intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định tại nhà trường tiểu học

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

62
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu về thực trạng giáo dục hòa nhập (GDHN) cho trẻ em mồ côi sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) ở nhà trường tiểu học. Khách thể nghiên cứu chính là 16 giáo viên đang dạy 60 trẻ mồ côi của làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định học hòa nhập tại hai trường tiểu học Nhơn Bình 1 và Nhơn Bình 2, kết quả nghiên cứu được so sánh với 21 khách thể là người bảo trợ trẻ mồ côi và chính 60 học sinh (HS) mồ côi của làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định tại nhà trường tiểu học

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0043 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 154-160 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn THỰC TRẠNG GIÁO DỤC HÒA NHẬP CHO TRẺ EM MỒ CÔI LÀNG TRẺ SOS QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH TẠI NHÀ TRƯỜNG TIỂU HỌC Nguyễn Hồng Kiên và Dương Văn Thắng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu về thực trạng giáo dục hòa nhập (GDHN) cho trẻ em mồ côi sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) ở nhà trường tiểu học. Khách thể nghiên cứu chính là 16 giáo viên đang dạy 60 trẻ mồ côi của làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định học hòa nhập tại hai trường tiểu học Nhơn Bình 1 và Nhơn Bình 2, kết quả nghiên cứu được so sánh với 21 khách thể là người bảo trợ trẻ mồ côi và chính 60 học sinh (HS) mồ côi của làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc phổ biến thông tin về GDHN cho trẻ mồ côi còn rất hạn chế, chưa có chủ trương thực hiện chính sách GDHN một cách rõ ràng, đồng bộ. Hình thức GDHN còn tùy tiện, không được đưa vào chương trình và phương pháp giảng dạy. Đội ngũ cán bộ nhân viên còn thiếu kiến thức và kĩ năng về GDHN. Nhà trường chưa nhận được nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nào đáng kể để GDHN cho trẻ mồ côi. Đặc biệt, việc đánh giá kết quả học tập của HS mồ côi học hòa nhập bị đánh đồng với trẻ bình thường. Vì vậy, cần có những biện pháp GDHN xuất phát từ thực tiễn và cơ chế chính sách của nhà nước trong triển khai GDHN để trẻ em mồ côi được hòa nhập tốt nhất ở nhà trường tiểu học - môi trường xã hội hóa quan trọng nhất trong những năm đầu đời của các em. Từ khóa: GDHN, trẻ em mồ côi, làng trẻ SOS, nhà trường tiểu học. 1. Mở đầu Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2011 [1] Việt Nam có khoảng 149.102 trẻ mồ côi đang sống tại 432 trung tâm bảo trợ xã hội. Đây là nhóm trẻ chịu tổn thương về tâm lí lớn nhất do bị mất đi chỗ dựa vô cùng quan trọng khi tuổi đời còn non nớt, rất cần sự chăm sóc và phải đến sống ở nơi không có người thân thích. Các em đã gặp rất nhiều rào cản khi hòa nhập tại trường tiểu học - môi trường xã hội hóa bắt buộc đầu tiên trong cuộc đời của các em. Vì vậy, nhu cầu được giáo dục hòa nhập tại trường tiểu học của các em là vô cùng cấp thiết. Thực tiễn cho thấy việc giáo dục hòa nhập cho các em còn rất nhiều hạn chế cả về nền tảng lí luận cũng như cơ chế chính sách và các điều kiện thiết yếu khác. Trẻ em mồ côi của làng trẻ SOS Quy Nhơn – Bình Định không được học ở hệ thống trường Hermann Gmeiner như trẻ em các làng trẻ khác mà học hòa nhập tại cộng đồng, cụ thể là hai điểm trường củatiểu học Nhơn Bình 1 và tiểu học Nhơn Bình 2. Các điểm trường này nằm cách xa trung tâm và còn rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ngày nhận bài: 5/1/2016. Ngày nhận đăng: 25/5/2016 Liên hệ: Nguyễn Hồng Kiên, e-mail: nguyenhongkiengd@gmail.com 154
  2. Thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định... Khái niệm giáo dục hòa nhập Theo kết luận và kiến nghị của kì họp thứ 48 của Hội nghị quốc tế về giáo dục, Geneva, tháng 11 năm 2008 nêu rõ: “GDHN là một quá trình liên tục nhằm cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người, tôn trọng sự đa dạng và những khác biệt về nhu cầu, khả năng, đặc điểm và kì vọng học tập của các em học sinh và cộng đồng và loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử”. Trong bài viết này, chúng tôi lấy quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm quan điểm nghiên cứu của mình: “GDHN là một quá trình thay đổi toàn diện hệ thống giáo dục nhờ xác định và đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả học sinh, không phân biệt về hoàn cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ, thể chất, hoặc các yếu tố thể chất khác” [2]. Tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước Quan điểm GDHN trẻ mồ côi cần được đặt trong một tập thể, rèn luyện thông qua lao động hoặc tiếp xúc với quá trình lao động để nuôi dưỡng xúc cảm trong tâm hồn đã được đặt nền móng từ trong tư tưởng của nhà giáo dục vĩ đại người Nga A.X.Ma-ka-ren-cô và sau đó tiếp nối là V.A. Xu-khôm-lin-xki. Ngay từ năm 1920, A.X.Ma-ka-ren-cô (1888- 1939) đã được giao nhiệm vụ tổ chức GDHN cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quan điểm để giáo dục những trẻ em này của Ma-ka-ren-cô là đưa học sinh vào trong một tập thể, trong đó toàn bộ tập thể phải cùng với thầy giáo và dưới sự chỉ đạo của thầy giáo tiến hành công tác giáo dục mọi người. Mặc dù đề cao tập thể nhưng ông cũng không quên vai trò giáo dục cá nhân. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân trong giáo dục, tập thể chỉ là môi trường để giáo dục hòa nhập cho các cá nhân. Còn với từng học sinh cụ thể, cần có một phương pháp riêng. Bên cạnh đó, Ma-ka-ren-cô cũng nhấn mạnh vai trò của tập thể giáo viên và nhà trường trong việc giáo dục các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có trẻ mồ côi. Tiếp nối quan điểm Mac-xít của A.X.Ma-ka-ren-cô, nhà giáo dục V.A.Xu-khôm-lin-xki (1918- 1970) đã đúc kết tư tưởng giáo dục hòa nhập bắt nguồn từ thực tiễn dạy học và lãnh đạo trường học. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong GDHN cho trẻ em mồ côi của V.A.Xu-khôm-lin-xki chính là thông qua giao tiếp tâm hồn [3]. Để tổ chức giáo dục cho trẻ mồ côi, ông nhấn mạnh việc được sống giữa mọi người tạo thành một tập thể yêu thương như một gia đình hòa thuận. Về phương pháp giáo dục cụ thể cho trẻ em mồ côi, trước tiên Xu-khôm-lin-xki đề cao sự giao tiếp tâm hồn. Xu-khôm-lin-xki tổng kết “Dạy trẻ biết cảm xúc là việc khó khăn nhất trong công tác giáo dục”. GDHN là giáo dục cho mọi trẻ em mà không chỉ dành riêng cho đối tượng trẻ em mồ côi hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là quan điểm đã xuất hiện từ những năm 20 của thế kỉ XX của nhà giáo dục vĩ đại người Nga A.X.Ma-ka-ren-cô, sau đó tiếp nối hoàn thiện là các tác giả Tony Booth và Mel Ainscow (người Anh) và Irine Lopez (Thụy Điển). Trong quá trình giáo dục những trẻ em phạm pháp vị thành niên, những trẻ em vô thừa nhận, vô gia cư tư tưởng và phương pháp giáo dục của A.X.Ma-ka-ren-cô hình thành và phát triển. Song, như ông đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng có thể vận dụng có hiệu quả vào công tác giáo dục trẻ em ở các trường phổ thông bình thường [4]. Hai tác giả Tony Booth và Mel Ainscow [5] đề xuất việc xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập không chỉ là phương hướng hoàn thiện nhà trường theo các giá trị hòa nhập mà còn nhằm xây dựng các mối quan hệ hợp tác và cải thiện tốt hơn môi trường dạy và học hòa nhập. Sau đó, Irine Lopez, Trường Đại học Gotenborgs Thụy Điển [6], người có hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục hòa nhập ở Việt Nam cũng nhìn nhận giáo dục hòa nhập theo tiến trình lịch sử phát triển của giáo dục. GDHN là dành cho mọi trẻ em. Hay nói khác đi, mọi trẻ em đều có quyền học hòa nhập cùng nhau trong nhà trường. Trong khi đó, hai tác giả khác là Boler, T & Carroll [7] đã tổng kết rằng trẻ em mồ côi đang gặp hàng loạt những vấn đề trong giáo dục.Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là những sang chấn tâm lí dẫn đến sự tổn thương cho các em. Đó cũng là nguyên nhân gây ra sự thiếu tập trung trong học tập, khó khăn trong việc tham gia các hoạt động học tập, kết 155
  3. Nguyễn Hồng Kiên và Dương Văn Thắng quả học tập kém. Quan điểm coi trẻ em mồ côi là nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất và cần có sự hỗ trợ về GDHN nhằm giảm bớt những khó khăn trong học tập cũng là quan điểm của Chính phủ Liên bang Nga năm 2007 [8]. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về GDHN cho trẻ mồ côi chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, chỉ có một số tài liệu ở dạng bài nghiên cứu hoặc chuyên đề. Tác giả Nguyễn Thị Oanh [9] khẳng định: “GDHN cho trẻ em mồ côi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội”. Cảnh báo nguy cơ rối nhiễu tâm lí đáng báo động của trẻ em mồ côi sống tại các TTBTXH, từ đó đề xuất sự quan tâm của nhà trường, của các TTBTXH đến việc trị liệu và giúp đỡ các em trong học tập là quan điểm của nhóm tác giả Trần Thị Tú Anh, Hoàng Thị Kim Liên [10] của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế và cộng sự. Đề xuất lớp học linh hoạt để phù hợp với nhận thức và trình độ của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đó có trẻ mồ côi là quan điểm của tác giả Trần Thị Minh Đức [11]. Cần có kiến thức về tâm sinh lí, những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, nắm vững quyền, bổn phận và nhu cầu của trẻ, xây dựng bầu không khí an toàn và thân thiện, xây dựng một số chiến lược kỉ luật tích cực là những kiến thức và kĩ năng cần thiết của người làm việc với trẻ em mồ côi sống trong trung tâm bảo trợ xã hội và làng trẻ mồ côi là kết luận của nhóm tác giả Đoàn Thị Hương, Đặng Hoàng Minh [12]. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nghiên cứu này chúng tôi tiến hành khảo sát 60 HS mồ côi, 21 người bảo trợ của làng trẻ và đặc biệt là 16 giáo viên của hai trường tiểu học đang dạy 60 trẻ mồ côi nói trên học hòa nhập tại trường tiểu học Nhơn Bình 1 và tiểu học Nhơn Bình 2. Kết quả nghiên cứu được công bố dựa trên kết quả phiếu khảo sát giáo viên là chủ yếu nhưng có đối chiếu và so sánh với kết quả phiếu của người bảo trợ và học sinh. Tất cả số liệu sau khi đã thu thập được xử lí bằng phần mềm IBM SPSS 22 dành cho hệ điều hành Windows. Thời gian nghiên cứu từ tháng 9 năm 2015 đến tháng hết tháng 2 năm 2016. Phương pháp nghiên chủ yếu là khảo sát bằng bảng hỏi, quan sát và phỏng vấn sâu. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Kết quả nghiên cứu Năm học 2015-2016, làng trẻ SOS Quy Nhơn- Bình Định có 60 HS gồm 36 HS nam và 24 HS nữ trong đó có 25/60 HS là người dân tộc thiểu số đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Kết quả nghiên cứu cho thấy: trẻ mồ côi sống tại làng SOS Quy Nhơn đang học hòa nhập tại trường tiểu học có cơ thể, chiều cao, cân nặng và sự nhanh nhẹn không thua kém so với các trẻ khác. Điều này bước đầu có thể đánh giá trẻ sống tại làng SOS Quy Nhơn được các mẹ và các dì chăm sóc dinh dưỡng chu đáo. Hầu hết trẻ đều nhút nhát, tự ti ít khi thể hiện mình trước lớp. Ngoài ra, trẻ thường có biểu hiện buồn bã, thu mình, không vui vẻ như các bạn cùng lớp, thầy Nguyễn H cho biết thêm: “Khi buồn, trẻ thường ngồi một mình mà không chia sẻ với bạn. Các em luôn cảm giác tủi thân khi chứng kiến bạn bè mình có bố mẹ”. 50% giáo viên được hỏi và 76,2% người bảo trợ xác nhận trẻ thường hay xin đồ hoặc lấy cắp đồ dùng của bạn trong lớp hoặc của người khác. Nguyên nhân trẻ thích xin đồ hay lấy cắp của người khác là do trẻ nhỏ thường thích những đồ dùng của bạn hay của người khác mà không được đáp ứng. Những hành vi này thường rơi vào những trẻ từng sống lang thang hoặc sống vô cùng thiếu thốn trước khi vào làng. Trong học tập, 37,40 % giáo viên đánh giá trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy, nền nếp của lớp; 56,40% giáo viên xác nhận trẻ gặp khó khăn trong học tập, chủ yếu là hai môn Toán và Tiếng Việt. Nguyên nhân là do không được học tập, dạy dỗ chu đáo, quá trình học tập bị gián đoạn hoặc từng sống lang thang tự do. Những 156
  4. Thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định... trẻ có kết quả học tập kém thường rơi vào những em thuộc dân tộc Bana hoặc Khơ-me mới được đón về sinh sống tại làng phải học hòa nhập với các bạn dân tộc Kinh sống tại thành phố. Kết quả này khá trùng khớp với kết quả nghiên cứu từ chính học sinh và người bảo trợ. Quyền của trẻ em là được học trong môi trường giáo dục mà trong đó trẻ có điều kiện và cơ hội để lĩnh hội những tri thức mới theo nhu cầu và khả năng của mình. Trẻ mồ côi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội rất cần nhận được sự giúp đỡ của nhà trường, thầy cô để đạt được kết quả giáo dục tốt nhất. Dựa theo tiêu chí giáo dục hòa nhập của các tác giả Chris Forlin, Chambers, Jim Loreman, Joanne Deppeler và Umesh Sharma [13], chúng tôi đã lập bảng hỏi giáo viên tham gia dạy giáo dục hòa nhập cho trẻ mồ côi và thu được những kết quả sau đây: 2.1.1. Phổ biến thông tin về GDHN và bồi dưỡng giáo viên Để thực hiện tốt GDHN cho trẻ em mồ côi, đội ngũ giáo viên trong nhà trường tiểu học cần phải được cập nhật những kiến thức, kĩ năng thường xuyên. Qua trưng cầu ý kiến, 18,8 % giáo viên trả lời không được nhà trường phổ biến thông tin về giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi, 50% giáo viên không biết về thông tư 39/2009/TT-BGDĐT triển khai giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết giáo viên đều không được học về giáo dục hòa nhập trong chương trình đào tạo tại nhà trường và trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 56,30 % giáo viên được đi tập huấn về giáo dục hòa nhập, số giáo viên còn lại hoàn toàn chưa có kiến thức về vấn đề này. 2.1.2. Cơ sở vật chất trong nhà trường Qua kết quả phỏng vấn thầy cô giáo đang dạy hòa nhập và các em học sinh tại trường Tiểu học Nhơn Bình 1 và trường Tiểu học Nhơn Bình 2, cơ sở vật chất phục vụ dạy hòa nhập còn thiếu thốn, hiện nay nhà trường không có có sở vật chất cũng như các phòng học chuyên dụng với những trang bị về bàn ghế theo yêu cầu dạy học tương tác hoặc những phòng học nhỏ, phòng học lớn để phục vụ giảng dạy GDHN. 2.1.3. Chính sách GDHN của nhà trường Trẻ em mồ côi học hòa nhập rất cần nhận được sự quan tâm của nhà trường, các thầy cô giáo và các bạn học sinh cùng lớp, học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, các em gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống và trong học tập. Chính sách hỗ trợ của nhà trường phần nào giúp các em giảm bớt những áp lực đó. Kết quả Bảng 1 cho thấy, bước đầu nhà trường có các chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi như miễn giảm các loại quỹ đóng góp, hỗ trợ sách giáo khoa, hỗ trợ đồ dùng học tập; tuy nhiên, về học tập trẻ mồ côi chưa được giáo viên hỗ trợ gì khác so với học sinh bình thường mặc dù các em gặp nhiều khó khăn và rào cản trong học tập. Bảng 1. Kết quả khảo sát sự hỗ trợ của nhà trường đối với trẻ MC học hòa nhập Nội dung Có Tỉ lệ % Không Tỉ lệ % Cử giáo viên dạy phụ đạo 0 0 16 100 Miễn giảm các loại quỹ đóng góp tại nhà trường 16 100 0 0 Hỗ trợ SGK 15 93,8 1 6.20 Hỗ trợ đồ dùng học tập 15 93,8 1 6,20 Khác 0 0 16 100 157
  5. Nguyễn Hồng Kiên và Dương Văn Thắng 2.1.4. Thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân Với câu hỏi, thầy cô có thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ mồ côi sống tại làng SOS đang theo học tại lớp của mình hay không? Kết quả là, 87,5 % giáo viên đang dạy các lớp có trẻ mồ côi trả lời: “không thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân”, một tỉ lệ nhỏ: 2 giáo viên có thực hiện chiếm tỉ lệ 12,50 %. 2.1.5. Sự tương tác giữa các học sinh Trong GDHN, sự tương tác thường xuyên và hỗ trợ qua lại giữa trẻ và nhóm bạn sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong học tập cũng như rèn luyện các kĩ năng cuộc sống, từ đó nâng cao khả năng hòa nhập. Bảng 2. Thực trạng sử dụng các hình thức tương tác cho học sinh mồ côi Nội dung Có Tỉ lệ % Không Tỉ lệ % Làm việc theo cặp 6 37,50 10 62,50 Làm việc theo nhóm nhỏ 9 56,30 7 43,70 Thường xuyên được trao đổi theo nhóm nhỏ 3 18,70 13 81,30 Làm việc cùng nhóm lớn 2 12,50 14 87,50 Khác 0 0 16 100 Học sinh mồ côi đang học hòa nhập tại trường Tiểu học Nhơn Bình 1 và Tiểu học Nhơn Bình 2 ít được tham gia các hoạt động tương tác cùng các bạn. Theo kết quả nghiên cứu, 62,5% giáo viên không tổ chức cho trẻ học theo cặp, điều đó đồng nghĩa với việc không phân công các bạn học khá giỏi giúp đỡ các bạn là trẻ mồ côi học yếu. 43,70 % giáo viên không tổ chức cho trẻ học nhóm, qua phỏng vấn sâu, một số giáo viên cho biết: “Giáo viên chỉ cho các em học theo nhóm ở một số tiết dạy, việc học nhóm ở làng SOS và ở trường hầu như không có”. Điều này sẽ làm hạn chế chất lượng giáo dục hòa nhập, hạn chế khả năng tương tác, trẻ khó hòa nhập cộng đồng. 2.1.6. Đội ngũ cán bộ công nhân viên Đội ngũ cán bộ công nhân viên có chuyên môn về GDHN trong nhà trường là một trong các tiêu chí để đánh giá chương trình GDHN tại trường Tiểu học. Tuy nhiên, trường tiểu học Nhơn Bình 1 và Nhơn Bình 2 chỉ có đội ngũ giáo viên dạy chương trình phổ thông và kiêm thêm chương trình hòa nhập. Cả hai trường đều không có giáo viên phụ trong những lớp học hòa nhập, không có nhân viên tư vấn tâm lí – giáo dục; không có nhân viên công tác xã hội. Kết quả này không trùng khớp với kết quả chúng tôi khảo sát trên 21 người bảo trợ, đặc biệt là câu hỏi về giáo viên phụ giúp giáo viên chính hỗ trợ học sinh mồ côi có nhu cầu giúp đỡ hòa nhập. Có 47,6% phụ huynh (người bảo trợ) cho rằng con của họ có được giáo viên phụ hỗ trợ trong lớp học, tiến hành phỏng vấn sâu, chúng tôi thu được kết quả: giáo viên phụ mà người bảo trợ trả lời chỉ là giáo viên dạy môn phụ, họ thường đến trước giờ dạy khi giáo viên chính chưa kết thúc lớp học để tiếp nối tiết học của mình. 2.1.7. Sự hỗ trợ của nguồn lực bên ngoài Trẻ em mồ côi sống tại làng SOS Quy Nhơn học hòa nhập tại các trường tiểu học trên địa bàn không nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm. Qua phỏng vấn một số học sinh, các em cho biết: “Em có nhận được bánh kẹo của các anh chị và các cô chú đến thăm làng”. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả khảo sát đội ngũ giáo viên đang dạy tại nhà trường, có tới 62,60 % cho rằng không có tổ chức nào giúp đỡ các em trong học tập; 87,50 % giáo viên khẳng định trẻ mồ côi không nhận được nguồn giúp đỡ tài chính tại nhà trường. 158
  6. Thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ em mồ côi làng trẻ SOS Quy Nhơn - Bình Định... 2.1.8. Đánh giá kết quả học tập Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chương trình hòa nhập chưa được triển khai, 100% giáo viên cho rằng hiện nay nhà trường chỉ tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 30 của BGD-ĐTmà chưa có bất cứ hoạt động triển khai nào theo Thông tư 39 của BGD-ĐT về triển khai giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có hiệu lực từ năm 2009. 3. Kết luận và kiến nghị Từ kết quả nghiên cứu thực trạng GDHN cho trẻ em mồ côi sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội học hòa nhập tại nhà trường tiểu học, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây: - Trẻ em mồ côi cần được hỗ trợ trong việc nâng cao biện pháp phòng ngừa và can thiệp tổn thương tâm lí do sang chấn. - Trẻ cần được lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho phù hợp vơi nhu cầu và năng lực của bản thân. - Cần thiết kế các chương trình để nâng cao khả năng hòa nhập cho trẻ về nền nếp, về giao tiếp. Để thực hiện được những giải pháp trên, cần triển khai Thông tư 39 TT 39/2009/ TT- BGDĐT một cách triệt để. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất cho dạy học hòa nhập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cần được đào tạo về GDHN. Đặc biệt, với những trường có nhiều trẻ mồ côi sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội học hòa nhập cần có nhân viên xã hội được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội trường học, họ sẽ là những người kết nối các nguồn lực cũng như các dịch vụ xã hội khi trẻ cần trợ giúp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2010. Dự thảo Chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020. [2] BGD- ĐT- UNESCO tại Việt Nam, 2014. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục hòa nhập, phần Giới thiệu (tr 4). [3] V.A.Xu-khôm-lin-xki, 1979. Trường học vui chơi trong cuốn “Tôi hiến dâng trái tim cho trẻ thơ”. Nxb Phụ nữ, Hà Nội. [4] Nguyễn Hữu Chương, 1987. Macarenco nhà giáo dục nhà nhân đạo. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [5] Tony Booth and Mel Ainscow, 2002. Index for Inclusion - Developing Learning and Participation in school. CSIE, Frienchay Campus, Coldharbour Lane, Bristol BS16 1 QU. [6] Nguyễn Xuân Hải, 2010. Giáo trình Quản lí giáo dục hòa nhập. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [7] Boler, T & Carroll, K, 2013. Addressing the educational needs of orphans and vulnerable children. London, ActionAid International and Save the Children Fund. [8] Phạm Ngọc Thanh, 2012. Công tác bảo trợ xã hội ở Liên bang Nga: Mô hình trung tâm bảo trợ xã hội Kuzminki - Thành phố Matxcơva. Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và An sinh xã hội”. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [9] Nguyễn Thị Oanh, 2009. Gia đình và trẻ em trước những thử thách mới. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh. [10] Trần Tú Anh, Hoàng Thị Kim Liên, Nguyễn Phương Thảo, 2014. Rối nhiễu tâm lí ở nhóm trẻ mồ côi sống ở các trung tâm bảo trọ xã hội và nhóm trẻ sống cùng gia đình. Kỉ yếu Hội thảo 159
  7. Nguyễn Hồng Kiên và Dương Văn Thắng khoa học toàn quốc về “Sức khỏe tâm thần trong trường học”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. [11] Trần Thị Minh Đức, 2000. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với các lớp học linh hoạt (Tiếng Pháp). Hội thảo Khoa học Việt - Pháp về Tâm lí học. Tạp chí Etudies Vietnamiennes, số 4. [12] Đoàn Thị Hương, Đặng Hoàng Minh, 2012. Kiến thức- kĩ năng làm việc với trẻ em sống trong trung tâm bảo trợ xã hội và làng trẻ mồ côi. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [13] Chris Forlin, Chambers, Jim Loreman, Joanne Deppeler và Umesh Sharma, 2013. Inclusive education for students with disabilities. ABSTRACT The reality of inclusive education for orphans from SOS Children’s Village in primary schools in Quy Nhon, Binh Dinh In this study the author attempted to learn about the current status of inclusive education (IE) for orphans living in social protection centers in primary schools. The main source of information for this study was 16 teachers who were teaching 60 orphans at the SOS village in Quy Nhon, Binh Dinh Province. These children are inclusively educated with normal children of their own age in two primary schools: Nhon Binh 1 and Nhon Binh 2; results were compared to 21 participants who sponsor these orphans and 60 other orphans of SOS village in Quy Nhon, Binh Dinh. It was found that information about IE for orphans is very limited and the implementation of an inclusive education policy is not clear or comprehensive. IE forms are arbitrarily applied and not included in teaching programs or teaching methods, there is lack of staff members and the school has not received support from significant outside sources to IE for orphans. In particular, the assessment of learning outcomes of integrated learning orphans is equated with normal children. Therefore, it is necessary to take measures for IE that come from practice and state policy to deploy IE so that that orphans are best integrated in primary school - the most important socialization environment in their early life. Keywords: IE, orphans, SOS children’s village, primary school 160
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2