intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Truyện ngắn Tiếng sóng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

60
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chỉ một lát nữa thôi bộ phim sẽ được bấm máy, Hải miên man nghĩ khi một mình đi dọc theo bãi biển. Hải cũng biết đây không phải là bộ phim dễ xơi, mặc dù kể từ khi tốt nghiệp đạo diễn ở nườc ngoài về anh đã cho ra đời những bộ phim gây được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn, và được quần chúng đón nhận nồng nhiệt. Kịch bản trong phim cũng phác họa những số phận quá nghiệt ngã, lại dựa vào chính câu chuyện xảy ra tại gia đình anh. Cái cảm giác...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Truyện ngắn Tiếng sóng

  1. Tiếng sóng TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ VIẾT NGHIỆM Chỉ một lát nữa thôi bộ phim sẽ được bấm máy, Hải miên man nghĩ khi một mình đi dọc theo bãi biển. Hải cũng biết đây không phải là bộ phim dễ xơi, mặc dù kể từ khi tốt nghiệp đạo diễn ở nườc ngoài về anh đã cho ra đời những bộ phim gây được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn, và được quần chúng đón nhận nồng nhiệt. Kịch bản trong phim cũng phác họa những số phận quá nghiệt ngã, lại dựa vào chính câu chuyện xảy ra tại gia đình anh. Cái cảm giác gai gai, sờ sợ, cứ bảng lảng đâu đó lúc thì xa khi lại gần. Nhưng anh có cơ sở để tự tin tất cả những gì anh đang dàn dựng, đều lấy từ tư liệu truyền thống của Quân chủng Hải quân, từ lời mẹ anh kể và bằng linh cảm nghề nghiệp. Anh công phu vào Nam ra Bắc tìm kiếm, lựa chọn trong nhiều tháng trời mới có được một dàn diễn viên thật sự như ý. Anh còn mời gọi được cả Cố vấn quân sự, một vị đại tá dày dạn kinh nghiệm xông pha trận mạc trong chiến tranh ở chiến trường miền Nam trung bộ. Đa số diễn viên họ còn rất trẻ và có hòai vọng say mê nghề nghiệp, nếu bộ phim thành công chắc chắn trong số họ biết đâu nhiều người bay cao, bay xa, nổi tiếng trên con đường nghệ thuật. Cũng như bao nhiêu người khác, anh cùng đòan làm phim khi mới đặt chân tới vùng đất này việc làm đầu tiên là đến thắp hương, đặt vòng hoa lên mộ kính viếng hương hồn các liệt sĩ đã hy sinh, xin phép vong linh họ hãy phù hộ cho đòan làm việc thành công như mong muốn. Hải đưa tay sờ vào những dòng chữ được khắc trên bia đá, cái hơi lạnh của sương đêm toả ra làm tim anh như thắt lại đau nhói. Anh cố cầm lòng để khỏi bật lên tiếng khóc, ấy thế mà nước mắt lại cứ trào ra mặn chát cả bờ môi. Xong đâu đấy anh quay về nơi các nhân viên phục vụ, cùng phương tiện kỹ thuật đang chờ đợi và ê kíp diễn đã sẵn sàng. Trời sâm sẩm tối biển xanh đen như tóc con gái, gió từ ngoài khơi xa thổi
  2. vào ào ạt nghe vi vu như tiếng hát ngàn đời của đại dương. Anh liếc nhìn đồng hồ rồi bước tới chỗ đứng của tổng đạo diễn. Một phát pháo hiệu vút lên giữa trời đêm, anh giơ tay khoát mạnh và tiếng anh vang lên dứt khoát: “Máy!”. Biển hòn Hèo như sôi lên chao đảo, chiến trường xưa được tái hiện thật hùng vĩ như trong kịch bản và trong trí tưởng tượng của anh. Tiếng gầm rú của máy bay phản lực. Tiếng phành phạch của những chiếc trực thăng và tiếng xích sắt xe tăng ầm ầm lướt qua ống kính. Ngoài khơi những chiếc tàu chiến đen trùi trũi đang từ từ tiến vào. Hàng chục ngọn đèn pha cực mạnh, sáng đến lóa con mắt quét qua quét lại. Lọt thỏm ở giữa là một con tàu bé nhỏ, dập dềnh không số, không tên, mỏng manh như chiếc lá. Đêm biển Nha Trang trời sáng trắng ánh đèn du và những đường đạn lửa đan chéo nhau. Trên con tàu lạ đó những bóng người chạy qua chạy lại dựa vào các vật cản, bắn trả những khối thép khổng lồ vây quanh vô vọng, hình dáng họ nhập nhòa trong khói súng. Trên đài chỉ huy thuyền trưởng Phan Vĩnh đầu tóc sổ tung, mặt xạm đen thân gầy hốc hác, đi đi, lại lại. Chợt anh dừng bên người chiến sĩ lái tàu, người lính đó còn rất trẻ, tay vẫn nắm chặt vành vô lăng nhìn Vĩnh chờ đợi. Vĩnh úp bàn tay mình chồng lên tay đồng đội, hơi ấm của họ toả sang nhau như thay lời muốn nói một lời thề. Một lời thề mà trước lúc xuống tàu lên đường nhận nhiệm vụ “Quyết hy sinh”. Tiếng súng lại gầm lên dữ dội từ phía những con tàu địch ngày một gần hơn. “Còn sự lựa chọn nào không?”. Một câu hỏi ứa máu khiến lòng Vĩnh đau thắt. “Không!”. Đúng là không có lựa chọn nào khác nữa! Chỉ còn cách đó! Cách đó anh mới cứu được họ, rồi anh ra lệnh cho tất cả rời tàu. Giọng anh khản đặc trong tiếng sóng và tiếng gió, khi cái bóng cuối cùng lao vút xuống lòng biển sâu, Vĩnh đứng trên boong nhìn theo giây lát rồi anh bước nhanh xuống hầm máy. Vài phút sau một tiếng nổ mạnh và biển hòn Hèo cồn lên cơn sóng. Biển như bị xé tan giữa không gian đỏ ối một màu lửa, con tàu dần biến mất trong đêm mênh mông sóng. “Cắt!”. Hải ra lệnh cúp máy. Nước mắt anh rịn ra làm nhòe đôi mắt kính. Cảnh phim, tiếng nổ, hoàn toàn do chính anh dàn dựng thế mà anh cứ nghĩ nó như là thật. Phải chăng bố anh đã hy sinh trong một hoàn cảnh tương tự? Anh cảm giác cơn khát nước ứ lên đến cháy
  3. vòm họng, rồi anh cuối xuống lấy một chai nước suối mở nắp giơ cao uống ừng ực. Nước mát tràn ra đầy mặt, khiến lòng Hải nhẹ vơi đi đôi chút. *** Đêm sau cách biển vài trăm sải chân trên một mỏm đồi lúp xúp cây rừng, đòan làm phim tiếp tục cảnh quay theo chương trình kịch bản. Cảnh mà Hải gửi nhiều cảm xúc vào đoạn phim này, những người dân trong vùng sau vụ nổ tàu ra biển đi kiếm tìm xác thuỷ thủ ta đã hy sinh. Đêm trời mưa tầm tã, bóng người lòng khòng đen đủi, kẻ vác, người khênh những thân thể sũng nước. Họ cuốc cuốc, cào cào, rồi đặt từng cái xác chết vào hố. Họ khỏa lấp vội vàng và chấp tay lầm rầm khấn vái. Công việc diễn ra nhanh chóng bi thương dâng trào tột độ. Giống như lúc họ đến, họ lại lặng lẽ biến đi trong đêm. Trời về khuya gió từ khơi xa thổi vào làm những bụi cây đung đưa vật vờ nghiêng ngả, tạo nên một không gian ma quái rờn rợn. Xa xa trên đỉnh đèo Cả, những vệt đèn pha xuyên trong màn đêm giống như một thanh kiếm sắc. Tiếng gầm rát bỏng của máy và tiếng nghiền của xích xe M.113 cạp trên mặt đường nghe buốt bát. Ống kính lúc xa lúc gần bám theo vai diễn. Hải thẫn thờ trước sự sáng tạo có hồn, của các diễn viên hóa thân vào nhân vật. Anh nghĩ rồi đây khi bộ phim được trình chiếu thành công, sẽ là thông điệp gửi tới các thế hệ mai sau một cái nhìn chân thực về cuộc chiến tranh, những gì xảy ra trong quá khứ mà cha ông họ từng trãi qua. Nhưng khi anh đang miên man trong niềm vui, trong mơ ước, bỗng xuất hiện một người lạ hoắcnhư chui từ dưới đất lên và người ấy nói lớn: - Không … không phải thế! - Cắt. Hải khoát tay ra lệnh dừng. Anh sững sốt nhìn thấy một ông già, tóc phất phơ bạc dãi dầu sương gió. Ông lao đến trước mặt anh. Hải cảm giác nóng bừng bùng lên và khó hiểu. Ông ta là ai? Tại sao ông ta lại có mặt ở đây? Không để Hải kịp nói, ông già vẫn khoát mạnh cánh tay phản đối quyết liệt: - Không … không phải thế!
  4. Ông già nói với các diễn viên vừa diễn và mắt ông hướng nhìn ra biển xa. Thật lạ lùng, biển cuồn cuộn nổi lên như một tác nhân giúp ông tăng thêm nội lực. Một lát ông ngoắc đầu nhìn về phía Hải. Ông sãi những bước chân dài đến gần bên anh, hai khuôn mặt họ suýt chạm vào nhau nghe được cả nhịp hơi thở gấp. Rồi tiếng ông gào lên như thét: - Bịa, bịa tất! Hải đã trấn tĩnh phần nào, giọng anh dịu xuống và nói với ông: - Dạ thưa ông. Ông là ai ạ? - Tôi chả là ai cả. - Nhưng ông vừa nói là… chúng tôi … - Đúng. Các anh bịa, bịa! - Có nghĩa là ông đã được chứng kiến sự kiện này? - Phải! “Ôi”. Hải suýt kêu lên vì sung sướng. Anh hoàn toàn tin vào linh giác của mình. Anh không còn thấy mình bị xúc phạm, trái tim anh đang có được vận may. - Thưa ông, nhưng người ta đã báo tử cả mười ba thủy thủ hy sinh trong lần con tầu không số đó bị bại lộ? - Đúng, nhưng tôi vẫn sống. Tôi đang ở đây. Cái đêm khủng khiếp ấy tôi đã cùng họ chiến đấu đến phút cuối cùng. Hải rút khăn mùi xoa thấm mồ hôi đang vã ra trên mặt, tiếng anh lắng xuống, quả tim anh hồi hộp: - Dạ thưa ông. Vậy ông có thể cho biết, ngày ấy trận đánh đã diễn ra như thế nào được không ạ? - Để làm gì? Để cho các anh tiếp tục diễn cái trò này phải không? Bịa, bịa. Chiến tranh không phải như vậy! Các người không biết xấu hổ hay sao? Nói rồi ông phá lên cười, giọng ông chua chát nghe khàn khàn của muối.
  5. - Thưa ông. Quả thực chúng tôi còn rất trẻ, lại chưa từng trải qua cuộc chiến tranh? Ông già ngúc ngắc cái đầu, khẽ thở dài rồi đáp: - Các anh giải thích cuộc chiến tranh, theo cách nghĩ chủ quan của riêng mình? - Dạ thưa ông. Đúng là có biểu hiện như thế, nhưng không phải là tất cả. Chẳng hạn chúng tôi có mặt tại đây là để thực hiện tác phẩm phim này, như tỏ lòng tri ân đối với những người đã khuất. Chúng tôi có được niềm tin về quá khứ, để tiếp cận hơn với sự thật nhưng cũng biết rằng không dễ dàng gì, liệu ông có thể giúp chúng tôi đạt tới điều ấy, và nếu không phiền cho chúng tôi nói lời cảm ơn ông? Gương mặt ông già lạ đã nhẹ đi, nhưng cái nhìn còn xa xăm và ngoài kia biển đêm vẫn bao la thăm thẳm. *** Ông già đã kể cho đoàn làm phim biết vì sao ông ở đây. Ông cũng nói rằng kịch bản phim của Hải là bịa, sự bịa đặt có thể đánh lừa người khác nhưng thiếu tính thuyết phục vì chính ông là người trong cuộc. Và câu chuyện bắt đầu từ cái đêm cuối tháng ba, năm một nghìn chín trăm sau mươi bảy. Ông nói khi đó đơn vị của ông đang đóng quân ở bên bờ sông Gianh tỉnh Quảng Bình, nhận được lệnh của Quân chủng Hải quân dùng tàu vận chuyển vũ khí, vượt biển khơi chi viện cho mặt trận phía Nam Quân khu V. Đêm đó trời Quảng Bình do ảnh hưởng của đợt gió mùa đông Bắc cuối cùng, nên có mây đen đặc quánh, mưa bay lất phất buốt lạnh tái tê. Ông cùng những người lính trẻ xuống một con tàu chất đầy vũ khí ngụy trang xếp dưới đáy thân tàu, và thuỷ thủ đều đóng giả thành người dân chài đi khơi bắt cá. Bốn ngày đầu tàu ông lênh đênh trên biển, gặp nhiều thuyền ngư dân đánh cá nơi con tàu đi qua mà không bị một trở ngại gì. Nhưng sang ngày thứ năm, khi tàu ông chuyển hướng chuẩn bị cập vào bến giao hàng thì bị lộ, hai chiếc trực thăng bay lượn rát rạt trên đầu, săm soi tìm kiếm. Một lát sau trên mặt biển có nhiều chiếc tàu chiến địch, hụ còi lướt sóng bám theo tàu ông. Ông bình tĩnh sát hiện tượng đó rồi cho tàu chạy chậm, tàu địch cũng giảm tốc độ đề phòng. Vậy là rõ âm mưu của địch, chúng muốn bắt sống tàu của ông. Tình thế lúc này thật nguy hiểm, tiến lui đều không
  6. thể. Chỉ còn có hai cách lựa chọn, đầu hàng hoặc chiến đấu đến cùng và hy sinh? Nhưng ông nghĩ đầu hàng là nhục nhã! Còn hy sinh? Chao ôi hôm ấy, dù lúc ra đi ông và những chiến sĩ của ông đã làm lễ tuyên thệ “thà quyết hy sinh cho tổ quốc trường tồn!”. Nhưng khi nhìn những gương mặt anh em mới ngoài hai mươi tuổi, trong lòng ông lại nghĩ khác. Trời ơi nếu không có chiến tranh? Không có chiến tranh, những con người trẻ trung này sẽ được học hành tử tế. Sẽ trở thành những nhà trí thức tài ba, hay những người nông dân giỏi, công nhân giỏi trên mọi miền đất nước. Đa số họ đều chưa có vợ, có con, thậm chí chưa từng ngỏ lời yêu thương với một người con gái. Những ngày đêm trên biển gần như mọi người không ngủ, nên nhìn ai cũng nhợt nhạt hốc hác, nhưng riêng chỉ đôi mắt họ thì vẫn sáng đến lạ lùng. Ông thương đồng đội ông đến cháy lòng. Ông day dứt tự hỏi, liệu có còn cách nào cứu sống được họ không? Chẳng lẽ cứ nhất thiết phải hy sinh? Qủa thực trong cuộc đời ông, chưa bao giờ lại phải đối mặt với một tình huống đau lòng đến thế. Ông đi đi lại lại trong đài chỉ huy chặt hẹp, ngoài kia hàng chục chiếc tàu chiến địch vòng vây đang sít lại gần, và có tiếng loa kêu gọi tàu ông đầu hàng. Cuối cùng ông cũng quyết định, lệnh cho toàn bộ thuỷ thủ nhanh chóng thoát ra khỏi tàu bơi vào bờ. Chỉ bằng cách ấy ông hy vọng anh em mình sẽ bình an. Nhưng hôm đó khi nghe lệnh ông, mọi người nhìn nhau rồi lại nhìn ông vẻ hoài nghi ngơ ngác. Rồi có người hỏi ông “Cái gì?”. Ông tưởng họ không nghe hết mệnh lệnh của mình, nên nhắc lại lần nữa. “Các đồng chí nhảy xuống biển bơi vào bờ, rồi tìm cách bắt liên lạc với cơ sở để tiếp tục chiến đấu cùng nhân dân!”. Ông nhầm, hoá ra mọi người đều nghe rõ nhưng vẫn thản nhiên. Lòng ông đau muốn bật lên tiếng khóc, vì đó là lần đầu tiên cấp dưới chống lại mệnh lệnh của ông. Rồi bữa đó họ đồng thanh thét lên cùng một lúc: “Chúng tôi thà chết, chứ nhất định không bỏ tàu, không đầu hàng địch!”. Ông gào lên cốt để họ hiểu ông, hiểu mệnh lệnh của ông: “Tôi biết tinh thần của các đồng chí, nhưng hy sinh như thế nào để còn có ích hơn!”. Không ngờ, họ còn phản kháng quyết liệt hơn. “Không, thưa thuyền trưởng!”. Tất cả họ trơ ra. Cổ họng tôi tắc nghẹn. Họ xích lại gần nhau như một khối thép. Trên đầu những chiếc trực thăng quần lượn sát rạt, đạn bắt đầu bắn như mưa xung quanh thân tàu hăm doạ, âm mưu của chúng là để bắt sống chúng tôi và con tàu đêm hôm đó. Không còn thời gian nữa rồi. Ông chạy vào khoang máy, kiểm tra lại khối thuốc nổ đã đặt sẵn ở đây. Ông
  7. tra kíp, cắt ngắn thêm đoạn dây cháy chậm rồi châm lửa. Ông nhảy lên boong tàu, ôm chặt lấy những người đồng đội và cùng ngẩng cao đầu hướng về phương Bắc, hai phút sau một tiếng nổ khủng khiếp vang lên … Đạo diễn Hải thấy gai gai khắp người, sống lưng anh lạnh toát. Anh nhìn ra ngoài khơi xa như để giấu đi sự vụng về của mình. Anh xấu hổ khi nghĩ lại những cảnh phim đã quay, khô cứng có phần chủ quan và khiên cưỡng. Sự thật đã hoàn toàn khác, bi tráng và anh hùng biết bao. Ông già ngừng kể, nhưng đầu ông rũ xuống. Từng giọt, từng giọt nước mắt ông rơi, hai bờ vai run lên bần bật. Phải chờ đến vài phút, Hải mới đủ can đảm nhìn ông và hỏi: - Thưa ông, thật khó để tin ông có thể sống sót? - Đó là nỗi đau của tôi. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa giải thích nổi vì sao. Tôi đoán rằng sóng đã đánh dạt và hất tôi lên một phiến đá nằm khuất vào một khe núi sát bờ chỗ kia nhờ vậy mà tôi đã sống. Tỉnh lại tôi cố lết đi tìm đồng đội, hy vọng may ra có ai còn ai đó. Nhưng tôi chỉ nhặt được vài ba cái xác trong đêm đầu. Số khác sau này được người dân Ninh Vân tìm thấy, và chôn cất rải rác ở nhiều nơi trong khu vực này. Tôi đau đớn kéo nhích từng thân thể rách nát luồn lách qua từng lùm cây hốc đá. Trên trời thỉnh thoảng một con đầm già lượn qua thả một chùm pháo sáng. Đỉnh hòn Hèo chốc chốc một loạt cối bắn vu vơ xuống vũng, nơi con tàu vừa chìm nghe tắc ùm rát như chó cắn. Tôi vùi các bạn tôi bằng một mảnh thùng đạn vỡ. Bàn tay tôi toạc máu, nước mặn thấm vào buốc nhức đến tận xương. Sống mũi Hải cay cay rồi anh tự nhủ: “Mình đã sai lầm, nhưng cũng gặp may!”. Anh hồi hộp, hỏi tiếp: - Dạ thưa, sau đó ông đã đi đâu? - Một thời gian sau tôi bắt nối được với một đơn vị chủ lực, và chiến đấu tới ngày miền Nam giải phóng. - Ông đã có vợ và có con?
  8. - Vợ con ư? Tiếng ông lắng xuống. Cái cổ ông giần giật, một lúc sau ông nói tiếp: - Vợ thì có, nhưng con … . – Hải hỏi. - Quê ông ở đâu? Sao ông không về nhà? Vẫn cái nhìn xa lắc, ông chầm chậm như nói với biển trời sông nước. Quê ông ở Hai Dương, ngày xưa nghèo lắm. Bố mẹ ông làm ruộng. Nhà ông có hai anh em, ông là anh cả. Bố ông ít chữ nhưng biết nghĩ xa, quyết chí cho con ăn học. Bố ông luôn căn dặn “đời bố cực rồi, không biết nhiều chữ, bố còn sống còn làm việc quyết không để các con thất học!”. Nghe bố nói anh em ông thương đến trào nước mắt. Thế là ông lao vào học, học vì cái nghĩa cái hiếu là chính, chứ lúc đó đâu dám nghĩ sau này mình làm vương làm tướng gì. Những ngày tháng ông ở quê đi học, là ngày tháng gian lao đè nặng lên lưng bố mẹ. Mẹ ông già trước tuổi vì ngược xuôi chạy chợ, lo kiếm thêm tiền để có miếng cơm manh áo. Hết cấp ba ông thi vào Đại học Hàng hải, cái nghề ông ưa thích từ lâu do một lần lúc mới lên năm bố cho ông ra thăm người chú họ ở biển Đồ Sơn. Thật khó nói hết được cái cảm giác đầu tiên ấy, khi ông nhìn thấy những con tàu chạy trên đại dương xanh trong ngút ngát, một đàn chim có màu lông xám trắng mềm mại bay lượn giữa biển khơi. Chim như mang trên lưng nó cả một thế giới diệu kỳ huyền ảo đến mê hồn. Đó là loài chim Hải âu, nhưng mãi rất lâu sau ông mới biết. Cuộc thi năm đó thật bất ngờ, ông đã đạt điểm cao và được chọn đi Liên Xô học. Năm năm ở xứ người ông chăm chỉ nhặt từng con chữ, tốt nghiệp ông trở về nước vào giữa thời kỳ Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ra cả miền Bắc. Rồi ông vào bộ đội, năm ấy là năm một nghìn chín trăm sáu sáu. Do ông có chuyên môn người ta lại chuyển ông về Quân chủng Hải quân. Năm một nghìn chín trăm sáu bảy, ông được bổ nhiệm chức vụ Thuyền trưởng và ước mơ của ông đã trở thành hiện thực, nhưng không phải là Thuyền trưởng của một con tàu du lịch, hay tàu vận tải vượt đại dương đi khắp năm châu. Chuyện ông lấy vợ thật sự cũng làm ông khó nói. Ông bảo, ông cưới vợ trước lúc nhập ngũ chỉ có vài tháng. Còn vì sao lại như thế, đơn giản ông sợ lấy vợ rồi mình phải đi xa làm người ta vất vả. Vợ ông là một thôn nữ dịu dàng nết na và người có chí hướng. Khi ông có bằng đại học, thì cô ấy cũng cầm trong
  9. tay tấm bằng trung cấp thủy sản, công việc đó phần nào gần gũi với nghề sông nước của ông. Cuộc sống gia đình xem như tạm ổn, may vì bên vợ được cơ quan cấp cho một căn hộ tập thể ở trên tầng ba tại Hải Phòng. Nhưng cái tổ chim bồ câu đó cũng không ở được lâu, do chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, nên phải dời đi sơ tán nhiều nơi khác. - Sau giải phóng miền Nam ông có về thăm quê, thăm vợ? - Hải bất ngờ hỏi cắt ngang lời ông già lạ. Ông khẽ thốt lên. Trời ơi, cứ tưởng tượng xem có người lính nào lại không muốn về quê sau một thời gian dài xa cách? Ông háo hức đáp chuyến tàu nhanh thuận đường về thăm bố mẹ ông trước, nhưng ở quê ông chẳng còn ai thân thích ở đấy. Người ta nói khi nhận được tin ông hy sinh, mẹ ông đau đớn tột cùng chết đi sống lại. Nỗi đau của mẹ chưa hết, năm sau đứa em trai ông cũng hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Bà không chịu thấu trước những tin xấu dồn dập, nên đã mất lúc đó mới ở tuổi sáu hai. Bố ông một mình còm cõi, sinh bệnh như người mất trí, suốt ngày lầm rầm gọi tên các con và thần chết cũng đưa ông đi năm liền sau đó. Còn vợ ông ít người biết hơn. Họ chỉ nhớ khi ông cụ còn sống tuần nào, tháng nào cô ấy cũng về thăm và chăm sóc chu đáo. “Chị ấy thật tốt đức”, cả làng ai cũng khen như thế. Rồi ông lên Hải Phòng tìm đến nơi ở trước, cái lầu ba tập thể thì nhà đã chuyển. Bữa ấy ông đang lúi húi tìm nhà, một người bạn cũ đã nhận ra ông. Anh ta ôm chầm lấy ông hồi lâu, rồi chợt nhớ điều gì và đẩy ông ra cứ thế đứng nhìn ngắm thật lâu như không tin vào mắt mình vậy. “Đúng là nó. Trời ơi, thế mà người ta đã báo tử. Nó về thật rồi, nhưng …”. Giọng người bạn ông lấp lửng. Thấy thế, ông gạn mãi bạn mới nói: “Được tin cậu chết, vợ cậu đổ bệnh phải vào bệnh viện cấp cứu, thật may cô ấy cũng đã vượt qua. Ở đây bạn bè khuyên cô hãy rán mà sống vì giọt máu của cậu, đứa con của cậu, đời còn dài. Rồi thời gian nguôi ngoai dần nỗi đau, nhưng cuộc chiến tranh vào thời kỳ này lại quá ác liệt. Mẹ con cô ấy vô cùng vất vả, trong điều kiện đó vợ cậu đã quyết định đi thêm bước nữa”. Ông bị sốc vì cái tin đó. Chân ông run lên bần bật, tinh thần hụt hẫng và mồ hôi vã ra. Ông không kìm lòng được, gào lên: “Đồ…bội bạc! Đồ…khốn nạn!” và lần ấy ông quyết định không về nhà gặp vợ nữa. Nhưng lúc đó ông làm gì có nhà để mà về. Ông ngồi bệt xuống hè phố tủi hận cho đời. Ông bắt đầu nhận thấy cuộc sống cô độc ập đến. Nhưng lúc ông còn đang hoang
  10. mang, bỗng nghe có tiếng một đứa trẻ vang lên từ gác hai căn nhà trước mặt làm ông bừng tỉnh. Tiếng trẻ bấy giờ ông nghe sao ngọt ngào đến lạ. Một cảm giác bâng khuâng xốn sang dậy lên, trong từng mạch máu chảy li ti chực vở òa ra. Tiếng trẻ như cứu rỗi thể xác và linh hồn ông khi ấy. “Không, ông có quyền bắt giữ nó, ai dám cướp đi tình yêu của ông?”. Ông đứng bật dậy. Ông đi mà tưởng mình đang chạy trong cơn mê. - Xin ông mời nước. - Hải xúc động hai tay nâng cốc nước. Ông đỡ từ tay Hải, rồi đưa lên miệng nhấp một nhấp. Vẫn giọng buồn buồn thao thiết, ông tiếp tục mạch kể của mình. Ông đã đến số nhà mười lăm, theo lời người bạn chỉ ở ngõ phố Cấm, quận Ngô Quyền. Nhưng khi dừng trước cổng, ông lại không đủ can đảm để giơ tay gõ cửa. Mấy lần đặt bàn tay lên, rồi ông lại bỏ tay xuống. Ông hồi hộp nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu cánh cửa kia bật mở? Ai là người ông sẽ gặp đầu tiên? Cô ấy ư? Hay chồng cô ta? Họ sẽ cư xử với ông như thế nào? Còn ông nói với họ cái gì chứ? Không, ông chẳng có lý do gì để nói cả. Ông đã trở thành một người xa lạ, một kẻ tàn phế. Một kẻ không còn có tên, có tuổi trên đời này nữa. Gặp được con đó là điều duy nhất ông mong mỏi. Nhưng nếu gặp được nó, chắc gì ông có thể giải thích để con ông bằng lòng chấp nhận. Đúng vậy. Khi ông vào Quảng Bình để lên tàu vào Nam, ông đã không chắc rằng mình có một đứa con. Cứ thế một tuần liền ông cứ đi rồi đến trước cổng ngôi nhà đó. Ông do dự, liệu mình có nên xuất hiện nữa hay không? Mặc cho lòng ông khi đó day dứt đến não nề, tiếng đứa trẻ lại thúc dục ông. Và sáng nào ông cũng lại đến và ngồi dưới gốc cây bàng, nhìn sang bên kia đường đăm đắm. Ông mong chờ mỗi khi cánh cổng kia sẽ mở, để ông được nhìn thấy đứa con của mình và cô ta. Và cánh cổng kia lại mở, cô ta vẫn đẹp như ngày nào đi bên cạnh là người chồng và một đứa bé có khuôn mặt bầu bầu, tóc xanh dày, mũi cao và đôi mắt đen tròn rất sáng. Có hôm ông nghe tiếng nó gọi bố, giật mình ông định lao ra băng qua đường, nhưng chợt hiểu nó đâu phải gọi tên mình. “Trời ơi, sao cái đêm nổ tàu giá như tôi chết có hơn không?”. Ông từng có lúc yếu mềm đến thế. Vậy là ông đã được nhìn thấy con, đứa con mà suốt đời ông mong nhớ. Người bạn đã nói với ông, người chồng mới của vợ ông là một người tử tế. Thế thì ông mừng cho vợ con ông, đã có một người đàn ông nhân hậu, tài ba chăm sóc. Ông nghĩ, ông không thể bước vào ngôi nhà ấy nữa sẽ tốt hơn.
  11. Vả lại ông có gì để cho con ông, ngoài cái tên đã bị quên lãng? Thế là ông quyết định ra đi từ đó. - Dạ thưa, ông đã đi đâu sau từng đó năm? - Tôi xuất ngũ, nhà không còn chỗ để về nên đã vào đây. - Chỗ này thưa ông? - Đúng. Nơi này tôi đã ở hơn hai mươi năm. - Ông làm gì để sống? - Tôi chả làm gì. Tôi tự do. Tôi ở với những nấm mồ! Hải sửng sốt hỏi thật nhanh, như sợ ai tranh mất lời mình: - Những nấm mồ? - Họ là những đồng đội của tôi. Ông chỉ về phía đồi mồ. Nơi ấy sau giải phóng nhân dân địa phương đã dựng một cái bia bằng đá hoa cương, rộng một mét, cao một mét năm mươi. Họ khắc lên trên đó tên của mười ba người đã chết, trong sự kiện vụ nổ phá tàu ở biển Hòn Hèo. Mười ba người có cả tên ông. Ông sống bằng nghề làm hương. Hương ông tán từ rễ cây rừng có mùi thơm rất mịn, đi xa hàng trăm mét mà vẫn ngửi được mùi thơm thoang thoảng. Tiền ông thu được từ hương một phần đong gạo, phần dùng để mua hoa và quả. Tháng nào cũng vào ngày cuối tháng và ngày rằm, ông đem các thứ ông mua lên đồi mồ thắp hương cho đồng đội. Đêm đêm ông bần thần ngồi một mình trên bãi biển. Chỗ có con tàu nằm đó luôn ám ảnh ông. Dưới kia đáy biển sâu các tầng lớp sóng, ông như nghe có tiếng đồng đội mình đang thầm thì trò chuyện. Có lúc lại cười rộ lên, đôi khi ông còn nghe họ khóc, đó là những đêm gió chướng trở trời tối đen hun hút. Đạo diễn Lê Hải bỗng gào lên. Anh không còn đủ can đảm để nghe thêm dù chỉ là một giây. Anh chồm lên bất ngờ, rồi ôm chặt lấy ông già lạ mặt. Anh lắc mạnh làm áo ông rách toạc. Cái cốc trên tay ông rơi xuống, chạm vào một vật cứng dưới chân làm nó vỡ toang.
  12. - Bố ơi. Con là con của bố đây. Bố nhầm rồi bố ạ! Dù mẹ có thiếu lòng kiên trì, nhưng mẹ không hề có lỗi. Con yêu quý mẹ. Mẹ không bao giờ lãng quên hình ảnh của bố, khi nhận được tờ giấy báo tử trên tay mẹ đã không muốn sống, nhưng mẹ phải sống vì mẹ biết rằng mẹ còn có con. Mẹ đã làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ đối với bố và con. Mẹ mua nhiều hương hoa lễ vật để cầu vong cho bố, nhưng con cũng không bằng lòng với bố một điều. Trong chiến tranh người lính từng không hề biết sợ, nhưng trước cuộc đời bố lại trốn chạy như một kẻ thua trận. Bố chọn cách giải quyết dễ dàng nhất, gọn nhẹ nhất, để mọi phía được an bài, nhưng con và mẹ thì đau khổ vô cùng. Bố để mặc con thành đứa trẻ mồ côi, trong khi đó bố vẫn sống ở đây với đồng đội của bố chỉ còn là những nấm mồ? - Anh nhầm rồi. - Ông choáng váng hỏi lại. Tôi nghe người ta gọi anh là Hải. Anh là Tổng đạo diễn, là Nhà biên kịch phải thế không? - Bố ơi! Hải là tên nghề nghiệp của con, còn tên mẹ đặt cho con là Đợi. Ông già bỗng run lên lẩy bẩy. Ông chăm chắm nhìn vào khuôn mặt của Hải. Hình ảnh cái đêm chia tay ấy lại hiện về. Chiếc xe Zin ba cầu cắm đầy lá ngụy trang đậu ở ngã ba thôn. Ông được phép ghé về thăm vợ chốc lát vào lúc nửa đêm. Tới nhà cổng đã đóng, ông gọi gấp gáp. Nghe tiếng vợ ông ra mở cổng, thương chồng quá mà không đủ thời gian vào nhà. Đêm ấy dưới trời mưa lất phất, ông cùng vợ dựa vào thân cột ngoài hiên làm chuyện ấy như cách của con người khởi thuỷ xưa. Ngoài kia tiếng còi xe bin bin vọng đến từng chập, từng chập, giục giã. Ông bứt khỏi vòng tay vợ chạy về phía chiếc xe đang đỗ. Trong tiếng gió lời vợ ông vẳng đến: “Anh ơi… nếu có… đặt tên con là gì?”. Vừa chạy vừa cài cúc quần, ông ngoái đầu lại đáp: “Tùy em đấy”. Vợ ông nói với theo: “Con trai là Đợi được không?”. Ông đáp lại: “Ừ Đợi … Đợi”. Ông sờ lên tóc, lên má, lên môi. Ông nắn nắn đôi vai Hải sương đêm ướt đẫm. Ông ôm ghì Hải vào lòng, cùng tiếng gọi thiết tha tuôn trào nước mắt mà gần ba mươi năm ông mơ ước. - Con ơi. Bố là Phan Vĩnh đây. Vĩnh đây con ạ.
  13. *** - Cúp. - Tiếng máy quay xè xè vụt tắt. Hải ngây người nhìn những người bạn đồng nghiệp. Anh định hỏi thêm điều gì, nhưng nhà quay phim đã lên tiếng: - Xin lỗi Tổng đạo diễn. Lẽ ra chúng tôi phải được phép của anh, nhưng làm như vậy sẽ lỡ mất cơ hội. Máu nghề nghiệp mà! Chúng ta đã có được một cảnh quay thật giá trị, còn sau này có sử dụng những thước phim ấy hay không là tùy ở anh, những khoảnh khắc vừa qua không phải là lúc nào cũng xảy ra, phải không anh? - Cảm ơn các bạn! Hải ngước mắt nhìn gương mặt bố, những nét nhăn khắc khổ trên khuôn mặt ông như biến mất. Ông đã thật sự sống lại rồi. Ngoài khơi xa, trời đã hừng lên một màu tím. Từng đợt sóng ào ạt vỗ sô bờ, như tiếng reo vui của những người đồng đội của ông.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2