Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập - Lê Thị Kim Dung
lượt xem 12
download
Ngày 25‑11‑2005, UNESCO đã chính thức công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền miệng và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, là huyết mạch từ ngàn xưa vọng về, là sức mạnh cho hôm nay và điểm tựa của ngày mai... Mời các bạn tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập - Lê Thị Kim Dung
- 236 CƠ SỞ KHOA HỌC CHO PHÁT TRIỂN VÙNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG KHU VỰC TÂY NGUYÊN TRƯỚC THÁCH THỨC THỜI HỘI NHẬP Lê Thị Kim Dung Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế Ngày 25‑11‑2005, UNESCO đã chính thức công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền miệng và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, là huyết mạch từ ngàn xưa vọng về, là sức mạnh cho hôm nay và điểm tựa của ngày mai. Chính mạch nguồn vững chãi đó đã nuôi dưỡng một nền văn hóa dù phải chìm nổi trong bão táp lịch sử, trong máu, nước mắt và xiềng xích nô lệ nhưng vẫn sáng ngời mãi, bởi chủ nhân của chúng không tự đánh mất mình. Như vậy, sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam gắn liền với văn hóa dân tộc, mà nền tảng là vốn di sản văn hóa. Mc Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng viết trong hồi ký của mình rằng “Mỹ thua Việt Nam vì người Mỹ đã không am hiểu văn hóa Việt Nam”. Thực tế đã chứng minh, người Mỹ quá tin tưởng vào sức mạnh vật chất nên quá muộn mới nhận ra điều này. Trong lịch sử, dường như thế lực nào khi muốn thôn tính một dân tộc cũng thường thực hiện chính sách “diệt tộc văn hóa” nhằm đánh bật gốc văn hóa bản địa để dễ bề đồng hóa cư dân bị trị. Vì lẽ ấy, người Việt Nam đã nhận thức được triết lý sâu sắc, đó chính là việc giữ gìn di sản văn hóa liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Hiện nay, di sản văn hóa được quan niệm không chỉ đơn giản là những biểu tượng hoài niệm quá khứ, mà là một lực cố kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh vì sự tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc. Dù xã hội có hiện đại đến đâu, trí tuệ kiệt xuất của con người có phát minh ra những sản phẩm kỳ diệu đến nhường nào, thì văn hóa vẫn được xem là nội lực của cồng đồng dân tộc.
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 237 Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học và công nghệ, thế kỷ mà con người có thể sinh sống ở những hành tinh khác ngoài trái đất; vậy mà ở Việt Nam tiếng trống, chiêng trầm hùng của tổ tiên từ ngàn xưa vẫn vang vọng trong cuộc sống hôm nay. Rõ ràng hồn cồng chiêng đã sống, đang sống và sẽ sống mãi cùng sự lớn mạnh của dân tộc. Đó là minh chứng hùng hồn về sự tồn tại của một nền văn hóa xa xưa tưởng như chỉ là thần thoại. “Cồng chiêng Tây Nguyên hôm nay không chỉ tồn tại ở trạng thái tĩnh lặng, ngược lại, nó đang là hiện thân sống, là hồn thiêng gắn kết quá khứ và hiện tại, là sự đồng vọng của tổ tiên để con cháu soi mình vào mà sống cho đúng lẽ nhân văn”. Bởi những lẽ trên, việc tìm hiểu giá trị văn hóa, từ đó có thể xây dựng định hướng bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập có ý nghĩa thiết thực. 1. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên Địa bàn Tây Nguyên hiện nay gồm có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng1. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là vùng Tây Nguyên, ngoài ra còn bao trùm lên các tỉnh lân cận thuộc miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung Trung Bộ. Tiếng chiêng theo tiếng vọng của núi rừng, bay theo gió đại ngàn lan tỏa cả một vùng không gian rộng lớn. Vì vậy, đi tìm sự đồng điệu của cồng chiêng Tây Nguyên và các vùng lân cận, từ đó nhận diện những âm hưởng chung cũng như những nét đặc sắc riêng sẽ cho ta thấy sự đa dạng, phong phú ngay trong một loại hình văn hóa. Những bằng chứng trên chiếc trống đồng cổ có niên đại hàng mấy ngàn năm trước cho thấy hoa văn trang trí đã thể hiện hình ảnh dàn cồng chiêng 7 chiếc của người Việt cổ. Công dụng của chiếc chiêng xưa không chỉ là một nhạc khí thông thường, bởi chiêng được dùng làm hiệu lệnh dàn quân, thu quân, điều khiển voi chiến trong quân đội. Ngày nay, trong các lễ tết quan trọng của người Việt ở đồng bằng như lễ khai trương, lễ cúng tế ở đình làng… tiếng chiêng vẫn đóng vai trò trong những nghi thức long trọng, thể hiện sự tôn kính, thiêng liêng. Tiếng 1. Viện Văn hóa Thông tin (2006), Kiệt tác di sản truyền miệng và phi vật thể của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, NXB Thế giới, Hà Nội.
- 238 Lê Thị Kim Dung chiêng trống hòa vào nhau tạo nên bản hòa tấu đặc sắc mang linh hồn văn hóa dân tộc. Một điều thú vị là cồng chiêng hiện còn gắn bó với một vài cộng đồng tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Dàn chiêng Xéc Bùa của đồng bào Mường ở Hòa Bình với 12 chiếc do 12 cô gái tân đại diện cho 12 tháng trong năm là một minh chứng sống động. Đồng bào quan niệm cồng chiêng là hiện thân cho vòng tuần hoàn của thời gian, của vũ trụ cũng như 12 con giáp đại diện cho 12 tháng trong năm của người Kinh. Trong khi đó, dàn chiêng 2‑3 cái của đồng bào Thái lại phổ biến trong các lễ xuống đồng, lễ mừng hoa nở, lễ mừng măng mọc và trong múa xòe tập thể. Sự gắn bó mật thiết của cồng chiêng trong đời sống tinh thần các tộc người cho thấy cồng chiêng đã có mặt sớm trên đất nước ta. Cồng chiêng là một đặc thù âm nhạc cả nước trong một thời kỳ dài lịch sử, vừa là một đặc thù của âm nhạc Tây Nguyên hôm nay. Trong mối tương quan giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á, sự gần gũi và giao thoa trong âm nhạc cồng chiêng là biểu hiện rõ nét nhất. Từ vùng bán đảo và hải đảo Mã Lai cũng thấy có dàn Cha Nang gồm 2 đơn vị, ở Inđônêxia có dàn Bo Nang 10 đơn vị, Philippin có dàn Khlingban gồm 8 đơn vị. Mỗi đơn vị Cha Nang, Bo Nang hay Khlingban đều có dáng cơi trầu có mõm kín hình chiêng. Ở Miến Điện, dàn Ky Waing có thành phần lên tới 21 đơn vị cấu thành một chiêng duy nhất. Đặc biệt ở Lào có bộ “Không Vong”, một bộ phận quan trọng trong hệ thống nhạc khí cổ trang. Không Vong cũng có cái dáng cơi đựng trầu bằng đồng, có nắp kín, có núm giữa và có hình dạng giống chiếc cồng. Sự gần gũi này tạo nên sự liên tưởng về một kết quả liên kết, lai tạo giữa chiêng và trống đồng trong một phát minh cải tiến nhạc khí thời xa xưa. Ở Campuchia và Thái lan cũng có những dàn nhạc tương tự như bộ “Không Vong”. Đặc điểm chung của các bộ nhạc khí trên là cùng nằm trong một hệ (bộ gõ), cùng có chất liệu chế tác là đồng, cùng một nguyên lý tổ chức thành bộ hay dàn và tạo thành âm thanh phức hợp. Có ý kiến cho rằng cồng chiêng còn có mặt ở một số tộc người da đỏ ở Châu Mỹ La Tinh. Rõ ràng là cồng chiêng có thể có mặt ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, địa bàn phân bố rõ nét nhất là ở khu vực Đông Nam Á, những nơi khác chỉ là trường hợp cá biệt.
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 239 Xét trong tổng thể địa bàn phân bố cồng chiêng ở nước ta nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng thì cồng chiêng Tây Nguyên mới là hiện tượng âm nhạc đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ thì “Tây Nguyên còn hơn 2.000 bộ cồng chiêng”. Dàn chiêng cổ xưa bao gồm 3 chiếc chiêng có núm, đây là dàn chiêng có thành phần ít nhất. Trong dạng phát triển nhất, người ta thêm vào bộ chiêng cổ từ 12 đến 15 chiêng bằng (chiêng không có núm). Sự bổ sung này cũng mang một dụng ý nghệ thuật sâu sắc, chiêng cổ đi bè trầm, chiêng bằng đi bè giai điệu, khi dàn chiêng cất lên tạo thành một hợp âm có sự cộng hưởng hoàn hảo. Người xưa gọi các chiêng trong dàn cổ có tên là chiêng bố mẹ. Các chiêng bằng cũng được chia theo thứ tự với độ cao thấp khác nhau theo một nguyên lý nhất định bao gồm 3 nhóm. Nhóm 3 chiêng có độ cao thấp nhất có tên riêng, nhóm 3 chiêng tiếp theo có độ cao hơn nhóm trước được gọi là con của nhóm trước, nhóm 3 chiếc sau nữa là cháu. Với cách ấy con người đã chuyển quan hệ máu mủ vào dàn chiêng và đó là nguyên tắc xây dựng cơ cấu âm thanh âm nhạc của dân tộc. Một nguyên tắc rất khoa học, chưa thấy ở nơi nào. 2. Những giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên Nếu được ví nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam là một vườn hoa rực rỡ thì văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như một đóa hoa mang trên mình vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của núi rừng hoang dã. Tiếng cồng chiêng đâu đó có điểm giống tiếng đàn bầu “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”; nhưng cồng chiêng còn có điểm khác nữa, đó là sự tích hợp của hồn thiêng sông núi, là âm vọng của trời và đất gặp nhau. Trong tiếng cồng chiêng có sức mạnh của cha truyền lại, có hơi ấm của mẹ và sự gửi gắm của tổ tiên từ ngàn năm trước với thế hệ con cháu hãy giữ lấy truyền thống dân tộc. Đi tìm vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, chúng ta đã trở về với cội nguồn văn hóa bản địa do chính đồng bào Tây Nguyên sáng tạo trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên, trong quá trình lao động sản xuất. Hương sắc núi rừng đã tinh lọc về đây hội tụ nên một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ với núi rừng. Rừng núi đã tạo cho họ một tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng và đôn hậu. Chính trong môi trường mà cái màu xanh thẳm như nhung của cỏ ây hoa lá, cái rắn rỏi
- 240 Lê Thị Kim Dung của đất đá, cái mềm mại thanh thoát của những dòng suối tuôn chảy mạch sống đêm ngày đã hòa quyện trong một không gian mang đầy màu sắc huyền thoại, cồng chiêng Tây Nguyên ra đời. Tiếng chiêng gắn với đời người như là tri âm tri kỷ, gắn với núi rừng như là tất yếu của tạo hóa. Cồng chiêng không có sự gắn kết mật thiết với đồng bằng, lại càng xa lạ với biển cả, vì biển cả chỉ thích hợp với những điệu hò ra khơi tung lưới. Cồng chiêng là đặc trưng văn hóa gắn với núi rừng, mang đậm yếu tố núi, chỉ có núi rừng mới sản sinh và nuôi dưỡng mạch nguồn cho văn hóa cồng chiêng chảy mãi, chảy mãi vượt qua mọi giới hạn của lịch sử và thời gian. Nằm trong cái mạch chung của văn hóa phương Đông, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa là một mắt xích, đồng thời cũng là điểm nhấn. Nếp sống nương rẫy phụ thuộc vào tự nhiên, mọi tín ngưỡng, văn hóa, lối sống gắn với núi rừng nên có thể gọi văn hóa của họ là văn hóa rừng. Tư duy của đồng bào còn ở dạng tư duy thần bí. Trong hoàn cảnh con người bất lực trước sức mạnh của tự nhiên và xã hội, nên cái tốt, điều xấu đều trông vào điềm báo mộng. Sản sinh trong môi trường mang đầy màu sắc tâm linh thần bí của thiên nhiên, cồng chiêng không chỉ có giá trị vật chất lớn, mà còn mang trong mình sức mạnh thiêng liêng. Bởi thế, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí thông thường, âm thanh cồng chiêng là lời đối thoại của quá khứ và hiện tại, con người và thần linh. Trong sự giao hòa của đất trời và con người, cồng chiêng đảm nhận trách nhiệm của một thiên sứ, là cầu nối để hiện thực và huyền thoại gặp nhau. Theo tiếng chiêng, con người lớn dần lên cùng với quá trình hình thành nhân cách. Nếu như “bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu cá nhân riêng biệt, trong tính cách hiện thực của nó, bản chất con người là tổng thể những quan hệ xã hội”, thì nhân cách là sự tổng hòa những giá trị văn hóa để con người sống đúng với đạo lý nhân văn. Văn hóa cồng chiêng đã thực hiện được chức năng vĩ đại ấy bởi chính những giá trị nội tại của mình. Công trình vĩ đại nhất của đời người là nhân cách vì nó là chuẩn mực của mọi hành vi ứng xử, nhân cách có tốt mới có nền tảng để xây dựng lối sống đẹp. Cồng chiêng có một vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung mà ít có loại nhạc khí nào sánh kịp. Vị thế ấy của cồng chiêng không chỉ đơn thuần
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 241 bắt nguồn từ chất liệu chế tạo hay giá trị vật chất, cũng không đơn thuần bắt nguồn từ việc sử dụng rộng rãi nhạc khí này trong các cộng đồng dân cư ở Việt Nam. Rõ ràng, vị thế của cồng chiêng bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng bao chứa trong nó. Thứ nhất, đó là giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng. Trước hết, cồng chiêng là biểu hiện nổi bật của bản sắc văn hóa truyền thống vùng Trường Sơn ‑ Tây Nguyên. Xét trong mối quan hệ tổng thể với khu vực thì cồng chiêng Tây Nguyên lại là biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa âm nhạc khu vực Đông Nam Á. Rõ ràng, ở cả tầm vĩ mô và vi mô, cồng chiêng đều là một nhạc khí quan trọng. Thứ hai, mỗi cộng đồng dân tộc có thiết chế dàn chiêng và cách chơi, cách phối hợp trang phục, cách bố trí không gian khác nhau, bởi vậy cồng chiêng còn có giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chủ nhân của nền văn hóa đó thông qua cách quan sát bộ nhạc khí truyền thống hoặc lắng nghe âm thanh đặc trưng từ sự phối hợp mang màu sắc riêng của mỗi cộng đồng tộc người. Thứ ba, bởi văn hóa cồng chiêng mang trên mình bản sắc văn hóa tộc người nên nó thể hiện một cách sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan, những quan niệm về tự nhiên và xã hội, về phong tục tập quán, quan điểm thẩm mỹ… Tìm hiểu văn hóa cồng chiêng cho thấy cái nhìn khách quan về nguồn gốc bản địa hay cả sự giao lưu và ảnh hưởng của văn hóa âm nhạc giữa các dân tộc. Thứ tư, đó là giá trị nhân văn sâu sắc. Tiếng chiêng gắn bó với mọi nghi lễ quan trọng của đời người, chính tiếng chiêng chào đón con người khi sinh ra, nuôi dưỡng nhân cách con người và cũng chính tiếng chiêng tiễn con người khi về thế giới bên kia. Bởi vậy, từ trong văn hóa cồng chiêng, con người được sống trọn vẹn với tinh hóa văn hóa của cộng đồng mà mình đang thuộc về đó. Đó cũng là cách lưu giữ hệ thống những giá trị văn hóa cổ truyền có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa cồng chiêng. Thứ năm, cồng chiêng vừa là biểu tượng, vừa là chuẩn mực định canh, định vị trong tiềm thức lẫn tâm thức của mỗi người. Đi ngang một ngôi làng của đồng bào, đôi khi chỉ nghe qua âm thanh của cồng chiêng,
- 242 Lê Thị Kim Dung người ta cũng có thể đánh giá ít nhiều sức mạnh theo hai nghĩa: tiềm lực vật chất và sức sống của cộng đồng. Người ở điểm cư trú láng giềng có thể âm thầm nể phục, kiêng dè; kẻ thù có thể nao núng khi có ý đồ gây hấn. Như vậy, cồng chiêng còn là vật dụng có giá trị vật chất lớn, biểu thị cho sự giàu sang phú quý, là tín hiệu phô trương tiềm lực kinh tế và sức mạnh tự thân của chủ nhân sở hữu cồng chiêng. Chính lẽ đó mà cồng chiêng còn đảm nhận một chức năng vô cùng quan trọng, là tô điểm không gian kiến trúc thêm phần linh thiêng, bề thế. Thứ sáu, cồng chiêng là nhạc khí có thể sử dụng một cách đa dạng. người ta có thể dùng cồng chiêng để tập hợp mọi người trong cộng đồng, có thể dùng để hỗ trợ hoạt động săn bắn, phương tiện tạo nên sự cộng cảm và cố kết cộng đồng. Một trong những công dụng nổi bật của cồng chiêng là cầu nối cho thế giới hiện thực và thế giới thần linh gặp nhau. Bởi thế cồng chiêng là vật thiêng không gì sánh bằng. Với vai trò sứ giả trong mối giao hảo giữa con người và thế giới thần linh thì những quan niệm, tín ngưỡng đa thần vẫn được duy trì và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào. Thứ bảy, sinh hoạt cồng chiêng gắn với các câu chuyện thần thoại được già làng truyền lại cho con cháu, cồng chiêng thể hiện được mọi cung bậc của một nhạc khí để tạo nên sự huyền bí, oai hùng của những đêm lung linh ánh lửa đưa con người về với thế giới xa xưa. Trong những sinh hoạt cộng đồng thường nhật, cồng chiêng cũng có thể thể hiện được các loại nhạc khác nhau. Điều đó chứng tỏ cồng chiêng là một nhạc khí có khả năng đảm nhiệm mọi chức năng âm nhạc một cách hoàn hảo. Cồng chiêng không chỉ tham gia vào các lễ nghi quan trọng mà còn là nhạc khí tạo nên men say, tạo sự hưng phấn cho đồng bào trong quá trình lao động sản xuất. Thứ tám, cồng chiêng có giá trị quan trọng trong việc cố kết cộng đồng. Trong cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, những lễ hội, sinh hoạt cồng chiêng diễn ra dày đặc và liên tục, là điều kiện để các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên được cố kết chặt chẽ. Cồng chiêng là ngôn ngữ đặc biệt, trước hết để con người hiểu và thông cảm với nhau, trên cơ sở ấy tính cộng đồng được khẳng định và củng cố. Tiếng chiêng xoa dịu hận thù, gắn kết yêu thương, tiếng chiêng xóa mờ khoảng cách, thứ bậc sang hèn, giàu nghèo.
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 243 Như vậy, trong sâu thẳm tiếng chiêng có tiếng của núi rừng, có tiếng lòng người dạt dào sâu thẳm, có mưa tuôn suối nguồn, có những dòng thác dựng đứng quanh năm nước dội từ trên cao xuống. Trong vang vọng tiếng chiêng, người ta nghe có cả những tiếng hát thổ lộ tâm tình. 3. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trước thách thức của thời kỳ hội nhập Cồng chiêng hôm nay đang hòa nhập trong dòng cuốn của cuộc sống hiện đại, cơ hội giao lưu, đối thoại và xung đột ngang nhau. Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không ít đối với đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nên văn hóa cồng chiêng cũng đang có những biểu hiện rõ nét của những hiệu ứng tiêu cực đó. Thứ nhất, bản sắc văn hóa dân tộc đang có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng cùng với quá trình mất rừng, mất sức sống truyền thống, sự ra đi của tín ngưỡng đa thần khiến cho sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trở nên đơn điệu, mất đi sự độc đáo. Thứ hai, ảnh hưởng của nền kinh tế cơ chế thị trường khiến cho cồng chiêng mất dần vai trò của nhạc khí thiêng và đang bị biến thành những hàng hóa trao đổi thông thường. Vì lý do đó nên số lượng dàn cồng chiêng bị giảm tới mức báo động. Cồng chiêng được “gạ gẫm” đem ra bán và sau đó được vận chuyển ra nước ngoài mang lại nguồn thu nhập kếch xù cho tư thương. Đánh mất cồng chiêng tức là đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, một dân tộc tự đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì dân tộc đó sẽ đánh mất tất cả. Thứ ba, quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ theo xu thế hội nhập khiến cho các trào lưu giải trí hiện đại xâm nhập ồ ạt vào đời sống tinh thần của đồng bào. Đó là căn nguyên khiến cho lớp trẻ hiện nay có thái độ hờ hững với văn hóa dân tộc. Không ít người sẵn sàng chối bỏ văn hóa dân tộc mình để chạy theo những chuẩn mực mới trái ngược với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thứ tư, tuổi già, nghèo đói và bệnh tật luôn đe dọa cuộc sống hằng ngày của đồng bào, ngày càng có nhiều nghệ nhân cao tuổi đi theo tiếng gọi của “thế giới bên kia” mang theo bao tài sản văn hóa được cất giữ, ấp ủ cả một đời vào lòng đất. Mỗi nghệ nhân tiêu biểu là một kho tàng
- 244 Lê Thị Kim Dung văn hóa sống góp phần tạo nên sự đa sắc của văn hóa truyền thống. Sự ra đi của họ khiến cho cồng chiêng có nguy cơ mai một, với sự biến mất của các bài nhạc chiêng cổ, của sự lãng quên văn hóa truyền thống. Thứ năm, hiện nay chúng ta bước vào thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên mọi lĩnh vực, trên nền tảng ấy văn hóa cũng đang từng bước được hiện đại. Cồng chiêng đã và đang được cải tiến theo hướng hiện đại mà chúng ta quên rằng cồng chiêng vốn dĩ gắn với lễ nghi, nghi thức dân gian. Bản chất của cồng chiêng không đơn thuần là một trò diễn. Việc cải tiến cồng chiêng khiến cho âm thanh của nó bị méo mó, biến dạng và trở nên xa lạ với những tâm hồn tinh nhạy và cả chủ thể sáng tạo ra nó. Thứ sáu, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất, sự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến con người ít phụ thuộc vào tự nhiên, khiến cồng chiêng mất đi vai trò là nhạc cụ thiêng, các lễ hội tôn giáo ít dần nên cồng chiêng không còn môi trường để tồn tại. Thực tế này đang diễn ra phổ biến ở khắp nơi và trở thành bài toán khó cho chính quyền và đồng bào các dân tộc giữa một bên là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, một bên là nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, việc nhận thức lại vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội đang đặt ra bức thiết. Di sản văn hóa là phương tiện hữu hiệu để giáo dục ý thức tự chủ, tự cường của dân tộc, là nhân tố cấu thành trường sinh thái văn hóa, nuôi dưỡng và tạo dựng nhân cách phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Di sản văn hóa còn là một tiềm năng kinh tế dồi dào nếu đặt nó vào đúng vị trí kinh doanh của ngành du lịch. Mặt khác, di sản văn hóa còn là phương tiện để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, các mối quan hệ quốc tế vì sự phát triển của các dân tộc và toàn xã hội. “Di sản văn hóa là thành phần trọng yếu của văn hóa dân tộc. Vì vậy, muồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì phải xem việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc như một quốc sách”1. 1. Đàm Hoàng Thụ (1998), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở nước ta hiện nay, Viện Văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 83.
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 245 Như vậy, đối với nhịp sống đi lên tất yếu của đồng bào Tây Nguyên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước, cũng như trong chiến lược đưa miền núi tiến kịp miền xuôi thì cồng chiêng là thực tiễn sống động chứ không phải là hiện vật nằm trong bảo tàng. Tìm về cội nguồn không có nghĩa là bước thụt lùi trong nhận thức mà qua đó chúng ta có dịp lục tìm lại những vốn quý của từng dân tộc để bảo lưu, gìn giữ và phát huy truyền thống trong thời kỳ mới. Xu hướng cái mới được đón nhận nồng nhiệt là điều dễ hiểu, nhưng khi cái truyền thống đã sâu rễ bền gốc thì thiết nghĩ sự giao lưu văn hóa trên nền tảng chọn lọc và tiếp thu là hướng tích cực. Trong đó, cái mới được tiếp nhận, cái truyền thống được tôn vinh, vấn đề xung đột truyền thống – hiện đại sẽ được giải quyết trên nền tảng văn hóa. Để rồi dù dưới ánh điện, những cô gái Tây Nguyên vẫn duyên dáng trong điệu múa uyển chuyển theo nhịp chiêng trống, những đêm nghe già làng kể chuyện vẫn tiếp tục và các nghệ nhân dân gian còn mãi cơ hội thể hiện tài năng điêu luyện của mình. Văn hóa cồng chiêng không chỉ kéo quá khứ về với hiện tại, nó còn là định hướng văn hóa cho dân tộc trong tương lai. Đứng trước những biến động của cuộc sống công nghiệp, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng đang có những bước thay đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực trong xu thế chung. Bản sắc, bản lĩnh văn hóa các dân tộc đang được thử thách và kiểm nghiệm. Điều quan trọng là chúng ta không nên có cái nhìn tĩnh tại và siêu hình đối với bản sắc dân tộc. Cái gì sống đều thay đổi và phải thay đổi. Đối việc giữ gìn bản sắc dân tộc cũng vậy, nhà lãnh đạo cần có cái nhìn sáng suốt, chủ động và nhạy bén, luôn luôn xem xét giá trị nào lỗi thời cần xóa bỏ, những giá trị nào cần bổ sung thêm vào, những giá trị nào cần kế thừa nhưng dưới một hình thức mới và hình thức mới đó nên như thế nào? Thật vô lý khi chúng ta gạt bỏ mọi yếu tố tiến bộ và hay đẹp của văn hóa bên ngoài chỉ vì chúng là ngoại lai, nhưng cũng là vô lý và sai lầm lớn nếu chúng ta tiếp thu hàng loạt không có phê phán những yếu tố văn hóa nước ngoài chỉ vì nó mới lạ và tân kỳ. Một nhà nghiên cứu khi nói về văn hóa Việt Nam đã nhận định: “Bản sắc dân tộc, văn hóa giống nòi chính là phần hồn. Các bạn phải
- 246 Lê Thị Kim Dung giữ gìn hồn thiêng sông núi chứ không chỉ giữ gìn núi sông”. Lời nhận định trên chứa đựng một ý nghĩa thật sâu sắc. Vì vậy, “sự ứng xử văn hóa phải được thiết kế trên sức đề kháng mạnh mẽ của văn hóa dân tộc”, và chỗ dựa duy nhất về mặt tinh thần cho toàn bộ công cuộc đổi mới văn hóa hiện nay chính là cái gốc vững vàng của văn hóa dân tộc. Gốc đã vững thì ai rung chẳng chuyển, ai lay chẳng rời. Chúng ta có niềm tin mãnh liệt ấy bởi lẽ “ngay trong cuộc khủng hoảng do những cơn lốc của văn minh và âm nhạc phương Tây tràn vào một cách ồ ạt, đại bộ phận người Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống bảo vệ bản sắc dân tộc trong văn hóa nghệ thuật, kiên cường chống lại những trào lưu Âu hóa trong âm nhạc và nhanh chóng xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động nhằm bản tồn những tinh hoa âm nhạc cổ truyền”1. Theo ánh điện sáng và những tuyến đường nhựa, văn minh hiện đại đang len lỏi tới mọi ngõ ngách cuộc sống, thậm chí tới tận “giường ngủ” của mọi nhà. Vấn đề là chúng ta có những ứng xử như thế nào để vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa hiện đại. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức của buổi giao thời ấy. “Nhận diện được bức tranh văn hóa tộc người hiện nay một cách xác thực sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng và thực thi các chính sách nhà nước một cách hiệu quả, rút ngắn thời gian và các bước đi mang tính chất cảm tính, hoặc thử nghiệm một cách chung chung”2. Nhà văn Lỗ Tấn có câu nói nổi tiếng với vợ mình: “anh chỉ là một con bò ăn cỏ và tiết sữa cho đời”. Cỏ như Lỗ Tân đối với chúng ta là đường lối của Đảng, là cảm hứng hiện thực. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là sản phẩm văn hóa sáng tạo của cư dân sống trên miền sơn cước với những đặc thù về môi trường tự nhiên và phương thức sản xuất truyền thống. Muốn giữ được nền văn hóa cồng chiêng phải giữ được môi trường sản xuất đó, để văn hóa cồng chiêng mãi là thức ăn 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Thường thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và lịch sử âm nhạc, Nxb Giáo dục, tr. 168 2. Nguyễn Hữu Thông (cb) (2005), Văn hóa làng miền núi Trung bộ Việt Nam‑Giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử (dẫn liệu từ miền núi Quảng Nam), Nxb Thuận Hóa, tr. 361.
- Văn hóa cồng chiêng khu vực Tây Nguyên trước thách thức thời hội nhập 247 tâm hồn cho đồng bào. Và điều quan trọng nhất, thức ăn tâm hồn phải như sữa mẹ, bởi vì “ngộ độc cơ thể đã khó cứu, ngộ độc tâm hồn càng khó hơn”. Pháp luật, biện pháp hành chính chỉ mang tính chất định hướng, không thể giải phẫu được tâm hồn. Cái chính là chúng ta có thái độ trân trọng đúng mực và tâm huyết với những giá trị văn hóa của dân tộc. Có như thế, mỗi người mới tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp để nền văn hóa dân tộc mãi hưng khởi hôm nay và mai sau.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Sự độc đáo và khác biệt của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên so với cồng chiêng các nước trong khu vực Đông Nam Á
10 p | 182 | 49
-
Phát huy vai trò già làng trong bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai
3 p | 53 | 4
-
Lễ hội bỏ mả của người Êđê: Vai trò, giá trị của nó trong đời sống cộng đồng
12 p | 55 | 4
-
Diện mạo Buôn Ma Thuột qua tác phẩm Ban thành đại đáp
12 p | 45 | 2
-
Toạ đàm khoa học quốc tế: Giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á
7 p | 4 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn