VAI TRÒ CỦA TRI THỨC KHOA HỌC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI<br />
– QUAN ĐIỂM CỦA FRANCIS BACON<br />
<br />
LÊ THỊ HUYỀN(*)<br />
<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học duy vật Anh, người sáng lập chủ nghĩa duy vật kinh<br />
nghiệm Anh và ông tổ của khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại, là người sáng lập tinh thần triết<br />
học mới. Ông là người đầu tiên lên tiếng đòi trả lại phẩm giá cho khoa học đã bị chìm lấp trong<br />
đêm trường trung cổ bởi thần học. Ông đã thực hiện một chương trình đồ sộ để Đại phục hồi khoa<br />
học (Instauratio Magne Scientarum / The Great Instauration of Science). Để đạt đến tri thức khoa<br />
học, Bêcơn chỉ ra những sai lầm, ảo tưởng (Idola / Idols) trong nhận thức và sự cần thiết phải xoá<br />
bỏ chúng ra khỏi lý trí của con người. Trên cơ sở làm sạch lý trí, Bêcơn đưa ra phương pháp nhận<br />
thức khoa học mới – phương pháp thực nghiệm khoa học qui nạp The Inductive Scientific<br />
Empirical Method, khẳng định của Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội<br />
suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương Tây và được<br />
chứng minh một cách trọn vẹn ở thời đại của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Việc tìm hiểu quan<br />
điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội hết sức có ý nghĩa đối với<br />
chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế tri thức.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Francis Bacon (1561 – 1626) was a British materialist philosopher and the founder of experimental<br />
materialism and also of new philosophical spirit. He made a big project of The Great Instauration<br />
of Science. To obtain scientific knowledge, Bacon pointed out the wrong opinions and idols in our<br />
consciousness and the necessity to move them from our reason. On the basis of making our reason<br />
clear, Bacon introduced a new method of scientific consciousness – The Inductive Scientific<br />
Empirical Method. Bacon’s confirmation of the role of scientific knowledge in social life through the<br />
last century has been continuously developed by western philosophical trend. Understanding<br />
Bacon’s viewpoint about the role of scientific knowledge in social life is very important to us in the<br />
context of building and developing intellectual economy.<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
<br />
Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học vĩ đại thời cận đại, được Mác coi là người sáng lập chủ<br />
nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh và ông tổ của khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại. Ông sinh ra<br />
trong gia đình quí tộc Anh, tốt nghiệp đại học Cambridge, hoạt động trong ngành ngoại giao, từng<br />
làm đến chức Thủ tướng. Sống trong thời kỳ trước cách mạng tư sản, nhưng Bêcơn là người ủng hộ<br />
mạnh mẽ những cải cách tư sản nhằm phát triển đất nước, phát triển khoa học và triết học. Nước<br />
Anh, cũng như toàn thể châu Âu ở thế kỷ XVI – XVII, diễn ra những sự thay đổi bước ngoặt trong<br />
phương thức sản xuất, dẫn đến những sự biến chuyển trong đời sống tinh thần xã hội. Đó là thời đại<br />
nối tiếp tinh thần văn hoá Phục hưng, đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến và giáo hội,<br />
từng bước hình thành phương thức sản xuất mới với vai trò lịch sử của giai cấp tư sản, đêm trước<br />
của các cuộc cách mạng tư sản. F.Bacon, từ đỉnh cao của một nhà chính trị, vị thế của một nhà tư<br />
tưởng, triết gia, bằng vốn sống và kinh nghiệm của mình, bằng năng lực nhạy bén và sáng suốt của<br />
(*)<br />
Th.S, Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai<br />
mình, đã thâu tóm được những biến đổi của thời đại và đưa ra những phương án cải cách đáp ứng<br />
nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.<br />
<br />
Ông là người đầu tiên lên tiếng đòi trả lại bản chất thực sự cho khoa học đã bị chìm lấp trong đêm<br />
trường trung cổ bởi thần học. Ngay từ rất sớm, (1592), khi ở nấc thang danh vọng của sự nghiệp<br />
chính trị, F.Bacon đã đưa ra một lời hứa, được coi là mục đích của cuộc đời ông, đó chính là việc cải<br />
tổ sinh hoạt khoa học, nhằm xác định vai trò, mục đích của khoa học là hướng đến phục vụ cuộc<br />
sống thực tiễn của con người. Tinh thần phê phán và khám phá của triết học F.Bacon đã ảnh hưởng<br />
sâu rộng đến nền triết học Anh và Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt, tuyên bố của ông “Tri<br />
thức là sức mạnh” đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Đoạn tuyệt với triết học kinh viện và các<br />
hình thức tri thức trung cổ, các nhà khoa học và triết học hướng sự nghiên cứu của mình vào việc<br />
phục vụ nhu cầu thực tiễn. Những phát minh khoa học ra đời được ứng dụng rộng rãi, nhằm nâng<br />
cao sức sản xuất xã hội. Các tổ chức, thiết chế khoa học được thiết lập (Institutes of Society). Tri<br />
thức khoa học từng bước giúp con người nhận thức giới tự nhiên, chinh phục tự nhiên, khẳng định<br />
quyền lực con người trước tự nhiên. Với vai trò mở đường cho tinh thần triết học mới, F.Bacon đã<br />
tạo ra một thời đại sôi động và cách mạng trong triết học, trở thành ngọn cờ tư tưởng của giai cấp tư<br />
sản trong cuộc đấu tranh chống lại trật tự phong kiến và giáo hội và những uy quyền tư tưởng trung<br />
cổ.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
Trước hết, chúng ta tìm hiểu những yếu tố lịch sử và những tiền đề lý luận trực tiếp tác động đến<br />
quá trình hình thành quan điểm triết học của F.Bacon, đặc biệt là quan điểm về tri thức khoa học.<br />
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh và tác động của nó đến sự hình thành triết học<br />
F.Bacon thể hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt của nước Anh cũng như châu Âu cuối thế kỷ<br />
XVI đến đêm trước cách mạng tư sản Anh. Ở phương diện kinh tế, phương thức sản xuất tư bản,<br />
vốn hình thành từ trong lòng xã hội phong kiến, từng bước trở thành phương thức sản xuất thống trị.<br />
Tại nước Anh, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành từ tự phát đến hệ thống, tạo nên những biến<br />
đổi tích cực trong các ngành kinh tế, từ công nghiệp đến thương nghiệp và nông nghiệp. Về chính<br />
trị, xã hội, dưới tác động của quá trình tích lũy tư bản và sự khẳng định từng bước quan hệ sản xuất<br />
mới, cơ cấu giai cấp có những biến đổi cơ bản. Cùng với sự ra đời của giai cấp tư sản, trong tầng lớp<br />
quí tộc đã hình thành quí tộc mới có khuynh hướng tư sản. Sự liên minh giữa giai cấp tư sản và tầng<br />
lớp quí tộc mới tạo nên bước chuyển trong tương quan lực lượng xã hội tại nước Anh. Những biến<br />
đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã tác động đến đời sống sinh hoạt tinh thần tại Anh, đặc<br />
biệt là sinh hoạt tôn giáo. Sự xung đột giữa Anh giáo, một tôn giáo mang tính cải cách, nhưng quá lệ<br />
thuộc vào nhà vua, với Thanh giáo, thể hiện ý thức hệ của giai cấp tư sản, đã phản ánh tính phức tạp<br />
trong sinh hoạt tinh thần của nước Anh thời kỳ chuyển tiếp. Sự thay đổi còn diễn ra trong môi<br />
trường sinh hoạt khoa học, văn hóa, thể hiện bước quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư<br />
bản, mà Anh là nước tiên phong.<br />
<br />
Xét một cách tổng thể, mâu thuẫn giữa cải cách và bảo thủ, giữa tiến bộ và phản động, giữa cái mới<br />
và cái cũ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nước Anh, tác động đáng kể đến F.Bacon. Dù là<br />
một nhà quí tộc, song F.Bacon đã nhạy bén nắm bắt cái mới, đứng về phía các lực lượng cách tân,<br />
khẳng định khát vọng của lý trí trước cái phi lý. Khát vọng này đã thể hiện một cách sinh động trong<br />
triết học của ông, nhất là phần lý luận nhận thức.<br />
<br />
Về tiền đề lý luận và khoa học tự nhiên của sự hình thành quan điểm Bêcơn về tri thức khoa học,<br />
thể hiện ở ba nhân tố sau đây: một là, truyền thống Anh với những tên tuổi lớn tác động đến nội<br />
dung và tính chất của triết học F.Bacon như R.Bêcơn – người đề xướng khoa học thực nghiệm và<br />
phê phán gay gắt chủ nghĩa kinh viện, W.Ockham – đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa duy danh, nhấn<br />
mạnh sự tự do trong nghiên cứu khoa học, T.More – nhà nhân đạo duy lý, một trong những người<br />
sáng lập chủ nghĩa nhân đạo không tưởng (gợi mở ý tưởng cho “New Atlantis” của F.Bacon); hai là,<br />
văn hoá nhân văn Phục hưng và xu hướng cải cách từ chính trị đến tôn giáo, một nền văn hóa mà<br />
theo F. Engels “đã sản sinh ra những người khổng lồ”; ba là, các phát minh khoa học thời đại Phục<br />
hưng gắn liền với tên tuổi của N. Copernicus, G. Bruno, G. Galilei, J.Kepler,v.v. những người đã<br />
làm “cuộc cách mạng trên trời”, báo trước một cuộc cách mạng trong các quan hệ xã hội, phá vỡ<br />
những chuẩn mực của phong cách tư duy kinh viện, mở đường cho phong cách tư duy sáng tạo, để<br />
làm nên thời đại của khám phá, phát minh mà Bêcơn là một trong những người mở đường về mặt lí<br />
luận. Những phát minh khoa học vào thời Phục hưng ở Tây Âu, đã đặt nền móng cho sự hình thành<br />
phương pháp tư duy và quan niệm mới về tri thức. Nhu cầu khẳng định quyền lực của con người<br />
trước tự nhiên và các lực lượng xã hội tự phát đã thúc đẩy quá trình tìm kiếm phương pháp nhận<br />
thức phù hợp.<br />
<br />
Có thể thấy rằng, khi đưa ra cụm từ tri thức khoa học (Scientific Knowledge), F.Bacon đối lập nó<br />
với cụm từ tri thức kinh viện (Scholatic Knowledge) mà ông gọi là thứ tri thức sách vở trống rỗng,<br />
xa rời cuộc sống. Để phục hồi vị trí, danh dự của tri thức khoa học trong đời sống xã hội, làm cho tri<br />
thức trở thành sức mạnh giúp con người làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình,<br />
theo F.Bacon, cần đưa ra chương trình tổng thể, chương trình đó được biết đến là “Đại phục hồi<br />
khoa học” (Instauratio Magne Scientiarum/ The Great Instauration). F.Bacon đã trình bày một cách<br />
cô đọng nội dung và mục đích của “Đại phục hồi khoa học”. Mục đích của “Đại phục hồi khoa học”<br />
là: thứ nhất, khôi phục lại vị trí của khoa học trong đời sống xã hội; thứ hai, xác định nhiệm vụ của<br />
khoa học trong điều kiện lịch sử mới, chỉ ra khả năng của “thế giới trí tuệ” phù hợp với những biến<br />
đổi to lớn đang diễn ra trong xã hội; thứ ba, xác lập phương pháp khoa học giúp con người đi tới<br />
khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên, mở ra thế giới mới của mình. Mục đích cao nhất của tri thức<br />
khoa học, xét đến cùng, là đem đến cho con người phương tiện hiện thực và năng lực biến đổi thế<br />
giới. Theo F.Bacon, hai khát vọng của con người – khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực – đều<br />
ngang bằng nhau. Có tri thức ắt có quyền lực, sức mạnh. “Tri thức là sức mạnh” (“Knowledge is<br />
Power”) – tư tưởng chủ đạo của triết học F.Bacon, cũng là tuyên ngôn của thời đại mới. “Đại phục<br />
hồi khoa học” cũng chính là nhằm làm sao để tri thức khoa học thực sự trở thành sức mạnh, hữu<br />
dụng đối với con người. Thực chất quan điểm mới của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học là ở<br />
chỗ tri thức đó phải bám sát nhu cầu của thực tiễn, gắn liền với khát vọng chiến thắng của lý trí<br />
trước cái phi lý đang tồn tại ở nước Anh do sự thống trị của hình thức tri thức trung cổ. F.Bacon<br />
tuyên bố rằng để tri thức khoa học phát huy hiệu quả thực tiễn của mình, cần vượt qua những chuẩn<br />
mực, giới hạn cũ xưa, mở ra những vùng đất mới cho nghiên cứu, tìm tòi và phát minh của con<br />
người.<br />
<br />
Để thực hiện sự cải tổ đối với khoa học thời bấy giờ, F.Bacon đã phác thảo một chương trình đồ sộ<br />
gồm sáu phần, song cốt lõi của nó tập trung ở ba phần chính: phần phủ định, phần thiết kế (hay xây<br />
dựng) và phần ứng dụng vào trong đời sống. Cả ba phần này liên kết với nhau thể hiện quan điểm<br />
xuyên suốt của triết học F.Bacon, và tuyên ngôn của cả thời đại - “tri thức là sức mạnh”. Trong đó,<br />
F.Bacon vĩ đại chính là ở chỗ ông đã thực hiện sự phê phán các ảo tưởng trong nhận thức và xác lập<br />
phương pháp nhận thức khoa học. Các ảo tưởng (Idolas) thực chất là những chướng ngại làm lệch<br />
lạc quá trình nhận thức của con người. Những lệch lạc đó một phần do điều kiện bên ngoài, thói<br />
quen ý thức, môi trường giáo dục, một phần do sự thống trị của triết học kinh viện, của hình thức tri<br />
thức trung cổ, hay nói như F.Bacon, của “uy quyền tư tưởng”. Phê phán các ảo tưởng, F.Bacon chủ<br />
trương xây dựng phương pháp nhận thức khoa học nhằm khắc phục thực trạng tri thức của thời đại,<br />
vượt qua chủ nghĩa bảo thủ, giáo điều trong nhận thức, vạch trần quá trình “Arixtốt hóa” tri thức<br />
kinh viện. Phương pháp luận của F.Bacon là phương pháp luận thực nghiệm – qui nạp. Đó là đóng<br />
góp quan trọng của F.Bacon trong lý luận về phương pháp, bởi vì theo ông, chỉ có phương pháp qui<br />
nạp khoa học (The Scientific Inductive Method) - qui nạp kiểu con ong mới giúp con người đạt đến<br />
tri thức đúng đắn, thứ tri thức hữu dụng biến thành sức mạnh, giúp con người khẳng định quyền lực<br />
của mình trước tự nhiên. Cũng như R.Descartes, phương pháp luận của F.Bacon tỏ ra phiến diện,<br />
siêu hình. Hạn chế lịch sử đó đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác vạch ra trong tác phẩm<br />
“Gia đình thần thánh” và các tác phẩm khác. Tuy nhiên, xét theo quan điểm lịch sử – cụ thể, lí luận<br />
về phương pháp giúp con người vươn đến chân lý do F.Bacon khởi xướng có ý nghĩa tích cực và<br />
tiến bộ trong thời đại các cuộc cách mạng tư sản, và có tác dụng kích thích, gợi mở đối với thời đại<br />
chúng ta.<br />
<br />
Về nội dung của “New Atlantis” – một công trình chưa kịp hoàn thành của F.Bacon trong quan điểm<br />
của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học đã được hiện thực hóa một cách lí tưởng. Tri thức khoa<br />
học đi vào cuộc sống thể hiện sức mạnh của mình ở mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị. Có thể<br />
nói, thông qua “New Atlantis”, F.Bacon đã bày tỏ thông điệp về một xã hội mà ở đó tri thức khoa<br />
học không chỉ trở thành tài sản vô giá của con người mà còn là quyền lực thực sự, chi phối và định<br />
hướng cho sự phát triển xã hội. Lại một lần nữa F.Bacon tỏ ra không tưởng và phiến diện trong cách<br />
đánh giá về tri thức khoa học, song những vấn đề đặt ra từ “New Atlantis” có ý nghĩa lịch sử đặc<br />
biệt. Trước hết, không tưởng khoa học của F.Bacon có ý nghĩa gợi mở và kích thích đối với khát<br />
vọng của con người, thúc đẩy sự vận động xã hội; thứ hai, quan điểm của F.Bacon về tri thức khoa<br />
học và vai trò của nó đã báo trước kỉ nguyên mới – kỉ nguyên phát triển mạnh mẽ của khoa học và<br />
công nghệ, khẳng định quyền lực thực sự của tri thức trong đời sống của chúng ta. Thứ ba, trong<br />
“New Atlantis”, F.Bacon nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của nhà triết học và nhà chính trị. Từ kinh<br />
nghiệm quyền lực của một người từng làm đến chức Thủ tướng, F.Bacon nắm bắt khá đầy đủ và<br />
chính xác những đòi hỏi bức thiết của xã hội, đồng thời lại dung hoà những ước muốn hợp lý với<br />
trật tự chính trị – xã hội hiện hành. Thứ tư, bức tranh xã hội của “New Atlantis” còn làm nổi bật vai<br />
trò hoà giải của khoa học; xem khoa học là cầu nối hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Chuyển<br />
giao công nghệ và chuyển giao tri thức giữa các quốc gia, tư tưởng đó được thai nghén trong “New<br />
Atlantis”, dù chỉ là những dự phóng còn chưa rõ nét. Thứ năm, nội dung của không tưởng khoa học<br />
trong “New Atlantis”, với vai trò hàng đầu của khoa học tự nhiên thực nghiệm, là xuất phát từ cơ sở<br />
thế giới quan duy vật của F.Bacon. Vấn đề là ở chỗ trong quan điểm triết học của ông, giới tự nhiên<br />
có tính tích cực nội tại, vận động theo quy luật khách quan, mà con người chỉ nhận thức được nó,<br />
khám phá bí mật của nó, làm chủ nó, nếu được trang bị một năng lực “giải thích đúng bản chất sự<br />
vật”, một phương pháp khoa học. Phương pháp đó là phương pháp thực nghiệm quy nạp. Như vậy,<br />
triết học F.Bacon, từ phần lí thuyết đến phần thực hành, từ phần phê phán đến phần thiết kế, đều<br />
tuân theo một nguyên tắc thống nhất, đó là: để làm chủ giới tự nhiên, con người cần tiếp cận nó, giải<br />
thích đúng về nó; để giải thích đúng về nó, cần xác lập phương pháp nhận thức mới, vượt qua lối<br />
mòn truyền thống; mà để có được điều này, không có gì khác hơn là loại bỏ mọi chướng ngại do tri<br />
thức kinh viện để lại, hướng con người đến cách hiểu mới về tri thức và vai trò thực sự chân chính<br />
của nó trong đời sống. “New Atlantis” là sự kết thúc lô gích tư duy ấy của F.Bacon.<br />
<br />
Cùng với việc tạo ra chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh thế kỷ XVII – XVIII, triết học F.Bacon, cụ<br />
thể là lí luận nhận thức, trong đó có vấn đề tri thức khoa học, thể hiện xu thế vận động của tư tưởng<br />
thời đại mới. Mặt khác, gợi mở của F.Bacon về xã hội lí tưởng được xác lập dựa trên “quyền lực<br />
của tri thức” đưa đến sự hình thành các học thuyết kỹ trị (Technocracy) trong thế kỷ XX, khi khoa<br />
học phát triển như vũ bão, làm thay đổi tư duy con người, cách thức tiếp cận về tiêu chuẩn của tiến<br />
bộ xã hội. Dấu ấn F.Bacon trong các học thuyết kĩ trị trở nên rõ ràng từ những năm 20 của thế kỷ<br />
XX.<br />
Cũng như F.Bacon, thuyết kĩ trị thế kỉ XX với các phương án như “thiên đường công nghệ”, “ba làn<br />
sóng”, “hội tụ”,v.v.đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội, song đều sa vào<br />
quan điểm siêu hình và phiến diện khi tuyệt đối hóa vai trò đó, gạt sang bên những vấn đề phức tạp<br />
của các quan hệ xã hội. Những biến đổi trên thế giới hôm nay chứng tỏ rằng sự phát triển của khoa<br />
học công nghệ trở thành một trong những nhân tố của tiến bộ xã hội. Khoa học trở thành lực lượng<br />
sản xuất trực tiếp, giải phóng sức lao động của con người, cải tạo tự nhiên và cải tạo chính sức lao<br />
động của con người. Tuy nhiên, sự sùng bái khoa học công nghệ, xem nhẹ cuộc đấu tranh chính trị,<br />
tư tưởng là điều cần phê phán. Khẳng định của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời<br />
sống xã hội suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương<br />
Tây. Sau gần 400 năm, tinh thần triết học F.Bacon được chứng minh một cách trọn vẹn ở thời đại<br />
của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Vào thập niên năm mươi của thế kỷ XX, sự phát triển của<br />
khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã khẳng định một thời đại mới, thời đại mà khoa học thực sự trở<br />
thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần to lớn vào sự phát triển của xã hội. Làn sóng văn minh,<br />
trí tuệ đang lan toả toàn cầu, kéo theo nó là sự ra đời nền kinh tế tri thức. Điều đó càng chứng tỏ giá<br />
trị bền vững của tư tưởng triết học của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học. Một mặt, chúng ta<br />
nhận thức được rằng, ảnh hưởng của F.Bacon đã dẫn đến sự phiến diện trong cách hiểu về quyền lực<br />
ở một số trào lưu triết học. Mặt khác, tri thức khoa học đang thực sự trở thành quyền lực trong xã<br />
hội ngày nay. Vì thế, việc tìm hiểu quan điểm của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời<br />
sống xã hội hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế tri<br />
thức. Trên cơ sở kế thừa, chọn lọc theo tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta nghiên<br />
cứu tư tưởng của F.Bacon với mục đích xây dựng một xã hội lý tưởng, giàu mạnh dựa trên quyền<br />
lực của tri thức.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Từ quan điểm của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội, chúng ta rút ra ba<br />
bài học lịch sử như sau:<br />
<br />
Thứ nhất, chúng ta cần có quan điểm đúng đắn về tri thức nói riêng và khoa học nói chung. Tức là,<br />
tri thức phải là tri thức mang ý nghĩa thực tiễn, tri thức khoa học; khoa học phải hướng đến thực<br />
tiễn, mục đích của khoa học là phục vụ cuộc sống của con người. Chỉ với quan điểm như thế mới<br />
làm cho tri thức trở thành nhân tố tất yếu của sự phát triển xã hội. Ở thời đại F.Bacon, tri thức khoa<br />
học, giữ vị trí quan trọng, đóng vai trò hàng đầu đối với sự phát triển xã hội. Thứ hai, xuất phát từ<br />
chỗ có quan điểm đúng đối với tri thức, cần phải có chiến lược phát triển khoa học. Trước hết, phải<br />
tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hoạt động, nghiên cứu<br />
và ứng dụng các thành tựu khoa học vào cuộc sống. Phải cải tạo sinh hoạt khoa học, đầu tư cho môi<br />
trường khoa học, từ đó để phát triển khoa học. Thứ ba, tri thức khoa học phải được vận dụng vào<br />
thực tiễn, biến nó thành sức mạnh, khẳng định quyền lực của con người, giúp con người làm chủ tự<br />
nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình.<br />
<br />
Trên tinh thần kế thừa biện chứng, trong khi tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng của nhân<br />
loại, trong đó có quan điểm của F.Bacon về tri thức khoa học, Đảng và nhà nước ta vẫn kiên trì<br />
những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin trong định hướng phát triển đất nước. Biểu hiện<br />
sinh động trong đường lối đổi mới ở Việt Nam hiện nay là thống nhất lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp<br />
và lợi ích nhân loại, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc đề cao vai trò của tri thức<br />
khoa học. Nhà nước ta đã đề ra những giải pháp định hướng đối với việc tổ chức, quản lí và phát<br />
triển khoa học, công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.<br />
Một là, đổi mới cơ chế quản lí của nhà nước nhằm phát huy sức sáng tạo của con người, giải phóng<br />
thực sự năng lực sản xuất của xã hội; Hai là, chăm lo phát triển nguồn lực con người, nâng cao dân<br />
trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước đầu tư để phát triển giáo dục, coi việc đầu tư cho giáo<br />
dục, đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển. Giáo dục, đào tạo phải thật sự<br />
trở thành quốc sách hàng đầu; Ba là, tăng cường năng lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả<br />
nước, thể hiện ở việc thực hiện các chính sách, chủ trương của nhà nước về khoa học, công nghệ;<br />
Bốn là, mở rộng quan hệ đối ngoại, mà trước hết là quan hệ kinh tế quốc tế.<br />
<br />
Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội Đảng lần thứ X,<br />
đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức:<br />
“Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn<br />
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát<br />
triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá,<br />
hiện đại hoá.” (1)<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
<br />
[1]. Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị<br />
Quốc gia, Hà Nội, tr 28, 29.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. F.A.Copleston (1964), Histotry of Philosophy. Vol 4, New York.<br />
2. Ph.D.DonathanDolhenty:A/basic/Introduction/to/the/Methods/of/Science–Part2/<br />
http://radicalademy.com/essayscience2.htm"<br />
3. Eiseley, Loren (1973), The Man Who Saw Through Time, New York, Scribners.<br />
4. B.Farrington (1999), Francis Bacon – Philosopher of Industrial Science, New York.<br />
5. Gaukroger, Stephen (2001), Francis Bacon and the Transformation of Early-morden<br />
Philosophy, Cambridge, U.K, New York, Cambridge University Press.<br />
6. Rossi, Paolo (1968), Francis Bacon: from Magic to Science, Trans, Sacha Rabinovitch, Chicago,<br />
University of Chicago Press.<br />
7. T.V.Smith and Marjorie Grene (1940), From Descartes to Kant, The University of Chicago<br />
Press, Chicago Illinois.<br />
8. The English Philosophers from Bacon to Mill (1939), The Modern Library.<br />
9. The Works of Lord Bacon, Vol II (1955), London.<br />