intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thắp nến trên sông

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

51
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chị đi theo đoàn thắp nến trên sông qua hàng trăm ngọn núi, một vạn cánh đồng và hơn nửa vòng cung biển hình chữ S. Chị nghe sóng vỗ dạt dào dưới chân và trái tim mình nhảy lung bung trong vòm ngực khi vô vàn ngọn nến được đốt lên trên dòng sông lịch sử. Gió quét qua một làn hơi rát rạt, gió của miền Trung, không ôn hoà thân thiện mà âm thầm khắc nghiệt. Chị gọi Bình ơi, Việt ơi và thấy gai ốc mình nổi lên… Rồi thấy hai anh bay là là trên...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thắp nến trên sông

  1. Thắp nến trên sông TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THU TRÂN Chị đi theo đoàn thắp nến trên sông qua hàng trăm ngọn núi, một vạn cánh đồng và hơn nửa vòng cung biển hình chữ S. Chị nghe sóng vỗ dạt dào dưới chân và trái tim mình nhảy lung bung trong vòm ngực khi vô vàn ngọn nến được đốt lên trên dòng sông lịch sử. Gió quét qua một làn hơi rát rạt, gió của miền Trung, không ôn hoà thân thiện mà âm thầm khắc nghiệt. Chị gọi Bình ơi, Việt ơi và thấy gai ốc mình nổi lên… Rồi thấy hai anh bay là là trên mặt sông, hai người bạn thân thương nhất đời của chị! Hai anh chưa kịp có thời gian để già, hai anh mãi mãi tuổi hai mươi với nụ cười-hàm răng trắng lấp loá ánh mặt trời. Việt thì cao to với làn da trắng hồng làm bao cô gái trong xóm chớm vào tuổi yêu như chị thuở ấy mất ăn mất ngủ. Bình mập, lùn, đen nhưng nói năng có duyên không ai bằng. Đám vui nào của xóm không có anh thì xem như mất năm mươi phần trăm vui… Hàng ngàn ngọn nến lung linh, trôi từ từ trên những đài sen trắng muốt làm huyền ảo một khúc sông đêm. Sau những nghi thức, mọi người bắt đầu hát, những khúc hát trầm buồn như tiếng gọi hồn ai. Chị thấy Bình cười lí lắc trên những đám mây bềnh bồng, Việt cũng cười nhưng buồn buồn làm sao (hay là chị cảm nhận thế thôi). Chị bắc tay làm loa gọi với lên trời. Việt ơi, anh cũng có phần đấy, đêm nay, một mình Trâm thả xuống dòng sông này hai ngọn nến. Má Việt bảo những người chết trẻ linh thiêng lắm, họ còn trong trắng như một thiên thần, đến nụ hôn vội vàng cho người bạn gái trước khi lao vào làn tên mũi đạn còn chưa có thì chuyện hai người bạn của chị được lên thiên đàng không có gì phải bàn cãi. Nghĩ đến Bình, chị chạnh lòng miên man rồi ôm vai má Việt, chắc họ là thiên thần thiệt má à, lúc nào nghĩ về hai anh, con cũng thấy họ bay thấp thoáng trên trời, thanh thoát đến lạ lùng. Còn trong đêm tưởng niệm các anh hùng- liệt sĩ này, chị thấy hàng hàng lớp lớp những cánh bay trắng muốt trên trời, hàng đoàn người trẻ đưa tay vén mây,
  2. soi mình xuống mặt sông, nháy mắt cười với chị… Sợ Việt buồn, chị chuồi xuống mặt sông thêm hai ngọn nến, những người chung quanh nhìn chị lầm bầm nói cười một mình lạ lẫm, chắc họ nghĩ chị là một nhà ngoại cảm. Chị quyết định ngồi lại bên triền sông này suốt đêm khi mọi người trở về khách sạn. Một ông thợ câu gõ mái chèo vào mạn thuyền lóc cóc rồi hất hàm hỏi chị cộc lốc: - Lên thuyền không? - Để làm gì? - Không biết, thấy ngồi một mình, là lạ thì hỏi. Chị nhún vai, không trả lời. Thuyền câu vẫn trôi lừ đừ: - Có chồng chết trận hả? - Chồng con gì, bạn tôi chết trận lúc còn nhỏ xíu! - Ừ, thấy cũng buồn, Sài Gòn ra hử? Chị ừ hử đại đùa, ngước mắt lên trời bỗng thấy Việt đã chịu cười ha ha, anh bơi hào sảng qua những đụn mây bềnh bồng. Việt vui là vui cái gì nhỉ. Bình cũng đang cười theo kia. Chị nhìn xuống mặt sông, rừng nến sắp sửa tàn, những ánh nến leo lét phía xa làm chị buồn man mác. Buồn gì, Trâm. Dường như Bình hỏi chị, dường như thế thôi, mà chị cũng có quyền cảm nhận được điều này khi quyết định ở lại bến sông đêm nay, cho phép mình sống trong không gian một ngàn chiều, các nhà ngoại cảm cũng đến thế thôi. Còn hơn các nhà ngoại cảm, không trò chuyện dùm cho ai, chị đang trở về với hai người bạn bằng những ký ức khó phai mờ. Chị tin hai anh biết ý định này từ rất lâu rồi của chị và dường như cũng đang ngồi đâu đây. - Trời đêm sương xuống lạnh lắm, lên thuyền ngồi, tui không lấy tiền mà cũng không hại chi mô! Thuyền câu lôi chị về thực tại. Ông ta vẫn quanh quẩn quanh chị, lạnh lùng, rách việc. Ông mặc bộ đồ sậm màu vá víu, mắt ông cũng u tối như màu sông đêm, râu ông mọc tua tủa như nhánh sao chổi trên trời, chị bỗng thấy sờ sợ.
  3. - Thôi được, cảm ơn anh. Thuyền câu khua sóng nước quay đi. Một làn gió lạnh lùa thốc tháo qua, chị nghe mình nổi gai ốc lần thứ hai: - Ới anh Thuyền câu! Quay lại đi, cho tôi lên với! … Xếp một góc ít tròng trành nhất trong khoang thuyền nhỏ xíu cho chị ngồi, Thuyền câu như không còn biết có ai, ông bắt đầu bủa lưới đêm, hì hà hì hụi… Bóng ông đen hơn bóng đêm đàng mũi thuyền, hàng ngàn vì sao nhấp nháy trên trời cao. Gió hiền hơn một chút, đã se se thổi nhưng vẫn nghe rờn rợn thế nào, chị khoanh tay nhắm mắt trên sông nước bềnh bồng… Bình vén mây bước xuống: “Ổn chưa, Trâm?”. Ổn rồi, bạn. Trốn đàng này kín rồi, đừng có ngu ngốc mà thò đầu ra nghen, băng thằng Xiềng đang lùng băng bạn ráo riết lắm đó. Việt lí lắc chụp trên đầu chị chiếc mũ đỏ có chóp nhọn giống mũ ông già Noel, chị hét toáng lên: “Ái, mấy người đừng có khôn!”. Chiếc mũ đưa đường dẫn lối cho thằng Xiềng đến tóm gọn chị trong đôi tay đen đúa, khẳng khiu mà cứng hơn gọng kềm của nó. Chị khóc. Nước mắt con gái làm ướt lòng hai thằng bạn. Bình cự nự Việt: “Mày chơi ác vừa thôi nghen, Trâm mà bị bắt thì coi như băng này rã đám!”. Được thể, chị càng khóc to. Việt xoa má chị: “Thôi nín, chuyện chơi mà sao khóc thiệt vậy, Việt nói rồi, chuyện nào thật nghiêm trọng mới khóc nghe chưa! Thôi nín, chiều nay tụi này cho đi bắt mấy thằng ô -kê xe Mỹ!”. Chị nghe Thuyền câu lầm bầm trong tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền: “Đàn bà con gái gì vô tâm vô tư, ngồi vậy mà cũng ngủ được, lại còn nói mê như sáo hát!”. Lần đầu tiên chị nghe nói sáo hát. Sáo hát là sao nhỉ? Sáo hát như người nói mê, ừ có lẽ, cái giống lột lưỡi mới nói được này chỉ làm nhiệm vụ một chiếc máy thu âm không hơn không kém. Dường như Việt vỗ vai chị, không thèm quan tâm đến Thuyền câu nữa, chị nhắm mắt chao mình theo con sóng đu đưa…
  4. …Mùa mưa, chiều nào mây đen cũng kéo về vần vũ, bầu trời nặng trịch hơi nước như chỉ chực rơi cho suối thoả đời suối, sông thoả đời sông. Tiếng xe Mỹ trở về từ các chiến trường ầm ào trên đường quốc lộ chạy qua xóm của Trâm. Bầy xe dữ dằn, chán ngán như lũ thú rừng thất thu sau một đêm phục tìm mồi mệt mỏi. Chúng nó chạy như điên trên phố, bất chấp tai nạn. Ngồi trên lưng mấy con thú đang gầm rú là những người lính Mỹ thất thần, nhếch nhác. Những đôi mắt xanh nhuốm buồn, không biết mình đang sống hay là chết sau những trận quần nhau dữ dội với Vi-xi và dường như họ cũng đang tự hỏi quần nhau để làm gì, có nên quần nhau không. Mấy ý hay ho này Trâm thường nghe Bình, Việt nói với nhau khi cùng hai người ngồi nép trong hàng rào dâm bụt của nhà ông Mười đầu hẽm chờ đón mấy đứa ô-kê xe Mỹ… Xe Mỹ về…Xe Mỹ về… Ô-kê! Ô-kê! Một đám con nít trong hẽm túa ra như bầy ong vỡ tổ. Bất chấp dòng xe lạng lách như điên, mấy đứa tranh nhau chạy theo như đám cá ròng ròng tranh mồi mùa nước lũ. Ô-kê! Ô-kê! Num-bờ-oan! Num-bờ-then! Hàng chục cánh tay gầy nhom, đen đúa của bọn trẻ đưa lên vẫy vẫy… Lính Mỹ trên xe cười hô hố, chúng ném xuống tất cả những thứ gì tiện thể trong tay: bánh kẹo, sô-cô-la, sing-gum, bánh mì hộp, vỏ đạn đồng, cả những chiếc khăn tắm thấm máu chiến trường còn đỏ tươi… Bọn trẻ tranh nhau nhặt. Chúng đánh đập, chửi bới, đạp cả lên đầu nhau mà nhặt. Từ phía hàng rào dâm bụt, Bình đứng lên, ngậm chiếc tu huýt, so vai lấy hơi thổi cái réc… Lần này bọn trẻ đi ô-kê xe Mỹ mới thật sự chạy tán loạn. Trâm thích nhất cao trào này. Xuất hiện sau tiếng tu huýt của Bình là đám lớn hơn một chút toả ra từ các ngả chặn chốt đường rút của bọn ô-kê. Cuối cùng, chỉ có vài đứa thoát; đa số bị quân của Việt, Bình tóm. Tất cả được giải giáp về tán cây trứng cá trước nhà Trâm. Xếp cho chúng đứng theo hàng ngay ngắn, Việt hô: “Đất ta!”. Tất cả đồng thanh: “Ta ngồi!”. Việt tặng chúng một bài “mô-ran” khoảng năm phút. Đại khái, tụi em không biết nhục hay sao mà chạy theo ô-kê xe Mỹ, dám lấy mạng sống của mình để đổi lấy cơm thừa cá cặn của nó sao. Xe nó chạy ẩu lắm, tụi bây chen nhau giành kẹo, nó cán bẹp đầu chết có ngày. Thấy nó cười hô hố trên đầu mình, ném kẹo ném bánh trên đầu mình vậy mà lượm ăn được sao. Người Việt mình còn nghèo thiệt nhưng trẻ em mình dứt khoát không ô-kê với thằng Mỹ nghe chưa… Sau đó, hai chàng Đông-ky-sốt tịch thu hết “chiến lợi phẩm”, quẳng xuống con suối chạy luồn qua xóm, mặt đám “tù binh” con
  5. nít bị quệt lọ nghẹ (nhọ nồi) trộn mỡ bò rửa ba ngày chưa sạch. Nói gì thì nói, bơ-sữa-sô cô la của Mỹ vẫn hấp dẫn hơn. Đứa này ớn cái món lọ nghẹ trộn mỡ bò của Việt, Bình nhưng đứa khác không ớn. Vì vậy nên quân của hai người vẫn phải trường kỳ mai phục mỗi khi có tin xe Mỹ về. Bình, Việt “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như thế một thời gian dài. Người lớn trong xóm không phản đối mà cũng không nhiệt tình ủng hộ chiến dịch tẩy chay nạn ô-kê xe Mỹ của hai người. Dù gì thì cả hai cũng làm được nhiều việc cho xóm làng: cứu người chết đuối, bênh vực kẻ yếu, vận động người giàu góp gạo cho người nghèo… nên chắc họ thấy việc gì hai người làm cũng không đến nỗi không đúng. Ngoài những khi cắp sách đến trường, hai người còn giành thời gian kèm bọn trẻ trong xóm học, dạy chúng chơi đủ trò. Bình bảo, phải làm như thế để các em theo phe mình mà không ô-kê xe Mỹ. Trâm không trực tiếp tẩy chay vụ ô-kê xe Mỹ nhưng luôn xuất hiện với vai trò quan sát viên. Cứ thế, ba người bạn cùng xóm chơi với nhau khắng khít không rời. Ba người học chung một trường trung học. Tuổi mười bảy, Trâm được bầu là hoa khôi toàn trường. Việt, Bình lấy làm vinh hạnh lắm lắm khi được làm người đưa đón cô nàng đi-về ngày hai buổi. Thời buổi chiến tranh, tên bay đạn lạc là chuyện thường, nhất là đối với những khu nhà cận vùng quân sự như xóm Trâm. Mỗi khi có điểm dân sự nào trúng đạn pháo kích là hoa khôi có việc làm, giống như bây giờ ta mời hoa hậu làm quảng cáo vậy. Hoa khôi đội vương miện trắng tượng trưng cho màu tang tóc, mặc áo dài cài chéo băng-rôn xanh trước ngực biểu lộ sự hoài vọng hoà bình với khẩu hiệu “Đả đảo Cộng sản pháo kích!” đi trước, đám học sinh lút nhút vài trăm đứa theo sau. Bình, Việt khoẻ khoắn, trai tráng được chỉ định vào nhóm vuốt đuôi khẩu hiệu “Đả đảo! Đả đảo!”. Khi mấy ông cảnh sát trà trộn vào đám tuần hành lơ là một chút, hai người hốt vội mớ râu dê bằng nhựa thủ sẵn trong cặp từ đời nào ra phân phát cho đám con trai. Cả đám vừa hô đả đảo vừa hỉnh mũi, chu môi cố tình làm nhút nhít chòm râu cho đám con gái đi sau ôm nhau cười khúc khích… Sau mỗi buổi Trâm đi mít tinh tuần hành trở về, má cô thất thần lôi tuột con vào buồng: “Trời ơi, ai xúi mày làm chuyện ngu xuẩn vậy? Cha mày ở trên rừng biết được, tao ăn nói sao với ổng đây?”. Trâm bĩu môi, ai biểu má sinh con đẹp. Bà mẹ
  6. gào lên: “Ôi trời, đẹp để làm chuyện động trời vậy sao, con ơi là con! Đúng là con dại cái mang mà!”. Tối, biết má buồn không ngủ được, Trâm sẻ sàng ôm vai má: “Con xin lỗi, bướng bỉnh nói cho đỡ buồn vậy thôi, chứ đứa học sinh nào ở trường con mà không đi đả đảo thì sẽ bị đuổi học, rồi còn bị cảnh sát chìm theo dõi, cực lắm má ơi!”. Ban ngày, tụi Trâm kề vai sát cánh với đám cảnh sát đi đả đảo, vậy mà ban đêm bị mấy ổng rượt chạy có cờ, làm tan tác nhiều chương trình Hát cho dân tôi nghe dưới ánh đuốc đỏ rực của hàng trăm học sinh và tiếng đàn guitare bập bùng của Việt. Trên sân khấu dựng tạm bằng bàn học sinh kê san sát giữa sân trường; Bình tự tin hát to, hát khoẻ, làm giọng hát chủ cho mọi người hát theo… Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào, hát trong đêm thiêng thu, lửa cháy trên trại giặc thù, hát cho trăm năm sau, sử vàng cũng biết môi thơm… Một hai ba, xe cảnh sát tới, chạy… “Chiến dịch” ô-kê xe Mỹ ở xóm Trâm thật sự đau thương, thật sự kết thúc bởi cái chết của thằng Đực em. Nhà Đực em nghèo nhất nhì trong xóm nên chuyện đi ô-kê xe Mỹ của nó cũng góp phần cơm gạo hàng ngày cho gia đình. Má nó đã đôi lần chửi bâng quơ Việt, Bình vì cái chuyện vác tù và. Đực em chết ở tuổi lên mười trong một chiều mưa ảm đạm. Xác nó kẹt cứng giữa hai bánh xe GMC Mỹ to đùng. Nó lâm nạn khi cúi xuống nhặt một hộp thịt… Bình, Việt đã đóng cho Đực em một cỗ quan tài nho nhỏ, xinh xinh là mấy miếng gỗ tận thu từ các thùng đạn do lính Mỹ ném từ trên xe xuống. Chưa hết hoang mang vì cái chết của Đực em, trẻ con xóm Trâm lại phải chịu một nỗi buồn lớn: hai ông anh thích chơi với trẻ con bị tổng động viên vì thi rớt tú tài 2. Không cần phải che đậy tình cảm gắn bó giữa ba người nữa, nước mắt Trâm cứ rớt dài khi nghe ông Hai say rượu trong xóm hát cà kê: Rớt tú tài anh đi trung sĩ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con Bao giờ yên chuyện nước non Anh về anh có Mỹ con anh bồng
  7. Việt đi lính, Trâm học lên đại học (được thuận lợi như thế nhờ hồ sơ Trâm khai cha chết do đi hái măng trên rừng). Nền nhà Bình còn in đậm dấu tro than, mấy ông Quốc gia đốt nhà khi anh không đi lính mà nhảy núi theo cha. Tình cảm Việt-Trâm lớn dần theo năm tháng. Những khi Trâm lên quân trường thăm Việt, lúc chỉ có hai người ngồi với nhau, tay trong tay, môi kề môi thì Trâm lại tần ngần… Sự tần ngần này thường kết thúc bằng chuyện Trâm nhắc đến Bình. Cô nhớ Bình. Việt dỗi: “Ừ, có yêu nó thì yêu đi!”. Yêu Bình ư? Không phải. Rõ ràng là Trâm yêu Việt nhưng cô không giải thích được lý do tần ngần của mình. Bình đấy. Bình răng khểnh đáng yêu. Bình thường nắm tay đưa Trâm về trong đêm tối sau mỗi buổi học nhóm: “Nhìn thẳng nghen Trâm, đừng sợ gì hết, có con ma nào, Bình trị nó cho!”. Bình tốt bụng không ai bằng. Nghe nói Bình nhảy núi gian khổ, sống chết trong đường tơ kẽ tóc, nhớ ngày nào ba đứa vui buồn có nhau… Trâm buồn, ôm vai Việt thổn thức… Bình nhảy núi được sáu tháng thì bí mật quay về vào một đêm trăng, anh hẹn gặp Trâm bên bờ suối tận cùng xóm vắng lúc nửa đêm. Dưới ánh trăng thượng tuần bàng bạc, Trâm bần thần trước Bình thay đổi dạn dày. Cô ôm người giải phóng quân khóc. Bình bảo đừng khóc, phải thật khó khăn, Bình mới được đứng trong hàng ngũ những người giải phóng. Trâm thôi khóc ngạc nhiên, ủa, sao kỳ cục vậy, ba Bình làm chỉ huy bên bển mà. Bình gật đầu, chính vậy mới rắc rối, tại cái vụ mình đi đả đảo đó. Cuối cùng, ba phải mang cả mạng sống và sự nghiệp ra bảo lãnh cho Bình được về làm lính của ba. Bình thủ sẵn trong túi quần chiếc râu dê nhựa thuở nào, anh hóm hỉnh gắn vào mũi: “Đả đảo! Đả đảo!”. Trâm lại cười khúc khích. Bình quàng vai Trâm nói trong hơi thở gấp gáp, kỳ này Bình đi chiến dịch, lâu lắm, lâu thiệt là lâu mới về, Trâm gửi lời chào Việt dùm Bình nghen. Cảm giác chia xa là lạ xâm chiếm cô gái, nỗi sợ về sự chia ly vĩnh viễn đã khiến cô không giữ được mình… Nút áo bung ra, khép mở hững hờ một khai nguyên em dưới ánh trăng ngọc ngà, Bình nhấc bổng Trâm lên… Việt xa nhà chưa đủ chín tháng quân trường, Trâm chưa đủ can đảm nói lời thú tội từ mũi tên thần Venus, gia đình anh đã nhận giấy báo tử của Quân lực Việt Nam cộng hoà. Trâm không khóc được vì cảm giác tội lỗi và mọi thứ quá bất ngờ. Tất cả diễn ra chóng vánh
  8. khiến cô như bị lọt vào một thế giới khác sau đêm trăng bên bờ suối. Ngày bên Quốc gia làm lễ truy điệu Việt, đứng vòng trong vòng ngoài quanh quan tài anh là những người bạn áo trắng và những người lính Quốc gia cao to đứng nghiêm bồng súng hàng giờ. Má Việt cùng đàn em nheo nhóc vật vã trong khói nhang nghi ngút, bà vừa khóc vừa chửi Tổng thống Thiệu tổng động viên đám nhỏ hỉ mũi chưa sạch để làm cái gì. Trong điếu văn có phần “tri ân” Việt và “các chiến hữu” đã từng hăng hái chống cộng thông qua những cuộc mít tinh tuần hành ngày còn đi học. Nghe qua đoạn này, ba Việt- chú Năm đạp xe xích lô trong xóm- lạnh lùng gom mớ kim loại trắng trắng vàng vàng được đặt ở đầu quan tài anh quẳng ra sân. Những món này gọi là Anh dũng bội tinh và nhành dương liễu được người ta “tôn vinh” Việt sau khi anh tử trận. Còn chuyện vì sao Việt phải ra mặt trận khi chưa kết thúc khoá huấn luyện không nghe nhắc đến. Đứng lẫn trong đám đông, Trâm nghe lòng mình se sắt, dường như chân không còn chạm đất, ánh mắt cô dừng lại thật lâu trước hàng chữ mạ vàng được bạn bè khắc đặt trên nắp quan tài: Bây giờ anh phủ màu cờ Anh lên lon giữa hai hàng nến trong Mặc mọi người muốn làm gì thì làm, di ảnh thiếu uý Việt vẫn trẻ đến vô thường, tuổi mười tám đôi mươi, ánh mắt hoài ngơ ngác với “sứ mệnh” đi làm bia đỡ đạn… *** Miền Nam giải phóng được vài tháng, ba má Bình trở về dựng nhà mới trên nền đất cũ trước kia. Người ta gọi gia đình Bình là gia đình liệt sĩ với di ảnh của anh và tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt ở nơi trang trọng nhất nhà. Bình còn có cả Huy chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trâm bận tối mắt tối mũi với chuyện tiếp tục hoàn tất chương trình đại học và công tác Hội Thanh niên giải phóng. Nhưng cô vẫn không quên vào nghĩa trang liệt sĩ viếng mộ Bình vào mỗi dịp 27-7 và giỗ hàng năm. Cũng vào những dịp này, Trâm quay về nghĩa trang quân đội Quốc gia thắp nhang cho Việt. Chỗ Việt xác xơ, hoang tàn, buồn thảm. Ngồi một mình trước mộ Việt bị dấu chân trâu dẫm muốn thành đất bằng, Trâm khóc, nhìn lên trời, lẫn trong đàn chim én
  9. bay qua, cô thấy Bình và Việt cưỡi mây, ôm đàn Hát cho dân tôi nghe. Vẫn trẻ trung, rạng rỡ và đáng yêu như thuở nào. Chịu không nổi sự bi thương này, Trâm khấn mời Việt về chỗ Bình. Đêm đêm phòng không chiếc bóng, nhớ Việt nhớ Bình, cô cố xua đi mọi ám ảnh về tội lỗi trong tình bạn, tình yêu. Chỉ để thắc mắc mỗi điều, nếu có thế giới bên kia và ở nơi vĩnh hằng ấy, có xe Mỹ chạy rầm rập qua những con đường không; để Việt, Bình cùng thằng Đực em và chị em con bé Hai, bé Ba chết đuối đi rình bắt bọn âm binh con hăng hái ô-kê xe Mỹ như ngày nào. *** Lăn lóc với chuyện học hành, làm việc để tự hoàn thiện mình, Trâm còn luôn đau đáu bên lòng tâm niệm: sẽ một lần ra thăm dòng sông xưa- nơi Việt, Bình đã gửi lại tuổi hai mươi. Mọi người bảo, hai anh cùng mất trên dòng sông ấy trong một chiến dịch, Việt bảo vệ Thành cổ, Bình tấn công Thành cổ; có điều người mất trước kẻ mất sau. Căn cứ theo giấy báo tử của hai bên thì Việt mất trước Bình sáu tháng, má Việt nằm mơ thấy hai người đi đâu cũng cặp kè vui như chim sáo. Không tin có thế giới bên kia nhưng Trâm tin có những phần thuộc về con người không bao giờ biến mất, đó là tâm linh. Tâm linh là “phần mềm”, vỏ cơ thể là “phần cứng”. Phần cứng là phần hữu cơ có thể hư hao và mất đi nhưng phần mềm- đôi khi tưởng cũng tan biến vào hư vô- sẽ được phục hồi nếu được “kích hoạt” đúng người đúng lúc. Đọc một tiểu thuyết viết về chiến tranh, Trâm nín thở theo từng bước chân người chiến sĩ là nhân vật chính. Đồng đội anh chết hàng loạt trong những trận bom buổi sáng. Nhưng đến tối, anh còn nghe họ khóc cười âm âm trong bộng cây, hốc núi. Điều này có thể chia sẻ được vì phần mềm cực kỳ tinh vi của rất nhiều con người được tách rời rồi hội tụ cùng lúc, thử hỏi làm sao không gây ra hiệu ứng! Tin vào hiệu ứng này nên Trâm muốn được một lần thắp nến cho Việt, Bình trên dòng sông xưa- nơi phần mềm của hai anh còn lẩn khuất- để hai anh thấy nhẹ lòng khi mọi người đã can đảm tách bạch dần giữa quá khứ và hiện tại. Nghĩa trang quân đội Quốc gia nơi Việt nằm hơn ba mươi lăm năm qua, bây giờ đã trở thành nghĩa trang nhân dân. Má Việt đã khóc nhiều, đã biết ơn rất nhiều trước sự từ chối biến nơi yên nghỉ của những người thất trận thành khu chế xuất hay khu công nghệ cao gì gì đó. Cũng như bây giờ, sau thời gian dài
  10. chứng minh được mình là người hữu dụng, không hề có ý hại dân hại nước, cộng với sự cống hiến cho cách mạng cả đời của người cha, Trâm mới được yên ổn với hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Chuyện rắc rối không nhỏ trước kia cũng bởi-tại- vì cô bị qui là dân phản động với “thành tích đi đả đảo”. Bao nhiêu năm qua rồi, mà đến bây giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, Trâm vẫn thấy mồn một những bản tường trình về vụ hoa khôi đi đả đảo. Một bản, hai bản, ba bản, năm bản, mười bản, mười lăm bản… Ba má Trâm có lúc đã đau khổ với con gái đến phát cuồng khi người ta cố tình không muốn tách bạch giữa hiện tượng và bản chất. Bước vào tuổi ngũ tuần, Trâm vẫn một mình lẻ bóng. Một năm hai lần giỗ bạn, Trâm vẫn hai bó hoa, hai đĩa trái cây, hai quyển sách hay đốt trên phần mộ Bình trong Nghĩa trang liệt sĩ. Trâm tin Việt đã về với Bình theo lời mời của cô. Cô cũng sẽ không bao giờ quên chuyện vì sao Việt không nhảy núi cùng mẹ con Bình thuở ấy, dù Bình luôn có ý chờ đợi. Cũng như gia đình Trâm; mẹ con Bình còn có người chồng, người cha là điểm tựa phía bên kia. Gia đình Việt không vai vế bên nào, thuộc lớp nghèo thành thị, tứ cố vô thân, óc eo bảy tám miệng ăn làm sao chịu nổi lửa đốt nhà của mấy ông Quốc gia. *** Nghe Thuyền câu lầm rầm chi đó ở mũi thuyền, Trâm mở mắt bừng tỉnh, trời đã lờ mờ sáng. Ồ, hoá ra chị đã đi cùng Việt, Bình qua một chuỗi ký ức dài. Chống tay, vuốt tóc, ngồi lại cho đàng hoàng, ngay ngắn; chị căng mắt nhìn Thuyền câu qua làn sương sớm lãng đãng trong khoang thuyền: - Làm chi đó anh Thuyền câu? Vẫn lầm lầm khó gần: - Cúng! - Cúng chi? - Cúng mấy ông đánh trận chết sông! - Làm sao phải cúng?
  11. - Mấy ổng thiêng lắm, sớm nào có cúng thì sóng yên gió lặng, bắt được nhiều tôm cá; ngày nào không cúng thì hư hao đủ thứ. Thuyền câu đặt hai mâm hai bên mạn thuyền thắp nhang. Mỗi mâm một nải chuối xanh, vài con tép luộc và khoảng chục ly rượu đế. - Sao cúng đến hai mâm? - Hai bên hai mâm! - Bên nào? Thuyền câu nhìn chị dò xét: - O đi thắp nến cho bên nào? Chị chợt hiểu và thấy mình vô duyên: - Ừ, tôi cũng cả hai. - Vậy thì đừng có hỏi! Thuyền câu chập chập hai lòng bàn chân vào nhau như cho đỡ lạnh rồi tựa hẳn người vào mạn thuyền: - Coi vậy chớ mấy ổng vui lắm, không dữ dằn chi mô. Tối nằm mơ tui thấy hai bên cứ cười đùa, chọc ghẹo nhau hoài; người nào người nấy trẻ măng hà! Mỏm mặt trời bé xíu đã bắt đầu nhô lên sau rặng dừa xa xa tạo nên một quầng sáng hồng hồng phía chân trời. Trâm thấy Thuyền câu đã dễ gần hơn và mọi thứ cũng đã bớt tròng trành hơn. Nước êm êm đưa thuyền xuôi về phía trước.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2