JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 98-104<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0032<br />
<br />
THIỀN PHẬT GIÁO VÀ VAI TRÒ<br />
ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CỦA CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI<br />
Nguyễn Đức Diện<br />
Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Y Hà Nội<br />
Tóm tắt. Thiền là một giá trị văn hóa đặc sắc của phương Đông, có sức lan tỏa mạnh mẽ và<br />
ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới trong thời đại ngày nay. Bài viết tập trung làm rõ hai nội<br />
dung cơ bản: 1. Khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Thiền Phật giáo, sự tiếp<br />
cận Thiền từ bình diện bản thể luận, nhận thức luận, giải thoát luận; 2. Vai trò của Thiền<br />
đối với sức khỏe tâm – sinh lí của con người trong xã hội hiện đại.<br />
Từ khóa: Thiền, thiền định, Phật giáo, sức khỏe, tĩnh tâm, giải thoát.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Thiền có vị trí đặc biệt trong triết học Phật giáo, đồng thời cũng là một giá trị văn hóa đặc<br />
sắc của phương Đông. Ngày nay, Thiền đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện, bảo vệ sức<br />
khỏe con người cả về thân và tâm. Vai trò to lớn của Thiền giúp Phật giáo hội nhập với văn hóa<br />
phương Tây và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Đã có nhiều công trình của các nhà Phật học, nhà<br />
khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về Thiền trên phương diện lí luận [6, 7]. Tuy nhiên, đại<br />
đa số các công trình nghiên cứu về Thiền trên phương diện thực tiễn (vai trò, tác dụng của Thiền<br />
đối với sức khỏe con người, đặc biệt trong thời đại ngày nay) [1-5, 9]. Các công trình này chủ yếu<br />
tiếp cận Thiền dưới góc độ tôn giáo học hoặc y học, hầu như rất ít các công trình tiếp cận Thiền<br />
dưới góc độ triết học một cách có hệ thống. Bởi vậy, bài viết tập trung giải quyết khoảng trống này<br />
trong những nghiên cứu về Thiền.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Khái quát về Thiền<br />
<br />
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của Thiền<br />
Khái niệm “Thiền” xuất phát từ chữ “Dhyna” (ngôn ngữ Sanscrit), nghĩa là tĩnh lặng, tập<br />
trung chú ý vào một đối tượng nào đó mà không suy nghĩ tới một điều gì khác nữa (Thiền chỉ), hoặc<br />
tâm dõi theo hơi thở vào ra (Thiền quán). Xuất phát điểm của Thiền là từ kinh Veda - Upanishad<br />
của Ấn Độ. Upanishad quan niệm rằng, bản nguyên của vũ trụ là Brahman – tinh thần vũ trụ tối<br />
cao. Linh hồn ấy biểu hiện trong con người và vạn vật là linh hồn cá nhân Atman. Về bản chất,<br />
Atman và Brahman đồng nhất, song do Atman bị giam hãm trong thể xác nhiều nhục dục và ham<br />
Ngày nhận bài: 15/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2016.<br />
Liên hệ: Nguyễn Đức Diện, e-mail: ducdien_nguyen@yahoo.com<br />
<br />
98<br />
<br />
Thiền phật giáo và vai trò đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại<br />
<br />
muốn nên khi thể xác chết đi, Atman không trở về với Brahman được mà phải trôi trong vòng quay<br />
bất tận của nghiệp báo luân hồi. Một trong những con đường để thoát khỏi sự chi phối của nghiệp<br />
báo luân hồi là thiền định, hướng nội, chiêm nghiệm nội tâm, diệt mọi lo âu, phiền não, nhận ra<br />
chân bản của mình, hòa nhập vào bản thể tối thượng Brahman. Để thực hiện điều này, con người<br />
dõi theo hơi thở, tâm trí gần như trống rỗng. Khi ấy, một nguồn năng lượng vũ trụ to lớn sẽ tràn<br />
vào cơ thể. Dần dần, con mắt thứ ba (tương tự giác quan thứ sáu) sẽ được khai mở. Sự thức tỉnh<br />
toàn vũ trụ sẽ đến. Tinh thần này đã trở thành một hình thức tu trì của nhiều môn phái tôn giáo triết học Ấn Độ, dần lan tỏa sang các nước châu Á và thế giới. Đó chính là tinh thần Thiền Yoga lối tu hòa nhập giữa linh hồn cá nhân với vũ trụ.<br />
Từ Veda – Upanishad tới Phật giáo, tinh thần trên được kế thừa và có bước phát triển mới<br />
về chất. Thiền Phật giáo không đồng nhất với tinh thần của Veda – Upanishad. Phủ nhận bản thể<br />
luận của Veda – Upanishad, không thừa nhận Atman và Brahman, Phật giáo hướng tới việc tìm<br />
bản thể trong tâm (Phật tại tâm) với mục đích khám phá, chinh phục mảnh đất tâm hồn trong mỗi<br />
con người chứ không phải để hòa nhập vào bản thể vũ trụ Brahman. Sự giác ngộ thiên về thực tại<br />
phổ quát đã chuyển hướng vào sự giác ngộ bản tâm. Thiền là tìm cách thoát khỏi phiền não và ảo<br />
tưởng, đi vào bên trong, lắng đọng tâm tư để thấy chính mình,<br />
Thiền Phật giáo có hai giai đoạn chính: Giai đoạn đầu là Thiền thể nhập với thế gian (Phật<br />
pháp bất li thế gian pháp) để người thực hành đạt được sự an lạc của tâm và mạnh khỏe của thân,<br />
tạm gọi là Thiền sức khỏe; giai đoạn sau là Thiền giác ngộ, thường dành cho những người có trình<br />
độ Phật học cao, thường là các nhà sư, với mục đích là để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cách<br />
thực hành và ích lợi của Thiền sức khỏe được mô tả trong nhiều bộ kinh của đạo Phật như, kinh Tứ<br />
niệm xứ, kinh Quán niệm hơi thở, kinh Quán vô lượng thọ, Kinh An ban thủ ý, v.v. Hạt nhân của<br />
Thiền đều quy về một điểm là Định trong pháp môn Thiền định.<br />
Vào khoảng năm 520, Thiền được tu sĩ Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Ở Trung<br />
Quốc, Thiền là “Ch’an”, phiên âm sang tiếng Việt là Thiền, tiếng Nhật Bản là Zen. Đến đầu thế<br />
kỉ XX, giáo sư người Nhật Bản là D.T. Suzuki đã giới thiệu Thiền sang các nước phương Tây.<br />
Với vai trò to lớn đối với sức khỏe con người, sang phương Tây, Thiền đã được chuyển ngữ thành<br />
“Mediation”, hàm ý như một phương pháp chữa bệnh.<br />
Khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc, Thiền đã tổng hợp được<br />
hai nền tảng của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ là Trung quán và Duy thức, đồng thời hấp thụ một<br />
phần tinh thần của đạo Lão để trở thành Thiền tông – một tông phái lớn của Phật giáo Đại thừa.<br />
Trong thời kì các tông phái Phật giáo đang tranh cãi gay gắt, phân tích chi li về Phật pháp, sự ra<br />
đời của Thiền tông nhằm mục đích tìm ra phương pháp mới giúp con người trực nhận được bản thể<br />
của sự vật và giác ngộ. Thiền tông không phải là sự phản đối truyền thống, không phải là sự phủ<br />
nhận nội dung, tinh hoa của kinh điển Phật giáo như cách hiểu của nhiều người mà chỉ phản bác,<br />
vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những lập luận dài dòng khó hiểu của Phật giáo truyền thống.<br />
Không quan tâm tới nghi thức tôn giáo và lí thuyết về giáo pháp, Thiền tông chỉ khuyên người tu<br />
hành ngồi thiền để giác ngộ. Theo tinh thần của Bồ Đề Đạt Ma, đặc trưng của Thiền là: “Bất lập<br />
văn tự/Giáo ngoại biệt truyền/ Trực chỉ nhân tâm/Kiến tính thành Phật” (Không lập văn tự/Truyền<br />
giáo pháp ngoài kinh điển/ Chỉ thẳng tâm người/Thấy chân tính thành Phật) [10]. Thiền tông coi<br />
trọng tính chất đốn ngộ (giác ngộ ngay tức khắc) trên con đường tu hành. Thiền đốn ngộ của Huệ<br />
Năng phát triển mạnh mẽ ở Nam Trung Quốc. Ở Bắc Trung Quốc, Thần Tú chủ trương một phái<br />
Thiền khác, chấp nhận tiệm ngộ (giác ngộ dần dần, theo cấp bậc) song phái này không tồn tại được<br />
lâu. Phái Thiền của Huệ Năng phát triển mạnh mẽ vào thời Đường, Tống với những gương mặt<br />
thiền sư tiêu biểu như Mã Tổ Đạo Nhất, Bách Trượng Hoài Hải, Triệu Châu Tòng Thẩm, Lâm Tế<br />
Nghĩa Huyền. . . . Dần dần, phái này lại chia thành nhiều tông phái với những cách thức giáo hóa<br />
khác nhau như Tào Động Tông, Vân Môn tông, Lâm Tế tông, Quy Ngưỡng tông. . . Vào cuối thế kỉ<br />
99<br />
<br />
Nguyễn Đức Diện<br />
<br />
XII, Lâm Tế tông và Tào Động tông đã du nhập sang Nhật Bản. Sự độc đáo của Thiền tông Trung<br />
Quốc được đánh giá là: "Thiền tông có một người cha Ấn Độ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn<br />
nếu không có người mẹ Trung Quốc. Cái “dễ thương”, cái hấp dẫn của Thiền tông chính là những<br />
thành phần văn hoá nghệ thuật, những đặc điểm sắc thái riêng của Trung Quốc, không phải của<br />
Ấn Độ. Những gì Phật giáo mang đến Trung Quốc — với tư tưởng giải thoát tuyệt đối, trình bày<br />
một cách nghiêm nghị khắt khe với một ngón tay trỏ chỉ thẳng — những điều đó được các vị Thiền<br />
sư thừa nhận, hấp thụ với một nụ cười thầm lặng đầy thi vị. Thành tựu lớn lao của các Đại luận sư<br />
Ấn Độ là nhét “con ngỗng triết lí” vào lọ, thì — chính nơi đây, tại Trung Quốc — con ngỗng này<br />
được thả về với thiên nhiên mà không hề mang thương tích” [10]. Tuy nhiên, do không đáp ứng<br />
được yêu cầu của con người trước những biến động sâu sắc của thời cuộc, đến thế kỉ XV, Thiền<br />
tông Trung Quốc với tính chất “dĩ tâm truyền tâm” đã suy tàn và hòa trộn dần vào Tịnh Độ tông.<br />
Song trong thời kì này, ở Nhật Bản, Thiền tông lại phát triển mạnh mẽ với tên tuổi của Thiền sư<br />
Đạo Nguyên Hi Huyền, Tâm Địa Giác Tâm, Nam Phố Thiệu Minh...<br />
Vào khoảng đầu công nguyên, Thiền tông Ấn Độ đến Việt Nam bởi sự truyền bá Phật giáo<br />
của thiền sư Mâu Tử, Khương Tăng Hội. Về sau, vào khoảng giữa thế kỉ VI, thiền sư Tì Ni Đa Lưu<br />
Chi truyền Thiền tông từ Trung Quốc tới Việt Nam. Khoảng thế kỉ IX, thiền sư Vô Ngôn Thông,<br />
đệ tử của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải truyền tông chỉ của Huệ Năng sang Việt Nam. Tới thế<br />
kỉ XVII, thiền sư Thạch Liêm truyền tông Tào Động sang miền Trung Việt Nam, thiền sư Thông<br />
Giác Thủy Nguyệt truyền tông chỉ của Tào Động sang miền Bắc Việt Nam. Cũng khoảng thời gian<br />
này, tông chỉ của Thiền Lâm Tế được thiền sư Nguyên Thiều truyền sang miền Trung, thiền sư<br />
Chuyết Công truyền sang miền Bắc. Tới thế kỉ XI, thiền sư Thảo Đường truyền tông chỉ của Vân<br />
Môn tông truyền sang Việt Nam.<br />
Người đầu tiên truyền bá Thiền tông sang Mĩ là thiền sư Thích Tông Diễn, song người có<br />
công truyền bá rộng rãi Thiền tông ở phương Tây lại là Daisetz Teitaro Suzuki (1870 – 1966) với<br />
ba tập “Thiền luận”. Tới phương Tây, Thiền đã khúc xạ trên mảnh đất sôi động này để đáp ứng nhu<br />
cầu thực tiễn và tính cách người phương Tây. Với nét độc đáo, sức hấp dẫn riêng, Thiền thâm nhập<br />
vào sinh hoạt văn hóa của người phương Tây, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.<br />
<br />
2.1.2. Tiếp cận Thiền từ góc nhìn triết học<br />
Không triển khai vấn đề như triết học phương Tây cũng như các hệ thống triết học phương<br />
Đông khác, bản thể luận Phật giáo cho rằng thế giới các sự vật, hiện tượng chỉ là ảo ảnh của bản<br />
thể, được gọi bằng các thuật ngữ “vô thường”, “vô ngã”. Đằng sau thế giới các sự vật, hiện tượng<br />
có một thực tại tối hậu, thường còn, bất biến, gọi là Không, Chân như – bản thể của vũ trụ, nơi<br />
sinh ra và trở về của mọi hiện tượng.<br />
Trên cơ sở bản thể luận tính Không, Thiền Phật giáo giải quyết mặt thứ hai của triết học –<br />
nhận thức luận trên lập trường hư vô chủ nghĩa. Thiền tập trung vào một vấn đề nan giải của triết<br />
học, đó là việc làm thế nào để nắm bắt thực tại không chia chẻ thành chủ thể nhận thức và đối<br />
tượng nhận thức, bởi chia chẻ thực tại là làm cho thực tại trở nên nghèo nàn, khô khan, chết cứng<br />
trong những suy luận lằng nhằng, phức tạp. Thiền thừa nhận có hai con đường nhận thức: Con<br />
đường hướng ngoại, nhận thức thông thường bằng tư duy khái niệm và kinh nghiệm; con đường<br />
hướng nội để đạt tới trạng thái thống nhất tuyệt đối không – thời gian, chủ thể - khách thể không<br />
phân biệt. Thiền hướng tới con đường thứ hai. Nếu lí luận nhận thức macxit phân tích con đường<br />
nhận thức đi từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng, từ hiện tượng đến bản chất, từ nông đến<br />
sâu, từ đơn giản đến phức tạp. . . thì trái lại, Thiền Phật giáo tìm con đường khác cho chu trình<br />
nhận thức bản thể tuyệt đối. Thiền không phủ nhận khả năng nhận biết bản thể tuyệt đối, tối hậu<br />
mà trái lại còn đặt ra mục đích của nhận thức là phải nắm bắt được bản chất đích thực của thực tại<br />
tuyệt đối nhưng không phải bằng con đường nhận thức thông thường. Thiền chia chân lí thành hai<br />
100<br />
<br />
Thiền phật giáo và vai trò đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại<br />
<br />
cấp bậc: chân lí tuyệt đối (chân đế, paramarthasatya) và chân lí tương đối (tục đế, samvritisatya).<br />
Thông thường, nhận thức cũng bị phân đôi thành chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Chủ<br />
thể càng nỗ lực phân tích đối tượng thì càng giết chết đối tượng vì phân tích, suy luận là con đường<br />
vô tận, chỉ giúp con người tiệm cận tới chân lí tuyệt đối. Lí do là vì phân tích, suy luận phải dùng<br />
tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là cái bẫy do nhận thức tạo ra và bị mắc vào. Mặt khác, nhận thức thông<br />
thường chỉ nắm bắt được thế giới hiện tượng hữu hình, luôn vận động, biến đổi, không thể là hình<br />
ảnh chân thực của bản thể tuyệt đối. Về bản chất, nhận thức thông thường đạt được bằng cách tích<br />
lũy kinh nghiệm, bằng học tập. . . song chỉ dừng ở khả năng nắm bắt, phản ánh các lớp hiện tượng<br />
chứ không thể đột phá vào thực tại tuyệt đối. Đó là con đường vô tận, đi từ biết ít đến biết nhiều,<br />
từ nông đến sâu song luôn bị mắc kẹt trong hệ khái niệm do nó thiết kế và sử dụng. Thiền đã đề<br />
cập tới tính tương đối của nhận thức trong quan hệ với đối tượng nhận thức. Tuy nhiên, khác với lí<br />
thuyết “Vật tự nó” của Kant, lí thuyết về tính tương đối của chân lí trong triết C.Marx, Thiền Phật<br />
giáo khẳng định khả năng con người đạt tới bản thể tuyệt đối tính Không bằng con đường giác ngộ<br />
trực tiếp thông qua trực giác (trí Bát Nhã, Prajna Paramita). Trí Bát Nhã không phải là tri thức có<br />
được nhờ sự phản ánh thực tại cuộc sống mà là cái có sẵn, “ngủ ngầm” trong tiềm thức của con<br />
người như mạch ngầm vô tận của đời sống. Đó là sự hướng nội, tự chứng ngộ của mỗi người, là sự<br />
quét sạch ý thức, nắm bắt thực tại trong chỉnh thể như một thực thể bất phân, không chia chẻ. Để<br />
đạt tới điều này, phải hướng nội, tu tập thiền định, đảo ngược dòng nhận thức thông thường, từ bỏ<br />
hiện tượng, thoát khỏi khái niệm. Thao tác ngược dòng nhận thức để trực giác được bản thể tuyệt<br />
đối là chu trình thiền định. Trong chu trình đó, chủ thể nhận thức phải làm chủ toàn bộ quá trình<br />
nhận thức. Bát Chính đạo hướng dẫn toàn bộ quá trình nhận thức, đó là sự kết hợp tâm - sinh lí với<br />
đạo đức và niềm tin, từ ý thức chính kiến đến chính tư duy, từ đó làm chủ các hoạt động cảm giác,<br />
sinh lí và tâm lí (chính nghiệp, chính ngữ, chính mệnh), một cách liên tục (chính tinh tiến) để trở<br />
lại với tâm thức siêu khái niệm (chính niệm) và duy trì sự tập trung cao độ của tâm thức (chính<br />
định). Thiền không phủ nhận giá trị nhận thức và quá trình nhận thức thông thường mà nhấn mạnh<br />
vào sự khác biệt giữa nhận thức thông thường và trực giác để khẳng định khả năng nắm bắt thực<br />
tại tuyệt đối của trực giác.<br />
Từ nhận thức luận, Thiền Phật giáo phát triển tới đích giải thoát luận. Tinh thần cốt lõi của<br />
Phật giáo là giải thoát con người khỏi nỗi đau khổ của cuộc đời. Theo Phật giáo, cuộc đời là bể<br />
khổ mà một trong những nguyên nhân chính của khổ là do vô minh. Màn sương vô minh đã che<br />
mờ tâm thức, khiến con người tưởng lầm thế giới ảo ảnh là có thực để đuổi theo ảo ảnh, chiều theo<br />
dục vọng của thân xác, từ đó tạo nghiệp xấu. Muốn thoát khỏi nỗi khổ, phải bố thí, trì giới, thiền<br />
định, thắp sáng vô minh bằng ngọn đèn của trí Bát Nhã. Thiền Phật giáo là phương pháp giúp con<br />
người đánh thức Phật tính trong tâm mình, thoát khỏi khổ đau do vô minh và ái dục. Tiếp thu kĩ<br />
thuật tu luyện từ thời Veda của Ấn Độ và Trung Quốc cổ về cách đạt được tâm tĩnh lặng, Thiền<br />
Phật giáo khẳng định công dụng của Thiền là nhờ sự tĩnh lặng của tâm mà thấu tỏ thực tướng sự<br />
vật như nó đang tồn tại. Nếu nguyên nhân khiến tâm không bình lặng là vì ngoại trần và dục vọng<br />
thì con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh, vượt sầu não, diệt khổ đau, chứng ngộ Niết bàn là<br />
bằng Thiền định, hướng nội để đạt tới cảnh giới tam muội – nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không<br />
còn cảm giác về thân, không còn cảm thọ, vọng tưởng nữa.<br />
Niềm tin giác ngộ bằng trực giác được Phật học cụ thể hóa thành con đường tu dưỡng cá<br />
nhân. Đó là sự kết hợp tu luyện tâm thức với đạo đức trong Bát Chính đạo. Đến đây, vấn đề giải<br />
thoát bị đẩy ra khỏi phạm vi tôn giáo vì quá trình tu luyện và sự am hiểu giáo lí mất dần ý nghĩa<br />
tôn giáo ban đầu. Khuynh hướng này dễ dàng được giới trí thức chấp nhận và ứng dụng như một<br />
mô hình tu luyện nội tâm, tâm thức ngoài tôn giáo. Tinh thần Thiền đã đi vào đời sống, vào nhiều<br />
môn nghệ thuật phương Đông, thành hoa đạo, trà đạo, võ đạo, thư pháp. . . Bởi vậy, Thiền đã trở<br />
thành nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của phương Đông.<br />
<br />
101<br />
<br />
Nguyễn Đức Diện<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Vai trò của Thiền đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại<br />
<br />
Trong phần trên, bài viết đã phân tích về giá trị giải thoát của Thiền. Tuy nhiên, giá trị đích<br />
thực của trực giác đạt được bằng con đường thiền định rất khó kiểm chứng và mang màu sắc thần<br />
bí. Chân lí tuyệt đối của Thiền Phật giáo thường mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo. Sự phê phán của<br />
Thiền đối với nhận thức hướng ngoại có sự hợp lí nhất định, song giá trị đích thực của nhận thức<br />
hướng nội là gì, có thể giúp con người đạt tới chân lí tuyệt đối hay không thì lại là vấn đề còn gây<br />
nhiều tranh luận. Sự trực nhập, vô ngôn của Thiền có giá trị chủ quan khó kiểm chứng.<br />
Mặc dù vậy, nếu đặt mục đích Thiền để rèn luyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn<br />
tuyệt đối, điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng. . . thì kĩ thuật thiền định là một hướng khả<br />
thi đã được tâm sinh lí học hiện đại kiểm chứng. Khi làm chủ được nội tâm và tập trung cao dộ<br />
dòng suy nghĩ vào một việc thì con người sẽ không bị tổn phí năng lượng vào những việc tản mát<br />
mà vẫn đạt được những kết quả kì diệu, đặc biệt trong những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.<br />
Trong xã hội hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tác động hai mặt<br />
tới đời sống của con người. Một mặt, trong nỗ lực chinh phục thế giới, nhân loại đã đạt được nhiều<br />
thành tựu vĩ đại. Khối lượng của cải vật chất ngày càng đồ sộ, mức sống ngày càng nâng cao,<br />
khoảng cách giữa con người với vũ trụ ngày càng rút ngắn, thế giới ngày càng thu nhỏ lại. Rào<br />
cản truyền thông bị dỡ bỏ. Con người tiếp nhận nhanh chóng hơn với khối lượng thông tin, tri thức<br />
lớn, dễ tiếp xúc với nhau hơn, dễ tham gia vào nhiều bình diện khác nhau của đời sống. Tuy nhiên,<br />
nhân loại cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính sống còn như mâu thuẫn kinh tế,<br />
chính trị, ô nhiễm môi trường, nạn nhân mãn. . . Đặc biệt, trong quá trình hiện đại hóa, chinh phục<br />
tự nhiên, con người đang dần xa rời khả năng chinh phục bản thân, làm nô lệ cho sự ích kỉ và dục<br />
vọng của bản thân, đánh mất dần giá trị của con người, sự quan tâm tới người khác. Bên cạnh đó,<br />
mặt trái của khoa học công nghệ là sự tăng trưởng kinh tế nóng, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô<br />
nhiễm môi trường. Khi con người đang thực hiện tất cả những tiến bộ khoa học kĩ thuật, họ cũng<br />
đồng thời phải chịu áp lực của đời sống hiện đại, như cạnh tranh để sống còn, ganh đua làm tốt,<br />
làm nhiều hơn người khác. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với con người. Cường độ lao động căng<br />
thẳng, sức ép của sự cạnh tranh khốc liệt do yêu cầu của công nghệ cao tạo nên sự căng thẳng thần<br />
kinh (stress), từ đó dẫn tới những căn bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm,<br />
lão hóa nhanh. . . Để chữa trị những căn bệnh này, chữa bệnh Tây y không phải là giải pháp mang<br />
tính bền vững. Trong bối cảnh đó, Thiền có tác dụng rất lớn đối với việc trị thân bệnh và tâm bệnh<br />
cho con người. Nhiều kết quả nghiên cứu về Thiền đã khẳng định điều này.<br />
Nghiên cứu của GS Herbert Benson, Trường Đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học<br />
Tâm thể ở Boston cho biết Thiền giúp điều trị các bệnh tâm lí rất tốt. Nhiều bệnh nhân đáp ứng<br />
rất kém với thuốc và phẫu thuật đã có kết quả tốt khi điều trị bằng liệu pháp tâm thể, trong đó có<br />
Thiền. Ngồi thiền có tác dụng giảm bớt áp lực tâm lí, giải tỏa lo âu, căng thẳng, tâm tính bất an,<br />
khiến cho sinh mệnh cảm thụ hết sự bình an, vui sướng, an nhiên, tự tại. Khí chất này là sản phẩm<br />
của sự cân bằng giữa thân và tâm. Tâm tính càng nhu hòa, thân thể càng được thanh lọc tốt hơn.<br />
Niềm vui trong công việc, tính sáng tạo, khả năng trực giác tăng lên, niềm lạc quan về cuộc sống<br />
cũng gia tăng và cảm xúc tiêu cực giảm xuống.<br />
Thiền định có khả năng phục hồi năng lượng, bởi vì Thiền tác động đến bản chất sâu thẳm<br />
bên trong mỗi con người, giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình. Trong cuộc sống, do vô minh nên con<br />
người không hiểu được bản thân mình, cố tranh giành, làm mất đi sinh mệnh thuần khiết ban sơ<br />
của mình. Thiền định giúp con người vứt bỏ những gì liên quan đến thế giới bên ngoài, tập trung<br />
vào cảm nhận bên trong của sinh mệnh. Con người không còn bị lệ thuộc vào những được mất bên<br />
ngoài, xác định được ý nghĩa tự thân, giữ gìn sự thanh khiết, yên tĩnh, trong sự thể nghiệm bình<br />
thản của sinh mệnh. Qua thiền định, sức mạnh của tâm hồn được bồi dưỡng, con người giữ được sự<br />
an lạc trong tâm. Thiền còn giúp con người biết cách khai phá, phát huy nguồn năng lượng có sẵn<br />
102<br />
<br />