy có người mang bao gạo, ngửi thấy mùi cám thơm thơm tự nhiên chảy nước mắt. Tuấn quệt tay áo, bối rối. - Buồn cười nhỉ! Tuấn gật đầu. Bỗng nó đứng vụt dậy, nhìn xói vào mặt tôi, nói dằn từng tiếng chắc nịch: - Tao nghe nói ở trong Nam dễ sống, hay mày làm một chuyến thử thời vận xem sao. - Tao sợ! - Sợ đếch gì! Nước nổi bèo cũng nổi. Tao cũng muốn đi, nhưng người yêu bìu ríu, đành chịu. Nó quắc mắt lên. Trong đôi mắt ấy dường như ẩn chứa một nỗi buồn đau đáu. Với tôi, quả thật cho đến lúc ấy miền Nam vẫn là một nơi chốn xa xôi và bí ẩn. Nhưng tôi đếch sợ nữa. Tôi ngoéo tay Tuấn, đột nhiên cảm thấy người lâng lâng, nhẹ bẫng.
  9. Đêm chia tay, hội độc thân liên hoan to. Chị Du nấu nướng. Thằng cún cười khanh khách, lon ton đu cổ từng người. Trăng thượng tuần đổ lênh láng. Trong ánh sương mờ, lửa đuốc người đi soi ếch thỉnh thoảng cháy bùng lên, ma mị và quyến rũ lạ lùng. Lủ như người đàn bà mơ màng sau phút giây ân ái. Chưa bao giờ tôi cảm thấy Lủ đẹp đến thế. Tuấn ôm cây đàn ghi ta. Nó bập bùng hát bằng cái giọng khê khê: “Nếu ta từ biệt đất nàyđi xa khác chi từ biệt với người yêu ta..!”Bài hát “Trở về Suriento” tôi vẫn từng hát. Tôi đã dạy Tuấn. Tự nhiên người tôi run lên, nao nao rất khó tả. - Ơ! Nghe hay ra phết! Không ngờ đấy! Cô bồ Tuấn khen nức nở. Tuấn phổng mũi. Nó cào ngón tay trên mặt phím, cười ngoác tận mang tai: “Chứ sao!” Bác Du uống cạn ly rượu rồi bảo Tuấn rót thêm. Tôi đưa mắt trân trối nhìn, còn Tuấn há hốc miệng. Nó ngạc nhiên quá đỗi. - Anh nhớ nhé, đi đâu cũng đừng quên chúng tôi. Ly - Hợp âu cũng là cặp phạm trù, tồn tại theo logic của cuộc sống, phải, của một cuộc sống đời thường. Eureka, thấm thía lắm! Bác Du bảo tôi rồi quay vội mặt đi. Ly rượu trong tay bác ta run run như sắp ngã. Thời gian luân vũ. Mới đó đã mười mấy hai chục năm trôi qua. Sống ở Sài Gòn, có những chiều gió đổi, tôi một mình đi lang thang khắp các ngả phố, trong lòng quặn lên nỗi nhớ cố hương da diết. Tôi nhìn bầu trời màu xám tro và bâng khuâng tự hỏi: “Rốt cuộc thì thế giới này, cuộc đời này là cái gì?” Những lúc như thế, tự nhiên tôi lại nhớ bác Du. Tôi trở lại Hà Nội. Tất cả hầu như đã thay đổi. Đường vào Lủ trải nhựa bóng láng. Nhà cửa bát ngát hai bờ sông Tô. Khu mới từ lâu đã thành phố mới. Vợ chồng bác Du, Tuấn đều không còn ở đây. Tôi đi loanh quanh mãi. Cũng chả còn chút hy vọng nào. Thật may, có người biết Tuấn. Họ ghi cho tôi địa chỉ. Tôi đứng tần ngần hồi lâu trước dãy số nhà đánh chồng lên nhau, chẳng biết cái nào là nhà Tuấn. Thấy một người đàn bà phốp pháp đang ngồi giũa móng chân, tôi liền hỏi thăm. “Không biết!” Chị ta đáp cộc lốc. Tôi đã toan bỏ đi thì bất chợt từ ngôi nhà bên cạnh, một bóng người lao vút ra. “Tuấn!” Tôi kêu lên mừng rỡ. Trông Tuấn to béo,
  10. đường bệ như một ông chủ. Nó kéo tôi vào nhà. Lúc đi ngang qua người đàn bà, nó hất đầu chào chị ta. - Tao vừa hỏi mà mụ bảo không biết! Tôi nhăn mặt bảo Tuấn. - Xì! Ở phố nó thế! Tuấn cười. Vợ Tuấn ra chào khách. Vẫn là cô bé ngày xưa, nhưng bây giờ nom mỡ màng, hai con mà vẫn phây phây. Tôi hỏi thăm bác Du. Vợ Tuấn chớp chớp mắt nhìn chồng, hồi lâu như sực nhớ, cô hỏi lại tôi: - Có phải cái nhà triết học định không lấy vợ ấy phải không? - Ừ! - Bác ấy chết rồi! Tuấn đẩy cho tôi ly trà, nói nhanh. Hai tai tôi bỗng ù đặc. Tự nhiên, hình ảnh người đàn ông gầy gò đạp cái xe tàng tàng băng trong mưa gió cồn cào mỗi buổi sớm mai chợt tái hiện trong tôi. Sau một hồi im lặng, Tuấn rì rầm bảo: - Sau khi mày đi, Lủ bung ra dữ dội. Đất cát tăng chóng mặt. Nhiều nhà phất lên vù vù. Bác Du vẫn vậy. Trong đám mới nổi có kẻ bĩu môi: “Lão ấy hâm nặng quá, hết thuốc trị rồi!” Buổi sáng hôm ấy, bác Du ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Chẳng hiểu sao, linh tính mách bảo có điều chẳng lành, thế là tao phốc lên xe đuổi theo. Từ xa, tao thấy một cặp choai cưỡi xe máy vọt lên. Chúng đánh võng trên đường. Bất ngờ chiếc xe chồm qua ổ gà, tay lái của thằng ôn đập chát vào xe bác Du làm bác ngã xoài xuống đường. Thấy ông già bị ngã, thằng ôn có vẻ bực. Nó đứng chống chân trên xe, trợn mắt mắng: “Thằng mù!” Thấy tao chạy đến, con bé đang ôm eo nó nhoẻn miệng cười. - Chó chết! Người tôi run lên. - Uống trà đi, tức làm đếch gì. Mày biết không, cú ngã quá hiểm. Máu bên thái dương thấm ướt cả khăn. Bác Du gượng đau, bảo tao: “Anh ráng giúp tôi, thằng cún đang bị sốt. Mẹ nó bảo mua thuốc gấp. Anh cố nói khó với người ta..!” Bác lấy trong túi một tờ giấy
  11. gấp tư run run đưa cho tao. Tao đoán là cái đơn thuốc. “Anh yên tâm đi!” Tao nói rồi nhẹ nhàng đỡ bác ấy lên xích lô. Ai ngờ..! Tuấn chợt nấc lên. Nó uống liền mấy ly trà vẫn không khỏi cơn nấc. - Mình ra thăm bác Du đi! Tôi bảo Tuấn. Nghĩa địa Lủ như mảnh dù loang lổ cuối sông Tô. Tôi với Tuấn len lỏi đi giữa một rừng cột bia hoen rỉ. Tới bên một gò đất lúp xúp, nó xoè bàn tay, bảo tôi: - Bác Du nằm đây! Tim tôi chợt se lại. Tôi đốt hương cho bác Du. Bên cạnh, Tuấn quỳ hẳn xuống, vừa nhổ cỏ vừa lẩm bẩm điều gì. Hoa cải vàng rực khắp cánh đồng Lủ. Sương trút rào rào cuốn khói hương vào đất. Trong xốn xang băng khiết của hoàng hôn, tự nhiên tôi cứ có ý nghĩ bác Du vẫn đang ở quanh đâu đây. Bất chợt, Tuấn đưa mắt nhìn tôi. Trong đôi mắt mở to của nó, tôi ngỡ ngàng đọc thấy một nỗi buồn tê dại. - Sau khi bác Du chết, chị Du đã tính ở vậy nuôi con. Nhưng rồi chị ấy gặp được một người. Nghe nói ông ta rất thương thằng cún. Tuấn bảo tôi, giọng ngàn ngạt. Nó lấy trong bóp đưa cho tôi một tờ giấy ố vàng. Tôi đón lấy, cố lật thật nhẹ để những mảnh gấp khỏi lìa ra. Đó là một cái phiếu lĩnh nhuận bút đề tên bác Du. Phía sau là hàng chữ nghuệch ngoạc, có lẽ của chị Du: “Con nhộng 6 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên!” Tôi chợt hiểu. Từ khi có con, bác Du đã bỏ cái món triết của mình để cặm cụi viết bài phụ thêm chút thu nhập cho vợ. Thế mà ngày ấy, Tuấn với tôi đã mắng bác. Tôi trả Tuấn tờ phiếu, hỏi bâng quơ: - Mày giữ làm gì? - Tao cũng chẳng biết nữa. Có lẽ, một ngày nào đấy tao sẽ đưa lại cho thằng cún. Tao sẽ bảo: Tờ giấy này là của bố cháu, cháu hãy giữ làm kỷ niệm. Bố cháu và các chú đã từng có những năm tháng sống cần mẫn và vui vẻ như thế đấy!
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1