intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam trong việc giáo dục đồng niên

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Vai trò của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam trong việc giáo dục đồng niên trình bày các nội dung: Nguồn gốc của tổ chức Gia đình phật tử Việt Nam; Giáo dục đồng niên và tác động đến xã hội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam trong việc giáo dục đồng niên

  1. VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐỒNG NIÊN PHAN THANH VIỆT1* Tóm tắt: Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức hoạt động trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, có bề dày lịch sử và đóng góp những thành tựu lớn lao trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, khi thời đại công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng, luôn đặt ra những thách thức chung cho toàn xã hội. Trong vai trò là một tổ chức đại diện cho tầng lớp nam nữ phật tử tại gia, luôn đặt lên vai những trách nhiệm nặng nề, vận hành thay đổi để bắt kịp thời đại mà vẫn giữ được bản sắc của mình. Tổ chức Gia đình Phật tử với việc đào tạo Đoàn sinh trở thành những người phật tử thuần thành hộ trì Tam bảo là một việc làm vô cùng quan trọng mà trong đó, lứa tuổi đồng niên với sự hồn nhiên, trong sáng, các em là những mầm măng sẽ tiếp nối trong nay mai. Vì vậy, để giáo dục hướng dẫn đạo đức Phật học cho lứa tuổi này là việc làm rất quan trọng và luôn có những thách thức. Trong tham luận này, chúng tôi muốn hướng đến sự giáo dục Phật học cho lứa tuổi nhi đồng, để hướng cho các em có một tương lai tươi sáng và trở thành những người phật tử thuần thành, công dân tốt. Từ khóa: Gia đình Phật tử, Hội An Nam Phật học, giáo dục Phật học, Đồng ấu. Đặt vấn đề Hội nhập quốc tế là một bước tiến của quá trình phát triển đất nước nhưng cũng đầy thách thức, hàm ẩn những điều khó kiểm soát hệ lụy, bất bình đẳng xã hội, thái độ vô cảm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Trẻ chính là tương lai của xã hội. Mọi tổ chức hay định chế giáo dục đều không nằm ngoài mục đích này, việc giáo dục tầng lớp này trưởng thành để trở có ích cho gia đình, cho đất nước chính * Chùa Trúc Lâm, đường Võ Văn Kiệt, phường Thủy Xuân, Tp. Huế.
  2. 1144 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... là mục tiêu hàng đầu của giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, một thực tế mà ngày nay đã trở thành một vấn nạn của xã hội đó chính là tỉ lệ tội phạm trong lớp thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Vậy lỗi này là do ai? Giáo dục hay tự thân? Hay chính do sự hội nhập và sự phát triển của các mạng xã hội, phim ảnh, tụ điểm ăn chơi,… Làm sao để xóa bỏ tình trạng này là một vấn đề nhức nhối, cần sự chung tay của toàn xã hội. Phật giáo cũng nằm trong vai trò ấy, mà trong đó các hoạt động xã hội và giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng. Như vậy, vấn đề được đặt ra là trước thực trạng này với vai trò là một tổ chức hướng dẫn rèn luyện, giáo dục thanh, thiếu, đồng niên phật tử thì tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam phải làm gì để phù hợp với thời đại. Hay nói cách khác là việc giáo dục đạo đức Phật giáo cho các em thiếu nhi sẽ đóng góp thành tựu gì cho tương lai các em, để khi trưởng thành vốn kiến thức đạo đức đó sẽ giúp các em tránh khỏi những tệ nạn xã hội, biết tu dưỡng đạo đức, sống lương thiện và yêu thương đồng loại. Phương pháp nghiên cứu So sánh thực tiễn của xã hội hiện tại thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế với xã hội của 15 - 20 năm trước và thông qua các tư liệu về quá khứ xa hơn để thấy được xã hội ngày trước khi chưa có sự phát triển khoa học kỹ thuật, đời sống gia đình và con người xã hội được gần nhau hơn. Ngày nay, tuy đạt được thành tựu kinh tế vượt bậc, đời sống nâng lên mức cao hơn nhưng cũng kéo theo những hệ lụy, đó là khoảng cách giữa người với người tuy về thực tế là gần nhưng lại xa ngay trong hiện tại; tỷ lệ tội phạm tinh vi và nguy hiểm, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên về đạo đức xã hội bị xuống cấp nặng nề, cần thiết phải trang bị lối sống đạo đức cho học sinh, sinh viên. Khảo sát thực tế tại các tổ chức Gia đình Phật tử tại Huế để thấy được giá trị lợi ích thiết thực của việc giáo dục đạo đức Phật giáo, đó là con người sống hiền lương hơn, và điều quan trọng Gia đình Phật tử là chiếc cầu nối giữa Phật pháp và tầng lớp tri thức trẻ. 1. Nguồn gốc của tổ chức Gia đình phật tử Việt Nam Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam được thành lập tại Huế, đã trải qua một quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Từ sơ thủy, tổ chức này hoạt động trong lòng của Hội An Nam Phật học tại Trung kỳ của những thập niên 30 - 40 thế kỷ trước với những tên gọi khác nhau. Liên hệ đến sự ra đời và phát triển của tổ chức Gia đình phật tử Việt Nam, chúng ta đề cập đến sự thành lập của Hội An Nam Phật học tại Trung kỳ. Đây là
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1145 ngọn cờ đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung những thập niên đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm này, ở Trung Quốc, ngài Thái Hư Đại sư đang phát động công cuộc chấn hưng Phật giáo nên đã tác động mạnh đến Phật giáo Việt Nam và thôi thúc các bậc tôn túc và trí thức Phật học phải làm sao vực dậy Phật giáo nước nhà đang bị ngủ quên. Việc thành lập Hội An Nam Phật học như là một điều kiện tất yếu để phát huy công cuộc chấn hưng đó và ảnh hưởng sâu rộng trong cả ba miền đất nước. Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Kỳ đánh dấu bởi sự ra đời của Hội An Nam Phật học năm 1932, do Hòa thượng Giác Tiên cùng với với chư vị tôn túc bấy giờ là: Quốc sư Phước Huệ, Hòa thượng Tịnh Hạnh, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên khởi xướng, Hòa thượng Giác Tiên đã cử vị đệ tử xuất sắc của mình là Tâm Minh Lê Đình Thám kêu gọi các bậc thức giả đương thời có tấm lòng chấn chỉnh Phật giáo, đứng ra thành lập. Lê Đình Thám đã vâng lời Hoà thượng Giác Tiên và chư Tôn túc kêu gọi triệu tập các đồng lữ, các bậc thức giả đương thời có địa vị và uy tín trong xã hội như các cụ: Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác… (gồm 18 người), để thành lập Hội An Nam Phật học năm 1932 (thời Pháp đô hộ, miền Trung từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận gọi là An Nam), trụ sở ban đầu đặt tại chùa Trúc Lâm, sau khi chùa Từ Đàm trùng tu xong thì Hội chuyển trụ sở về đây. Chính Tâm Minh Lê Đình Thám là người khảo điều lệ của Hội, vận động xin phép Triều đình cho phép, dưới sự yểm trợ của Thái Hậu Từ Cung và Hội đã mời được Vua Bảo Đại làm Hội Trưởng danh dự cho Hội. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là vị Hội trưởng đầu tiên của Hội An Nam Phật học tại chùa Trúc Lâm, nhưng ông không ngồi mãi ở địa vị đó, các vị khác như: Nguyễn Đình Hoè, Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, v.v… cũng thay thế nhau là Hội trưởng cho Hội. Lê Đình Thám không những làm cái trục trung ương của Hội mà còn là linh hồn của tạp chí Viên Âm nữa. Sở dĩ ông làm việc được một cách bền bỉ là tại vì ông có đủ đức khiêm nhượng. Ông làm một chất keo dính liền các phần tử khác biệt về tuổi tác và về nhận thức chính trị. Chúng ta đã chứng kiến sự kiện ra đời của An Nam Phật học Hội. Điều lệ và quy tắc Hội Phật học tại Huế đã được Hoàng thượng phê chuẩn. Qua đó ta thấy tính hợp pháp chính quy của Hội. Đây rõ ràng là ngọn cờ của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung. Tên chữ Pháp của Hội, in trên bìa Viên Âm SEERBA, nghĩa là Société d’Annam. “Sự thành lập An Nam Phật học Hội như hình mẫu của một Giáo hội trong tương lai của Phật giáo Việt Nam, điều chưa từng có trong lịch sử Phật giáo trước thế kỷ XX. An Nam Phật học Hội là “dạng nguyên thủy” của một Giáo hội Phật giáo có quy mô toàn quốc” [Nguyễn Quốc Tuấn].
  4. 1146 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Ngoài việc chú trọng đào tạo Tăng tài và chỉnh lý Tăng chế, Hội An Nam Phật học cho xuất bản tờ báo Nguyệt san Viên Âm do Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám chủ bút, để làm cơ quan ngôn luận hoằng pháp của Hội, Ông thành lập các tổ chức thanh thiếu niên phật tử nhằm tạo ra một nguồn tri thức trẻ cống hiến cho Đạo Pháp mà đỉnh cao là việc đi đến thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam. Vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội An Nam Phật học tại Huế, bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ thanh thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Một câu nói xuất phát từ suy nghĩ sâu xa và có tầm nhìn chiến lược mà sau đó đã hình thành các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử. Được bắt đầu với lớp đồng ấu Phật giáo, thành lập hoạt động với tôn chỉ mục đích ban đầu hướng dẫn tu học theo đạo đức của Đức Phật, học tập Giáo lý Phật pháp. Bắt nguồn từ mối quan tâm trên, vào mùa Thu năm 1940, Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục do đích thân bác sĩ điều khiển. Thành phần Đoàn Thanh niên Phật học đức dục đầu tiên gồm có: Cố vấn: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám; Đoàn trưởng: anh Phạm Hữu Bình; Đoàn phó: anh Đinh Văn Nam (tức là HT. Minh Châu); Thư ký: anh Ngô Điền; và các ủy viên: anh Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quỵ, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên. Năm sau có các anh mới: Ưng Hội, Tráng Thông, Lâm Công Định. Ngày Phật đản 8 tháng 4 năm Giáp Thân – 30/4/1944 (đến năm 1952 mới thống nhất làm lễ Phật đản vào ngày rằm tháng tư theo Nghị quyết của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới), Đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử tại rừng Quảng Tế, Huế, đã đi đến thành lập Gia đình Phật Hóa Phổ với nhiệm vụ đưa đạo Phật đến với từng gia đình, hướng dẫn Phật pháp đến tầng lớp tri thức trẻ. Các Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên gồm có Gia đình Tâm Minh (do bác sĩ Lê Đình Thám là Phổ trưởng); Gia đình Thanh Tịnh (do bác sĩ Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng); Gia đình Tâm Lạc (do bác Phạm Quang Thiện làm Phổ trưởng) và Gia đình Sum Đoàn (do bác Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng). Đến năm 1951, Đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tại chùa Từ Đàm, Huế đã quyết định đổi danh xưng thành Gia Đình Phật Tử, như vậy Gia đình Phật Hóa Phổ là tiền thân tiếp cận của Gia đình Phật tử Việt Nam. Trải qua những cuộc thăng trầm của Phật giáo Việt Nam, tổ chức Gia đình Phật tử luôn là những người đồng hành cùng với các bậc tăng già để đấu tranh, xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo. Trong những năm của phong trào chấn hưng Phật giáo
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1147 lan rộng cả 3 miền Tổ quốc với tinh thần chỉnh lý tăng giới, phát triển Phật giáo, đưa ttạo Phật đến với mọi tầng lớp thì tổ chức Gia đình Phật tử chính là chiếc cầu nối giữa ttạo và đời Gia đình phật tử là một tổ chức hoạt động nhằm mục đích cao cả: “Đào tạo thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành những phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”. 2. Giáo dục đồng niên và tác động đến xã hội 2.1. Giáo dục đồng niên Chính vai trò ban đầu thành lập là chiếc cầu nối Phật pháp đến với tầng lớp tri thức trẻ, cho nên việc giáo dục đối với các lứa tuổi trong tổ chức này rất quan trọng mà trong đó lứa tuổi trẻ em (Ngành Oanh) là một bước đệm vô cùng quan trọng, đòi hỏi có sự khéo léo, sâu sắc và thích hợp với tâm lý trẻ em. Việc hình thành nhân cách của một con người chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp từ giáo dục. Nói cách khác giáo dục quyết định đến tương lai của một chủ thể trong xã hội. Trong quá trình phát triển tri thức và nhân cách của một con người thì lứa tuổi Nhi đồng (Đồng ấu) là quan trọng nhất. Vì vậy, việc giáo dục trẻ em là việc làm cực kỳ quan trọng, trẻ em chính là thế hệ tương lai của đất nước, của thời đại. Nếu ngay từ bước ban đầu chúng ta đi sai hướng có thể dẫn đến lạc đường cho một thế hệ. Trong các ngành thuộc tổ chức Gia đình phật tử thì lứa tuổi nhi đồng được gọi là Ngành Đồng hay còn gọi là Ngành Oanh, tức là lớp Đồng Ấu. “Oanh” có nghĩa là con chim Oanh Vũ. Một loài chim theo truyện cổ Phật giáo là ngoan hiền, hiếu kính cha mẹ. Chuyện cổ Phật giáo kể rằng vào thuở xa xưa, khi cánh rừng bị lửa thiêu cháy, những chú chim Oanh Vũ đã lao mình xuống hồ nước tẩm cho ướt hết thân mình và hai cánh rồi bay đến cánh rừng đang cháy rủ cho nước rơi xuống với mong muốn dập tắc đám cháy. Từ hành động nhỏ này, để nói lên ý nghĩa bảo vệ đồng loại, bảo vệ sinh thái, chính là thể hiện tâm từ bi của Đạo Phật. Chim Oanh Vũ vì chăm sóc cha mẹ già yếu mù lòa mà xuống lấy lúa của một nông phu về phụng dưỡng cha mẹ, sau nhiều ngày, người nông phu giăng lưới và bắt được chim Oanh Vũ nhưng sau khi nghe được nguyên nhân sâu xa của hành động đó, bác nông phu đã cảm động trước lòng hiếu thảo của chim Oanh Vũ mà dành cho một thửa ruộng để Oanh Vũ lấy về nuôi cha mẹ mình. Đây là mẫu chuyện răn dạy về lòng hiếu thảo người con, biết phụng dưỡng cha mẹ. Như vậy, đặt tên cho lứa tuổi Nhi đồng là Ngành Oanh đã mang hàm ý nghĩa giáo dục các em trở thành những chú chim non Oanh Vũ biết thương yêu, biết hiếu kính cha mẹ và nuôi dưỡng lòng từ bi.
  6. 1148 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Trong hệ thống giáo dục cho lứa tuổi Ngành Đồng, tổ chức Gia đình Phật tử đã thiết lập những cấp bậc qua các giai đoạn: Mở mắt - Cánh mềm - Chân cứng - Tung bay, bao gồm những giáo lý căn bản ban đầu với mục đích nhằm hướng các em đến con đường của Đạo Phật. Dạy biết cách phát tâm ăn chay vào những ngày rằm, lễ vía để nuôi dưỡng lòng từ bi. Lạy Phật - Niệm Phật để tăng trưởng phước đức. Phát nguyện Quy y Tam bảo thọ trì Ngũ giới và học tập về Lịch sử Đức Phật Thích Ca. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến 3 điều tâm niệm mà các em được học thuộc lòng: 1. Em tưởng nhớ Phật. 2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em. 3. Em thương người và loài vật. Đây là những giáo lý căn bản nhất để hướng đến một con người hoàn thiện về nhân cách và đạo đức cho một đứa trẻ. Trẻ em chúng ta không cần mà cũng không thể nhồi nhét kiến thức quá nhiều dẫn đến “bội thực”. Khi chúng ta bắt buộc các em học quá nhiều sẽ khiến cho các em bị thu mình, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì từ đó triệu chứng của bệnh tự kỷ nảy sinh. Vậy phải học làm sao để vừa đủ, sự học luôn gắn liền với sự giải trí, hòa nhập thiên nhiên. Chúng ta sẽ cùng phân tích những lợi ích thiết thực của việc giáo dục 3 điều tâm niệm này. Thứ nhất: Em tưởng nhớ Phật là điều mà mỗi người phật tử từ sơ khởi phát tâm cho đến thành tựu đều cần phải có là luôn nghĩ tưởng đến Đức Phật. Lí do vì sao? Đây là việc tu dưỡng thân tâm. Khi chúng ta nghĩ tưởng đến Đức Phật có nghĩa là chúng ta dạy cho các em nhớ đến một bậc nhân cách lớn với lòng từ bi rộng khắp, luôn yêu thương che chở chúng ta dẫu cho mình có tạo nên lỗi lầm gì, Đức Phật là một điểm tựa tinh thần to lớn để chúng ta quay về nương tựa, đó chính là ý nghĩa ban đầu của việc quy y Phật. Vì vậy, dân gian gọi Đức Phật là Ông Bụt (người Việt xưa gọi Đức Phật là Bụt, được Việt hóa từ danh từ Buddha), một danh từ khi nhắc đến đã mang một cảm giác yên bình. Hiền như Bụt - Một câu nói đơn giản nhưng bao hàm cả tấm lòng từ bi của Đức Phật, dạy cho các em lòng nghĩ tưởng đến Đức Phật chính là dạy các em biết học theo hạnh của Ngài. Điều thứ nhất chính là rèn luyện thân tâm một con đường hướng thiện, giác ngộ. Thứ hai: Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, đạo đức lớn nhất của con người chính là lòng hiếu hạnh. Đây là phẩm chất đạo đức tuyệt diệu cao sâu nhất mà ai cũng phải có. Một đứa trẻ ngoan hiền biết vâng lời cha mẹ nghĩa là đã biết báo hiếu cho cha mẹ. Ở nhà biết kính cha mẹ thì ra xã hội mới biết kính người lớn, mới có sự tôn ti trật tự. Với cha mẹ thì phải kính phải hiếu, còn với
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1149 anh chị em phải biết thuận thảo yêu thương nhau. Một đứa trẻ được giáo dục sâu sắc điều này thì làm sao có chuyện khi lớn lên chúng sẽ tranh giành tài sản đến nỗi mà anh em từ mặt nhau, hay thậm chí xảy ra những điều đáng tiếc. Ca dao Việt Nam cũng có câu “Anh em như thể tay chân - Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Mất đi một cánh tay thì cuộc sống chúng ta sẽ khó vẹn toàn và tình anh em chính là như vậy. Chúng ta bàn sâu về vấn đề hiếu kính cha mẹ. Đạo Phật còn được gọi là đạo Trí tuệ, đạo Từ bi và cũng gọi là đạo Hiếu. Có lẽ trên cõi đất này không có một tôn giáo nào mà vị giáo chủ đặt cha mẹ lên ngang hàng với mình ngoài Đức Phật. Ngài dạy các chúng đệ tử rằng: “Nếu sinh ra gặp thời không có Phật mà biết hiếu kính cha mẹ chính là thờ Phật vậy”. Qua đó, đủ để thấy Ngài chú trọng việc hiếu kính cha mẹ như thế nào. Đức Phật dạy hiếu hạnh là một sự thực tập, là một con đường tu hành. Từ cổ chí kim chúng ta không khó tìm thấy những bậc cao tăng đắc đạo và một lòng phụng dưỡng cha mẹ, để thấy thờ cha kính mẹ chính là một pháp tu mà Đức Phật đã dạy. Từ đó, chúng ta có ngày Vu lan - Mùa báo hiếu chính là để nhắc nhở những người con luôn một lòng báo hiếu cha mẹ, tổ tiên ông bà. Trong giáo lý Phật pháp có câu: “Phụ tại đường như Phật tại thế, mẫu tại đường như Thánh cư gia”, cha hiện còn như chính Đức Phật còn tại thế, mẹ hiện còn như bậc Thánh ở trong nhà. Cha mẹ chính là Phật, là Thánh, một người Phật tử đều phải được giáo dục đạo đức hiếu hạnh với cha mẹ. Trở lại vấn đề là đem giáo lý này để dạy cho các em thiếu nhi là nhằm để các em sẽ biết thương cha mẹ nhiều hơn, khắc ghi công ơn cha mẹ, được giáo dục từ nhỏ thì phẩm hạnh này sẽ ăn sâu vào tiềm thức các em để khi lớn lên các em sẽ biết báo hiếu cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ khi về già, chăm sóc khi ốm đau. Ở nhà là một người con có hiếu với ông bà, cha mẹ thì ra ngoài xã hội các em sẽ là một công dân tốt của đất nước. Điều thứ hai này là hướng đến một gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Thứ ba: Em thương người và loài vật, chính là dạy lòng từ bi. Từ là ban vui cho người, bi là cứu khổ cho người, biết đau xót trước những nỗi đau của người, dạy cho các em biết yêu thương người, xóm giềng, thân thuộc, xa hơn nữa là tình dân tộc đồng bào, tình đồng loại. Đó chính là giáo dục tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Giáo dục cho đứa trẻ biết giúp đỡ người khác trước những hoạn nạn, đấy là loại trừ đi thái độ thờ ơ vô cảm trước nỗi đau của người. Chúng ta thấy rằng, trong một xã hội tấp nập, chạy theo thế giới vật chất không ít người trong chúng ta đã vô cảm trước những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Dạy trẻ biết mở lòng thương người, san sẻ yêu thương, một khi đạt được điều
  8. 1150 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... này các em sẽ sống có ý nghĩa hơn giữa cuộc đời, là chân lý hướng đến điều thiện. Những triết lý này, trong hệ thống giáo dục chúng ta đã giảng dạy rất nhiều nhưng cần phải nhấn mạnh và đi sâu hơn nữa. Tổ chức Gia đình Phật tử là một hệ thống gần gũi với các em nhi đồng thì càng mang một trách nhiệm và ý nghĩa lớn lao. Từ tình thương đối với tha nhân mới biết yêu thương dân tộc thì khi có giặc ngoại xâm những chàng thanh niên mới biết đứng lên bảo vệ dân tộc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc mình. Dạy cho các em biết yêu thương loài vật thì tránh đi nghiệp sát sinh, vì chúng sinh cũng là những sinh mạng, biết tham sống sợ chết. Yêu thương loài vật là nuôi dưỡng lòng từ bi, biết ăn chay để bảo vệ môi sinh. Khi một đứa trẻ được tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử thì được sự dìu dắt, vỗ về của các bậc sư trưởng, các anh chị huynh trưởng, các em được sống và tu học trong tinh thần Lục hòa, là sáu phép hòa kỉnh hướng đến một tập thể an lạc: 1. Thân hòa đồng trú (thân hòa cùng ở chung); 2. Khẩu hòa vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi); 3. Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui); 4. Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu tập); 5. Kiến hòa đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu); 6. Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia); Các em được dạy những điều này và sau mỗi buổi lễ Phật đều được đọc lên 3 điều tâm niệm đó như một sự cảnh tỉnh, cách thức để các em ghi nhớ, dần dần sẽ trở thành một thói quen đạo đức, về sau sẽ là những tư lương cần thiết để trở thành một Phật tử thuần thành. Với những ý nghĩa đó, 3 điều tâm niệm này nếu được dạy dỗ huân tập cho các em thì sẽ hướng các em đến một ngày mai an lạc. Ngoài ra, còn được tham gia các trò chơi hữu ích, hoạt động từ thiện xã hội giúp cho các em biết sẽ chia với người khác những hoạn nạn khó khăn, rèn giũa lòng từ bi mà Đức Phật đã dạy. 2.2. Tác động đến xã hội Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam với mục đích giáo dục Phật giáo của mình hàm chứa những giá trị tích cực đó sẽ mang lại cho chúng ta những thành tựu thấy được trước mắt và tương lai. Một đứa trẻ nếu được giáo dục đạo đức Phật giáo thì trước hết các em là những đứa con ngoan hiền biết vâng lời cha mẹ và người lớn, biết chăm chỉ học hành và yêu mến bạn bè, thầy cô, thành tựu này dần dần sẽ tạo nên một nhân cách phẩm hạnh tốt cho một tương lai trưởng thành, mỗi một cá nhân có phẩm hạnh tốt thì gia đình đó sẽ được hạnh phúc, mỗi một gia đình hạnh phúc thì xã hội đó ắt sẽ được an bình.
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1151 Một thành tựu thiết thực và quan trọng bậc nhất đó là một xã hội nếu đạo đức được giáo dục căn bản thì xã hội sẽ hạn chế tối thiểu tỉ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội. Như chính lời dạy của Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu với Gia đình Phật tử rằng: “Nếu ai đó bị sa ngã trong cần sa, ma túy thì Gia đình Phật tử không có mặt ở đó. Những nơi nào cờ bạc, rượu chè bê bối thì những nơi đó Gia đình Phật tử không có mặt. Những nơi nào có quán xá, nhậu nhẹt say sưa, gây lộn đả thương nhau bằng binh khí, miệng lưỡi, giành giật chém giết nhau thì những nơi đó Gia đình Phật tử không có mặt”. Đây là đóng góp cho an sinh xã hội, góp phần tạo nên một xã hội bình yên, không tệ nạn mà hơn ai hết những người phật tử thuần thành là những tấm gương hướng đến điều thiện, tránh xa điều ác. Giáo dục thanh, thiếu, đồng niên phật tử là nhằm đến mục tiêu này. 3. Định hướng phát triển Tâm hồn trẻ em nếu được xác định và giáo dục đúng hướng thì sẽ phát triển thành công. Như chúng ta đều biết về dân tộc Do Thái, một dân tộc nhỏ bé trải qua những biến cố tưởng chừng như hủy hoại nhưng họ vẫn là dân tộc đóng góp cho thế giới những bộ óc siêu việt, những nhà khoa học vĩ đại cho nhân loại. Ở đó, trẻ em khi vừa lớn lên, một trong những điều chúng được cha mẹ dạy đó là: Họ cho trẻ em chấm tay vào bát mật ngọt rồi đưa vào miệng, rồi sau đó cho trẻ chấm tay lên cuốn sách, với ý nghĩa sách chính là mật ngọt, nếu biết đọc và vận dụng sách sẽ làm cho tri thức được phát triển thành những mật ngọt trong cuộc sống. Cha mẹ người Do Thái thường hỏi các con của họ rằng khi nhà con bị lửa thiêu cháy thì con sẽ mang theo những gì, đó không phải là tiền của, không phải vật dụng mà chúng cần phải mang sách đi. Sách là trí tuệ, bởi vì trí tuệ là tài sản quý báu mà không ai có thể cướp mất của con, có trí tuệ thì con có thể dựng nên được sự nghiệp sau này dù bất cứ nơi đâu. Cha mẹ người Do Thái đã dạy con như vậy. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là mỗi gia đình, những người cha người mẹ trước hết phải là tấm gương về nhân cách đạo đức. Nếu người lớn là những người con bất hiếu, những vấn nạn của xa hội thì lấy gì để dạy con em. Cho nên, việc trang bị kiến thức đạo đức cho các bậc làm cha làm mẹ, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ thông qua các buổi tọa đàm, thuyết giảng là việc làm cần thiết. Mỗi một gia đình tự thân phải sống thuận hòa, dạy cho trẻ tinh thần tự lập, tương thân tương ái. Với đặc thù là một phân ban trực thuộc Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam là một thành tố trong sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức nhiều hơn nữa những khóa tu mùa hè,
  10. 1152 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... những hội trại họp bạn tại các tự viện, giao lưu sinh hoạt giữa các Gia đình Phật tử, hướng dẫn chánh niệm Phật pháp cho tầng lớp thiếu nhi, bước đầu hiểu về triết lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, báo hiếu cha mẹ. Tạo cho các em một sân chơi lành mạnh trên tinh thần Lục hòa, yêu thiên nhiên cỏ cây. Khuyến tấn những bậc làm cha mẹ đã là phật tử tích cực hướng dẫn các em đến chùa học Phật và cần nhân rộng tổ chức này tại các tự viện có sự hướng dẫn cố vấn giáo hạnh của các bậc tôn túc. Với những ý nghĩa lớn lao như vậy thì nên chăng chúng ta đưa những giáo lý căn bản của Phật giáo vào hệ thống giáo dục tiểu học, trung học, đại học để trang bị cho học sinh, sinh viên những phẩm chất đạo đức vững chắc. Điều này sẽ góp phần giải quyết các vấn nạn nhức nhối của an sinh xã hội thời hiện đại. Bởi vì chính sự đứt gãy văn hóa, lỗ hổng đạo đức trên một con người thì dù họ có tài năng đến đâu nhưng thiếu phẩm chất đạo đức thì sẽ trở nên tại hại cho xã hội. Vì vậy, việc nghiêm túc nghiên cứu những giá trị triết lý đạo đức Phật học đưa vào giảng dạy trong học đường là việc làm cấp thiết hiện nay. 4. Kết luận Chính sách giáo dục của nước ta luôn đề cao triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn”, lễ ở đây chính là đạo đức. Hay “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, nếu trồng người mà lạc đường thì dẫn đến sai lầm cho cả một thế hệ, điều này tai hại vô cùng. Một nền giáo dục chú trọng đến đạo đức cho học sinh, sinh viên thì mới mong sau này có một thế hệ tương lai hữu ích cho xã hội. Chúng ta phải vì mục đích giáo dục đạo đức cho trẻ em mà chọn lấy giáo lý Phật đà, chứ không phải vì Phật giáo mà lôi kéo người đi theo đạo Phật. Tự bản nguyên của Đạo Phật đã là con đường hạnh phúc, chúng ta mưu cầu hạnh phúc chân thật thì tự chúng ta tìm đến con đường này. Như vậy, việc giảng dạy đạo đức Phật giáo thông qua việc cho trẻ em học tập 3 điều tâm niệm của người phật tử là một việc làm cần thiết, thông qua đó để rèn giũa cho các em sự biết ơn, thi ơn và đền ơn, dần hình thành định hướng một nhân cách sống tích cực, đạo đức phẩm hạnh tốt để lớn lên các em sẽ thấy được con đường mình cần phải đi, các em sẽ trưởng thành một cách đúng đắn và trở thành một công dân tốt cho đất nước, góp phần xây dựng một xã hội bình yên. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, 2006, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
  11. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1153 2. Võ Đình Cường, Tưởng nhớ Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Đặc san kỷ niệm 50 năm Gia đình Phật tử Việt Nam. 3. Nguyễn Lang, 2005, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội. 4. Nguyễn Quốc Tuấn, “Từ An Nam Phật học Hội đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Nguồn: https://giacngo.vn /lichsu/phatgiaovietnam. 5. Nhiều tác giả, 2019, Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Tài liệu Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển”. 6. Thích Thành Trí, 2019, Lịch sử chùa Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2