intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên nhìn từ lý thuyết văn hóa đại chúng

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên nhìn từ lý thuyết văn hóa đại chúng" nghiên cứu tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens và phim cải biên cùng tên của đạo diễn Olivia Newman từ lý thuyết văn hóa đại chúng. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các nền tảng kỹ thuật số, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, sự tương tác giữa tác phẩm nghệ thuật với đối tượng tiếp nhận đã có nhiều biến đổi. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên nhìn từ lý thuyết văn hóa đại chúng

  1. TIỂU THUYẾT XA NGOÀI KIA NƠI LOÀI TÔM HÁT VÀ PHIM ĐIỆN ẢNH CÙNG TÊN NHÌN TỪ LÝ THUYẾT VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG Dương Thị Út Giàu* Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. *Tác giả liên hệ, Email: giauduong021099@gmail.com. TÓM TẮT Bài viết nghiên cứu tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens và phim cải biên cùng tên của đạo diễn Olivia Newman từ lý thuyết văn hóa đại chúng. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các nền tảng kỹ thuật số, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, sự tương tác giữa tác phẩm nghệ thuật với đối tượng tiếp nhận đã có nhiều biến đổi. Bài viết trả lời cho hai câu hỏi sau đây: Cách thức các tác phẩm văn hóa đại chúng ảnh hưởng đến phương thức tiếp nhận và thị hiếu thẩm mỹ của độc giả/khán giả với những hình thức tự sự đa dạng như thế nào? Quá trình cải biên tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát thành phim điện ảnh tạo ra những cuộc đối thoại đa chiều đã kiến tạo và lan truyền các diễn ngôn chính trị - xã hội (tập trung vấn đề về giới, quyền lực và môi trường) như thế nào từ góc nhìn của lý thuyết văn hóa đại chúng? Đồng thời, bài viết mở ra những hướng nghiên cứu thích ứng với các lĩnh vực năng động và đầy tiềm năng của nghiên cứu liên ngành, liên văn hóa, liên phương tiện. Từ khóa: phim cải biên; văn hóa đại chúng; Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. 1. Tổng quan Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Where the Crawdads Sing) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả gần bảy mươi tuổi Delia Owens trở thành hiện tượng xuất bản (năm 2018), nhiều tuần liền lọt vào danh sách bán chạy (best-seller) của New York Times. Mùa hè bốn năm sau đó (2022), bộ phim cải biên cùng tên của đạo diễn Olivia Newman vừa ra mắt đã nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé dành cho phim kinh phí trung bình, đạt doanh thu 116 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ 24 triệu USD. Câu chuyện lấy bối cảnh ở thị trấn hư cấu ở Vũng Barkley, Bắc Caroline, nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20 và cuộc đời của Catherine Danielle Clark (Kya), một cô gái bị bỏ rơi bởi những người thân trong gia đình từ khi lên mười. Cô học cách sinh tồn và tự bảo vệ mình bằng cách làm bạn với thiên nhiên. Song song đó là vụ án ly kỳ về cái chết của Chase Andrews - một thanh niên nổi tiếng trong vùng được tìm thấy xác bên dưới tháp cứu hỏa cũ và mọi nghi ngờ đổ dồn về Kya. Đây mặc dù là các tác phẩm đương đại chưa được chú tâm nghiên cứu về mặt học thuật tại Việt Nam, song cuộc đối thoại giữa ngôn ngữ văn chương và điện ảnh về các vấn đề thiên nhiên, xã hội, con người trong tác phẩm nhìn từ lý thuyết văn hóa đại chúng sẽ đem lại nhiều gợi dẫn đầy tiềm năng cho nghiên cứu văn học và các ngành khoa học xã hội liên quan. 2. Phương pháp Bài viết nghiên cứu trường hợp Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên từ lý thuyết văn hóa đại chúng. Trên cơ sở đó, đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp so sánh - đối chiếu: phương pháp này được sử dụng để soi chiếu vào những thay đổi của tác phẩm điện ảnh so với tác phẩm văn học mà nó cải biên nhằm tìm ra những nguyên nhân, mục đích thay đổi của các nhà làm phim. Từ đó làm rõ những biến đổi, thích nghi 659
  2. và mở rộng các vấn đề được truyền tải bởi các hình thức tự sự khác nhau. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nghiên cứu liên ngành cho phép người nghiên cứu sử dụng những lý thuyết và phương pháp từ nhiều lĩnh vực khác nhau (điện ảnh, văn hóa học, xã hội học), từ đó soi chiếu các vấn đề thuộc về văn hóa đại chúng. Phương pháp lịch sử - xã hội: đặt tác phẩm văn học và tác phẩm cải biên trong bối cảnh văn hóa xã hội của nó sẽ thấy được những tác động của bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị đến mục đích cải biên, đến quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương của các nhà làm phim và sự phản hồi của độc giả, khán giả. Vì vậy, phương pháp này được sử dụng để làm rõ sự vận động của các yếu tố lịch sử - xã hội và vai trò của chúng trong việc hình thành và biểu hiện các vấn đề của văn hóa đại chúng. 3. Kết quả và thảo luận 3.1 Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên 3.1.1 Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và tác giả Delia Owens Tiểu thuyết đầu tay của Delia Owens - Where the Crawdads Sing (Xa ngoài kia nơi loài tôm hát) có nhan đề ấn tượng và gợi lên nhiều tò mò cho độc giả. Dù nhan đề được dịch sang tiếng Việt không thật sát với nguyên tác, song thiết nghĩ đây chính là cánh cửa đầu tiên để độc giả bước vào thế giới của tác phẩm, dễ dàng tiếp cận và nắm bắt thông điệp chính mà tác phẩm đem lại. "Xa ngoài kia" gợi lên cảm giác của sự xa xôi, bí ẩn, một không gian bên ngoài những điều quen thuộc quanh ta. Có thể nói, tên tác phẩm (dịch sang tiếng Việt) đã truyền tải các yếu tố chính của câu chuyện: sự gần gũi và kỳ diệu của thiên nhiên, cùng với sự tò mò và mong muốn khám phá của con người. Phải chăng đó cũng là một lời mời mà tác giả gửi đến độc giả: tham gia vào cuộc hành trình trở về với thiên nhiên, để nghe "tiếng hát" của loài tôm và khám phá những bí mật đang chờ đợi ở "xa ngoài kia". Nơi nào có thể nghe được tiếng tôm (crawdad) hát? Loài tôm có thật sự biết hát? Tại sao lại là loài tôm hùm đất (crawdad) chứ không phải những loài phổ biến hơn ở Mỹ là "crayfish" hay "lobster"? Theo National Geographic (Website về địa lý, sinh học, tự nhiên của chính phủ Hoa Kỳ (www.nationalgeographic.com), "crawdad" là tên gọi loài tôm hùm đất ở vùng miền Nam Hoa Kỳ, loài vật có một màng mỏng kề mang, khi hút nước và không khí sẽ tạo ra âm thanh theo từng nhịp thở, nghe giống tiếng "tích, te" của mã Morse. Theo cơ chế sinh học, âm thanh này dùng để liên lạc với những con tôm khác để cảnh báo về sự hiện diện của những kẻ săn mồi. Ở nơi hoang sơ và thân thiện với thiên nhiên nhất, con người sẽ có cơ hội lắng nghe được "tiếng hát" của chúng, đây phải chăng cũng là lời kêu gọi về ý thức bảo tồn sự đa dạng sinh học và sống hòa hợp với thiên nhiên của tác giả? Tại Mỹ, loài tôm này được xem là giống loài cần được bảo tồn cho sự cân bằng sinh thái. Theo Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (Số liệu từ National Geographic), 1/5 số loài tôm càng đang bị đe dọa tuyệt chủng và chỉ có 2% số loài xuất hiện ở các khu vực được bảo vệ. Những lý do khiến chúng gặp nguy hiểm khác nhau tùy theo địa lý, trong đó mất môi trường sống, sự phát triển đô thị và ô nhiễm là những nguyên nhân hàng đầu. Xa ngoài kia nơi loài tôm hát được xuất bản lần đầu năm 2018 và nhanh chóng nhận được sự yêu mến của đông đảo độc giả. Cuốn sách đạt được sáu triệu bản bán ra trên thế giới, liên tục đứng trong danh sách bán chạy của New York Times suốt 58 tuần và dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019. Tại Việt Nam, tiểu thuyết được dịch bởi Trương Hoàng Uyên Phương vào năm 2022 với văn phong mượt mà, giàu sức gợi để chuyển tải một không gian hoang vu xa vắng, văng vẳng những thanh âm nguyên sơ nhất của thiên nhiên. Nhan đề Xa ngoài kia nơi loài tôm hát cũng chính là một nỗ lực tuyệt vời của dịch giả và ban biên tập đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với độc giả và truyền tải tinh thần chung sống hài hòa với thiên nhiên của tác phẩm. Delia Owens sinh ra ở miền Nam Georgia, bà trải qua thời thơ ấu tươi đẹp ở khu rừng xung quanh Thomasville, Mỹ. Gia đình bà đã có những mùa hè nghỉ dưỡng ở vùng núi Bắc Carolina, 660
  3. nên Delia có một sự gắn bó đặc biệt với những địa điểm hoang sơ và xinh đẹp ở đó - nơi mà loài tôm hùm đất (crawdad) sinh sống rất nhiều tại vùng đầm lầy ven biển. Khi bắt đầu chương trình đại học, bà đã quyết định theo đuổi sự nghiệp khoa học thay vì văn chương. Delia Owens là đồng tác giả của ba cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất thế giới với tư cách là một nhà khoa học về động vật hoang dã ở Châu Phi, trong đó có Tiếng khóc của Kalahari (Cry of the Kalahari) (Hoang mạc Kalahari là một khu vực lớn chứa cát bán khô cằn đến khô cằn ở miền nam châu Phi, nơi có các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Sự đa dạng sinh học và văn hóa của cộng đồng người Bushmen tạo nên một phần quan trọng trong lịch sử độc đáo của vùng đất này). Bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá cho các công trình nghiên cứu về thiên nhiên. Trong Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, Delia Owens đặt lời ca tụng đầy tinh tế về thế giới tự nhiên bên cạnh câu chuyện sinh tồn và trưởng thành với nhiều cung bậc cảm xúc của "cô gái đồng lầy", tạo nên một bản hòa ca độc đáo. Câu chuyện cũng là lời nhắc nhở về sự hiện diện của đất Mẹ, của thiên nhiên bên trong mỗi bản thể cá nhân, dẫu chúng ta có bị buộc tách khỏi cộng đồng của mình, trong sâu thẳm những bí mật đẹp đẽ và hoang sơ về giống loài vẫn luôn chảy trong huyết mạch. Con người vì thế không bao giờ đơn độc và vì thế cũng không thể nào tách rời khỏi tự nhiên. Câu chuyện đã gợi ra nhiều cuộc đối thoại về các vấn đề xã hội gần gũi, tức thời và nhức nhối của con người bởi một thứ văn chương hết sức dung dị, tiếp cận được với nhiều đối tượng độc giả. 3.1.2 Phim điện ảnh Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và đạo diễn Olivia Newman Phim điện ảnh Xa ngoài kia nơi loài tôm hát cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của Delia Owens, thuộc thể loại tâm lý, chính kịch. Kịch bản của bộ phim được chấp bút bởi Lucy Alibar và Olivia Newman giữ vai trò đạo diễn, được hợp tác sản xuất bởi Reese Witherspoon, Lauren Neudstadter và hãng phim Hello Sunshine. Bộ phim điện ảnh Mỹ này có buổi công chiếu đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại vào ngày 11 tháng 7 năm 2022, và được hãng Columbia Pictures của Sony Pictures Releasing phát hành tại Mỹ vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, tại Việt Nam vào ngày 1 tháng 9 năm 2022. Bộ phim nhanh chóng nhận được sự chú ý ngay từ khi ra mắt, song cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn. Nhiều lời khen ngợi được dành cho diễn xuất của nữ diễn viên Edgar Daisy-Jones (trong vai Kya), kỹ thuật quay phim, âm nhạc... nhưng sự thiếu nhất quán về tông màu chủ đạo của tác phẩm cũng bị chỉ trích khá nhiều. Dù vậy, sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo khán giả đã đem lại doanh thu 144,3 triệu USD cho bộ phim có kinh phí sản xuất khiêm tốn là 24 triệu USD. Thật khó để không bị mê hoặc bởi những thước phim với khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của bộ phim với vùng đầm lầy thơ mộng, những tán cây xanh mát và nhiều động vật hoang dã. Bộ phim với hai khoảng thời gian khác nhau nhưng đan xen vào nhau giữa thời gian Kya trưởng thành và bị xét xử bởi tòa án trong thị trấn với thời niên thiếu ở vùng đầm lầy và những mối tình của cô. Mặc dù cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở vùng đầm lầy Bắc Carolina, việc quay phim thực sự diễn ra trong và xung quanh Houma và New Orleans ở Louisiana. Các địa điểm mang tính biểu tượng khác, như cái lán trong rừng, căn lều và bến Jumpin, đã được hiện thực hóa trên các khu đất tư nhân trên khắp vùng nông thôn Louisiana. Tác phẩm không chỉ là một sự chuyển dịch từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh, đây còn là lời đối thoại, là sự kiến tạo những giá trị mới, những thông điệp mới từ nữ đạo diễn Olivia Newman. Olivia Newman được biết đến nhiều nhất với vai trò đạo diễn và biên kịch cho phim điện ảnh chính kịch Trận đấu đầu tiên (First Match) (2018). Bà sinh ra ở Hoboken, New Jersey, Mỹ. Olivia Newman có bằng Cử nhân về tiếng Pháp và nghiên cứu phụ nữ tại trường Cao đẳng Vassar và bằng MFA (Master of Fine Arts - Thạc sĩ Nghệ thuật) về điện ảnh tại Đại học Columbia. Sự nghiệp làm phim của bà đánh dấu thành công đầu tiên bởi phim ngắn Mary mắt xanh (Blue-Eyed Mary), được trình chiếu tại Liên hoan phim Phụ nữ Portland Oregon năm 2010. Một số bộ phim 661
  4. khác gắn với tên tuổi của Olivia Newman có thể kể đến như: Ngọn lửa Chicago (Chicago Fire) (2012), FBI (2018), Điều cuối cùng anh ấy nói với tôi (The Last Thing He Told Me) (2023)... và đến gần hơn với công chúng Việt Nam qua Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (2022). 3.2 Lý thuyết văn hóa đại chúng trong nghiên cứu văn học và điện ảnh Từ những năm 1950 đến 1960, nghiên cứu văn hóa đại chúng trở thành một trong những phạm trù lý thuyết quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, điện ảnh. Trong trường hợp tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim cải biên cùng tên, lý thuyết văn hóa đại chúng được ứng dụng để tập trung vào việc làm rõ cách thức sáng tạo, tái sáng tạo các sản phẩm văn hóa, sự tác động đến công chúng và quá trình kiến tạo những diễn ngôn chính trị, xã hội, con người một cách mạnh mẽ. Đồng thời, với sự tác động của công nghệ và các phương tiện truyền thông, các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức ảnh hưởng rất lớn đến ý thức, hệ giá trị và hành vi của cộng đồng. Vì vậy, sự sáng tạo và tiếp nhận các tác phẩm văn hóa đại chúng cũng đặt ra những câu hỏi về quyền lực, sự kiểm soát thông tin và quá trình hình thành nhận thức, tư tưởng trong xã hội. Văn hóa đại chúng là một khái niệm chỉ tất cả các hoạt động văn hóa và giải trí được tiêu thụ và chia sẻ rộng rãi bởi một nhóm lớn người dân, thường là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, internet,và các phương tiện in ấn. Văn hóa đại chúng không chỉ bao gồm những sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, sách báo, mà còn bao gồm các sự kiện xã hội như thể thao, tin tức, quảng cáo, các trò chơi điện tử... Đồng thời, thường phản ánh các giá trị, niềm tin, thị hiếu và quan điểm của xã hội đương thời và có tác động ảnh hưởng nhất địng đến quan điểm và hành vi của các cá nhân trong cộng đồng. Văn hóa đại chúng là một khái niệm phức tạp, nhấn mạnh vào sự tương tác đa chiều giữa các sản phẩm văn hóa và cộng đồng xã hội. Điều này thể hiện rõ qua sự phổ biến và được ưa chuộng của các tác phẩm văn học cho đến các sản phẩm truyền thông đa dạng như phim ảnh, âm nhạc, truyền hình và Internet. Văn hóa đại chúng chịu có mối liên hệ mật thiết và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các phương tiện truyền thông đại chúng. Cùng với sự đa dạng trong hình thức và phương thức truyền tải, các tác phẩm nghệ thuật "thuộc" văn hóa đại chúng là sự tổng thể của những ý tưởng trong đời sống hàng ngày, những mối quan tâm cơ bản nhất, thiết thân nhất với con người xã hội. Trong trường hợp này, sự khúc xạ mỹ học đối với tác phẩm văn học và phim điện ảnh hàm chứa những tương đồng và khác biệt. Ở đó, khi độc giả đọc tác phẩm nguồn (tiểu thuyết) đã tự xây dựng nên một thế giới trong không gian tưởng tượng của riêng họ. Những công trình nghiên cứu nổi bật của Raymond Williams, Herber J. Gans, John Storey... đã nêu ra những quan điểm đa dạng về định nghĩa, đặc trưng, ảnh hưởng của văn hóa đại chúng trong đời sống xã hội. Song, có một điểm chung nổi bật nhất ở các công trình của họ là nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa văn hóa cao (high culture) hay văn hóa tinh hoa (elite culture) với văn hóa thấp (low culture) mà các tác phẩm văn hóa đại chúng được xếp vào. Thực tế cũng cho thấy, việc đánh giá phân loại đâu là các tác phẩm văn hóa đại chúng, đâu là các tác phẩm văn hóa tinh hoa không thật sự thuyết phục giới chuyên môn lẫn đại chúng. Gắn với yếu tố "đại chúng", các tác phẩm sáng tạo bị "hạ bậc" về mặt nghệ thuật. Nhưng suy cho cùng, sáng tạo khởi từ con người, với mục đích phục vụ con người và những tác phẩm thỏa được nhu cầu giải trí, thị hiếu thẩm mỹ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp một cách gần gũi đã là một thành công lớn cho sứ mệnh của sáng tạo nghệ thuật. Về định nghĩa của văn hóa đại chúng, theo John Storey trong công trình Một dẫn luận về lý thuyết văn hóa và văn hóa đại chúng (Cultural Theory and Popular Culture. An Introduction) (Storey, 1993, tr.6-17) có một số đặc trưng cơ bản sau: Văn hóa đại chúng đặc trưng bởi sự phổ biến trong cộng đồng, điều này phản ánh rõ nhất qua sự yêu thích, tham gia, sử dụng rộng rãi của nhiều người. Văn hóa đại chúng với các sản phẩm và thực hành văn hóa thường gắn với định kiến phổ thông, tầm thường. Trong khi đó, cái được gọi là tinh hoa, hàn lâm mang tính chuyên môn 662
  5. hóa cao và có sự giới hạn trong vòng tròn những người quan tâm nhất định cần sự hứng thú mãnh liệt để tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt đó. Văn hóa đại chúng cũng được xem là văn hóa thương mại bởi các tác phẩm thường gắn với công nghiệp văn hóa (cultural industry), sản xuất hàng loạt, tiếp thị và tiêu thụ đại trà. Và sau cùng, quan trọng hơn cả, văn hóa đại chúng là những sản phẩm văn hóa do công chúng tạo nên, đáp ứng nhu cầu, phản ánh tiếng nói của chính họ. Vì vậy, đó có thể là sự phản kháng của những nhóm người yếu thế, những cộng đồng "bên lề", là không gian sáng tạo và biểu đạt đa âm, đa thanh, đa chiều kích. 3.3 Truyền thông đại chúng trong việc quảng bá tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên Trong kỷ nguyên hậu hiện đại, sự phát triển của văn hóa nghệ thuật gắn liền với các phương tiện truyền thông, theo Marshall McLuhan, các phương tiện truyền thông đại chúng chính là thông tin. Chúng là yếu tố định hình và kiểm soát hành động, tư duy của con người. Các phương tiện truyền thông điện tử như đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, điện ảnh, internet… đã cấu thành môi trường truyền thông đặc thù từ cuối thế kỉ 20. Đến thế kỷ 21, đặc biệt là những năm gần đây, sự bùng nổ của Internet và sau nữa là trí tuệ nhân tạo (AI) với các trải nghiệm thực tế ảo (AR - Augmented Reality, VR - Virtual Reality) đã thay đổi nhanh chóng toàn bộ cục diện sáng tạo và tiếp nhận văn hóa nghệ thuật. Phát triển trên nền tảng của những tiến bộ công nghệ không ngừng, điện ảnh được xem là loại hình nghệ thuật đa phương tiện có khả năng thách thức cao nhất, song cũng mở ra nhiều không gian đối thoại với công chúng so với các tự sự truyền thống vốn chỉ dựa vào ngôn từ. Tính trực giác của hình ảnh, chuyển động, âm thanh... khiến người xem thông qua truyền thông điện tử có thể nhanh chóng nắm bắt được thông tin mà không cần huy động quá nhiều liên tưởng như khi tiếp cận qua truyền thông chữ viết. Có thể hình dung rằng, điện ảnh và các phương tiện truyền thông, tiếp thị xoay quanh các tác phẩm văn hóa đại chúng sẽ lấp đầy dần những khoảng trắng, rút ngắn khoảng cách giữa độc giả/ khán giả với tác phẩm. Đặc biệt, sự chuyển đổi từ tiểu thuyết sang phim điện ảnh cũng đồng nghĩa với việc thích nghi nội dung với các phương tiện truyền thông khác nhau. Phương tiện truyền thông điện tử không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ mà còn góp phần vào quá trình biến đổi nội dung, tạo ra các trường văn hóa và không gian truyền thông đa dạng. Trong công trình Thiên hà Gutenberg (The Gutenberg Galaxy), Marshall Mcluhan đã nêu ra quan điểm chia phương tiện truyền thông thành hai loại: phương tiện truyền thông nóng và phương tiện truyền thông lạnh. Bài viết này nghiên cứu trường hợp tác phẩm thuộc cả hai loại này, với phim điện ảnh cải biên có "độ nét cao" và tiểu thuyết có "độ nét thấp", khoảng trống và mức độ tham dự khác nhau để lại cho độc giả/ khán giả trong quá trình tiếp nhận. Phương tiện truyền thông vì thế vừa là công cụ truyền tải thông tin, vừa tham gia vào quá trình sản xuất và ảnh hưởng đến nhiều mặt của các tác phẩm văn hóa đại chúng. Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát ngay khi vừa ra mắt tại Mỹ đã tạo nên dấu ấn đặc biệt với độc giả qua các phương tiện truyền thông thân thiện và sống động. Trước hết phải kể đến trang mạng (website) của tác giả Delia Owens (www.deliaowens.com ) với rất nhiều thông tin (văn bản, hình ảnh, video...) liên quan đến tiểu thuyết, những công trình khác của bà và cả phim điện ảnh cải biên. Thông qua website này, độc giả và công chúng như được mở ra một cánh cửa rộng để đọc, hiểu và thu nhận những thông điệp, giá trị mà tác phẩm truyền tải. Các cuộc đối thoại trực tiếp với độc giả cũng được thực hiện tại đây (Bookclubs), bằng cách tập hợp các câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm và ý kiến thảo luận về chúng từ chính tác giả đem lại cái nhìn sâu và rộng hơn về các vấn đề trong tác phẩm. Đồng thời, các nền tảng thương mại điện tử (Amazon, Tiki, Shopee...), ghi nhận đánh giá (Review) từ độc giả, xếp hạng, trích dẫn (Goodreads), các hội nhóm trên mạng xã hội (Facebook, Instagram, LinkedIn...), các cuộc thi liên quan đến tác phẩm cũng góp phần vào việc lan tỏa những tầng ý nghĩa mà câu chuyện này mang lại. 663
  6. Phim điện ảnh Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và các phương tiện truyền thông mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện ảnh nước Mỹ đã tham dự những phần quan trọng vào quá trình thành công của tác phẩm này. Từ các khâu tiền kỳ (chọn bối cảnh, diễn viên, phục trang...) được đưa tin rộng rãi trên các trang mạng xã hội cũng như báo chí (điện tử) đã thu hút sự chú ý của khán giả (phần lớn là những người đã đọc tác phẩm nguồn). Đến khi tiến hành quay và phát hành phim, các phương tiện truyền thông được ưu tiên sử dụng hiệu quả như: ảnh bìa phim (poster), các buổi họp báo công chiếu, phim chiếu tại rạp, sau đó là bản phim trên Netflix (Netflix Inc. là dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu, chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình. Công ty thành lập vào năm 1997 và có trụ sở tại Los Gatos, California)... Từ đó có thể thấy, các thông điệp của văn hóa đại chúng truyền từ chủ thể sáng tạo đến chủ thể tiếp nhận một cách đa chiều, mở ra nhiều hơn những đối thoại, sáng tạo và đồng sáng tạo. Cùng với đó là khả năng xây dựng một cộng đồng gắn kết chặt chẽ bởi những mối quan tâm chung. Trong dòng chảy của xã hội đương đại, các phương tiện truyền thông ngày càng khẳng định vai trò của chúng trong việc bắc nhịp cầu giữa chủ thể sáng tạo với công chúng tiếp nhận. Nhịp cầu ấy càng rộng mở, đẹp đẽ bao nhiêu thì những giá trị tốt đẹp của tác phẩm văn hóa đại chúng lại càng có sức sống bền vững bấy nhiêu. "Nhịp cầu đẹp đẽ" ấy có thể được hiểu là quá trình giao tiếp, tương tác tích cực (lắng nghe chân thành và phản hồi mang tính xây dựng) giữa các sản phẩm văn hóa đại chúng, phương tiện truyền thông và công chúng tiếp nhận. Điều này có thể được thể hiện qua việc phản ánh rõ ràng và nhất quán các giá trị, ý nghĩa của tác phẩm văn hóa đại chúng. Đồng thời, khi công chúng nhận được những giá trị nhất định, họ được thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu với những vấn đề được truyền tải trong tác phẩm thì sẽ có xu hướng ghi nhớ và lan tỏa thông điệp của nó một cách tự nhiên, tạo nên một hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ và lâu dài. Đây là một vấn đề đáng được quan tâm nghiên cứu, với những thách thức và tiềm năng của nó trong thời đại ngày nay, đặc biệt với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. 3.4 Diễn ngôn chính trị - xã hội trong Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên Theo Michel Foucault, diễn ngôn không đơn giản là sự truyền dẫn hiện thực vào trong ngôn ngữ, diễn ngôn cần được nhìn nhận như một hệ thống cấu trúc nên cách thức chúng ta nhận biết về hiện thực. Mối quan hệ giữa diễn ngôn, tri thức và quyền lực là mối quan hệ bện xoắn, đan cài vào nhau. Vì vậy, phân tích diễn ngôn trên thực tế là phân tích tương quan quyền lực/ tri thức trong hoạt động kiến tạo và truyền bá diễn ngôn với văn học như là những khung tri thức. Cùng với văn học, các tác phẩm văn hóa đại chúng với hình thức biểu đạt đa dạng, trong trường hợp này là điện ảnh cũng mang những đặc điểm tương tự. Các chuẩn mực hướng dẫn hành vi xã hội là cơ chế quan trọng duy trì sự gắn kết và sự bền vững xã hội. Tuy không phải nguồn duy nhất nhưng văn hóa đại chúng với sự phổ biến rộng rãi và dễ dàng lĩnh hội của nó, trở thành một trong những nguồn quan trọng tạo nên những quy chuẩn xã hội. Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim cải biên cùng tên nổi bật các vấn đề về giới và môi trường. Nghiên cứu phụ nữ với tư cách là người sáng tạo và tiếp nhận văn hóa đại chúng (trường hợp nhà văn nữ Delia Owens xây dựng nhân vật nữ chính Kya Clark cho tiểu thuyết của mình và nữ đạo diễn Olivia Newman với phim điện ảnh cải biên). Qua đó, có thể nhìn thấy nhu cầu "bước ra khỏi cuộc sống thường nhật" và tìm kiếm giải pháp, xây dựng cộng đồng, tìm kiếm sự gắn kết của những người phụ nữ với các vấn đề mà họ quan tâm. "Không có sự đối lập giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Do đó tranh đấu cho những giá trị vật chất có một ý nghĩa thiêng liêng cao cả và cũng là tranh đấu cho những giá trị tinh thần đích thực như Péguy đã quả quyết: "Cái thiêng liêng cũng là xác thịt" và "Phúc cho những kẻ chết vì đất thịt này"" (Nguyễn Văn Trung, 2021, tr.187). Xa ngoài kia nơi loài tôm hát chính là một cuộc đấu tranh sinh tồn không khoan nhượng giữa một cô gái bé nhỏ với một đời sống hết sức khắc nghiệt. Kya đã phải đối mặt với trách nhiệm lớn khi tự nuôi sống bản thân từ khi mới sáu tuổi. Bước vào cuộc 664
  7. sống mà chỉ người lớn mới có thể hiểu, Kya đã học cách điều chỉnh, tận dụng thông tin từ má, nhận thức từ anh trai Jodie, và cảm nhận tự nhiên xung quanh mình. Kya không chỉ biết cách tự mình làm đủ mọi thứ, từ nấu ăn đến mua sắm và kiếm sống, mà còn trải qua hành trình học cách điều khiển thuyền của cha và khám phá thế giới xung quanh. Từ những nét độc đáo này, cô xây dựng một hệ thống ký hiệu và phân loại tự nhiên trước cả khi biết đọc. Cuộc sống đầy thách thức của Kya đã hình thành sự kiên nhẫn và sức mạnh tinh thần, giúp cô vượt qua cảm giác cô đơn và khám phá những niềm vui và nỗi đau đặc biệt trong cuộc sống. Từ trang viết đến màn ảnh, các vấn đề về con người và tự nhiên đan cài vào nhau hết sức tinh tế. Một lời thoại được đặc tả hết sức day dứt của nữ diễn viên trong vai Kya (giữ gần như nguyên bản lời văn trong tiểu thuyết): "Trong tất cả các từ ngữ của sinh học, tôi đã tìm kiếm lời giải thích về lý do tại sao một người mẹ lại bỏ con của mình". Cho thấy văn hóa đại chúng vừa phản ánh vừa ảnh hưởng đến các vấn đề của con người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, thiên nhiên và sự phân cấp xã hội, chính trị trong thực tế. Đó là nỗ lực sinh tồn của một cô bé yếu đuối bị chính đồng loại đẩy ra bên lề, là những xúc cảm tình yêu da diết, quyền được tiếp cận tri thức và kiến tạo tri thức đến bản chất thống trị của con người không chỉ với con người (những kẻ yếu thế hơn) mà còn là với tự nhiên. "Kya biết, không phải bầy sẽ không đầy đủ nếu thiếu một con hươu, mà một con hươu sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu bầy của nó" (Delia Owens, 2018, tr.373). Mặc dù đã tự lập hoàn toàn, Kya nhận ra rằng sự tự lực cũng có giới hạn và đôi khi cần đến sự giúp đỡ của người khác. Tình yêu và tương tác với Tate đã làm thay đổi cách nhìn của cô về cuộc sống và cô nhận ra rằng không thể sống một mình. Mặc dù trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, Kya hiểu rằng sự đồng hành và chia sẻ là quan trọng, và sợi dây an toàn duy nhất của cô là chính bản thân mình. "Trong văn học, chỉ có sự hoang dã mới lôi cuốn được chúng ta" (Thoreau, 2018, tr.68). Khi bị bỏ rơi bởi gia đình, Kya tìm thấy sự đồng hành trong những âm thanh và hình ảnh của đầm lầy. Mối quan hệ của Kya với tự nhiên không chỉ là sự tồn tại, mà còn là một phần của gia đình rộng lớn, nơi cô tìm thấy an toàn và sự chấp nhận. Hành trình sống của Kya là một minh chứng cho việc xã hội loài người thường khó hiểu và đầy những điều phi nhân tính, phi tự nhiên. Họ không hề hiểu được rằng: "Vai trò của homo sapiens (Người tinh khôn, thường được dùng với ý chỉ con người, loài người hay nhân loại) nên được thay đổi từ kẻ chinh phục thành thàn viên đơn giản của cộng đồng đất đai" (Leopold, 1949, tr.204). Khi Kya tiếp xúc với con người (tự cho họ là những kẻ thượng đẳng so với cô), cô thường xuyên trải qua những trải nghiệm đau đớn và khó chịu. Sự đồng hành với tự nhiên là nơi Kya cảm thấy thực sự thuộc về, nơi không có sự đánh giá hay phân biệt đối xử. Trong cuộc sống hoang dã, cô tìm thấy sự tự do và ý nghĩa. "Mấy cô nàng đom đóm đã có một người bạn tình và một bữa ăn, chỉ bằng cách thay đổi tín hiệu. Kya biết ở đây không có chỗ cho sự phán xét. Không có cái ác, chỉ là sự sống đập tiếp nhịp điệu của nó, bất kể một vài "người chơi" phải chịu tổn hại. Sinh học coi đúng và sai là cùng một màu sắc dưới ánh sáng khác nhau" (Delia Owens, 2018, tr.196). Với Kya, tự nhiên không phán xét, không giới hạn, và không đòi hỏi người khác phải tuân theo quy tắc. Nó là nơi cung cấp sinh khí, sự phát triển và sự đa dạng một cách tự nhiên. Qua những nghiên cứu và quan sát, Kya hiểu rõ về sự kết nối phức tạp trong mạng lưới tự nhiên và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong sự đồng hành với nó. Sau cùng, Kya không chỉ là một nhà khoa học tự nhiên tự học, mà còn là nguồn cảm hứng cho những người phụ nữ mà bằng cách nào đó bị đẩy ra bên lề xã hội. Bằng trái tim và tâm hồn mở rộng, cô chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống và tình yêu, mang đến những thông điệp về lòng nhân ái và kỳ diệu của sự sống. Kya đã chứng minh rằng một cuộc sống có ý nghĩa không nhất thiết phải phụ thuộc vào sự hiện diện của gia đình (người), mà có thể mở rộng để bao gồm cả tự nhiên và mọi sinh vật hoang dã, ấy thế nên thiên nhiên đã và vẫn luôn là gia đình của loài người. "Chim biến mất phương nào không biết. Vết cánh vẫn lưu lại chốn này. 665
  8. Một trái tim vỡ chẳng thể bay. Ai quyết định được thời khắc chết?" (Delia Owens, 2018, tr.379) Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim cải biên cùng tên không chỉ là các tác phẩm văn hóa đại chúng thỏa mãn tính giải trí, tức thời, dễ tiếp nhận của công chúng mà còn kiến tạo nên những diễn ngôn chính trị - xã hội vô cùng giá trị. Trong đó nổi bật những khía cạnh sâu sắc của con người và môi trường, đồng thời đưa ra những thách thức về quyền con người và chủ nghĩa chủng tộc. Cuộc sống của Kya là một hành trình khám phá sự đồng hành với tự nhiên, và thông qua đó, chúng ta nhận ra giá trị thực sự của tình yêu, nghị lực và ánh sáng lấp lánh của minh triết, của công lý. Bằng cách này, tác phẩm không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn mang đến một góc nhìn sâu sắc vào cuộc sống và xã hội, thúc đẩy công chúng suy ngẫm và hành động. 4. Kết luận Đặt tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cải biên cùng tên dưới ánh sáng của lý thuyết nghiên cứu văn hóa đại chúng, có thể thấy được một bức tranh sống động và đa chiều về sự tương tác giữa nghệ thuật và đời sống xã hội. Nếu phương thức tự sự bằng ngôn từ mở ra miền không gian rộng lớn trong trí tưởng tượng của độc giả thì hình thức tự sự đa phương tiện với sức hấp dẫn khó có thể chối từ của điện ảnh làm tốt việc thỏa mãn mong muốn tri nhận tức thời, dễ dàng của khán giả. Đồng thời nghiên cứu nêu bật sức mạnh của văn hóa đại chúng trong việc tạo ra một diễn ngôn phong phú và đa chiều về chính trị và xã hội. Cả tiểu thuyết và phim điện ảnh đã truyền tải những thông điệp sâu sắc về những vấn đề sinh thái, nhân quyền và đa dạng văn hóa. Thông qua việc phân tích sự tham gia, tác động, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, có thể thấy rằng chúng không chỉ là công cụ truyền đạt thông điệp mà còn là một phần không thể thiếu trong quá trình diễn dịch và phản ánh các tác phẩm văn học và điện ảnh. Tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và phim điện ảnh cùng tên là lời nhắc nhở về ý nghĩa của việc bảo vệ và giữ gìn môi trường tự nhiên. Dẫu cho con người từ chối sự tồn tại của thiên nhiên từ bên ngoài, thì từ trong bản chất, mỗi bản thể đều mang trong mình các yếu tính của tự nhiên để hướng tới sự cân bằng của Bản ngã, Tự ngã và Siêu ngã (Ego, Self, and Super ego). Suy cho cùng, hành trình của Kya Clark trong các tác phẩm cũng chính là hành trình tự vấn và kiếm tìm bản ngã với sự khát khao làm chủ thế giới, làm chủ chính mình của con người. Mỗi ngày sống là mỗi cuộc đi, đặt bàn chân này trước bàn chân kia, từ vô minh để khai phá và tìm về minh triết, dưới ánh sáng lấp lánh của tình thương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Lê Na. (2017). Chân trời của hình ảnh. TP Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Easthope, A. (1991). Literary into Cultural Studies. UK: Routledge. 3. Gans, H. J. (1999). Popular Culture & High Culture. An analysis and evaluation of taste. US: Basic Books. 4. Leopold, A. (1949). The Sand Country Almanac. UK: Oxford University Press. 5. McLuhan, M. (1962). The Gutenberg Galaxy. Canada: University of Toronto Press. 6. Mills, S. (2021). Michel Foucault. (Nguyễn Bảo Trung dịch). Hà Nội: Dân Trí. 7. Nguyễn Văn Trung (2021). Ca tụng thân xác. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 8. Phan Thị Thu Hiền. (2022). Văn hóa đại chúng trong thời đại toàn cầu hóa. TP Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Storey, J. (2009). (fifth edition). Cultural Theory and Popular Culture. An Introduction. UK: Pearson Longman. 10. Thoreau, H. D. (2018). Dạo bước. (Trần Hoàng Thư dịch). Đà Nẵng: Đà Nẵng. 666
  9. 11. Williams, R. (1983). Keywords - A Vocabulary of Culture and Society. UK: Oxford University Press. 12. Owens, D. (2018). Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. (Trương Hoàng Uyên Phương dịch). TP Hồ Chí Minh: Trẻ. 667
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2