Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội
lượt xem 3
download
Mức độ hoà nhập của trẻ có HIV vào trường học còn hạn chế so với nhóm trẻ không có HIV cũng như có sự khác biệt giữa nhóm trẻ có HIV sống tại cộng đồng và nhóm trẻ có HIV sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội do sự kì thị, phân biệt đối xử của nhà trường, bạn bè, cộng đồng.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0031 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 52-61 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn THỰC TRẠNG TIẾP CẬN VÀ HÒA NHẬP HỌC ĐƯỜNG CỦA TRẺ EM NHIỄM HIV/AIDS TẠI HÀ NỘI Nguyễn Lê Hoài Anh Khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã được đảm bảo quyền đi học và có các mô hình lớp học khác nhau dành cho trẻ có HIV sống tại cộng đồng và tại các trung tâm bảo trợ tuỳ vào việc đã công khai tình trạng bệnh. Mức độ hoà nhập của trẻ có HIV vào trường học còn hạn chế so với nhóm trẻ không có HIV cũng như có sự khác biệt giữa nhóm trẻ có HIV sống tại cộng đồng và nhóm trẻ có HIV sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội do sự kì thị, phân biệt đối xử của nhà trường, bạn bè, cộng đồng. Từ khóa: Trẻ em nhiễm HIV/AIDS, tiếp cận giáo dục, hoà nhập học đường, kì thị, phân biệt đối xử. 1. Mở đầu HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Theo ước tính của Liên hợp quốc, trung bình mỗi ngày thế giới có thêm khoảng 7000 người nhiễm HIV. Tổng số người nhiễm mới HIV/AIDS trên thế giới khoảng trên 2,3 triệu người. Ở Việt Nam, tình hình lây nhiễm HIV có nhiều diễn biến phức tạp, cả nước hiện có 206.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có trên 52.700 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, đã có hơn 53000 người tử vong do AIDS. Số người được phát hiện nhiễm HIV mỗi năm là hơn 10.000 người. Sự lây nhiễm HIV cho phụ nữ và trẻ em đang ngày một gia tăng (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 2014). Việt Nam chưa có một con số thống kê chính xác về số lượng trẻ em bị nhiễm HIV. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2010) số trẻ em Việt Nam bị nhiễm HIV được phát hiện hàng năm vào khoảng 400-700 trẻ có độ tuổi từ 0-10 tuổi. Ước tính thực tế số lượng trẻ em nhiễm HIV ở Việt Nam vào khoảng trên 4.405 trẻ, trong đó có 2.553 em đang được điều trị ARV. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS sống với gia đình của mình trong cộng đồng hoặc trong các trung tâm bảo trợ xã hội do bệnh viện hoặc các gia đình không có khả năng chăm sóc các em gửi đến. Nhìn chung, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ bị mất gia đình, mất lai lịch và sự thừa kế (Trần Thị Minh Đức, 2006). Nguồn đảm bảo cuộc sống của các em bị hạn chế do sự thiếu thốn về chế độ dinh dưỡng, an toàn trong chăm sóc, hỗ trợ y tế, giáo dục và chăm sóc tinh thần cho trẻ. Phần lớn trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS đều đã được đến trường học, tuy nhiên các em bị hạn chế trong các hoạt động và giao tiếp xã hội. Đặc biệt với các em ở trung tâm giáo dục lao động xã hội phải sống cách li và đón nhận sự kì thị, phân biệt đối xử của xã hội. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước về Quyền trẻ em. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công Ngày nhận bài: 3/1/2016. Ngày nhận đăng: 3/5/2016. Liên hệ: Nguyễn Lê Hoài Anh, e-mail: nguyenlehoaianh@gmail.com 52
- Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội ước vào chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và luật pháp quốc gia. Hầu hết các văn bản luật ban hành hay sửa đổi đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi của trẻ em (UNICEF, 2010). Trong công ước cũng như các văn bản luật đều nêu rõ: "Trẻ em có quyền được học tập và có bổn phận học hết chương trình giáo dục phổ cập". Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cần được coi bình đẳng như những trẻ em bình thường khác. Mọi hành động và việc làm như: trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS không được đi học hoặc bị kì thị và phân biệt đối xử... đều khiến các em bị loại trừ ra khỏi xã hội, điều này vi phạm Công ước Quyền trẻ em, hệ thống luật pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam cần được trợ giúp để hòa nhập xã hội trong đó hòa nhập học đường là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên chúng ta phải thực hiện. Nội dung nghiên cứu về đối tượng trẻ em nhiễm HIV/AIDS nói riêng cũng như trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói chung mới được đề cập rải rác trong những đề tài có liên quan đến người lớn nhiễm HIV mà ít được nghiên cứu độc lập, nhất là tại Việt Nam. Theo “Hướng dẫn tra cứu nhanh cho chương trình nghiên cứu quốc gia tập hợp danh sách những ấn phẩm về HIV/AIDS xuất bản trong giai đoạn 2005 – 2011”, trong tổng số 530 nghiên cứu chỉ có 01 công trình nghiên cứu độc lập về trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (Bộ Y tế, 2012). Trước sự tác động to lớn của đại dịch HIV/AIDS đến trẻ em, những nghiên cứu chung về trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhiều hơn những nghiên cứu tập trung riêng vào nhóm trẻ nhiễm HIV/AIDS và trong phần lớn những nghiên cứu đó, những vấn đề liên quan đến y tế, chăm sóc, điều trị được chú ý nhiều hơn cả. Trong bối cảnh hiện nay, trẻ em nhiễm HIV/AIDS ngày càng sống lâu hơn nhờ những tiến bộ trong y học và sự hỗ trợ của thuốc ARV, các em có đầy đủ quyền và nhu cầu được sống, học tập, vui chơi giải trí như tất cả các trẻ em khác và giáo dục là một nhu cầu tất yếu để các em phát triển và hòa nhập xã hội. Như bao trẻ em khác, trẻ em nhiễm HIV đã bị thiệt thòi hơn khi mang trong mình bệnh tật nhưng các em lại bị kì thị và phân biệt đối xử tại trường học, mất đi cơ hội học tập hòa nhập, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và trí tuệ, làm các em bị tổn thương về tinh thần rất lớn cho dù thực tế này vi phạm Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng như Luật Phòng Chống HIV/AIDS. Và thực trạng này đang là một vấn đề đáng báo động trong xã hội. Tuy nhiên những nghiên cứu về mảng giáo dục đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS vẫn còn khiêm tốn, chưa được quan tâm thích đáng, chưa cân đối với những nội dung nghiên cứu chung về HIV/AIDS hiện nay. Đặc biệt hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu riêng nào đề cập đến vấn đề hoà nhập học đường của trẻ nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS” được tiến hành từ tháng 3 năm 2012 đến tháng 10 năm 2015, đối tượng điều tra bao gồm hai nhóm đối tượng: trẻ nhiễm HIV (trẻ em nhiễm HIV đang sinh sống và học tập ở Trung tâm GDCBLĐXH số 2, trẻ có HIV ở cộng đồng); trẻ em không bị nhiễm HIV đang sinh sống và học tập ngoài cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mẫu điều tra được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống. Tổng số phiếu điều tra là: 600 phiếu, số phiếu được thu về hợp lệ, đã xử lí là 530 phiếu đạt 90%. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Đặc điểm của khách thể nghiên cứu Kết quả cho thấy: khách thể nghiên cứu có đặc điểm tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tình trạng nhiễm HIV như sau: - Theo nhóm tuổi: trẻ dưới 6 tuổi (10%); từ 6 đến 12 tuổi: 38%; từ 12 đến 15 tuổi: 46%; trẻ trên 16 tuổi: 6%. - Theo giới tính: trẻ có giới tính nam là 48%; trẻ có giới tính nữ là: 52%. 53
- Nguyễn Lê Hoài Anh - Theo trình độ học vấn: trẻ có trình độ học vấn dưới tiểu học là 11%; trẻ có trình độ học vấn tiểu học là:38%; trẻ có trình độ THCS 46%; trẻ có trình độ phổ thông trung học là 5%. - Theo tình trạng HIV: trẻ có HIV là 50%; trẻ không có HIV là 50%. 2.2. Thực trạng tiếp cận với trường học của trẻ nhiễm HIV/AIDS - Thực trạng tiếp cận với trường học và độ tuổi đi học Kết quả khảo sát bảng cho thấy, đại đa số trẻ em bị nhiễm HIV đều đã được đi học, chỉ có rất ít khoảng 2% trẻ em nhiễm HIV không được đi học. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số (99%) trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi đều đi học không đúng độ tuổi. Khi so sánh tương quan giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường, kết quả cho thấy: có sự khác biệt lớn giữa việc đúng hay không độ tuổi đi học giữa trẻ bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường không bị nhiễm HIV. 100% trẻ em bình thường đều đi học đúng độ tuổi, trong khi đó 99% trẻ em nhiễm HIV đều đi học không đúng độ tuổi. "Hầu hết các cháu bị nhiễm HIV ở Trung tâm đều được đi học nhưng các cháu từ rất nhiều nơi chuyển đến, lại có những độ tuổi khác nhau cho nên khi các cháu được chuyển đến trung tâm mới có cơ hội để đi học, có cháu 9-10 tuổi chuyển đến trung tâm phải học lại từ lớp 1" (PVS, Nữ cán bộ trung tâm số 02). Tại trung tâm Giáo dục chữa bệnh lao động xã hội (GDCBLĐXH) số 02 trẻ em bị nhiễm HIV chỉ được đi học từ năm 2010 cho nên đây cũng là nguyên nhân khiến các lớp học của trẻ em bị nhiễm HIV không đồng đều về độ tuổi. Trẻ cấp 1 chỉ được đến trường vào giờ chào cờ; đến lớp 5 thì được ra học 1 buổi/tuần, cấp 2 mới được ra học lớp riêng, cấp 3 mới được đi học chung cùng các bạn. - Đặc điểm lớp học của trẻ nhiễm HIV Theo kết quả khảo sát, có 3 loại hình lớp học mà trẻ có HIV tham gia vào. Thứ nhất, đó là các lớp học chung cho tất cả các học sinh ở cùng độ tuổi đi học tại trường học của xã/ phường với những trường hợp trẻ ở cộng đồng nhưng nhà trường không biết tình trạng có HIV của trẻ với chiếm 51% số học sinh có HIV. Thứ hai, tại các lớp học riêng dành cho học sinh có HIV tại Trung tâm GDCBLĐXH 02 giành cho trẻ khối tiểu học. Thứ ba, mô hình lớp học dành riêng cho học sinh có HIV tại trường học THCS Yên Bài B. - Cơ sở vật chất của lớp học Kết quả cho thấy: đại đa số trẻ em bị nhiễm HIV (78%) được hỏi đều cho rằng các trường học hiện nay đều thiếu thốn về cơ sở vật chất và không đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em; chỉ có 22% số trẻ em cho rằng các trường học đầy đủ cơ sở vật chất (22%). Đại đa số (98%) trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi đều cho rằng ở lớp học không được trang bị tủ thuốc y tế và tình trạng này là tương tự với trẻ không có HIV. Bởi lẽ phần lớn các trường có phòng y tế nên không có tủ thuốc y tế riêng trong lớp. Tuy nhiên, đối với trẻ có HIV, việc có tủ thuốc y tế ngay tại lớp học là rất cần thiết đối với các em. trong khi đó đối với 89% lớp học của trẻ em bình thường đều có tủ thuốc y tế. "Các trường học còn nghèo lắm, thiếu thốn đủ đường đặc biệt các lớp học ở trung tâm thì không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em" PVS. Nữ cán bộ, trung tâm số 02. Như vậy, cơ sở vật chất ở trường học dành cho trẻ em bị nhiễm HIV thường rất thiếu thốn, nghèo nàn không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em. 2.3. Thực trạng hoà nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS 2.3.1. Tâm trạng, thái độ khi đi học của trẻ em bị nhiễm HIV Tâm trạng của trẻ em bị nhiễm HIV khi đi học thường lo lắng, sợ sệt, không vui vẻ. Kết quả cho thấy đa số trẻ em nhiễm HIV có các tâm trạng lo lắng, sợ sệt và buồn chán, chỉ một số ít 54
- Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội khoảng 20% trẻ em bị nhiễm HIV có tâm trạng vui vẻ, 14% số trẻ em bị nhiễm HIV cảm thấy bình thường khi đi học. Có sự khác biệt lớn giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường ngoài cộng đồng về tâm trạng vui vẻ khi đi học. Trẻ em bình thường thấy vui vẻ khi đi học hơn là trẻ em bị nhiễm HIV. Bảng 1. So sánh tương quan giữa trẻ em nhiễm HIV và trẻ em bình thường với tâm trạng, thái độ khi đi học Tâm trạng Trẻ có HIV Trẻ em không có HIV 1. Vui vẻ 20% 44% 2. Bình thường 14% 21% 3. Lo lắng 35% 11% 4. Sợ sệt 21% 10% 5. Buồn, chán 5% 10% 6. Khó trả lời 5% 4% So sánh tương quan theo trình độ học vấn với tâm trạng vui vẻ khi đi học của trẻ em bị nhiễm HIV cho thấy: trẻ em bị nhiễm HIV đang học phổ thông trung học có tỉ lệ ít vui vẻ nhất khi đi học, trẻ em bị nhiễm HIV học dưới tiểu học và tiểu học có tỉ lệ vui vẻ khi đi học cao hơn so với những nhóm còn lại. "Các con ở đây nhỏ thì chưa biết về tình trạng bệnh của mình thì thích đi học lắm nhưng dần dần các con biết được mình có bệnh nên chán nản không muốn đi học, đặc biệt các con khi đến tuổi dậy thì, tâm sinh lí diễn biến phức tạp lại cảm thấy lo âu, buồn chán hơn nữa" (PVS.Nữ cán bộ trung tâm số 02). "Con biết mình bị bệnh nên không vui vẻ đi học, học cũng không cứu được con, con cảm giác sợ lắm, con không thích đi học" (PVS. Trẻ bị nhiễm HIV, 16 tuổi). "Con thấy đi học vui có nhiều trò chơi hơn ở nhà lại nhiều người nữa con thích được đi học, chứ ở nhà buồn lắm, đi học vui được chơi nhiều trò chơi hơn" (PVS trẻ bị nhiễm HIV, 10 tuổi). 2.3.2. Mức độ tham gia các hoạt động tập thể ở trường học Kết quả khảo sát cho thấy: trẻ em bị nhiễm HIV phần lớn không tham gia vào các hoạt động tập thể. 89% các em không tham gia vào các cuộc thi; 82% các em không đi dã ngoại; 67% các em không tham gia chơi thể thao; 52% các em không tham gia các hoạt động văn nghệ; 43% các em không tham gia chơi các trò chơi tập thể. Chào cờ là hoạt động được nhiều trẻ bị nhiễm HIV tham gia nhiều nhất. So sánh tương quan giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường với mức độ thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể cho thấy: có sự khác biệt rất lớn giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường với mức độ thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể ở trường học. Tỉ lệ % thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể ở trường học cao hơn đáng kể ở trẻ em bình thường. - So sánh tương quan theo nhóm tuổi với mức độ thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể ở trường học cho thấy: trẻ em bị nhiễm HIV ở nhóm tuổi 6 đến 12 tuổi thường xuyên tham gia các hoạt động “Chào cờ”; “trò chơi tập thể”; “văn nghệ”; “thể thao” cao hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy: “Trẻ em bị nhiễm HIV thường ít khi tham gia các hoạt động tập thể ở trường, các em thường ngại hoặc do các bạn không chơi cùng nên ít, duy có hoạt động chào cờ là các em tham gia nhiều hơn cả” (PVS. Nữ, cán bộ, Trung tâm số 02). “Chúng em thường rất ngại khi tham gia các hoạt động tập thể cùng các bạn, vì các bạn xa lánh, các bạn sợ lây nhiễm HIV cho nên chúng em ít tham gia lắm” (PVS. Trẻ em bị nhiễm HIV). 55
- Nguyễn Lê Hoài Anh Bảng 2. So sánh tương quan giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường với mức độ thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể ở trường học Hoạt động Trẻ em bị nhiễm HIV Trẻ em bình thường 1. Chào cờ 44% 56% 2. Trò chơi tập thể 32% 67% 3. Văn nghệ 24% 68% 4. Thể thao 21% 72% 5. Đi dã ngoại 5% 70% 6. Các cuộc thi 5% 67% 2.3.3. Mối quan hệ của trẻ em bị nhiễm HIV với bạn bè ở trường học Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ của trẻ em bị nhiễm HIV với bạn bè ở trường học là 61% tốt; 20% là bình thường và 19% là không tốt. Khi hỏi giữa bạn có HIV và không có HIV nhớm bạn nào nhiều hơn, kết quả cho thấy: đại đa số (71%) trẻ em bị nhiễm HIV trả lời “Bạn có HIV nhiều hơn”; 20% “Bạn không có HIV nhiều hơn”; 9% “Hai nhóm bạn có và không có HIV là như nhau” Khi hỏi các em có bạn thân không? Đại đa số các trẻ bị nhiễm HIV đều tra lời là có. Tuy nhiên, số lượng bạn thân chủ yếu là 2 bạn và có sự khác nhau trong nhóm học sinh có HIV tại Trung tâm và trẻ có HIV sống trong cộng đồng, theo đó với trẻ có HIV sống tại trung tâm thì bạn thân đều là những trẻ có HIV ở cùng trung tâm còn đối với trẻ có HIV sống tại cộng đồng thì có bạn thân là trẻ không có HIV khi trẻ không biết tình trạng bệnh của mình vì gia đình dấu không cho trẻ và nhà trường biết. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy: “Tôi thấy các con ở đây đều có bạn và có mối quan hệ tốt với các bạn, các con thường hay chơi và tâm sự với nhau, mặc dù không phải là ruột thịt nhưng nhiều con yêu quý nhau lắm. Tuy nhiên, phần lớn bạn của các con đều là những con bị nhiễm HIV, các con không có điều kiện chơi với các bạn bình thường khác bởi sự ngăn cấm của cha, mẹ các bạn” PVS, Nữ cán bộ trung tâm số 02. “Bạn của con chủ yếu là các bạn ở trung tâm thôi, con không có bạn ở bên ngoài, con cũng có mấy người bạn thân, chúng con thường hay chơi với nhau” (PVS trẻ em bị nhiễm HIV tại Trung tâm số 02). “Khi học ở trung tâm thì em không thấy có sự phân biệt đối xử với các bạn vì các bạn đều là những trẻ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, khi học lớp riêng thì em cảm thấy rõ bị phân biệt đối xử từ các bạn trong lớp. Em rất buồn vì điều này” (PVS trẻ em bị nhiễm HIV). Tuy nhiên, theo phỏng vấn sâu với trẻ có HIV đang học tại trường THCS Yên Bài B, có 02 em đã chơi và có bạn thân là trẻ không có HIV học cùng khối lớp ở trường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các em bắt đầu hoà nhập và có sự chia sẻ của bạn bè tại trường học. “Các con khối cấp 2 đã bắt đầu có bạn bè là những bạn không có H; khi quan sát thấy nhiều con đã cùng chơi với nhau; nhiều bạn còn sang lớp riêng của trẻ có H chơi; Các con có những khả năng, năng khiếu tốt như hát, múa, vẽ thì có cơ hội tham gia các cuộc thi của trường nên các con cũng dễ hoà nhập hơn với các bạn khác” (PVS nữ cán bộ tại trung tâm số 02). Khi đi học, những vấn đề hay gặp phải trong mối quan hệ bạn bè của trẻ em bị nhiễm HIV xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Rất muốn tham gia với bạn bè nhưng lo sợ không được bạn bè tiếp nhận (84%); Mặc cảm bản thân với bạn bè (78%); Không được bạn bè tôn trọng (40%); Bị xa lánh, hắt hủi (39%); Hay bị bạn bè chế nhạo (38%). Các trẻ bị nhiễm HIV ở trung tâm thường gặp phải những vấn đề trong quan hệ bạn bè nhiều hơn so với các bạn cùng tình trạng bệnh sống ở cộng đồng như tự mặc cảm với bản thân vì bệnh tình nên các con ít chơi với các bạn, nhiều con 56
- Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội tự chơi một mình hoặc chơi với một nhóm ít trẻ. “Con thường hay mặc cảm vì bản thân nên ít chơi với các bạn lắm, chủ yếu con chỉ chơi với 1-2 người bạn thôi, chơi với các bạn không bị bệnh chỉ sợ các bạn xa lánh, không thích con” (PVS trẻ em bị nhiễm HIV tại Trung tâm số 02). “Trẻ em bị nhiễm HIV ở Trung tâm có sự tự kì thị cao hơn so với trẻ em bị nhiễm HIV ở ngoài cộng đồng do các con sống tập trung trong một môi trường tách biệt hoàn toàn với bên ngoài và có ý thức về tình trạng bệnh của mình” (PVS. Nữ cán bộ trung tâm số 02). 2.3.4. Mối quan hệ của trẻ em bị nhiễm HIV với giáo viên trong trường học 25% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi cho rằng mình được các thầy, cô giáo quan tâm đặc biệt; 56% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi cho rằng mình được các thầy, cô giáo quan tâm bình thường; 9% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi cho rằng mình bị thầy, cô giáo xa lánh phân biệt đối xử; 10% trẻ em được hỏi cảm thấy khó trả lời. Khi so sánh về mức độ quan tâm đặc biệt của thầy, cô giáo dạy trẻ bị nhiễm HIV và thầy, cô giáo dạy trẻ em bình thường kết quả cho thấy: mức độ thầy, cô giáo quan tâm đặc biệt với trẻ em bình thường cao hơn so với trẻ em bị nhiễm HIV. So sánh tương quan theo trình độ học vấn cho thấy trình độ học vấn càng cao thì mức độ quan tâm đặc biệt của thầy, cô giáo với trẻ em bị nhiễm HIV càng giảm. Khi hỏi trong quá trình học, nếu có bài tập khó, chưa hiểu các em làm thế nào? Kết quả số liệu cho thấy: chỉ có 5% trẻ em bị nhiễm HIV gặp trực tiếp thầy, cô giáo nhờ giảng lại. Khi hỏi ai là người mà trẻ em bị nhiễm HIV thường hay tâm sự khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, kết quả cho thấy: 5% là ông, bà, cha, mẹ; 6% là Anh, chị, em ruột; 2% là họ hàng; 34% là người chăm sóc; 36% là bạn bè; 9% là thầy, cô giáo; 8% là không có ai để tâm sự. Khi trẻ đi học, các cô giáo cũng đã quan tâm đến trẻ em bị nhiễm HIV, cô thường xuyên kiểm tra bài tập, gọi lên bảng, giảng giải rất kĩ khi các em không hiểu. Đối với các cô giáo dạy cho trẻ tại trung tâm cũng có sự khác biệt trong thái độ và ứng xử của các cô đối với học sinh “Các cô giáo ở trung tâm thì không phân biệt đối xử với chúng em đâu, nhưng khi chúng em học ở lớp chung thì các cô giáo thường phân biệt đối xử với chúng em, chúng em phải ngồi bàn riêng, nhìn chung là các thầy, cô giáo ít quan tâm lắm” (PVS trẻ em bị nhiễm HIV). Còn đối với trẻ tại cộng đồng, khi cô giáo không biết tình trạng bệnh của trẻ thì đối xử bình thường như những trẻ khác, chủ yếu nhắc nhở và quan tâm vì trẻ hay thường phải nghỉ học do các con phải đi đến bệnh viện lấy thuốc, xét nghiệm định kì hàng tháng. Một điều đáng buồn là nhiều thầy cô chưa chia sẻ và thông cảm với tình trạng của các học sinh có HIV “Về việc bị thầy cô xa lánh, kì thị thì nhiều lắm chị à. Bọn em lên chỗ thầy cô hỏi bài thì thầy cô ậm ừ trả lời cho qua, các bạn thì nhiều người chỉ trỏ, rồi nói này nói kia, không chơi với bọn em, đẩy ngã bọn em, nhiều lắm. Bây giờ còn đỡ, chứ ngày trước, còn hơn thế cơ” (PVS, trẻ em bị nhiễm HIV). 2.3.5. Kết quả học tập và hạnh kiểm của trẻ em bị nhiễm HIV - Kết quả học tập: Kết quả số liệu cho thấy: 2% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có kết quả học tập loại giỏi; 35% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có kết quả học tập là tiên tiến; 56% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có kết quả học tập là trung bình; 7% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có kết quả học tập là yếu. So sánh tương quan giữa trẻ em bị nhiễm HIV ở trung tâm và trẻ em ngoài cộng đồng với kết quả học tập loại giỏi, kết quả cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa trẻ em bị nhiễm HIV ở trung tâm và trẻ em ngoài cộng đồng cũng như có sự khác biệt với nhóm trẻ không có HIV ngoài cộng đồng. “Trẻ em bị nhiễm HIV đang sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội thường bị ảnh hưởng bởi thuốc ARV cho nên việc học của các em cũng bị ảnh hưởng đến việc học tập. Vì thế cho nên kết quả học tập của các em thường không được tốt, càng lớn tuổi sự ảnh hưởng của thuốc càng nhiều 57
- Nguyễn Lê Hoài Anh hơn khiến cho các em càng khó khăn trong việc học tập” (PVS nữ cán bộ, trung tâm bảo trợ xã hội số 02). “Trẻ em bị nhiễm HIV đang sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội phần lớn do cha mẹ bỏ rơi hoặc bố mẹ không có khả năng chăm sóc hoặc bố mẹ mất nên phải vào trung tâm. Ở Trung tâm, mỗi nhà chỉ có 1 mẹ nuôi và 1 cán bộ chăm sóc kèm theo dạy học luôn cho nên các con không có điều kiện để học tập tốt” (PVS, nữ cán bộ, trung tâm bảo trợ xã hội số 02). Hơn nữa, do bị ảnh hưởng của những sang chấn tâm lí trước ki vào trung tâm như chứng kiến cái chết của người thân yêu nhất, bị kì thị phân biệt đối xử, bị bạo hành. . . nên khi vào trung tâm các em tiếp tục bị sang chấn do chuyển đổi chỗ ở, vấn đề cũ chưa được giải quyết thì lại vào môi trường mới có nhiều điều mới, tại trung tâm là môi trường nuôi dưỡng tập trung nên không thể dành tình yêu thương cho từng cháu khiến các em có cảm giác cô đơn, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Đặc biệt, do bị phân biệt kì thị không được học hòa nhập, chỉ được học các môn chính còn các môn phụ gần như không học nên nhận thức của các cháu không phong phú dẫn đến ngôn ngữ kém làm cho việc đọc hiểu, diễn đạt các yêu cầu học tập kém nên khó hoàn thiện được các nhiệm vụ học tập. Đối với trẻ tại cộng đồng, do bản thân trẻ chưa biết tình trạng có HIV (bố mẹ dấu cho con và các con được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ (dù rất hạn chế); nên trẻ có tâm lí thoải mái khi học và ít bị kì thị hơn; cho nên kết quả học tập cũng khả quan hơn. - Xếp loại hạnh kiểm: Kết quả nghiên cứu cho thấy: 89% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có hạnh kiểm tốt tại học kì vừa rồi; 8% trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi có hạnh kiểm khá; không có trẻ bị nhiễm HIV nào bị hạnh kiểm trung bình và yếu. “Các con ở trung tâm tuy kết quả học tập không cao nhưng tương đối ngoan các con cũng không nghịch ngợm, xếp loại hạnh kiểm của các con ở trường đều tốt, không bị thầy cô xếp hạnh kiểm yếu” (PVS, nữ cán bộ trung tâm số 02). Như vậy, không có sự khác biệt về hạnh kiểm của nhóm trẻ có HIV trong và ngoài cộng đồng cũng như với nhóm trẻ không có HIV. 2.3.6. Những khó khăn trẻ em bị nhiễm HIV gặp phải khi học tập Kết quả cho thấy trẻ em bị nhiễm HIV gặp phải những khó khăn trong học tập xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: khó tiếp thu kiến thức (78%); Không có ai giúp đỡ khi học (71%); Khả năng học không theo kịp các bạn (70%); Sức khỏe không tốt nên ảnh hưởng tới việc học (69%); Thiếu phương tiện, đồ dùng học tập (65%); Trường học không trang bị đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập (56%); Thiếu cơ hội và phương tiện tiếp cận tri thức (tivi, đài báo, internet...(39%); Không có nhiều thời gian tập trung học tập (34%). Do vậy, khi gặp phải những khó khăn trong học tập, trẻ em bị nhiễm HIV thường làm các việc làm sau: 61% trẻ em bị nhiễm HIV tự học, tự rèn luyện thêm; 24% trẻ em bị nhiễm HIV nhờ bạn học cùng lớp giúp đỡ; 8% không làm gì hết; 5% gặp trực tiếp thầy cô giáo nhờ giảng lại; 2% nhờ bố mẹ/ người thân hướng dẫn; không trẻ em bị nhiễm HIV nào đi học thêm, thuê gia sư. 2.4. Mong muốn, nhu cầu học tập hòa nhập của trẻ em bị nhiễm HIV - Mong muốn học tập hòa nhập Đa số (62%) trẻ em bị nhiễm HIV đều rất mong muốn đi học chung với các bạn ở trường; 34% số trẻ em bị nhiễm HIV bày tỏ thái độ bình thường (học cũng được, không học cũng được); 2% không muốn học và 2% cảm thấy khó trả lời. “Chúng em thấy đi học ở trường vui hơn, có nhiều bạn hơn, chứ học ở trung tâm ít bạn lắm, mới cả học ở ngoài chúng em thấy mình vui vẻ hơn nữa, em thích đi học ở trường hơn” (PVS, trẻ em bị nhiễm HIV tại trung tâm số 02). - Ước mơ nghề nghiệp 58
- Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội 45% trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ làm bác sĩ; 34% trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ là nhà báo; 23% trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ là luật sư; 51% trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ làm giáo viên; 23% số trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ là cảnh sát và bộ đội; 10% số trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ là công nhân; 38% số trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ là công nhân và 5% số trẻ em bị nhiễm HIV có ước mơ nghề nghiệp khác. Như vậy, dù mang trong mình bệnh tật nhưng các em luôn mong mình có thể khoẻ mạnh, có thuốc chữa khỏi bệnh để từ đó có công việc lo cho cuộc sống của mình. 2.5. Một số kiến nghị - Cần đầu tư mở rộng về cơ sở vật chất tại các trung tâm chăm sóc, giáo dục cho trẻ em bị nhiễm HIV, tập trung cải thiện trình độ, thái độ làm việc của nhân viên y tế, đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên phục vụ tại các trung tâm tạo điều kiện cho các em bị nhiễm HIV có được cơ hội khám và chăm sóc sức khoẻ thường xuyên. - Cần có chính sách và yêu cầu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong thành phố đón nhận trẻ em có HIV vào học tập cùng các bạn khác. Trẻ em có HIV cần được chăm sóc bình đẳng như các trẻ em khác. - Thực hiện chính sách dự phòng phổ cập đối với mọi trẻ em khi đi học, không phân biệt tình trạng sức khoẻ. - Cần kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ kinh phí, tặng học bổng cho các em có học lực khá, giỏi, sinh hoạt tốt, hỗ trợ cung cấp thuốc cho các em bị nhiễm trong mái ấm, tìm kiếm thêm các tổ chức phi chính phủ mới để vận động toàn xã hội cùng chung tay góp phần giúp đỡ các em. - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong người dân nhằm giúp người dân hiểu biết đúng hơn về HIV/AID qua đó giảm thiểu sự kì thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị nhiễm HIV. Các tổ chức giáo dục cần giữ bí mật bệnh tật cho các em và cho phép các em được học tập và hòa nhập như các bạn khác. - Đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác tại các trung tâm bảo trợ xã hội cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm với trẻ em bị nhiễm HIV, luôn lắng nghe các em, tâm sự, chăm sóc các em tận tình, chu đáo. 3. Kết luận Trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi đều đã được đi học, tuy nhiên có sự khác nhau về địa điểm học, lớp học tuỳ vào tình trạng công khai bệnh, nơi sống, lứa tuổi của trẻ. Trẻ em bị nhiễm HIV ở trung tâm đi học không đúng độ tuổi và đi học muộn hơn so với trẻ bình thường ngoài cộng đồng. Cơ sở vật chất ở trường học dành cho trẻ em bị nhiễm HIV thường rất thiếu thốn, nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em. Trẻ em bị nhiễm HIV có tâm trạng lo lắng, sợ sệt khi đi học. Có sự khác biệt lớn giữa trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bình thường ngoài cộng đồng về tâm trạng khi đi học. Trẻ em bình thường vui vẻ khi đi học hơn là trẻ em bị nhiễm HIV. Tuổi của trẻ em bị nhiễm HIV càng nhỏ thì sự vui vẻ khi đi học càng cao. Trẻ em bị nhiễm HIV thường rất ít khi tham gia các hoạt động tập thể ở trường. Các em rất ít tham gia các hoạt động tập thể như: các cuộc thi; đi dã ngoại; thể thao; văn nghệ; trò chơi tập thể và chào cờ. Nhóm trẻ em bị nhiễm HIV đang học trung học cơ sở tích cực tham gia các hoạt động tập thể cao hơn so với nhóm trẻ em bị nhiễm HIV đang học ở các cấp học khác. Trẻ em bị nhiễm HIV có mối quan hệ tốt với các bạn và đều có bạn thân. Tuy nhiên, các em 59
- Nguyễn Lê Hoài Anh chủ yếu chỉ chơi với các bạn cùng bị nhiễm HIV và ít các em có bạn thân ở ngoài cộng đồng. Trẻ em bị nhiễm HIV thường có tâm trạng mặc cảm với bản thân; rất muốn tham gia cùng các bạn khác nhưng lo lắng không được các bạn tiếp nhận. Trẻ em bị nhiễm HIV ở trung tâm bảo trợ xã hội có sự tự kỉ thị bản thân cao hơn so với trẻ em bị nhiễm HIV ở ngoài cộng đồng. Trẻ em bị nhiễm HIV không được các thầy, cô giáo ở trường học quan tâm một cách đặc biệt. Thầy, cô giáo không phải là đối tượng mà trẻ em bị nhiễm HIV thường tâm sự khi có các vấn đề trong cuộc sống và học tập. Một số thầy, cô giáo còn có sự kì thị đối với trẻ em bị nhiễm HIV. Trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi xếp loại học tập loại giỏi và khá là rất ít. Phần lớn số trẻ bị nhiễm HIV đều có học lực trung bình, khá và hạnh kiểm tốt. Trẻ em bị nhiễm HIV phần lớn chỉ được học các môn chính, các môn phụ trẻ không được học. Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc học tập của các em như: sử dụng thuốc ARV; sự kì thị của thầy, cô giáo, bạn bè; tâm lí tự kì thị. . . Trẻ em bị nhiễm HIV gặp phải rất nhiều khó khăn trong học tập: khó tiếp thu kiến thức; thiếu phương tiện, đồ dùng học tập, thiếu cơ hội và phương tiện tiếp cận tri thức (tivi, đài báo, internet; không có ai giúp đỡ khi học; sức khỏe không tốt. Khi gặp phải những khó khăn trong học tập, trẻ em bị nhiễm HIV thường tự học, tự rèn luyện. Trẻ em bị nhiễm HIV rất ít khi gặp trực tiếp thầy cô giáo nhờ giảng lại; nhờ bố mẹ, người thân hướng dẫn. Không có trẻ em bị nhiễm HIV nào đi học thêm, thuê gia sư. Đa số trẻ em bị nhiễm HIV đều mong muốn được học tập hòa nhập ngoài cộng đồng. Trẻ em bị nhiễm HIV đều có g ước mơ làm nhiều nghề trong tương lai. Bác sĩ và giáo viên là hai nghề mà trẻ em bị nhiễm HIV được hỏi lựa chọn là nghề tương lai của mình nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây ra khó khăn trong việc học tập của trẻ em bị nhiễm HIV là: Thái độ kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng; Ảnh hưởng của thuốc ARV; Thiếu sự kèm cặp, hướng dẫn của cha mẹ; Sự tự ti bản thân của trẻ em bị nhiễm HIV; Khả năng tập trung kém của trẻ bị nhiễm HIV. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010. Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS. Nxb Thông tấn. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2012. Tài liệu Hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 04/6/2009 của thủ tướng chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. [3] Bộ Lao động Thương binh xã hội, 2009. Kế hoạch hàng động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. [4] Bộ Y tế, 2014. Báo cáo tình hình nhiễm HIV/AIDS, http://www.vaac.gov.vn [5] Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, 2010. Giảm kì thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong trường học: cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền. http://treem.molisa.gov.vn. [6] Cục Phòng chống HIV/AIDS, 2014. Báo cáo tình hình dịch nhiễm HIV/AIDS toàn quốc năm 2014. http://www.vaac.gov.vn. [7] Trần Thị Minh Đức, 2006. Trẻ em có HIV/AIDS và thái độ của cộng đồng. Tạp chí Tâm lí học, số 11 (92), 11/2006. [8] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 1991. Luật Phổ cập giáo dục tiểu học. [9] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 1992. Hiến pháp 1992. 60
- Thực trạng tiếp cận và hòa nhập học đường của trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội [10] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2005. Luật Giáo dục. [11] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2005. Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. [12] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2006. Luật Phòng, chống HIV/AIDS. [13] UNICEF, 2005. Cách tiếp cận dựa vào quyền con người đối với việc lập chương trình cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. [14] UNICEF, 2010. Công ước quốc tế về quyền trẻ em. ABSTRACT Access and inclusion in schools of children living with HIV/AIDS Children living with HIV/AIDS are guaranteed the right to go to school and attend classes but there are diffirences bettween related to their living places and their “coming out” HIV’s status . for them who live in the community and who live in the social centers depending on the HIV’s status . It was found that the level of inclusion of children living with HIV/AIDS is limited due to stigma and discrimination from teachers, friends and the community. Keywords: Children living with HIV/AIDS; educational access; inclusion in school; stigma, discrimination 61
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Thực trạng văn hóa đọc của sinh viên chuyên ngành thư viện thông tin, trường Đại học Văn hóa Hà Nội
8 p | 547 | 53
-
Thực trạng giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
8 p | 456 | 31
-
Thực trạng và giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa
13 p | 175 | 22
-
Di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam - Nguồn tri thức vô tận để học tập suốt đời
13 p | 156 | 13
-
Hiện trạng và mức độ tiếp cận của công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - Phúc lợi xã hội: Phần 2
141 p | 13 | 7
-
Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh theo tiếp cận năng lực: Nghiên cứu trường hợp một số trường trung học cơ sở thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
5 p | 52 | 4
-
Phân tích thực trạng các năng lực thực hành thí nghiệm của sinh viên Sư phạm Hóa học theo tiếp cận CDIO qua việc khảo sát ý kiến chuyên gia
13 p | 11 | 3
-
Dân số từ hướng tiếp cận văn hóa - Tương Lai
0 p | 71 | 3
-
Thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
6 p | 67 | 2
-
Đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp tiếp cận lịch sử địa phương qua di sản văn hóa cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Bến Tre
6 p | 11 | 2
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật tại thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế
12 p | 11 | 2
-
Để phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam: Một vài nhận thức và cách tiếp cận
14 p | 29 | 2
-
Thực trạng và giải pháp cải tạo trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng
6 p | 22 | 2
-
Hai tiếp cận khác nhau về bài toán mở
10 p | 77 | 2
-
Giải pháp phát triển giá trị văn hóa quân sự cho sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo hướng tiếp cận phối hợp
11 p | 4 | 2
-
Tiếp cận hệ thống theo hướng văn hóa trong dạy học tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu (Ngữ văn 11-Tập 1)
12 p | 57 | 1
-
Thực trạng và giải pháp tăng cường giáo dục văn hóa đối thoại trong các hoạt động xã hội cho sinh viên trường Đại học Hà Nội
4 p | 78 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn