intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TRỤ SINH (Antibiotic)

Chia sẻ: Mi Sa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

229
lượt xem
21
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mấy ngày nay bạn bị cái nhọt ở tay hành, đau nhức quá. Đi bác sĩ, bác sĩ biên cái toa cho bạn dùng trụ sinh (còn gọi kháng sinh). Trước khi đưa viên thuốc vào miệng, bạn tò mò nhìn ngắm viên thuốc be bé. Đời là trường tranh đấu, khắp nơi đều bãi chiến trường. Đúng đấy, chiến tranh đang xảy ra ngay ở chỗ tay bạn có cái nhọt. Cơ thể bạn đang huy động súng ống, xe tăng, bộ binh đến để bao vây quân thù vi trùng, bảo vệ cơ thể bạn. (Nếu cái nhọt có...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TRỤ SINH (Antibiotic)

  1. TRỤ SINH (Antibiotic) Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương Mấy ngày nay bạn bị cái nhọt ở tay hành, đau nhức quá. Đi bác sĩ, bác sĩ biên cái toa cho bạn dùng trụ sinh (còn gọi kháng sinh). Trước khi đưa viên thuốc vào miệng, bạn tò mò nhìn ngắm viên thuốc be bé. Đời là trường tranh đấu, khắp nơi đều bãi chiến trường. Đúng đấy, chiến tranh đang xảy ra ngay ở chỗ tay bạn có cái nhọt. Cơ thể bạn đang huy động súng ống, xe tăng, bộ binh đến để bao vây quân thù vi trùng, bảo vệ cơ thể bạn. (Nếu cái nhọt có mủ, mủ ấy là xác của những bạch huyết cầu, những chiến sĩ đã hy sinh, cộng với xác quân thù). Nhọt chưa có mủ, nhưng có vẻ đang lớn dần, và chung quanh chỗ bị nhọt hôm nay tấy đỏ nhiều hơn. Lần này quân thù đông đảo, mạnh và hung dữ quá, quân nhà đang núng thế. Những kẻ thù của chúng ta Con người chúng ta sống chung hòa bình với nhiều kẻ thù và bạn, kềm giữ lẫn nhau: vi trùng (bacteria: những sinh vật rất nhỏ, dùng kính hiển vi mới nhìn thấy được), siêu vi trùng (virus: còn nhỏ hơn vi trùng, dùng kính hiển vi thường không thể nhìn thấy, mà phải dùng kính hiển vi điện tử, hoặc những phương pháp đặc biệt mới có thể nhận diện), ký sinh trùng (parasites: nôm na là các bệnh sán lãi), nấm (fungus: gây các bệnh nấm ngoài da, thỉnh thoảng cũng gây những bệnh nấm cho các cơ quan trong cơ thể), ... Nay là bạn, mai đã trở mặt thành thù. Bạn đừng lo, trong cái thế chiến lược phức tạp, cơ thể bạn có riêng một hệ thống phòng thủ tinh vi: các bạch cầu (white blood cells), các kháng thể (antibodies), ... Khi có quân thù nguy hiểm xâm nhập, thí dụ vi trùng, lập tức hệ thống phòng thủ được báo động và mau chóng ứng chiến. Máu trong các động mạch vận chuyển các bạch huyết cầu và kháng thể đến chỗ có quân thù xâm nhập. Các bạch cầu bao vây, ăn sống nuốt tươi kẻ thù, còn các kháng thể bám vào quân thù, làm vướng tay chân, làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của chúng, khiến chúng dễ bị các bạch huyết cầu tiêu diệt. Chỗ nướu răng hôm nọ bị sưng, chẳng uống trụ sinh gì cả, hôm nay tự nhiên bớt. Hôm nọ, bạn vô ý để dao cứa vào tay, tưởng phen này lại phải tốn tiền đi bác sĩ xin trụ sinh, thế nhưng vết thương cũng tự lành. Những chiến sĩ vô danh đã âm thầm ngày đêm chiến đấu để cơ thể bạn được an lành. Có nhiều người không may mắn, sinh ra với khiếm khuyết của hệ thống phòng thủ, nên dễ bị nhiễm trùng. Có những người khác, chơi bời để mang họa vào thân, vướng lấy bệnh AIDS, hệ thống phòng thủ của mình bị siêu vi trùng AIDS giải giới. Các kẻ thù khác (vi trùng, siêu vi trùng, nấm, sán lãi) thừa cơ hội hệ thống phòng thủ của người bệnh AIDS hư hoại, tấn công người bệnh, gây những bệnh nguy hiểm chết người. Thắng bại là chuyện thường tình. Không phải trận chiến nào hệ thống phòng thủ trong cơ thể bạn cũng đả bại được quân thù. Bằng chứng là cái nhọt ở tay bạn đang to dần. Không khéo, vi trùng có thể phá vỡ vòng vây bạch cầu, vào máu, gây nhiễm trùng máu, và theo
  2. máu đến các cơ quan gây những hiểm họa khác. Không khéo, một trận chiến toàn diện sẽ bùng nổ, và phần chiến bại sẽ về phe ta. Nếu không có những hỗ trợ từ bên ngoài. Trong thế kỷ 20, trụ sinh là một trong những phát minh lớn lao nhất đã cứu mạng sống nhiều con người. Cơ chế hoạt động của trụ sinh Vi trùng hàng trăm loại, thường có vỏ cứng bên ngoài bảo vệ chúng. Đa số các trụ sinh, bằng nhiều cơ chế khác nhau, ngăn cản sự thành hình của “vỏ” trong tiến trình phát triển của vi trùng. Cũng có những trụ sinh tác dụng cách khác: ngăn cản sự cấu tạo chất đạm (protein, một chất biến dưỡng quan trọng của sinh vật) vi trùng, hay chui vào bên trong vi trùng, phá hoại sự biến dưỡng của chúng, khiến chúng không lớn được, hoặc chết. Còn nhiều cơ chế khác nữa trụ sinh dùng để giết hay ngăn cản sự sinh sôi nảy nở của vi trùng. Đại loại, trụ sinh có hai nhóm chính: nhóm giết vi trùng (bactericidal, như nhóm ngăn cản sự hình thành “vỏ” vi trùng), và nhóm ngăn cản sự sinh sôi nảy nở của vi trùng (bacterostatic), để hệ thống phòng thủ của cơ thể bạn có dịp chỉnh đốn lực lượng, tự càn quét quân thù. Tuy nhiên, tụi vi trùng cũng không vừa gì. Chúng coi nhiều trụ sinh như pha. Có loại đẻ ra đã kháng (resistant) nhiều trụ sinh, vì di truyền tính ngang ngạnh của bố mẹ. Có loại vi trùng, trước vẫn chịu khuất phục bởi một trụ sinh (trong y học, gọi là “sensitive”), nhưng nay đã kháng lại. Thí dụ, rất nhiều loại vi trùng nay đã cười khinh, coi “Ampi” là vũ khí dởm, vì Ampicillin là một trụ sinh bị dùng bừa bãi nhất. (Có vị uống Ampicillin như thuốc an thần, bị bất cứ gì cũng bỏ một viên Ampicillin vào miệng... cho yên tâm!). Vi trùng kháng thuốc bằng nhiều cơ chế. Có con phá hủy thuốc (destruction), làm thuốc mất tác dụng. Có con củng cố vỏ cứng quanh mình, không để trụ sinh tàn phá. Có con tự thay đổi cơ cấu mình, để các quân cảm tử trụ sinh, đột nhập vào được bên trong vi trùng, nhưng không tìm ra được mục tiêu phá hoại. Có con khôn ngoan trục xuất được trụ sinh ra khỏi cơ thể nó, trước khi trụ sinh kịp tác dụng. Thuốc trụ sinh tìm thấy đầu tiên là những thuốc Penicillins. Sau đó đến Ampicillin, Tetracyclines, Erythromycin, Chloramphenicol (Tifomycine), Sulfonamides, ... Dùng nhiều, những thuốc này ngày càng bị các vi trùng lờn mặt, coi thường. Cũng may, vỏ quít dầy có móng tay nhọn, các nhà vi trùng học lần luợt tìm ra những vũ khí mới: Aminoglycosides, Vancomycin, Rifampin, Metronidazole, Cephalosporines, Quinolones, ... Những thuốc hiện đang nổi danh trong y giới là những thuốc thuộc các nhóm Cephalosporins và Quinolones. Đây quả là những thần dược, trị được nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác nhau. Tuy nhiên, các bác sĩ được khuyến cáo không nên dùng nhiều những thuốc này, nếu chưa thực sự cần thiết, để tránh tình trạng khiến các vi trùng có dịp làm quen với thuốc và sau đó kháng thuốc. Thuốc trụ sinh, khi dùng, được tính toán kỹ lưỡng, để sao cho có nồng độ đủ cao trong máu, và trong mô, chỗ có nhiễm trùng, để giết, ngăn vi trùng. Đây là cả một công trình, vì việc này dựa vào sự tính toán cơ thể người bệnh hấp thụ thuốc ra sao, thuốc vào cơ thể
  3. sẽ được phân phối đi đâu, biến dưỡng như thế nào, rồi cuối cùng được thải ra khỏi cơ thể bằng cách nào. Thuốc trụ sinh được hấp thụ dưới 3 dạng: - Uống: bên ngoài môi trường bệnh viện, đa số người bệnh nhiễm trùng được cho dùng thuốc uống, vì thuốc uống rẻ hơn, tiện lợi, ít gây phản ứng hơn thuốc chích. Dùng đúng, thuốc uống rất hữu hiệu. Nhiều thuốc trụ sinh mới ta chỉ uống 1 hay 2 lần mỗi ngày, rất tiện. Sự hấp thụ một vài loại thuốc trụ sinh qua đường uống có thể bị giảm khi có thức ăn hay một loại thuốc khác trong đường tiêu hóa, do đó những thuốc này nên uống vào lúc bụng đói, hoặc không nên dùng chung với một thuốc đặc biệt nào đó (thí dụ, thuốc Tetracycline nên dùng lúc bụng đói, và không nên dùng chung với Maalox, Mylanta). - Chích thịt: ở phòng mạch hay trong môi trường bệnh viện, đường chích thịt ít được dùng, vì gây đau và bất tiện, có khi còn gây phản ứng nguy hiểm. - Truyền đường tĩnh mạch (intravenous administration): rất tiện lợi trong bệnh viện, khi thuốc uống không đủ để trị các bệnh nhiễm trùng nặng. Thuốc hấp thụ 100%, lượng thuốc trong máu lên cao ngay sau khi truyền thuốc. Bằng đường nào cũng vậy, sau khi hấp thụ, thuốc sẽ vào máu, được máu đưa đến các nơi trong cơ thể. Nồng độ của thuốc phải cao đủ ở chỗ có nhiễm trùng để giết vi trùng. Có nhiều chỗ trong cơ thể thuốc khó đến (như xương, nhiếp-hộ tuyến, ...), có khi thuốc phải dùng lâu mới trị được loạn quân vi trùng ẩn náu ở đó. Bỏ thuốc sớm khiến sự chữa trị trở thành nửa vời, vô ích. Với mỗi bệnh nhiễm trùng, đã có những tính toán chính xác thuốc phải dùng bao nhiêu ngày mới được coi là sẽ đem đến chiến thắng vinh quang. Có nơi như mắt, thuốc uống trụ sinh tới được rất ít, trụ sinh dùng tại chỗ (thuốc nước trụ sinh nhỏ, ointment thoa vào mắt) tác dụng mạnh hơn nhiều. Có nơi mụn nhọt nhiễm trùng đã thành bọc mủ (abscess). Mủ làm giảm tác dụng của trụ sinh, và bọc mủ cần được rạch mổ cho thoát hết mủ, trụ sinh dùng mới hoạt động mạnh được. Ngoài ra, đa số những vi trùng, khi xâm nhập, đều ở ngoài các tế bào của cơ thể chúng ta, dàn trận theo thế mặt đối mặt. Một số vi trùng như Legionella, Chlamydia, Brucella, Salmonella chui vào tận bên trong các tế bào, đánh thế nội công. Ta phải dùng đúng trụ sinh cũng vào được trong các tế bào để diệt những vi trùng này. Có vào thì có ra, sau khi làm xong nhiệm vụ, giống bất kỳ thuốc nào khác, thuốc trụ sinh được thải khỏi cơ thể. Hai đường thải chính là gan và thận. Nếu một hay cả hai cơ quan này của người bệnh đều hư hỏng, không thải được thuốc như bình thường, lượng thuốc cần giảm bớt để khỏi lên đến độ độc hại cho cơ thể. Hoặc nếu gan hỏng, nhưng thận còn tốt, ta dùng những thuốc không thải qua gan, song thải qua thận, hay ngược lại. Kẻ thù nào, vũ khí nấy. Trụ sinh chỉ chống vi trùng (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cảm hay cúm, bệnh viêm gan (do siêu vi viêm gan B chẳng hạn), bệnh chó dại, bệnh AIDS, ... Dùng trụ sinh để chữa bệnh do siêu vi, chẳng khác dùng trụ sinh để chữa bệnh ký sinh trùng hay nấm, tốn kém, không cần thiết vì không hữu hiệu, vừa có thể gây các phản ứng tai hại.
  4. Trong các bệnh nhiễm trùng do vi trùng, bất cứ khi nào, nếu có thể, bác sĩ sẽ lấy những chất tiết (mủ ở chỗ có nhọt, cổ họng, nước tiểu, đàm trong phổi, ...) có chứa vi trùng, đem cấy để nhận diện kẻ thù. Sau khi được nhận diện, vi trùng lại được đem thử, để xem còn “chịu” (sensitive) hay đã “kháng” (resistant) thuốc trụ sinh nào. Việc cấy trùng và thử thuốc mất khoảng vài ngày, có khi lâu hơn. Trong lúc chờ đợi, bác sĩ thường dùng tạm một thuốc trụ sinh nghĩ có thể kiểm soát được vấn đề. (Trong tiến trình nhận diện kẻ thù, có khi người bác sĩ lại gặp trở ngại gây do chính đồng minh chí thiết của mình: người bệnh. Nhiều người bị nhiễm trùng, dùng Ampicillin trước ở nhà với thói quen: bị gì cũng uống Ampicillin vài ngày đã... rồi sẽ tính. Cũng có người chốc nữa đi bác sĩ, nhưng bây giờ cứ dùng tạm vài viên Ampicillin trước... cho yên tâm. Ampicillin dùng trước ở nhà, chẳng trị được gì, nhưng có thể làm vi trùng không mọc khi cấy trùng. Cấy trùng không mọc, biết con nào đang gây loạn đây, để mà đánh cho đúng?). Khi có kết quả cấy trùng và thử thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh sự chữa trị, có thể tiếp tục thuốc hiện đang dùng, hoặc đổi thuốc khác chính xác hơn. Dựa vào những khảo cứu y học, người bác sĩ cũng nắm vững võ khí của mình, biết tác dụng của các thuốc trụ sinh ra sao, giết hay ngăn những vi trùng nào, có thể gây những phản ứng bất lợi nào khi vào cơ thể người bệnh. Bác sĩ cũng cần nắm vững trận địa, tức chỗ bị nhiễm trùng, nắm vững cơ thể và tình trạng tổng quát của người bệnh, đồng thời những thuốc khác bệnh nhân đang dùng. Nếu hệ thống phòng thủ của người bệnh suy yếu (như trong bệnh thiếu bạch cầu), bác sĩ nên dùng những thuốc “giết” vi trùng (bactericidal), thay vì những thuốc chỉ có tác dụng “ngăn” vi trùng (bacteriostatic). Trụ sinh có thể gây phản ứng khi dùng chung với thuốc khác (drug interaction), có khi mãnh liệt và nguy hiểm. Bạn thấy đấy, trụ sinh là vũ khí riêng của bác sĩ, chỉ bác sĩ mới biết sử dụng. Không nên xin trụ sinh trữ sẵn ở nhà, để “khi có việc thì dùng”. Các bác sĩ cũng không cho bệnh nhân trụ sinh... làm quà đem về, “có việc gì thì dùng”. Sau cùng, nếu nhiều thuốc trụ sinh cùng có thể thỏa mãn những điều kiện nêu trên, người thày thuốc lại phải chọn thuốc nào rẻ nhất, dù là thuốc Medi-Cal cho, hay phải mua bằng tiền mặt. Trong y học, nguyên tắc chọn thuốc để chữa trị trước sau vẫn vậy. Những trụ sinh thường được dùng Sau đây là một số những bệnh nhiễm vi trùng dễ hiểu cần chữa bằng trụ sinh, và những trụ sinh thường được dùng (có thuốc rẻ, có thuốc rất đắt): - Nhiễm trùng da (như cái nhọt ở tay bạn): Dicloxacillin, Erythromycin, Keflex, Duracef, ... - Sưng hạch hầu do vi trùng S. pyrogenes (hay được gọi “Strep throat”): Penicillin, Erythromycin, ... - Nhiễm trùng tai giữa (otitis media): Amoxil, Augmentin, Ceftin, Zithromax, ... - Nhiễm trùng các xoang mặt (sinusitis): Septra, Amoxil, Augmentin, Ceftin, ...
  5. - Sưng phổi (pneumonia): Erythromycin, Septra, Amoxil, Augmentin, Ceftin, Zithromax, Biaxin, Doxycyclin, Floxin, Levaquin, … (viêm ống phổi thường không cần chữa bằng trụ sinh). - Nhiễm trùng đường tiểu: Septra, Noroxin, Cipro, Levaquin, ... Còn cảm hay cúm? Tất cả các trụ sinh trên đều chẳng ăn thua, vì ta đã biết, cảm, cúm gây do siêu vi trùng. Không thể tưởng tượng được phải không bạn, viên thuốc nho nhỏ bạn cầm trong tay, sắp vào cơ thể bạn để giúp bạn chống lại lũ vi trùng đang làm bạn khổ sở, lại có một lịch sử ly kỳ và khoa học đến thế. Công sức của bao người đấy. Bạn hãy yên tâm dùng nó đúng như bác sĩ chỉ dẫn. Và cũng đừng tự ý dùng trụ sinh, nếu không có ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương 8748 E. Valley Blvd., Ste H Rosemead, CA 91770 Tel: (626) 288-3306 Copyright, 2009. Muốn phổ biến bài viết này, cần xin phép tác giả và xin ghi rõ nguồn Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2