intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng trong lãnh đạo phát triển nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng trong lãnh đạo phát triển nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới" tập trung nghiên cứu một số nội dung có giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp để Đảng Cộng sản Việt Nam có thể vận dụng trong hoạch định chủ trương phát triển nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng trong lãnh đạo phát triển nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

  1. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TRONG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP XANH Ở VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI TS. Nguyễn Phương Hải Trường Đại học Hải Phòng Email: Phuonghaidhhp@gmail.com Tóm tắt: Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế nhân loại trong thời đại mới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”[7; 116-117]. Để phát triển được một nền kinh tế theo hướng đó thì phát triển kinh tế nông nghiệp xanh là một trụ cột mang tính nền tảng được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi tập trung nghiên cứu một số nội dung có giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp để Đảng Cộng sản Việt Nam có thể vận dụng trong hoạch định chủ trương phát triển nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam, nông nghiệp xanh, Tư tưởng Hồ Chí Minh HOCHIMINH'S THOUGHTS ON AGRICULTURE-BASED ECONOMY AND THE APPLICATION OF THE PARTY IN THE LEADERSHIP OF GREEN AGRICULTURE DEVELOPMENT IN VIETNAM IN DOIMOI Abstract: Green economic development is an inevitable trend of the human economy in the new era and Vietnam is no exception to that trend. Resolution of the XIII National Congress of the Party emphasized: “Continue to rapidly and sustainably develop the country, ensure macroeconomic stability, strongly innovate the growth model, improve productivity, quality, efficiency and competitiveness of the economy. Actively and effectively adapting to climate change, manage, exploit and use resources reasonably, economically, efficiently and sustainably; taking the protection of the living environment and people's health as the top goals; resolutely eliminate projects that pollute the environment, ensure the quality of the living environment, and protect biodiversity and ecosystems; building a green economy, a circular economy, friendly with the environment”[7; 116-117]. In order to develop an economy in that direction, green agriculture development is a fundamental pillar that we pay special attention to. In this short article, I focused on researching some valuable contents in Ho Chi Minh's thought 467
  2. on the role, goals and solutions for agricultural economic development so that the Communist Party of Vietnam can apply in planning and developing green agriculture in Vietnam in the doi moi period. Key word: Communist Party of Vietnam, green agriculture, Ho Chi Minh Thought 1. Đặt vấn đề Phát triển nông nghiệp xanh là phát triển một nền nông nghiệp với sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người bằng cách áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân những năng suất, hiệu quả vượt trội, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn. Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Trong xu hướng phát triển một nền kinh tế xanh thì phát triển nông nghiệp xanh - một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới. Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh bất khuất chống thiên tai, địch họa. Trong nhiều thời kỳ, dân tộc ta phải đương đầu với các cuộc chiến tranh nên thời gian cho hòa bình, xây dựng và phát triển kinh tế không nhiều. Hơn nữa, nền kinh tế nông nghiệp ở nước ta kém phát triển, phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, vì vậy, người nông dân phải liên kết với nhau, dựa vào thiên nhiên, thích nghi, vận dụng các qui luật của thiên nhiên và cùng thiên nhiên tồn tại và phát triển. Hoàn cảnh đó đã tạo nên những giá trị truyền thống của dân tộc như ý thức lấy nông nghiệp làm gốc, làm chính, tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên - tính cộng đồng, trọng tình - dân chủ, linh hoạt, mềm dẻo, hiếu hòa... Những giá trị truyền thống đó là một trong những nhân tố góp phần hình thành tư duy kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng ở Hồ Chí Minh. Là công dân của nước nông nghiệp, con đẻ của gia đình khoa bảng gốc nông dân, Hồ Chí Minh là một người am hiểu rất sâu sắc về nông nghiệp. Với am hiểu và mối quan tâm đặc biệt của Người dành cho nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều tư tưởng quan trọng, có giá trị về nông nghiệp mà Đảng ta có thể vận dụng trong quá trình xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh ở Việt Nam. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp là một bộ phận quan trọng hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, tư tưởng của Người về kinh tế, kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng trong lãnh đạo phát triển nông nghiệp Việt Nam thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học. Năm 2003, tác giả 468
  3. Phạm Ngọc Anh viết cuốn “Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế”. Cuốn sách là những nghiên cứu gợi mở nhiều nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế trong đó có kinh tế nông nghiệp. Cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với xây dựng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2004, tác giả Nguyễn Huy Oánh đã đưa ra một số phân tích của Hồ Chí Minh về nông nghiệp định hướng cho sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thực tiễn. Năm 2004, Nhà xuất bản Thống kê xuất bản cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và quản lý kinh tế” do Nguyễn Thế Hĩnh (chủ biên). Trong cuốn sách này, tập thể tác giả đã làm rõ rất nhiều quan điểm của Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và quản lý kinh tế nông nghiệp mà Đảng ta có thể vận dụng khi xây dựng và quản lý kinh tế nông nghiệp nước ta hiện nay theo hướng nông nghiệp xanh. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và quản lý kinh tế và sự vận dụng” do Ngô Minh Thuận chủ biên đã nêu được một số điểm mới trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. Năm 2005, GS. Song Thành cho ra đời cuốn “Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc”. Cuốn sách dành Chương 11 trình bày một cách khái quát nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong đó có đề cập đến tư tưởng của Người về kinh tế nông nghiệp. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2005, nghiên cứu một cách toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tác giả có đề cập đến vấn đề xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Năm 2007, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội xuất bản cuốn “Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh” của tác giả Cao Ngọc Thắng phân tích khá sâu sắc nhiều luận điểm của Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp có giá trị phục vụ cho việc hoàn thiện cơ sở để Đảng ta đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp ... Nghiên cứu chuyên sâu hơn về kinh tế nông nghiệp của Hồ Chí Minh, phải kể đến cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế” của tác giả Ngô Văn Lương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2010. Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viên Báo chí tuyên truyền có Đề tài khoa học cấp cơ sở “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế”, đề tài đã trình bày được cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng; một số nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, kinh tế nông nghiệp và quá trình vận dụng của Đảng... Cùng với các công trình nghiên cứu chuyên khảo, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng trong phát triển kinh tế nông nghiệp còn thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học. Bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và những gợi mở hiện nay” năm 2022 của PGS.TS. Lại Quốc Khánh. Bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới trong cuộc đổi mới hiện nay” năm 2023 của tác giả Vũ Trọng Hùng... Các công trình khoa học đã cung cấp nhiều nội dung cơ bản, phong phú góp phần giúp tác giả tham khảo, kế thừa trong quá trình hoàn thành bài viết. Về cơ sở lý thuyết, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế nông nghiệp là cơ sở lý luận và phương pháp luận để tác giả giải quyết đề tài bài viết. Về phương pháp nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu mà bài viết chủ yếu sử dụng là phương pháp lịch sử, phương pháp logic và các phương pháp cơ bản khác của khoa học 469
  4. lịch sử như phương pháp phân tích, khái quát, tổng hợp, hệ thống, so sánh, đối chiếu. Các phương pháp được kết hợp sử dụng để làm rõ những nội dung có giá trị sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hoạch định chủ trương phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng nông nghiệp xanh thời kỳ đổi mới. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp Vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của sản xuất đối với việc giải quyết vấn đề ăn, mặc, ở; tiếp thu truyền thống trọng nông của cha ông ta, xuất phát từ thực tiễn dân tộc, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm toàn diện và sâu sắc về xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam. 3.1.1.Quan điểm về vai trò của kinh tế nông nghiệp Vai trò của nông nghiệp được Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong luận điểm: “Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, truyển thống để nông nghiệp phát triển; nông nghiệp là gốc của nền kinh tế; là nền tảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, người nông dân và lĩnh vực nông nghiệp một cơ sở quan trọng của nhà nước và của xã hội; đời sống của người nông dân và trình độ phát triển của kinh tế nông nghiệp là thước đo, là cội nguồn sự giàu có về mặt vật chất, sự vững mạnh về mặt tinh thần, sự văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Chính vì vậy, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng. Một là, nông nghiệp cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo nhu cầu ăn, mặc, ở của toàn xã hội. Đứng trên lập trường duy vật mà xét, ăn là nhu cầu cơ bản, hàng đầu của con người và xã hội loài người. Xã hội có thể thiếu nhiều loại sản phẩm, nhưng không thể thiếu lương thực, thực phẩm. Nó quan trọng đến mức trời cũng không dám xâm phạm Trời đánh còn tránh bữa ăn; còn trong xã hội thì Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ. Như vậy, nông nghiệp chính là ngành kinh tế đảm bảo sự sinh tồn của con người và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một dân tộc. Về vấn đề ăn, Người đã nhiều lần nhắc lại câu tục ngữ có thực mới vực được đạo và Trung Quốc cũng có câu tục ngữ Dân dĩ thực vi thiên. Muốn nâng cao đời sống của nhân dân trước hết phải giải quyết vấn đề ăn rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác. Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực, thực phẩm. Do vậy, Người luôn nhắc nhở các tầng lớp nhân dân phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng nhiều cây lương thực, hoa màu, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, nghĩa là phải phát triển nông nghiệp. Về vấn đề mặc: Chính quyền mới phải làm cho dân có mặc, Người khuyến khích bà con nông dân phải tích cực trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm để có nhiều nguyên liệu dệt vải, dệt lụa - phải phát triển nông nghiệp. Về vấn đề ở: Nông nghiệp cũng góp phần quan trọng, Người cho rằng đây là một mặt của vấn đề dân sinh và là vấn đề rất quan trọng. Người thường xuyên vận động nhân dân trồng cây, gây rừng để vừa có gỗ, tre làm nhà ở lại vừa đảm bảo môi trường sinh thái. Sống dựa vào thiên nhiên, người dân Việt Nam nông nghiệp luôn có ý thức tôn trọng và sống gắn bó với thiên nhiên. Nét bản sắc văn hoá đó của dân tộc thể hiện rõ trong 470
  5. cách ứng xử luôn hướng tới sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Bằng năng lực tích hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với yêu cầu của thời đại, ngày 28 tháng 11 năm 1959, Hồ Chí Minh lấy bút danh Trần Lực đã viết bài: “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân. Người kêu gọi toàn dân: Mùa xuân là Tết trồng cây; Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân, trong một tháng (từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 6 tháng 2 năm 1960), mỗi người trồng ít nhất một cây, chăm bón cho tốt vừa để lấy gỗ làm nhà, vừa bảo vệ môi sinh (UNESCO mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX mới đề ra chương trình này), làm giàu cho Tổ quốc, vừa gìn giữ và phát huy một truyền thống tốt đẹp của cha ông - trồng cây cho đời sau hái quả. Như vậy, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hai là, nông nghiệp còn là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế quốc dân khác. Nông nghiệp cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp. Người thường nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp đối với công nghiệp, Người viết: “sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài. Phát triển nông nghiệp nhằm xây dựng một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất”[13; 25]. Người nhận thức rất rõ mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Trong mối quan hệ với công nghiệp, Người nhấn mạnh: “Nông nghiệp không phát triển thì công nghiệp cũng không phát triển được”[10; 469]. Tiếp đó, Người còn chỉ ra mối quan hệ giữa nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt này có mối quan hệ khăng khít và tác động lẫn nhau trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Trong tạp chí Sinh hoạt thương nghiệp, số đặc biệt, năm 1956, Người viết rằng, về nhiệm vụ thì phải hiểu rõ trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: “nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp”[13; 26]. Tuy nhiên do xuất phát từ một nước nông nghiệp, sản xuất nhỏ đi lên, trong từng giai đoạn cụ thể của cách mạng, nông nghiệp vẫn luôn được Hồ Chí Minh quan tâm và chú ý nhiều hơn. Người vẫn luôn khẳng định rằng: Nông nghiệp là ngành chính; Nông nghiệp là mặt trận cơ bản; Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu... Ngay từ năm 1949, ở vùng đã được giải phóng, Người đã nhận thức rõ về vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo lương thực, thực phẩm để kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Người viết: “Mặt trận kinh tế gồm có công nghệ, buôn bán, nông nghiệp. Ngành nào cũng quan trọng. Nhưng lúc này, quan trọng nhất là nông nghiệp, vì “có thực mới vực được đạo”, có đủ cơm ăn, áo mặc cho bộ đội và nhân dân, thì kháng chiến mới mau thắng lợi, thống nhất độc lập mau thành công”[9; 212]. Đến năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào giai đoạn quyết liệt, Người lại viết: “Quân và dân ta phải ăn no để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vì vậy, sản xuất lương thực, thực phẩm là rất quan trọng”[12; 287]. 3.1.2. Về mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp Mục tiêu phát triển nông nghiệp của Người thể hiện ở chủ trương phát triển một nền nông nghiệp toàn diện; một nền nông nghiệp phát triển hài hòa, cân đối có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện. Chỉ phát triển nền nông nghiệp toàn diện mới khai thác một cách có 471
  6. hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và càng đa dạng của sản xuất cũng như tiêu dùng. Ở nông thôn phải xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, nghĩa là phải phát triển cả nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Trong nông nghiệp lại phải phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, nghề phụ. Tính toàn diện của nền nông nghiệp phát triển được Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều lần, Người đặc biệt coi trọng tính toàn diện trong cơ cấu nông nghiệp. Theo Hồ Chí Minh, nền nông nghiệp toàn diện là một nền nông nghiệp mà trong đó tất các ngành đều phát triển toàn diện. Ngành trồng trọt phát triển toàn diện. Có ngành chăn nuôi phát triển toàn diện. Có ngành lâm nghiệp phát triển toàn diện. Có ngành ngư nghiệp phát triển toàn diện. Cùng với đó là các ngành nghề phụ cũng được phát triển. Theo Người, nền nông nghiệp phát triển toàn diện không thể là nền nông nghiệp phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, manh mún mà phải là nền nông nghiệp phát triển theo quy hoạch, kế hoạch được xây dựng trên cơ sở khoa học. Tính toàn diện trong phát triển nông nghiệp còn thể hiện rõ ở việc phải chuyên môn hóa, hợp tác hóa trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động đồng thời phát huy được lợi thế của từng địa phương, vùng miền cũng như khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tức là nơi nào sản xuất lúa nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất lúa là chính, nơi nào sản xuất chè nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất chè là chính, v.v... Chuyên môn hóa trong sản xuất trên nguyên tắc “sử dụng một cách hợp lý và có lợi nhất của cải giàu có của đất nước ta và sức lao động dồi dào của nhân dân ta. Làm như vậy thì sau này dùng máy móc cũng dễ và tiện”[10; 214]. Đây chính là vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp sao cho hợp lý và có lợi, phù hợp với các nguồn lực mà đến nay vẫn là một vấn đề đang đặt ra cấp bách. Hồ Chí Minh cũng luôn chú ý đến tính hài hòa, cân đối, có trọng tâm, trọng điểm trong phát triển. Phát triển nông nghiệp trong quan hệ hài hòa, cân đối với các lĩnh vực kinh tế khác, hợp tác hóa trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Khi nói về quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”[13; 27]. Hồ Chí Minh đề cập đến quan hệ hài hòa, cân đối giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp và thương mại. Người nói: “Giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục... với nhau và trong mỗi một ngành phải phát triển cân đối”[10; 470]. Hài hòa, cân đối, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Theo Hồ Chí Minh, trong từ bối cảnh cụ thể, phù hợp trình độ phát triển của nền kinh tế và phục vụ các nhiệm vụ chiến lược của đất nước phát triển nông nghiệp chính là trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế. Phát triển nông nghiệp với mục tiêu tạo nên sự hài hòa, cân đối, nhưng có trọng tâm, trọng điểm là một quan điểm độc đáo, sáng tạo và đầy tính hiện đại của Hồ Chí Minh. Thực tiễn đã chứng minh, quan điểm phát triển nói trên của Hồ Chí Minh là đúng đắn và đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. 3.1.3. Một số giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp. Thứ nhất, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Hồ Chí Minh 472
  7. luôn khẳng định về mặt chiến lược lâu dài là phải phát triển công nghiệp để tạo ra máy móc, phân hóa học, thuốc trừ sâu, hàng tiêu dùng cần thiết để phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Người chỉ rõ: “Quan trọng nhất trong đời sống nhân dân là vấn đề ăn. Để giải quyết tốt vấn đề ăn thì sản xuất lương thực phải dồi dào. Muốn như vậy thì công nghiệp phải giúp cho nông nghiệp có nhiều máy làm thủy lợi, máy cày, máy bừa, nhiều phân hóa học...”[11;439]. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, muốn ấm no thực sự thì phải phát triển công nghiệp, phải công nghiệp hóa đất nước. Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu v.v. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà. Thứ hai, trong nông nghiệp phải hợp tác hóa và xã hội hóa; quản lý và phân phối phải được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tất yếu tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, trong đó kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, làm nền tảng cho xã hội mới. Từ việc thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đến tất yếu thừa nhận nhiều hình thức quản lý và phân phối khác nhau. Người từng nói rằng, từ làm chủ tư liệu sản xuất, nhân dân phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động. Đó chính là cơ sở cho quan điểm dân chủ trong quản lý kinh tế và phân phối sản phẩm lao động. Người chỉ rõ rằng, chủ nghĩa xã hội là công bằng, hợp lý, nhưng sự công bằng và hợp lý đó phải theo nguyên tắc: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, những người già yếu, bệnh tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom. Trên cơ sở những nguyên tắc phân phối dưới chủ nghĩa xã hội, Người coi chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Theo Người làm khoán là ích chung và lại lợi riêng; làm khoán tốt và thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực quốc tế phát triển để nông nghiệp. Ngay từ khi cách mạng chưa thành công, Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ, chú trọng việc gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, kỹ thuật mà cụ thể lúc đó là Trung Quốc, Nga, v.v.. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị: “Được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”[8; 91]. Với mục đích đó, rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam đã được cử đi học tập, tiếp thu khoa học hiện đại, trong đó có khoa học về nông nghiệp, nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng thu hút trí thức Việt kiều, trí thức nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, trong đó có phát triển nông nghiệp. Hồ Chí Minh đã chủ trương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà tư bản, đầu tư vào kinh tế, trong đó có nông nghiệp, với điều kiện là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi. Với Hồ Chí Minh, thu hút và sử dụng các nguồn lực quốc tế, đó là một biện pháp rất quan trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức 473
  8. mạnh thời đại để phát triển nông nghiệp Việt Nam, đưa nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển ngang tầm với nền nông nghiệp hiện đại thế giới. Có thể khẳng định rằng, những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là vô cùng sâu sắc, ngày nay, những tư tưởng của Người trở thành cơ sở, định hướng quan trọng để Đảng ta vận dụng trong lãnh đạo phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững. 3.2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp trong hoạch định chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới Phát triển đất nước theo hướng bền vững là mục tiêu lớn và xuyên suốt của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều này được thể hiện ngay trong đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta đề ra và thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) đó là: “Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”[1; 195]. Mặc dù Đại hội III chưa hình thành quan điểm cụ thể về phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh nhưng Đại hội cũng đã đưa ra những định hướng quan trọng cho Đảng ta trong quá trình hoạch định đường lối phát triển nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. 3.2.1. Nhận thức đúng vai trò, vị trí của kinh tế nông nghiệp; nông nghiệp là nền tảng, là nguồn lực căn bản cho sự phát triển bền vững của dân tộc Trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước thời kỳ quá độ, từ Đại hội III (1960) đến Đại hội IV (1976) của Đảng, Đảng ta đều xác định công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và con đường công nghiệp hóa mà Đảng ta chủ trương là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Song do hoàn cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh kéo dài cùng với những sai lầm trong nhận thức và chủ trương lớn, Đảng chưa đánh giá đúng vai trò của nông nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng đất nước nên kinh tế nông nghiệp Việt Nam thời kỳ này rất kém phát triển, đời sống của nhân dân nhất là nông dân vô cùng khó khăn và đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của nông nghiệt và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp, tại Đại hội V (1982), Đảng ta đã khẳng định: “Trong 5 năm 1981 - 1985 và những năm 80, cần tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” [3; 76] Đề ra đường lối đổi mới toàn diện, Đại hội VI của Đảng (1986) cũng nêu quan điểm mới về phát triển nông nghiệp: “Trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên phải tập trung thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”[13; 48]; “Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không được tách rời nông nghiệp với công nghiệp, không chỉ coi trọng công nghiệp hoặc nông nghiệp nhưng ở mỗi giai đoạn, trong từng chặng đường, vị trí của nông nghiệp và công nghiệp có khác nhau. Trong chặng đường hiện nay phải tập trung sức phát triển nông 474
  9. nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu quyết định vị trí hàng đầu của nông nghiệp” [13; 47]. Với quan điểm này, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nông nghiệp trong việc đáp ứng yêu cầu bức thiết về lương thực, thực phẩm cho nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác - nông nghiệp chính là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở nhận thức ngày càng sâu sắc về tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp, Đại hội VII(1991) của Đảng tiếp tục bổ sung và làm rõ hơn vị trí của nông nghiệp: “Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”[13; 48]. Đại hội lần thứ X(2006) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát huy vai trò quan trọng của nông nghiệp trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị lần thứ Bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái”[13; 53]. Ngày 5 tháng 8 năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết số 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Với nhận định rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương Đảng đánh dấu bước trưởng thành lớn trong nhận thức của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 26-NQ/TW đã hướng trọng tâm vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, cũng như đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP quốc gia, lấy đất đai và tự do hóa thị trường làm động lực, giải phóng sức sản xuất của đất. Đến Đại hội XII(2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể” [6; 92]. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của kinh tế nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp ngày càng đầy đủ, hoàn thiện và rõ nét hơn. Với những lợi thế mà điều kiện tự nhiên, truyền thống mang lại, nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, và sự phát triển của nông nghiệp sẽ cung cấp các nguồn lực quan trọng để mở rộng quan hệ giao lưu, buôn bán với các nước ngoài. Nói cách khác, đối với một nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao như Việt Nam, thì nông nghiệp không chỉ là điều kiện quan trọng để giải quyết các vấn đề đối nội của Việt Nam, mà còn là điều kiện để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đối ngoại, quan hệ quốc tế và tương lai của dân tộc. 475
  10. 3.2.2. Tranh thủ các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân. Đó là con đường tất yếu phải tiến hành đối với bất cứ nước nào, nhất là nước ta có điểm xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn xây dựng, phát triển nền kinh tế hiện đại - kinh tế xanh. Điều này đã được Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong tư tưởng của Người và được Đảng ta phát triển trong thời kỳ đổi mới. Trong khi khẳng định vai trò của nông nghiệp, Đại hội VI của Đảng đề ra những chủ trương hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời kỳ đổi mới: “Mở rộng và hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học ..... sửa đổi bổ sung các chính sách về đất ruộng và các loại đất khác để quản lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất” [2; 49]. Ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới toàn diện trong đó có nông nghiệp, Đảng đã rất chú ý ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp; kết hợp phát triển nông nghiệp với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tháng 6 năm 1996, Đảng ta họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trên cơ sở đánh giá những thành tựu đất nước đạt được sau mười năm đổi mới, quyết định đưa nước ta chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đã xác định nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm còn lại của thập kỷ 90, thế kỷ XX là: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn” [2; 473]. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng cũng chỉ rõ những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn trong những năm 90 của thế kỷ XX: “Hình thành các vùng tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi, có sản phẩm hàng hóa nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, đảm bảo an toàn về lương thực trong xã hội, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường trong, ngoài nước. Thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với công nghệ ngày càng cao gắn với nguồn nguyên liệu. Phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới.” [13; 50]. Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp phải đi trước một bước, là cơ sở để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến Đại hội IX (2001), Đảng ta nhấn mạnh thêm: “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn” [2; 641]; “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trước hết là công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái”[13; 51]. Chủ trương đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn được Đảng hoàn thiện hơn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006): “Đẩy nhanh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề về nông nghiêp, nông thôn và nông dân” [13; 52]. Mục tiêu của công nghiệp hóa, 476
  11. hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với trình độ nông dân của các nước tiên tiến trong khu vực, đủ bản lĩnh chính trị, năng lực làm chủ nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nhận thức trên được Đảng ta củng cố, nâng lên tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XII (2016): “Phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” [6; 77]. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tạo tiền đề vật chất - kỹ thuật và kinh tế - xã hội để cải biến nền kinh tế nông nghiệp còn kém phát triển thành nền kinh tế có cơ cấu ngày càng hợp lý trên cơ sở lao động sử dụng máy móc và kỹ thuật, công nghệ ngày càng tiên tiến. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo nền tảng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc xác lập, củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống nông dân và củng cố hệ thống chính trị, tăng cường an ninh quốc phòng ở khu vực nông thôn. Điểm mới trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII(2021) của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; thích ứng với biến đổi khí hậu” [7; 124]. 3.2.3. Phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, cân đối và bền vững Xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, cân đối gắn với cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nông nghiệp được Đảng ta tiếp thu và vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại theo hướng nông nghiệp xanh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991), làm rõ nhiệm vụ phải xây dựng, phát triển nông nghiệp trên tất cả các ngành nghề: “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”[2; 270]. Cùng với đó, Đại hội cũng nêu chủ trương: “Quy hoạch, khai thác, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước, mở rộng tưới tiêu nước cho nông nghiệp, phòng và giảm nhẹ tác động của thiên nhiên” [2; 270]. Đại hội VIII (1996) của Đảng nêu quan điểm chỉ đạo: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”[2; 471]; “Phát triển 477
  12. toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp”[13; 50]. Như vậy, phát triển kinh tế trong đó có kinh tế nông nghiệp toàn diện gắn với cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường đã trở thành một nhiệm vụ mang tính chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đề ra chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX(2001), Đảng ta đã kế thừa quan điểm đã được đề ra từ Đại hội VI(1986): gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ tài nguyên, môi trường bằng việc áp dụng các thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại - đây chính là yếu tố quan trọng để một nền nông nghiệp xanh phát triển. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân xác định mục tiêu tổng quát của nông nghiệp là: Xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng toàn diện, bền vững. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã nêu ra nhiều quan điểm quan trọng đưa nông nghiệp nước ta phát triển theo mô hình tiệm cận một nền nông nghiệp xanh mà nhân loại đang hướng đến. Trong Văn kiện Đại hội X (2006), Đảng ta quán triệt: “Phải phát triển toàn diện nông nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm từng vừng, từng địa phương.”[4; 29]. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, ngày 4 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 gồm 11 nội dung, 19 tiêu chí. Chính phủ xác định rõ mục tiêu của Chương trình là xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI (2011) của Đảng thể hiện bước đột phá mới trong nhận thức của Đảng về phát triển kinh tế theo hướng bền vững: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược” [5; 98]; “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” [5; 98- 99]. Về phát triển nông nghiệp, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển một nền nông nghiệp toàn diện trong bối cảnh mới của đất nước, Đại hội khẳng định: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững” [5; 113]. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững có thể hiểu là phát triển một nền nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. 478
  13. Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng ta tiếp tục đề ra chủ trương: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài” [6; 92-93]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu lên nhiều quan điểm lớn, mới và rất quan trọng định hướng cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong những năm tiếp theo: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” [7; 124]. Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu nhiệm vụ: “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”[7; 107]. Để đối phó với biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp xanh theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành nông nghiệp nước ta đã và đang tích cực áp dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cùng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Tháng 9 năm 1922, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đó là phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050. Triển khai chiến lược và các kế hoạch phát triển xanh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu gặt hái thành công trong việc nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp. Nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời mở ra những hướng phát triển mới, phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch và một nền nông nghiệp xanh đang từng bước được hiện thực hóa. 4. Kết luận Xây dựng một nền nông nghiệp văn minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là vấn đề mấu chốt đang được đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển xanh gắn với bền vững trước thách thức vô cùng lớn của biến đổi khí hậu mà Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy phải xây dựng nền nông nghiệp thật sự hiện đại, năng suất cao mới có thể chiếm lĩnh được thị trường thế giới và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. 479
  14. Có thể khẳng định, trong tương lai, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ làm thay đổi căn bản đất nước nhưng một điều không thể thay đổi là nông nghiệp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng, vẫn sẽ là cơ sở, là nền tảng phát triển của Việt Nam theo hướng hiện đại và bền vững trong xu thế phát triển kinh tế xanh của nhân loại. Tuy nhiên, để nông nghiệp nước ta thực sự đảm đương được vinh dự, trọng trách này đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đưa ra được một chiến lược phát triển nông nghiệp đáp ứng được được yêu cầu một nền nông nghiệp mới, trên địa bàn nông thôn mới và gắn với mẫu hình người nông dân mới. Nền nông nghiệp mới cần được phát triển, và trên thực tế đang từng bước hình thành trên đất nước ta, phải là một nền nông nghiệp toàn diện, phát triển trong chỉnh thể hài hòa, cân đối của nền kinh tế đất nước, đồng thời phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sao cho hợp lý và có lợi nhất cho đất nước và cho chính nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nền nông nghiệp ấy phải phát triển phù hợp với xu hướng phát triên nông nghiệp xanh của thời đại đồng thời phải phát huy có hiệu quả lợi thế của một nền nông nghiệp nhiệt đới truyền thống. Để làm được điều đó, Đảng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những nội dung có giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp trong lãnh đạo phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay theo hướng “nông nghiệp xanh”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021): Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật Hà Nội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 43, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 8. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 10. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 11. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 12. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 13. Ngô Văn Lương (2010): Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 480
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1