intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thế giới quan trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm

Chia sẻ: Vương Tâm Lăng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

35
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài nêu lên thế giới quan trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm không chỉ mang sắc thái của quan điểm Phật giáo mà còn chứa đựng triết lý của Nho và Lão, cho thấy rõ mong muốn dung hòa “Tam giáo” của ông. Trên tinh thần dung hòa Nho – Phật – Lão, Ngô Thì Nhậm đã đi vào giải thích nguồn gốc, sự tồn tại của thế giới; khẳng định tính thống nhất cũng như sự vận động, biến đổi của các sự vật hiện tượng trong thế giới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thế giới quan trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm

  1. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 THẾ GIỚI QUAN TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC NGÔ THÌ NHẬM Nguyễn Thị Hồng Phươnga* a Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam * Tác giả liên hệ: Email: phuongnth@dlu.edu.vn Tóm tắt Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), là một danh sĩ, nhà văn thời hậu Lê – Tây Sơn, ông là một trong những nhà tri thức, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII, đồng thời còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà chiến lược. Trong quan điểm về thế giới quan, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo khi đi vào giải quyết các vấn đề về sự sinh thành, biến hóa của vạn vật trong vũ trụ theo tinh thần dung hòa Nho – Phật - Lão. Tìm hiểu thế giới quan của Ngô Thì Nhậm sẽ đem đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về thế giới, đồng thời mở ra một hướng đi cho các nhà tư tưởng đương thời trong quá trình tìm cách giải thích mới hơn về thế giới. Từ khóa: Thế giới quan, dung hòa “Tam giáo”, Ngô Thì Nhậm, tư tưởng triết học. 267
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 WORLD OUTLOOK IN NGO THI NHAM’S PHILOSOPHY IDEOLOGY Nguyen Thi Hong Phuong a* a The Faculty Of Political Theory, Dalat University, Lamdong, Vietnam * Corresponding author: Email: phuongnth@dlu.edu.vn Abstract Ngo Thi Nham (1746 – 1803) is known as a famous scholar and knight of the pen in the reign of Le- Tay Son dynasty. He is one of the great intellectuals, ideologists of Vietnam in XVIII century, as well as a writer, a poet, a politician and a strategist. In the world outlook, Ngo Thi Nham revealed his flexibility and creativity in solving matters related to the creation and transformation of the living beings in the universe in accordance with the harmony of the Three religions: Confucianism, Buddhism and Taoism. Studying Ngo Thi Nham’s world outlook will lead us to a new approach in perceiving the world, as well as make some recommendations on searching for other explanations of the world to current ideologists. Key words: World outlook, the three religions (of Vietnam), Ngo Thi Nham, philosophy ideology. 268
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thế giới quan là toàn bộ quan niệm, quan điểm của con người về thế giới, về bản thân con người, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó. Thế giới quan cũng là cách thức nhìn nhận và giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội. Bàn về vấn đề thế giới quan, ở Phương Đông có nhiều nhà tư tưởng đã tập trung nghiên cứu và trình bày những quan điểm của mình về thế giới, sự thống nhất, sự vận động của thế giới, tiêu biểu như học thuyết thái cực của Chu Đôn Di; tư tưởng về lý và khí của Trình Di, Chu Hy… Ở Việt Nam, Trần Thái Tông đã xuất phát từ không – hư; Tuệ Trung Thượng Sỹ xuất phát từ cái vô - cái không - tính không; Trần Nhân Tông với khái niệm bản; Pháp Loa với quan điểm về kiến tính còn Lê Quý Đôn thì chìm đắm trong phạm trù lý – khí để phân tích vấn đề thế giới quan… Tuy có những cách giải thích khác nhau nhưng chung quy các nhà tư tưởng đều hướng về một mục đích là làm sáng rõ sự tồn tại của thế giới đầy bí ẩn này. Thế giới quan trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm không chỉ mang sắc thái của quan điểm Phật giáo mà còn chứa đựng triết lý của Nho và Lão, cho thấy rõ mong muốn dung hòa “Tam giáo” của ông. Trên tinh thần dung hòa Nho – Phật – Lão, Ngô Thì Nhậm đã đi vào giải thích nguồn gốc, sự tồn tại của thế giới; khẳng định tính thống nhất cũng như sự vận động, biến đổi của các sự vật hiện tượng trong thế giới. 2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 2.1. Bản thể của vũ trụ Ngô Thì Nhậm coi sự xuất hiện của vũ trụ là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi chỉ có khi nào người ta thực sự hiểu thế giới này từ đâu mà có thì mới hiểu được vũ trụ vận động, biến đổi và phát triển ra sao. Vì vậy mà ông luôn băn khoăn về bản thể của vũ trụ, ông luôn cố gắng đi tìm hiểu và lý giải cho sự xuất hiện của vũ trụ. Trong bài Tuyết hay là trăng là một bài phú chứa đựng một triết lý thâm sâu của ông (Cao & Thạch, 1978, tr. 67). Ta vừa đi vừa tự hiểu lấy chừ, buổi hỗn mang ban đầu Ở dưới, ai tạc nên núi sông chừ, ở trên ai bày ra trăng sao Ở giữa, muôn vật đúc nên theo trạng gì chừ, nặn ra người theo hình nào? Lại vì sao chia giữa, dưới, trên chừ, khiến họp lại thành từng loài khác nhau? Cái lẽ đó thật mập mờ chừ, cái khí ấy hỗn độn sao! 269
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Ở đoạn phú trên, Ngô Thì Nhậm đã phủ định tất cả những phạm trù, những khái niệm không gian, thời gian; nguyên nhân, kết quả; vật chất, tinh thần. Từ đó, nhìn bề ngoài thì có vẻ dường như ông không biết vì sao có sự tồn tại của thế giới nhưng thật ra ông đã có những suy tư rất đặc biệt cho sự tồn tại đó. Theo ông, nguồn gốc nảy sinh, chi phối vạn vật trong vũ trụ là hóa công (化 工), chính sự tồn tại của hóa công đã làm cho vũ trụ có một hình hài tương đối hoàn chỉnh và chất chứa những điều kỳ diệu. Điều này được ông thể hiện một đoạn trong bài Trên núi Thần Phù, trông ra biển: Hóa công xếp đặt rõ tài thay! Hỗn độn từ xưa quả đất này Khiến đá xô đi đè sóng biển Để vùng lõm xuống chứa ao trời. (Cao & Thạch, 1978, tr. 144) Hóa công ở đây được hiểu như một người sắp xếp vạn vật một cách có trật tự. Theo Ngô Thì Nhậm thì đây là một nhân vật có thật, một nhân vật mà mọi người đều phải tôn kính bởi nhờ vị thần này mà người ta mới có thể tồn tại và phát triển được. Con người không thể tự mình tạo ra muôn vật trong cuộc sống mà phải cần phải có bàn tay khéo léo của hóa công, trong bài Khúc ngâm câu ngắn câu dài, có đoạn viết: Cao sâu nào phải tự muôn vật Chẳng định mà làm ấy Hóa công. (Cao & Thạch, 1978, tr. 301) Ngô Thì Nhậm coi trọng sự tồn tại của hóa công trong cách giải thích của mình vì theo ông xưa kia vũ trụ này không hề có một trật tự ổn định, chỉ khi hóa công xuất hiện thì vạn vật mới được trọn vẹn thể hiện mình. Tuy đây là cách hiểu chất phác nhưng nó đã thể hiện sự mong mỏi tìm kiếm và giải thích những điều kỳ diệu và bí ẩn của cuộc sống. Ngoài tư tưởng bản thể là hóa công thì Ngô Thì Nhậm còn coi bản thể là trời (天 ) gắn kết chức năng của trời trong cách tạo dựng nên vũ trụ. Theo ông, nhờ có trời mà vạn vật được sinh sôi nảy nở, cũng nhờ có trời mà vạn vật có một trật tự ổn định. Ông cho rằng trong cái thế giới rộng lớn này không có gì là không do trời sinh ra, kể cả những ngôi làng, những bậc hào kiệt hay cả những mảnh đất ở trần tục. Tư tưởng này được ông thể hiện rất rõ trong bài thơ Trên đường Nghệ An: Trời sinh hào kiệt Đẩu, Thai gần Đường qua ghi những làng danh nổi. (Cao & Thạch, 1978, tr. 301) Đôi lúc Ngô Thì Nhậm lại không đề cao vai trò của trời, của hóa công mà cho rằng việc vạn vật tồn tại trong thế giới này chỉ là sự tồn tại một cách tự nhiên, không do ai sắp đặt. Trong bài Phú lên lầu Hoàng Hạc, có đoạn viết: Từ khi mông muội mở ra chừ, núi sông tụ lại thành hình 270
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Đương lúc hỗn độn chưa phân chừ, thần tiên mờ mịt chưa có danh Mây mù kia chưa ai cưỡi chừ, khói ráng kia ai ngao du Thực là cảnh vật độc lập chừ, cần gì ai điểm tô. (Cao & Thạch, 1978, tr. 75) Đây chính là tình huống thể hiện rõ một tâm trạng luôn băn khoăn trước những biến đổi của cuộc sống, con người phải luôn nhanh chóng thay đổi suy nghĩ của mình để thích nghi với những thay đổi khôn lường của tự nhiên, của thời cuộc, từ đó biết thuận theo lẽ mà sống. Ngô Thì Nhậm cũng không phủ nhận vai trò quan trọng của con người, coi con người cũng là một nhân tố quan trọng trong việc tạo nên hình hài của vũ trụ. Theo ông, nhờ có bàn tay con người nên trời đất mới được mở mang, cảnh vật mới có tên, có hình. Cũng trong bài Phú lên lầu Hoàng Hạc, ông viết: Hẳn trời đất mở mang ra chừ, mượn tay người mà chuốt gọt Tiên được cảnh mà thành danh chừ, cảnh có người nên tươi tốt. (Cao & Thạch, 1978, tr. 76) Bên cạnh những tư tưởng mộc mạc về bản thể vũ trụ, Ngô Thì Nhậm còn tiếp thu Thiền tông trong tư duy triết học của mình. Ông là một nhà Nho rất coi trọng Thiền tông nên bản thể của ông còn là Phật tính (佛 性), Phật tính cũng được gọi là chân như. Chân như của Thiền tông là bất sinh, bất diệt, vô thỉ, vô chung, là chí nhất và chí đa, chí tĩnh và chí động, chí nhu và chí cương; chân như này giống như phạm trù đạo của Lão - Trang và phạm trù Thái cực “bất dịch mà biến dịch” của Chu dịch. Trong triết học của Ngô Thì Nhậm, chân như được ông tượng trưng bằng hình ảnh của mây và nước, vận động không ngừng và bao trùm cả vũ trụ. Trong Trường đoản cú ngâm có viết. Kìa chẳng thấy: Mây ngoài ngũ lĩnh sớm chiều trôi Ngang dọc tầng không chẳng nghỉ ngơi, Lại chẳng thấy: Cuồn cuộn chảy dài dòng sông Minh Dồn dập về đông vượt thác ghềnh. Mây nước vô tâm mà có lực, Chuyển động xoay vần không nghỉ bước. Há tâm, lực chẳng gắn cùng nhau? Lẽ hồn nhiên ai biết đâu? Phỏng mây muốn cao vươn tít tắp? Phỏng nước đòi sâu tìm mênh mông? Cao sâu nào phải tự muôn vật 271
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Chẳng định mà làm, ấy Hóa công. (Cao & Thạch, 1978, tr. 300 – 301) Ở đây, chân như được Ngô Thì Nhậm tượng trưng bằng hình ảnh mây trôi không lúc nào ngừng nghỉ, chân như biểu hiện muôn hình, muôn vẻ như mây trời. Ngô Thì Nhậm cũng đã nói đến dòng nước chảy mãi để nhấn mạnh sự tuyệt vời của nước. Bình thường thì nước trông có vẻ nhu nhược song nó chính là cái công phá những vật cứng mạnh vì nước còn có cái lực bên trong mà bằng mắt thường không thể thấy được, đó chính là chí nhu và chí cương của vật. Việc Ngô Thì Nhậm lấy mây và nước để thể hiện cái bản thể của thế giới là một trong những tư tưởng tiến bộ của ông. Bản thể vũ trụ ở Ngô Thì Nhậm là u huyền, lặng lẽ nhưng cũng rất lưu động, biến thiên. Thiền tông đã đưa vào trong tư tưởng Ngô Thì Nhậm những triết lý sâu sắc, giúp ông hình dung tốt hơn về bản thể vũ trụ. Không dừng lại ở chỗ coi bản thể là hóa công, là trời, là chân như theo tư tưởng Thiền tông. Ngô Thì Nhậm còn thể hiện mình ở ba khía cạnh khác nhau trong lúc giải quyết vấn đề bản thể. Có lúc ông đi theo khuynh hướng Nho, có lúc lại hướng tư tưởng theo cách giải thích của Phật và đôi lúc lại lý giải theo phong cách Lão - Trang. Tất cả những điều đó đều thể hiện ở ông một tinh thần dung hòa “Tam giáo”. Đây cũng là mong muốn của nhiều nhà triết học trước đó. Ngô Thì Nhậm đã không xa rời tư tưởng về bản thể của các bậc tiền bối khi đi tìm cái bản thể của vũ trụ, mà đầu tiên là phải kể đến tư tưởng của Trần Thái Tông. Trần Thái Tông đã coi bản thể khởi nguyên, cội nguồn của vũ trụ vạn vật là không (空). Từ không mà xuất hiện vọng (妄) tứ vô minh (無 明), nghĩa là xuất hiện sự xuyên tạc, ảo ảnh, không thực, không đúng sự thực. Không trong triết học của Trần Thái Tông là để bắt đầu rồi từ không mới khởi vọng, không hiện vọng và vọng thì theo không, sự xuất hiện của vọng là cơ sở để sắc (色) xuất hiện tức thế giới hiện tượng, vạn vật trong vũ trụ. Kể cả sự tồn tại của con người và các sinh vật cũng do vọng sinh ra. Chúng ta có thể thấy quá trình này chia làm ba giai đoạn rõ rệt đó là không – vọng – thế giới hiện tượng. Trần Thái Tông viết: “Do không khởi Vọng, Vọng thành Sắc, Sắc tự chân Không. Thị Vọng tòng Không, Không hiện Vọng, Vọng sinh chúng Sắc”. [Trần, 1974, tr. 122] Như vậy, ở Trần Thái Tông, không là cội nguồn và nguyên khởi của mọi thứ. Cũng xuất phát từ không, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng đi đến khẳng định bản thể chính là cái vô, cái không, là tính không (Synyata). Mọi cái suy cho cùng đều là không. Ông viết: “Thân tòng vô tướng bản lai không”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 285) “Sinh tử nguyên lai tự tính không”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 285) “Chân như vọng niệm tổng giai không”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 248) “Tâm cảnh bản lai vô”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 289) 272
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 “Bản vô tâm đạo”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 310) Và cái bản thể này là vô tướng, vô hình, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã thể hiện tư tưởng này trong bài Tâm Vương: “Không hình, không tướng “chúa tâm ta” Mắt dẫu ly châu đố nhận ra Muốn biết đâu là “khuôn mặt thực” Giữa trưa ngủ hết đến canh ba”. (Thơ văn Lý Trần,1998, tr. 237) Nhìn chung thì tư tưởng về thế giới quan của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ cơ bản là không khác nhau, cả hai ông đều xuất phát từ không để giải thích cho quan điểm của mình. Điều này đã giúp Ngô Thì Nhậm rất nhiều khi ông cũng lấy cái không để nói về vấn đề bản thể. Đứng trên lập trường của một nhà tu Phật, Ngô Thì Nhậm đã chỉ rõ về xu hướng Phật học của mình. Ông đã đặt thế giới vào một trạng thái hỗn độn. Ông xuất phát từ âm thanh của cái không (寤) để làm rõ hơn tư tưởng, quan điểm của mình về bản thể. Theo ông: “Trong cái Không mà có thanh thì thanh ấy không biết từ đâu đến, cũng không biết nó đi đâu, đón trước thì cũng không biết chỗ nó bắt đầu, theo sau nó thì không biết chỗ nó chung kết, sang sảng, oang oang không dừng lại một giây”. [Mai, 2001, tr. 144]. Như vậy, Ngô Thì Nhậm coi sự xuất hiện của tiếng không là điểm xuất phát của vạn vật trong vũ trụ và khi thời cơ chưa đến thì tiếng không còn ở trong sự hỗn độn, mịt mờ. Có nghĩa là “Khi mà Tý chưa mở (chưa có trời), Sửu chưa sinh (chưa có đất) thì thanh ở nơi hỗn đỗn (mờ mịt, lộn xộn chưa phân biệt)” chỉ “khi mà Dương đi xuống Âm đi lên (trời điều hòa) thì Thanh quanh quẩn ở trong đó”. [Mai, 2001, tr. 144] Ngô Thì Nhậm đã coi âm thanh của cái không là một phần tất yếu trong vũ trụ, chúng ta chỉ có thể nghe nó nhưng không thể tìm thấy nó. Trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (Ẩn thanh) có viết: “Từ một luồng khí thông thoáng hỗ độn chưa chia, muôn vàn hiện tưọng sinh ra từ cái Không, cái Không cũng chính là Thái cực”. [Mai, 2001, tr. 155] Nếu đứng ở góc độ Phật học thì ta thấy không là thể tính của vạn hữu, bất sinh bất diệt, không từ đâu tới cũng không đi về đâu, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ khái niệm. Ngô Thì Nhậm coi xuất phát của thế giới, vạn vật trong vũ trụ này từ không là một điều dễ hiểu bởi ông chính là một nhà tu Phật. Trong triết học Phật giáo thì không cũng là một khái niệm đa nghĩa, không có nghĩa là bản thể khởi nguyên, cội nguồn của vũ trụ vạn vật. 2.2. Sự dung hòa “Tam giáo” trong thế giới quan của Ngô Thì Nhậm Ngô Thì Nhậm đã cho chúng ta thấy có bước phát triển mới hơn, ông không chỉ giải thích vấn đề của mình ở một góc độ tản mạn, đơn giản, không chỉ dựa vào kiến thức Phật học mà ông còn đứng trên cả lập trường của Nho giáo để phát triển tư tưởng của mình. Ở Ngô Thì Nhậm, không không chỉ là thể tính của vạn hữu, bất sinh, bất diệt mà đứng về phía Nho học thì không còn là thái cực (太 极), là khí hỗn nguyên. Ngô Thì Nhậm đã tán đồng với những quan điểm của các nhà Nho học đời Tống khi ông xác định 273
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 vạn vật của vũ trụ này đều sinh ra từ thái cực. Ông đồng ý với quan điểm của Chu Liêm Khê cho rằng thái cực sinh ra hai khí âm và dương, từ hai khí ấy sinh ra ngũ hành (五 行 ) và tạo thành vạn vật trong vũ trụ, đồng thời cũng tán thành với quan điểm của Trình Hạo và Chu Hy vì họ cũng dùng thái cực để giải thích nguồn gốc của thế giới. [Xem: Doãn, 1997, tr.556]. Ngô Thì Nhậm cho rằng, sở dĩ các sự vật và hiện tượng trong thế giới này hình thành được là do hai khí âm dương hợp lại với nhau, tất cả đều xuất phát từ chỗ ngộ, từ thứ, thứ ở đây là thái cực sinh ra trời đất. Ông viết: “Hai khí âm, dương đọng lại mà thành vật tượng, đều bắt mối ở Ngộ (thứ), Ngộ chính là Thái cực sinh Lưỡng nghi đây (…), Lưỡng nghi sinh Tứ tượng”. [Mai, 2001, tr. 156] Như vậy, từ không (Thái cực) sinh Lưỡng nghi (trời đất) và Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (bốn mùa) chính là quy luật vận hành và biến hóa của vũ trụ. Ông đã chia làm ba giai đoạn rõ rệt sự sinh thành vạn vật trong vũ trụ. Ngô Thì Nhậm đã xác định thái cực có hai khí âm, dương: “Thái cực động mà sinh dương, tĩnh mà sinh âm”. [Mai, 2001, tr. 211] Chính hai thể động và tĩnh này tự vận hành, biến hóa đã sinh ra vạn vật. Tuy nhiên, chúng ta thấy vạn vật trong thế giới này rất đa dạng mà thái cực chỉ có duy nhất một thì làm thế nào vạn vật sinh sôi nảy nở được, cái làm cho thái cực biến thành những sinh vật cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng nhưng lại mang trong mình bản chất thái cực là gì đây? Trả lời cho vấn đề này, các nhà Lý họ đời Tống đều cho rằng nhờ có lý (理) mà Thái cực sinh hóa thành vạn vật, nó gắn liền, tồn tại ở trong mọi sự vật, hiện tượng cụ thể. Mỗi người đâu có quan để khác nhau về lý song chung quy lại thì các nhà Nho vẫn coi lý là tính phổ biến, có trong sự vật, hiện tượng và mang tính khách quan. [Xem: Doãn, 1997, tr. 602]. Tuy nhiên, bản chất của lý là Phật và Lão học. Mặc dù lý ở đây mang sắc thái Nho giáo nhưng lại có nội dung Phật giáo và Lão giáo. Khi trả lời vấ đề về lý, Ngô Thì Nhậm đã đồng nhất lý với đạo: “Một âm, một dương gọi là đạo”. Cùng với các nhà Tống Nho đời Tống, Ngô Thì Nhậm cũng coi lý là điều kiện để thái cực sinh hóa thành vạn vật. Theo ông, lý là không, là cái mà “Lý chưa mở (chưa có trời), Sửu chưa sinh (chưa có đất) thì thanh ở nơi hỗn độn”. [Mai, 2001, tr. 144] Ông cho rằng lý là đạo (道), là đường lối vận hành của vũ trụ phân tán thành vạn vật, cái thể thì đồng nhưng cái dụng thì dị. Đồng là gốc mà dị là ngọn, xem bề ngoài thì tưởng như khác đường khác nẻo, nhưng thống hội lại đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu thì chẳng có gì vượt ra ngoài đạo lớn kia được. [Xem: Mai, 2001, tr.141] Ông cũng đã tán đồng quan điểm của Trình Hạo về khí. Trình Hạo đã viết: “Cái nào làm cho có âm, có dương là khí. Khí là cái hình nhi thượng” [Doãn, 1997, tr.559]. Ngô Thì Nhậm coi khí chính là cái gốc của vạn vật, nhờ có lý thì khí mới chuyển hóa thành sự vật phong phú, đa dạng khác nhau, trời đất đều có hình, có khí, vạn vật đều bẩm khí ở trời và thành hình ở đất: “Khí và hình vật đã chia rời nhau ra, thì khí trời xuống dưới, khí đất bay lên, có cái biến hóa vô cùng, cái đó như trên trời có sấm, cái thể của nó (sấm) là đại tráng, cái đức của nó là ẩn (ầm ầm)”. [Mai, 2001, tr.156] 274
  9. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Theo Ngô Thì Nhậm thì chính hai khí âm dương đọng lại thành vật tượng. Đề này đều bắt mối ở ngộ. Ông đề cao vai trò của hai khí âm dương, luôn coi hai khí này là cơ sở sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Ngô Thì Nhậm cũng coi đạo là không do ai sinh ra và cũng không ai có thể làm nó tiêu tan mà bản thân đạo phát sinh từ tự nhiên, tự nhiên nó đến, không ai có thể thay đổi được đạo. Ông viết: Đạo lý phát sinh tự nhiên, sắc đen thì muôn đời vẫn đen, màu trắng ắt muôn đời vẫn trắng. [Cao & Thạch, 1978, tr. 25] Ngô Thì Nhậm tin vào đạo, tin vào những gì đạo mang đến cho con người. Vạn vật trong vũ trụ này đều từ đạo phát ra, một gốc phân tán ra làm vạn vật, vạn vật khác nhau hợp lại làm một gốc bởi vì đạo cũng có tụ và tán. Ngô Thì Nhậm còn viết: “Kinh Ngọc Hoàng Cốt tuỷ có nói: “Người ta ai cũg có tinh, tinh hợp lại thì thần có hình, hình đều có khí, khí hợp lại thì thân thể có thật”. Tinh khí hợp lại mà làm người, người đem hình mà truyền cho nhau, vì vậy thân thể cũng giống nhau”. [Mai, 2001, tr.164] Theo đó, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ này đều có những mặt đối lập với nhau như thể và dụng, tán và tụ, dị và đồng… có cái này không thể nào không có cái kia. Mặc dù chúng đối lập với nhau nhưng lại không gạ bỏ nhau mà là điều kiện tồn tại của nhau: “Có “thể” không thể nào không có “dụng” có “tán”không thể nào không có “tụ”, có “dị” không thể nào không có “đồng” Có thông suốt cái lẽ “tán” “tụ”, “dị”, “đồng” mới có thể nói được về “đạo””. [Cao & Thạch, 1978, tr. 177] Ngô Thì Nhậm và các bậc tăng sư đã coi lý và khí như là cơ sở của sự sinh thành vạn vật trong vũ trụ. Trong đó, lý là đạo, là phần hình nhi thượng của vũ trụ, của khí, là nơi mà vạn vật trong trời đất phát tán ra. Khi coi lý cũng là đạo, cái mà từ đó vạn vật phát tán ra thì ông đã giải thích bản thể theo cách củ Lão - Trang. Bên cạnh đó, Ngô Thì Nhậm còn coi sự xuất hiện của con người là do khí trời sinh ra, ông thừa nhận hình thể con người là do hình và khí tạo nên. Ông viết: “Người thì có hình, có khí, đã bị hạn chế trong hình và khí thì ai mà vô sinh, ai mà vô diệt được”. [Mai, 2001, tr.158] Ông còn viết: “Cái thân của mình là do tinh khí tụ hợp lại”. [Mai, 2001, tr.164] Ngô Thì Nhậm cho rằng cái thân thể của con người là đồng chất với trời đất, chỉ khi nào có cái tinh thần rồi mới có cái thân thể. Thế giới quan trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm không chỉ mang sắc thái của quan điểm Phật giáo mà còn chứa đựng triết lý của Nho và Lão, cho thấy rõ mong muốn dung hòa “Tam giáo” của ông. Trong tư tưởng “thế giới quan”, Ngô Thì Nhậm đã lấy cái không làm để xuất phát, không còn là Thái cực, từ không (Thái cực) xuất hiện trời đất và trời đất vận hành sinh ra bốn mùa, tạo nên một quy luật khách quan vốn có trong vũ trụ. Ông không chỉ giải thích nguyên nhân sự xuất hiện thế giới mà ông còn chỉ ra sự vận động, biến đổi không ngừng của vạn vật. Giải quyết vấn đề “thế giới quan”, Ngô Thì Nhậm còn đề cao vai trò của đạo, sự lưu hành đạo trong vũ trụ, nhờ có đạo mà vạn vật trong trời đất mới được vận hành và phát tán. 275
  10. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 2.2. Tính thống nhất và sự vận động của vũ trụ Ngô Thì Nhậm đã nhận thấy thế giới này là một thể thống nhất hoàn chỉnh, tất cả đều bắt nguồn từ một mối nhất định. Theo ông: “Số của trời bắt đầu từ một nguyên, lý của âm dương bắt đầu từ một khuyên. Số một là nơi hóa công chứa cái “vô tận” và thánh nhân chứa đựng những cái không bao giờ hết, chỉ có núi sông và trăng gió mới đương nổi mà thôi”. (Cao & Thạch, 1978, tr. 170) Thế giới này sinh ra từ sự hỗn độn nhưng nó đều bắt nguồn từ một điểm duy nhất, nhìn vào đó có thể thấy một trật tự ổn định mà không cần phải suy xét. Không dừng lại, Ngô Thì Nhậm còn nhấn mạnh sự thống nhất của thế giới ở chỗ: “Vạn” quy vào “một”, hợp cái khác nhau vào chỗ “nhất quán”, vào cái “lý”, cái “số” cả trời đất, âm dương đều ở đó”. (Cao & Thạch, 1978, tr. 171) Rõ ràng Ngô Thì Nhậm đã thấy được sự thống nhất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Ở đây, ông đã đề cao vai trò của số một (一). Nhờ có số một mà vạn vận mới hợp lại thành hình, nhờ số một mà hóa công mới có nơi cất giấu những điều bí ẩn của mình. Nhìn chung thì: “Trời được một số mà trong, đất được một số mà yên, thánh nhân được mộ số mà thiên hạ đâu vào đấy”. (Cao & Thạch, 1978, tr. 171 – 172) Ngô Thì Nhậm không chỉ dùng số một để diễn đạt tư tưởng của mình mà bên cạnh đấy ông còn dùng từ đình (亭) có nghĩa là “chứa đựng” đã thể hiện tư tưởng của mình một cách rõ ràng và dứt khoát hơn. Đây là một tư tưởng khá lạ và thể hiện một tầm nhìn hết sức thiên tài của Ngô Thì Nhậm. Ông đã cảm nhận được vạn vậ trong vũ trụ này đều chứa đựng trong một vật dụng vô hình của trời đất, nhờ cái vật dụng vô hình đó mà muôn vật, muôn loài đều được che chở. Con người sở dĩ tập trung lại được với nhau là nhờ có đình. Ông viết: “Trời lấy “đình”(chứ đựng) để nuôi muôn vật đất lấy “đình” để chứa muôn loài; người ta lấy “đình” để tụ họp với nhau mà muôn vật muôn loài đều là khách. Cho nên nơi người ta tụ họp lại với nhau thì có “đình””. (Cao & Thạch, 1978, tr. 177) Từ đình ở đây đã giúp Ngô Thì Nhậm diễn tả được những tư tưởng của mình. Dù thế giới này có đa dạng, có phức tạp đến đâu chăng nữa thì thế giới này vẫn luôn trong sự thống nhất, luôn ở trong một không gian nhất định. Con người không thể thay đổi được cái trật tự mà trời đất đã an bài. Theo Ngô Thì Nhậm, không phải nằm trong sự thống nhất mà vạn vật trở nên bất động mà luôn có sự vận động biến đổi không ngừng. Chính trong sự vận động biến đổi đó giúp sự vật không ngừng phát triển. Ở Ngô Thì Nhậm, sự vận động, biến đổi của thế giới không phải do một cá nhân, một lực lượng nào sinh ra mà nó diễn ra một cách hết sức tự nhiên, trong bài Đợi thuyền nơi bến vắng (bài 2), có viết: Đầy vơi chuyển động nào vô sự Đóng mở vòng xoay há phải cầu. (Cao & Thạch, 1978, tr. 379) 276
  11. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Vạn vật trong thế giới không bao giờ bất động mà luôn trong một trạng thái biến đổi không ngừng. Ngô Thì Nhậm không khao khát con người có thể điều khiển được sự vận động biến đổi đó bởi đó là một quy luật trong tự nhiên không do ai sinh ra và cũng không bao giờ bị mất đi. Ngoài ra, ông còn thấy được sự chyển động của vũ trụ mênh mông. Ông coi trời chỉ là khoảng không cao thẳng nhưng ở trong đó lại có sự biến đổi và phát triển không ngừng, trong bài Lòng luôn thanh thản có viết: Mây bay, mưa dội, hình thảy trôi đi Tháng lạ ngày qua chút không ngừng lặng. (Cao & Thạch, 1978, tr. 23) Ở đây, sự thay đổi của thời gian cũng tuân theo một quy luật khá ổn định, thời gian như được một cỗ máy điều khiển mà như cách nói của Ngô Thì Nhậm thì đây là cỗ máy huyền vi, một cỗ máy chỉ có trong sự tưỏng tượng của con người nhưng chính nhờ cỗ máy này mà thời gian luôn xoay vần theo một trật tự. Cũng trong Thiên quân thái nhiên phú, ông có viết: “Máy huyền vi xoay vần hun đúc, khi thảm ắt muôn vật đều thảm, lúc thư thì vạn vật đều thư”. [Cao & Thạch, 1978, tr. 23] Tuy nhiên, sự vận động, biến đổi của thế giới không phải lúc nào cũng có thể chứng kiến bằng mắt thường mà có lúc phải dùng đến lý lẽ để nhận biết. Về điều này Ngô Thì Nhậm có viết trong bài Lâm Trì phú như sau: Đem lý lẽ mà suy Trờ kia cùng với nước Lúc mênh mang giữ bầu không Khi cuồn cuộn giữn mặt đất Đầy vơi, thừa thiếu Vần xoay không ngừng. (Cao & Thạch, 1978, tr. 49) Ở Ngô Thì Nhậm, sự vật, hiện tượng trong thế giới không phải điều gì cũng sáng rõ mà trong đó còn có những sự biến đổi mà con người tuy gắn bó nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho phù hợp, giống như trường hợp biến đổi của trăng, của nước, của hoa hay của băng, ông viết tiếp: Trăng sao có thượng huyền hạ huyền? Nước sao có triều xuống triều lên? Hoa sao có khi tàn khi nở? Băng sao có khi cứng khi mềm? (Cao & Thạch, 1978, tr. 49) Vũ trụ này bao giờ cũng vậy, không phải bất kể điều gì cũng sáng tỏ ngay khi con người ta đi vào tìm hiểu, có những cái có thể giải thích được ngay nhưng có những cái 277
  12. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 muôn đời vẫn luôn là một vấn đề bị đóng kín. Không khuất phục trước những bí ẩn của vũ trụ Ngô Thì Nhậm luôn tìm cách phá bỏ hàng rào vô hình ấy, ông cố gắng tìm kiếm những cách lý giải mang tính thuyết phục cho những gì đã và đang tồn tại, cả những trạng thái động, tĩnh trong tự nhiên. Là một nhà tư tưởng lớn, khi đi vào vấn đề bản thể của thế giới, ở Ngô Thì Nhậm chứa đựng rất nhiều quan điểm và tư tưởng nổi bật, ông không chỉ biết quanh quẩn với những cách giải thích mộc mạc mà luôn cố gắng tạo ra một đường truyền dẫn con người đi vào những giá trị cao hơn, đích thực hơn của cuộc sống. Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về bản thể càng rõ hơn về sau khi ông đã trải qua nhiều biến động của thời cuộc, khi ông nghiệm ra được những giá trị to lớn trong các vấn đề của xã hội. 3. KẾT LUẬN Những quan điểm của Ngô Thì Nhậm đề thế giới quan đã đem đến cho chúng ta cái nhìn mới hơn trong cách hiểu thế giới. Khuynh hướng chủ đạo trong thế giới quan của Ngô Thì Nhậm là hướng đến sự dung hòa “Tam giáo”. Ông không phải là người đầu tiên theo xu hướng này nhưng sự hòa hợp của ông không giống như các nhà tư tưởng khác. Ông đã không bê y nguyên các phạm trù về thế giới quan của Phật, Lão - Trang dung hợp thành các phạm trù của mình như các học giả đời Tống mà ông chỉ sử dụng các phạm trù mà Tống Nho đã tạo dựng như tâm, tính, lý, dục đã giải thích trở lại các quan điểm triết học của Phật giáo. Quan điểm thế giới quan của Ngô Thì Nhậm về thế giới quan đã mở ra một hướng đi cho các nhà tư tưởng đương thời trong quá trình tìm một cách giải thích mới hơn về thế giới, thể hiện yếu tố biện chứng rõ rệt. Sự vận dụng có khoa học và có chọn lọc những tư tưởng của các nhà triết học đi trước đã tạo ra một phong thái khác trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm nói riêng cũng như tư tưởng triết học Việt Nam nói chung lúc bấy giờ. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cao Xuân Huy & Thạch Can (1978), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Cao Xuân Huy & Thạch Can (Chủ biên), 1978, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Doãn Chính (1997), Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Mai Quốc Liên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, Tập 3, Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội. Thơ văn Lý Trần (1998), Tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Trần Thái Tông (1974), Khoá hư lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 278
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2