intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sinh viên ở nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tham luận "Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sinh viên ở nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay" tập trung luận giải một số vấn đề lý luận, thực tiễn về phong trào khởi nghiệp của sinh viên, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sinh viên ở nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay

  1. MARKETING GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI THÚC ĐẨY PHONG TRÀO KHỞI NGHIỆP SINH VIÊN Ở NƯỚC TA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Bùi Thanh Tùng1 Tóm tắt: Hiện nay, phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta đang lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng sinh viên thuộc các chuyên ngành đào tạo khác nhau, bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, tuy nhiên phong trào khởi nghiệp của sinh viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cần được nghiên cứu khắc phục trong thời gian tới. Tham luận tập trung luận giải một số vấn đề lý luận, thực tiễn về phong trào khởi nghiệp của sinh viên, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta trong thời gian tới. Từ khóa: Khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp, sinh viên, đại học. 1. Đặt vấn đề Hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia, thông qua khả năng kiến tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế. Khởi nghiệp còn là một phong trào thực tế có sức hút mạnh mẽ đối với toàn xã hội, thu hút đông đảo các thành phần, đối tượng xã hội khác nhau tích cực tham gia, đặc biệt là sinh viên các trường đại học. Với đặc trưng tâm lý riêng có, sinh viên có những ưu thế vượt trội so với bất kỳ nhóm xã hội nào về tinh thần khởi nghiệp, ý chí khởi nghiệp, họ sẵn sàng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, để tạo ra những cơ hội khởi nghiệp mới. Ở nước ta, trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp của sinh viên đã “bùng nổ” và mở ra nhiều cơ hội cho các sinh viên đam mê khởi nghiệp, tự thân lập nghiệp, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp của sinh viên vẫn còn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được xu hướng hội nhập kinh tế trong thời đại số hiện nay. Điều đó đỏi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn nữa những vẫn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về khởi nghiệp của sinh viên và phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay. 2. Cơ sở lý thuyết Một số công trình nghiên cứu lý thuyết về khởi nghiệp sinh viên Khởi nghiệp là một chủ đề lớn và rất quan trọng, vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới vấn đề này. Trên thế giới, có các công trình nghiên tiểu biểu như: “Prediction of entrepreneurship based on an attitude consisency model” của Robinson, P. B. (1987); “Innovation and entrepreneurship: practice and principles” của Drucker, P. F. (1999); “A general theory of entrepreneurship: The individual-opportunity nexus” của Shane, S. A. (2003) “Essential aspects of entrepreneurship measurement. Organization and Management” của Barbara, S. T. (2013); “An empirical investigation of students' startup intention in Vietnam” của Do A.D (2021).… Ở Việt Nam, đã có một số hội thảo khoa học đề cập đến vấn đề này như: Hội thảo “Con đường khởi nghiệp cho sinh viên” do Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/11/2016; Hội thảo 1 Tiến sỹ, Trường Đại học Tài chính - Marketing 538
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP THÀNH PHỐ “Khởi nghiệp của sinh viên ngoài sư phạm” do Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12/2018; hội thảo “Ý tưởng Khởi nghiệp và sự đổi mới trong Kinh doanh” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 24/09/2019; Hội thảo quốc tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30-31/10/2019, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam nhằm phát triển cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”; hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 9/11/2021; hội thảo “Khởi nghiệp cần làm gì? Làm sao để tiếp cận?” do Đại học Trà Vinh tổ chức ngày 03/4/2022; … Các công trình trên đã đề cập đến quan niệm, yếu tố tác động, kinh nghiệm khởi nghiệp nói chung, một số nội dung khởi nghiệp của sinh viên nói riêng, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học ở Việt Nam, do đó nội dung của tham luận có tính cấp thiết sâu sắc. Quan niệm về khởi nghiệp và khởi nghiệp sinh viên Khởi nghiệp là một khái niệm đa chiều và được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Khởi nghiệp theo tiếng Anh là “Star-up” là một cá nhân hay một tổ chức của con người đang trong quá trình bắt đầu kinh doanh, hay còn gọi là giai đoạn đầu lập nghiệp. Khởi nghiệp là luôn đi tìm mô hình kinh doanh mới có thể nhân rộng ra được và lặp lại được (Steve Blank). Ở nước ta, khởi nghiệp được hiểu chung là “bắt đầu sự nghiệp” (Viện Ngôn ngữ học, 2003, tr.512), là khởi sự kinh doanh, bắt đầu từ việc buôn bán nhỏ cho đến thành lập một doanh nghiệp, để giải quyết các nhu cầu nào đó của thị trường. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự thay đổi của xã hội, nhận thức của con người về khởi nghiệp cũng thay đổi. Hiện nay, quan niệm về khởi nghiệp đã được hoàn thiện và được diễn đạt là quá trình tạo dựng một tổ chức kinh doanh (doanh nghiệp) và người khởi nghiệp là người sáng lập nên doanh nghiệp đó. Khởi nghiệp diễn ra khi một hoặc một vài cá nhân quyết định thành lập một doanh nghiệp mới để kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó, đây không chỉ đơn giản là một hành động, một sự kiện mà là một quá trình phát triển liên tục, chuyển hoá không ngừng từ hình thành ý định khởi nghiệp đến hành động khởi nghiệp. Quá trình đó thường diễn ra qua sáu sáu giai đoạn là: (1) nhận thức cơ hội khởi nghiệp; (2) đánh giá cơ hội khởi nghiệp; (3) xác định mục tiêu khởi nghiệp; (4) hình thành ý định khởi nghiệp; (5) xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu khởi nghiệp; (6) hành động khởi nghiệp của người khởi nghiệp. Sinh viên là một nhóm xã hội đặc biệt, là những người đang tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn ở các trường cao đẳng, đại học nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, để chuẩn bị cho hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường. Ở sinh viên có những đặc trưng tâm sinh lý tích cực bảo đảm cho họ là bộ phận tiềm năng nhất của khởi nghiệp như: Trẻ tuổi; có kiến thức, năng lực; quyết tâm nghề nghiệp cao; nhiều mơ ước, hoài bão; yêu thích sự trải nghiệm, dám đối mặt với khó khăn thất bại… chính những đặc trưng đó đã thúc đẩy sinh viên đến với khởi nghiệp, qua đó không chỉ giúp sinh viên giảm nhẹ gánh nặng hỗ trợ tài chính của gia đình, bồi đắp kinh nghiệm thực tế, hoàn thành các mục tiêu phấn đấu của bản thân, mà còn góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, chỗ đứng của mỗi người, trên cơ sở đó giúp họ tìm kiếm, lựa chọn các cơ hội việc làm phù hợp sau khi rời ghế nhà trường. Khởi nghiệp của sinh viên là quá trình hoạt động tổng hợp của một hoặc một nhóm sinh viên vừa học tập kiến thức trên lớp, vừa thực hiện các ý tưởng, dự định sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về một hoặc nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nào đó, dưới sự trợ giúp của gia đình, nhà trường và xã hội, hướng đến việc xây dựng, hình thành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường. 539
  3. MARKETING GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI Yếu tố tác động đến phong trào khởi nghiệp sinh viên Thực tiễn đã chỉ ra phong trào khởi nghiệp của sinh viên, chịu tác động mạnh mẽ của một số yếu tố sau đây: Một là, những yếu tố thuộc về sinh viên trong khởi nghiệp Nhận thức về tính khả thi của khởi nghiệp là cơ sở đầu tiên thúc đẩy ý định khởi nghiệp của sinh viên. Nhận thức đó được hình thành trên cơ sở vốn tri thức, kinh nghiệm mà sinh viên thu nhận được từ hoạt động đào tạo của nhà trường và sự tương tác xã hội của mỗi người. Đây là cơ sở giúp cho sinh viên đánh giá được cơ hội, tiềm năng của khởi nghiệp, tìm ra được phương hướng để vượt qua khó khăn trong khởi nghiệp, qua đó củng cố quyết tâm khởi nghiệp. Bên cạnh đó, thái độ đối với khởi nghiệp cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, được nảy sinh trên cơ sở nhận thúc đúng đắn về tính khả thi của khởi nghiệp và được biểu thị bằng mức độ quan tâm, sự yêu thích với lĩnh vực dự định khởi nghiệp, mức độ sẵn sàng khởi nghiệp khi có cơ hội, mức độ chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp. Thái độ đối với khởi nghiệp của sinh viên góp phần quyết định đến mức độ, hiệu quả thực hiện ý định khởi nghiệp của mỗi người. Mặt khác, đặc điểm tính cách, giới tính và năng lực trình độ là yếu tố nền tảng quy định quá trình thực hiện ý định khởi nghiệp của sinh viên. Ví dụ, những sinh viên có đặc trưng tâm lý “hoạt”, ưa mạnh mẽ, thích trải nghiệm, có xu hướng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp cao hơn, so với nhóm sinh viên có đặc trưng tâm lý “tĩnh”, luôn tìm kiếm trạng thái ổn định, an toàn trong lựa chọn công việc. Những đặc điểm về giới tính và năng lực trình độ cũng chi phối mạnh mẽ ý định khởi nghiệp và quá trình hành động khởi nghiệp của sinh viên. Vì vậy, cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục khởi nghiệp và các hoạt động tư vấn khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với từng lĩnh vực đào tạo, từng đối tượng sinh viên, bảo đảm phát huy mọi điều kiện, khả năng, thế mạnh của sinh viên trong khởi nghiệp. Hai là, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp Đối với sinh viên, bắt đầu khởi nghiệp là giai đoạn gian nan nhất, vì vậy họ rất cần sự động viên, giúp đỡ từ mọi phía, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cụ thể của cơ quan chức năng nhà nước và trường đại học nơi họ đang học tập. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi các trường đại học phải có sự kết nối chặt chẽ với nhau và với cơ quan chức năng của nhà nước. Thường xuyên rà soát nắm chắc những bổ sung, phát triển mới trong chủ trương, chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của Đảng, Nhà nước, kịp thời phổ biến cho mọi sinh viên nắm được và vận dụng trong quá trình khởi nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, các trường đại học cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, ví dụ như tổ chức các câu lạc bộ khởi nghiệp, các chương trình đồng hành để hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong quá trình thực hiện khởi nghiệp. Ba là, môi trường đào tạo của trường đại học Khởi nghiệp là một nội dung quan trọng cần tiếp tục được bổ sung, chuẩn hoá thành chương trình môn học cụ thể, để đưa vào nội dung giảng dạy chính khoá cho tất cả các đối tượng sinh viên ở trường đại học. Trong đó, cần xác định rõ khởi nghiệp là một phần không thể thiếu của nhà trường và sinh viên. Nội dung giảng dạy về khởi nghiệp xoay quanh các vấn đề như sự cần thiết của khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp, các phương thức huy động và sử dụng nguồn lực trong khởi nghiệp, hướng dẫn việc lựa chọn ngành nghề khởi nghiệp, dự báo xu hướng khởi nghiệp trong tương lai. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn đàn, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn khởi nghiệp, hội nghị tuyên dương tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc, tạo phong trào khởi nghiệp sâu rộng, lôi cuốn, thu hút sự tham gia tích cực của mọi sinh viên. Qua các hoạt động này, giúp cho sinh viên được tiếp thu lý thuyết và tạo môi 540
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP THÀNH PHỐ trường trải nghiệm thực tiễn sinh động, từng bước hình thành động lực, niềm tin mạnh mẽ vào chính bản thân mình. Bốn là, vai trò gia đình của sinh viên Sinh viên là đối tượng chưa thật sự độc lập về kinh tế, suy nghĩ cá nhân, nên hoạt động khởi nghiệp của họ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ phía gia đình, người thân. Sự tác động của gia đình đến ý định và hoạt động khởi nghiệp của sinh viên ở chỗ: Truyền thống, kinh nghiệm trong kinh doanh của gia đình ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn ý tưởng nghề nghiệp để khởi nghiệp của sinh viên; người thân truyền thụ kiến thức kinh doanh, tư vấn hành động và trực tiếp giúp đỡ sinh viên trong quá trình thực hiện nghề nghiệp; cung cấp nguồn hỗ trợ về tài chính cho sinh viên, bảo đảm cho họ vừa học tập vừa khởi nghiệp thành công. Có thể nói, không thể khởi nghiệp thành công, nếu không có sự trợ giúp từ gia đình, người thân. Năm là, việc bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp Khởi nghiệp trong điều kiện còn phụ thuộc rất lớn vào trợ giúp kinh tế của gia đình, nên vốn tài chính là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc thực hiện ý định khởi nghiệp của sinh viên. Nguồn vốn tài chính bảo đảm cho khởi nghiệp của sinh viên gồm: Vốn tự có, vốn vay từ người thân, vốn tín dụng, vốn được huy động từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Do đó, cần trang bị thêm kiến thức quản trị tài chính cá nhân, quản trị tài chính doanh nghiệp cho sinh viên, để họ biết cách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đã huy động và tích luỹ được. Bên cạnh đó, các trường đại học cần đóng vai trò là cầu nối, kết nối các sinh viên có ý định khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc đơn vị đầu tư khởi nghiệp, để nhận được sự tài trợ nguồn vốn ban đầu. 3. Phương pháp nghiên cứu Tham luận kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết như tổng hợp, hệ thống, phân tích, so sánh để làm rõ quan niệm, yếu tố tác động đến phong trào khởi nghiệp của sinh viên, một số kết quả thực tế phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên trong thời gian tới. Dữ liệu sử dụng trong tham luận được thu thập từ các tạp chí, đề tài, luận án, tham luận, báo cáo, dữ liệu thống kê đã được công bố ở trong nước và quốc tế. 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận Những kết quả chính của phong trào khởi nghiệp sinh viên hiện nay Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, như Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844 năm 2016), Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665 năm 2017). Đặc biệt, Đề án 1665 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/10/2017 tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính là truyền thông, hỗ trợ đào tạo, xây dựng môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp. Bước đầu đã đem lại những kết quả cụ thể như sau: Về công tác truyền thông, duy trì đều đặn các bài viết trên các cổng thông tin về khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, các video clip tuyên truyền, giới thiệu về Đề án và các hoạt động của Đề án tại địa phương, kết quả là 90% các Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1665, tích cực giới thiệu cho học sinh biết đến hệ thống thông tin hỗ trợ khởi nghiệp. Về công tác phối hợp, Bộ đã phối hợp với các đối tác như Hội đồng Anh, Công ty Cổ phần công nghệ Giáo dục NOVA, JA Việt Nam để xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo, hướng dẫn kỹ năng tài chính - hướng nghiệp - khởi nghiệp 541
  5. MARKETING GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI cho học sinh phổ thông; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức dành cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên hướng nghiệp, sinh viên, về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Về công tác tổ chức, đã thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học cho 3 cơ sở đào tạo tại 3 miền, xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ hướng nghiệp khởi nghiệp Online với mục đích giúp các bạn sinh viên có được cái nhìn tổng thể về các cơ sở đào tạo và hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ sở đào tạo; 50% cơ sở đào tạo đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên; có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp (Mỹ Anh, 2021); một số trường đại học lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế; một số dự án được hỗ trợ nguồn vốn để thương mại hóa sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức ngày hội “Khởi nghiệp Quốc gia” thường niên từ năm 2018, với trọng tâm là Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV- STARTUP), nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Sau 5 năm triển khai, với 04 kỳ SV-STARTUP diễn ra, đã thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên tham gia với các dự án chất lượng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, mang lại cơ hội lớn để các đội thi, người thi tiếp cận với các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư. Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, SV- STARTUP “năm 2018, có hơn 200 ý tưởng/dự án tham dự; năm 2019 con số này tăng lên gần 400 nhưng đến năm 2020, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng/dự án của các bạn trẻ tham dự” (Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020), năm 2021 số lượng ý tưởng/dự án tham gia SV- STARTUP đạt gần 400 (Hiếu Phương, 2022). Trong quá trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên có cơ hội được triển khai; tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn. Ví dụ như dự án “Vi tảo xử lý nước thải thủy sản” của nhóm sinh viên CiC068 Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tham gia trong chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2021” của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (IEC), đã kêu gọi được số vốn đầu tư gồm 150 triệu đồng (cho 20% cổ phần) và 150 triệu đồng (vay không lãi suất trong thời hạn 1 năm) và được nhận 1.000 USD từ Quỹ học bổng Cheers (Trung tâm Thông tin - Học liệu và Truyền thông - Đại học Đà Nẵng, 2021). “Dự án Langf.vn” của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, là một dự án chợ thương mại điện tử đáp ứng mọi nhu cầu ăn uống, mua sắm, học tập, việc làm… cho sinh viên, an toàn nhất, chi phí rẻ nhất, từng đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018”, đã kêu gọi được 300 triệu đầu tư cho 18% cổ phần trong buổi gọi vốn của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2020” (Phạm Trang, 2020)... Ngoài ra, các trường đại học cũng triển khai nhiều mô hình kết nối khởi nghiệp đa dạng, hiệu quả, nổi bật nhất phải kể tới cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” do Câu lạc bộ Nhà doanh nghiệp tương lai (TEC) của Đại học Ngoại thương tổ chức, diễn ra liên tục từ năm 2006 đến nay, đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Từ những dự án kinh doanh trên giấy của sinh viên, nhiều doanh nghiệp trẻ đã nối tiếp ra đời với hoạt động ngày càng hiệu quả thành công, có thể kể đến như Công ty Truyền thông và Sáng tạo Rio Việt Nam; Thương hiệu thiệp BlueAngel; Trang tin tức tổng hợp Kenh14.vn; Kênh thông tin tuyển dụng Ybox.vn; Website chia sẻ thiết kế Design Bold; Phần mềm luyện nói tiếng Anh Elsa; Công ty cổ phần Vật giá VNP; Trang tin tìm kiếm giúp việc Giupviec.vn… 542
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP THÀNH PHỐ Như vậy, trong thời gian qua phong trào khởi nghiệp của sinh viên đã bước đầu đạt được kết quả nhất định, góp phần trang bị cho sinh viên kiến thức về khởi nghiệp; rèn luyện tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ, giúp họ dần trưởng thành, trở thành những người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Phong trào khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới. Qua triển khai phong trào khởi nghiệp, đã từng bước góp phần thúc đẩy sự hình thành của hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết trường đại học với doanh nghiệp và thị trường… góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, như Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures đã đánh giá (hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp thư 3 của khu vực, sau Indonesia và Singapore). Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp của sinh viên vẫn còn một số nhất định, đó là: Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp chưa thực sự hiệu quả; hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp chưa được triển khai sâu rộng; thông tin khởi nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi; phong trào khởi nghiệp chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ sinh viên theo học các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin tham gia; chưa thực sự hỗ trợ toàn diện về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho với sinh viên… 4.5. Một số kiến nghị Trước hết, với cơ quan chức năng của nhà nước, cần nghiên cứu, phối hợp, thống nhất trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, đặc biệt là cần có đạo luật dành riêng cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và của sinh viên nói riêng. Tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp có tính thiết thực của sinh viên được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn lực khác của địa phương phạm vi khởi nghiệp. Trong thời gian chờ hoàn thiện khung pháp lý, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt rõ ràng các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của Nhà nước để tránh trường hợp không được hưởng ưu đãi vì thiếu hiểu biết pháp luật. Sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia nhằm cung cấp, hỗ trợ cho người dân các thông tin liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, cổng thông tin này sẽ được tích hợp với Website của các cơ quan liên quan đến khởi nghiệp, các địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp... tạo thành mạng lưới liên kết 04 nhà nhằm hình thành sự liên kết, cộng hưởng, chia sẻ, hỗ trợ giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp - sinh viên, nhóm sinh viên khởi nghiệp. Thứ hai, với các trường đại học, cần chú trọng đào tạo tri thức về khởi nghiệp cho sinh viên, bao gồm nâng cao trình độ tư duy khởi nghiệp kiến thức giải quyết vấn đề kinh doanh hiệu quả và các kỹ năng khởi nghiệp mang tính chuyên môn như: sở hữu trí tuệ, các vấn đề pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng, hoạch toán, makéttinh… Tổ chức đào tạo khởi nghiệp là hoạt động nền tảng nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp, đồng thời cung cấp các công cụ để sinh viên vận dụng vào quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh đó, khẩn trương xúc tiến thành lập trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học với các nhiệm vụ chính là môi giới, gắn kết các nguồn lực sẵn có, tổ chức đào tạo sử dụng chuyên gia bên ngoài; cho đến tư vấn khởi nghiệp, thương hiệu, thị trường, sử dụng nhiều hơn nguồn lực cả trong và ngoài trường đại học và cuối cùng tham gia đầy đủ vào thị trường sản phẩm đầu vào, đầu ra và thị trường vốn trong nước và quốc tế. Mặt khác, cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên, hoạt động này đóng vai trò là bước đệm nhằm lựa chọn các ý tưởng, đề án khởi nghiệp xuất sắc để chuyển sang ươm tạo, triển khai thực tế. Cuộc thi khởi nghiệp có tính chất lan tỏa, hiệu ứng truyền thông cao và thu hút đươc sự quan tâm của cộng đồng, từ đó khuyến khích đươc sự tham gia của sinh viên và doanh nghiệp. Đây còn là sân chơi cho sinh viên phát huy tính sáng tạo, ứng dụng nghiên cứu khoa học và các kiến thức đã học vào thực tiễn. Ngoài ra, các trường đại học cần thành lập quỹ hỗ trợ 543
  7. MARKETING GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI khởi nghiệp, cung cấp nguồn vốn ban đầu ở cấp độ nhỏ đến lớn cho các ý tưởng khởi nghiệp. Quỹ này chủ yếu đến từ nguồn kinh phí của của Nhà nước, sự đóng góp của các cựu sinh viên khởi nghiệp thành công, và nguồn tài trợ đến từ các doanh nghiệp đối tác của trường đại học. Thứ ba, đối với sinh viên, cần tích cực học tập, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, nhất là các kiến thức quản lý kinh tế, hoạch toán kinh doanh, makéttinh sản phẩm trong bối cảnh cách mạng 4.0. Tăng cường tham gia hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp, thử sức trong các cuộc thi, hội thi về ý tưởng, đề án kinh doanh sáng tạo, bồi dưỡng bản lĩnh, khả năng ứng biến của bản thân. Chủ động tích cực học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh của bạn bè, của các cựu sinh viên, nhất là những người đã khởi nghiệp thành công, để nâng cao vốn hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân. Thường xuyên rèn luyện, phát triển kỹ năng mềm của bản thân thông qua việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, để tìm kiếm, lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với đam mê của mỗi người. 5. Kết luận Khởi nghiệp của sinh viên thực chất là quá trình kết hợp vừa học vừa làm, đó là hoạt động tổng hợp của một hoặc một nhóm sinh viên vừa học tập, vừa tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về một hoặc nhiều sản phẩm nào đó, nhằm mục tiêu xây cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, thương mại điện tử và phong trào khởi nghiệp quốc gia, đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta phát triển mạnh mẽ, bước đầu đạt được những kết quả khả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của phong trào khởi nghiệp quốc gia nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên mức độ, hiệu quả phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục trong thời gian tới. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên ở nước ta, cần triển khai đồng bộ nhiều phương hướng, giải pháp khác nhau, đồng thời phải vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, khả năng của từng chuyên ngành đào tạo, từng trường đại học và từng sinh viên cụ thể. TÀI LIỆU THAM KHẢO Ðoàn Thị Thu Trang, Lê Hiếu Học (2018), “Các nhân tố ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp sinh viên ngành kỹ thuật: Nghiên cứu trường hợp Ðại học Bách khoa Hà Nội”, Tạp chí Kinh tế Ðối ngoại, số 97, tháng 1/2018. Hoàng Thế Vinh, Phạm Thùy Dung, Nguyễn Trọng Tín (2020), Phân tích các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/12/2020, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phan-tich-cac-yeu-to-tac-dong-den-y-dinh- khoi-nghiep-cua-sinh-vien-truong-dai-hoc-nong-lam-tp-hcm-d17657.html. Hiếu Phương (2022), Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia Học sinh, sinh viên lần thứ IV vì tinh thần khởi nghiệp, ngày 28/03/2022, https://kinhtevadubao.vn/ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-hoc- sinh-sinh-vien-lan-thu-iv-vi-tinh-than-khoi-nghiep-21970.html Mạnh Xuân (2022), Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ngày 13/10/2022, https://nhandan.vn/thuc-day-phong-trao-khoi-nghiep-trong-hoc-sinh-sinh-vien- post691974.html Mỹ Anh (2021), Thúc đẩy mô hình khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học, ngày 19/10/2021, https://dangcongsan.vn/giao-duc/thuc-day-mo-hinh-khoi-nghiep-trong-cac-co-so-giao-duc- dai-hoc-594542.html 544
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP THÀNH PHỐ Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Kim Pha (2016), “Những nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh”, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Trà Vinh, số 23, tháng 9/2016. Nguyễn Quang Huy (2020), Thực trạng hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, ngày 24/04/2020, https://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-hoat-dong-khoi-nghiep-o- viet-nam-hien-nay-71047.htm Nguyễn Thị Bích Liên (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đên ý định khởi nghiệp của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7/2020. Nguyễn Hoàng Quy (2017), “Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 4 + 5, tháng 04/2017. Nguyễn Thị Thanh Thắm, Đặng Thị Ngọc Ánh (2021), “Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2025”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 16, tháng 7/2021. Nguyễn Quang Thu, Trần Thế Hoàng, Hà Kiên Tân (2017), “Vai trò gắn kết trong mối quan hệ giữa ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên”, Tạp chí Phát triển Kinh tế, tháng 11/2017. Nguyễn Thu Thủy (2015), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự của sinh viên đại học, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Hồng Hà (2021), “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế”, Tạp chí Tài chính kỳ 2, tháng 12/2021. Phạm Trang (2020), Dự án khởi nghiệp của sinh viên gọi được 300 triệu đồng vốn đầu tư, ngày 28/11/2020, https://tuoitre.vn/du-an-khoi-nghiep-cua-sinh-vien-goi-duoc-300-trieu-dong-von- dau-tu-20201128170332788.htm\ Phan Anh Tú, Giang Thị Cẩm Tiên (2015), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi sự doanh nghiệp: Trường hợp sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh Ðại học Cần Thơ”, Tạp chí Khoa học Ðại học Cần Thơ, tháng 6/2015. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định 1665/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” , ban hành ngày 30/10/2017 Trần Thị Diệu Thúy (2019), Nâng cao khả năng khởi nghiệp của sinh viên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 10/02/2019 https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang- cao-kha-nang-khoi-nghiep-cua-sinh-vien-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40- 302884.html Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, ngày 22/12/2020, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat- dong-cua-bo.aspx?ItemID=7147. Trung tâm Thông tin - Học liệu và Truyền thông - Đại học Đà Nẵng (2021), Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN gọi được vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày 31/12/2021, https://www.udn.vn/tin-tuc/chi-tiet/nhom-sinh-vien-truong-dai-hoc- bach-khoa-dhdn-goi-duoc-von-dau-tu-cho-du-an-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2003. 545
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2