intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực tiễn sau 6 năm áp dụng án lệ tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

39
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Với thực tiễn hành nghề luật, bài viết sau đây về các điều kiện áp dụng án lệ trong xét xử và góc nhìn thực tiễn khi áp dụng án lệ sẽ góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của việc áp dụng án lệ tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực tiễn sau 6 năm áp dụng án lệ tại Việt Nam

  1. THỰC TIỄN SAU 6 NĂM ÁP DỤNG ÁN LỆ TẠI VIỆT NAM Luật sư Nguyễn Ngọc Thanh Phương Phan Huy Quyền Lê Nữ Thành Minh Công ty Luật TNHH Phước & Các Cộng Sự Án lệ được nhắc đến từ khi có Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị cho đến khi được triển khai thành đề án “phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” được ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 và dần dần khẳng định vai trò như là một nguồn luật áp dụng trong hoạt động xét xử. Với đặc trưng là một quốc gia thuộc hệ thống Dân Luật, việc áp dụng án lệ đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để có thể phát triển hệ thống án lệ hoàn chỉnh cũng như tạo “thói quen” áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của các Tòa án. Từ Nghị Quyết số 03/2015/NQ- HĐTP ngày 16/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì án lệ mới được công nhận chính thức và đưa vào hoạt động xét xử (“Nghị quyết 03”). Tuy nhiên, sau gần 06 năm được công nhận và đưa vào hoạt động xét xử, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tại Việt Nam vẫn còn những vướng mắc nhất định. Với thực tiễn hành nghề luật, chúng tôi hi vọng bài viết sau đây về các điều kiện áp dụng án lệ trong xét xử và góc nhìn thực tiễn khi áp dụng án lệ sẽ góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của việc áp dụng án lệ tại Việt Nam. I. Điều kiện áp dụng án lệ trong xét xử tại Việt Nam 1.1. Thứ tự ưu tiên của việc áp dụng án lệ trong xét xử Nếu hệ thống Thông Luật (common law) phát triển từ tập quán (custom), xem trọng tiền lệ và do đó án lệ được xem là một nguồn luật quan trọng, được sử dụng phổ biến trong hoạt động xét xử thì pháp luật Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của hệ thống Dân Luật (civil law) đề cao ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thành văn404. Vì lẽ đó, mặc dù án lệ đã được công nhận và đưa vào áp dụng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam nhưng án lệ chỉ được áp dụng khi nào những nguồn luật khác không có quy định điều chỉnh vấn đề đó. Cụ thể, trong hoạt động tố tụng dân sự, án lệ chỉ được áp dụng để điều chỉnh khi các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định, tập quán chưa hình thành, không có tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự không có quy định405. Thứ tự ưu tiên áp dụng án lệ trong xét xử cũng được thể hiện rõ tại Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (“Nghị quyết 04”). Theo đó, một trong những tiêu chí lựa chọn án lệ là bản án đó có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có 404 Đỗ Thanh Trung, Một số vấn đề lý luận về án lệ trong hệ thống Thông Luật (2016), Tạp Chí Khoa Học Pháp Lý. 405 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. 234
  2. cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề nào mà chưa có điều luật quy định cụ thể406. Điều này đã cho thấy rằng, vai trò của án lệ trong hệ thống civil law nói chung và hệ thống luật Việt Nam nói riêng là bổ sung, “vá” những lỗ hổng cũng như giải thích những quy định pháp luật thành văn nào chưa rõ ràng. Nguyên tắc nguồn luật duy nhất được thừa nhận của hệ thống luật xã hội chủ nghĩa là những văn bản luật thành văn (legisla- tion, not judicial decisions, was recognized as the sole source of law in the socialist sys- tem407) chẳng hạn như Hiến pháp, văn bản pháp luật như bộ luật, luật và các văn bản dưới luật chẳng hạn như nghị định, thông tư vẫn giữ tinh thần chủ đạo trong quá trình lập pháp của Việt Nam. 1.2. Áp dụng án lệ có hiệu lực pháp luật Án lệ được áp dụng trong hoạt động xét xử là án lệ đang có hiệu lực. Theo Nghị quyết 04, án lệ chỉ có hiệu lực áp dụng sau 30 ngày kể từ ngày nó được công bố408. Quy định này đã rút ngắn được 15 ngày so với quy định tại Nghị quyết 03 trước đó. Tuy nhiên trên thực tế, ngày hiệu lực của án lệ sẽ được quy định rõ trong quyết định công bố bản án và hầu như các án lệ từ số 27/2019/AL trở đi đều có thời gian án lệ được áp dụng hơn 30 ngày. Cụ thể, chẳng hạn như 08 án lệ được công bố theo Quyết định về việc công bố án lệ số 50/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ngày công bố án lệ là ngày 25/2/2020 nhưng thời điểm các Tòa án được phép viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử lại là từ ngày 15/4/2020. Việc nới rộng thời điểm áp dụng án lệ trên thực tiễn như vậy cũng tạo điều kiện để các Tòa án có thời gian hợp lý để xem xét, nghiên cứu án lệ. Hiện nay, án lệ và các thông tin về án lệ đều được đăng tải trên website trang tin điện tử về án lệ tại địa chỉ https://anle.toaan.gov.vn/ của Tòa án nhân dân tối cao. Theo thông tin công khai trên website này thì hiện tại đã có 43 án lệ được công bố và đang có hiệu lực, chưa có án lệ nào bị bãi bỏ, hết hiệu lực. Tuy nhiên, khi xem xét và áp dụng án lệ cần lưu ý rằng án lệ sẽ đương nhiên bị bãi bỏ khi án lệ đó không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật409. Trong trường hợp trang thông tin về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao chưa kịp cập nhật những án lệ bị bãi bỏ do có sự thay đổi pháp luật thì việc tiếp cận một cách rập khuôn thông tin được công bố tại đây có thể sẽ dẫn đến áp dụng những án lệ không còn phù hợp nữa. 1.3. Áp dụng án lệ đối với vụ án có “tình huống pháp lý tương tự” Án lệ chỉ được áp dụng khi xét xử vụ án có tình huống pháp lý tương tự với án lệ410. Đây là một trong những điều kiện thể hiện rõ nhất bản chất và vai trò của việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Đó chính là việc tạo ra sự nhất quán, sự công bằng, hiệu quả khi xét xử những vụ án tương tự nhau. Điều kiện này cũng thể hiện được tinh 406 Điều 2 Nghị quyết 04. 407 Rhett Ludwikowski, “Judicial Review in the Socialist Legal System: Current Developments” (1988), tr. 89–90. 408 Điều 8.1 Nghị quyết 04. 409 Điều 9.1 Nghị quyết 04. 410 Điều 8.2 Nghị quyết 04. 235
  3. thần của nguyên tắc án lệ (“doctrine of precedent”) trong hệ thống Thông Luật “like cas- es must be decided alike” (tạm dịch “các vụ việc giống nhau phải được giải quyết như nhau”411), một trong những nguyên tắc nhằm đảm bảo tính công bằng trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật về án lệ của Việt Nam chưa có quy định nào định nghĩa một cách cụ thể như thế nào là “tình huống pháp lý tương tự” hay hướng dẫn cách xác định “tình huống pháp lý tương tự” giữa hai vụ án. Mặt khác, “tình huống pháp lý” là một phần trong án lệ412 nhưng khi xem xét các án lệ đã được công bố và có hiệu lực, nhóm tác giả nhận thấy rằng không có phần nội dung “tình huống pháp lý” mà thay vào đó là phần “tình huống án lệ” khái quát lại nội dung của án lệ. Do đó, xác định “tình huống pháp lý tương tự” đã và đang phụ thuộc nhiều vào cách tiếp cận và đánh giá án lệ của các Tòa án. II. Một số vấn đề thực tiễn trong áp dụng án lệ tại Việt Nam Đưa án lệ vào nguồn luật áp dụng trong hoạt động xét xử có thể xem là kết quả từ việc tiếp thu, vay mượn có chọn lọc từ hệ thống thông luật trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật của Việt Nam413. Tuy nhiên, khi một đặc trưng của hệ thống thông luật được đưa vào hệ thống dân luật thì chúng cần có nhiều điều chỉnh, có thời gian hợp lý để thích nghi và đem lại lợi ích song hành với những giá trị nguồn luật thành văn mang lại. Trong thực tế, sau gần 06 năm áp dụng thì việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định mà cần phải được cải thiện và điều chỉnh trong thời gian tới. 2.1. Số lượng án lệ còn ít Trong vòng hơn 05 năm kể từ ngày 06 án lệ đầu tiên được công bố414, hiện nay hệ thống án lệ của Việt Nam mới chỉ có tổng cộng 43 án lệ, trong đó có 24 án lệ về dân sự, 6 án lệ về hình sự, 2 án lệ về hành chính, 9 án lệ về kinh doanh, thương mại, 1 án lệ về lao động, 1 án lệ về hôn nhân gia đình415. Với sự đa dạng trong các tranh chấp trên nhiều lĩnh vực nhưng mỗi án lệ chỉ giải quyết được một số rất ít những vấn đề của lĩnh vực tranh chấp đó và với con số rất lớn các bản án, quyết định được ban hành trong một năm thì số lượng án lệ như vậy có thể được cho là rất ít để có thể đáp ứng được nhu cầu xét xử ngày càng tăng trên thực tiễn. Theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao thì hiện có 1.091 nguồn án lệ đang được đánh giá, xem xét để công bố án lệ416. Con số này cũng cho thấy trong thời gian vừa qua, án lệ vẫn chưa thực sự được 411 Neil Duxbury, The nature and authority of precedent, Cambrigde University, 2008, tr.49. 412 Điều 7.2(c) Nghị Quyết 04. 413 Đỗ Thị Mai Hạnh, Evaluation of the applicability of common law approaches to precedent in Vietnam (2011), Luận án tiến sĩ, tr.198. 414 Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 04/6/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc Công bố án lệ. 415 Theo thống kê tại Trang tin điện tử về án lệ - Tòa án nhân dân tối cao, , truy cập 14h00 ngày 18/11/2021. 416 Theo thống kê tại Trang tin điện tử về án lệ - Tòa án nhân dân tối cao, truy cập 14h00 ngày 18/11/2021. 236
  4. tập trung nghiên cứu, phát triển để đẩy mạnh hơn nữa vai trò của án lệ trong việc áp dụng vào hoạt động xét xử. Theo thống kê tại Trang thông tin công bố bản án417, quyết định của Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao, đến ngày 31/10/2021, đã có 1.195 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ (không bao gồm các bản án, quyết định không được công bố theo quy định của pháp luật). Đây là kết quả sau gần 06 năm kể từ ngày án lệ được chính thức công nhận và đưa vào áp dụng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam. So với con số 335 và 630 bản án, quyết định có áp dụng án lệ được thống kê vào cùng thời điểm năm 2018 và 2019 thì kết quả thống kê năm 2021 đã cho thấy sự gia tăng tích cực trong việc áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử. Tuy nhiên, ở góc độ tỷ lệ các bản án có viện dẫn, áp dụng án lệ và một số lượng rất lớn bản án, quyết định được ban hành trong một năm (khoảng 763.929 bản án trong năm 2019)418 thì đây quả thực là một con số còn rất khiêm tốn. Việc số lượng các bản án có áp dụng án lệ còn rất ít như vậy có thể giải thích qua bản chất của hệ thống dân luật nói chung và hệ thống luật xã hội chủ nghĩa nói riêng là vẫn đề cao luật thành văn. Tuy nhiên, kết quả này cũng đến từ nhiều vướng mắc trong quy định của pháp luật về án lệ và hệ thống án lệ hiện tại của Việt Nam. 2.2. Xác định “tình huống pháp lý tương tự” và án lệ số 33/2020/AL Xác định “Tình huống pháp lý tương tự” là vấn đề mấu chốt trong việc xem xét và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Khi xem xét một án lệ nào đó để làm căn cứ áp dụng cho một tranh chấp khác cần xác định được 02 vấn đề mấu chốt, đó là: (i) đâu là “tình huống pháp lý” và (ii) có sự “tương tự” hay không giữa hai vụ việc. Đối với việc xác định “tình huống pháp lý”, như đã nêu ở trên, mặc dù Nghị quyết 04 quy định rằng tình huống pháp lý là một nội dung trong án lệ được công bố nhưng trên thực tiễn thì các án lệ đã công bố không ghi nhận cụ thể nội dung nào là “tình huống pháp lý” mà chỉ có “tình huống án lệ” nằm trong phần “khái quát nội dung án lệ”. Tuy nhiên, nếu cho rằng “Khái quát nội dung án lệ” là “tình huống pháp lý” thì lại không phù hợp với bản chất của án lệ bởi vì nội dung khái quát này là phần được gia cố sau khi bản gốc được ban hành419 có nội dung khá ngắn gọn, không chứa đựng “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể nào đó”420. Đối với phần “Nội dung án lệ”, nhiều án lệ có nội dung án lệ được trích nguyên văn từ một hoặc một vài nhận định của Tòa án đối với toàn bộ vụ án, nằm trong phần “Nhận định của Tòa án”, được lựa chọn làm nội dung của án lệ để giải quyết một vấn đề nhất định nào đó. Cũng vì được trích nguyên văn từ một trong những nhận định của Tòa án cho nên phần nội dung án lệ chỉ phân tích và giải thích một vấn đề cụ thể nào đó, mang tính sự vụ và có thể không bao quát được hết toàn bộ tình huống của vụ án cũng như bối 417 Theo thống kê tại Trang tin điện tử https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh, truy cập 11h00 ngày 16/11/2021. 418Theo thống kê tại Trang tin điện tử https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh, truy cập 14h00 ngày 18/11/2021. 419 Đỗ Văn Đại, Quy trình phát triển án lệ tại Việt Nam – Một số vướng mắc và giải pháp khắc phục, Trang tin điện tử về án lệ, Tòa án nhân dân tối cao. 420 Điều 1 Nghị Quyết 04. 237
  5. cảnh đưa ra nhận định. Do đó, trong thực tế các án lệ được công bố đã không thể đưa ra một tình huống pháp lý rõ ràng mà thẩm phán, những người nghiên cứu án lệ cần tiếp cận án lệ ở toàn bộ bản án và tập trung vào cả phần “Khái quát nội dung án lệ”, “Nội dung án lệ” để vừa bóc tách và vừa khái quát hóa được tình huống án lệ và áp dụng cho vụ án, vụ việc tương tự của mình. Xác định tính “tương tự” giữa án lệ và vụ án cần giải quyết được xem là vấn đề trung tâm trong án lệ bởi vì trên thực tế không thể có hai vụ án giống nhau hoàn toàn421. Việc xác định sai tính “tương tự” có thể dẫn đến hoặc bỏ sót hướng dẫn đã có tại án lệ hoặc áp dụng sai án lệ cho những vụ việc không tương tự với án lệ. Từ đó dẫn đến việc áp dụng án lệ sẽ không đúng với nguyên tắc các vụ việc giống nhau phải được giải quyết giống nhau cũng như thể hiện được vai trò đảm bảo công bằng trong xét xử của án lệ. Tuy nhiên, khi tình huống pháp lý chưa rõ ràng thì việc xác định sự “tương tự” cũng sẽ rất khó khăn. Một trong những trường hợp áp dụng án lệ hiện đang gây tranh cãi có liên quan đến việc xác định “tình huống pháp lý tương tự” là vụ án tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Chơn và bị đơn là bà Đỗ Thị Liễu về quyền sử dụng đất có nguồn gốc ban đầu là đất được Nhà nước giao và sau đó chuyển nhượng trên cơ sở “Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn”. Vụ án trải qua 02 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm và sau đó lại được xét xử giám đốc thẩm với quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải giao lại toàn bộ quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà bị đơn đang chiếm giữ và sử dụng trên cơ sở “Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn”. Cả 3 lần xét xử và xem xét vụ án trên, Tòa án các cấp đều không viện dẫn hay áp dụng án lệ trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, sau đó Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm cho hủy toàn bộ quyết định giám đốc thẩm trước đó của Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở án “tinh thần” của án lệ số 33/2020/AL. Theo tình huống án lệ số 33/2020/AL, các tình tiết mấu chốt của nội dung án lệ như sau: (i) Đất tranh chấp là đất được Nhà nước cấp; (ii) Người được cấp để người khác sử dụng kể từ khi được giao đất; (iii) Người được cấp đất không có phản đối gì đối với các hành vi tôn tạo, xây dựng và đăng ký kê khai quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Có thể thấy rằng vấn đề pháp lý trong trường hợp này là người được giao đất được xem là đã từ bỏ quyền sử dụng đất của mình khi cho phép người khác được sử dụng, cải tạo, phát triển xây dựng lâu dài ngay từ đầu mà không phản đối. Tuy nhiên, đối với tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Chơn và bà Đỗ Thị Liễu nêu trên, các tình tiết pháp lý tương đồng đã chưa được làm rõ. Theo hồ sơ vụ án, đất tranh chấp là tài sản thừa kế của nguyên đơn, không phải là đất mà ông Chơn có được quyền sử dụng trực tiếp do nhận giao đất của Nhà nước. Thời điểm bị đơn bắt đầu sử dụng đất là sau khi nhận chuyển nhượng từ người được thừa kế, trước đó, cụ Nhu vẫn là người sử dụng đất từ khi được giao cho đến khi qua đời. Điều này cũng dẫn đến tình huống người được cấp đất đã để cho người khác sử dụng kể từ khi được giao đất trong án lệ cũng không thỏa mãn. Một tình tiết mấu chốt 421 Nguyễn Đức Lam, Án lệ ở Anh quốc: khái niệm nguyên tắc và cơ chế áp dụng (01/02/2012), Nghiên Cứu Lập Pháp < http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207746>. 238
  6. khác dẫn đến sự khác biệt về tình huống pháp lý giữa tranh chấp này và án lệ số 33/2020/AL, đó là quyền sử dụng đất của bị đơn được xác lập trên cơ sở chuyển nhượng thông qua “Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn” ký giữa nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, tính hiệu lực của tài liệu này lại chưa được làm rõ khi nguyên đơn là người bị mù nhưng lại ký trên giấy tờ chuyển nhượng. Có thể thấy rằng tính hiệu lực của “Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn” là vấn đề pháp lý quan trọng của vụ án cho thấy giữa hai bên có tồn tại giao dịch chuyển nhượng, không phải là “người được giao đất nhưng không sử dụng mà lại để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất”. Tòa án nhân dân tối cao viện dẫn “tinh thần” của án lệ số 33/2020/AL theo tình huống án lệ nhưng lại đối chiếu thực tế rằng “quá trình sử dụng, đăng ký, kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Liễu thì có căn cứ để xác định rằng hộ gia đình bà Liễu được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”422 là hoàn toàn chưa giải thích được “tình huống pháp lý tương tự” giữa hai vụ việc này. Do đó, theo nhóm tác giả, Tòa án nhân dân tối cao áp dụng án lệ 33/2020/AL để đưa ra hướng giải quyết tương tự cho vụ án này là chưa đánh giá một cách tổng quát toàn bộ các tình tiết của vụ án và đưa ra nhận định về “tình huống pháp lý tương tự” chưa thật sự phù hợp. III. Kết luận Án lệ được công nhận như một nguồn luật và đưa vào áp dụng trong hoạt động xét xử là một trong những tiến bộ của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, những con số thống kê cho thấy án lệ vẫn chưa thể hiện được nhiều vai trò của mình trên thực tế. Có thể từ đặc trưng của một hệ thống luật pháp hoàn toàn khác là Thông Luật được đưa vào hệ thống Dân Luật, án lệ chắc chắn là cần có nhiều thời gian hơn để có thể thích nghi và có một “đời sống” riêng trong hoạt động tố tụng của pháp luật Việt Nam. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất có lẽ chính là vì số lượng án lệ hiện còn quá ít để Tòa án có thể xem xét áp dụng với số lượng rất nhiều các vụ án, vụ việc và sự đa dạng trong các loại tranh chấp như hiện nay. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đánh giá và công bố án lệ để tạo ra một hệ thống án lệ phong phú hơn ở nhiều lĩnh vực và nhiều mối quan hệ tranh chấp, đủ để bổ trợ một cách đáng kể cho hệ thống luật thành văn vốn không thể tránh khỏi thiếu sót. 422 Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 73/2020/KN-DS ngày 21/10/2020 đối với Quyết định giám đốc thẩm số 273/2019/DS-GĐT ngày 08/11/2019 của Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh. 239
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2