intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vận dụng mô hình SWOT trong đánh giá hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông

Chia sẻ: Tư Khấu Quân Tường | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

4
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vận dụng mô hình SWOT trong đánh giá hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông" trên cơ sở vận dụng mô hình SWOT phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong quan hệ hợp tác giữa các bên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vận dụng mô hình SWOT trong đánh giá hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 39. VẬN DỤNG MÔ HÌNH SWOT TRONG ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI - ĐẦU TƯ GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG ThS. Hồ Diệu Huyền* Tóm tắt Việt Nam và các nước Trung Đông đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ những năm 1950. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi, giai đoạn 2016 - 2025”, quan hệ giữa các bên càng được quan tâm, chú trọng. Mục đích của bài viết này là vận dụng mô hình SWOT đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa các bên. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, hai bên đã có quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đạt được nhiều thành tựu nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, cục diện thế giới và khu vực luôn có sự biến chuyển không ngừng, nhiều hoạt động giao thương đặt trong những thách thức mới đòi hỏi Việt Nam và các nước Trung Đông phải thay đổi chiến lược hợp tác, có những biện pháp, chính sách, khắc phục những điểm yếu, thách thức, tận dụng những điểm mạnh và cơ hội phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ khóa: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, mô hình SWOT, hợp tác Việt Nam - Trung Đông 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Với dân số đông, địa bàn rộng lớn, thị trường mở, Trung Đông là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác trong mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội; còn Việt Nam lại được biết đến là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á - khu vực tăng trưởng nhanh nhất của châu Á - Thái Bình Dương, có nguồn lao động dồi dào, giàu tài nguyên thiên nhiên, thể chế, chính trị ổn định và nhiều chính sách ưu đãi thu hút các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước. * Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 517
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Khu vực Trung Đông và Việt Nam cũng có mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, gắn bó, được hình thành từ những năm 1950 và không ngừng phát triển bền vững trong những năm gần đây. Sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi, giai đoạn 2016 - 2025”, quan hệ giữa các bên càng được quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở vận dụng mô hình SWOT phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong quan hệ hợp tác giữa các bên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực thương mại - đầu tư. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU SWOT là viết tắt của Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội), Threats (thách thức). Chúng cũng được phân tích như một quá trình mà các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến đối tượng được phân tích. Trong đó, “điểm mạnh” là năng lực nội tại và các yếu tố tích cực cần phải được tiếp tục phát huy, duy trì của đối tượng phân tích (Eastwood, Turner, Goodman và Rickett, 2016). “Điểm yếu” là các yếu tố bên trong có thể hạn chế hoặc cản trở hoạt động của đối tượng phân tích. Vì vậy, “điểm mạnh” và “điểm yếu” là yếu tố bên trong, phát sinh từ nội bộ. “Cơ hội” trong phân tích SWOT là các yếu tố hoặc đặc điểm tạo điều kiện cho đối tượng phát triển nên cần được tận dụng, ưu tiên, nắm bắt kịp thời. Chúng là những yếu tố bên ngoài mà thông qua đó, cá nhân, tổ chức có thể tận dụng để khai thác lợi thế. Còn “thách thức” được hiểu là các mối đe dọa liên quan đến các yếu tố tiêu cực bên ngoài cá nhân, tổ chức, có thể cản trở hoặc trì hoãn các mục tiêu có thể đạt được, và phải được đưa vào kế hoạch nhằm đề ra phương án phòng bị, giải quyết và quản lý. Như vậy, “cơ hội” và “thách thức” được xem là các yếu tố môi trường, nằm bên ngoài đối tượng phân tích, không phải muốn là có thể kiểm soát hay thay đổi được. Cùng chung nhận định, tác giả Cao Ngọc Lân (2020) trong bài viết “Những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030”, đã đưa đến quan điểm: Phân tích SWOT giúp ta hiểu rõ hơn về những điểm tích cực, tiêu cực trong và ngoài của một tổ chức (vùng lãnh thổ…); giúp ý thức một cách đầy đủ về hiện trạng để phục vụ tốt hơn cho công tác hoạch định chính sách phát triển. Lạm phát, những thay đổi về chính sách, luật pháp của Chính phủ, tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng… có thể cản trở việc phân tích và thực hiện SWOT hiệu quả (Christine Namugenyia, Shastri Nimmagaddab và Torsten Reiners, 2019). Bởi vậy, phân tích SWOT có thể không thành công. Nó có thể không đưa ra được những vấn đề ưu tiên hay các giải pháp thay thế, đôi khi cũng có thể khiến các nhà quản lý bối rối với các thông tin và dữ liệu được tạo ra nếu nhà phân tích không nhìn nhận một cách khách quan, trên cơ sở quan sát, dự báo cục diện thế giới trong tương lai. Mô hình SWOT chủ yếu được sử dụng rộng rãi khi đánh giá môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, đây còn là phương pháp phân tích các công ty, quốc gia, ngành công nghiệp, 518
  3. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI các tổ chức để đưa ra các khuyến nghị chiến lược (Marilyn Helms, Judy Nixon, 2010), công cụ giảng dạy của các nhà tư vấn, giáo dục, hỗ trợ việc lập kế hoạch cá nhân… Nhiều quốc gia cũng sử dụng phân tích SWOT để hoạch định chiến lược, chính sách và hệ thống luật pháp quan trọng của của đất nước (Christine Namugenyia, Shastri Nimmagaddab và Torsten Reiners, 2019). Khi vận dụng mô hình SWOT trong đánh giá sức mạnh kinh tế của các quốc gia Hợp tác vùng Vịnh (GCC), tác giả Wisam Adnan Samarah, Ataur Rahman (2017) đã coi toàn bộ khu vực GCC như một đơn vị và cố gắng tìm ra các đặc trưng thuộc về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của nó. Thông qua các phân tích, Wisam Adnan Samarah, Ataur Rahman (2017) khẳng định rằng, cách dễ nhất và duy nhất để các nước vùng Vịnh tồn tại và thịnh vượng trong bối cảnh hiện nay là hợp tác và làm việc vì sự phát triển nội khối trong khu vực. Chỉ sau khi cạn kiệt khả năng tự cung tự cấp, các quốc gia mới nên tập trung vào hoạt động ngoại thương với các nước khác ngoài khu vực. Hầu hết các tổ chức, mạng lưới thực hiện phân tích SWOT ở giai đoạn lập kế hoạch chiến lược nhằm điều tra các tác động tích cực và tiêu cực của các xu hướng; xác định, kiểm tra các nguồn lực hiện có cả bên trong lẫn bên ngoài (Christine Namugenyia, Shastri Nimmagaddab và Torsten Reiners, 2019). Bởi vậy, có thể thấy, phân tích mô hình SWOT là một phương pháp quan trọng và cần thiết để các cá nhân, tổ chức tận dụng. Để minh họa thêm cho nhận định này, kết quả phân tích của Yiaga Africa (2019) về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các ứng cử viên thanh niên trong cuộc bầu cử năm 2019 tại Nigeria cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử hậu độc lập của Nigeria, thanh niên trong độ tuổi từ 25 - 30 được trao quyền hợp pháp để tranh cử các ghế trong Hạ viện và Hạ viện tiểu bang. Phân tích SWOT được thiết kế dựa trên bằng chứng mang tính xây dựng nhằm tạo điều kiện tư vấn cho các ứng viên thanh niên tham gia vào hoạt động này. Kết quả phân tích đóng vai trò như một nguồn hỗ trợ cho các ứng cử viên, thúc đẩy các hoạt động chính trị của tầng lớp này tại Nigeria hiện nay. Khi đánh giá tiềm năng, lợi thế của một quốc gia hay đánh giá mối quan hệ giữa các quốc gia, khu vực với nhau thì phân tích SWOT lại càng quan trọng. Nó giúp các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận một cách khách quan, chính xác những điểm mạnh, điểm yếu bên trong nội bộ quốc gia, khu vực, cũng như đánh giá được những thách thức, cơ hội hợp tác trong tương lai dựa trên tình hình thực tiễn. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong bài viết này, bằng việc vận dụng lý thuyết về mô hình SWOT, tác giả sẽ tiến hành phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa các nước tại khu vực Trung Đông và Việt Nam trên các phương diện chính: về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách đầu tư và về tiếp cận thị trường. 519
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là phân tích tài liệu. Nguồn tài liệu thứ cấp chủ yếu là các báo cáo, công trình nghiên cứu khoa học, số liệu, dữ liệu của các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo tính khách quan, khoa học và cập nhật. 4. VẬN DỤNG MÔ HÌNH SWOT TRONG ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI - ĐẦU TƯ GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG 4.1. Điểm mạnh trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông đã có mối quan hệ tốt đẹp hình thành từ lâu, bền vững, gắn bó. Đặc biệt, Việt Nam đã có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với hầu hết các nước trong khu vực Trung Đông. Hai bên luôn ủng hộ lẫn nhau trên chính trường quốc tế, cũng như trong mọi hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Những điều này đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hai nước xúc tiến các hoạt động đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cũng thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có những điểm nóng thường trực tại khu vực Trung Đông. Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói là một quốc gia ưa chuộng hòa bình, không mong muốn xảy ra tình trạng nội chiến, chiến tranh ảnh hưởng đến người dân vô tội và tình hình phát triển chung của đất nước. Hàng loạt sự kiện tiêu biểu cho thấy hai bên tích cực ủng hộ và thể hiện tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế trong các vấn đề về bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực, an toàn xã hội của các quốc gia. Ngoài ra, thông qua Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam còn thể hiện tiếng nói, lập trường trên nhiều vấn đề khác nhau trong khu vực, nhận được sự đồng thuận của đông đảo các nước trên thế giới. Có thể thấy, quan điểm chính của Việt Nam trong các tuyên bố này là đều lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, kêu gọi các bên liên quan tăng cường bảo vệ thường dân. Việt Nam cũng cho rằng, các bên cần tăng cường việc thúc đẩy hòa giải nhằm chấm dứt bạo lực, thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, cảnh báo sớm trên tinh thần các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, vì hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia (Hồ Diệu Huyền, 2021). Qua đó cho thấy, khu vực Trung Đông luôn là khu vực được Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. Sự ổn định chính trị và thể chế nhà nước tại Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế có thể khiến các nước trong khu vực Trung Đông yên tâm khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Cùng với đó, hiện tại, giữa Việt Nam và một số nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Qatar… đã có đường bay trực tiếp chở khách hoặc đường bay trực tiếp chuyên chở hàng hóa như với Saudi Arabia nên đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa hai bên. Xét về tổng thể, các nước khu vực Trung Đông có khả năng thanh toán cao, nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng hóa và phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là hàng tiêu dùng và sản phẩm nông nghiệp (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel). 520
  5. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Lao động Việt Nam cũng được đánh giá là chăm chỉ, chịu được áp lực công việc, sẵn sàng học hỏi, tìm hiểu yếu tố mới. Hai bên đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại, tạo điều kiện thông quan, mở rộng hợp tác đầu tư. Trong năm 2023, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước xúc tiến các hoạt động trên nhiều lĩnh vực (Bảng 1). Bảng 1. Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 08 năm 2023 FTAs đã có hiệu lực 1 AFTA Có hiệu lực từ năm 1993 ASEAN 2 ACFTA Có hiệu lực từ năm 2003 ASEAN, Trung Quốc 3 AKFTA Có hiệu lực từ năm 2007 ASEAN, Hàn Quốc 4 AJCEP Có hiệu lực từ năm 2008 ASEAN, Nhật Bản 5 VJEPA Có hiệu lực từ năm 2009 Việt Nam, Nhật Bản 6 AIFTA Có hiệu lực từ năm 2010 ASEAN, Ấn Độ 7 AANZFTA Có hiệu lực từ năm 2010 ASEAN, Úc, New Zealand 8 VCFTA Có hiệu lực từ năm 2014 Việt Nam, Chile 9 VKFTA Có hiệu lực từ năm 2015 Việt Nam, Hàn Quốc 10 VN - EAEU FTA Có hiệu lực từ năm 2016 Việt Nam, Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan 11 CPTPP Có hiệu lực từ 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, (Tiền thân là TPP) Việt Nam từ 14/01/2019 Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Vương quốc Anh (ký Nghị định thư gia nhập ngày 16/7/2023) 12 AHKFTA Có hiệu lực tại Hồng Kông (Trung Quốc), ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc) Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore và Việt Nam từ 11/6/2019 Có hiệu lực đầy đủ với toàn bộ các nước thành viên từ ngày 12/02/2021 13 EVFTA Có hiệu lực từ 01/8/2020 Việt Nam, EU (27 thành viên) 14 UKVFTA Có hiệu lực tạm thời từ 01/01/2021, có Việt Nam, Vương quốc Anh hiệu lực chính thức từ 01/05/2021 15 RCEP Có hiệu lực từ 01/01/2022 ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand 16 VIFTA Khởi động đàm phán tháng 12/2015. Việt Nam, Israel Hoàn tất đàm phán tháng 4/2023. Chính thức ký kết ngày 25/7/2023 FTA đang đàm phán 17 Việt Nam - EFTA FTA Khởi động đàm phán tháng 5/2012 Việt Nam, EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) 18 ASEAN - Canada Tái khởi động đàm phán tháng 11/2021 ASEAN - Canada 19 Việt Nam - UAE FTA Đang trong quá trình khởi động đàm phán Việt Nam, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập (2023) 521
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Trong những năm gần đây, công tác thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các hoạt động giao thương, hội chợ/triển lãm… đã được các nước trong khu vực Trung Đông truyền thông rộng rãi hơn, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội hợp tác kinh doanh. Một báo cáo được thực hiện năm 2019 của McKinsey & Company cho thấy, với mỗi đô la chi tiêu ở Trung Đông, một công ty có thể tiếp cận hơn 4 người. Trung Đông thường được coi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà tiếp thị đang tìm cách nâng cao nhận thức về thương hiệu của mình. Sự phát triển của công nghệ di động trong khu vực cũng đã giúp tăng cường sử dụng quảng cáo trong lĩnh vực này. Một ví dụ về điều này là việc Dubai sử dụng bảng quảng cáo kỹ thuật số để quảng bá du lịch tại thành phố của họ (Go-Globe, n.d.). Nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế so sánh với sản phẩm của các nước Trung Đông. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như: hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, giầy dép, nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, rau quả…) và có nhu cầu nhập khẩu từ Trung Đông các mặt hàng như: khí đốt hóa lỏng, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu… Ví dụ như, UAE – một cường quốc phát triển tại Trung Đông cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và là thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn thứ 7. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của UAE tại Đông Nam Á. Hai nước luôn nỗ lực duy trì và tăng cường hợp tác kinh tế hữu nghị và cùng có lợi (CEPA) để cùng nhau phát triển. Đặc biệt, Việt Nam hỗ trợ đáng kể cho UAE về các sản phẩm công nghệ như: điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử... Về lương thực, với nông nghiệp chiếm dưới 1% nền kinh tế (khoảng 0,9%, chủ yếu trồng chăn nuôi và trồng ớt), UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việt Nam, với nguồn cung thực phẩm dồi dào, có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho UAE trong thời điểm nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ra, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và logistics, UAE có thế mạnh về tài chính, logistics, trong khi Việt Nam có nhu cầu cao, cũng là một lĩnh vực hợp tác có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với đó, cả Việt Nam và UAE đều có triển vọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Với sự đa dạng của sản phẩm du lịch ở cả hai nước, các quốc gia có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển, tăng cường các hoạt động đầu tư sang khu vực châu Á. Đông Nam Á, với Việt Nam, là một khu vực đang không ngừng phát triển, là một điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Với tình hình chính trị ổn định, Việt Nam là điểm đến yên tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ khu vực Trung Đông. Đặc biệt, Trung Đông vốn được biết đến là khu vực có nguồn ngân sách đầu tư ra nước ngoài rất lớn. Các quốc gia Trung Đông cũng có thế mạnh về năng lượng, tài chính - ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch, logistics… là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác đầu tư lớn. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực Trung Đông gồm: UAE, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel… 522
  7. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 4.2. Điểm yếu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cán cân quyền lực quốc tế đã thay đổi theo hướng có lợi cho các nước phương Tây. Trong bối cảnh này, sự can thiệp của phương Tây vào các nước Trung Đông trở nên thường xuyên. Đặc biệt, ngày 09/9/2023, Hành lang IMEC (Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu) đã được ký kết. Hành lang được coi như một hoạt động ngoại giao công chúng rộng lớn, được triển khai tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Xu hướng hướng về các nước phương Tây và EU của Trung Đông sẽ là một bất lợi cho Việt Nam khi hợp tác với các nước trong khu vực này. Bên cạnh đó, ngày 14/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” nhằm thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia – TCVN trong lĩnh vực này. Trung Đông là một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn nhất thế giới, cũng là nơi tập trung đông tín đồ Hồi giáo, những người sử dụng chủ yếu sản phẩm Halal. Hiện Việt Nam cũng đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025”, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal. Tuy nhiên, mặc dù đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) (Hồ Diệu Huyền, 2023). Trung Đông bao gồm các quốc gia có cơ cấu kinh tế và quỹ đạo phát triển rất khác nhau. Đây là quê hương của một số quốc gia giàu nhất thế giới, bao gồm: Kuwait, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các chế độ quân chủ giàu dầu mỏ khác ở vùng Vịnh, và một số nước nghèo nhất, chẳng hạn như Yemen, nơi mức nghèo ngang bằng với một số quốc gia châu Phi cận Sahara. Ở UAE, sự giàu có từ dầu mỏ đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản, bao gồm việc xây dựng dốc trượt tuyết trong nhà và các khách sạn được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo có hình cây cọ. Trong khi đó, ở Yemen, hơn 54% dân số sống dưới mức nghèo khổ, và 50% phụ nữ mù chữ (Melani Cammett, Ishac Diwan, 2017). Chính sự tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực, chủ yếu tập trung ở các nước phát triển, giàu tiềm năng cũng khiến cơ hội của Việt Nam tại thị trường này không nhiều. Cùng với đó, do năng suất lao động và trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, tay nghề của người Việt Nam chưa cao nên tại thị trường Trung Đông chỉ chủ yếu thực hiện những công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp như: xây dựng, giúp việc gia đình… Hơn nữa, lao động Việt cũng bị đánh giá là thiếu tính kỷ luật nên không nhận được sự tin tưởng của ông chủ Trung Đông. Các chương trình ký kết giữa Việt Nam và các nước Trung Đông còn thiếu nên việc hợp tác lao động chủ yếu thông qua bên thứ ba, từ đó phát sinh nhiều vấn đề, thủ tục rườm rà, tốn thời gian. Các nguồn tiếp cận thông tin cũng như kiến thức, sự hiểu biết của doanh nghiệp và người dân Việt Nam về đặc trưng kinh doanh, chính trị, văn hóa, xã hội của Trung Đông còn thiếu và không đầy đủ. Thông tin chính xác và chi tiết về hai khu vực thường bị hạn chế do khoảng 523
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA cách địa lý, sự khác biệt về văn hóa - chính trị, sự thiếu giao lưu và trao đổi thông tin định kỳ giữa các bên. Mặc dù Internet và các phương tiện truyền thông đã phát triển, việc truy cập và phân tích thông tin về khu vực Trung Đông vẫn còn khá hạn chế ở Việt Nam, và ngược lại. Sự thiếu hiểu biết này có thể dẫn đến những quan điểm và nhận thức không đầy đủ, không chính xác về đối tác của mình. Do sự thiếu hiểu biết, những nỗi lo về rủi ro và khả năng thất bại trong các hoạt động kinh doanh hoặc hợp tác có thể xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và đáp ứng các tiêu chuẩn khi đầu tư sang thị trường Trung Đông (ví dụ: tiêu chuẩn Halal). Tại Việt Nam cũng chưa có Trung tâm cấp giấy chứng nhận Halal, mà phải qua bên trung gian. Chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng được đánh giá là không ổn định, phụ thuộc nguyên liệu vào nước thứ ba. Cùng với đó, trong hoạt động thương mại, khu vực Trung Đông vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lừa đảo, gian lận trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu khu vực không có thói quen mở L/C. Do doanh nghiệp hai bên chưa có sự tin tưởng lẫn nhau nên nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp thương mại kéo dài mà không có cơ chế giải quyết. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam không mặn mà khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông do lo ngại các cơ chế, chính sách và khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song khuôn khổ pháp lý giữa hai bên vẫn còn chưa hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông vẫn đang thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng… 4.3. Cơ hội trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với 52,4 triệu người trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023), mang lại nhiều lợi thế về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Dân số trong độ tuổi lao động khá đông. Bên cạnh đó, năng suất lao động của người Việt Nam không ngừng tăng qua các năm (Hình 1). Đây là tiềm năng lớn cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông trong thời gian tới. Hình 1. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 Đơn vị tính: triệu đồng/lao động 0 50 100 199.3 188.1 117.9 171.3 150 200 Năm 2023 Năm 2022 Năm 2021 Năm 2020 Nguồn: Tổng cục Thống kê, theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm, giai đoạn 2020 - 2023 524
  9. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Còn tại khu vực Trung Đông, gần 50% dân số trong khu vực ở độ tuổi 25. Do đó, họ dành nhiều thời gian trực tuyến, đặc biệt là trên mạng xã hội hơn các thế hệ cũ. Đây có thể là lợi ích cho các ngành hướng tới người tiêu dùng với các sản phẩm giải trí, thực phẩm, đồ uống, thời trang hoặc điện tử. Khu vực này, đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức chi tiêu bình quân đầu người trên thế giới cao nhất cho các sản phẩm mỹ phẩm và thị trường vẫn đang phát triển. Ngoài ra, nhiều người dân ở đây có công việc thu nhập cao hoặc là doanh nhân giàu có, khiến họ trở thành nhóm người tiêu dùng lý tưởng cho các thương hiệu xa xỉ và đồ điện tử. Điều này có nghĩa là doanh thu trên mỗi khách hàng cao hơn và giá trị khách hàng lớn hơn (Go-Globe, n.d.). Bên cạnh đó, trong khi Việt Nam thường xuyên có nhiều chính sách, đề án khuyến khích đầu tư nước ngoài, thì tại khu vực Trung Đông, thay vì đổ vốn ra bên ngoài như trước đây, khu vực này giờ đây đang hút vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, các công ty trong lĩnh vực tiên tiến như: Fintech, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Những lĩnh vực này cũng đang được Việt Nam tập trung phát triển trong thời gian gần đây và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực có tính chất bổ sung cho nhau. Trung Đông thiếu những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, lương thực… Ngành nông nghiệp tại Trung Đông chỉ chiếm 1,6% GDP, chưa đầy 5% đất đai của Trung Đông dành cho trồng trọt. Điều kiện khí hậu sa mạc, do khan hiếm nguồn nước ngọt đã hạn chế việc phát triển nông nghiệp của các nước Trung Đông nên không thể đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân. Do đó, đây là thị trường nhiều tiềm năng cho các mặt hàng nông sản (gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa…), thực phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng sản phẩm thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn hàng ngày tại các nước Trung Đông cũng khiến nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản ngày càng tăng. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản, thủy hải sản của khu vực Trung Đông là rất lớn và lâu dài. Ngành công nghiệp chiếm 61,8% GDP, chủ yếu là dầu lửa và khí đốt (chiếm 68% trữ lượng dầu khí toàn cầu). Ngành công nghiệp của Trung Đông chủ chốt là khai thác và chế biến dầu lửa, các ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng, máy tính, điện tử, điện thoại di động… không phát triển. Do đó, Trung Đông sẽ là thị trường tiềm năng trong xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, hàng hóa công nghiệp nhẹ tiêu dùng, máy vi tính, các mặt hàng điện tử của Việt Nam. 4.4. Thách thức trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông Cạnh tranh ở Trung Đông không cao và chỉ bị thống trị bởi một số ít thương hiệu lớn. Mọi thứ, từ điện tử, truyền thông, làm đẹp hay thậm chí cả nhà hàng đều thuộc sở hữu của các thương hiệu lớn, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư trong nước. Hầu hết người tiêu dùng Ả Rập có xu hướng mua cùng một thương hiệu trong vòng kết nối xã hội của họ. Họ ngại lựa chọn điều gì đó dựa trên nhu cầu cá nhân vì điều đó có thể khiến bạn bè, người thân phán xét. Cùng với đó, người tiêu dùng Ả Rập, so với người châu Âu và người Mỹ, dễ phân khúc hơn, 525
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA bởi vậy sẽ mất ít thời gian hơn để tạo ra chân dung khách hàng lý tưởng. Tuy nhiên, không giống như ở phương Tây, các cuộc khảo sát truyền thống không phải là cách lý tưởng để thực hiện điều đó. Người tiêu dùng ở Trung Đông không chia sẻ quan điểm trung thực của họ và bảo thủ hơn (Go-Globe, n.d.). Trung Đông đã chứng kiến ​​ những thay đổi địa chính trị lớn kể từ năm 2011, từ ảnh hưởng ngày càng tăng của các quốc gia vùng Vịnh, sự xoay trục sang châu Phi của nhiều quốc gia trong khu vực và động lực mới của sự thâm nhập toàn cầu, cho đến sự gia tăng chia rẽ khu vực và xung đột nội bộ giữa các quốc gia (Silvia Colombo, Eduard Soler i Lecha, 2021). Khu vực này từ lâu đã là tâm điểm của những căng thẳng và biến động địa chính trị, với những động lực phức tạp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định toàn cầu. Bước sang năm 2024, cộng đồng quốc tế bắt buộc phải thừa nhận và chuẩn bị cho khả năng xảy ra một Trung Đông thậm chí còn hỗn loạn hơn. Căng thẳng gia tăng ở phía nam Lebanon; cuộc tấn công hàng hải của Houthi tại Yemen ở Biển Đỏ; cuộc đối đầu quân sự ngày càng gia tăng giữa Iran và Pakistan; cuộc chiến căng thẳng ở Sudan; nguy cơ đối đầu ngày càng mở rộng giữa lực lượng không quân Jordan và những kẻ buôn lậu ma túy ở Syria; các cuộc tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, cùng với căng thẳng phe phái âm ỉ ở cả hai nước… Đặc biệt, cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza chắc chắn đã gây ra một loạt căng thẳng khu vực trên nhiều mặt trận, có thể dẫn đến một Trung Đông luôn bất ổn. Tất cả những diễn biến này phản ánh những thách thức an ninh có thể kéo toàn bộ khu vực vào vòng xoáy xung đột chưa từng có và có thể gây ra tác động tiêu cực ngoài Trung Đông. Có thể thấy rằng, tại Trung Đông, không chỉ là cuộc cạnh tranh giành quyền lực giữa các nước lớn mà còn là bất ổn chính trị kéo dài, chiến tranh khu vực, mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo tại các quốc gia… ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông. Các nhà đầu tư Việt Nam chắc chắn sẽ cân nhắc khi đầu tư vào thị trường này. Cùng với đó, do Trung Đông là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng lớn, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước có tiềm năng lớn hơn rất nhiều, trong đó có nhiều nước là cường quốc khu vực và thế giới, nên cơ hội của Việt Nam tại thị trường này hiện chỉ là những hạng mục đơn giản, vốn đầu tư ít. Phần lớn các nước Trung Đông đều là thị trường mở và là thị trường truyền thống của các nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... nên có tính cạnh tranh rất cao. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp kiểm soát kéo dài trong giai đoạn 2019 - 2022 khiến nền kinh tế hai bên bị ảnh hưởng nặng nề và sẽ cần tiếp tục thời gian để hồi phục, qua đó khiến các hoạt động thương mại cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ có xu hướng gia tăng, chủ nghĩa đa phương gặp thách thức, cùng với đó là tác động nhiều mặt từ chuyển đổi số, và cuộc Cách mạng 4.0 khiến cục diện thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển. Cùng với đó, mặc dù tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2022 - 2023, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng quy mô lao động có tay nghề cao tại Việt Nam vẫn thấp so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập 526
  11. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI quốc tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đặc biệt là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó. Cùng với đó, phản ứng trước sự thay đổi công nghệ của người lao động Việt cũng vẫn còn rất thấp, đa số ở trình độ cơ bản, khả năng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật cơ khí, chế tạo còn thiếu sự nhạy bén. Hơn nữa, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập… nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập với thị trường Trung Đông. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những điều chỉnh về chính sách thương mại, hàng rào phi thuế quan, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng, giảm nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu là những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống sang thị trường này. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác xúc tiến thương mại chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến, nhưng chưa thể phát huy hiệu quả do nền tảng công nghệ thông tin tại nhiều nước trong khu vực chưa tốt. Ngoài ra, với đặc thù văn hóa giao thương của các nước khu vực Trung Đông là gặp mặt, giới thiệu sản phẩm trực tiếp, việc trao đổi đoàn doanh nghiệp hầu như không có đã dẫn đến việc kết nối giao thương khó khăn, tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại xảy ra nhiều hơn, kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Công tác xúc tiến thương mại thời kỳ hậu Covid-19 dự báo sẽ bị thu hẹp và khó khăn hơn về nguồn tài chính. Việc tổ chức các kỳ họp song phương, các chương trình kết nối doanh nghiệp, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị, hội chợ, triển lãm… đều bị hoãn lại và lùi thời gian tổ chức. Khoảng cách địa lý, sự khác biệt trong đặc trưng văn hóa - tôn giáo - xã hội, khác biệt trong văn hóa quản lý và tập quán kinh doanh, rào cản về ngôn ngữ và việc chia sẻ thông tin thương mại - đầu tư cũng là những thách thức lớn trong tiếp cận thị trường Trung Đông của Việt Nam. 5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG Trên cơ sở phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, bài viết đưa ra một số khuyến nghị sau đây. 5.1. Về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách đầu tư - Tiếp tục mối quan hệ hợp tác với các quốc gia truyền thống trong khu vực, bên cạnh đó cần tìm kiếm những thị trường, đối tác mới. Tăng cường các chuyến thăm cấp cao, cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, địa phương. Nên có sự kết nối giữa các văn phòng ngoại giao của cùng một khu vực để tận dụng tiềm năng, lợi thế, khu vực. 527
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai bên. - Việt Nam và các quốc gia Trung Đông cần nhanh chóng ký kết các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hàng không, vận tải biển, năng lượng… - Tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì quan hệ hợp tác, tìm kiếm đối tác. - Đối với hợp tác trong lĩnh vực lao động - việc làm, cần phải xem xét, kiểm định lao động trước khi đưa sang xuất khẩu lao động, khuyến khích, ưu tiên các lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Trong lĩnh vực du lịch, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch và đào tạo các kiến thức, kỹ năng du lịch cho các cán bộ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; cùng với đó, cần tăng cường giới thiệu bản sắc, văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè Trung Đông thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa. 5.2. Về việc tiếp cận thị trường Đối với doanh nghiệp: - Doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu thị trường trước khi tiếp cận đầu tư, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về thủ tục, giấy tờ, giấy chứng nhận, phân loại ngành hàng phù hợp với từng thị trường. - Để tăng cường kết nối doanh nghiệp thông qua các văn phòng ngoại giao, doanh nghiệp cũng cần cung cấp thêm thông tin, định hướng và sứ mệnh kinh doanh cho các văn phòng đại diện. Đối với Chính phủ và Văn phòng đại diện ngoại giao của Việt Nam ở khu vực Trung Đông: - Nên tổ chức nhiều buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam đến các nước Trung Đông thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. - Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng, các phòng thương mại và công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp giữa các bên; tăng cường trao đổi các đoàn cấp Bộ, ngành cũng như các đoàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác lẫn nhau theo các lĩnh vực chuyên ngành trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. - Tăng cường trao đổi thông tin, cần quan tâm, phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường, từ đó nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng to lớn của thị trường của nhau. 528
  13. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Christine Namugenyia, Shastri Nimmagaddab & Torsten Reiners (2019), Design of a SWOT Analysis Model and its Evaluation in Diverse Digital Business Ecosystem Contexts. Procedia Computer Science, 159, 1145 - 1154. 2. Eastwood, Turner, Goodman & Rickett (2016), Using a SWOT Analysis: Taking a Look at Your Organization. Community and Economic Development Publications. https:// uknowledge.uky.edu/ced_reports/3 3. Go-Globe (không ngày tháng), What Are The Differences Between Marketing In The Middle East Vs. The Western World? https://www.go-globe.com/what-are-the-differences- between-marketing-in-the-middle-east-vs-the-western-world/ 4. Hồ Diệu Huyền (2021), “Sự kiện nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi - Trung Đông 6 tháng đầu năm 2021”, Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, 6(190). 5. Hồ Diệu Huyền (2023), Tiềm năng phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Hội thảo Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam (trang 413 - 423). Hà Nội: NXB Tài chính. 6. Marilyn Helms, Judy Nixon (2010), Exploring SWOT analysis - where are we now? A review of academic research from the last decade. Journal of Strategy and Management. 7. Melani Cammett, Ishac Diwan (2017), The political economy of development in the Middle East. SAGE Publications Ltd. 8. Silvia Colombo, Eduard Soler i Lecha (2021), Europe and the “New” Middle East: Geopolitical shifts and strategic choices. Journal of Balkan and Near Eastern Studies, 23(3), 403 - 422. doi:https://doi.org/10.1080/19448953.2021.1888246 9. Trung tâm WTO và Hội nhập (2023), Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 08/2023. https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh- den-thang-112018 529
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2