intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiền mã hóa và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tiền mã hóa và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" xem xét thực trạng quản lý của các quốc gia trên thế giới, kết hợp tìm hiểu chính sách, khuôn khổ pháp lý của Chính phủ Việt Nam đối với tiền mã hóa, tài liệu này sẽ đề ra những hàm ý chính sách để quản lý nền tảng này tại Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiền mã hóa và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

  1. TIỀN MÃ HÓA VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM Lương Tiểu Vy1 Tóm tắt Là một sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, tiền mã hóa đang dần trở thành xu hướng tất yếu của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế 4.0, đặt ra những thách thức mới trong vấn đề kiểm soát, giám sát và thiết lập hệ thống pháp luật trên toàn cầu. Bằng cách xem xét thực trạng quản lý của các quốc gia trên thế giới, kết hợp tìm hiểu chính sách, khuôn khổ pháp lý của Chính phủ Việt Nam đối với tiền mã hóa, tài liệu này sẽ đề ra những hàm ý chính sách để quản lý nền tảng này tại Việt Nam. Từ khóa: tiền mã hóa, tiền ảo, pháp luật Việt Nam, khung pháp lý tiền mã hóa 1. Đặt vấn đề Chúng ta đang sống trong thời đại của những tiến bộ công nghệ vượt bậc làm khuấy đảo nền kinh tế thế giới. Là một phần của sự tiến bộ đó, tiền mã hóa ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường tài chính thế giới, trở thành một xu hướng đầu tư với sức hút mạnh mẽ. Được đánh dấu bằng sự ra đời của đồng Bitcoin vào năm 2008, tại thời điểm đó, mỗi đồng Bitcoin chỉ có giá $0,00076. Thế nhưng Bitcoin đã “phi mã” khi có mức giá tăng đột biến vào năm 2017, gấp 20 lần so với mức giá ban đầu, có thể liên tục lập đỉnh mới mỗi ngày và mất vài nghìn USD mỗi giờ. Điều này cho thấy một mức độ dao động giá trị của thị trường này là vô cùng lớn, và trong nó tiềm tàng những rủi ro không thể lường trước được. Cho đến thời điểm hiện tại, khi thị trường này vẫn đang tiếp tục tạo ra những “cú hích” trên khắp các sàn giao dịch lớn nhỏ xuyên lục địa, các quốc gia vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc quản lý nền tảng này. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia còn khá non trẻ trong việc quản lý tiền mã hóa. Nhiều khúc mắc tồn đọng chồng chéo với những tranh cãi về vấn đề truy án thiếu căn cứ của các nhà hành pháp trong thời gian vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo rằng Việt Nam cấp thiết phải xây dựng một khung pháp lý tiền mã hóa minh bạch, rõ ràng và chặt chẽ. Để ổn định kinh tế, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc đua được nữa. 2. Tiền mã hóa trên thị trường thế giới 2.1. Các loại tiền mã hóa trên thế giới Theo số liệu thống kê của trang coinmarketcap.com, hiện nay trên thế giới có hơn 18000 loại tiền mã hóa với hơn 400 sàn giao dịch. Trong đó, Bitcoin đang dẫn đầu với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 900 tỷ USD, đứng thứ hai là Ethereum với hơn 400 tỷ USD, đồng Tether và Binance Coin lần lượt nắm giữ hạng 4 và 5 trong bảng xếp hạng. 1 Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Email: tieuvy003@gmail.com, Số điện thoại: 0912732125 924
  2. Bảng 1. Các loại tiền mã hóa có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất Đơn vị: Đồng Đô la Mỹ Tổng giá trị vốn hóa thị Xếp hạng Loại tiền mã hóa Tỷ giá so với USD trường 1 Bitcoin BTC 900,485,037,511 47,379.97 2 Ethereum ETH 406,490,997,888 3,382.61 3 Tether USDT 81,700,646,272 1.00 4 Binance Coin BNB 71,522,912,491 432.49 5 USD Coin USDC 51,922,103,257 1.00 6 Ripple XRP 41,431,229,407 0.8624 7 Cardano ADA 40,002,551,620 1.18 8 Terra LUNA 37,604,199,137 105.63 9 Solana SOL 35,939,908,019 110.56 10 Avalanche AVAX 24,711,492,747 92.02 (Nguồn: http://coinmarketcap.com/ ngày 30/03/2022) 2.2. Thực trạng quản lý tiền mã hóa trên thế giới Mặc dù tiền mã hóa đã xuất hiện trên thị trường tài chính hơn một thập kỷ, tuy nhiên đến nay mỗi quốc gia lại có các quy định và công thức thuế khác nhau. Một số nước rất cởi mở với tiền mã hóa, cho phép chúng lưu thông trên thị trường dưới hình thức là một phương tiện thanh toán hay một loại hàng hóa/tài sản. Chẳng hạn như El Salvador, từ ngày 07/09/2021 Bitcoin sẽ là đồng tiền hợp pháp tại quốc gia này. Hay tại Bồ Đào Nha, người dân không bị tính thuế thu nhập vốn đối với tiền mã hóa, và các giao dịch tiền mã hóa ở đây được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy vậy, theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Pháp lý Toàn cầu (GLRD) của Thư viện Luật pháp Quốc hội Hoa Kỳ (LLC) vào tháng 11/2021, hiện nay đã có đến 9 khu vực pháp lý thực hiện lệnh cấm tuyệt đối đối với tiền mã hóa, bao gồm Tunisia, Nepal, Qatar, Morocco, Iraq, Ai Cập, Bangladesh, Trung Quốc và Algeria. Bên cạnh đó, trong báo cáo cũng chỉ ra rằng có 42 khu vực khác đang thực lệnh cấm ngầm trong lúc họ vẫn chưa đưa ra quyết định liệu tiền mã hóa có hợp pháp hay không. Con số này đã tăng lên đáng kể so với thống kê vào năm 2018 khi vào 925
  3. khoảng thời gian đó chỉ có 8 khu vực pháp lý có lệnh cấm tuyệt đối và 15 khu vực có lệnh cấm ngầm. Hiện nay một số quốc gia, có thể kể đến như Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ, các nước châu Âu... đã và đang đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Đây được nhận định là một cách tiếp cận an toàn và ổn định cho nền kinh tế thị trường của đất nước tránh khỏi vấn nạn rửa tiền và đảm bảo hạn chế rủi ro đối với người tiêu dùng. Bảng 2. Khung pháp lý về tiền mã hóa trên thế giới Quy định đối với Thái độ đối với Khung Đạo luật Quốc gia sàn giao dịch tiền mã hóa thuế AML/CFT[1] tiền mã hóa Hợp pháp, quy định Không được xem là tiền Mỹ khác nhau tùy theo từng Có Có pháp định tiểu bang Trung Không được xem là tiền Không hợp pháp Không rõ Không rõ Quốc pháp định Hợp pháp, yêu cầu đăng Nhật Bản Tài sản hợp pháp ký với Cơ quan Dịch vụ Có Có Tài chính (FSA) Hợp pháp, yêu cầu đăng ký với Trung tâm Phân Úc Tài sản hợp pháp tích và Báo cáo Giao Có Có dịch của Úc (AUSTRAC) Tùy theo Quy định khác nhau tùy Liên minh từng quốc Hợp pháp theo từng quốc gia thành Có Châu Âu gia thành viên viên Không được xem là tiền Hợp pháp, yêu cầu đăng Vương pháp định, nhưng được ký với Cơ quan Quản lý Có Có quốc Anh xem là một loại tài sản Tài chính (FCA) hợp pháp Không được xem là tiền Các quy định đang được Ấn Độ Có Có pháp định xem xét Không được xem là tiền Hợp pháp, cần thông Thái Lan Có Có pháp định qua cổng ICO Không được xem là tiền Hợp pháp, cần đăng ký Singapore Có Có pháp định, nhưng được với Cơ quan Tiền tệ 926
  4. xem là tài sản hợp pháp Singapore (MAS) Hợp pháp, yêu cầu đăng Có Không được xem là tiền ký với Cơ quan Tình Hàn Quốc (kể từ năm Có pháp định báo Tài chính Hàn Quốc 2022) (KFIU) (Nguồn: Tác giả tổng hợp) 3. Khung pháp lý tiền mã hóa tại Việt Nam (Ở mục này, tác giả sẽ sử dụng thuật ngữ “tiền ảo” thay cho thuật ngữ “tiền mã hóa” theo đúng nguyên văn trong các văn bản pháp luật của Nhà nước). Thống kê của trang Triple-A vào cuối năm 2021 cho thấy việc sở hữu tiền ảo tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian qua, đứng hạng 8 trên bảng xếp hạng thế giới, khi có hơn 5,9 triệu người (tương đương 6,12% dân số) hiện nay đang sở hữu tiền ảo. Cuộc khảo sát “How Common Is Crypto?” (tạm dịch: Tiền ảo phổ biến như thế nào?) của statista.com vào năm 2020 cũng cho kết quả Việt Nam đứng hạng 2, chỉ sau Nigeria, khi có đến 21% người tham gia cuộc khảo sát sở hữu tiền ảo. Có thể thấy tiền ảo đang dần trở thành một xu hướng tại Việt Nam, vậy Chính phủ đã có những quy định gì đối với nền tảng này? 3.1. Dưới góc độ phương tiện thanh toán, ngoại hối 3.1.1. Phương tiện thanh toán Khoản 6 và Khoản 7 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt quy định: “6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.” Như vậy, có thể thấy theo quy định của Nhà nước, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp. 3.1.2. Ngoại hối Ở Điểm a Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2013) và Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định rằng: “Ngoại hối bao gồm: a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ); b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; c) 927
  5. Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.”. Từ đó có thể kết luận rằng tiền ảo không phải là ngoại hối. Tuy nhiên, nếu tiền ảo được một quốc gia nào đó công nhận là tiền pháp định thì xét theo pháp luật Việt Nam thì đó là ngoại hối, do đó mọi giao dịch liên quan đến đồng tiền ảo nêu trên sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối. 3.2. Dưới góc độ tài sản, hàng hóa 3.2.1. Tài sản Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017) quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Do đó, để xác định chính xác rằng tiền ảo có phải là một loại tài sản hay không thì cần phải đánh giá thông qua bốn loại tài sản được nêu ra trong quy định trên: a. Vật: Theo Đinh Trung Tụng (2017, tr.169) cho rằng “Vật là những bộ phận hữu hình của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả vật vô cơ, hay hữu cơ, động vật hay thực vật”. Tuy nhiên, tiền ảo bản chất mang tính “vô hình”, vì vậy không được xem là “vật”. b. Tiền: Về cơ bản, tiền là một phương tiện thanh toán hợp pháp do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Thế nhưng, như đã đề cập trước đó, theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP tiền ảo không phải là một phương tiện thanh toán hợp pháp. Do đó, xét về khoản này, tiền ảo không được xem là tiền tệ tại Việt Nam. c. Giấy tờ có giá: Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Xét về khoản trên thì tiền ảo không phải là giấy tờ có giá. d. Quyền tài sản: Theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa: “Quyền tài sản là các quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Ở khía cạnh này, cho đến thời điểm hiện tại thì pháp luật Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào làm rõ về vấn đề liệu 928
  6. tiền ảo có được xếp vào “quyền tài sản khác” hay không, do đó nếu được xem là “quyền tài sản khác” thì tiền ảo sẽ được tính là một loại tài sản. 3.2.2. Hàng hóa Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại ngày 14/06/2005 của Quốc hội định nghĩa: “hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”. Trong đó, Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Bất động sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. Như vậy, để khẳng định được việc tiền ảo có phải là một loại hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không thì trước tiên tiền ảo phải được công nhận là một loại tài sản. 3.3. Tiền ảo nhưng hệ lụy là thật Từ phân tích trên có thể thấy, dưới góc độ pháp lý, quả là vẫn đang còn tồn tại một khoảng trống rất lớn trong việc quản lý tiền mã hóa tại Việt Nam khi chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào khẳng định rằng tiền mã hóa có hay không là một loại tài sản. Bàn về vấn đề này, vụ cướp 37,1 tỷ đồng liên quan đến tiền mã hóa vào năm 2020 đã dấy lên một cuộc tranh cãi lớn và để lại nhiều thách thức về pháp lý khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tuyên bố hoàn tất cáo trạng truy cáo 16 bị cáo tội danh “cướp tài sản” tại khu vực thị trấn Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai). Cụ thể, Hồ Ngọc Tài và Lê Đức Nguyên quen biết nhau từ năm 2016 do cùng đầu tư vào tiền mã hóa. Vào năm 2018, nghe theo lời Nguyên tư vấn, Tài đã bán 1.000 đồng Bitcoin để mua một số loại tiền mã hóa khác. Tuy nhiên, đầu tư bị thua lỗ, Tài cho rằng Nguyên lừa mình nên đã rủ rê thêm nhiều người khác thực hiện kế hoạch đòi nợ. Vào giữa tháng 05/2020, khi Nguyên cùng gia đình chạy xe hơi từ Lâm Đồng về TPHCM thì nhóm đối tượng trên dàn cảnh va quệt trên đường. Nguyên xuống xe để giải quyết thì bị nhóm thanh niên khống chế, bịt mắt và chở đi. Các đối tượng này đánh và đe dọa Nguyên rằng sẽ giết vợ và tiêm máu có HIV vào con gái Nguyên, yêu cầu nạn nhân đọc mật khẩu ví điện tử cá nhân để chuyển số tiền mã hóa có trong ví vào tài khoản khác. Theo kết quả giám định, ngoài việc chiếm đoạt 168 Bitcoin (trị giá khoảng 37,1 tỷ đồng) từ ví điện tử của Nguyên thì Tài và đồng phạm còn chiếm đoạt 3 chiếc điện thoại di động, 1 camera hành trình gắn trên xe Lexus, được định giá trên 45 triệu đồng. Có thể thấy, hành vi bắt cóc, đe dọa tính mạng và cướp tài sản của nhóm đối tượng trên là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc định tội cướp “tài sản” trị giá 37,1 tỷ đồng tiền mã hóa chính là đồng nghĩa với việc công nhận tiền mã hóa là một loại tài sản, trong khi 929
  7. thực tế chỉ có thể xử lý tội danh cướp tài sản 45 triệu đồng từ các loại “tài sản hợp pháp” theo pháp luật Việt Nam. Đây chính là một lời cảnh tỉnh trong vấn đề cấp thiết phải hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh cho tiền mã hóa, bởi vụ án trên không phải là vụ án đầu tiên và duy nhất liên quan đến tiền mã hóa tại Việt Nam thiếu cơ sở xử lý như vậy. Chính “khoảng trống” trong luật định đã dẫn đến những hệ lụy về vấn đề kiểm soát của các nhà hành pháp, cản trở hoạt động phòng, chống rửa tiền, tham nhũng và tài trợ khủng bố của Nhà nước; cũng như ảnh hưởng không ít đến quyền lợi trong việc bảo hộ quyền sở hữu của những nhà đầu tư, kéo theo các hệ lụy về các giao dịch dân sự khác như thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng... Bên cạnh đó, vì chưa công nhận tiền mã hóa là một loại tài sản, nên mặc nhiên chúng vẫn chưa phải là một đối tượng chịu thuế, do đó Chính phủ không thể thu thuế từ hoạt động mua, bán và giao dịch tiền mã hóa được. Có thể thấy, việc này không những không mang lại lợi ích cho người dân, xã hội và đất nước, trái lại còn làm chúng ta chậm chân trên bước đường hội nhập và số hóa nền kinh tế. 4. Kết luận và kiến nghị Tiền mã hóa giờ đây đã trở thành một xu hướng tất yếu trong quá trình tiến hóa nền công nghệ số của nhân loại và là điều kiện cần để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện sẽ là một yếu tố quan trọng đẩy lùi các hoạt động phạm pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố, đảm bảo an ninh và hỗ trợ công nghệ tài chính. Dưới sự quản lý của Nhà nước, các nhà đầu tư cũng sẽ an tâm hơn khi tiến hành rót vốn vào thị trường tiền mã hóa. Điều này cũng phần nào xóa đi những định kiến rằng tiền mã hóa là những trò “lừa đảo” hay chỉ là “bong bóng của những bong bóng”. Vì vậy, việc đưa ra quy định cụ thể về tiền ảo và xác lập quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể tham gia vào các giao dịch tiền ảo là vô cùng cần thiết. Sau đây sẽ là một số kiến nghị của tác giả để góp phần hoàn thiện khung pháp lý tiền mã hóa tại Việt Nam. 4.1. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước Thứ nhất, sửa đổi thuật ngữ “tiền ảo” Để có thể xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh cho tiền mã hóa, điều đầu tiên mà các nhà lập pháp Việt Nam cần thực hiện là ban hành văn bản quy phạm pháp luật định nghĩa đúng bản chất của tiền mã hóa, trong đó phân tách rõ ràng tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền điện tử (electronic money), tiền ảo (virtual currency) và tiền mã hóa (crypto currency). Đây sẽ là nền móng để xây dựng các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo tính chặt chẽ trong vấn đề quản lý các nền tảng công nghệ này. 930
  8. Thứ hai, công nhận tiền mã hóa là một loại tài sản Chính phủ cần phải ghi nhận theo hướng bổ sung trong Bộ luật Dân sự rằng tiền mã hóa là một loại tài sản lưu thông có điều kiện. Thể chế hóa tiền mã hóa là một loại tài sản giúp các cơ quan hành pháp quản lý tốt hơn, có đầy đủ thẩm quyền để xử phạt các hành vi phạm tội, thuận tiện cho việc thiết lập bảng thuế, điều hành các sàn giao dịch một cách hợp pháp… Thứ ba, công nhận kinh doanh tiền mã hóa là một ngành nghề hợp pháp Việc cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh tiền mã hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước trong việc tính thuế và kiểm soát các giao dịch, phòng chống các rủi ro tài chính. Đây cũng sẽ là một cơ sở cho các nhà đầu tư trong việc chọn lựa sàn giao dịch uy tín. Thứ tư, thiết lập khung thuế đối với tiền mã hóa Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tiền mã hóa là một đối tượng chịu thuế, trong đó tùy theo chủ thể tham gia giao dịch mà Nhà nước sẽ có cách tính thuế khác nhau. Theo đó, thu nhập có được từ hoạt động giao dịch, đầu tư, kinh doanh, mô giới tiền mã hóa giữa các cá nhân với nhau sẽ được tính vào thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn đối với các cơ sở kinh doanh, các sàn giao dịch sẽ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần thu nhập có được từ hoạt động khai thác tiền mã hóa (bao gồm hoạt động “đào” Bitcoin) của các cá nhân/tổ chức vẫn sẽ được tính thuế thu nhập. Thứ năm, thiết lập quy định đặc thù trong lưu thông tiền mã hóa Là một nền tảng mang tính ẩn danh, nên khi cho phép thực hiện giao dịch hoặc đầu tư vào tiền mã hóa, Chính phủ cần ban hành những quy định và yêu cầu nghiêm ngặt dành cho các nhà đầu tư cũng như các công ty/tổ chức phát hành tiền mã hóa, bao gồm về nghĩa vụ đăng ký, cung cấp thông tin, đóng thuế khi tham gia giao dịch, yêu cầu về cơ chế kiểm soát và giám sát giao dịch an toàn… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể đặt ra hạn mức giao dịch tiền mã hóa và chỉ cho phép giao dịch đối với một số đồng tiền mã hóa nhất định (các đồng mã hóa phải có chỉ số an toàn cao dựa trên thống kê thế giới). Điều này sẽ giúp Nhà nước có thể kiểm soát được các hoạt động giao dịch, đảm bảo an toàn tài chính cho người tham gia cũng như thuận tiện cho việc tính thuế. Không những thế, Nhà nước cũng chỉ nên cho phép thực hiện giao dịch có danh tính rõ ràng, cấm tuyệt đối các giao dịch ẩn danh, không đủ yêu cầu theo quy định hoặc có dấu hiệu đáng ngờ, bao gồm: giao dịch mà số tiền giao dịch quá lớn so với thu nhập của người thực hiện; bên bán hoặc/và bên mua có liên quan đến hoạt động rửa tiền, khủng bố, hoặc có tiền án, tiền sự; người thực hiện giao dịch cố tình cung cấp sai thông tin; ... 931
  9. Thứ sáu, cho phép hoạt động huy động vốn thông qua đợt phát hành tiền mã hóa đầu tiên (ICO), tiến hành nghiên cứu thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trong vấn đề quản lý hoạt động này Cụ thể, các nhà lập pháp có thể học hỏi theo mô hình của Thái Lan kết hợp với mô hình chứng khoán để xây dựng một hệ thống quản lý ICO một cách hiệu quả, trong đó để tiền mã hóa có thể được lưu thông một cách hợp pháp thì các nhà phát hành phải đăng ký thông qua cổng ICO để được cấp phép phát hành, cũng tại đây mà các nhà đầu tư sẽ mua được các đồng tiền mã hóa hợp pháp. Thứ bảy, tiếp tục cấm sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán hợp pháp Dẫu việc thừa nhận tiền mã hóa là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên thừa nhận ở mức độ nào còn tùy thuộc vào tình hình phát triển của đất nước. Do đó theo quan điểm của tác giả, trước mắt chúng ta vẫn chưa nên chấp nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp để đảm bảo sự ổn định tài chính và nền kinh tế Việt Nam, tránh rủi ro phụ thuộc vào biến động tỷ giá của tiền mã hóa, tình trạng lạm phát, hoạt động rửa tiền… Thứ tám, nghiên cứu việc phát hành tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) Là một loại tiền pháp định do Ngân hàng Trung ương phát hành, kiểm soát và đảm bảo, CBDC ra đời với mục tiêu số hóa tiền mặt, có thể khắc phục nhược điểm của cả tiền mã hóa và tiền mặt đang tồn tại trên thị trường. Theo thống kê của Atlantic Council, tính đến tháng 12/2021, có đến 87% trong số 91 quốc gia được khảo sát đang nghiên cứu và phát triển CBDC. Do đó, để không bị “chơi vơi” giữa dòng chảy tài chính thế giới khi các nền kinh tế lớn quyết định sử dụng CBDC trong giao dịch thương mại quốc tế thì Việt Nam cần phải xem xét, đánh giá tiềm năng hoạt động của đồng tiền này. Để có thể phát triển CBDC một cách tối ưu nhất, trước tiên cần phải thành lập một tổ nghiên cứu và phát triển CBDC. Tổ nghiên cứu này bước đầu sẽ nghiên cứu xây dựng một mạng lưới Blockchain quốc gia hoàn chỉnh, đảm bảo rằng hệ thống này sẽ hoạt động ổn định và có thể liên kết được với quốc tế. Sau đó mới nghiên cứu và phát triển CBDC dựa trên mạng lưới Blockchain đã thiết lập sẵn, điều này sẽ giúp chúng ta đảm bảo được về mặt an ninh tiền tệ. Khi đã hoàn thiện hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm điều phối thử nghiệm đồng tiền này ở một số khu vực nhất định, trên một số mặt hàng định sẵn để kiểm tra và đánh giá rủi ro cũng như mức độ tiếp cận của người dân. Đồng thời, Chính phủ chỉ định các bộ ngành xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho từng đối tượng, từ các tổ chức, doanh nghiệp đến người tiêu dùng, cũng như các biện 932
  10. pháp phòng chống rò rỉ thông tin khách hàng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tiến hành tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng CBDC… Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một thị trường ngoại hối để có thể giao dịch CBDC Việt Nam với các đồng CBDC khác trên thị trường thế giới. Thứ chín, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và các tổ chức tài chính trên thế giới Tuy vẫn là một trong những quốc gia đang có động thái mập mờ trong các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa, nhưng đó cũng là một lợi thế cho chúng ta vì có thể học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia “đi trước” để xây dựng, điều chỉnh và hoàn thành khung pháp lý sao cho an toàn và hợp lý. Chẳng hạn nếu Nhật Bản là nước đặt ra một chuẩn mực rõ ràng về vấn đề quy định một danh pháp đúng nghĩa cho tiền mã hóa, thì Mỹ lại mang đến những bài học quý giá về vấn đề hạn chế những rủi ro do nền tảng này mang lại. Bên cạnh đó, các nhà chức trách còn có thể xem xét về việc kiến tạo đồng CBDC dựa theo kinh nghiệm của Trung Quốc, đất nước đã có những bước chân đầu tiên trong việc sử dụng đồng tiền này trong sản xuất và đời sống. Thứ mười, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác và Chỉ thị số 02/CT- NHNN ngày 07/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nên sửa đổi thuật ngữ “tiền ảo” trong các văn bản này thành “tiền mã hóa” để các văn bản được thống nhất về tên đối tượng được đề cập. Thứ mười một, thành lập Hiệp hội tiền mã hóa Hiệp hội này sẽ do cơ quan Nhà nước làm chủ trì, nhằm thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cũng như chia sẻ các tài khoản/tổ chức liên quan đến tội phạm tài sản mã hóa đến các cơ sở/tổ chức/sàn giao dịch và người tiêu dùng. Điều này sẽ đẩy lùi rủi ro, ngăn chặn các hoạt động phạm pháp. Bên cạnh đó, đây cũng chính là một kênh để các nhà quản lý đưa ra các báo cáo phân tích sự bình ổn của thị trường tiền mã hóa và có thể đưa ra phương hướng xử lý kịp thời. Thứ mười hai, nâng cao nghiệp vụ phòng chống tội phạm mạng, tránh tình trạng kinh doanh ồ ạt, mất kiểm soát, lách luật, lợi dụng hình thức kinh doanh để rửa tiền, tài trợ khủng bố, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, phải đi kèm với việc tuyên truyền, giáo dục người dân và nhà đầu tư chống lại rủi ro trong giao dịch. 4.2. Đối với các tổ chức/cơ sở kinh doanh tiền mã hóa 933
  11. Các sàn giao dịch và các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh tiền mã hóa cần phải đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập và vận hành như các yêu cầu về vốn, khả năng tài chính của doanh nghiệp, về nền tảng công nghệ, cơ cấu hoạt động và cơ chế đảm bảo an toàn. Các cơ sở này phải tuân thủ các quy định mà Nhà nước đưa ra, bao gồm các đạo luật phòng chống rửa tiền, các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Đảm bảo lưu trữ thông tin khách hàng theo đúng quy định, trong đó các sàn giao dịch phải tạo lập cơ chế bảo mật hệ thống tránh rủi ro bị đánh cắp dữ liệu cũng như tài sản mã hóa của khách hàng, tách biệt tài sản của doanh nghiệp và khách hàng, ngoài ra khi phát hiện có giao dịch đáng ngờ phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần tham gia hiệp hội tiền mã hóa do Nhà nước thành lập để cập nhật thông tin tránh xảy ra rủi ro giao dịch. 4.3. Đối với người dùng, nhà đầu tư Các nhà đầu tư cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết về tiền mã hóa và tìm hiểu kỹ về những quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường này, nên lựa chọn các sàn giao dịch/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân rõ ràng, tham gia các hội nhóm trao đổi, chia sẻ thông tin về tiền mã hóa để hạn chế rủi ro khi giao dịch. Bên cạnh đó phải tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu và giao dịch tiền mã hóa, trong đó phải thực hiện giao dịch bằng phương tiện thanh toán hợp pháp, cung cấp thông tin chính xác và chỉ giao dịch trong hạn mức cho phép. Ngoài ra, người dùng phải tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định của Chính phủ. Chú thích [1] Đạo luật về phòng, chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Australian Taxation Office (2020). Tax treatment of cryptocurrencies. Retrieved from https://www.ato.gov.au/General/Gen/Tax-treatment-of-crypto-currencies-in- Australia---specifically-bitcoin/. 2. Buchholz, K. (2022). Where the World Regulates Cryptocurrency. Retrieved from https://www.statista.com/chart/27069/cryptocurrency-regulation-world-map/. 3. Financial Conduct Authority (2019). Cryptoassets. Retrieved from https://www.fca.org.uk/consumers/cryptoassets. 4. Inland Revenue Authority of Singapore (2020). Taxable & Non-Taxable Income: Tax Treatment of Digital Tokens. Retrieved from https://www.iras.gov.sg/taxes/corporate-income-tax/income-deductions-for- companies/taxable-non-taxable-income. 934
  12. 5. Law Library of Congress (2021). Regulation of Cryptocurrency Around the World: November 2021 Update. Retrieved from https://www.loc.gov/item/2021687419/. 6. Lê Hồng Thái (2021). Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (432) tháng 04/2021 7. Nguyễn Lưu Lan Phương & Lê Thị Thùy Nhi (2020). Xây dựng khung pháp lý quản lý giao dịch tiền ảo – Qua nghiên cứu pháp luật Nhật Bản và một số gợi mở cho Việt Nam. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn số 45/2020. 8. Nguyễn Thị Hồng Nhung & Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2019). Tổng quan về vị trí pháp lý của tiền mã hóa (Bitcoin) tại một số quốc gia trên thế giới – Định hướng xây dựng khung pháp lý về tiền mã hóa tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ-Kinh tế-Luật và Quản lý. 9. Trần Văn Biên & Nguyễn Minh Oanh (2020). Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2020. 10. U.S. Department of Treasury, Financial Crimes Enforcement Network (2013). FIN- 2013-G001, Retrieved from https://www.fincen.gov/sites/default/files/shared/FIN- 2013-G001.pdf, Pages 1-3. 935
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2