intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong hoạt động ngân hàng

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

438
lượt xem
84
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khác hoàn toàn với các điều luật liên quan đến tội phạm hình sự trong hoạt động ngân hàng đã nêu trong các bài viết trước đây, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong hoạt động ngân hàng có những đặc trưng pháp lý rất dễ nhầm sang tội lừa đảo. Từ lừa đảo đến lạm dụng tín nhiệm có một khoảng cách pháp lý nhất định nhưng chúng ta lại cho là đồng nhất, xét ở góc độ ngân hàng thì hành vi chiếm đoạt tài sản đó là lừa đảo nhưng theo pháp luật thì...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong hoạt động ngân hàng

  1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong hoạt động ngân hàng Khác hoàn toàn với các điều luật liên quan đến tội phạm hình sự trong hoạt động ngân hàng đã nêu trong các bài viết trước đây, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong hoạt động ngân hàng có những đặc trưng pháp lý rất dễ nhầm sang tội lừa đảo. Từ lừa đảo đến lạm dụng tín nhiệm có một khoảng cách pháp lý nhất định nhưng chúng ta lại cho là đồng nhất, xét ở góc độ ngân hàng thì hành vi chiếm đoạt tài sản đó là lừa đảo nhưng theo pháp luật thì chỉ là lạm dụng tín nhiệm. Theo quy định tại Điều 140 của BLHS 1999 về Tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì: “1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
  2. b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
  3. b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”. Theo các quy định nêu trên thì hành vi phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, có thể nói hoạt động cho vay là hoạt động kinh doanh chính. Ngân hàng căn cứ các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan để thực hiện cho vay. Khách hàng đến vay tại ngân hàng phải đáp ứng đủ các điều kiện cho vay, ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay (nếu có) thì ngân hàng mới giải ngân đồng thời ngân hàng thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay theo quy định. Mục đích khách hàng đến ngân hàng vay rất đa dạng, nhưng thường là vay để kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư hoặc có thể vay để phục vụ sinh hoạt gia đình như tiêu dùng, cưới hỏi, mua sắm thiết bị máy móc, ô tô, xe máy hoặc có thể là mua nhà ở… tất cả các mục đích này đều hợp pháp và bên cạnh đó khách hàng đã có phương án trả nợ được ngân hàng chấp thuận và cho vay. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, thanh toán lãi và gốc đúng hạn. Nhiều khách hàng, khi được ngân hàng giải ngân đã dùng số tiền được vay sử dụng vào các mục đích khác, mục đích bất hợp pháp hoặc trốn tránh, gian dối nhằm làm cho ngân hàng không thu hồi được các khoản đã cho vay. Do đó, tùy từng trường hợp
  4. cụ thể, hành vi sai phạm của khách hàng có thể bị cơ quan tố tụng xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đây, theo BLHS 1985 chỉ quy định là có hành vi được coi là “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…” là bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không quy định các tình tiết cụ thể và chi tiết của hành vi phạm tội dẫn đến nhiều trường hợp hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, nhiều trường hợp bị kết án oan về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà lẽ ra họ chỉ là bị đơn trong vụ án dân sự, tranh chấp kinh tế. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hạn chế tối đa việc “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế và tránh oan sai, BLHS 1999 đã quy định chi tiết, cụ thể các hành vi cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và chỉ người nào có hành vi phạm tội với đầy đủ các tình tiết theo quy định của BLHS 1999 mới bị xem xét truy cứu theo tội này. Phân tích, đánh giá về nội dung điều luật 1. Người thực hiện hành vi phạm tội Tương tự như người thực hiện các hành vi phạm vào các tội xâm phạm sở hữu khác, người thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các quy định tại Khoản 3 - Tội rất nghiêm trọng hoặc Khoản 4 - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của Điều luật. Trường hợp người phạm tội trực tiếp thực hiện các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là CBNV ngân hàng thì cũng phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi nêu trên.
  5. 2. “Quy định” bị vi phạm ? Quy định bị vi phạm chung nhất ở Điều luật này là quy định về sở hữu tài sản, cụ thể là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Trong hoạt động ngân hàng, quy định về sở hữu tài sản được thể hiện qua các quy định nội bộ của ngân hàng. Tài sản ngân hàng đặc trưng và cụ thể nhất là vốn. Tài sản này được ngân hàng quản lý rất khoa học, chặt chẽ theo quy trình, quy chế nội bộ nhất định và rất đầy đủ như quy định về quản lý ngân quỹ, quy định về cấp tín dụng, quy định về hoạt động quản lý tài sản cố định, tài sản lưu động khác và đặc biệt là các quy định về việc kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định và nghiệp vụ nêu trên nhằm đảm bảo an toàn vốn và tài sản của ngân hàng. 3. Hành vi phạm tội, hậu quả và mối quan hệ với hành vi phạm tội 3.1 Hành vi phạm tội: Các hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 140 BLHS 1999 được quy định là hành vi nhằm “chiếm đoạt” tài sản, nhưng sự chiếm đoạt được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và có đặc trưng khác hoàn toàn với các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể: - Việc chuyển giao tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản sang người phạm tội là do tín nhiệm và hoàn toàn ngay thẳng để người được giao tài sản sử dụng (hợp đồng vay, mượn, thuê), bảo quản (hợp đồng trông giữ, bảo quản), vận chuyển (hợp đồng vận chuyển), gia công (hợp đồng gia công, chế biến), sửa chữa (hợp đồng sửa chữa). Trong hoạt động ngân hàng thì việc chuyển giao tài sản từ ngân hàng sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp là hợp đồng cho vay (Hợp đồng tín dụng). - Sau khi đã được ngân hàng cho vay, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện
  6. bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu, người quản lý tài sản - CBNV ngân hàng giống như thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: A ký hợp đồng tín dụng vay của ngân hàng 5 tỷ đồng để kinh doanh thiết bị ô tô. Tuy nhiên, khi được ngân hàng thanh toán cho mua số thiết bị ô tô theo cam kết, lợi dụng sự lơi lỏng trong kiểm soát của ngân hàng, A đã chỉ đạo nhân viên rút ruột toàn bộ lô thiết bị ô tô để bán lấy tiền đánh bạc và chi tiêu cá nhân hết, A có thể bị xem xét truy cứu về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. - Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý định không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản (ý thức chiếm đoạt tài sản) thì được xác định là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu việc bỏ trốn của người phạm tội khi đánh giá khách quan và toàn diện thấy rằng không phải vì mục đích trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu, người quản lý tài sản mà vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: A vay của ngân hàng 4 tỷ đồng. Khi nhận tiền vay ngân hàng thì A cho B vay lại 2 tỷ đồng. Trong quá trình vay, A đã trả ngân hàng được 1,2 tỷ đồng rồi kinh doanh thua lỗ không trả được, A phát hiện ra nơi B đang trốn nợ nên âm thầm đi đòi, không thông báo cho ngân hàng. Ngân hàng phát hiện A sử dụng vốn sai mục đích, không thể liên hệ được vì tin A đã bỏ trốn nên đề nghị công an khởi tố A tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 6 tháng sau A về mang theo tiền trả ngân hàng, cơ quan điều tra xác định việc bỏ trốn của A không nhằm trốn tránh mà đi đòi nợ trả ngân hàng nên không coi A có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản ngân hàng. - Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, nhưng lại dùng vốn vay của ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến
  7. không có khả năng trả nợ cho ngân hàng thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ngân hàng. Ví dụ: A ký hợp đồng tín dụng vay của ngân hàng 1 tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, khi được ngân hàng cho vay, A đã không kinh doanh vận tải theo cam kết trong đơn đề nghị vay và hợp đồng tín dụng đã ký mà đánh bạc hết, ngân hàng phát hiện, A bị truy cứu về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hiểu thế nào là dùng vốn vay ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp là một vấn đề không đơn giản, nếu theo nghĩa rộng thì “bất hợp pháp” là không đúng với pháp luật, không phân biệt đó là pháp luật gì, thì hầu hết các trường hợp không có khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng đều bị coi là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy những trường hợp bị xác định là dùng vốn vay vào các mục đích “bất hợp pháp” thường được hiểu là những trường hợp dùng vốn vay vào việc thực hiện tội phạm như dùng tiền vay ngân hàng để hối lộ, để buôn lậu, buôn bán hàng quốc cấm, để mua bán ma túy, để mua bán chất độc, chất cháy nổ… hoặc đơn giản là để đánh bạc, đánh lô đề. Nếu không xác định là dùng tiền vay ngân hàng vào mục đích phạm tội mà dùng vào mục đích bất hợp pháp khác như trong một số trường hợp, do kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán nhưng vẫn tiếp tục vay mượn anh em, bạn bè để trả nợ ngân hàng hoặc vay nợ mới để trả nợ cũ hoặc dùng tiền vay ngân hàng không kinh doanh đúng mục đích cam kết ban đầu nhưng để mua sắm vật dụng gia đình nhằm phục vụ sinh hoạt, chi tiêu, mua ô tô, xe máy, xây, sửa nhà … thì phải xem xét, đánh giá từng trường hợp, điều kiện cụ thể để xác định hành vi đó đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay chưa ?
  8. Cần phân biệt rõ việc dùng tiền vay ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp với việc dùng tiền vay ngân hàng không đúng mục đích đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng cho vay đã ký. 3.2 Hậu quả và mối quan hệ của hậu quả với hành vi phạm tội Theo quy định của BLHS 1999 thì hậu quả đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới 1.000.000 đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế như hiện nay thì việc các tổ chức, cá nhân giao dịch kinh doanh, dân sự được nâng lên rõ rệt, mức tiền để xác định ranh giới giữa hành vi phạm tội và hành vi hành chính, dân sự chỉ là 1.000.000 đồng đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, ngày 19/06/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã họp và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS1999. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2010 giá trị tài sản bị chiếm đoạt tại khoản 1 Điều 140 BLHS 1999 đã được thay đổi từ mức “1.000.000 đồng” thành “4.000.000 đồng”. Như vậy, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1999 có hiệu lực thì người nào có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ 4.000.000 (bốn triệu đồng) đồng trở lên mới bị xem xét truy cứu theo tội và hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 140 BLHS 1999. 4. Lỗi, động cơ và mục đích phạm tội
  9. Lỗi: Người thực hiện hành vi bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng là lỗi cố ý, chứ không phải do vô ý. Tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể cơ quan tố tụng sẽ xem xét các tình tiết, đánh giá các hành vi nhằm xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp để tuyên buộc người phạm tội chịu các mức hình phạt cụ thể. Động cơ và mục đích phạm tội: Động cơ và mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm là nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có sau khi có được tài sản bằng các hình thức hợp lý, hợp pháp nhưng ký hợp đồng, cam kết nhằm thỏa thuận giao tài sản. Nếu mục đích chiếm đoạt tài sản có trước và việc tiếp cận ngân hàng nhằm chiếm đoạt thì có thể xác định hành vi đó là thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chứ không phải là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: A thực hiện thủ tục vay vốn hợp pháp tại ngân hàng để thực hiện kinh doanh vận tải, khi vay được tiền A không kinh doanh vận tải theo cam kết mà lấy tiền vay để hối lộ. A bị cơ quan tố tụng xem xét theo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lừa đảo.Ngược lại nếu cùng trường hợp trên nhưng A giả mạo giấy tờ, tài liệu, hợp đồng nhằm tiếp cận ngân hàng để vay vốn thì tùy từng trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể A có thể bị xem xét truy cứu theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngân hàng chứ không phải tội lạm dụng tín nhiệm. 5. Hình phạt Trước đây, BLHS 1985 cũng có quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng chia thành hai điều luật cụ thể, Điều 135: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và Điều 158: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.
  10. Tuy nhiên, theo BLHS 1985 thì hình phạt nhẹ hơn rất nhiều, theo đó, nếu phạm tội thì hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến một năm và không có hình phạt bổ sung, không có hình phạt tiền và hình phạt tù cao nhất cũng chỉ đến 12 năm tù (Điều 158) hoặc 20 năm tù (Điều 135), cả hai điều luật đều được chia thành 3 khoản quy định khá chung chung và ngắn gọn. Ngược lại, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo BLHS 1999 đã không có sự phân biệt về tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân nữa mà gộp chung thành một điều quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói chung. Điều 140 BLHS 1999 được chia thành 5 khoản và quy định khá rõ và cụ thể, chi tiết đến từng hình phạt: có hình phạt chính thấp nhất là “cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm” và cao nhất đến tù chung thân, có hình phạt bổ sung là “phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”. Như vậy, khác với hình phạt quy định trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999) có hình phạt cao nhất đến tử hình thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân, nhưng đều có điểm chung là có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một đến năm năm. Kết luận chung về tội phạm trong hoạt động ngân hàng Có thể nói, hoạt động kinh doanh ngân hàng đã và đang đem lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, các cán bộ nhân viên trong đó cũng được hưởng chế độ lương, thưởng cao. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng có thể mang lại nhiều rủi ro cho chính cán bộ tác nghiệp nếu không thực sự cẩn trọng, tuyệt đối tuân thủ các quy chế nội bộ của ngân hàng. Nắm chắc quy định pháp luật, nắm
  11. chắc quy trình, quy chế nội bộ của ngân hàng là kim chỉ nam cho cán bộ ngân hàng tác nghiệp, qua đó vừa kinh doanh có hiệu quả cho ngân hàng mà chính bản thân mình cũng được hưởng thật nhiều chế độ do ngân hàng ưu đãi. Ở góc độ tội phạm, hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng đã và đang là đích ngắm của bọn tội phạm. Dĩ nhiên, hoạt động tội phạm không thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh của ngân hàng nhưng nó cũng gây thiệt hại rất lớn cho ngân hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, làm cho nhân dân không yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng. Tội phạm lừa đảo ngân hàng thời gian gần đây càng trở lên nguy hiểm hơn khi nền kinh tế chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với sự hội nhập kinh tế, chúng ta sẽ mở cửa đón cơ hội và điều kiện mới phát triển đất nước nhưng cũng là “đón chào” các thế hệ tội phạm lừa đảo tinh vi, hiện đại hơn… chỉ có chống rủi ro đơn giản thôi chưa đủ, mà cần có sự phối hợp thống nhất trong các ngân hàng cùng các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan tố tụng là vô cùng quan trọng. Công tác phòng chống tội phạm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung cũng như công tác phòng tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nói riêng đều cần nêu cao các biện pháp phòng hơn tránh. Trang bị kiến thức và kinh nghiệm cho CBNV ngân hàng về các hành vi của tội phạm ngân hàng và điều luật cụ thể quy định hình phạt của loại tội phạm này cũng là một trong những công tác trọng tâm cần được các ngân hàng lưu ý. Bản thân tác giả, sau khi phân tích các hành vi phạm tội, hình phạt và hậu quả của loại tội phạm trong hoạt động kinh doanh ngân hàng qua các bài viết liên quan chỉ mong giúp và chỉ ra các hành vi phạm tội, mức độ hậu quả và sự liên đới trách nhiệm có thể xảy ra với các CBNV ngân hàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ,
  12. công việc được giao nhằm giảm bớt thiệt hại cũng như là gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho ngân hàng về loại tội phạm nguy hiểm này. Hy vọng các phân tích, đánh giá của tác giả trong các bài viết về tội phạm hình sự trong hoạt động ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng và CBNV ngân hàng có kiến thức nhất định với cái nhìn tổng quát nhất về những hành vi phạm tội, hậu quả và thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời lưu ý với những đặc trưng riêng của từng loại tội phạm hình sự để có phương án hữu hiệu nhất nhằm phòng chống tội phạm này có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Theo Luật sư Phan Văn Lãng - Tạp chí Ngân hàng (Số 21/2009) Tài liệu tham khảo: - Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999; - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999; - Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng; - Giáo trình “Luật hình sự Việt Nam” Trường ĐH Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Bộ Công an phát hành; - “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành; - Các báo, tạp chí và bài viết, nghiên cứu khoa học liên quan.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2