Tài liệu bồi dưỡng chuyên môn Nghiệp vụ luật sư về bộ quy tắc và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Dành cho học viên)
lượt xem 8
download
Tài liệu bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư về bộ quy tắc và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Dành cho học viên) gồm các nội dung chính như sau: Những vấn đề chung của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Quan hệ của Luật sư với khách hàng; Quan hệ đồng nghiệp của luật sư; Quan hệ của luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tài liệu bồi dưỡng chuyên môn Nghiệp vụ luật sư về bộ quy tắc và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Dành cho học viên)
- TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ LUẬT SƯ VỀ BỘ QUY TẮC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM (DÀNH CHO HỌC VIÊN) CHUYÊN GIA: Luật sư Lê Nết - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh 1
- MỤC LỤC STT Nội dung Tác giả Trang 3-26 1 CHUYÊN ĐỀ 1: Những vấn đề Luật sư Lê Nết chung của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế 2 CHUYÊN ĐỀ 2: Quan hệ của Luật sư Lê Nết 27-84 Luật sư với khách hàng 3 CHUYÊN ĐỀ 3: Quan hệ đồng Luật sư Nguyễn Minh Tâm 85-125 nghiệp của luật sư 4 CHUYÊN ĐỀ 4: Quan hệ của Luật sư Nguyễn Minh Tâm 126-143 luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác 2
- CHUYÊN ĐỀ 1 Những vấn đề chung của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế I. Abstract / Bản tóm tắt Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Để trở thành một luật sư và trong suốt quá trình hành nghề, bản thân luật sư phải luôn rèn luyện được đức tính độc lập, trung thực, khách quan, nhiệt tình trong công việc và trách nhiệm. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư. 1.1. Mục tiêu: (i) Giúp các luật sư có cái nhìn tổng quát về vị trí, vai trò của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (gọi tắt là Quy tắc); (ii) Nâng cao ý thức tự giác của luật sư trong việc chấp hành các nghĩa vụ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề và trong giao tiếp xã hội; Giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của nghề luật sư, góp phần xây dựng và củng cố sự tin cậy trong xã hội đối với nghề luật sư ở Việt Nam. (iii) Xác định vị trí vai trò của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, đồng thời nêu cao ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng để tạo lập được niềm tin của khách hàng, cộng đồng, xã hội và của nhà nước. 1.2. Đối tượng sử dụng Tài liệu được sử dụng cho giảng viên và học viên của lớp bồi dưỡng về Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể là nguồn tham khảo cho các luật sư đang hành nghề. 1.3. Tóm tắt nội dung chính Cho đến nay, về mặt khoa học pháp lý, chưa có một định nghĩa chính thức mang tính chất kinh điển về khái niệm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Trong nhiều bài viết, tham luận về vấn đề đạo đức nghề nghiệp luật sư, mỗi tác giả cũng đưa ra quan niệm của mình về vấn đề này bằng cách tiếp cận dưới các góc độ khác nhau. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua cũng không đưa ra một định nghĩa về quy tắc đạo đức nghề 3
- nghiệp luật sư. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của Quy tắc, có thể đưa ra một định nghĩa chung về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như sau: “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là những quy tắc xử sự được thể hiện dưới hình thức văn bản chứa đựng những quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành để điều chỉnh hành vi của các thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội”. Trong đời sống thường nhật, luật sư tham gia vào các quan hệ xã hội, các quan hệ nghề nghiệp, trong đó có các quan hệ tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động, hành chính. Trong các quan hệ tố tụng nêu trên lại diễn ra nhiều loại quan hệ giữa các chủ thể khác như: quan hệ giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng qua các giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; quan hệ với khách hàng, với những người tham gia tố tụng khác, quan hệ với đồng nghiệp, v.v.. Với tư cách một chủ thể tham gia trong các quan hệ, luật sư có những quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý luật sư phải tuân thủ và nếu vi phạm sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo các chế tài đã được luật hóa. Tuy nhiên, trong các quan hệ nêu trên, vẫn còn có những trường hợp, tình huống nảy sinh trong thực tiễn giao tiếp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật mà thuộc phạm trù đạo đức và ứng xử nghề nghiệp phải được điều chỉnh bằng các quy định đạo đức tương ứng. Đó là các quy định về căn cứ, chuẩn mực đã được xác định trong bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Các quy định này cũng hàm chứa các nghĩa vụ đạo đức mang tính chất cấm đoán hay bắt buộc luật sư phải tuân thủ hoặc các quy phạm mang tính chất khuyến khích luật sư áp dụng trong quá trình hành nghề cũng như trong lối sống, giao tiếp khi tham gia các quan hệ xã hội khác. 1.4. Thực tiễn tại Việt Nam Đạo đức nghề nghiệp luật sư đặt trong quan hệ với các quy định của pháp luật hiện nay cũng có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, một khi vi phạm pháp luật thì đồng thời cũng là vi phạm đạo đức, trong đó bao hàm cả vi phạm về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Cũng có những góc nhìn khác, cho rằng pháp luật và đạo đức là hai phạm trù độc lập, riêng biệt nhau. Do vậy, để đánh giá một hành vi có vi phạm đạo đức hay không thì phải tìm những quy phạm đạo đức để làm căn cứ xác định. Không thể lấy quy định của pháp luật để làm căn cứ xác định một người vi phạm về đạo đức nói chung, hay đạo đức nghề nghiệp nói riêng. 4
- Vi phạm của luật sư trong hành nghề thể hiện với nhiều hình thức. Không ít trường hợp, Luật sư do ít quan tâm nghiên cứu các quy định về luật sư, không học tập quán triệt về đạo đức nghề nghiệp Luật sư nên khi hành nghề xảy ra vi phạm. Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức là hệ thống các quy định, quy tắc với rất nhiều nội dung khác nhau, bao gồm các quy phạm cấm đoán, quy phạm bắt buộc, quy phạm tùy nghi chọn lựa ứng xử… đôi khi các quy tắc cũng khó hiểu, khó nhớ hết. Để hành nghề đúng quy định, luật sư phải chịu khó nghiên cứu, quán triệt để nắm thật vững tất cả các quy định, quy tắc này. Thế nhưng, trên thực tế có rất nhiều Luật sư không quan tâm tìm hiểu, cập nhật nên dẫn đến việc vi phạm trong hành nghề. Có những Luật sư khi tham gia hoạt động nghề nghiệp, nhận vụ việc từ khách hàng là những người thân quen, hoặc do tin tưởng quá mức nên chủ quan không xác lập hợp đồng dịch vụ pháp lý đúng quy định, hoặc thỏa thuận nhận thêm thù lao do nhiều công việc phát sinh thêm nhưng không ký phụ lục điều chỉnh thù lao, ghi nhận công việc phát sinh, dẫn đến vi phạm. Xét bản chất, trong quan hệ này Luật sư bỏ công sức cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, việc thực hiện công việc và nhận thù lao là theo thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên. Nhưng do không tuân thủ quy định về ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản nên vi phạm. Có những Luật sư cố ý vi phạm, biết sai nhưng động cơ tư lợi nên vi phạm. Ví dụ, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư nghiêm cấm luật sư “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Luật sư nào cũng biết, cũng hiểu về quy định cơ bản này. Nhưng trên thực tế không ít trường hợp luật sư biết mà vẫn vi phạm do tư lợi cá nhân. Một số luật sư lợi dụng mạng xã hội với động cơ, ý đồ xấu, không chính đáng, đăng tải những nội dung bài viết, hình ảnh, đoạn video có nội dung sai trái, xâm phạm uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức khác, xâm phạm lợi ích cộng đồng, thậm chí xâm phạm đến an ninh chính trị đất nước. Thời gian qua có nhiều đơn thư của cá nhân, tổ chức phản ánh về hiện tượng này. Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xử lý một số trường hợp Luật sư vi phạm về quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc sử dụng truyền thông, mạng xã hội. Trong một số trường hợp, sự ràng buộc cứng nhắc của pháp luật, sự quy định chưa thật sự hợp lý dẫn đến vi phạm của Luật sư. Ví dụ, vấn đề hứa thưởng giữa Luật sư với khách hàng hiện nay không được chấp nhận. Từ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư nói trên, giữa Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư với khách hàng không được thỏa thuận hứa thưởng. Luật sư thỏa thuận 5
- hứa thưởng, nhận tiền hứa thưởng thì bị xem là vi phạm, nếu bị phát hiện, bị khiếu nại, tố cáo thì có khả năng phải chịu chế tài kỷ luật.1 1.5. Luật sư với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nói: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”. Tấm gương đạo đức của Bác luôn là những bài học quý giá đối với nhân dân Việt Nam nói chung và giới luật sư Việt Nam nói riêng. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức được nêu ra là phù hợp với từng đối tượng, hơn nữa Người nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất khác là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ nhất định. Từ đó Người đã khái quát thành những phẩm chất chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới. Một trong các phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập là “Trung với nước, hiếu với dân”. Về quan hệ đạo đức thì mối quan hệ của mỗi người với đất nước mình, với nhân dân, dân tộc mình là mối quan hệ lớn nhất. Về phẩm chất đạo đức thì trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất. Trung, hiếu là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông đã được Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào nội dung mới. Trước kia là trung quân, là trung thành với vua; trung thành với vua cũng có nghĩa là trung thành với nước, vì vua với nước là một, vua là nước, nước là nước của vua. Còn hiếu thì chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình là con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Tư tưởng trung với nước, hiếu với dân của Hồ Chí Minh không những kế thừa giá trị của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, mà còn vượt qua những hạn chế của truyền thống đó. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nước ở đây là nước của dân, còn dân lại là chủ nhân của đất nước. Giá trị đạo đức này đã được Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thừa hưởng và được đề cập ngày ở Điều đầu tiên của bộ quy tắc khi quy định rằng: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Người luật sư trong thời kỳ mới “hiếu với dân” là luật sư bằng tri thức, phẩm chất của mình sẽ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Còn việc “trung 1 Nguyễn Thế Phong, “Đôi điều suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp Luật sư”, https://lsvn.vn/doi-dieu-suy-nghi-ve- dao-duc-nghe-nghiep-luat su1640404299.html?fbclid=IwAR2XKPGTr5gjYGasQzseaYnL7rVgVny57DepLVy8oyy0tq0tdcT6aGet05M, truy cập ngày 20/03/2022. 6
- với nước” của luật sư được thể qua việc luật sư là một trong các lực lượng góp phần bảo vệ sự độc lập của tư pháp, công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền. Báo cáo tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III cho thấy hiện nay, cả nước có hơn 16 ngàn luật sư, hơn 4 ngàn tổ chức hành nghề luật sư. Chất lượng đội ngũ luật sư từng bước được nâng cao, đa số có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tại nhiệm kỳ II, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia vào hơn 81 ngàn vụ án hình sự, hơn 67 ngàn vụ việc dân sự, tư vấn pháp luật hơn 490 ngàn vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí gần 162 ngàn vụ việc. Qua đó, thấy được rằng đại đa số luật sư luôn nhận thức tốt trong việc đóng góp cho xã hội và tổ quốc, phù hợp với tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, trong tư tưởng về đạo đức, Người cũng cho rằng cái khó khăn của cuộc chiến đấu mới không phải chỉ ở tầm vóc và quy mô của sự nghiệp xây dựng, mà còn ở chỗ mỗi người phải khắc phục những yếu kém của mình, chiến thắng "giặc ở trong lòng" mình, giặc nội xâm ở ngay trong tổ chức của mình. Đó là loại giặc "vô hình, vô ảnh", nhưng rất mạnh. Nó "luôn luôn lẩn lút trong mình ta", "khó thấy, khó biết". Thực tiễn trong hoạt động nghề nghiệp của mình, một bộ phận luật sư đã quên đi nghĩa vụ đạo đức của mình và đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Điển hình là luật sư “phải” tham gia bào chữa chỉ định trong vụ án hình sự. Một số luật sư đã xem đây là một “nghĩa vụ” và đã không toàn tâm, toàn ý khi thực hiện thiên chức của mình. Số phận pháp lý của bị can, bị cáo có thể được quyết định một phần nào đó qua hoạt động hành nghề của luật sư. Chính từ việc làm của những luật sư này, xét về mặt đạo đức, họ đã vi phạm vào quy tắc đạo đức khi hành nghề. Xét về mặt chuyên môn, họ đã đánh mất chính mình và họ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chung của các luật sư khác. Hay một biểu hiện khác, vì khoản thù lao luật sư quá cao do thân chủ đề ra mà một thiểu số luật sư đã “bằng mọi cách” để đi đến “đích”, bất chấp thủ đoạn, bất chấp quy tắc đạo đức nghề nghiệp để thực hiện cho được. Sự vi phạm đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp luật sư không phải là con số nhỏ, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng chỉ mang tính tương đối đối với những vụ việc rõ ràng.2 Vì vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ mới mới hết sức nặng nề, đối tượng của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta khởi xướng có lẽ sẽ không chỉ với luật sư là Đảng viên mà ngay cả với luật sư không hoặc chưa là Đảng viên. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức ở mỗi luật sư luôn luôn được đặt ra 2 Nguyễn Hữu Thế Trạch, “Luật sư với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, http://hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?CatPK=6&NewsPK=360 , truy cập ngày: 27/03/2022. 7
- và không phải khi chấm dứt phong trào là chấm dứt việc rèn luyện, tu dưỡng. Muốn được xã hội tin cậy, tôn trọng thì chính trong mỗi luật sư phải luôn thể hiện thái độ tích cực của mình ở trên mọi lĩnh vực, trong đó, học tập và rèn luyện là hai mặt không thể tách rời nhau, phải làm sao xứng đáng với 5 chữ “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng. Ngành nghề nào cũng có một chuẩn mực đạo đức, nếu như không xây dựng một chuẩn mực đạo đức cho riêng ngành của mình, thì sẽ dễ phạm vào những sai phạm và dẫn đến những hậu quả khó lường. 1.6. Đào tạo và quản lý luật sư tại Canada Canada là một nước common law thuộc Anh. Hiến pháp Canada tương đối phức tạp. Hiến pháp 1867 do Anh ban hành trao quyền lập pháp và lập Hiến cho Canada. Hiến pháp 1982 do Canada ban hành đưa Hiến chương quyền con người (Charter of rights) vào là một phần của Hiến pháp Canada. Đến nay, Hiến pháp Canada bao gồm hai bản Hiến pháp, một số văn bản luật của Anh từ thời lập thuộc địa Bắc Mỹ, và một phần rất lớn nằm ở common law bao gồm phán quyết của Judicial Committee of the Privy Council của Anh và Tòa Tối cao Liên bang Canada sau này. Hệ thống tam quyền phân lập của Canada khá đặc thù vì cơ quan hành pháp và lập pháp không mấy độc lập với nhau. Thành viên nội các liên bang đều phải có ghế trong hạ viện và tương tự với tỉnh bang. Đảng nào nắm quyền thì nắm cả hai cơ quan này. Chỉ có tòa án là hệ thống độc lập. Dù Hiến pháp Canada không có chương nào quy định về Tòa Tối cao Liên bang Canada hay về hệ thống tòa án Canada nhưng Tòa án là hệ thống độc lập có quyền lực dựa trên common law. Bất kỳ tòa án nào cũng có thể tuyên một văn bản luật, quyết định hành chính, hành vi hành chính trái Hiến pháp. Do đó luật sư trong rất nhiều vụ việc thường áp dụng kỹ năng “bỏ bóng đá người”, ngoài việc tập trung vào nội dung vụ việc thì còn yêu cầu tuyên văn bản pháp luật hoặc quyết định hành chính là vi hiến. Có hai cơ sở chính để tuyên một văn bản luật vi hiến là vi phạm Hiến chương và vi phạm phân quyền lập pháp giữa cơ quan lập pháp liên bang và tỉnh bang. Tại Canada có hai hệ thống bằng luật là common law và civil law. Để hành nghề luật sư tại các tỉnh common law thì ứng viên cần bằng common law. Chương trình đào tạo các trường common law tương đối giống nhau và có một số môn bắt buộc như Đạo đức luật sư, Hiến Pháp, Hành Chính, Hình sự, Hợp đồng, Bồi thường thiệt hại, và Tài sản. Các môn đào tạo tại trường thì mang tính phổ quát và không quá tập trung vào một tỉnh bang nào vì thí sinh học ở tỉnh này 8
- có thể thi hành nghề ở tỉnh khác. Tuy nhiên khi thi hành nghề luật sư thì các môn thi tập trung vào luật của tỉnh bang nơi hành nghề và đòi hỏi tính thực tiễn cao hơn rất nhiều so với tại trường luật. Để hành nghề, ứng viên phải thi hai kỳ sát hạch là Tư vấn (solicitor) và Tranh tụng (Barrister). Kỳ thi Solicitor bao gồm các môn Business (Doanh nghiệp, Thuế, Tài chính, Thế chấp, Chứng khoán, Cạnh tranh, Nhập Cư, Mua bán sáp nhập, Hợp đồng thương mại), Thừa kế di chúc, Bất động sản. Kỳ thi Barrister bao gồm các môn Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Hôn nhân gia đình, và Tố tụng hành chính và Hiến pháp. Môn Đạo đức luật sư chiếm 60% nội dung của cả hai kỳ thi. Đạo đức luật sư là một môn vô cùng quan trọng do việc quản lý và xử lý vi phạm của các liên đoàn luật sư rất ngặt nghèo. Nội dung này đảm bảo luật sư tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích khách hàng và trật tự công, bao gồm nguyên tắc trung thành với khách hàng, tránh xung đột lợi ích, hành vi trong quá trình tố tụng và tư vấn, và quản trị tài chính và quản trị văn phòng luật. Ví dụ luật sư cần làm gì nếu luật sư của bên đối phương yêu cầu cung cấp tên người đại diện theo pháp luật của khách hàng để hoàn thiện thủ tục khởi kiện, luật sư có được gặp trực tiếp nhân viên của công ty đối phương để hỏi về một vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa khách hàng và công ty đó không, hoặc cần phải làm gì khi đang dự tiệc thì có một người đến nói chuyện về vụ tranh chấp tương lai nào đó. Ngoài hai kỳ thi Barrister và Solicitor, để hành nghề luật sư thì ứng viên cần phải được tập sự (article) tại một đơn vị hành nghề luật dưới sự hướng dẫn của luật sư của tỉnh bang đó. Articling student khác với summer student hoặc intern ở chỗ họ được gọi là luật sư và thực hiện các công việc của luật sư trong phạm vi được giao. Việc tập sự tại các văn phòng luật sư lớn hoặc Bộ Tư pháp hoặc Tòa án vô cùng cạnh tranh với tỉ lệ có thể lên đến 1:100 do uy tín của nơi thực tập và mức lương cao. Tuy nhiên thực tập tại những văn phòng lớn có điểm bất lợi là không thể học hết các vấn đề như quản trị tài khoản khách hàng hay những vấn đề về mặt hành chính mà người thực tập tại các văn phòng nhỏ hơn có thể học được. Những vấn đề này thường dễ dẫn đến các lỗi bị kỷ luật vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư tại Canada khi hành nghề độc lập. Thẩm quyền quản lý và xử lý luật sư tại Canada thuộc về các đoàn luật sư tỉnh bang theo hình thức self regulated. Các đoàn luật sư này không phải cơ quan nhà nước nhưng được thành lập theo luật luật sư của tỉnh nên được quyền cấp phép hành nghề, ban hành bộ quy tắc hành nghề luật sư, và điều tra xử lý kỷ luật luật sư bằng quyết định hành chính. Nếu không đồng ý với quyết định của đoàn luật sư thì luật sư có thể đưa ra tòa dưới dạng judicial review. Tòa án đa 9
- phần sẽ chỉ xem xét theo nguyên tắc hợp lý (reasonableness standard) và một số ít sẽ xem xét theo nguyên tắc correctness. Do đó quyền lực của các đoàn luật sư là rất lớn và đây cũng là lý do tại sao môn Đạo đức luật sư là môn sống còn với nhiều luật sư. II. Chương trình học chi tiết 2.1. Quy tắc 1: Bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Sứ mệnh của luật sư là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan; bảo vệ sự độc lập của tư pháp; trong đó cần nhấn mạnh bổn phận của nghề luật sư là bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các chủ thể xã hội khác. Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp trách nhiệm đó cũng là trách nhiệm chính của Nhà nước bởi vì Nhà nước sinh ra là để giữ cho xã hội ở trong một trật tự nhất định. Muốn vậy, thì phải bảo vệ các quyền nêu trên của các chủ thể xã hội. Đó chính là đặc trưng của các Nhà nước nói chung và đặc biệt là đặc trưng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan, Nhà nước không thể quán xuyến hết được trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Do đó mới cần có vai trò của luật sư và nghề luật sư. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, luật sư và nghề luật sư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội. Bởi vì, luật sư và nghề luật sư có khả năng thực thi và đưa pháp luật vào ngóc ngách của đời sống xã hội bằng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở luật pháp và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, luật sư vừa giúp được cho người dân, lại vừa giúp được cho Nhà nước. Vì vậy, luật sư cần ý thức được sứ mệnh được giao phó trong hoạt động nghề nghiệp để làm tròn bổn phận với khách hàng và trách nhiệm với xã hội khi thực hiện sứ mệnh. Để thực hiện được sứ mệnh này, luật sư cần phải được người dân tin cậy và ủng hộ. Muốn vậy, luật sư phải gương mẫu trong tuân thủ pháp luật và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Luật sư phải tận tâm với công việc để tận hiến với xã hội, thể hiện được tinh thần phụng sự cộng đồng và phụng sự công lý. Trong hoạt động nghề nghiệp, luật sư luôn ý thức và giữ gìn được phẩm giá 10
- để không bị ràng buộc hay chịu áp lực từ quyền lực phi pháp hay bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế và các yếu tố bất hợp lý khác. Luật sư có trách nhiệm bảo vệ sự độc lập của tư pháp bởi công lý chỉ có thể có được khi tư pháp được độc lập. Công lý phải là mẫu số chung của các quy định của luật sư trên cơ sở phán quyết của tòa án. Sự độc lập của thẩm phán và hội đồng xét xử là cơ sở pháp lý được Hiến pháp quy định. Trách nhiệm của luật sư khi hành nghề là bảo vệ sự độc lập của Tòa án và bản thân luật sư cùng thể hiện sự độc lập, trung thực, khách quan khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng và khả năng phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động nghề nghiệp luật sư phải trung thực, khách quan để giúp cho đương sự và hỗ trợ các cơ quan nhà nước làm sáng tỏ vụ việc để cùng nhau bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Có như vậy, luật sư mới có thể làm trọn được bổn phận bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội khác. Để luật sư có thể làm trọn được trách nhiệm bảo vệ sự độc lập của tư pháp thì luật sư không những có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt nhất cho khách hàng mà còn có trách nhiệm trong việc phát hiện và giám sát những hành vi không phù hợp với pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của các chủ thể khác để từ đó có các kiến nghị tích cực, mang tính xây dựng giúp cho các cơ quan nhà nước và các cá nhân khác cùng có trách nhiệm tuân thủ và nghiêm túc thực hiện pháp luật, không để cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể đứng trên luật pháp, coi thường luật pháp và vi phạm pháp luật; có như vậy luật sư mới làm trọn bổn phận bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội khác. 2.2. Quy tắc 2 - Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.” (i) Nội dung chi tiết a. Ý nghĩa Luật sư là một nghề cao quý được quy định trong Hiến pháp, là một trong những trụ cột của xã hội, của ngành tư pháp. Vì thế, người luật sư cũng phải mang tính chất của cả ngành tư pháp, đó là độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Có độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan thì mới tạo được sự tin tưởng của khách hàng, của cơ quan nhà nước, của các cơ quan tiến hành tư pháp khác. Có độc lập trong ngành tư pháp mới xây dựng được nhà nước pháp quyền XHCN. Chuẩn mực này không chỉ áp dụng trong quan hệ giữa 11
- luật sư với khách hàng, mà trong tất cả các mối quan hệ xã hội của người luật sư, dù dùng danh nghĩa luật sư trong các mối quan hệ đó hay không. Khi có bất kỳ thắc mắc nào về bộ quy tắc, việc đầu tiên của luật sư là phải quay trở lại quy tắc số 2 làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Uy tín của người luật sư hay cả ngành tư pháp nói chung là nằm ở sự độc lập, trung thực và tôn trọng sự thật khách quan. b. Giải thích nội dung *Nghĩa vụ độc lập Luật sư có nghĩa vụ phải thể hiện sự độc lập của mình trong công việc, thể hiện ý chí của đại trượng phu mà thầy Mạnh Tử đã dạy: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu mà không tham, nghèo mà không đổi, áp lực cũng không khuất phục được). Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng là một tổ chức độc lập. Sự độc lập là bản chất của người luật sư. Cho dù nhiều luật sư có tạo thành các công ty luật hàng nghìn người, thì từng người vẫn có quan điểm độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân về quan điểm pháp lý của mình. Cho dù luật sư có là nhân viên pháp chế của một doanh nghiệp, thì ý kiến của luật sư cũng phải độc lập chứ không đơn thuần là theo sự chỉ đạo của giám đốc doanh nghiệp. Nói cách khác, luật sư phải đóng vai trò “gián nghị đại phu” (người can ngăn các hành động sai trái, bảo vệ lẽ phải) cho dù khách hàng của mình là ai, lãnh đạo của mình là ai. Muốn độc lập, thì tâm của mình phải thực sự trong sạch, không chịu áp lực, không bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất. Mặt khác, độc lập cũng là xuất phát điểm, là điều kiện để có thể trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Luật sư không độc lập, bị người khác chỉ đạo làm theo ý mình, bị điều khiển bởi ham muốn vật chất, thì dù mình có trung thực, hay khách quan, thì cũng khó lòng chiếm được lòng tin của khách hàng, tòa án hay công chúng. *Nghĩa vụ trung thực Trung thực, hay nói theo ngôn từ cổ là công chính, hiện đại là chính trực, là một trong bốn đức tính trụ cột mà Bác Hồ đã dạy: “Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người.” Sự trung thực được thể hiện trước tiên trong quan hệ với khách hàng. Nếu vụ việc của khách hàng là xấu và có rủi ro, luật sư không được che dấu sự thật đó. Luật sư phải lắng nghe hay trình bày quan điểm của khách hàng một cách điềm tĩnh, không thêm thắt, đổ dầu vào lửa, cho phép ý kiến cá nhân can thiệp vào toàn bộ sự việc. Luật sư không được lừa dối khách hàng, hay cho phép người khác lừa dối khách hàng mà không thông báo cho khách hàng về việc đó. Thí dụ đơn giản nhất của viêc không lừa dối khách hàng là không ghi bảng giờ công nhiều hơn số giờ mình thực sự bỏ ra. 12
- Trung thực còn có nghĩa là giữ lời hứa và không hứa những gì mình không thể thực hiện được. Ví dụ, luật sư không được cam kết mình sẽ thắng kiện (vì thắng hay không là do quyết định của tòa án). Ngược lại, luật sư chấp nhận sẽ gửi bản tư vấn vào hôm sau, thì hết ngày hôm sau là phải gửi bản tư vấn đó. Nếu luật sư chỉ chuyên về dân sự mà không giỏi hình sự, thì phải nói rõ cho khách hàng là mình không chuyên về hình sự. Nếu luật sư quá bận không thể đảm nhiệm vụ việc, thì phải từ chối nhận việc. *Nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan Sự thật khách quan là những gì tồn tại ngoài ý muốn của luật sư hay của bất kỳ ai khác. Đó là vấn đề không thể tranh cãi. Thí dụ, trong một vụ tranh chấp, bao giờ luật sư cũng phải xác định hai vấn đề. Thứ nhất là sự thật khách quan, có chứng cứ rõ ràng, là những thứ không ai bắt bẻ được. Thứ hai là quan điểm pháp lý, là mang yếu tố chủ quan của người đánh giá chứng cứ đó. Để giải quyết được tranh chấp, thì phải có chuẩn, đó là quy định của pháp luật và sự thật khách quan. Quy tắc đạo đức luật sư cũng yêu cầu luật sư khi đưa ra quan điểm thì cũng phải tôn trọng sự thật khách quan, vì nếu không thì sẽ không có chuẩn mực phán xét trong nghề luật. Nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan là một mặt khác của nghĩa vụ trung thực, và cũng mở rộng không chỉ trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, mà cả với quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, và bất kỳ bên thứ ba nào khác. Trong Kinh thánh, Chúa Giê su từng nói “có thì nói là có, không thì nói là không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ”. Luật sư không được vì lợi ích của khách hàng mà nói điều không đúng sự thật, và cũng có nghĩa vụ nói lên sự thật khi có người che dấu sự thật. Để tìm ra sự thật khách quan cũng không phải là điều dễ dàng. Thí dụ, có nguyên tắc khi giải thích hợp đồng phải dựa trên ý chí của các bên. Song ý chí của các bên lại mang tính chủ quan, vậy làm sao tìm ra sự thật khách quan. Quy tắc 2 cho thấy, kể cả ý chí chủ quan cùng phải phù hợp với tình tiết khách quan của vụ kiện. Nếu không, ý chí đó sẽ không được công nhận. *Nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp Việc tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân. Luật sư lại càng phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, do sứ mệnh (Quy tắc 1), và vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội, mà luật sư phải có nghĩa vụ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc. Quy tắc 3 nhấn mạnh thêm, là luật sư không vì lợi ích vật chất, áp lực nào để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Điều này có vẻ như hiển nhiên, nhưng lại quan trọng ở chỗ do luật sư là người biết luật, lại có kinh nghiệm hành nghề, nên có rủi ro là luật sư lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân hay khách hàng. Trong 13
- khi đó, đạt được lợi ích vật chất không phải là mục tiêu hay sứ mệnh của nghề luật sư. Quy tắc 3 nhấn mạnh nghĩa vụ của luật sư tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để phụng sự công lý và bảo vệ khách hàng trên cơ sở khách quan, trung thực và đúng luật. c. Mối liên hệ với các quy tắc khác trong bộ quy tắc *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ độc lập và sự lãnh đạo của đảng, đoàn thể, tổ chức Luật sư là đảng viên phải chịu sự lãnh đạo của đảng, đoàn thể, tổ chức. Điều này không có gì mâu thuẫn với nghĩa vụ độc lập của luật sư. Đảng, đoàn thể, tổ chức đại diện cho lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, vốn dĩ luôn chiếm ưu thế hơn lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, lợi ích đó phải được thực hiện dựa trên khuôn khổ. *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ độc lập, trung thực, khách quan và nghĩa vụ trung thành với lợi ích của khách hàng Đành rằng luật sư phải phục vụ lợi ích khách hàng, tuy nhiên lợi ích cá nhân luôn luôn phải không được ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước. Đó là nguyên tắc được đề cao trong BLDS. Vì thế, kể cả lợi ích của khách hàng cũng không làm luật sư thay đổi nghĩa vụ độc lập, trung thực và khách quan. Mặc dù vậy, luật sư có nghĩa vụ bảo mật các thông tin của khách hàng để bảo vệ lợi ích của khách hàng, và nghĩa vụ tránh xung đột lợi ích để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với nghĩa vụ độc lập, trung thực và khách quan. *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ độc lập của luật sư và sự quản lý của công ty luật, người sử dụng lao động Luật sư hành nghề độc lập đương nhiên có vị trí độc lập. Luật sư làm việc tại các công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH, hay là chuyên viên pháp chế tại các doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ phải độc lập về quan điểm pháp lý của mình và tự chịu trách nhiệm về quan điểm pháp lý đó. Các luật sư sẽ chịu sự giám sát của người sử dụng lao động, hay các luật sư điều hành công ty luật về việc tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Khi có vấn đề, hay khi bị khách hàng, đồng nghiệp khiếu nại, tố cáo, các luật sư có nghĩa vụ phải báo cáo cho người sử dụng lao động (doanh nghiệp) hay luật sư điều hành công ty luật tìm biện pháp xử lý theo đúng pháp luật và bộ quy tắc này, trước khi đoàn luật sư hay liên đoàn luật sư xem xét giải quyết. Mặt khác, doanh nghiệp và luật sư điều hành công ty luật có nghĩa vụ tôn trọng sự độc lập trong quan điểm pháp lý của luật sư. *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ trung thực và nghĩa vụ bảo mật 14
- Luật sư không được nhầm lẫn giữa nghĩa vụ trung thực và nghĩa vụ bảo mật. Trung thực không có nghĩa là chuyện gì cũng kể hết cho mọi người, mà là khi phát ngôn chỉ nói sự thật. Tuy nhiên trừ trường hợp BLHS quy định, không ai bắt luật sư phải tiết lộ bí mật. Luật sư phải bảo mật thông tin khách hàng thì mới tạo được sự tin tưởng của khách hàng. * Mối liên hệ giữa nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan và quan hệ với cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng Trong thời gian gần đây có vài vụ việc cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng mất thiện cảm với một số luật sư chỉ vì các luật sư không tranh cãi dựa trên sự thật khách quan, mà chỉ khai thác những kẽ hở của chứng cứ mà không đi vào bản chất vấn đề. Luật sư cần tôn trọng sự thật khách quan vốn có. Ngược lại, luật sư cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng sự thật khách quan. Nếu phát hiện một chứng cứ bị giả mạo hay không đáng tin cậy mà cơ quan nhà nước vẫn sử dụng, luật sư có nghĩa vụ phải lên tiếng và bảo vệ sự thật. *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ độc lập, trung thực và nguyên tắc tính tiền thù lao Theo Quy tắc 8, thì luật sư phải giải thích rõ thù lao, bao gồm cả các tiền trả thay cho khách hàng. Luật sư phải giữ tiền của mình tách biệt so với tiền của khách hàng, và không sử dụng tiền ứng trước của khách hàng vào mục đích cá nhân. Chỉ khi nào tiền ứng trước trở thành thù lao luật sư thì luật sư mới được hưởng. Đó là sự cụ thể hóa của quy tắc trung thực. Ngoài ra, đối với luật sư làm việc trong doanh nghiệp hay công ty luật, luật sư không được nhận bất kỳ lợi ích nào từ khách hàng. Mọi thu nhập phải từ doanh nghiệp và công ty luật. Vì nếu nhận lợi ích riêng (quà cáp, tiền mặt hay lợi ích nào khác), sẽ khiến cho luật sư có thể có một số hành vi như tự động giảm giá cho khách hàng so với giá của công ty luật đưa ra, hay lấy khách hàng của công ty luật làm khách hàng của mình. Điều này vi phạm nghĩa vụ trung thực và độc lập của luật sư. *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ độc lập và nghĩa vụ tránh xung đột lợi ích Các quy tắc tránh xung đột lợi ích tránh cho luật sư, hay công ty luật của luật sư, phải đại diện cho hai khách hàng có lợi ích đối lập lau. Khi xung đột lợi ích, luật sư không những vi phạm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của khách hàng một cách tốt nhất, mà còn khiến cho luật sư không biết nghe theo thân chủ nào khi họ có lợi ích đối lập nhau. Điều đó khiến cho luật sư vi phạm nghĩa vụ độc lập. 15
- *Mối liên hệ giữa nghĩa vụ trung thực, khách quan tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và quy tắc từ chối nhận việc Theo Quy tắc 11, thì luật sư phải từ chối vụ việc nếu mình không đủ thời gian, hay không có trình độ chuyên môn để nhận công việc đó. Đó là sự thể hiện cụ thể của quy tắc trung thực. Luật sư cũng có quyền từ chối khi biết khách hàng không trung thực khi cung cấp thông tin, hoặc yêu cầu luật sư phải giả mạo bằng chứng. Luật sư có quyền từ chối tư vấn theo yêu cầu của khách hàng là trái với sự thật khách quan của vụ việc hay trái pháp luật. (ii) Ví dụ minh hoạ Ví dụ 1: Luật sư tính sai tiền cho khách hàng Khi khách hàng đề nghị luật sư ước tính chi phí luật sư dựa trên thời gian tư vấn, luật sư ước tính công việc sẽ hết khoảng 10 giờ và vì vậy số thù lao luật sư là 5 triệu VND. Luật sư đã thu trước của khách hàng 4 triệu VND. Trên thực tế, công việc luật sư chỉ mất 5 giờ. Luật sư phải báo cho khách hàng là mình chỉ mất 5 giờ để tư vấn, vì thế chỉ tính 2.5 triệu VND, và trả là 4 triệu – 2.5 triệu = 1.5 triệu VND cho khách hàng. Ngược lại, nếu công việc thực tế lại hết 20 giờ, do khách hàng che dấu không thông báo đầy đủ thông tin cho luật sư, thì luật sư có thể nói với khách hàng yêu cầu tăng thêm phí, do lỗi che dấu thông tin của khách hàng. Trung thực là nghĩa vụ của cả hai bên, luật sư và khách hàng. Nếu khách hàng không trung thực, luật sư cũng có quyền từ chối bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đó. Ví dụ 2: Tình huống xấu xảy ra cho khách hàng Khi khách hàng thua kiện, bị cơ quan nhà nước từ chối đơn từ, hay bị đối tác từ chối không thanh toán, hay bị tự vấn sai, luật sư luôn luôn phải là người đầu tiên nói sự thực cho khách hàng. Bên cạnh đó, để thể hiện sự mẫn cán của mình, luật sư phải tìm giải pháp để tư vấn các bước tiếp theo nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Trung thực là nói sự thật, nhưng cũng không thể bỏ mặc khách hàng. Luật sư không được nói sai sự thật trước cơ quan tiến hành tố tụng chỉ vì nói đúng sự thật sẽ thê hiện tình trạng xấu của khách hàng. Luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, và chỉ cần không tự mình làm xấu thêm tình trạng của khách hàng. Luật sư chỉ có thể im lặng (do luật sư có nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng), hoặc luật sư có thể giúp khách hàng bằng cách lý giải động cơ, nguyên nhân, các tình huống giảm nhẹ. Ví dụ 3: Luật sư yêu cầu những vấn đề khách hàng không yêu cầu 16
- Luật sư trong 1 vụ kiện giữa khách hàng và đối tác của khách hàng có thể thấy việc hòa giải sẽ là cách tốt nhất cho khách hàng chứ không phải kiện tụng. Vì thế, luật sư liên hệ với đối tác của khách hàng, và cho rằng điều đó mang lại lợi ích cho khách hàng, và cho rằng mình độc lập nên có quyền có quan điểm độc lập. Điều này là vi phạm nghĩa vụ trung thực với khách hàng, và cũng không phải là thực hiện nghĩa vụ độc lập. Luật sư phải luôn trung thực với khách hàng, bao gồm cả việc xin chỉ thị của khách hàng trước khi hành động. Luật sư cũng không được liên hệ với đối tác của khách hàng nếu đối tác đó có luật sư, vì điều đó can thiệp vào nguyên tắc độc lập của luật sư đồng nghiệp. Kể cả khi được khách hàng cho phép, luật sư cũng phải liên hệ với luật sư của đối tác trước. Nên nhớ: làm tốt không bằng làm đúng, và tuyệt đối không được làm trái với chỉ thị của khách hàng. Ví dụ 4: Luật sư mắc sai lầm khi tư vấn khách hàng, thì phải làm sao? Luật sư không phải lúc nào cũng đúng. Khi luật sư mắc sai lầm, dù là đối với khách hàng hay bất kỳ bên thứ ba nào, thì luật sư nên xin lỗi và sửa lỗi ngay, không nên đổ lỗi cho người khác mà không có cơ sở cụ thể, cũng không nên coi việc xin lỗi như một điều kiện để đánh đổi lợi ích. Nhận lỗi, sửa lỗi và chịu trách nhiệm về sai lầm của mình là biểu hiện của quy tắc trung thực. Ví dụ 5: Luật sư bị khách hàng khiếu nại lên công ty luật, đoàn luật sư hay liên đoàn Luật sư bị khách hàng khiếu nại về nghĩa vụ độc lập, hay trung thực nên che dấu thông tin hay thông báo ngay cho công ty luật? Việc che dấu thông tin về khiếu nại của khách hàng là vi phạm nghĩa vụ trung thực của luật sư. Luật sư phải báo ngay cho công ty luật mà mình làm việc, hay doanh nghiệp mà mình làm việc về các khiếu nại của khách hàng, để công ty giám sát và giải quyết khiếu nại. Tránh để tình trạng vụ khiếu nại được đưa thẳng lên đoàn luật sư hay liên đoàn, vừa mất thời gian của đoàn luật sư và liên đoàn, vừa mất uy tín công ty luật, mà vừa khó giải quyết, vì sự thật khách quan thông thường ở cơ sở dễ giám sát và kiểm soát hơn ở trên cao. Ví dụ 6: Các trường hợp vi phạm nghĩa vụ độc lập - Luật sư X luôn được Ngân hàng H thuê. Một khách hàng A của luật sư nhờ luật sư tư vấn một sản phẩm cho vay của Ngân hàng H. Luật sư X sợ tư vấn quá thẳng thắn sẽ làm thiệt hại đến quan hệ giữa luật sư và Ngân hàng H, vì vậy chỉ tư vấn khách hàng A ở mức độ “trung dung, vừa phải”. - Luật sư X nhận tiền từ luật sư Y (chuyên về luật lao động) nếu luật sư X giới thiệu khách hàng A của mình (trong lĩnh vực luật doanh nghiệp) cho luật sư 17
- Y khi khách hàng A cần tư vấn về luật đầu tư. Khi này, nếu X và Y là luật sư ở cùng công ty, thì họ không vi phạm nghĩa vụ độc lập, vì chủ thể tư vấn cho khách hàng là công ty luật (pháp nhân) chứ không phải cá nhân luật sư. Nhưng nếu X và Y là hai luật sư độc lập với nhau, thì X sẽ vì tiền của Y mà giới thiệu Y chứ không phải vì kinh nghiệm của Y (Y chuyên về luật lao động chứ không phải là luật đầu tư). Như vậy trong tình huống đó luật sư X vi phạm nghĩa vụ độc lập (và kể cả nghĩa vụ trung thực, khách quan). - Một công ty cung cấp phần mềm giới thiệu luật sư (giống như phần mềm Grab giới thiệu tài xế lái xe công nghệ), có thỏa thuận với luật sư X rằng, với mỗi khách hàng mà luật sư X nhận được nhờ tương tác qua phần mềm đó, công ty cung cấp phần mềm sẽ nhận được 10% phí luật sư từ khách hàng đó. Thỏa thuận như vậy không vi phạm quy tắc đạo đức của luật sư (và công ty phần mềm thì không chịu sự điều chỉnh của quy tắc đạo đức của luật sư). Tuy nhiên, nếu công ty phần mềm thỏa thuận rằng họ sẽ chỉ giới thiệu khách cho luật sư X nếu luật sư X giới thiệu sản phẩm của công ty phần mềm đó cho nhiều luật sư khác, thì luật sư X cần cân nhắc xem động cơ giới thiệu của mình là để nhận khách từ công ty phần mềm, hay vì muốn đồng nghiệp có 1 phần mềm tốt. Nếu là động cơ thứ nhất, thì luật sư X đã vi phạm nghĩa vụ độc lập. Ví dụ 7: Các trường hợp vi phạm nghĩa vụ trung thực, khách quan - Luật sư X không phải chuyên gia về luật lao động. Khách hàng A của luật sư thông thường thuê luật sư trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp. Hôm nay khách hàng A nhờ luật sư X ra tòa trong một vụ lao động. Luật sư X không muốn đi, nhưng vì khách hàng năn nỉ quá nên đồng ý. - Luật sư X nhận người tập sự Y vào làm việc. Luật sư X nói tập sư Y khi vào làm việc sẽ không được nhận lương. Điều này hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên khi giao việc cho tập sự Y đi liên hệ công tác, nộp đơn từ, v.v. thì lại không thanh toán chi phí đi lại cho tập sự Y. Khi tập sư Y đòi thanh toán chi phí đi lại vì công việc, thì luật sư X cho rằng trong Hợp đồng tập sự không có thỏa thuận sẽ thanh toán chi phí đi lại vì công việc nên sẽ không thanh toán. Trong trường hợp này, luật sư X đã vi phạm nghĩa vụ trung thực. Mặc dù Hợp đồng không quy định, nhưng không có nghĩa là luật sư X được hưởng lợi từ chi phí mà tập sự Y bỏ ra. - Luật sư X được khách hàng thuê làm đại diện cho một vụ tranh chấp trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài đó lại là một luật sư khác trong cùng công ty với luật sư X. Trong trường hợp này, luật sư X hoặc phải phản đối sự hiện diện của chủ tịch hội đồng trọng tài (đề nghị thay chủ tịch), để sao cho không có cảm giác là do mối liên hệ giữa luật sư X và chủ tịch hội đồng trọng tài mà luật sư X được hưởng lợi thế trong vụ tranh chấp trọng tài. Cách thứ hai là luật sư X 18
- phải từ chối không tham gia đại diện khách hàng nếu trong hội đồng trọng tài có trọng tài viên là luật sư trong công ty luật của mình. - Con trai của khách hàng A đến gặp luật sư X, và nhờ luật sư X soạn thảo di chúc cho khách hàng A. Trong đó, con trai của khách hàng A sẽ được nhận phần di sản lớn nhất. Lúc này, nghĩa vụ trung thực, khách quan của luật sư X buộc luật sư X phải đi gặp chính khách hàng A xem liệu nguyên vọng của khách hàng A có như con trai ông ấy nói không. Luật sư X phải nhớ rằng khách hàng của mình là A chứ không phải là cậu con trai. Như vậy, khi cậu con trai đề nghị một vấn đề có khả năng phương hại đến khách hàng của mình (là A) thì phải kiểm tra ngay, để luôn luôn đảm bảo là mình không những trung thực khách quan, mà còn không nhắm mắt làm ngơ bất kỳ tình huống nào mà một người trung thực, khách quan sẽ không nhắm mắt làm ngơ. - Hai vợ chồng muốn bán 1 căn nhà. Ông chồng đến gặp luật sư X và nhờ luật sư X soạn thảo Hợp đồng mua bán nhà cho hai vợ chồng. Ông chồng nói rằng hai vợ chồng cần tiền bán gấp. Bà vợ đang công tác nước ngoài nên không thể về kịp. Luật sư X trong trường hợp đó nếu nghe lời ông chồng là vi phạm nghĩa vụ trung thực, khách quan. Nếu tài sản là của chung vợ chồng, thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng, hoặc vợ phải ủy quyền cho chồng. Rất có thể ông chồng nói dối, và bà vợ không đi công tác, cũng không có ý định bán nhà. Như vậy, luật sư X phải kiểm tra thông tin ông chồng nói có đúng hay không, như một người bình thường mà trung thực, khách quan vẫn làm. - Luật sư X đại diện cho khách hàng A trong một vụ trọng tài quốc tế, trong đó luật áp dụng là luật Việt Nam. Trong vụ việc này, luật sư đối tác đề nghị với luật sư X thống nhất về tiêu chí chọn chủ tịch hội đồng trọng tài, đề hai trọng tài viên do các bên chỉ định lựa chọn (trên tinh thần tôn trọng thỏa thuận giữa các bên). Luật sư X đề nghị chủ tịch phải là từ một nước theo hệ thống dân luật (vì Việt Nam là nước theo hệ thống dân luật). Luật sư đối tác phản đối, cho rằng cách chọn như thế là không khách quan. Thực tế, một vấn đề khách quan hay không là do tình huống cụ thể. Do Việt Nam là nước theo hệ thống dân luật, nên thông thường một chủ tịch có nền tảng từ một nước dân luật sẽ hiểu luật Việt Nam tốt hơn là một chủ tịch từ một nước theo hệ thống common law. Nhận định của luật sư X trong tình huống này là hoàn toàn khách quan. - Luật sư X, giám đốc công ty luật đăng thông báo tuyển dụng tập sự, và quy định rằng công ty chi nhận nữ, không nhận nam. Trong trường hợp này, luật sư X có thể bị coi là vi phạm quy tăc khách quan, hay quy tắc đối xử bình đẳng và công bằng với các đồng nghiệp, trừ trường hợp luật sư X có thể chứng minh rằng do lượng tập sự nam quá đông nên ưu tiên tuyển nữ để tạo sự cân bằng giới trong công ty. Các chính sách tuyển dụng trong công ty đều phải được quy định 19
- cụ thể và công khai, để không thành viên nào trong công ty có thể nói công ty không khách quan, hay không tạo điều kiện cho mình thăng tiến. 2.3. Quy tắc 3 - Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư “3.1. Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư. 3.2. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.” (i) Nội dung chi tiết a. Ý nghĩa Quy tắc 3 nhấn mạnh nghĩa vụ của luật sư đối với tập thể. Vì vai trò của luật sư trong hệ thống nhà nước pháp quyền XHCN và sứ mệnh của luật sư, luật sư không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”, mặc dù nếu đối với một công dân bình thường, thì “ai làm người ấy chịu”. Vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu mỗi luật sư phải bảo vệ uy tín của liên đoàn, của đoàn luật sư mà mình là thành viên bằng cách gương mẫu trong cuộc sống và trong công việc, vừa hồng vừa chuyên. Thông qua đó, luật sư chiếm được niềm tin của khách hàng, cộng đồng và xã hội. Xét cho cùng, điều này cũng quay về bài dạy “bốn đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và định nghĩa “đại trượng phu” của Mạnh Tử đã bàn ở Quy tắc 2. b. Giải thích nội dung *Truyền thống tốt đẹp của luật sư Dân tộc Việt Nam từ rất lâu đã là nơi sản sinh ra những bậc kỳ tài về tranh biện, hay sau này là những luật sư nổi tiếng. Thời phong kiến nhà Lý, có trạng nguyên Lê Văn Thịnh đã dùng tranh biện để buộc nhà Tống trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên cho Đại Việt. Thời nhà Lê có danh nhân Nguyễn Trãi viết thư hòa giải dụ hàng đến hàng chục thành lũy quân Minh. Thời Chúa Nguyễn có đại thần Nguyễn Cư Trinh vừa đánh vừa đàm mà trong 3 năm (1753-1756) thu phục được cả Miền Tây Nam Bộ. Thời Pháp thuộc có luật sư Phan Văn Trường, người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sỹ luật khoa ĐH Sorbone Pháp, là một trong 4 chí sỹ (trong đó có Bác Hồ) ký dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc vào Yêu sách của Nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Versailles 1918. Thời chống Pháp có luật sư Trinh Đình Thảo, luật sư Thái Văn Lung, luật sư 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn