JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 56-63<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0062<br />
<br />
THƠ NỮ ĐƯƠNG ĐẠI VÀ HÀNH TRÌNH XÁC LẬP BẢN THỂ<br />
Nguyễn Thị Hưởng<br />
<br />
Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam<br />
Tóm tắt. Thơ nữ đương đại Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay phát triển hết sức đa dạng,<br />
phong phú và có những đóng góp rất lớn đối với quá trình đổi mới, hội nhập thơ Việt trên<br />
cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Khi nghiên cứu mảng thơ ca này, ở phương<br />
diện chủ đề tư tưởng, chúng tôi nhận thấy việc các nhà thơ nữ thể hiện việc xác lập bản thể<br />
rất mạnh mẽ, dứt khoát như một tiếng nói khẳng định quyền năng của giới mình. Đây là<br />
nội dung chúng tôi đặt ra và luận giải trong bài viết này.<br />
Từ khóa: Thơ nữ đương đại, văn học nữ quyền, ý thức nữ quyền, thiên tính nữ, bản năng nữ.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Văn học nữ quyền không phải là văn học mang nội dung nữ quyền mà là sự ý thức, khả năng<br />
phản kháng và giải trung tâm [1-4]. Đó là ý thức chấp nhận thân phận người nữ như là một đặc thù<br />
tâm sinh lí nhưng phản kháng lại mọi bất công mang tính lịch sử và văn hóa dành cho nữ giới, từ<br />
đó giải trung tâm nam quyền với những thiết chế cũ với cái nhìn lệch lạc, triệt tiêu bản thể nữ. Bởi<br />
vậy, hành trình xác lập bản thể nữ là nấc thang đầu tiên nhằm khẳng định đặc thù giới, xác tín cá<br />
biệt nữ. Hành trình này được các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại diễn ngôn bằng việc tự ý thức về<br />
thân thể nữ, khẳng định thiên tính nữ và nhìn sâu hơn vào bản năng nữ. Ở cấp độ nào, các tác giả<br />
nữ đương đại cũng cho thấy một cái nhìn chân thật, một cách thể hiện trung thực và một nội hàm<br />
mang giá trị nhân văn sâu sắc.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Tự ý thức về thân thể nữ như một ưu thế thiên tạo<br />
<br />
Khi xem vấn đề vóc dáng của người phụ nữ được đề cập đến trong thơ như một biểu hiện<br />
của ý thức nữ quyền không hẳn là sự suy luận từ nội tại văn bản tác phẩm. Biểu hiện này còn cần<br />
được lí giải như một trạng thái ý thức xã hội. Thực tế nghiên cứu xã hội học gần đây đã cho thấy<br />
nhu cầu chiêm ngưỡng thân thể người phụ nữ đang diễn ra ngày càng cao. Chẳng hạn như ảnh<br />
nude trở thành một loại hình nghệ thuật hoặc người ta dùng mọi cách để thu hút sự chú ý của xã<br />
hội hướng về việc nhìn ngắm thân thể mình. Không khó tìm thấy những cụm từ “show hàng”, “lộ<br />
hàng” trên mạng internet là vì thế. Ở đây chưa bàn tới tính chất chuẩn mực hay lệch chuẩn dưới<br />
cái nhìn đạo đức mà nó phản ánh một cách nhìn, một quan niệm mới của người phụ nữ thời hiện<br />
đại về chính bản thân họ.<br />
Ngày nhận bài: 1/4/2016. Ngày nhận đăng: 2/7/2017<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Hưởng, e-mail: nguyenhuonggass@gmail.com<br />
<br />
56<br />
<br />
Thơ nữ đương đại và hành trình xác lập bản thể<br />
<br />
Phái nữ luôn đi cùng với phái tính. Người phụ nữ từ khi sinh ra đã được trời phú cho một<br />
vẻ đẹp hấp dẫn đầy cuốn hút với những đường cong gợi cảm. Phái nữ vì thế đồng nghĩa với phái<br />
đẹp. Ý thức được mình đẹp và kiêu hãnh về điều đó chính là một giác ngộ cao về giá trị của giới<br />
nữ. Từ ý thức sâu sắc này, các nhà thơ nữ đã không ngần ngại phô diễn vẻ đẹp của mình và phái<br />
mình lên trang thơ một cách kiêu hãnh. Thân thể nữ với những đường cong đầy ám gợi đã trở thành<br />
đối tượng khám phá của những cây bút nữ đương đại: “Em xinh đẹp như vùng đất mới/. . . / Những<br />
đường cong khỏa vào sóng chữ” (Say nắng, Vi Thùy Linh) “Bao bọc em chiết xuất nữ tính đặc<br />
thù/ Để em cứ mãi thon thả vẻ đẹp không vội vã” (Hồng hồng tuyết tuyết, Vi Thùy Linh). Họ hiểu<br />
được thế mạnh giới mà thượng đế ban tặng, hiểu được những uy lực kì diệu của nhan sắc. Họ hiểu<br />
được sức hấp dẫn của những vẻ đẹp vĩnh cửu mang tên bản thể nữ. Đó là một sức mạnh có thể làm<br />
khuất phục mọi uy quyền “Uy lực của em/ Một vẻ đẹp không luật lệ” (Mai, Dư Thị Hoàn). Đó<br />
là một “hiểm họa được tôn vinh”, được phụng thờ: “Kiêu hãnh dưới mặt trời/ Sắc đẹp - hiểm họa<br />
được tôn vinh” (Bản đồ tình yêu, Vi Thùy Linh). . .<br />
Phô diễn vẻ đẹp ngoại hình, thân thể được xem là thế mạnh của các cây bút nữ những năm<br />
gần đây. Có lẽ vốn được mệnh danh là phái đẹp nên các nhà thơ nữ đã chú ý đến những điểm nhấn<br />
đầy ấn tượng trên cơ thể mình như một đặc ân của tạo hóa ban cho để khẳng định vai trò và sự tồn<br />
tại của mình trong thế giới. Họ ý thức được sức hấp dẫn tự nhiên của mình như những ưu thế thiên<br />
tạo. Họ không ngần ngại phô diễn những đường nét trên cơ thể mình lên trang thơ với ngòi bút tả<br />
nhiều hơn gợi. Sự “giải y” ấy là biểu hiện cao nhất của ý thức về vẻ đẹp tự nhiên thiên phú đầy nữ<br />
tính của giới mình. Hơn thế nữa, họ còn tỏ ra hãnh diện khi biến những điểm nhấn ấy thành hấp<br />
lực trước phái mạnh. Những hình khối trước đây Nguyễn Du miêu tả bằng thứ diễn ngôn hoa mĩ<br />
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” thì nay được Phạm Thị Ngọc<br />
Liên vén bức màn ước lệ thời trung đại để người phụ nữ thời hiện đại mặc dù hiện lên trong đêm<br />
nhưng vẫn mang vẻ đẹp đến sững sờ: “Em xuống biển trần truồng/ vòng hông loang ánh bạc/ như<br />
thủy thần rung chuông/. . . / ngực tròn như đồi trăng” (Trăng và biển). Ở đây, người phụ nữ trong<br />
bài thơ bước đi với tâm thế hoàn toàn chủ động. Không một chút vướng bận, người phụ nữ ấy tự<br />
tin đến thản nhiên trước khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt. Người phụ nữ mang vẻ đẹp của con<br />
người từ thuở hồng hoang khi khỏa thân, trút bỏ xiêm y hay chút bỏ toàn bộ những ràng buộc đạo<br />
đức để được là chính mình, vẻ đẹp của người nữ mang sức mạnh của biển, mang vẻ đẹp thơ mộng<br />
của trăng. Vì thế vẻ đẹp ấy không còn ở dạng tiềm năng mà phát lộ trực tiếp khi người nữ ý thức<br />
về nó như sức mạnh của một vị thần.<br />
Thoát khỏi mặc cảm thân xác, quan niệm thân xác là cái tầm thường, cái dơ bẩn không có<br />
giá trị gì so với tinh thần, phụ nữ hiện đại nhận thức được vẻ đẹp hình thể đặc biệt là các bộ phận<br />
nhạy cảm giúp đời sống tình dục thăng hoa. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau tiếng<br />
thơ mở màn của Phạm Thị Ngọc Liên, hàng loạt nhà thơ nữ sau 1986 đã không ngần ngại tự “cởi<br />
trói” mình để chủ động phô diễn vẻ đẹp hình thể trên diễn đàn thơ ca nước nhà. Từng đường nét bộ<br />
phận của cơ thể mình từ làn da, mái tóc, bàn tay, đôi môi, đôi chân đến bụng, ngực, mông, thậm<br />
chí là cả những phần kín nhạy cảm khác đều được họ thể hiện lên trang thơ một cách tự nhiên,<br />
thậm chí là táo bạo. Ví như, ngực là một sự ám gợi từ trong vô thức của các nhà thơ nữ. Nó được<br />
xem như hiện thân của sự khát khao, là nơi mang chứa sức mạnh muốn được bung phá. Có lẽ đây<br />
cũng là lí do khiến nhiều nhà thơ nữ chú ý đến điểm nhấn này. Trong thơ Vi Thùy Linh, ngực trở<br />
thành nơi khởi nguyên của tiếng gọi vừa cháy bỏng, vừa cuồng nhiệt: “Cảm thấy tiếng gọi lan trên<br />
hai bầu vú” (Thiếu phụ và con đường). Ngực là niềm trắc ẩn, là nơi dồn nén nỗi đau trong thơ Phan<br />
Huyền Thư khi: “Nụ hôn gióng căng ngực miền trắc ẩn”. Ngực còn là hình ảnh siêu thực, là bầu<br />
nhức nhối trong thơ Ly Hoàng Ly: “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu ngực vẫn trắng, không đêm/<br />
Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm” (Mở nút đêm). Hành động “mở mãi” vừa siêu<br />
57<br />
<br />
Nguyễn Thị Hưởng<br />
<br />
thực lại rất thực. Nó phản ánh một ý thức bấn loạn, chất chứa đầy ẩn ức đang muốn được giải tỏa.<br />
Dõi theo hành trình thơ Vi Thùy Linh, bạn đọc không khó bắt gặp những đường nét gợi<br />
hình, gợi cảm của người phụ nữ được tiếp cận với một cự li gần, trên nhiều điểm nhấn khác nhau<br />
từ mắt, môi, thịt, răng, eo, chân, đường cong. . . đều dập dìu trong từ trường ái tình. Nào là “Từ nơi<br />
khởi nguyên/ Lửa mọc mầm theo đường cong thân thể”, “Tấm lưng khóc, rung mọi đường kinh<br />
tuyến”, “Những bàn tay khỏa thân như những con buồm trắng” đến “cặp đùi muốt”, “cặp đùi bơ<br />
vơ”. . . và hàng loạt cụm từ gợi sự khỏa thân đã làm cho thơ Linh mở ra thiên đường xác thịt lụa là<br />
ẩm ướt. Đây chính là những dấu ấn thân xác hiện hữu cho quyền năng khao khát hoan lạc của bản<br />
thể nữ. Bằng cách phơi bày chúng như một sự khám phá cảm giác, các nhà thơ nữ đã xé toạc được<br />
bức bình phong đầu tiên giam hãm thân thể người nữ, dậy lên ý thức tính dục mang tính nữ từ cội<br />
sâu bản thể.<br />
Mặc dù đề cập đến vóc dáng thân thể của người nữ nhưng xét trên mặt bằng chung của thơ<br />
nữ đương đại, đa số các cây bút không đi quá xa, không gây phản cảm với người đọc như phần lớn<br />
các bài thơ trong tập Dự báo phi thời tiết của nhóm Ngựa trời. Hơn thế, thơ nữ Việt Nam sau 1986<br />
tạo ấn tượng nơi bạn đọc không phải bằng hành động thô bạo, đơn giản là lột trần những người<br />
đàn bà. Vẻ đẹp của người phụ nữ ở đây được biểu hiện cụ thể, sinh động, tinh tế, thoát ra khỏi cái<br />
nhìn dung tục để hướng đến và khẳng định giá trị mang tính nhân văn của nữ giới.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu<br />
<br />
Phụ nữ vốn sống bằng cảm xúc, trái tim phụ nữ được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Tình yêu<br />
trở thành nguồn sống, thành mục tiêu hướng đến của người phụ nữ. Cho nên không có gì phải ngạc<br />
nhiên khi các nhà thơ nữ nói chung, các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại nói riêng dành nhiều trang<br />
viết của mình để nói nhiều về tình yêu. Bởi với họ, tình yêu thương là điều có ý nghĩa nhất, tình<br />
yêu thương là khởi nguyên của mọi hạnh phúc, là sự khẳng định sự tồn tại của mỗi cá thể. Cho<br />
nên, họ sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của định kiến giới để chủ động chờ đợi và chủ động dâng<br />
hiến cho tình yêu. Điều này trở thành bệ phóng để thức tỉnh những phần sâu kín nhất của người<br />
phụ nữ, giúp họ trở về với bản thể nữ một cách tự nhiên và tự do.<br />
Có một thời gian dài người ta cho rằng người đàn bà hết lòng vì tình yêu, sẵn sàng hiến<br />
dâng cho tình yêu bị coi là một thứ tòng thuộc, là nạn nhân của nữ tính truyền thống. Nhưng chủ<br />
nghĩa nữ quyền hiện đại với việc đề cao bản sắc giới đã trở thành tiền đề cho nữ giới được sống với<br />
tất cả những cảm xúc chân thành nhất của mình trong mọi phương diện của cuộc sống. Và trong<br />
tình yêu, họ sẵn sàng yêu, sẵn sàng chờ đợi để đón nhận một tình yêu như mong đợi, sẵn sàng thổ<br />
lộ tình cảm và sẵn sàng hiến dâng không chút đắn đo do dự. Điều này được thể hiện rõ nét trong<br />
các sáng tác về tình yêu của những nhà thơ nữ đương đại.<br />
Người phụ nữ với sự chủ động chờ đợi tình yêu. Đợi là trạng thái đợi chờ một điều gì đó<br />
đến với mình. Trong tình yêu, chờ đợi thường được liên tưởng đến nỗi lòng của người phụ nữ. Vì<br />
thế, đợi chờ ở một khía cạnh nào đó được nói đến như một sự chủ động của người phụ nữ trong<br />
việc tiếp nhận tình cảm từ đối phương. Và người phụ nữ trong thơ nữ đương đại luôn sẵn sàng chờ<br />
đợi, bất chấp mọi ngụy tín. Thậm chí họ coi những tín điều giả tạo, phi lí đó là hợp lí để được yêu<br />
và sẽ yêu hết mình.<br />
Dư Thị Hoàn mang đến cho thơ nữ một giọng điệu khá riêng, khát vọng, niềm mong ngóng<br />
tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc chồng vợ ở chị vừa cháy bỏng, mãnh liệt nhưng xen lẫn<br />
cả những xúc cảm buồn và cô đơn, thất vọng. Nếu như lúc trước: “Em tỉnh dạy chưa kịp chải đầu/<br />
Tiếng bước chân anh ngoài cửa?/ Em hồi hộp rúi then ngang khe khẽ/ Anh đã đến với em. . . ” thì<br />
ngay sau đó đã là: “Nhưng có ngờ đâu/ Nắng buổi sáng/ Nắng chói chang/ Đã ùa vào ôm gọn em<br />
58<br />
<br />
Thơ nữ đương đại và hành trình xác lập bản thể<br />
<br />
trước mặt anh/ Anh đến với em. . . muộn mất rồi” (Bước chân chậm). Cả cuộc đời chị chờ đợi một<br />
điều “Chỉ cần một bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi” (Trong bệnh viện tâm<br />
thần). Với chị, chỉ có người yêu chân thành mới đủ khiến con người ta sẵn sàng chờ đợi - cả một<br />
đời.<br />
Người phụ nữ trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên luôn quay cuồng trong tâm thế chủ động đón<br />
chờ tình yêu. Chị bất chấp cả những khả năng rủi ro mà cuộc tình mang lại. Bởi lẽ, chị hiểu tình<br />
yêu, hạnh phúc không chỉ là hương vị ngọt ngào đơn giản. Hạnh phúc là nụ cười trên môi và đôi<br />
mắt đẫm lệ. Ai cũng thích hương thơm và mật ngọt, nhưng chừng ấy không đủ thiết tạo nên cuộc<br />
đời và hẳn nhiên chưa phải là tất cả cuộc đời của con người. Người phụ nữ ấy vì thế mà biết chủ<br />
động đón nhận cả những đắng cay, xem đó là hương vị thứ hai, là góc khuất làm nên cuộc sống:<br />
“Sao anh không đến cùng em/ Người đàn ông đàn ông hơn tất cả đàn ông/ Để quất vào tim em<br />
những vệt roi đắng chát/ Cho em cười bằng nụ cười nước mắt/ Vinh quang số phận đàn bà” (Vệt<br />
sáng tiềm thức, Phạm Thị Ngọc Liên); Ly Hoàng Ly lại gửi nỗi đợi chờ vào hình hình ảnh cỏ<br />
trắng: “Em ngồi đây/ Trên cỏ xanh/ Nhưng em thấy quanh mình là cỏ trắng/ Vì em đang chờ/ một<br />
người chưa hề biết tên” (Cỏ trắng, Ly Hoàng Ly). . . “Cỏ trắng” trở thành biểu tượng cho nỗi chờ<br />
đợi trong trắng, tinh khôi của người con gái tuổi mới lớn. Còn cô gái trong thơ Bình Nguyên Trang<br />
thì tình nguyện đợi chờ, tình nguyện sống trong nỗi nhớ. Cô không cần biết chàng trai kia có thấu<br />
hiểu được cho sự trống trải của mình hay không. Cô vẫn “Chỉ đợi anh về/ Em đâu cần anh tới/ Em<br />
đâu cần anh nói/ Và đâu cần anh biết nỗi đợi này” (Đợi, Bình Nguyên Trang). Không dừng lại ở<br />
đó, người phụ nữ trong thơ Phan Huyền Thư còn chờ đợi trong đơn độc và tự nhận mình là người<br />
“Thiếu phụ chong đèn/ khâu đợi chờ thành tấm chăn” (Chia sẻ, Phan Huyền Thư). Người nữ trong<br />
thơ Vi Thùy Linh tạo ra trong cõi yêu trùng trùng nỗi chờ đợi với hàng loạt so sánh liên tưởng:<br />
“Em là người dệt tầm gai.../ ... Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai<br />
nhìn thấy” (Người dệt tầm gai), “Em như bùi nhùi rơm, Bàn tay em buông như khuông nhạc câm,<br />
Em đã thành lính gác của chính mình” (Liên tưởng)... Người phụ nữ phải đặt niềm tin, thậm chí đặt<br />
ra cả những cuồng tín, xác tín, ngụy tín để hiện hữu trong tâm trạng đợi chờ. Đó chính là cách họ<br />
duy trì tình yêu, duy trì cuộc sống. Tình yêu của người con gái trong thơ Vi Thùy Linh sống bằng<br />
những hình dung, tưởng tượng những cuộc hẹn hò ở tương lai, những khoảnh khắc lãng mạn. Bởi<br />
vì “Tình yêu là niềm tin đầy mong mỏi của linh giác”. Những xác tín xuất hiện không ngừng trong<br />
thơ tình của Linh: “Tình yêu là thánh giá mang suốt đời, Tình yêu bắt đầu từ khi là bào thai trong<br />
bụng mẹ” (Thánh giá)... Mạnh mẽ hơn, cuồng tín hơn đến mức: “Nếu anh không của em, em sẽ<br />
vắt mình đến giọt sương cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định, Nếu anh không đến với em, em<br />
sẽ tìm nơi trú ngụ của quỷ” (Liên tưởng)... Người con gái còn tự tạo cho mình ngụy tín để sưởi ấm<br />
sự cô đơn: “Em mơ về đám cưới - Những ngụy tín đứng bên ngoài đường viền của tấm chăn đơn<br />
chiếc” (Một mình). Dẫu biết đằng sau những điều ngụy tạo kia vẫn là một ẩn số nhưng nó đã trở<br />
thành cái cớ để tâm hồn trẻ trung của người phụ nữ được sống với những cảm giác là mình. Như<br />
vậy, chờ đợi ở đây không còn mang nỗi buồn hay sự tuyệt vọng. Chờ đợi gắn liền với tâm thế của<br />
một bản thể nữ luôn khao khát và tìm kiếm một tình yêu theo cách của riêng mình.<br />
Người phụ nữ với tinh thần chủ động dâng hiến hết mình cho tình yêu. Đây cũng là một<br />
điểm mới mẻ trong quan niệm về tình yêu của cái tôi trữ tình trong thơ nữ giai đoạn này. Nói thế<br />
không hẳn là phủ nhận những tiến bộ nghệ thuật của quá khứ bởi sự chủ động trong tình yêu vốn<br />
xuất hiện từ văn học trung đại. Ví như sự táo bạo của những người phụ nữ trong “áng thiên cổ kì<br />
bút” Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Nhưng sự chủ động đó lại được cắt nghĩa dưới màu sắc<br />
răn đe kẻ sĩ, dưới cái nhìn của một túc nho mang trên vai tam cương ngũ thường. Chúng ta cũng<br />
biết đến sự chủ động mời gọi của người phụ nữ muốn được yêu và yêu hết mình trong thơ Nôm<br />
truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn phải giấu mình trong chiếc bánh<br />
59<br />
<br />
Nguyễn Thị Hưởng<br />
<br />
trôi, quả mít, cái quạt, phải dùng lá trầu mỏng manh để che chắn, ý nhị. Người phụ nữ thời @ bước<br />
vào tình yêu với tâm thế chủ động, háo hức và si mê. Vẫn phụ thuộc vào phái mạnh, nhưng họ yêu<br />
trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tình yêu với người phụ nữ phải là thứ tình cảm trong<br />
sáng, không vụ lợi.<br />
Phái đẹp hôm nay khát khao khẳng định mình trong tình yêu. Họ ý thức được vẻ đẹp và vai<br />
trò của mình trên cõi nhân gian này. Không phải ý tứ, bóng gió theo kiểu “Gần đây mà chẳng sang<br />
chơi/ Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu” (Ca dao). Họ không chỉ biết lặng lẽ đem cho và lặng lẽ<br />
nhận về. Người phụ nữ dám bộc lộ tình yêu, tỏ tình bằng tiếng nói mạnh mẽ, chủ động của tâm hồn<br />
tuổi trẻ rực rỡ yêu đương. Và đây là lời tỏ tình công khai, mãnh liệt như muốn khẳng định nỗi khát<br />
vọng với trời đất, giữa trời đất của người nữ: “Em muốn giang tay giữa trời mà hét/ Yêu anh” (Em<br />
muốn giang tay giữa trời mà hét, Phạm Thị Ngọc Liên). Sự bày tỏ, theo đó mà kông chút lưỡng<br />
lự, thậm chí còn pha chút thách thức mạnh mẽ: “Cuộc sống ta đã điên lên cùng ngươi/ những đêm<br />
lửa tim rực cháy/ ngỏ với người tình/ Rằng Em Yêu Anh” (Tự khúc 1 - Phạm Thị Ngọc Liên). . .<br />
Không chỉ mạnh mẽ trong lời “tỏ tình”, người phụ nữ thời đại mới còn mạnh mẽ trong cả<br />
những lời chia tay và quyết liệt trong hành động kết thúc cuộc tình. Với Dư Thị Hoàn, tình yêu là<br />
hiện thân cho lí tưởng sống, “anh” là hiện thân cho tình yêu. Bởi vậy mà người phụ nữ ấy chấp<br />
nhận đi trên một “lối nhỏ” với những sỏi đá gập ghềnh và với cả những rung động xốn xang bằng<br />
một niềm tin mãnh liệt: “Chính lối đi này đưa em đến anh” (Lối nhỏ). Một điều đặc biệt nhận thấy<br />
trong tâm hồn của người phụ nữ trong thơ Dư Thị Hoàn đó là: một người đàn bà sẵn sàng yêu hết<br />
mình nhưng cũng rất giàu lí trí. Bởi vậy, dù rất yêu, dù sẵn sàng dâng hiến cả tâm hồn và thể xác<br />
cho tình yêu, nhưng người phụ nữ ấy cũng không vì thế mà chạy theo tình yêu bằng mọi giá. Chị<br />
chấp nhận chia tay, sẵn sàng để cuộc tình “tan vỡ”. Đặc biệt hơn, người chủ động trong tình huống<br />
ấy lại là chị: “Hãy buông xuống. . . ./ Giữa chúng ta/ Hãy để ánh lửa bập bùng soi sáng/ Dù đang<br />
lúc đôi mắt anh/ Phóng ra mũi tên tẩm thuốc/ Nhằm rơi rụng trái tim em” (Ánh lửa). Trong tình<br />
yêu, chị không chấp nhận bất kì sự giả dối nào, chị yêu cầu ở người mình yêu một cách ứng xử<br />
đàng hoàng, sòng phẳng công khai và thậm chí là cả sự tế nhị, tinh tế. Cho nên, bất kì sự “lơ đãng”<br />
nào của người đàn ông đều cũng có thể được bỏ qua, nhưng riêng duy nhất sự thiếu tinh tế, thiếu<br />
nhạy cảm trong những - phút - giây - yêu là không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà người phụ nữ<br />
ấy dám yêu, dám sống và dám vứt bỏ điều đã làm tổn thương mình, chấp nhận “tan vỡ” một mối<br />
tình để giữ lại bản ngã, giữ lại cái tôi, giữ lại những giá trị bản thân: “Chúng ta sẽ thành vợ thành<br />
chồng/ Nếu không có một lần. . . / Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Em đềm trên ghế đã/ Anh<br />
không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ).<br />
Việc tỏ tình, bày tỏ tình cảm thậm chí là việc kết thúc một mối quan hệ trong tình yêu xưa<br />
nay vẫn được xã hội phương Đông mặc nhiên coi là sở hữu của người đàn ông, của phái mạnh.<br />
Cũng bởi thế, chuyện tình cảm, hôn nhân mới diễn ra theo một trình tự sắp đặt, “cha mẹ đặt đâu<br />
con ngồi đấy”. Tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ hoàn toàn phó thác vào số phận, sự may<br />
rủi nên mới có những lời than thở “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”<br />
(Ca dao). Người đàn ông nghiễm nhiên là “trung tâm” mang quyền lực, được ban phát tình yêu.<br />
Không khép mình trong sự e lệ, ý tứ của phái tính, người phụ nữ giờ đây đã bước qua những ngại<br />
ngần, xấu hổ để mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình một cách chân thành, không cần đắn đo.<br />
Người phụ nữ sẵn sàng đi theo tiếng gọi trái tim, bất chấp tất cả những chông gai để được yêu và<br />
yêu hết mình. Các nhà thơ trẻ đã bỏ qua ngại ngần, thoát những quy phạm bất thành văn của truyền<br />
thống để sãn sàng “tự nguyện” hiến dâng, không đòi hỏi: “Truất yêu đương - phế ghen tuông giáng thu hận/ tôi nhường tôi cho anh” (Tự nguyện, Phan Huyền Thư). Thậm chí sẵn sàng van vỉ<br />
cầu xin để được yêu: “Anh đừng xa nữa/ Em bỏ tất cả/ Em quên tất cả/ Quên cả tên mình/ Quên cả<br />
tuổi mình/ Quên cả lối đi/ Chỉ còn nhớ anh” (Nhật thực, Vi Thùy Linh). . .<br />
60<br />
<br />