YOMEDIA
ADSENSE
Thiết chế hội đồng trường gắn với tự chủ đại học
38
lượt xem 6
download
lượt xem 6
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết Thiết chế hội đồng trường gắn với tự chủ đại học giới thiệu một số mô hình hội đồng trường trên thế giới, thực trạng và một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, giải pháp cần thiết để thiết chế hội đồng trường dần phát huy đúng vai trò trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển và hội nhập quốc tế.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Thiết chế hội đồng trường gắn với tự chủ đại học
- THIẾT CHẾ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG GẮN VỚI TỰ CHỦ ĐẠI HỌC Lê Anh Tuấn Lê Minh Thắng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Tóm tắt: Tự chủ đại học là một xu thế khách quan của hệ thống các trường đại học trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tự chủ luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình với chủ sở hữu, các bên có lợi ích liên quan và với toàn xã hội. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thiết lập hành lang pháp lý cho tự chủ đại học, trong đó thiết chế hội đồng trường được luật định là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn nhận thức về hội đồng trường, về hoạt động của hội đồng trường và sự phối hợp của thực thể này với các thực thể bên trong và bên ngoài trường còn nhiều điểm cần tiếp tục thảo luận và hoàn thiện. Bài viết này giới thiệu một số mô hình hội đồng trường trên thế giới, thực trạng và một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, giải pháp cần thiết để thiết chế hội đồng trường dần phát huy đúng vai trò trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển và hội nhập quốc tế. I. Tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và thiết chế Hội đồng trường Chủ trương tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học đã được Chính phủ quyết định từ năm 2005 (Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11), nhưng phải gần 15 năm sau chủ trương này mới được thể chế hóa, sau khi tiếp tục được Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Luật 34/2018/QH14, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật GD đại học, và nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34 được ban hành. Lịch sử ra đời và phát triển của các trường đại học trên thế giới cho thấy, trong giai đoạn ban đầu các trường đại học ở phương Tây có chức năng chủ yếu là sản sinh ra tri thức, hầu như có rất ít quan hệ trực tiếp đối với hoạt động của Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó tính độc lập và tự chủ của các trường đại học này là rất cao. Khi trình độ phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên, chức năng của trường đại học thay đổi và phát triển, không chỉ là sản xuất tri thức mà dần trở thành một ngành - lĩnh vực sản xuất dịch vụ, đào tạo nhân lực, cung cấp công nghệ - kỹ thuật tiên tiến... cho mọi lĩnh vực và hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tức là đã liên quan và tác động hai chiều trực tiếp đến hoạt động và phát triển của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là thực tiễn khách quan thúc đẩy cơ chế tự chủ đại học theo hướng gia tăng hơn sự can thiệp của Nhà nước. Ngược lại mô hình nhà nước quản lý tuyệt đối đối với các đại học công lập như ở nước ta trước đây cần giảm dần sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước. Cơ chế tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình chính là hướng tiếp cận sinh động và thực tiễn khách quan. Tự chủ đại học là nền tảng để một cơ sở giáo dục đại học, là một đơn vị pháp lý, có quyền tự chủ cao, gắn hữu cơ - thống nhất về quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình với Nhà nước và các bên có lợi ích liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản, huy động và sử dụng các nguồn lực…, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, đất nước và hội nhập quốc tế. 75
- Tự chủ đại học ở Việt Nam có nhiều đặc thù khác với thế giới do trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội còn tương đối thấp, thể chế và trình độ quản lý nhà nước, quản trị xã hội nói chung và quản lý giáo dục đại học nói riêng đang trong giai đoạn đổi mới, ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp còn khá nặng cả trong nhận thức, cơ chế chính sách và thực tiễn hoạt động. Trình độ phát triển của nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang chỉ ở những bước đầu tiên trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Yêu cầu của quá trình đổi mới - phát triển đất nước và toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ về thể chế, trong đó có cơ chế tự chủ đại học. Tuy nhiên phải có mô hình và bước đi phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của nước ta, với đặc thù của từng nhóm trường đại học. Hội đồng trường ở các trường tự chủ là một cơ quan quyền lực, đại diện cho chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, thực hiện chức năng quản trị trường đại học và có trách nhiệm giám sát quá trình triển khai thực hiện của nhà trường theo đúng quy định, đúng chiến lược. Từ khi Luật giáo dục 08/2012/QH13 đi vào thực tiễn và gần đây là Luật 34/2018/QH14, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật GD đại học, hội đồng trường ở nhiều trường đại học dần được thành lập, tuy nhiên hội đồng trường có được vận hành như kỳ vọng hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thứ nhất, khái niệm “Bộ chủ quản” hoặc “Cơ quan quản lý trực tiếp” còn có nhiều tranh luận nhưng với hệ thống pháp lý hiện nay, nếu không còn vai trò “Bộ chủ quản” nhì nhiều trường sẽ thực sự lúng túng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà từ trước đến nay vẫn do “Bộ chủ quản” quyết định. Hai là, sự thiếu phân định rõ ràng hoặc nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu dẫn tới vị thế của hội đồng trường nói chung và chủ tịch hội đồng trường nói riêng trong một trường đại học tự chủ còn khó đoán định. Thứ 3, là nhận thức của nhiều cán bộ, giảng viên và bản thân các thành viên hội đồng trường còn hạn chế, nhiều thành viên hội đồng trường chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của hội đồng trường cũng như trách nhiệm, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó là nhận thức của xã hội, của các cơ quan chính phủ nói chung đối với tự chủ đại học và đối với vai trò, chức năng của hội đồng trường, dẫn tới việc ban hành các định chế chồng chéo, mâu thuẫn và khó thực hiện. II.Thực tiễn Hội đồng trường ở Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế Kinh nghiệm hoạt động của hội đồng trường tại các quốc gia phát triển trên thế giới là những bài học quý giá cho Việt Nam. Bên cạnh đó, để có những giải pháp phát triển phù hợp và bền vững, cần nhìn nhận thực trạng hoạt động hội đồng trường ở nước ta hiện nay. Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu được trong quản trị giáo dục đại học ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới như Mỹ, các nước Tây Âu, Đông Âu, Trung Âu, các nước châu Á như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ.... Mô hình hoạt động của hội đồng trường khá đa dạng tại các quốc gia khác nhau. Có thể kể ra hai dạng mô hình khác nhau: một mô hình mang tính quản trị, gần giống với vai trò của hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp, một mô hình gần giống với vai trò của quốc hội, quyết định những vấn đề quan trọng và thực hiện giám sát. Đa số các trường đại học trên thế giới theo mô hình mang tính quản trị. Hội đồng trường tại các trường đại học hàng đầu thế giới ở Mỹ, châu Âu, Singapore đều áp dụng mô hình này. Quốc gia khá gần gũi với Việt Nam là Thái Lan cũng áp dụng mô hình hội đồng trường mang tính quản trị, ví dụ điển hình là mô hình hội đồng trường đại học 76
- Chulalongkom – trường đại học có danh tiếng nhất Thái Lan. Đây là một trường đại học công lập bắt đầu được tự chủ từ năm 2008. Kể từ đó, hoạt động của hội đồng trường đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, hội đồng trường Chulalongkom có 30 thành viên bao gồm Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng, 1 đại diện các trưởng khoa, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên, 15 thành viên ngoài trường, 6 thành viên đại diện bộ máy hành chính trong đó chỉ có 1 Phó Hiệu trưởng, 5 thành viên đại diện giảng viên. Trừ các thành phần đương nhiên, tất cả thành viên này, kể cả 15 thành viên ngoài trường, đều được bầu từ danh sách do các đơn vị trong trường giới thiệu. Hội đồng trường có ban kiểm soát, họp mỗi tháng một lần và có mối liên hệ chặt chẽ với các hội đồng chính sách (về đào tạo và nghiên cứu, công tác sinh viên, nhân sự và tài chính) của trường. Đây là các tổ chức quyết định các nhiệm vụ cụ thể để bộ máy hành chính của trường thực hiện, còn hội đồng trường quyết định các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược và phê duyệt kế hoạch hoạt động hằng năm của trường, giao Hiệu trưởng tổ chức thực hiện. Hiệu trưởng điều hành nhà trường theo các quyết nghị của hội đồng trường và theo kế hoạch hoạt động đã được phê duyệt. Hằng năm, hội đồng trường đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhà trường và của Hiệu trưởng trên cơ sở kế hoạch này. Các thành viên ngoài trường không chỉ có số lượng chiếm đến 50% số thành viên hội đồng trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hội đồng trường. Họ là trưởng ban kiểm soát và chủ tịch các hội đồng chính sách của trường, có tiếng nói độc lập và không chịu ảnh hưởng của bộ máy lãnh đạo nhà trường. Chủ tịch hội đồng trường trường đại học Chulalongkom là một giáo sư của trường, tuy nhiên đa số các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đều có Chủ tịch hội đồng trường là người ngoài trường, thường là Chủ tịch của một tập đoàn kinh tế danh tiếng, có ảnh hưởng lớn ở quốc gia đó. Trong khi đó, một số ít nước ở châu Âu như Đức duy trì mô hình hội đồng trường gần giống như vai trò của quốc hội, điển hình là trường đại học Rostock – Đức. Hội đồng trường của họ gồm tới 66 thành viên, trong đó có 22 thành viên đại diện cho giảng viên, 22 thành viên đại diện cho sinh viên, 22 thành viên đại diện cho cán bộ hành chính và người lao động khác. Chủ tịch hội đồng trường là một giáo sư của trường. Hội đồng trường do các cán bộ viên chức trong trường bầu ra và có nhiệm kỳ 2 năm. Hội đồng trường quyết nghị chiến lược phát triển nhà trường, cơ cấu tổ chức và kế hoạch hoạt động hằng năm của trường, tổ chức bầu Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng. Quyết nghị của hội đồng trường được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Senate, tạm dịch là Hội đồng học thuật. Senate có số lượng thành viên ít hơn, chỉ khoảng trên dưới 20 thành viên, chủ yếu là các giáo sư có uy tín nhưng không giữ vai trò quản lý trong nhà trường, đại diện sinh viên và cán bộ hành chính. Senate quyết định trên cơ sở đề xuất của Hiệu trưởng, tuy nhiên Hiệu trưởng và các thành viên Ban giám hiệu không thuộc thành phần của Senate. Trong các cuộc họp của Senate, Hiệu trưởng và bộ máy quản lý của trường bao gồm cả các trưởng khoa đều phải tham dự nhưng không có quyền quyết nghị mà có trách nhiệm giải trình các đề xuất hoặc các vấn đề trong hoạt động nhà trường. Tất nhiên, Hiệu trưởng và toàn bộ bộ máy quản lý của trường cũng không phải thành viên của hội đồng trường. Gần đây, luật giáo dục của Đức đề cao hơn vai trò của Hiệu trưởng nhằm tạo sự linh động và khả năng quyết định nhanh cho Hiệu trưởng. Hiệu trưởng vẫn có quyền quyết định không theo quyết nghị của hội đồng trường, tuy nhiên rất hiếm khi Hiệu trưởng lựa chọn điều này. Đối với những quyết định của Hiệu trưởng không tuân theo nghị quyết của Hội đồng trường, hội đồng trường và cán bộ nhà trường có thể gây áp lực đến mức Hiệu trưởng phải xin từ chức. 77
- Như vậy, dù tổ chức theo mô hình nào thì hội đồng trường vẫn có vai trò quyết định đối với các trường đại học tự chủ trên thế giới. Sự có mặt của hội đồng trường đảm bảo một cách rõ rệt sự dân chủ trong hoạt động của nhà trường và khả năng tự chịu trách nhiệm và giải trình của nhà trường, mọi thành phần trong trường được tham gia vào các quyết định của nhà trường thông qua các đại diện của họ trong hội đồng trường. Tiếng nói của cộng đồng xã hội đối với nhà trường được thể hiện mạnh mẽ thông qua các thành viên ngoài trường. Các thành viên ngoài trường thường là những người có uy tín xã hội cao và kinh nghiệm quản trị nổi bật, giúp cho nhà trường được quản trị theo mô hình gần doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Hội đồng trường bầu Hiệu trưởng và có thể miễn nhiệm Hiệu trưởng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ công nhận sự lựa chọn của nhà trường. Với sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018, vai trò của hội đồng trường trong các trường đại học Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ hơn và từng bước đi tới thực quyền. Tuy nhiên, mặc dù luật đã có hiệu lực hơn một năm, thực trạng về hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Nhiều câu hỏi và vấn đề đặt ra vẫn chưa có câu trả lời một cách thỏa đáng như: - Nhận thức của toàn xã hội đối với thiết chế hội đồng trường của một trường đại học tự chủ, đây là cơ sở để hội đồng trường gắn với thực quyền, để từng thành viên của hội đồng trường nắm rõ vai trò, quyền hạn và nghĩa vụ khi tham gia hội đồng trường, cũng như phân định rõ ràng cơ chế phối hợp giữa các thực thể định hướng đường lối với quản trị - quản lý - điều hành trong một trường đại học tự chủ. - Vấn đề nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy với Chủ tịch hội đồng trường theo Nghị quyết số 19-NQ/TW có cần một lộ trình quá độ đối với một số trường đặc thù không? Nếu một trường đại học có Bí thư Đảng ủy, có Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường là ba cá thể riêng biệt thì có đảm bảo cho thiết chế hội đồng trường vận hành hiệu quả? - Đối với các đại học, nếu trong thành phần có các trường đại học thành viên thì mối quan hệ giữa hội đồng đại học với các hội đồng trường thành viên và cơ quan chủ quản được phân định như thế nào khi trường thành viên cũng chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan chủ quản? - Cơ cấu tổ chức của hội đồng trường phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù của từng trường nhưng với chức năng, nhiệm vụ theo luật định thì không thể thiếu các bộ phận như thường trực hội đồng trường, văn phòng hội đồng trường, ban kiểm soát và các ban chuyên môn khác về chiến lược và quản trị, tài chính và tài sản... - Làm thế nào để tăng cường sự tham gia và trọng lượng của ý kiến của các thành viên ngoài trường, thành viên đại diện của cơ quan chủ quan và đại diện người học? Đại diện của cơ quan chủ quản có ý nghĩa rõ ràng là đại diện của chủ sở hữu (đối với trường công) nhưng thành viên ngoài trường và đại diện sinh viên thì chưa có luật định và những hướng dẫn cụ thể gắn kết vai trò, trách nhiệm và lợi ích với trường đại học. - Thành phần của Hội đồng trường đối với nhóm giảng viên và người lao động hiện nay vẫn chủ yếu là các cán bộ quản lý dưới quyền điều hành của Hiệu trưởng như các trưởng, phó trưởng đơn vị cấp hai thuộc trường, thậm chí với nhiều trường đa số là các trưởng, phó trưởng phòng ban và các phó hiệu trưởng. Khi tham gia hội đồng 78
- trường để quyết định những vấn đề do Hiệu trưởng đề xuất, các thành viên hội đồng trường là cán bộ quản lý dưới quyền điều hành trực tiếp của Hiệu trưởng chắc chắn sẽ có tiếng nói giống như tiếng nói của Hiệu trưởng. Tuy vậy, vấn đề tồn tại trong các trường là nếu không phải là những cán bộ quản lý thì những giảng viên nào sẽ có đủ năng lực quản trị và sự hiểu biết toàn diện về nhà trường để có thể tham gia hội đồng trường? - Những vấn đề cụ thể khác như: Hội đồng trường sẽ quyết định tài chính đến đâu, các khoản chi lớn là lớn đến mức nào thì hợp lý? Hội đồng trường sẽ quyết định nhân sự đến trưởng các đơn vị cấp hai hay chỉ tới Ban giám hiệu, phương thức quyết định nhân sự như thế nào thì đủ thể hiện vai trò? III. Giải pháp, đề xuất phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường Về mặt nhận thức, hội đồng trường là một cơ chế để thực hiện trách nhiệm cao nhất về chiến lược - định hướng phát triển và trách nhiệm giải trình của trường, hội đồng trường thay mặt cho các bên có lợi ích liên quan, thay mặt cho xã hội và đại diện cho chủ sở hữu là nhà nước, để định hướng và giám sát hoạt động của bộ máy quản lý - điều hành nhà trường, đảm bảo cho trường phát triển với sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và xã hội. Bên cạnh vận hành hội đồng trường theo luật định thì các giải pháp tăng cường nhận thức là hết sức quan trọng, các khóa tập huấn nhận thức về quản trị - quản lý trường đại học cần được tổ chức thường xuyên để ít nhất đội ngũ cán bộ chủ chốt của trường thấm dần với thể chế tự chủ của trường đại học, các hội nghị, hội thảo về tự chủ đại học cần được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội. Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục đại học, đặc biệt là ban hành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thống nhất để quản lý nhà nước về sứ mạng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển giáo dục đại học, về quản lý chất lượng giáo dục đại học. Cơ chế sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập cũng cần phải thống nhất thiết lập. Tránh những trường hợp thành viên thuộc bộ chủ quản chiếm tới gần 1/3 tổng số thành viên của hội đồng trường như thực tiễn tại một số trường, làm cho tính tự chủ của trường đại học không còn giá trị. Xây dựng mối quan hệ giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu. Trong đó Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng, chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường; Hội đồng trường, đối với trường công lập, là đại diện của chủ sở hữu (nhà nước) và các bên có lợi ích liên quan của cả bên trong và bên ngoài trường đại học, hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị, hoạch định chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện, hội đồng trường không can thiệp vào công việc điều hành, quản lý của Ban giám hiệu. Đối với đại học có các trường đại học thành viên thì chỉ khi Chính phủ có cơ chế chuyển đổi trường thành viên thành một đơn vị thuộc đại học thì vướng mắc, chồng chéo về chủ sở hữu của đại học và trường đại học thành viên mới được giải quyết. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học là văn bản có tính pháp lý cao nhất của trường đại học, bên cạnh những quy định về tổ chức, điều hành và quản lý của trường, cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn khác của hội đồng trường với Hiệu trưởng, ví dụ như trong bổ nhiệm cán bộ cấp dưới, trong quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản với hạn mức cụ thể do hội đồng trường thống nhất... 79
- Thành viên hội đồng trường là người trong trường không chỉ là những người đang nắm giữ các chức vụ quản lý trong trường mà có thể là những giảng viên, người lao động có năng lực, kinh nghiệm trong quản trị. Việc xây dựng chuẩn mực về năng lực quản trị của thành viên hội đồng trường có lẽ là một nội dung cần được sớm đặt ra. Đối với các thành viên ngoài trường, điều quan trọng nhất là xây dựng được cơ chế để gắn kết hữu cơ giữa trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn hơn là tham gia chỉ vì khát vọng cống hiến. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] GS Lâm Quang Thiệp, Một số khó khăn trong việc áp dụng thể chế Hội đồng trường, giaoduc.net.vn, 27/06/2020. [2] GS Lê Minh Thắng, Vai trò của Hội đồng trường trong tiến trình tự chủ đại học và kinh nghiệm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học”, trường đại học Luật Hà Nội, 11/2018. [3] Luật 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 19 tháng 11 năm 2018. [4] Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. [5] PGS.TS Trần Quốc Toản, Một số vấn đề về cơ chế tự chủ của các trường đại học, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận trung ương, 13/12/2018. 80
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn