intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

11
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung vào việc xác định các bên liên quan và vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Bình Dương gồm: Cơ quan quản lý, cộng đồng, nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông, cơ sở đào tạo. Đồng thời, bài viết cũng sẽ làm rõ hơn vai trò của các bên liên quan từ nghiên cứu trường hợp công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Dương.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương

  1. VAI TRÒ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ Ở BÌNH DƯƠNG Lê Thị Ninh1, Lê Thị Kim Út1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Bài viết tập trung vào việc xác định các bên liên quan và vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Bình Dương gồm: Cơ quan quản lý, cộng đồng, nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông, cơ sở đào tạo. Trong đó, Cơ quan quản lý giữ vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ; cộng đồng giữ vai trò là chủ thể sáng tạo văn hóa, chủ động thực hiện giữ gìn di sản văn hóa; nhà nghiên cứu giữ vai trò đánh giá, nhận định giá trị của di sản; cơ quan truyền thông là nhịp cầu nối đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng; các cơ sở đào tạo giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, bài viết cũng sẽ làm rõ hơn vai trò của các bên liên quan từ nghiên cứu trường hợp công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Dương. Từ khóa: Đờn ca tài tử, Bình Dương, các bên liên quan, di sản văn hóa. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Bình Dương được xem là một trong những tỉnh, thành phố có hoạt động Đờn ca tài tử sôi nổi nhất cả nước. Dù ra đời từ cuối thế kỷ XIX nhưng đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Nam Bộ nói chung và người dân tỉnh Bình Dương nói riêng. Kể từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013), hoạt động Đờn ca tài tử ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, nghệ thuật Đờn ca tài tử đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự suy giảm nguồn nhân lực chất lượng. Các nghệ nhân lão luyện, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức truyền thống, đang dần trở nên hiếm hoi và khó khăn trong việc đào tạo lớp người kế cận. Hơn nữa, sự thay đổi về thị hiếu thẩm mỹ của khán giả cũng đang là một thách thức đối với nghệ thuật này. Trong khi đa số trẻ em và thanh niên ưa thích những hình thức giải trí hiện đại và công nghệ thì Đờn ca tài tử vẫn giữ nguyên tính chất truyền thống và cổ điển của nó. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào để tiếp cận và truyền bá Đờn ca tài tử đến các thế hệ trẻ một cách hiệu quả và hấp dẫn nhất, làm thế nào để kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại một cách sáng tạo và linh hoạt nhất. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Song trách nhiệm này thuộc về ai: Cơ quan quản lý? cộng đồng? các nghệ nhân? hay một tổ chức/ cá nhân nào khác. Để giải quyết được vấn đề trên thì việc nhận định các bên liên quan và xác định vai trò của họ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử chính là điều kiện tiên quyết. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, qua việc làm rõ vai trò của các bên liên quan, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong bài nghiên cứu, tác giả sử dụng chủ yếu là phương pháp thu thập, phân tích dữ liệu thứ cấp. Các dữ liệu thứ cấp được thu thập từ nhiều nguồn như: các công trình nghiên cứu, báo cáo tổng 36
  2. kết của các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử... Các dữ liệu này được hệ thống hóa, phân tích, tổng hợp nhằm phục vụ cho bài viết. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Quan niệm về di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa 3.1.1. Về Di sản văn hóa Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Di sản là cái của thời trước để lại (Hoàng Phê, 2006). Di sản văn hóa theo nghĩa Hán Việt là những tài sản văn hóa (vật chất và tinh thần) có giá trị của quá khứ còn tồn tại trong cuộc sống đương đại và tương lai. Trong Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 29/1/2001 và được sửa đổi năm 2009 có nêu rõ: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (thuvienphapluat.vn) Như vậy, trong di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể là “sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”, còn di sản văn hóa phi vật thể là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. (thuvienphapluat.vn). 3.1.2. Quan niệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hoàng Phê trong Từ điển Tiếng Việt giải thích: “bảo tồn là giữ lại không để cho mất đi”, còn “phát huy là làm cho cái hay, cái tốt tỏa sáng tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm” (Hoàng Phê, 2006). Theo đó, nếu “bảo tồn” là trạng thái “tĩnh”, thì “phát huy” được xem là trạng thái “động” của di sản văn hóa. Trong Luật Di sản văn hóa, khái niệm “Bảo tồn” không được đề cập một cách rõ ràng mà thay vào đó là các khái niệm “Bảo quản” và “Phục hồi” (Điều 4) và được hàm chứa trong khái niệm “Bảo vệ” di sản văn hóa. Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, khái niệm về “Bảo vệ” được giải thích là “các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này” (Mục 3, Điều 2). Như vậy, bảo tồn di sản văn hóa là tất cả những nỗ lực nhằm có được những hiểu biết về lịch sử hình thành, ý nghĩa của di sản phục vụ cho việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục và tôn tạo để khai thác cho sự phát triển kinh tế - xã hội; còn phát huy giá trị di sản được thể hiện bằng những hành động nhằm đưa di sản văn hóa vào trong thực tiễn xã hội, coi đó như là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội. 3.2. Đờn ca tài tử và Đờn ca tài tử ở Bình Dương “Đờn ca tài tử” là một thuật ngữ được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, có nơi gọi là “ca nhạc Tài tử”, có nơi lại gọi là “Đàn ca Tài tử”, “Âm nhạc tài tử” nhưng tên gọi quen thuộc nhất vẫn là “Đờn ca tài tử”. Còn thuật ngữ “Tài tử”, Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng “Phần đông khi nhắc đến Đờn Tài tử thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian hay “a-ma-tơ” (theo chữ Pháp “amateur”) của những người nghiệp dư. Thực ra “Tài tử” có nghĩa là người có tài (…). Người đàn Tài tử không dùng tài nghệ của mình làm kế sinh nhai. Khi nào 37
  3. thích đàn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đàn chơi, ai biết đàn ca cũng có thể tham gia được, có thể đờn ca suốt đêm không chán. Nhưng khi không thích đờn thì dầu cho có ai đem tiền muôn bạc vạn đến bảo đờn rồi thưởng thì các nghệ nhân Tài tử cũng nhứt định không đờn. Tuy không phải nhà nghề nhưng trình độ nghệ thuật của nghệ nhân Tài tử không thấp. Họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Muốn trở thành người đàn Tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu (Trần Văn Khê, 2020). Về lịch sử ra đời của Đờn ca tài tử, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, loại hình nghệ thuật được người dân sáng tạo vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là sản phẩm của sự kết hợp linh hoạt giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ trước như dân ca Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ, nhạc sân khấu hát bội Nam Bộ và nhạc cung đình Huế (Trần Văn Khê, 2020; Võ Trường Kỳ, 2013). Vào đầu thế kỷ XIX ở miền Nam Việt Nam, nghệ thuật truyền thống đã phát triển hai dạng chính là Tuồng và Nhạc lễ. Tuồng là hình thức biểu diễn trên sân khấu, sử dụng trống và kèn làm nền âm nhạc. Nhạc lễ là những buổi biểu diễn nhạc được tổ chức trong các nghi lễ tôn giáo, sử dụng những nhạc cụ dây kéo và bộ gõ. Trên cơ sở hai hình thức nghệ thuật này, các nhạc công cùng với những người yêu nhạc đã sáng tạo ra phong trào “đờn cây” (tức hòa đờn không có bộ gõ) để thoả mãn nhu cầu chơi nhạc trong những lúc nông nhàn, trong những ngày rảnh rỗi. Và phong trào “đờn cây” nhanh chóng lan rộng từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Khi phong trào Cần Vương diễn ra, nhiều viên quan phụ trách các ban nhạc của triều đình nhà Nguyễn tích cực hưởng ứng và di chuyển xuống phương Nam. Họ ở lại đây dạy đờn, dạy hát để giữ lại lời ca, tiếng đờn truyền thống và gửi nỗi niềm ai oán của dân tộc vào điệu nhạc, lời ca. Đồng thời, họ cũng đã chỉnh sửa, sáng tạo kết hợp âm nhạc Nam Bộ với nhạc Huế, đã sáng tạo ra các bản nhạc Tài tử và khởi xướng các lớp dạy đờn trải rộng khắp cả hai miền Đông và Tây Nam Bộ. Các nhạc sư tiêu biểu của thời kỳ đầu, như: Nguyễn Quang Đại (hay còn được biết đến với tên gọi Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Quờn (thầy ký Quờn) ở Vĩnh Long, Lê Tài Khị (nhạc Khị) ở Bạc Liêu… đã dành nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa các bản đờn cổ, sáng tác bản nhạc mới, và tập hợp, thống nhất các nhóm đờn ca từ cả hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, từ đó tạo nên dòng nhạc Tài tử và truyền dạy Đờn ca tài tử trên khắp Nam Bộ. Và cũng từ đây, các bản Đờn ca tài tử đã được tập hợp lại thành hệ thống cơ bản gồm 20 bản, thường gọi là 20 bản tổ của nhạc tài tử Nam Bộ. Các bản nhạc này bao gồm: Lưu Thủy, Phú Lục, Bình Bán, Cổ Bản, Xuân Tình, Tây Thi (làn hơi Bắc); Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc (làn hơi Hạ); Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung (làn hơi Nam); và Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu (làn hơi Oán) (Võ Trường Kỳ, 2013). Về không gian sinh hoạt, thời kỳ đầu, Đờn ca tài tử chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu khiển có tính chất nội bộ gia đình trong những dịp nông nhàn, lễ tiệc nhưng kể từ sau khi góp mặt tại Hội chợ triển lãm thế giới tại Paris (năm 1900) và Hội chợ thuộc địa tại Marseille - Pháp (năm 1906) thì loại hình nghệ thuật này đã nảy thêm dạng thức trình diễn trước công chúng như nhà hàng, sân khấu,… (Võ Trường Kỳ, 2013). Càng về sau, Đờn ca tài tử được diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Có lẽ chính vì tính linh hoạt đó mà Đờn ca tài tử đã nhanh chóng đi vào đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ và có sức sống bền bỉ. Hiện nay, toàn Nam Bộ có 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử phát triển, trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát Đờn ca tài tử nhất (Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương, 2020). Nói đến nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương thì phải nhắc đến hai nhạc sư là Giáo Khái và Sư Dung. Hai ông được xem là những người có công đầu trong việc phát triển loại hình nghệ thuật này ở Bình Dương. Từ những năm cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đờn ca tài tử phát triển rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, trong đó có nhóm nhạc do ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước - Long An làm trưởng nhóm. Địa bàn hoạt động của nhóm chủ yếu ở các khu vực Đa Kao, Gia Định (Sài Gòn), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Lái Thiêu (Bình Dương), Cần Đước (Long An). Nhạc sư Ba Đợi đã đào tạo được rất nhiều môn sinh, trong đó có nhạc sư Giáo Khái 38
  4. và Sư Dung. Sau đó, hai nhạc sư này đã tiếp tục đào tạo các thế hệ kế cận như Lê Văn Nguyên (1905 - 1968), Nguyễn Văn Lâm - Út Lăng (1907 - 1997), Nguyễn Văn Thinh (1908 - 1991) … Tuy nhiên, theo diễn trình lịch sử dân tộc thì quá trình phát triển của Đờn ca tài tử ở Bình Dương cũng có những bước thăng trầm. Trong công trình Tổng tập nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (2020), các tác giả cho rằng: Giai đoạn trước năm 1945, Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương chủ yếu phục vụ đam mê, nhu cầu giao lưu học hỏi và sáng tạo của các ban nhạc cổ truyền. Những người theo học thường là con em các gia đình khá giả, có năng khiếu về âm nhạc. Không gian trình diễn chủ yếu là tại tư gia các gia đình nghệ nhân và các gia đình khá giả trong các dịp cúng tế, giỗ, mừng thọ, cưới hỏi và các buổi tiệc lớn khác hoặc trong các lễ hội truyền thống của địa phương như cúng đình, giỗ tổ. Các nghệ nhân tiêu biểu của giai đoạn này có: Út Lăng, Giáo Tư, Bảy Hóa, Tư Bộ, Giáo Kỷ, Bảy Trọn, Tám Phình, Năm Thuộc, Chín Hòa, … Đến giai đoạn 1945 - 1975, Đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ. Loại hình nghệ thuật này đã vượt qua giới hạn của một thú vui tao nhã, mang tính chất tiêu khiển giải trí trong các gia đình khá giả, nó trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp trong xã hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân trong vùng. Ở phương diện nào đó, các bản sáng tác mới còn có tính chất khích lệ, động viên tinh thần kháng chiến kiến quốc của người dân. Các nghệ nhân có đóng góp lớn cho Đờn ca tài tử giai đoạn này có thể kể đến Năm Bường, Ba Rừng, Năm Cơ, Ba Nhã, Tư Còn, Ba Còn, Mười Phú, … Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đời sống của người dân tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, song người dân vẫn dùng lời ca, tiếng đàn để làm động lực tinh thần tiếp sức cho công cuộc tái thiết đất nước. Các nghệ nhân như Út Lăng, Kim Anh, Kim Lệ Thi, Thu Hồng, Phạm Ngọc Phú, Cao Thị Thắng, … đã tích cực truyền dạy và tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Từ sau năm 1975 đến nay, phong trào văn hóa, văn nghệ vẫn luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm, trong đó, luôn khuyến khích tinh thần thi đua sáng tạo, biểu diễn trong hoạt động Đờn ca tài tử thông qua các cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử do tỉnh tổ chức. Chính việc duy trì thông lệ này đã tạo động lực cho các câu lạc bộ Đờn ca tài tử được thành lập, hoạt động thường xuyên hơn. Các cuộc thi, liên hoan cũng là sân chơi để các câu lạc bộ Đờn ca tài tử được giao lưu cọ xát và các nghệ nhân thể hiện tài năng. Hiện nay, toàn tỉnh có 84 câu lạc bộ Đờn ca tài tử, là nơi để các nghệ nhân sinh hoạt, tổ chức giao lưu, trao đổi chuyên môn lẫn nhau. 3.3. Sự tham gia của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương 3.3.1. Vai trò của Cơ quan quản lý Cơ quan quản lý đóng một vai trò quan trọng, cùng với cộng đồng được xem là hai nhân tố quyết định trong công tác bảo tồn di sản. Cơ quan quản lý đại diện cho Nhà nước có nhiệm vụ ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến di sản văn hóa như Luật Di sản văn hóa, các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn quản lý, các chủ trương, định hướng, quy hoạch phát triển... Đồng thời, ban hành những cơ chế, chính sách xử lý và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản; đưa ra các chính sách nhằm tạo điều kiện để cộng đồng phát huy vai trò chủ động trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Thực hiện theo Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH, ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, của Nhà nước trong Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Công văn số 3094/BVHTTDL-DSVH, ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO. Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành các quyết định nhằm cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, cụ thể: Quyết định số 39
  5. 1793/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016 - 2020”, Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Những kết quả về Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đạt được trong thời gian qua có thể kể đến như: trang bị các loại nhạc cụ dân tộc cho các Câu lạc bộ; Hỗ trợ kinh phí cho các Câu lạc bộ hoạt động hoặc khi tham gia hội thi, hội diễn, giao lưu; hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân thực hiện truyền dạy Đờn ca tài tử; kịp thời khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tại địa phương. Đặc biệt, ngoài nguồn kinh phí Ngân sách nhà nước cấp, tỉnh cũng đã nhận được sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong xã hội thông qua hình thức xã hội hóa để đẩy mạnh hoạt động Đờn ca tài tử của tỉnh… Chính việc thực hiện tốt vai trò của mình mà hoạt động Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng được công chúng biết đến nhiều hơn và tích cực tham gia, ủng hộ những chủ trương, chính sách của tỉnh về lĩnh vực bảo tồn loại hình nghệ thuật này. 3.3.2. Vai trò của cộng đồng Cộng đồng ở đây có thể hiểu là “một tập hợp những chủ thể văn hóa và những người cùng cư trú ở một khu vực địa lý, có những đặc tính chung về văn hóa, xã hội, cùng thừa nhận một di sản văn hóa là tài sản của họ và một di sản văn hóa phi vật thể nhất định là bản sắc văn hóa của họ” (Nguyễn Thị Thu Trang, 2016). Theo đó, cộng đồng không chỉ là người dân ở địa phương mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi quan phương hoạt động trên địa bàn. Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản với tư cách chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời là người hưởng thụ văn hóa, và tham gia đóng góp vật lực, tài lực theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong lĩnh vực Đờn ca tài tử, cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa đã đóng vai trò rất quan trọng. Họ chính là những người giữ được cái hồn của Đờn ca tài tử trong xu thế hội nhập hiện nay. Thông qua các sáng tác, cộng đồng có thể truyền tải các thông điệp của những vấn đề đương thời trên âm giai ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Với tư cách là người hưởng thụ văn hóa, thực hành diễn xướng di sản, cộng đồng góp phần đảm bảo tính chất sống còn của loại hình nghệ thuật này. Họ thưởng thức âm nhạc qua các phương tiện truyền thông, qua các buổi trình diễn và hơn thế, tham gia vào các câu lạc bộ Đờn ca tài tử để cùng giao lưu, chia sẻ niềm đam mê đối với Đờn ca tài tử. Nhờ đó mà Đờn ca tài tử có được sức sống bền bỉ trong đời sống của người dân. Ngoài ra, cộng đồng cũng giữ vai trò quan trọng trong việc đóng góp tài lực, vật lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nếu biết huy động và tập hợp sức mạnh của người dân đúng việc, đúng thời điểm thì sức mạnh đó sẽ trở nên mạnh mẽ vô cùng. Nhìn vào thực tế tỉnh Bình Dương, trong những năm qua, hoạt động Đờn ca tài tử khá sôi nổi, thông qua các buổi tuyên truyền, quảng bá, người dân tìm đến với nghệ thuật này nhiều hơn, các câu lạc bộ Đờn ca tài tử tăng lên đáng kể: năm 2014 tỉnh có 71 câu lạc bộ với 800 thành viên, đến năm 2020 tỉnh có 84 câu lạc bộ với gần 1400 thành viên. Người dân cũng tích cực tham gia 6 cuộc thi sáng tác ca khúc gắn với vùng đất và con người Bình Dương với tổng số 120 bài dự thi, hoặc cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản Tổ của nhạc Đờn ca tài tử do tỉnh tổ chức đã thu hút 144 bài dự thi. Trong giai đoạn thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh đã nhận được sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong xã hội ủng hộ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc là 22 tỷ đồng (UBND tỉnh Bình Dương, 2021). Như vậy, có thể thấy rằng, vai trò của cộng đồng đã được tỉnh Bình Dương chú trọng và huy động một cách khá hiệu quả. 3.3.3. Vai trò của các nhà nghiên cứu Các nhà nghiên cứu là các chuyên gia tại các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, là những người có sự am hiểu tư liệu lịch sử di sản cho nên họ sẽ là những người đóng góp về mặt lý luận, 40
  6. đánh giá, nhận xét chuyên môn trong các vấn đề liên quan đến di sản và tham mưu định hướng các giải pháp thực hành diễn xướng bảo tồn di sản. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy bền vững Đờn ca tài tử ở Bình Dương”; tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương - Viên ngọc sáng của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ”. Hội thảo cũng đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nghệ nhân tham gia chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ cũng như đề xuất những phương án, giải pháp nhằm góp phần phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh. 3.3.4. Vai trò của cơ quan truyền thông Truyền thông được hiểu là những phương tiện, cách thức để truyền tải, chia sẻ thông tin, giúp mọi người có thể trao đổi, tương tác thông tin với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức. Xã hội càng phát triển, các kênh truyền thông ngày càng phát triển, đa dạng và phong phú, thì truyền thông càng có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin, tuyên truyền hay phản ánh những vấn đề có liên quan đến di sản văn hóa tới công chúng. Trong những năm qua, ở Bình Dương, cơ quan truyền thông như toà soạn báo, đài phát thanh truyền hình… đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Cụ thể: Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện 02 chuyên đề phát sóng luân phiên hàng tuần, gồm 208 chương trình với chủ đề “Âm nhạc dân tộc”, “Giai điệu quê hương”; 36 chương trình về chủ đề “Tìm hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương”; 10 chương trình với chủ đề “Cung bậc quê hương”; 60 tập ký sự tuyên truyền cho Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II và thực hiện các chương trình đặc biệt phụ vụ Tết dương lịch và âm lịch gắn với nghệ thuật Đờn ca tài tử…(UBND tỉnh Bình Dương, 2021). Ngoài ra, trên các trang thông tin điện tử của các huyện, thị, thành phố đều đăng tải, phát sóng các tin, bài, chương trình Ca nhạc Đờn ca tài tử, cải lương… Thông qua đó, người dân biết đến Đờn ca tài tử và tham gia vào thực hành diễn xướng di sản phi vật thể này nhiều hơn. 3.3.5. Vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật Các cơ sở đào tạo nghệ thuật chính là môi trường đào tạo các chủ thể thực hành diễn xướng di sản một cách bài bản, có tính hàn lâm nhất. Đồng thời, cũng là đơn vị thực hiện trách nhiệm tuyền truyền, giáo dục, định hướng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ cho người học. Tuy nhiên, đối với loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử, công tác truyền dạy cho các thế hệ kế cận cũng có những yêu cầu riêng, bởi nó có tính đặc thù, như nhận định của cố soạn giả Trần Ngọc Thạch “dù bất cứ cao độ, trường độ, giai điệu, tiết tấu… thế nào nhạc tài tử miền Nam cũng chỉ ký âm ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Còn những xang già, cống non… thì phải có người hướng dẫn mới biết. Nếu không có thầy dạy trực tiếp, học lỏm ở đâu đó, chúng ta không thể nào am tường và diễn tả cho đúng bài bản được” (Võ Trường Kỳ, 2013). Ngược lại, nếu chỉ là những truyền dạy theo tính chất truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp giữa thầy và trò thì cách giảng dạy sẽ là mỗi thầy “một phách” theo kinh nghiệm của riêng mình. Công tác truyền dạy Đờn ca tài tử ở Bình Dương thời gian qua vẫn chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền thống là do các nghệ nhân, nghệ sỹ hàng đầu của tỉnh đảm trách. Cho nên, việc cần thiết là phải có sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo và các nghệ nhân giỏi. Giáo viên có chuyên môn về phương pháp sư phạm sẽ hướng dẫn cho học viên những kiến thức đơn giản, dễ hiểu về bài bản, nhạc cụ, lấy hơi, nhả chữ... Nghệ nhân là người thạo về nghề sẽ hướng dẫn các học viên thực hành bài học, các kỹ năng nhấn nhá, sáng tạo, để có thể tạo dấu ấn cá nhân. Việc kết hợp cả hai lối dạy dân gian và hàn lâm sẽ thể hiện rõ hai đặc trưng quan trọng của Đờn ca tài tử: tính cổ điển quy chuẩn trong cấu trúc lòng bản, hơi - điệu và tính dân gian đầy ngẫu hứng sáng tạo trong diễn tấu, hòa ca. Theo số liệu thống kê, thời gian qua, Đài phát thanh và Truyền hình Bình Dương đã thực hiện được 78 chương trình với chuyên đề “Truyền dạy Đờn ca tài tử và cải lương”; Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương phối hợp với Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tổ chức 03 lớp truyền dạy Đờn ca tài tử, thu hút 96 học viên tham gia. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ năng diễn xuất, trong đó có kỹ năng ca ra bộ của nghệ thuật Đờn ca tài tử, có 26 học 41
  7. viên tham gia. Ngoài ra, các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh mở các lớp truyền dạy tại nhà cũng thu hút nhiều học viên tham gia. Có thể thấy, trong công tác truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử đã có những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đây vẫn là sự manh mún, cá nhân, cần hơn nữa một môi trường đào tạo bài bản, khoa học (Sở VH TT&DL Bình Dương, 2020). 3.4. Một số khuyến nghị góp phần nâng cao vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương - Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương cần tăng cường việc định hướng và chỉ đạo thông qua việc phát triển và thực thi chính sách, quy định liên quan đến bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử. Việc xác định rõ ràng các quy định và hướng dẫn cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật liên quan đến Đờn ca tài tử là đảm bảo tính hợp pháp và bền vững cho các dự án và sự kiện văn hóa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ thông qua việc cung cấp nguồn tài trợ và vốn đầu tư cho các dự án và hoạt động liên quan đến nghệ thuật Đờn ca tài tử như: hỗ trợ các buổi biểu diễn, hội thảo, và các sự kiện văn hóa liên quan đến loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, việc cung cấp vốn đầu tư có thể giúp xây dựng và duy trì các cơ sở hạ tầng văn hóa như phòng biểu diễn, trung tâm nghệ thuật, và các nhà văn hóa. Những cơ sở này không chỉ là nơi để biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử mà còn là trung tâm của hoạt động văn hóa và giáo dục trong cộng đồng. Chính quyền địa phương có thể đảm bảo rằng các cơ sở này được quản lý và vận hành một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Điều quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần phải thúc đẩy việc đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục cơ bản tại các trường học. Bằng cách này, kiến thức và niềm yêu thích về nghệ thuật này có thể được truyền đạt cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ở độ tuổi học trò. Chính quyền địa phương cũng có thể hỗ trợ việc tổ chức các khóa học, workshop, và các chương trình giáo dục khác để giúp tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các nghệ sĩ trẻ. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng có thể thúc đẩy việc nghiên cứu và thu thập thông tin về nghệ thuật Đờn ca tài tử trong tỉnh. Việc này có thể giúp tạo ra các chiến lược và chính sách hiệu quả hơn trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật này, dựa trên sự hiểu biết chính xác về tình hình hiện tại và các vấn đề đang diễn ra. - Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương: Cần tạo ra các cơ hội và không gian cho cộng đồng địa phương tham gia và thể hiện sự quan tâm của họ đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử. Điều này có thể bao gồm tổ chức các lớp học, buổi biểu diễn cộng đồng và các hoạt động tình nguyện. Một trong những cách để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng là thông qua việc tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa mà cả gia đình và cộng đồng có thể tham gia. Các buổi biểu diễn, hội chợ nghệ thuật, và các sự kiện văn hóa khác có thể tạo ra một không gian mở và thân thiện, nơi mà mọi người có thể gặp gỡ, trò chuyện, và thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử cùng nhau. Điều này giúp tạo ra một cộng đồng văn hóa đa dạng và phong phú, nơi mà mọi người đều cảm thấy hoà nhập và gắn kết với nhau. - Xây dựng các chương trình giáo dục và trải nghiệm: Các chương trình giáo dục và trải nghiệm có thể giúp tăng cường nhận thức và hiểu biết về nghệ thuật Đờn ca tài tử trong cộng đồng địa phương và với du khách. Các tour du lịch văn hóa, lớp học và các hoạt động tương tác có thể giúp tạo ra một cộng đồng hỗ trợ và quan tâm đến nghệ thuật này. Việc tạo ra các chương trình giáo dục và trải nghiệm là một phần quan trọng trong việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương. Đây không chỉ là cơ hội để tăng cường kiến thức và hiểu biết về nghệ thuật truyền thống này, mà còn là một cách để tạo ra một môi trường học tập và giao lưu sáng tạo. Một trong những chương trình giáo dục quan trọng nhất là việc tích hợp nghệ thuật Đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục cơ bản tại các trường học. Các hoạt động như học chơi nhạc cụ truyền thống, học về lịch sử và ý nghĩa văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử có thể được tích hợp vào các bài học, giúp trẻ em hiểu và yêu thích nghệ thuật này từ khi còn nhỏ. Ngoài ra, các buổi workshop và nói chuyện chuyên đề cũng là một phần quan trọng của các chương trình giáo dục. Các buổi học này không chỉ giúp truyền đạt kiến thức và kỹ năng về nghệ 42
  8. thuật Đờn ca tài tử, mà còn tạo ra cơ hội cho người tham gia để trải nghiệm trực tiếp về nghệ thuật này. Tại các buổi workshop, họ có thể được hướng dẫn về cách chơi nhạc cụ, cách hát và biểu diễn theo phong cách truyền thống, từ đó hiểu sâu hơn về nghệ thuật và có cơ hội thể hiện bản thân. Việc tổ chức các sự kiện và chương trình biểu diễn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm cho cộng đồng. Các buổi biểu diễn không chỉ là cơ hội để người xem thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật Đờn ca tài tử, mà còn là dịp để tạo ra một không gian giao lưu và gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và khán giả. Các sự kiện này có thể được tổ chức trong các khu vực công cộng, như các công viên và quảng trường, để thu hút sự tham gia của nhiều người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi và chương trình triển lãm cũng là một cách để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Các cuộc thi như hát Đờn ca tài tử, chơi nhạc cụ truyền thống, hoặc biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử có thể kích thích sự sáng tạo và phát hiện được các tài năng trong cộng đồng. - Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên liên quan: Mối quan hệ giữa các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận, tương tác và hỗ trợ đôi bên, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi để bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử. Ngoài ra, thúc đẩy sự giao lưu, mở rộng mạng lưới quan hệ giữa các câu lạc bộ, các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo… để có thể tạo ra cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển chung, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật này. 4. KẾT LUẬN Trong cuộc sống hiện đại, khi mà sự phát triển công nghệ và toàn cầu hóa đang thay đổi cách con người tiếp cận và tiêu dùng văn hóa, việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống trở nên vô cùng quan trọng. Trong số những di sản ấy, Đờn ca tài tử Nam Bộ là một viên ngọc sáng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, của một quá trình lịch sử và tư duy mới mẻ của người Việt. Tuy nhiên, trước thách thức từ sự lan tràn của văn hóa giải trí toàn cầu, Đờn ca tài tử đang phải đối diện với nhiều thách thức để “sinh tồn”. Để giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật này, sự hợp tác và đóng góp của các bên liên quan là cần thiết và không thể phủ nhận. Trong hệ thống các bên liên quan, Nhà nước đóng vai trò tạo ra môi trường pháp lý, đề ra chính sách và nguồn lực hỗ trợ, còn sự nhận thức và ủng hộ từ cộng đồng là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Các nhà nghiên cứu thông qua những nghiên cứu về lịch sử, giá trị văn hóa và âm nhạc của Đờn ca tài tử giúp tăng cường hiểu biết và tình yêu đối với nghệ thuật này. Các cơ quan truyền thông có thể sử dụng các kênh thông tin và giải trí để giới thiệu và quảng bá Đờn ca tài tử đến với đông đảo khán giả. Các cơ sở đào tạo có thể giúp truyền đạt kiến thức và kỹ năng về Đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ, từ đó đảm bảo sự duy trì của nghệ thuật này trong tương lai. Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ là trách nhiệm của một bên mà là sự kết hợp của nhiều bên liên quan. Chỉ khi mọi người cùng nhau chung tay góp sức, từ Nhà nước đến cộng đồng, từ nhà nghiên cứu đến cơ quan truyền thông và cơ sở đào tạo, mới có thể đảm bảo rằng nghệ thuật Đờn ca tài tử sẽ tiếp tục sống mãi và phát triển trong lòng người dân Việt Nam, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của đất nước./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Võ Trường Kỳ (2013). Đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin Hà Nội. 2. Hoàng Phê (2006). Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Đà Nẵng. 3. Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Bình Dương (2020). Tổng tập nghệ thuật đời ca tài tử tỉnh Bình Dương. Nhà xuất bản Đồng Nai. 4. Nguyễn Thị Thu Trang (2016). Cộng đồng với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tạp chí Di sản văn hóa, Số 1 (54), tr.6-tr.15. 5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (2021). Quyết định về việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 11/12/2020. 43
  9. 6. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003) (truy cập ngày 15/4/2024). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-uoc-bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the- 130943.aspx 7. Quốc hội (2001). Luật Di sản văn hóa (truy cập ngày 15/4/2024). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai- nguyen-Moi-truong/Luat-di-san-van-hoa-2001-28-2001-QH10-47926.aspx 8. Quốc hội (2009). Luật Di sản văn hóa (truy cập ngày 15/4/2024). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van- hoa-Xa-hoi/Luat-di-san-van-hoa-2009-sua-doi-32-2009-QH12-90620.aspx 9. Kết quả 05 năm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở tỉnh Bình Dương (truy cập ngày 15/4/2024). https://sovhttdl.binhduong.gov.vn/tin-tuc/ket-qua-05-nam-bao-ton-va- phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-o-tinh-binh-duong-1956.html 10. Trần Văn Khê (2020). Quá trình hình thành và phát triển Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Vietnamese Institute of Musicology Website - Quá trình hình thành và phát triển Đờn ca Tài tử Nam Bộ (vienamnhac.vn) 44
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
9=>0