intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Chia sẻ: ViChaeng ViChaeng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

82
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày tổ chức các hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cụ thể cho học sinh THCS; Tổ chức hoạt động hướng vào bản thân; Tổ chức hoạt động hướng đến xã hội; Tổ chức hoạt động hướng đến tự nhiên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới

  1. 194 Kỷ yếu hội thảo khoa học TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH THCS THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI ThS. Nguyễn Cao Kiên Khoa THCS, Trường CĐSP Nghệ An 1. Đặt vấn đề Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/ QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TT phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Và chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành chính thức kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình giáo dục phổ thông mới ra đời là một nỗ lực chung của đội ngũ các chuyên gia trên cơ sở kế thừa, phát huy đồng thời chỉnh sửa, bổ sung, đổi mới chương trình cũ. Đây là một khâu then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cho phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một nội dung giáo dục chủ yếu, có vai trò hết sức quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức lý thuyết của các môn học thì hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tiến hành nhằm củng cố,vận dụng các kiến thức ấy vào thực tế đồng thời góp phần giúp người học hình thành và phát triển các phẩm chất, kĩ năng, năng lực cần thiết phục vụ cho các hoạt động đời sống và nghề nghiệp sau này. Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một nội dung lớn, khá mới mẻ và rất phong phú, đa dạng. Để tiến hành một cách có hiệu quả nội dung giáo dục này, chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng vấn đề tổ chức thực hiện sao cho khoa học, thiết thực, phù hợp với từng cấp học. Sau đây chúng tôi xin nêu một số ý kiến về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 2. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cụ thể cho học sinh THCS Chương trình Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) cho rằng: “Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng
  2. Kỷ yếu hội thảo khoa học 195 hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi: thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai”. Ở cấp THCS, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp, đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai. Dựa vào những đặc điểm tâm lý, sinh lý của học sinh THCS, nhà giáo dục sẽ nghiên cứu, tổ chức triển khai hoạt động này một cách hợp lý, hiệu quả để giúp các em phát triển tốt nhất các phẩm chất, năng lực của mình. 2.1. Tổ chức hoạt động hướng vào bản thân Hoạt động hướng vào bản thân bao gồm hai nhóm hoạt động chính là hoạt động khám phá bản thân và hoạt động rèn luyện bản thân. Hoạt động khám phá bản thân tạo tiền đề cơ bản, quan trọng cho các hoạt động khác. Khi các em học sinh hiểu về mình thì sẽ định hướng được, lựa chọn được những lĩnh vực hoạt động phù hợp cả về học tập lẫn đời sống. Thông qua việc khám phá bản thân, các em sẽ tạm thời đánh giá được điểm mạnh cần phát huy cũng như điểm yếu cần khắc phục. Có thể nói để đánh giá đúng về người khác hay là vể bản thân mình không phải là việc đơn giản trong ngày một ngày hai mà phải trong một quá trình dài. Càng trưởng thành thì con người lại càng có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân mình. Học sinh THCS sẽ hiểu bản thân mình sâu sắc hơn học sinh Tiểu học và học sinh THPT sẽ hiểu bản thân mình sâu sắc hơn học sinh THCS…Thuộc độ tuổi nằm giữa bậc học phổ thông, học sinh THCS nhìn chung đã khá trưởng thành về ý thức do đó có thể khám phá, đánh giá bản thân tương đối đầy đủ, chính xác. Các em sẽ được tổ chức, hướng dẫn hoạt động khám phá bản thân về các phương diện: sinh lý và tâm lý. - Giáo viên tổ chức, hướng dẫn cho các em tự tìm hiểu, khám phá các đặc điểm tâm, sinh lý của mình bằng phương pháp quan sát, so sánh, vận dụng các kiến thức đã được học, đọc, xem thêm các tài liệu sách báo hoặc internet liên quan. - Tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi về vấn đề tâm, sinh lý, sức khỏe trong phạm vi nhóm, tổ, lớp hoặc rộng hơn. Tại các buổi sinh hoạt này có thể mời các chuyên gia về các lĩnh vực liên quan đến để cùng trao đổi, thảo luận. - Tổ chức các trò chơi nhằm khám phá các đặc điểm và năng lực tâm, sinh lý. Thông qua các trò chơi học sinh sẽ nhận biết về thể lực, độ khéo léo, độ dẻo dai, độ nhanh nhẹn, độ phản xạ, sức chịu đựng, ý chí, cảm xúc, ý thức kỉ luật, tinh thần hợp tác, chia sẻ, nhường nhịn, kiềm chế, năng động, sáng tạo…của mình. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS chơi, thi đấu các môn thể thao tập thể như bóng đá, cầu lông, kéo co, đá cầu, bóng bàn, bóng rổ…; tổ chức hoạt động sân khấu về văn học, nghệ thuật cho các em tham gia lập chương trình, kế hoạch và biểu diễn, hay trò chơi tập xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống… - Sau mỗi hoạt động trải nghiệm khám phá bản thân, giáo viên nên tổ chức cho các
  3. 196 Kỷ yếu hội thảo khoa học em viết bài thu hoạch để trình bày các kết quả hoạt động rồi tiến hành thao tác nhận xét, góp ý, rút kinh nghiệm cho các hoạt động lần sau. Những hiểu biết mới về bản thân có được nhờ các hoạt động tự khám phá sẽ là cơ sở quan trọng để tiến hành các hoạt động rèn luyện bản thân. Hoạt động rèn luyện bản thân nhằm điều chỉnh những nhược điểm, bổ sung, phát huy những yếu tố tích cực về mặt sinh lý hay tâm lý của mình, để cho điểm mạnh được mạnh thêm và điểm yếu được hạn chế, khắc phục dần. Hoạt động rèn luyện bản thân cũng phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, khoa học và toàn diện, góp phần tạo nên nhân cách đầy đủ, hài hòa. Có thể nói rèn luyện bản thân chính là mục tiêu của giáo dục. Đã giáo dục là phải rèn luyện, không rèn luyện thì sẽ không thể thành công, không thể thành nhân. Các em tự khám phá để hiểu bản thân mình giống như hiểu các đặc điểm, thuộc tính của vật liệu. Và để vật liệu đó trở thành sản phẩm có ích thì nhất thiết phải kì công tôi luyện, rèn dũa (“Ngọc bất trác bất thành khí”). Không rèn luyện thì dù các em có sở hữu những phẩm chất, năng lực tốt đến mấy cũng sẽ rất khó thành công trong học tập và cuộc sống. 2.2. Tổ chức hoạt động hướng đến xã hội Hoạt động hướng đến xã hội bao gồm ba nhóm hoạt động chính là hoạt động chăm sóc gia đình, hoạt động xây dựng nhà trường và hoạt động xây dựng cộng đồng. Gia đình có thể xem là đơn vị xã hội nhỏ nhất và thân thiết, gần gũi nhất với mỗi người. Các em học sinh được sinh ra, được chăm sóc, giáo dục trước hết từ gia đình thân yêu của mình. Nếu các công việc và các mối quan hệ gia đình được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân khi hoạt động trong các phạm vi xã hội rộng lớn hơn. Bởi vậy hoạt động chăm sóc, hướng đến gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, là một mục tiêu giáo dục không thể bỏ qua. - Giáo viên tổ chức, hướng dẫn cho các em tìm hiểu những kiến thức cơ bản về gia đình như mối quan hệ giữa các thành viên, vai trò, trách nhiệm của các thành viên, sự tương đồng và khác biệt về tâm, sinh lý, sức khỏe giữa các thành viên từ đó các em nhận thấy được cần phải làm gì và ứng xử như thế nào với bố mẹ, ông bà, anh chị em…trong gia đình mình. - Tổ chức những buổi sinh hoạt ở lớp, ở trường để trao đổi, thảo luận, chia sẻ về các kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm về công việc trong gia đình. Có thể mời các chuyên gia về gia đình học đến tư vấn, trao đổi với các em. - Tổ chức các hình thức sân khấu “tình huống gia đình” để các em thử tham gia giải quyết các vấn để về công việc và mối quan hệ gia đình. Đây là những tình huống giả định nhưng thật sự bổ ích, giúp các em có thêm nhiều phương pháp, kinh nghiệm có thể vận dụng trong gia đình của mình một lúc nào đó. Một trong những tình huống rất phổ biến, dễ xảy ra trong mọi gia đình là có người thân bị đau ốm, tai nạn…Các em cần phải trải nghiệm tình huống thiết thực này để giúp được người thân khi xảy ra sự việc. Qua đây các em cũng hiểu một điều rằng không phải chỉ có bác sỹ mới có trách nhiệm về vấn đề ốm đau, bệnh tật, không phải chỉ có công an, cứu hỏa mới lo việc hỏa hoạn, tai nạn, rủi ro…
  4. Kỷ yếu hội thảo khoa học 197 Hoạt động trải nghiệm hướng đến, xây dựng nhà trường cũng rất thiết thực với các em học sinh. Đây là môi trường diễn ra hoạt động học tập, giáo dục chủ yếu và có tác động hết sức quan trọng đối với nhân cách các em. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức tốt các hoạt động giáo dục vì học sinh thân yêu và ngược lại học sinh phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhà trường-ngôi nhà chung của các em. Hoạt động trải nghiệm hướng đến nhà trường góp phần rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh đồng thời góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng tốt các yêu cầu giáo dục đề ra. - Tổ chức cho các em tìm hiểu các công trình, bộ phận của nhà trường như nét kiến trúc, cảnh quan, khuôn viên, phòng truyền thống, thư viện, phòng thí nghiệm, sân thể thao…để nắm bắt được chức năng, ý nghĩa của chúng, từ đó làm nảy sinh ở các em những cảm xúc, tình cảm tích cực đối với nhà trường. - Tổ chức cho các em những cuộc giao lưu, tiếp xúc với các thầy cô giáo và các anh chị, các em học sinh trong trường. Đây là những cơ hội cho các em rèn luyện kĩ năng giao tiếp với nhiều đối tượng giao tiếp khác nhau về độ tuổi, trình độ, chuyên môn, tính cách, giới tính…Qua giao tiếp với thầy cô, bạn bè, đời sống tình cảm của các em chắc chắn sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn, từ đó yêu mến thêm ngôi trường của mình. - Tổ chức, hướng dẫn cho các em tập phát hiện ra những nguy cơ mất an toàn trong trường học, chẳng hạn như mất an toàn về điện, về cháy nổ, về nguy cơ ngã từ tầng cao, về bạo lực học đường, về nguy cơ gãy đổ của cây cối, công trình…rồi suy nghĩ tìm cách ngăn ngừa, xử lý, khắc phục. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS tham gia hoạt động diễn tập phòng cháy chữa cháy trong khu vực nhà trường. Hoạt động này một mặt giúp các em ý thức được sự nguy hiểm của “lửa”, hỏa hoạn, mặt khác hình thành một số kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy nói chung và phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường nói riêng. - Tổ chức cho các em tham gia các hoạt động đoàn thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để vừa rèn luyện, phát triển bản thân vừa góp phần xây dựng phong trào lành mạnh, bổ ích của nhà trường. Hoạt động hướng đến cộng đồng là hoạt động có phạm vi xã hội rộng lớn, đa dạng và phức tạp hơn cả. Trong chừng mực của lứa tuổi học sinh THCS, có thể tổ chức cho các em làm quen, tiếp xúc và trải nghiệm với môi trường xã hội này. Đây là môi trường hoạt động không thể thiếu được trong cuộc đời của các em. - Tổ chức cho các em đi tham quan thực tế một số cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đóng trên địa bàn và tiếp xúc với nhiều thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau như nông dân, công nhân, thương nhân, công an, bộ đội, vận động viên thể thao, phát thanh viên, người dẫn chương trình, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, người khuyết tật, trẻ em mầm non…để mở rộng tầm hiểu biết cũng như tăng cường kĩ năng giao tiếp cho các em. Qua hoạt động này các em sẽ có cái nhìn tổng quát hơn, sâu sắc hơn về xã hội, sẽ có suy nghĩ và hành động tích cực hơn, góp phần giúp đỡ mọi người, đóng góp cho xã hội trong khả năng của mình.
  5. 198 Kỷ yếu hội thảo khoa học - Tổ chức cho các em tham gia các hoạt động thiện nguyện và lao động công ích vào những thời gian hợp lý. Thói quen lao động và giúp đỡ, cống hiến của các em sẽ được hình thành và phát triển qua hoạt động này. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS đến thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ công việc cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt như trại thương binh, dưỡng lão, trẻ em mồ côi… 2.3. Tổ chức hoạt động hướng đến tự nhiên Hoạt động hướng đến tự nhiên bao gồm hoạt động tìm hiểu tự nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hoạt động tìm hiểu, bảo vệ môi trường. Tự nhiên là môi trường sống của tất cả chúng ta, có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt vì vậy hoạt động trải nghiệm này phải được thật sự chú trọng. - Tổ chức cho các em đi tìm hiểu tự nhiên từ trong trường cho đến ngoài trường. Đó có thể là bãi cỏ, bụi cây, vườn hoa, dòng sông, ngọn núi, hang động, biển cả, thời tiết, khí hậu, mặt trăng, mặt trời, là khu rừng, các loài thực vật, các loài côn trùng, bò sát, chim, thú, cá…Các em được nhìn ngắm, thưởng thức thế giới tự nhiên hết sức phong phú đa dạng và kì diệu. Tự nhiên phục vụ con người, bảo vệ con người và đôi khi cũng gây hại cho con người như các loại thiên tai. Tìm hiểu tự nhiên là để biết yêu quý nó đồng thời biết những mặt trái của nó mà phòng tránh, khắc phục. Các em tiến hành hoạt động trải nghiệm với tự nhiên bằng việc quan sát, nghiên cứu các đối tượng tự nhiên đồng thời suy nghĩ về các phương án duy trì, bảo vệ chúng sao cho không bị suy giảm về số lượng và xuống cấp về chất lượng, sao cho cảnh quan tự nhiên giữ được mãi mãi vẻ đẹp nguyên sơ tuyệt vời. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS đi thực địa ở một ngọn núi, khúc sông, bãi biển, cánh đồng lúa, tham quan vườn bách thú, bách thảo trên địa bàn hay ngoài địa bàn tùy vào điều kiện cụ thể. - Tổ chức cho các em tìm hiểu thực tế về thực trạng môi trường và ô nhiễm môi trường, các tác nhân chính, phụ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới môi trường. Các em sẽ hiểu môi trường sống thật là rộng lớn, đa dạng, có khắp mọi nơi, đó là trong nhà, ngoài ngõ, đường phố, cánh đồng, đó là bầu trời, cánh rừng, sông, biển, đó là chợ, công viên, rạp hát, nhà máy, công sở…Khi các em hiểu rõ được vai trò vô cùng quan trọng của môi trường sống cũng như tác hại vô cùng lớn của ô nhiễm môi trường thì các em sẽ hình thành ý thức bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và sẽ có những hành động tương ứng, phù hợp để góp phần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS đi xem tận mắt những hậu quả của nạn ô nhiễm môi trường như: cá tôm chết ở các sông, hồ; rác rưởi, tắc nghẽn ở các kênh, mương; rác thải ngập tràn trên các bãi biển, khu phố; khói, bụi mịt mù ở các nhà máy, công xưởng…hay cho các em xem các phim phóng sự, khoa học về môi trường, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính… 2.4. Tổ chức hoạt động hướng nghiệp Tất cả học sinh sẽ phải có một nghề nghiệp nhất định trong tương lai. Nghế nghiệp là những việc làm cụ thể giúp họ kiếm sống, tạo niềm vui và trau dồi các phẩm chất,
  6. Kỷ yếu hội thảo khoa học 199 năng lực sở trường. Yêu cầu của giáo dục phổ thông là phải có kiến thức phổ thông toàn diện, phải hình thành, phát triển được những phẩm chất, năng lực cơ bản đồng thời phải có định hướng nghế nghiệp ngày một rõ nét theo từng cấp học. Vì vậy hoạt động hướng nghiệp cũng phải được chú trọng. - Tổ chức cho các em các đợt tìm hiểu thực tế về nhiều loại nghề nghiệp khác nhau ở trên địa bàn như các nghề thủ công, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, kinh doanh, công nghệ cao, hành chính, y dược, sư phạm…bằng cách xem họ làm và nói chuyện, trao đổi với họ về các ngành nghề, thậm chí có thể trực tiếp làm thử nếu được phép. Qua hoạt động này các em sẽ cảm thấy yêu thích nghề nào và phù hợp với nghề nào. Chẳng hạn giáo viên có thể tổ chức cho học sinh THCS đi tham quan, trải nghiệm tại một số làng nghề (làm đồ mộc, đồ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, ẩm thực, mây tre đan, dệt…), hay tại một số nhà máy có quy trình sản xuất dây chuyền, hiện đại, áp dụng công nghệ điều khiển tự động, hay tại một số cửa hàng, siêu thị-nơi diễn ra hoạt động mua bán sôi động, phong phú đa dạng… - Tổ chức cho các em các buổi trao đổi, thảo luận hoặc báo cáo thu hoạch về hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp của mình để rồi dần dần các em có định hướng, quyết định cụ thể, rõ ràng, nghiêm túc túc hơn về nghề nghiệp tương lai của mình, từ đó đề ra kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với định hướng ấy. Tuy nhiên điều cần lưu ý ở đây là yêu cầu định hướng nghề nghiệp đặt ra ráo riết hơn ở cấp THPT, còn ở cấp THCS còn mang tính khởi động, tập dượt. Các em có thể duy trì định hướng nghề nghiệp của mình hoặc có thể thay đổi ở những thời gian tiếp theo bởi vì có rất nhiều yếu tố tác động đến việc lựa chọn này. 3. Kết luận David Kolb, một chuyên gia giáo dục nổi tiếng đã nêu quan điểm về vai trò của hoạt động trải nghiệm đối với người học, đại ý là: Học tập được tiếp nhận tốt nhất là trong quá trình chứ không phải là kết quả. Học tập là một quá trình liên tục được khởi nguồn từ kinh nghiệm. Quá trình học tập đòi hỏi giải pháp cho những sự xung đột về sự thích nghi của các phương thức đối lập biện chứng về thế giới. Học tập bao gồm các tương tác giữa con người với môi trường. Học tập là quá trình tạo ra tri thức, là kết quả của các giao dịch giữa các kiến thức xã hội và kiến thức cá nhân... Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp diễn ra có hiệu quả cao hay không là phụ thuộc vào việc tổ chức, điều hành. Nếu vấn đề này không được chú trọng đúng mức thì sẽ dẫn đến những sai sót, hạn chế khi tiến hành các hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới, rất mong nhận được sự góp ý của mọi người.
  7. 200 Kỷ yếu hội thảo khoa học Tài liệu tham khảo [1] Bộ GD và ĐT (2018), Chương trình giáo dục phổ thông-Chương trình tổng thể, Hà Nội. [2] Bộ trưởng Bộ GD và ĐT (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, Hà Nội. [3] Bộ GD và ĐT (2018), Chương trình giáo dục phổ thông-Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Hà Nội. [4] Nguyễn Thu Hương (2017), Kinh nghiệm tổ chức tham quan thực tế cho học sinh THPT, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. [5] Huỳnh Văn Sơn-chủ biên (2018), Phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh phổ thông, NXB ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2