intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

6
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tìm hiểu các vấn đề lí luận về giáo dục STEAM trong chương trình GDPT 2018, học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học và giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học; từ đó, đề xuất các chiến lược tổ chức hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học, giúp các em đạt được thành công trong học tập.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0122 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 5A, pp. 83-91 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn ỨNG DỤNG GIÁO DỤC STEM ART CHO HỌC SINH KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ HỌC HÒA NHẬP Ở TIỂU HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 Nguyễn Hà My*, Nguyễn Minh Phượng và Trần Thị Bích Ngọc Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Các nghiên cứu về STEM Art (viết tắt là STEAM) đã được áp dụng cho hầu hết mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học và ở cả những cấp độ giáo dục cao hơn. Hiện nay, giáo dục STEAM cũng đã được triển khai trên đối tượng học sinh khuyết tật trong các môi trường giáo dục khác nhau. Bài báo này đề cập đến vấn đề nghiên cứu giáo dục STEAM cho học sinh khuyết tật trí tuệ (KTTT) học hòa nhập ở tiểu học theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các vấn đề về giáo dục STEAM cho đối tượng học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học được thảo luận và một số chiến lược tổ chức hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học được đề xuất trong bài báo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEAM nói chung và giáo dục STEAM cho học sinh KTTT trong môi trường hòa nhập ở tiểu học nói riêng. Từ khóa: STEM Art, hoạt động giáo dục STEAM, chiến lược dạy học, học sinh khuyết tật trí tuệ, giáo dục hòa nhập, giáo dục tiểu học, chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 1. Mở đầu Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh; trong đó, giáo dục STEM được đưa vào chương trình GDPT 2018 như một cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học (Science), công nghệ (Technology), kĩ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics) vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kĩ sư hay những kĩ thuật viên mà chủ yếu trang bị cho học sinh kiến thức, kĩ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Trong quá trình triển khai, mô hình giáo dục STEM đã mang lại nhiều thành quả lớn cho học sinh. Tuy nhiên, các nhà giáo dục nhận ra rằng nếu chỉ đào tạo về tư duy khoa học thì chưa đủ để giúp học sinh có thể trưởng thành một cách toàn diện. Vì vậy, giáo dục STEM được phát triển thành một mô hình mới là STEM Art (viết tắt là STEAM). STEAM là sự ứng dụng giáo dục tương tác đa chiều với các buổi thực hành kết hợp các hoạt động sáng tạo và trải nghiệm được áp dụng trong các hoạt động học tập và giáo dục ở nhà trường. STEAM có thể coi là sự mở rộng của mô hình giáo dục STEM. Trong chương trình cấp tiểu học, theo chương trình GDPT 2018, giáo dục STEAM được tiếp cận và triển khai trong các môn học cũng như hoạt động giáo dục với mục đích giúp học sinh được tự do khám phá và tìm ra các cách giải quyết vấn đề dựa trên những sản phẩm nghệ thuật các em làm ra. Điều này sẽ giúp kích thích khả năng tư duy và sáng tạo của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, dựa trên nghiên cứu của Daugherty (2013), Platz (2007) về động lực học tập của học sinh trong giáo dục STEM, các Ngày nhận bài: 21/10/2022. Ngày sửa bài: 2/11/2022. Ngày nhận đăng: 29/11/2022. Tác giả liên hệ: Nguyễn Hà My. Địa chỉ e-mail: nhmy@hnue.edu.vn 83
  2. Nguyễn Hà My*, Nguyễn Minh Phượng và Trần Thị Bích Ngọc tác giả đã đưa ra lập luận rằng giáo dục STEM nên được mở rộng, tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật (Art) để tạo điều kiện và thúc đẩy khả năng tiếp cận học tập STEM trên tất cả các đối tượng học sinh [1][2]. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục STEAM trong lớp học không nên phụ thuộc vào trình độ năng lực của học sinh bởi một lớp học hòa nhập thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục STEAM cho tất cả người học, trong đó có học sinh khuyết tật [1-2]. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về giáo dục STEAM cho học sinh khuyết tật trong môi trường hòa nhập, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu chú ý đến việc làm thế nào để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của học sinh trong việc thiết kế các kế hoạch bài dạy hay kế hoạch hoạt động giáo dục cho tất cả học sinh. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 đã ban hành, các nhà trường cần ứng dụng giáo dục STEAM một cách có chiến lược và sáng tạo, góp phần giúp học sinh khuyết tật học hòa nhập đạt được thành công trong các lĩnh vực của STEAM. Trong bài báo này, chúng tôi tìm hiểu các vấn đề lí luận về giáo dục STEAM trong chương trình GDPT 2018, học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học và giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học; từ đó, đề xuất các chiến lược tổ chức hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học, giúp các em đạt được thành công trong học tập. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Giáo dục STEM Art và vấn đề giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật STEM Art (hay STEAM) là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường Thiết Kế Rhode Island (Mỹ), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục và dần dần lan rộng ra cả Hoa Kỳ. Có thể coi đây là mô hình giảng dạy kết hợp giữa nghệ thuật (Art) và các môn học STEM truyền thống là Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kĩ thuật (Engineering), Toán học (Mathematics). STEAM là một sự chuyển đổi từ cách thức giáo dục truyền thống, dựa vào tiêu chuẩn điểm số để đánh giá, với mục đích giúp học sinh hiểu được sự liên quan giữa các khối kiến thức và có thể vận dụng tốt vào thực tế. Theo nghiên cứu của Conradty và các cộng sự (2020), học sinh sẽ có động lực học tập cao hơn khi được sáng tạo trong môi trường giáo dục STEAM bởi các em được tự do sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học trong quá trình giải quyết các vấn đề thực tiễn. Qua đó, học sinh có thể ứng dụng những ý tưởng của mình để biến những kiến thức hàn lâm trở nên thú vị và dễ tiếp thu nhất [3]. Theo quan điểm xây dựng Chương trình GDPT 2018, các nội dung dạy học có tính tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Do đó, giáo dục STEAM trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đặc biệt là ở cấp tiểu học, có mục tiêu là tạo cơ hội để học sinh tích hợp kiến thức, kĩ năng ở các môn học đặc thù cho giáo dục STEAM như môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1 đến lớp 3) hay môn Khoa học (lớp 4, lớp 5) với các môn Toán, Mĩ thuật, Tin học, Công nghệ; từ đó vận dụng kiến thức, kĩ năng ở các môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề giáo dục STEAM [4]. Nhờ vậy, học sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá thực tế cuộc sống, có những hiểu biết ban đầu về một số nghề nghiệp quen thuộc liên quan đến lĩnh vực STEAM. * Điểm mạnh của giáo dục STEAM: Tích hợp liên môn: Là phương thức giáo dục tích hợp các kiến thức liên môn thông qua thực hành. Từ đó, học sinh vừa được học kiến thức khoa học, vừa được học cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Mục đích của giáo dục STEAM là tạo ra những người có năng lực trong thời đại ngày nay. Giải quyết các vấn đề thực tiễn: Trong mỗi bài học hay hoạt động giáo dục theo chủ đề STEAM, học sinh được yêu cầu giải quyết các tình huống liên quan đến nội dung, chủ đề bài học/hoạt động giáo dục. Để có thể giải quyết được tình huống đó thì học sinh cần phải tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo hoặc các thiết bị công nghệ,… Điều này giúp HS chủ động 84
  3. Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học… với tri thức của bản thân và ghi nhớ bài học lâu hơn. Tạo lập phong cách học tập cho học sinh: giáo dục STEAM đề cao phong cách học tập mới cho người học. Mục đích là giúp người học hiểu thực chất kiến thức mà bản thân đang phải giải quyết. Học thông qua chơi: Các dự án học tập của giáo dục STEAM là học thông qua trò chơi, sẽ giúp học sinh rút ra được những kiến thức liên quan. Đồng thời, các em sẽ cảm thấy việc học là đam mê, yêu thích chứ không phải ép buộc. * Lợi ích của giáo dục STEAM đối với học sinh tiểu học: - Sáng tạo/Thử nghiệm: Học sinh có thể vận dụng các kiến thức và kĩ năng khoa học (S), toán học (M), công nghệ (ở tiểu học chứa đựng hai thành phần của STEAM là T – Technology và E – Engineering) thông qua việc tạo ra những sản phẩm (Art) bằng những cách sáng tạo khác nhau. Học sinh cũng có thể thử nghiệm và tìm ra giải pháp theo cách độc đáo của riêng mình. - Tạo ra một môi trường có khả năng phục hồi: Học sinh cần được trao cơ hội để thất bại và biết rằng các em có thể thử lại, trải nghiệm dựa trên sự sai lầm sẽ giúp các em nhớ lâu hơn và rút ra được bài học để có thể thành công ở những lần sau. - Xây dựng các nhóm hoạt động: Nhiều hoạt động trong STEAM thường yêu cầu các hoạt động xây dựng nhóm; ở đó, học sinh cần có sự tương tác, trao đổi để có thể thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao. - Khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức đã có để giải quyết vấn đề: Các hoạt động STEAM thường yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức trước đó của các em đồng thời sử dụng tư duy bậc cao để giải quyết vấn đề. Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục Khuyết tật (RDE) của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) Hoa Kỳ đã tài trợ cho các nỗ lực nghiên cứu, thực hành và phổ biến nhằm mở rộng sự tham gia và nỗ lực của học sinh khuyết tật trong giáo dục và đào tạo nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực của STEM [5]. Các hoạt động này đã thu hút sự tham gia của các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo nghề, các nhà tuyển dụng và các tổ chức khác trên toàn quốc... Dự án đã áp dụng các phương pháp thực hành dựa trên bằng chứng và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật khi tham gia vào các hoạt động STEM cũng như khi cho học sinh thực hành STEM dựa trên yếu tố nghệ thuật (Art). Kết quả của dự án đã có những đóng góp đáng kể trong giáo dục STEM cho học sinh khuyết tật [5]. Có thể nói, giáo dục STEAM có thể hỗ trợ học sinh khuyết tật bằng nhiều cách khác nhau. Hwang và Taylor (2016) cho rằng STEAM sẽ mang lại lợi ích cho học sinh khuyết tật theo những cách khác nhau và các tác giả đã đề xuất rằng có thể liên kết các hướng dẫn với các sơ đồ khái niệm hay các hình vẽ minh họa như một sự hỗ trợ trực quan, đây có thể được coi là nghệ thuật thị giác trong giáo dục STEAM, giúp cho học sinh khuyết tật có thể tiếp cận các bài học STEAM được thuận lợi hơn [6]. Trong nghiên cứu này, các tác giả chỉ ra rằng “học sinh được phép tạo ra các hình ảnh đại diện trực quan của riêng mình về các khái niệm khoa học, học sinh được tự do sáng tạo các hình ảnh trực quan và giáo viên sẽ có cơ hội xác định những gì học sinh đã học và làm được” [6]. Như vậy, giáo dục STEAM tạo cơ hội cho học sinh sử dụng các kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy ở cấp độ cao hơn một cách thú vị. Học sinh khuyết tật có thể bị chậm trong một môn học hay chậm một số kĩ năng như đọc, viết nhưng lại đặc biệt hoặc có năng khiếu trong một môn học khác và thông qua các hoạt động STEAM, học sinh khuyết tật sẽ được thực hiện các thao tác như vẽ, tô màu, tạo hình, làm sản phẩm…và điều đó sẽ khiến các em cảm thấy rất thích thú. 2.2. Học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học Khuyết tật trí tuệ (KTTT) là một rối loạn diễn ra trong suốt quá trình phát triển, bao gồm cả những khiếm khuyết về chức năng trí tuệ và khả năng thích ứng trong 3 lĩnh vực: (1) khái niệm, (2) xã hội và (3) lĩnh vực thực hành (APA, 2013) [7]. 85
  4. Nguyễn Hà My*, Nguyễn Minh Phượng và Trần Thị Bích Ngọc KTTT gây ra những hạn chế đáng kể đối với hoạt động trí tuệ và hành vi thích ứng của một người. Học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học thường có những đặc điểm như sau: Đặc điểm về trí tuệ: Phần lớn học sinh KTTT chỉ dừng lại ở tư duy trực quan cụ thể, tư duy trừu tượng rất ít. Trí tuệ thực hành của học sinh ít bị ảnh hưởng hơn trí tuệ ngôn ngữ do vậy việc hiểu những hướng dẫn bằng lời sẽ chậm hơn việc được quan sát hoạt động thực tế. [8] Đặc điểm về chú ý: Học sinh KTTT có khó khăn khi phải hướng và duy trì sự chú ý vào một công việc nào đó, đặc biệt là chú ý đến lời nói. Học sinh thường khó tập trung, dễ bị phân tán chú ý khi có các kích thích từ bên ngoài. Do duy trì chú ý kém nên việc tiếp nhận thông tin, xử lí thông tin của học sinh thường gặp khó khăn. Đặc điểm về trí nhớ: Học sinh KTTT thường gặp khó khăn cả ở trí nhớ ngắn hạn (trí nhớ cảm giác), trí nhớ hoạt động và trí nhớ dài hạn. Những khó khăn ở trí nhớ cảm giác bắt nguồn từ việc học sinh gặp khó khăn trong việc tri giác, tiếp nhận thông tin, khó khăn trong việc chú ý. Cụ thể: (1) Học sinh KTTT thường có khó khăn trong việc gợi nhớ, chuyển các thông tin từ bộ nhớ dài hạn ra bộ nhớ hoạt động để có thể thực hiện hoạt động; (2) Học sinh KTTT thường nhớ những dấu hiệu bên ngoài của sự vật và hiện tượng tốt hơn hiểu các đặc điểm, bản chất bên trong. Khó khăn trong việc nhớ những gì mang tính chất trừu tượng hay có quan hệ lôgíc; (3) Học sinh KTTT có khả năng nhớ một cách máy móc nhưng khả năng nhớ có ý nghĩa của HS gặp nhiều khó khăn; (4) Học sinh KTTT thường dễ quên những gì không gần gũi với cuộc sống của chúng và không gắn với những nhu cầu của bản thân. Đặc điểm về ngôn ngữ: Học sinh KTTT thường gặp khó khăn trong việc phát triển cả ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt. Về ngôn ngữ tiếp nhận, do trí tuệ kém phát triển nên việc hiểu những điều người khác nói gặp rất nhiều khó khăn, học sinh gặp khó khăn trong việc hiểu ý thậm chí cả ý và nghĩa. Về ngôn ngữ diễn đạt, học sinh thường sử dụng từ rất nghèo nàn, hay nói ngọng, nói lắp,… Đặc điểm về kĩ năng giao tiếp, xã hội: Phần đông các học sinh KTTT yếu kém về mặt các kĩ năng xã hội, rất ít có và thậm chí không có nhu cầu giao tiếp. Các học sinh này thường có khó khăn trong các tình huống như: Chơi cùng nhau, làm cùng với nhau; Sự luân phiên, chờ đến lượt mình; Hiểu mối quan hệ xã hội của mình với người cùng giao tiếp để có những ứng xử phù hợp; Hiểu đâu là những ứng xử được chấp nhận, đâu là những ứng xử không được chấp nhận trong một tình huống; Khó khăn trong việc đọc thái độ, ý định qua nét mặt và cử chỉ của người cùng giao tiếp; Thường sử dụng các phương tiện giao tiếp một cách nghèo nàn: vốn từ ít, ít sử dụng các phương tiện giao tiếp không lời như cử chỉ, nét mặt, ánh mắt... [9] Đặc điểm về hành vi: Những vấn đề hành vi thường ảnh hưởng đến quan hệ của học sinh KTTT với những học sinh khác, với mọi người xung quanh, làm cho HS khó khăn khi tham gia vào các lớp học hoà nhập. 2.3. Giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học Hiện nay, giáo dục STEAM đã được triển khai trong một số nhà trường phổ thông ở Việt Nam dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau và đã đạt được những kết quả bước đầu. Các nghiên cứu đã cho thấy, mục tiêu của giáo dục STEAM là tương đồng với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhưng việc đưa STEAM vào giáo dục phổ thông đang gặp một số khó khăn. Cách tiếp cận dạy học theo giáo dục STEAM không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng những lợi ích mà STEAM mang lại cho học sinh và trường học thì rất lớn bởi giáo dục STEAM giúp cho tất cả học sinh, trong đó có học sinh KTTT, có cơ hội rèn luyện, phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề... Phương pháp giáo dục STEAM hoàn toàn khác biệt với phương pháp giáo dục/dạy học truyền thống. Trước đây, học sinh chủ yếu chỉ được nghe giảng với những bài học bằng lí thuyết và rất hiếm khi được thực hành trong thực tế. Tuy nhiên khi học và thực hiện các nhiệm vụ 86
  5. Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học… STEAM, các em sẽ được học qua các tình huống cụ thể và nhiệm vụ đặt ra là các em phải vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề mà bài học đặt ra. Phương pháp này tạo môi trường để học sinh KTTT vừa học vừa chơi. Các em sẽ không bị áp lực và gò bó bởi những bài học mang tính lí thuyết nặng nề. Thay vào đó, các em được thoải mái thể hiện những ý tưởng của mình trong niềm vui và sự khích lệ. Chính vì không khí học tập vui vẻ, sôi nổi qua những bài tập thực hành trong STEAM được phát huy, hiệu quả giáo dục cao hơn rất nhiều. Học sinh KTTT có thể tiếp thu lượng kiến thức và kĩ năng quan trọng, giúp hình thành và phát triển những kĩ năng cần thiết làm nền tảng cho học sinh tự học hỏi, tìm tòi và khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau. Mang đến cho học sinh KTTT cơ hội tự mình học được những tri thức mới, được trải nghiệm những điều mới mẻ, mở rộng hơn thế giới quan. Tuy nhiên, với những khó khăn do khuyết tật trí tuệ mang lại, việc tổ chức giáo dục STEAM cho học sinh KTTT trong lớp hòa nhập cũng có thách thức. Khác với học sinh không khuyết tật, học sinh KTTT có một số đặc điểm tâm - sinh lí phát triển chậm trễ và khó khăn hơn. Do vậy, khi tổ chức các hoạt động STEAM, GV cần quan tâm đến một số đặc điểm, khó khăn đặc thù của học sinh KTTT để có những điều chỉnh về mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động cho phù hợp. Trước hết, giáo viên cần căn cứ vào nội dung kiến thức trong chương trình môn học và các hiện tượng, sự gắn kết các kiến thức đó trong tự nhiên, quy trình hoặc thiết bị công nghệ có sử dụng của kiến thức đó trong thực tiễn và đối chiếu với đặc điểm khả năng, nhu cầu của học sinh KTTT để lựa chọn chủ đề của bài học phù hợp với các em. Sau khi chọn chủ đề của bài học, cần xác định vấn đề cần giải quyết là gì để giao nhiệm vụ vừa sức cho học sinh KTTT. Trong quá trình xây dựng bài học, giáo viên có thể hình dung các khó khăn học sinh KTTT có thể gặp phải để dự kiến các cách thức hỗ trợ phù hợp cho HS. Khi dạy học sinh KTTT, sự mất tập trung nhỏ nhất có thể nhanh chóng trở nên rất đáng lo ngại. Vì vậy, môi trường cần được tạo ra càng thoải mái càng tốt, với ít sự chuyển hướng nhất có thể. Các buổi học nên được giữ ngắn gọn, với hướng dẫn rõ ràng và súc tích. Khía cạnh quan trọng nhất của việc cung cấp giáo dục STEAM cho học sinh KTTT là một môi trường tạo ra niềm vui và tiếng cười. Nó là cần thiết vì các hoạt động lặp đi lặp lại để đạt được kết quả cần thiết đôi khi có thể trở nên khá nhàm chán. 2.4. Các chiến lược tổ chức hoạt động giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học 2.4.1. Sử dụng Thiết kế dạy học phổ quát (UDL) để tổ chức các hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hoà nhập Thiết kế dạy học phổ quát được đưa ra bởi nhóm nhà nghiên cứu giữa thập kỉ 80 của thế kỉ 20 của Trung tâm Ứng dụng công nghệ đặc biệt (CAST, 2011) [10]. Mô hình này trở thành công cụ không thể thiếu đối với các nhà giáo dục bởi các quy tắc tích hợp của mình [10]. Theo Fovet, Mole, Jarrett và Syncox (2014), đây là khung học tập nhằm thay đổi và điều chỉnh môi trường học tập cho học sinh khuyết tật [11]. Khung mô hình này có 3 quy tắc chính là: a) đa dạng cách thức giảng dạy cho người học; b) đa dạng cách thức tổ chức hoạt động và đánh giá sự thể hiện của người học và c) tăng cường sự tham gia đa dạng của người học [11]. Học sinh KTTT ở tiểu học gặp khó khăn với việc ghi nhớ và thiếu sự chú ý trong quá trình học tập; vì vậy, thông qua việc điều chỉnh môi trường bằng cách vận dụng UDL có thể tăng cường khả năng học tập và sự tham gia của các em. Ví dụ, một số học sinh KTTT có thể cần dùng máy tính hoặc màn hình cảm ứng để phản hồi hoặc thực hiện các nhiệm vụ học tập trong khi một số em khác lại cần được cung cấp hệ thống các tranh, ảnh, đồ dùng trực quan để có thể tiếp nhận thông tin đầy đủ. UDL cũng rất phù hợp để thực hiện giáo dục STEAM khi GV có thể kích thích mong muốn, nhu cầu khám phá của HS; hệ thống tài liệu và chương trình cần được cung cấp đa dạng thông qua nhiều phương thức trình bày các khái niệm, quy tắc và từ vựng, để từ đó, HS có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn được đặt ra trong STEAM. Trong bối cảnh giáo dục STEAM, 87
  6. Nguyễn Hà My*, Nguyễn Minh Phượng và Trần Thị Bích Ngọc việc trình bày thông tin được ứng dụng qua các hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, video, âm thanh… là phù hợp với quy tắc của UDL, đồng thời học sinh KTTT được tăng cường trải nghiệm học tập thông qua việc tham gia các hoạt động đa dạng trong lớp học và được thể hiện bản thân theo nhiều cách thức khác nhau, UDL cũng áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại kèm theo sự hỗ trợ của công nghệ thông tin sẽ giúp cho học sinh KTTT học tập hiệu quả hơn. Dưới đây là Khung UDL của CAST, 2018 [12]: Việc cung cấp nội dung học tập cho học sinh KTTT cần được đa dạng theo nhiều cách thức khác nhau: Học sinh KTTT xử lí thông tin chậm hơn các học sinh khác, các em thiếu chú ý và có trí nhớ kém, do vậy cần thực hiện trình bày thông tin theo những cách thức có thể gây sự chú ý và các em dễ ghi nhớ trong bối cảnh vẫn phải đảm bảo nội dung chương trình cho những học sinh khác trong lớp học hòa nhập. Các cách trình bày phù hợp với học sinh khuyết tật trí tuệ cần có thể là: thông qua các minh hoạ bằng hình ảnh, đồ vật thật, biểu đồ, sơ đồ, âm thanh để kích thích sự chú ý… Ngôn ngữ GV sử dụng cần đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu. Nội dung học tập cần được lựa chọn để phù hợp với giáo dục STEAM và cần được chia nhỏ theo các bước để học sinh KTTT có thể hiểu và thực hiện được nhiệm vụ. GV cần linh hoạt và sáng tạo trong quá trình thực hiện phù hợp với tình huống và bối cảnh của học sinh trong lớp. Việc tổ chức và đánh giá dạy học cần phải được đa dạng hoá: Học sinh KTTT gặp khó khăn trong việc ứng dụng các nội dung STEAM đã được học, do vậy GV cần phải tạo nhiều cơ hội cho học sinh thực hành những kiến thức STEAM đã được học với sự giúp đỡ của những người khác khi cần thiết. Mỗi người học có thể thể hiện những gì đã biết theo những cách thức khác nhau, do vậy GV cần cho phép học sinh nói chung và học sinh KTTT đa dạng thể hiện kiến thức STEAM thông qua âm nhạc, mĩ thuật, tạo hình, vận động, giao tiếp, viết và những cách khác. Lựa chọn những nội dung và nhiệm vụ STEAM phù hợp với khả năng của HS KTTT, đánh giá từng bước dựa trên sự tiến bộ của học sinh KTTT trong lớp học hòa nhập. Tăng cường cách thức tham gia của học sinh KTTT vào quá trình học tập: Mỗi học sinh KTTT có thể được tham gia hoặc thúc đẩy theo một cách khác nhau, chẳng hạn như các bạn khác thích tự thực hiện một nhiệm vụ nào đó, trong khi đó một số học sinh KTTT thích được học nhóm và khi ở trong nhóm hoạt động, các em có khả năng thành công cao hơn. Do vậy, GV cần biết cách điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu, mong muốn của học sinh KTTT trong lớp học hòa nhập. GV có thể cho học sinh KTTT lựa chọn những hoạt động các em thích, tăng cường học tập theo nhóm, phản hồi những suy nghĩ trong quá trình học tập, xây dựng các gợi nhắc bằng hình ảnh, âm thanh hoặc lịch trình, lịch biểu cụ thể, lấy các ví dụ thực tế… 88
  7. Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học… Tóm lại, việc tiến hành sử dụng UDL trong giáo dục STEAM cho học sinh cần được GV tiến hành đồng bộ theo 3 quy tắc đa dạng về cách GV truyền tải nội dung dạy học STEAM, GV tổ chức thực hiện các nội dung STEAM và tạo cơ hội cho học sinh KTTT thể hiện những gì được học theo những cách thức khác nhau, đồng thời tạo nhiều cơ hội để huy động học sinh KTTT tham gia theo nhiều cách khác nhau trong các lớp học STEAM. Đây là chiến lược cơ bản và có hiệu quả trong giáo dục STEAM cho học sinh KTTT. 2.4.2. Một số chiến lược khác Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập là tạo cơ hội cho các em được tham gia hoạt động với tất cả HS trong lớp. Do vậy, việc sử dụng các trò chơi vui nhộn hoặc hoạt động vui vẻ tạo ra một môi trường tự nhiên cho việc giao tiếp, tăng cường cơ hội học tập và thực hành ngôn ngữ sẽ tạo điều kiện học sinh học tập, tăng cường kĩ năng STEAM theo hướng dẫn của GV và tương tác với các bạn đồng trang lứa . Thông qua các trò chơi, học sinh KTTT sẽ học cách xác định, ghép nối và thực hành các nội dung, nhiệm vụ được phân công. Ngoài ra, trò chơi cũng có những tác động tích cực đối với việc phát triển ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ diễn đạt, các kĩ năng giải quyết vấn đề, tăng cường hợp tác, biết kiểm soát hành vi và hiểu được những mong đợi, giúp trẻ thấy hứng thú và tò mò hơn thông qua các hoạt động STEAM. Các hoạt động và trò chơi còn là cách tuyệt vời để giới thiệu cho học sinh KTTT tiếp cận với những khái niệm mới như giới thiệu về kính hiển vi, thực hiện các thí nghiệm, làm mô hình các hành tinh, vòng tuần hoàn, thực hiện xây dựng các khối với các kiến trúc khác nhau. Một chiến lược khác có thể sử dụng đó là sử dụng các ứng dụng và công nghệ trong việc tổ chức hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh KTTT. Việc sử dụng các ứng dụng và công nghệ trong học tập có thể giúp ích cho học sinh KTTT tham gia vào bài học hiệu quả hơn là sử dụng giấy, bút và sách giáo khoa. Việc sử dụng công nghệ trong quá trình giáo dục STEAM cũng có thể hỗ trợ học sinh KTTT trong việc đọc các nhiệm vụ, một số phần mềm có khả năng chuyển chữ thành giọng nói và giúp ích rất nhiều cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Những học sinh KTTT nhẹ cũng có xu hướng tập trung và tăng cường nhận thức với các hoạt động học tập lập trình và có những tương tác tích cực với GV khi được tham gia vào các hoạt động lập trình hoặc các hoạt động học tập khám phá với sự trợ giúp của công nghệ. Thêm vào đó, GV có thể giúp học sinh KTTT bằng cách phối hợp với gia đình trong việc khuyến khích tổ chức các hoạt động giáo dục STEAM tại nhà. Điều này không chỉ giúp ích việc tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp mà còn có thể là cách thức giúp học sinh ứng dụng những thông tin đã học vào trong cuộc sống và cũng làm cho học sinh cảm thấy phấn thích và vui vẻ hơn. Việc phối kết hợp như thế nào còn phụ thuộc vào nội dung hoạt động, lứa tuổi, sở thích, khả năng của từng HS và các nguồn lực. Một số hoạt động khoa học gợi ý cho việc thực hiện tại gia đình đó là: Thực hiện một số thí nghiệm khoa học ở nhà liên kết với nội dung trên lớp, tập trung vào việc học tập theo sở thích của học sinh; mua đồ chơi công nghệ (xây dựng, robotic), cho học sinh giúp phụ huynh hoặc quan sát phụ huynh sửa chữa một số vật dụng trong nhà, khuyến khích HS tạo ra những đồ dùng mới từ những vật dụng có sẵn, tái chế; đặt những câu hỏi về toán học, khoa học, kĩ thuật, công nghệ trong cuộc sống hàng ngày… Trên đây là gợi ý về một số chiến lược nhằm giúp cho GV có thể tổ chức các hoạt động giáo dục STEAM phù hợp với khả năng và nhu cầu của học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học. Các chiến lược này cần được GV linh hoạt sử dụng và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện của nhà trường, lớp học và học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó có học sinh KTTT. 3. Kết luận STEAM là sự ứng dụng giáo dục tương tác đa chiều với các buổi thực hành kết hợp các 89
  8. Nguyễn Hà My*, Nguyễn Minh Phượng và Trần Thị Bích Ngọc hoạt động sáng tạo và trải nghiệm được áp dụng trong các hoạt động học tập và giáo dục ở nhà trường. Việc ứng dụng giáo dục STEAM cho học sinh KTTT học hòa nhập ở tiểu học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là hết sức thiết thực. Bởi trong bối cảnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho người học nhằm đáp ứng phát triển các kĩ năng của học sinh thế kỉ 21, Giáo dục STEAM có vai trò quan trọng để giúp học sinh đạt được những kĩ năng này. Học sinh khuyết tật trí tuệ cũng là những người học có cơ hội bình đẳng như những học sinh khác tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng để chuẩn bị cho tương lai. Do vậy, nhà trường, GV cần tìm ra các cách thức đảm bảo giáo dục đầy đủ và hiệu quả cho các em. Với những đặc điểm khó khăn của học sinh KTTT, và nhằm gợi ý cho Giáo viên trong tổ chức hoạt động giáo dục STEAM cho học sinh khuyết tật trí tuệ, những chiến lược trên đây sẽ là những gợi ý tuyệt vời cho giáo viên trong quá trình đảm bảo thành công cuả giáo dục hoà nhập. GV cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu và hiệu quả của giáo dục STEAM cho mọi trẻ em, trong đó có học sinh KTTT. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Daugherty, M. K., 2013. The Prospect of an” A” in STEM Education. Journal of STEM Education: Innovations and Research, 14(2), 10. [2] Platz, J., 2007. How do you turn STEM into STEAM? Add the arts. Columbus: Ohio Alliance for Arts Education, 1-5. [3] Conradty, C., Bogner, F.X., 2020. STEAM teaching professional development works: effects on students’ creativity and motivation. Smart Learn. Environ. 7, 26 (2020). https://doi.org/10.1186/s40561-020-00132-9 [4] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. , Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [5] National Science Foudation, 2020. STEM Education for the future – A visioning report, Research in Disabilities Education (RDE) [6] Hwang, J., & Taylor, J. C., 2016. Stemming on STEM: A STEM Education Framework for Students with Disabilities. Journal of Science Education for Students with Disabilities, 19(1), 39-49. [7] American Psychiatric Association (APA), 2013. Desk Reference to the Diagnostic Criteria from DSM – 5, American Psychiatric Publishing. [8] Nguyễn Thị Hoàng Yến (chủ biên) và Đỗ Thị Thảo, 2010. Đại cương về giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội [9] Nguyễn Văn Hưng (chủ biên) - Phạm Văn Tư - Vũ Duy Chinh, 2019. Giáo dục kĩ năng xã hội cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hoà nhập cấp tiểu học - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [10] CAST, 2011. Universal Design for Learning Guidelines version 2.0. Wakefield, MA: Author. [11] Fovet, F., Mole, H., Jarrett, T., & Syncox, D., 2014. Like fire to water: building bridging collaborations between disability service providers and course instructors to create user friendly and resource efficient UDL implementation material. Collected Essays on Learning and Teaching, 7(1), 68–75. [12] CAST, 2018. Universal Design for Learning Guidelines version 2.2. Retrieved from http://udlguidelines.cast.org 90
  9. Ứng dụng giáo dục STEM Art cho học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học… ABSTRACT STEM Art education application for students with intellectual disability in inclusive elementary schools under the General Education Program 2018 Nguyen Ha My*, Nguyen Minh Phuong and Tran Thi Bich Ngoc Faculty of Special Education, Hanoi National University of Education Studies in STEM Art (STEAM for short) have been applied to almost all ages, from kindergarten, elementary school, and high school, and at all levels of higher education. Currently, STEAM education has also been deployed on students with disabilities in different educational environments. This article mentioned to the issue of researching STEAM education for students with intellectual disability in inlusive elementary school under the General Education program in 2018. Issues of STEAM education for students with intellectual disability who are studying at inclusive elementary schools are discussed and some strategies for organizing STEAM educational activities for students with intellectual disability at inclusive elementary school are proposed in the article in order to improve the quality of STEAM education in general and STEAM education for students with disabilities in inclusive elementary schools in particular. Keywords: STEM Art, STEAM educational activities, teaching strategy, students with intellectual disability, inclusive education, elementary education, General Educational rogram 2018. 91
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2