Sưu tầm truyện thơ của người Mường
lượt xem 46
download
Truyện thơ Mường là một thể loại độc đáo, phức tạp nhưng vô cùng hấp dẫn. Qua các công trình đã xuất bản, ta thấy số lượng truyện thơ Mường rất phong phú, mỗi truyện có độ dài hàng nghìn câu, được diễn nôm bằng thơ theo tiếng Mường. Qua quá trình điền dã, chúng tôi nhận thấy thể loại này có rất nhiều dị bản, ở mỗi một vùng, mỗi địa bàn cư trú và thậm chí trên một địa bàn rất nhỏ đã tồn tại nhiều các dị bản và cách kể khác nhau. Về mặt đề tài,...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sưu tầm truyện thơ của người Mường
- Sưu tầm và tìm hiểu vấn đề địa phương hoá truyện thơ "Nàng con côi" của người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình Nguyễn Huy Bỉnh(*) Truyện thơ Mường là một thể loại độc đáo, phức tạp nhưng vô cùng hấp dẫn. Qua các công trình đã xuất bản, ta thấy số lượng truyện thơ Mường rất phong phú, mỗi truyện có độ dài hàng nghìn câu, được diễn nôm bằng thơ theo tiếng Mường. Qua quá trình điền dã, chúng tôi nhận thấy thể loại này có rất nhiều dị bản, ở mỗi một vùng, mỗi địa bàn cư trú và thậm chí trên một địa bàn rất nhỏ đã tồn tại nhiều các dị bản và cách kể khác nhau. Về mặt đề tài, "Truyện thơ xoay quanh hai mảng đề tài lớn: thứ nhất là truyện về những người nghèo khổ; thứ hai là truyện về tình yêu, hôn nhân"(1). Truyện thơ Nàng Con Côi - một truyện thơ dân gian Mường mà chúng tôi trình bày ở đây thuộc đề tài thứ nhất. Truyện do nghệ nhân Bùi Thị Khỏn, 70 tuổi ở xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình hát, kể bằng tiếng Mường và do bà Bùi Thị Thi, 37 tuổi, Trưởng ban Văn hoá xã dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm được kể lại dưới dạng thơ, nhưng khi dịch nôm, chúng tôi chỉ được nghe lại bằng văn xuôi, mặc dù vậy vẫn có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung và chi tiết cũng như tinh thần của truyện. 1. Tóm tắt và giới thiệu nội dung của truyện thơ Nàng Con Côi Nội dung truyện thơ Nàng Con Côi của dân tộc Mường ở Hoà Bình kể về một người con gái từ khi mẹ mất đi, cô sống với cha và hai mẹ con bà mẹ kế, cha đi việc quan giao lại mọi việc cho vợ và hai con. Một hôm, sắp đến ngày hội, người mẹ kế bảo hai đứa con đi bắt cá, đứa nào bắt được nhiều thì sẽ được thưởng một chiếc áo mới. Trong khi cô em mải mê vui chơi, thì nàng Con Côi cặm cụi từ sáng đến trưa và bắt được một giỏ tép đầy. Người em gọi Con Côi về và bảo người chị bẩn, chị nên lội xuống tắm không về mẹ mắng chết. Ở trên bờ, người em trút hết tép của Con Côi sang giỏ mình. Bà mẹ kế thấy Con Côi không xúc được con tép nào nên quát mắng. Hết việc quan người cha sắp trở về, người mẹ kế bảo hai đứa con, đứa nào thương bố thì khóc nhiều nước mắt, còn không có nước mắt chứng tỏ không thương bố. Con Côi lâu ngày không thấy bố nên rất nhớ thương, nàng khóc nước mắt xối xả, còn em thì không được một giọt nước mắt nào. Mụ dì ghẻ thấy vậy đem đổi chậu nước mắt của Con Côi sang cho cô em. Khi người bố về bà nói với ông, Con Côi không hề thương nhớ ông và tìm mọi cách đuổi Con Côi vào rừng. Người cha mang Con Côi đến đồi tranh nàng đã biết, đến đồi mít nàng đã vào, lên đồi cao nàng đã tới, lên rừng lim, rừng sến thì chưa bao giờ nàng tới đây. Người cha chặt gỗ dựng nhà rồi bỏ đi, trong khi Con Côi đang mải đào hố lấy nước và không hề hay biết. Con Côi ở lại trong rừng, nàng rất sợ hãi và buồn bã, bèn đốt lửa cho ấm và để vơi đi nỗi sợ hãi. Hôm ấy, có một nhà Lang và toán người đi săn, họ thấy có ánh lửa giữa rừng sâu nên tìm đến xem sao. Nhìn thấy Con Côi xinh đẹp, dịu dàng, nhà Lang cảm mến xin vào ở nhờ, hai người quen biết rồi yêu thương nhau. Mặc dù Con Côi ăn mặc
- rách rưới, địa vị thấp hèn nhưng nhà Lang luôn gọi là Nàng và cũng từ đó mà có tên là Nàng Con Côi. Khi đã nên vợ nên chồng, Con Côi thấy trong lòng thương cha, trong dạ nhớ nhà muốn về thăm cha mẹ và em, nhưng không biết lối nào mà thăm, không biết đường nào mà viếng. Nhà Lang cho nàng hạt bầu, nàng gieo xuống đất dây bầu lan ra, nó leo qua rừng xanh, bò qua gành đất đỏ đến tận nhà cha nàng. Người cha thấy lạ quyết đến tận gốc bầu xem thực hư ra sao, đến nơi hai cha con gặp nhau, Con Côi mời bố vào nhà tiếp đãi những đồ quý và ngon nhất. Bà mẹ kế nghe chồng kể về cuộc sống sung túc của Con Côi thì muốn đến xem sao, bà giả làm người bán bồ, bán cót đi qua nhà Con Côi. Con Côi nghe tiếng rao, nhận ra là dì đến. Nàng mời vào nhà tiếp đãi những đồ thừa thãi dành cho những người thấp hèn. Khi dì ghẻ về, nàng làm hai gói quà, gói nhỏ cho bố là gói cơm, gói thịt; gói to cho mẹ kế và em là sâu bọ, ong và rắn rết. Bà mẹ kế về đến nhà đưa gói quà nhỏ cho chồng, còn mình và con gái bỏ ra ăn thì bị rắn rết và sâu bọ cắn. Từ đó, dì ghẻ rất thù Con Côi, hơn nữa, bà rất muốn con mình được chung sống với nhà Lang nên đã kiếm chuyện đặt lời báo tin cho Con Côi, là bố nàng ốm đỏ như vang, vàng như nghệ để dụ nàng về thăm. Khi Con Côi về nhà dì ghẻ đặt mưu bắt cha nàng giả nằm ốm và nói rằng bố con muốn ăn quả quýt cành cao, muốn ăn quả đào trái vụ. Dì ghẻ lừa cho Con Côi trèo lên cành cao nhất để hái quýt rồi lấy dao đốn gốc chặt cây. Mặc dù Con Côi van xin và vứt xuống cho dì quần áo, vàng bạc để dì tha cho, người dì đã nhận lấy nhưng vẫn không tha. Con Côi bị rơi xuống hố sâu, nhưng nàng không chết. Sau đó, nhờ có tiếng sáo ôi, nàng đã được chó ngao, bầy khỉ, đàn vượn và chim muông đưa lên khỏi hố. Nàng trở về và kể lại mọi chuyện với nhà Lang. Dì ghẻ tưởng rằng Con Côi đã chết ở dưới hố sâu, bèn lấy quần áo của Con Côi cho con gái mình mặc và về làm vợ nhà Lang. Khi em gái Con Côi đến nhà Lang, nhà Lang nói bây giờ ai vào trong bếp nhà ta, ta bảo lấy thịt mà lấy được thịt, ta bảo lấy cá mà lấy được cá thì chứng tỏ người ấy là vợ ta. Em Con Côi vào bếp lấy thịt thì được cá, lấy cá thì được thịt. Còn Con Côi vào bếp lấy gì được ấy. Người em hỏi Con Côi chị ăn gì mà khôn, chị uống nước gì mà trắng? Nàng trả lời chị ăn khoai ngứa chị khôn, chị nấu nước sôi chị tắm chị trắng. Nghe vậy, người em sai đàn vượn đi đun vạc nước sôi, đàn khỉ nấu nồi nước nóng rồi nhảy vào vạc nước nóng và bị chết. Sau đó đàn khỉ mang người em đi nướng, đàn vượn mang đi chua. Dì ghẻ đến nhà thăm con gái, Con Côi lấy thức ăn trong đó có cả thịt con dì ghẻ ra mời, thịt chua dì thích, thịt nướng nấu chuối làm canh dì khen ngon lành. Dì ghẻ ra về, Con Côi sai người gói thịt lợn gửi về phần bố, đùm thịt chua là phần của dì. Về nhà dì ghẻ đưa phần quà cho đứa con nhỏ. Đứa bé bỏ ra ăn và nói hình như là tay chị, bỏ nữa ra lại nói hình như là chân chị. Có con quạ bay qua và kêu: Bà lão ơi!
- Bà lão ăn thịt con, bà có thấy ngon không? Dì ghẻ nhận ra đó là thịt con gái mình thì ăn chẳng nên ngon, uống chẳng nên uống và lăn ra chết. Nhân vật người Con Côi trong truyện thơ Mường có một số phận, một cuộc sống chứa đựng rất nhiều yếu tố hiện thực, nó gần gũi cuộc sống thường nhật. Thể thơ được sử dụng thanh thoát, ngắn gọn và in đậm dấu ấn dân gian với chất liệu của tục ngữ, ca dao, dân ca... Hiện nay, truyện thơ Nàng Con Côi đã được ghi chép, sự ghi chép này thông qua nhiều bản kể khác nhau nhằm tạo ra một văn bản thành văn tương đối hoàn chỉnh. "Nhưng dù cho được thành văn sớm hay muộn thì toàn bộ kho tàng truyện thơ, không có ngoại lệ, đều mang rất đậm tính chất của văn học dân gian".(1) 2. So sánh với bản kể truyện thơ Nàng Con Côi do Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân sưu tầm, xuất bản Trên đây là tóm tắt nội dung truyện Nàng Con Côi chúng tôi đã tiến hành sưu tầm khảo sát ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Để có một cái nhìn rõ hơn về cốt truyện này, chúng tôi so sánh với truyện thơ Nàng Con Côi đã được Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân sưu tầm và xuất bản trong cuốn Truyện thơ Mường.(1) Về lối kể truyện, trong truyện thơ Mường nói chung và truyện Nàng Con Côi nói riêng bao giờ mở đầu cũng có phần dẫn dắt câu chuyện. Đối với truyện Nàng Con Côi,cách dẫn dắt này ngắn gọn và đơn giản: Du du la du Du du la diện Kể chuyện dì ghẻ Con Côi... Cho dù phần dẫn dắt câu chuyện này dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp nhưng chắc chắn một điều là gây được chú ý mạnh mẽ của người nghe, mặt khác cũng có thể sẽ tạo cảm hứng cho người kể chuyện. Phần này ở hai văn bản là tương đối thống nhất. Phần nội dung ở cả hai văn bản đều nói về hình ảnh Con Côi xinh đẹp, nết na, chịu khó nhưng lại bị ghét bỏ và đối xử tàn nhẫn, rồi nàng bị đưa vào rừng sâu. Khi gặp được nhà Lang, hai người lấy nhau. Người cha tìm đến thăm Con Côi, sau đó người mẹ kế cũng tìm đến thăm nàng và khi trở về bà nghĩ kế hãm hại Con Côi. Con Côi thoát chết, nàng được đoàn tụ cùng chồng. Dì ghẻ và cô em gái độc ác đã phải nhận lấy cái chết. Xuyên suốt nội dung truyện thơ Nàng Con Côi qua hai bản kể của người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình và văn bản trong tập Truyện thơ Mường là tương đối giống nhau. Điều này cho thấy nội dung câu chuyện này mang tính phổ biến và được lưu truyền ở nhiều nơi. Song, đi sâu tìm hiểu từng chi tiết, từng đoạn chúng ta có thể nhận thấy có những sự khác biệt. Ở phần mở đầu truyện thơ Nàng Con Côi do Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân sưu tầm có đoạn: Khi người bố đi việc quan giao cho hai mẹ con ở nhà mắc vải và dặn lại rằng người nào dệt hay thì để, người nào dệt dở thì thay. Dì ghẻ lập mưu bảo Con Côi chăn trâu vào trong rừng sâu, ở nhà bà dệt nên tấm vài nhiều
- màu, tấm khăn ngũ sắc. Khi bố về, thấy Con Côi không dệt được tấm vải nào, đã nghe lời dì ghẻ đưa Con Côi vào rừng sâu để cho học làm nương, làm rẫy, học trồng dâu nuôi tằm. Đoạn này không có chi tiết kể về hai chị em Con Côi đi xúc tép, hay là chi tiết hai chị em khóc để tỏ lòng thương nhớ cha và cũng không có chi tiết dì ghẻ đổi hai chậu nước mắt như trong bản kể chúng tôi sưu tầm ở Hoà Bình. Trong bản kể của người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình có chi tiết hai bố con Con Côi dừng lại trên một quả đồi, người cha chặt cây làm nhà rồi bỏ đi trong khi Con Côi còn đang mải đào giếng nước. Hoặc đoạn kể khi Con Côi bị rơi xuống hố sâu. Trong truyện thơ Nàng Con Côi, bản do Minh Hiệu và Hoàng Anh Nhân sưu tầm, xuất bản, lại kể rằng người em gái Con Côi và dì ghẻ đã đến nhà Lang trước khi Con Côi trở về và đoạn này miêu tả rất kỹ sự sợ hãi của cô em gái, chứ không phải là chi tiết Con Côi về đến nhà trước, hay chi tiết nhà Lang bảo hai người vào trong bếp lấy đồ ra, ai lấy được đúng là vợ... Ở phần kết thúc truyện, văn bản truyện thơ Nàng Con Côi mà chúng tôi sưu tầm ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình còn có đoạn ghi người mẹ kế đến thăm con gái trở về, đứa con nữa của bà mới biết nói, mở gói quà ra bảo hình như là tay của chị, mở tiếp gói nữa nó lại nói hình như là chân của chị. Nhưng không thấy có đoạn kể khi mang dì ghẻ chôn trên đồi thì đồi hoá đá, chôn nương rạ thì nương rạ nước sâu, phải đi qua suối, phải lội qua khe đem chôn vào ruộng khoai và các bản lấy khoai về đốt lên, nồi khoai sôi thì có tiếng kêu oán trách trong đó như trong văn bản của Minh Hiệu và Hoàng Anh Nhân sưu tầm, mà chỉ kể cái chết của dì ghẻ là kết thúc truyện. Như vậy, qua sự đối chiếu giữa truyện đã được văn bản hoá và đã qua sưu tầm chỉnh lý của Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân với truyện Nàng Con Côi mà chúng tôi sưu tầm ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Chúng tôi nhận thấy bản kể ở Hoà Bình có các chi tiết phức tạp hơn, do vậy, số lượng câu thơ cũng có phần phong phú hơn. Chính sự khác nhau của các cốt truyện cho thấy truyện vừa mang những đặc điểm chung, đồng thời cũng thể hiện những đặc điểm riêng qua đó phản ánh tính dân tộc, bản sắc văn hoá và điều kiện xã hội của từng vùng. 3. Tìm hiểu vấn đề địa phương hoá truyện thơ Nàng Con Côi ở vùng Lạc Sơn, Hoà Bình Qua quá trình điền dã, chúng tôi nhận thấy hiện nay vẫn còn một dấu tích lưu lại việc địa phương hoá từ truyện Nàng Con Côi. Ở gần chợ Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình có một quả đồi mà người ta cho rằng đó là nơi người cha đã chặt cây làm nhà cho Con Côi ở khi bị đưa vào rừng nên vẫn thường gọi đồi đó là đồi Con Côi, trên đó có ngôi đền thờ bà Chúa Thượng ngàn. Bên cạnh quả đồi có một giếng nhỏ (hiện nay chỉ còn là một vũng nước), người dân địa phương cho rằng đây là giếng mà Con Côi đào lấy nước khi ở trong rừng nên gọi là giếng Con Côi. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường bắt gặp những hiện tượng địa phương hoá kiểu như vậy. Như những địa danh thờ cô Tấm ở Bắc Ninh và Hưng Yên theo truyện Tấm Cám, địa danh núi Tản gắn với thần thoại về Sơn Tinh, làng Phù Đổng gắn
- vớitruyện Thánh Dóng, địa danh đá vọng phu theo truyện Hòn Vọng Phu hiện có ở nhiều nơi, như Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bình Định. Qua đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, hiện tượng địa phương hoá các truyện dân gian là một hiện tượng phổ biến, nhưng cũng rất ly kỳ và phức tạp. Đối với truyện Nàng Con Côi,việc địa phương hoá này có ý nghĩa rất to lớn đối với kho tàng văn hoá dân gian người Mường ở vùng Lạc Sơn, Hoà Bình, bởi vì không phải bất kỳ truyện dân gian nào cũng được địa phương hoá, nhất là những truyện cổ tích hoặc truyện mang dáng dấp của truyện cổ tích như truyện thơ Nàng Con Côi, mà chỉ có ở những truyện thật sự nổi tiếng, được nhân dân lưu truyền rộng rãi và mang một ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc đối với cộng đồng dân cư vùng, miền đó. Ngoài ra, tính chất địa phương hóa còn tuỳ thuộc vào việc địa phương đó có những địa danh gần gũi, phù hợp với nội dung của câu chuyện hay không, ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình đã đáp ứng được những yêu cầu đối với với truyện thơ Nàng Con Côi. Có một điều là ở bất kỳ nơi nào xảy ra quá trình địa phương hoá nhân vật trong tác phẩm thì chắc chắn nơi đó đã từng có rất nhiều dị bản và có mật độ lưu truyền rộng rãi. Truyện Nàng Con Côi cũng là một truyện nằm trong điều kiện đó. Chính vì vậy, ta có thể khẳng định quá trình địa phương hoá cốt truyện Nàng Con Côi là một minh chứng sống động biểu hiện sự tồn tại và lưu truyền của câu chuyện, qua đó cho chúng ta một cái nhìn đa chiều về không gian xã hội học văn học trong việc lưu truyền và gìn giữ các tác phẩm văn học dân gian, cũng như ảnh hưởng của nó đối với đời sống cư dân Mường tại đây. Quá trình địa phương hoá các tác phẩm văn học dân gian là một quá trình vô cùng phức tạp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng theo chúng tôi nó có thể được hình thành theo hai hướng sau: Thứ nhất là xu hướng địa phương hoá, cụ thể hoá: Xuất phát từ một địa phương đã có sẵn những yếu tố hiện thực để hình thành nên câu chuyện, như vậy địa phương này là nguồn gốc ban đầu của truyện. Nhưng đối với truyện Nàng Con Côi, đây là một việc rất khó xác định bởi đã có rất nhiều câu chuyện ở nhiều địa phương khác nhau có nội dung tương tự như những địa bàn khác nhau, trong đó một số địa phương lưu truyền từ lâu đời, trên những địa bàn khác nhau, trong đó một số địa phương cũng có hình mẫu tồn tại trong truyện, do vậy về mặt thời gian và không gian ra đời của truyện cũng là một yếu tố rất khó xác định. Hiện nay, những địa phương lưu truyền truyện thơ Nàng Con Côi đều cho rằng truyện này được xuất phát từ địa phương mình. Nhưng để khảo sát một cách khoa học và để tìm ra gốc tích ban đầu của truyện là một việc làm không đơn giản. Hoàng Anh Nhân trong Truyện thơ Mường đã nhận xét: "Truyện Nàng Con Côi có nhiều nơi kể thành văn xuôi, có nơi kể một đoạn văn xuôi lại chen vào một đoạn văn vần, cũng có nơi lại kể hoàn toàn thành văn vần. Đã có trường hợp trong một chòm có hai ba truyện Con Côi, đồng bào gọi là Con Côi đi đầy, Con Côi nuôi cá, Dì ghẻ Con Côi... cũng cốt truyện nhưng chia làm hồi một, hồi hai..."(1). Điều này cho thấy ở dân tộc Mường truyện Nàng Con Côi được lưu truyền bằng nhiều dạng văn bản khác nhau, có rất nhiều kiểu kết cấu, từ tên truyện đến cách phân bố theo chương, hồi... bởi nó tuỳ thuộc vào vùng lưu truyền hoặc do người kể.
- Thứ hai là xu hướng khái quát hóa: Truyện Nàng Con Côi đã được lưu truyền, phổ biến ở nhiều địa phương khác nhau nhưng khi được lưu truyền đến vùng, miền hoặc địa phương nào đó đã tồn tại sẵn những địa danh gần gũi và phù hợp với nội dung của truyện thì tại đó nó sẽ được địa phương hoá một cách mạnh mẽ và địa danh ấy sẽ được gắn liền với nội dung cốt truyện, đồng thời truyện cũng dần dần thu hút, bổ sung những yếu tố mới ở các địa phương khác nhau để hình thành nên những cốt truyện dân gian mang tính phổ biến và trở thành tài sản chung của mọi người, mọi miền đất nước. 4. Kết luận Thông qua việc tìm hiểu truyện thơ Nàng Con Côi của dân tộc Mường, chúng tôi muốn khẳng định những mặt sau: Truyện thơ Nàng Con Côi của Hoà Bình nằm trong hệ thống truyện thơ Mường, nhưng qua việc đối chiếu với văn bản do Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân sưu tầm, xuất bản ta thấy rõ ở mỗi bản kể lại có những chi tiết mang dáng dấp riêng của nó, mỗi dị bản, câu chuyện sẽ được thêm bớt một cách có chủ ý cho phù hợp với tâm lý cư dân từng địa phương cũng như địa danh của từng vùng. Đây chính là đặc trưng địa phương hoá của tác phẩm dân gian. Quá trình khảo sát việc địa phương hoá truyện thơ Nàng Con Côi ở vùng Lạc Sơn, Hoà Bình, cho thấy tại đây đã tồn tại sự lưu truyền rộng rãi và sâu sắc câu chuyện này trong đời sống của người dân. Mặt khác, cũng chứng tỏ rằng vùng đất này đã có một bề dày văn hoá dân gian tồn tại. "Ở đây, tín ngưỡng nguyên thuỷ, sự giải thích thiên nhiên, việc lịch sử hoá các hiện tượng tự nhiên, sự chắp nối thêm một câu chuyện thế sự, việc sử dụng từ nguyên học dân gian để giải thích tên gọi đã làm nên một câu chuyện nhiều tầng nhiều lớp"(1). Đối với truyện thơ Nàng Con Côi, khi khảo sát và sưu tầm, chúng tôi cũng nhận thấy rằng số người còn nhớ và kể chuyện ở địa phương này không còn nhiều. Chủ yếu là các ông mo, hoặc những người quan tâm đến việc cúng bái và các nhà nghiên cứu của địa phương, hoặc số khác nữa là những người già từ 60 tuổi trở nên, nhưng số lượng này là rất ít. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, việc sưu tầm, xuất bản để lưu giữ lại những giá trị văn hoá dân gian giờ đây cần phải được tiến hành và phải được coi trọng hơn nữa.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn