JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00035<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 64-71<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
VĂN HÓA ĐỊA DANH VÀ NHÂN DANH CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ Ở TÂY NGUYÊN<br />
DƯỚI SỰ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM “VẠN VẬT HỮU LINH”<br />
<br />
Đặng Minh Tâm<br />
Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Dak Lăk<br />
<br />
Tóm tắt. Êđê là tên gọi của một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống khá tập trung ở<br />
một số địa bàn của tỉnh Dak Lăk và rải rác một số địa bàn lân cận thuộc tỉnh Gia Lai, Phú<br />
Yên, Khánh Hoà. Người Êđê theo tín ngưỡng đa thần “Vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có<br />
linh hồn). Theo họ, mọi hiện tượng tự nhiên, đất đai, sông núi, cỏ cây và các đồ vật do con<br />
người tạo ra đều có yang (thần) cùng với quan niệm về điềm mộng, kiêng kị làm nên một<br />
phong cách tư duy riêng của con người ở đây, đó là tư duy hiện thực huyền ảo. Từ những lí<br />
do trên các đối tượng địa lí trong tâm thức người Êđê đều trở nên linh thiêng và được tôn<br />
kính tuyệt đối. Và cũng vì lí do trên nên khi đặt tên người, cư dân tộc người này đã cố gắng<br />
tránh phạm đến thần linh bằng cách tạo nên “tính võ đoán” trong cách gọi tên. Điều này<br />
dẫn đến tình trạng tên riêng người Êđê ít khả năng mang ý nghĩa phản ánh hiện thực như<br />
địa danh.<br />
Từ khóa: Tập quán, địa danh, nhân danh, Êđê.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Những năm đầu thế kỉ XX, Sabatier - viên công sứ Pháp tại Tây Nguyên đã sưu tầm nghiên<br />
cứu văn hóa dân gian Êđê với việc sưu tập, dịch và công bố bộ sử thi Đăm Săn nổi tiếng (in lần đầu<br />
ở Paris, năm 1927, lần sau ở Hà Nội, năm 1933). Ông cũng là người mở đầu việc sưu tầm, dịch<br />
và công bố luật tục của người Êđê,... Tiếp đến là hai nhà giáo Y Ut Niê, Y Jut Hwing đã tham gia<br />
biên soạn chữ viết cho tộc người này. Một số tác giả đã có nhiều năm và nhiều công trình nghiên<br />
cứu về văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa Êđê nói riêng. Tác giả Nguyễn Hữu Thấu [6] đã<br />
khá công phu trong việc sưu tầm nghiên cứu Sử thi Tây Nguyên từ khá sớm. Ông cùng Ngô Đức<br />
Thịnh, Chu Thái Sơn [7] sưu tầm, nghiên cứu Luật tục Êđê một cách khá công phu. Đặc biệt, Ngô<br />
Đức Thịnh [8] với tác phẩm Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên đã nghiên cứu một cách khá<br />
toàn diện về văn hóa khu vực này với ba mảng lớn, đó là phác họa tổng thể văn hóa Tây Nguyên; về<br />
luật tục và quản lí cộng đồng; về sử thi Tây Nguyên. Tác giả Thu Nhung Mlô Duôn Du, một người<br />
phụ nữ, người con của dân tộc này đã có nhiều năm tìm hiểu về Vai trò của người phụ nữ Êđê<br />
trong xã hội truyền thống (xã hội Êđê với chế độ mẫu hệ và mẫu quyền điển hình ở Tây Nguyên).<br />
Tác giả Trần Văn Dũng [2] là người có nhiều công trình và nghiên cứu một cách khá đầy đủ về văn<br />
hóa địa danh ở Dak Lăk. Ngoài ra, một số các tác giả khác đã có những nghiên cứu về nhiều khía<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/1/2015 Ngày nhận đăng: 9/5/2015<br />
Liên hệ: Đặng Minh Tâm, e-mail: tamypaobmt@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
64<br />
Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động...<br />
<br />
<br />
cạnh khác của văn hóa Tây Nguyên và cụ thể về văn hóa Êđê như: Khổng Diễn, Bế Viết Đẳng, Vũ<br />
Đình Lợi, Vũ Thị Hồng, Chu Thái Sơn [3],... Tuy vậy, vấn đề nghiên cứu văn hóa nhân danh của<br />
các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và Êđê nói riêng thì cho đến nay vẫn chưa có công trình<br />
nào đề cập. Đi vào tìm hiểu cách đặt tên người và các đối tượng địa lí của tộc người Êđê, có một<br />
vấn đề đặt ra khá lí thú là tại sao địa danh nơi tộc người này cư trú và nhân danh của họ hầu như<br />
không có mối liên hệ gì với nhau cả, thậm chí trái ngược nhau. Có chăng, một nhân tố nào đã tác<br />
động đến tâm lí hay tập quán định danh của tộc người này? Và đây là lí do mà bài viết hướng đến.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Vài nét về tộc người Êđê với quan niệm vạn vật hữu linh<br />
Người Êđê (Rađê, Rhadê, Anăk Êđê, Đê, Êđê Êgar, Mọi, Thượng, Rơđê,. . . ) là tên gọi của<br />
một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống khá tập trung ở một số địa bàn như Krông Păc,<br />
Krông Ana, Krông Bông, Krông Buk, M’Drăk. . . của tỉnh Dak Lăk và rải rác một số địa bàn lân<br />
cận thuộc tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà. Êđê hay Rađê (còn có nghĩa là người sống dưới luỹ<br />
tre), là một dân tộc có 409.141 người (theo thống kê dân số 01/4/1999). Tộc người Êđê được phân<br />
thành các nhóm dựa trên cơ sở những nét khác biệt về thổ âm và địa bàn cư trú [7;20], như Kpă,<br />
Adham, Mdhur, Blô, Bih, K’rung, Êpan, Hwing, Dong Hay, Dong Măk, Dliê, Arul, Kdrao,. . . Tuy<br />
vậy, Êđê lại có khuynh hướng ngày càng thống nhất hơn về ý thức tộc người, về văn hoá và ngôn<br />
ngữ [7;7]. Chính khuynh hướng đó mà hiện nay một số nhóm địa phương ít được nhắc đến. Trong<br />
các nhóm nêu trên, nhóm Êđê Kpă được coi là Êđê chính dòng (trong tiếng Êđê, Kpă có nghĩa<br />
là thẳng, chính). Địa bàn cư trú của nhóm Kpă chủ yếu ở khu vực Buôn Ma Thuột và một phần<br />
của Buôn Hồ, Krông Buk ngày nay. Người Êđê nói ngôn ngữ Nam Đảo, cùng dòng và gần gũi với<br />
ngôn ngữ các tộc người như Jrai, Churu, Raglai, Chăm, mang đặc trưng nhân chủng thuộc loại<br />
hình Indonediên.<br />
Về tổ chức xã hội, xã hội Êđê là xã hội mẫu hệ và mẫu quyền điển hình nhất ở Tây Nguyên.<br />
Mọi quy tắc ứng xử trong cộng đồng xã hội, trong gia đình đều tuân theo một hệ thống luật tục<br />
(phat kđy) lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đứng đầu gia đình là các khua sang (chủ nhà). Đó<br />
là người đàn bà cao tuổi nhất, có uy tín nhất lãnh nhiệm vụ trông coi tài sản, điều hành sản xuất,<br />
gắn bó quan hệ giữa mọi thành viên trong gia đình [7;19]. Chồng của người đàn bà chủ nhà có<br />
quyền được thay mặt vợ giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ ngoài xã hội, nhưng quyền quyết<br />
định vẫn thuộc về khua sang.<br />
Về ngôn ngữ, tiếng nói của người Êđê thuộc dòng ngôn ngữ Malayo - Polynesia (ngữ hệ<br />
Nam Đảo). Tiếng Êđê là một ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với tiếng Jrai, Chăm, Raglai, Churu,<br />
Malaysia, Indonêsia, Philippin. . . Ngôn ngữ Êđê là ngôn ngữ đơn lập, phát triển theo xu hướng<br />
đơn âm tiết. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng ngôn ngữ dòng Môn - Khmer.<br />
Chữ viết của người Êđê có từ những thập niên đầu của thế kỉ XX là loại chữ được xây dựng<br />
theo bảng chữ cái La tinh. Về văn hóa, tín ngưỡng, Êđê là một trong những tộc người bản địa ở<br />
Dak Lăk, có nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Người Êđê có kho tàng văn học truyền<br />
miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các trường ca, sử thi nổi tiếng<br />
với khan Dăm Săn, khan Dăm Kteh M’lan... [6;7]. Người Êđê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường<br />
rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Cồng chiêng, sáo, gôc, kni, đinh năm, đinh tuôc là các loại nhạc<br />
cụ phổ biến của người Êđê và được nhiều người yêu thích. Người Êđê thường có câu: Thiếu tiếng<br />
chiêng, tiếng kưk, tiếng Khan/ Như cuộc sống thiếu muối, thiếu cơm. . .<br />
<br />
<br />
65<br />
Đặng Minh Tâm<br />
<br />
<br />
Đó là bức tranh vô cùng sinh động về sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nhu cầu không thể<br />
thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người Êđê. Đặc biệt, đồng bào Êđê có một nền<br />
văn hóa dân gian vô cùng phong phú, giàu bản sắc dân tộc.<br />
Về tín ngưỡng, người Êđê theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh<br />
hồn nên trong sinh hoạt chung của buôn làng Êđê, các hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi chiếm vai trò<br />
hết sức quan trọng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc ở đây, mọi hiện tượng tự nhiên, đất đai,<br />
sông núi, cỏ cây và các đồ vật do con người tạo ra đều có yang - thần (thần núi - yang cư; thần<br />
sông - yang krông; thần nước - yang ea, thần chiêng-yang cing,. . . ). Và như vậy, thế giới tự nhiên<br />
đều có linh hồn, thần linh, tạo nên một thế giới huyền ảo bao quanh con người, cùng với quan<br />
niệm về “điềm mộng”, “kiêng kị” tạo nên một phong cách tư duy riêng của con người ở đây, đó<br />
là tư duy “hiện thực huyền ảo”. Quan niệm về yang phản ánh một thực tế rằng, trong tư duy của<br />
con người bản địa, không có một cái gì trong thế giới tự nhiên này là vô tri, vô giác. Thiên nhiên<br />
hùng vĩ làm cho con người trở nên nhỏ bé. Con người cảm thấy choáng ngợp trước sức mạnh của<br />
tự nhiên, và quan điểm đa thần, quan niệm “vạn vật hữu linh”xuất hiện trên cơ sở tâm lí đó. Những<br />
tập quán, thói quen, những nét văn hóa đặc thù của dân tộc trong một môi trường khép kín kéo dài<br />
hàng trăm, hàng nghìn năm đã tạo nên bản sắc văn hóa đậm nét của tộc người này. Quan điểm “đa<br />
thần” và quan niệm “vạn vật hữu linh” đã chi phối tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội,<br />
nhưng trước hết, và trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ vấn đề, quan điểm đó đã<br />
tác động và chi phối như thế nào đến việc đặt tên người và tên gọi các đối tượng địa lí.<br />
<br />
2.2. Tác động của quan niệm vạn vật hữu linh với việc định danh của người Êđê<br />
2.2.1. Về việc đặt tên các đối tượng địa lí (địa danh)<br />
Với các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung, tộc người Êđê nói riêng, thế giới vạn vật<br />
luôn gần gũi. Con người và môi trường tự nhiên xung quanh hoàn toàn có thể cảm nhận được nhau<br />
và đối thoại một cách bình đẳng. Các con sông, ngọn núi, cây cỏ,. . . xung quanh luôn là hiện thân<br />
của các vị thần. Vì vậy, các địa danh của người bản địa cơ bản đều mang tính “có lí do”, nghĩa là<br />
đều mang ý nghĩa phản ánh hiện thực, một giá trị văn hóa linh thiêng luôn bên cạnh con người<br />
[2;122]. Hàng loạt địa danh ở Dak Lăk, nơi tộc người Êđê cư trú tập trung đã nói lên điều đó (xã<br />
Dliê Yang (huyện Ea H’Leo); xã Yang Mao, buôn Yang Reh, buôn Yang Kang, núi Yang Gưh, núi<br />
Cư Yang Sin (huyện Krông Bông); buôn Yang Trum (huyện Krông Nô); xã Yang Tao, buôn Yang<br />
La, rừng Yang Sing, núi Cư Yang Lăk, Cư Yang Pel, Cư Yang Rak, Cư Yang Siêng (huyện Lăk),...<br />
Ngoài việc trực tiếp gọi tên các vị thần linh, những địa danh khác có thể được gọi theo đặc<br />
điểm địa hình, các sản phẩm đặc trưng và các lí do khác (Cư Jut - núi trúc, Cư M’gar - núi ngược<br />
(núi không có cây - núi trọc), Krông Buk - dòng sông như mái tóc dài của người con gái, Cư Kbao<br />
- núi có nhiều trâu, Cuôr Knia - vùng trảng có nhiều cây kơ nia, Cư Drang - núi có nhiều chim<br />
phượng hoàng, Cư Kuênh - núi có nhiều vượn, Êa Ktuôr - suối có nhiều ốc, Dray Săp - thác khói<br />
(thác có nước đổ xuống làm cả vùng mịt mù như sương khói),. . . Nhiều địa danh lại được người<br />
Êđê định danh dựa vào chức năng của nó trong mối quan hệ với các địa danh khác lân cận (Krông<br />
Ana - sông cái (hoặc sông mẹ), Krông Knô - sông đực (hoặc sông cha), buôn Ko Siêr, buôn Ko<br />
Thung - buôn ở vị trí đầu nguồn,. . . Như vậy, hầu hết các địa danh được người Êđê định danh theo<br />
ngôn ngữ bản địa đều dựa vào những đặc điểm về đối tượng địa lí (hình dáng, đặc điểm sinh học,<br />
địa hình,. . . ). Khảo sát trên 500 địa danh bằng ngôn ngữ Êđê qua bảng thống kê tại phụ lục của tác<br />
giả [2;204-272] bao gồm các địa danh thuộc các đối tượng địa lí tự nhiên và các đối tượng địa lí<br />
nơi cư trú thì hầu hết tên gọi của các đối tượng này đều “có lí do”, nghĩa là đều mang ý nghĩa phản<br />
<br />
66<br />
Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động...<br />
<br />
<br />
ánh hiện thực và đều mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người [2;124]. Nói cách khác, các đối tượng<br />
này, đặc biệt là các đối tượng địa lí tự nhiên đều mang dấu ấn thần linh (ngoại trừ một số ít do dấu<br />
ấn để lại trên địa danh và trên cụ thể đối tượng rất mờ nhạt nên khó xác định). Các địa danh thuộc<br />
các đối tượng địa lí nơi cư trú đặt bằng ngôn ngữ bản địa là các loại địa danh đã được định hình<br />
sớm và tương đối sớm, và là cơ sở để phát triển các địa danh khác bằng phương thức chuyển hóa.<br />
Sinh ra, lớn lên giữa đại ngàn, khi từ giã cõi đời cũng nằm lại giữa bao la rừng núi nên trong<br />
quan niệm về thần linh của người Tây Nguyên nói chung, người Êđê nói riêng thì con người sinh<br />
ra từ cây, vì vậy khi chết đi họ cũng nhập và hồn vào bên trong thân cây xác (quan tài chôn người<br />
chết bằng thân cây đục lỗ). Đây là một quan niệm về thế giới, mà trong đó các yếu tố hiện ra dưới<br />
những hình thức khác nhau nhưng cùng chia sẻ một tồn tại chung. Thậm chí, họ còn cho rằng,<br />
không chỉ con người được sinh ra từ cây, mà ngay các vị thần linh cũng thế. Vì vậy, trước khi đốn<br />
cây, họ thường có những nghi thức rất trang trọng để xin phép thần linh của cây đó. “Hỡi yang của<br />
cây! Ta biết từ xa xưa lắm rồi mày đã từng nảy mầm và mọc lên ngày một cao to, xanh tốt. Bây<br />
giờ thân thể lực lưỡng của mày đã vươn lên tới trời xanh, cành lá của mày đã dang rộng che cả một<br />
cánh rừng, rễ của mày đã cắm sâu tới lòng đất. Trên nền trời xanh mỗi khi gió thổi về, làm rung<br />
các cành lá, phát ra tiếng vang như gió bão!... Nhưng hỡi yang của cây, mày có hiểu buôn ta từ lâu<br />
nay chưa mở được lễ cúng thần, chưa cầu mong được thần mang lúa gạo về ăn, chưa có rượu để<br />
uống, dân làng chưa khoẻ mạnh vì chưa có kpan để đánh chiêng mời thần linh về phù trợ. . . Nay<br />
buôn làng ta đành phải xin phép yang của cây cho ngã cây xuống để làm ghế kpan, xin yang tha<br />
tội” [8;37].<br />
Như vậy, đối với địa danh hay với bất kì một danh xưng nào khác, khi đặt tên cho một đối<br />
tượng nào đó thì chủ thể đặt tên đều có một mục đích rõ ràng. Tính mục đích đó có thể xuất phát<br />
từ nhiều nhân tố như văn hoá, tâm lí, tín ngưỡng, tính tiện lợi,. . . Vì vậy, cho dù là những yếu tố đó<br />
là ký hiệu hay mật danh; là “gửi gắm” hay “quy ước”thì địa danh của người Êđê ra đời cũng đều<br />
mang tính “có lí do” [2;137].<br />
2.2.2. Về việc đặt tên người (nhân danh)<br />
Địa danh hay nhân danh đều là sản phẩm, là kết qủa nghiên cứu của bộ môn danh học,<br />
thuộc lĩnh vực từ vựng học. Chúng đều có nhiệm vụ nghiên cứu về định danh cho các đối tượng.<br />
Vấn đề tưởng chừng đã rõ, là quá đơn giản bởi mục tiêu đã quá rõ ràng (tìm hiểu phương thức đặt<br />
tên; cấu trúc tên gọi; vai trò, ý nghĩa của chúng,..). Tuy nhiên, đi vào cụ thể, bước đầu có thể thấy,<br />
với các chủ thể khác nhau có thể sẽ hướng đến các mục tiêu khác nhau trong cùng một lĩnh vực<br />
nghiên cứu và ứng dụng.<br />
Khác với địa danh, nhân danh của người Êđê lại hầu như mang “tính võ đoán”, nghĩa là<br />
không mang nội dung phản ánh hiện thực thông qua tên gọi như địa danh. Nói cách khác, giữa<br />
chúng không có mối liên hệ gì.<br />
Chúng ta đều biết, âm và nghĩa là hai mặt của tất cả các đơn vị ngôn ngữ. Hai mặt cấu thành<br />
này làm nên tính đặc trưng cho ngôn ngữ trong sự so sánh nó với các sự vật, hiện tượng khác tồn<br />
tại khách quan. Âm và nghĩa kết hợp với nhau tạo thành một đơn vị ngôn ngữ, nhưng đây là một sự<br />
kết hợp hết sức đặc thù: một sự liên kết không tuân theo một quy luật thông thường nào cả. Tình<br />
trạng đó thể hiện qua tính không quy định và ràng buộc lẫn nhau giữa hai mặt cấu thành. Hình ảnh<br />
âm thanh được gọi là cái biểu hiện, ý nghĩa được gọi là cái được biểu hiện, giữa chúng không có sự<br />
tương ứng 1-1. Một cái biểu hiện có thể ứng với nhiều cái được biểu hiện khác nhau và ngược lại.<br />
Tình trạng này làm nảy sinh hiện tượng đồng âm và đồng nghĩa trong từ vựng học. Chính thuộc<br />
<br />
<br />
67<br />
Đặng Minh Tâm<br />
<br />
<br />
tính này của ngôn ngữ đã tạo cho nó khả năng đặt tên rất lớn. Tuy nhiên tính quy định đã hạn chế,<br />
hạn định khả năng này của nó một cách tự nhiên trong khả năng kiểm soát được của nhận thức con<br />
người về số lượng yếu tố của hệ thống. Tính độc lập và không quy ước lẫn nhau giữa cái biểu đạt<br />
và cái được biểu đạt được F. de Saussure gọi là tính võ đoán của ngôn ngữ [5;119]. Hai mặt âm và<br />
nghĩa tồn tại võ đoán với nhau thể hiện qua tính bất biến và tính khả biến của tín hiệu ngôn ngữ.<br />
Tính bất biến thể hiện ở chỗ, khi đã được xác lập, một đơn vị ngôn ngữ nào đó khó có thể thay đổi<br />
được theo ý muốn cá nhân. Tuy nhiên khi thể hiện tính liên tục trong thời gian thì chúng có thể<br />
biến đổi. Đây chính là tính khả biến của tín hiệu ngôn ngữ.<br />
Từ những ý kiến về nguyên lí tính võ đoán của ngôn ngữ mà F. de Saussure đưa ra cách đây<br />
một thế kỉ, ta có thể thấy rằng nhân danh hay bất kì một danh xưng nào khác, mối quan hệ giữa<br />
hình thức (âm thanh) và ý nghĩa về cơ bản đều không mang “tính có lí do”.<br />
Về tính võ đoán của nhân danh người Êđê ở Tây Nguyên, chúng tôi đề cập đến vấn đề: lí do<br />
đặt tên và ý nghĩa của tên gọi.<br />
Như đã nói ở trên, đối với nhân danh hay với bất kì một danh xưng nào khác, khi đặt tên<br />
cho một đối tượng nào đó thì chủ thể đặt tên đều có một mục đích rõ ràng. Trong tâm thức của<br />
người Việt, tên gọi không đơn thuần là một tín mã mà là một bộ phận hình thức luôn gắn bó hữu<br />
cơ đối với chủ thể - tức người mang nó. Tục ngữ Việt Nam từ xưa đã có câu: xem mặt, đặt tên. Bởi<br />
vậy, trước khi đặt tên, người ta chọn lựa kỹ càng trên cơ sở dựa vào đặc điểm: giới tính, hoàn cảnh<br />
gia đình, xã hội, dòng tộc, quê hương, tâm lí, ước vọng của cha mẹ,... Tính lựa chọn còn được thể<br />
hiện ở sự khác nhau giữa các tầng lớp trong xã hội (vua, chúa, quan lại, nho sĩ, trí thức, bình dân,<br />
tu sĩ,...); trong việc đặt tên cho các nhân vật nghệ thuật,... (nhân vật chính diện, phản diện, nhân<br />
vật tâm lí, nhân vật tư tưởng, nhân vật hài,...). Tính lựa chọn được thể hiện trong cả việc đặt tên<br />
chính và tên đệm, thậm chí trong một số trường hợp vì một nguyên nhân nào đó có thể được thể<br />
hiện trong cả tên họ; trong tên chính thức và các tên khác như tên hiệu, tên thụy,... Một số dân tộc<br />
ít người khác như Khơ mú lại có tên dòng họ vốn là tên gọi các loại thú rừng, chim chóc, cây cỏ,...<br />
(Rvai - hổ, Tmoong Hol - cầy, Tmoong Rung - cáo, Tiasc - hươu, Mar - rắn, Tvạ Ngăm - rau dớn,<br />
Tvạ Voor - dương xỉ,...) [4;33]. Tuy vậy, một bộ phận người dân nông thôn trước đây, đặc biệt là<br />
nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với những gia đình khó và hiếm con cái, họ<br />
đặc biệt chú ý đến vấn đề “kiêng kị”. Vì vậy, khi đẻ ra, để dễ nuôi, họ thường đặt cho con cháu<br />
mình một cái tên thật xấu với mục đích để các thế lực siêu nhiên cực đoan không thèm để ý đến,<br />
nhằm tránh được sự hãm hại của ma quỷ. Một bộ phận khác bên cạnh tên chính (tên khai sinh) lại<br />
đặt thêm một tên gọi mang yếu tố tôn giáo, cùng với việc làm các nghi lễ “gửi” vào chùa, vào đền<br />
nhằm nhờ cậy, “ủy thác”cho thần phật bảo vệ, đến lúc trưởng thành mới “làm thủ tục xin về”.<br />
Với người Êđê, ý thức này càng thể hiện rõ rệt. Cũng cùng mục đích để bảo vệ con người,<br />
đồng thời để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh, người Êđê có dụng ý tránh việc đặt tên<br />
người trùng với tên gọi các đối tượng tự nhiên, nghĩa là không muốn hay nói đúng hơn là không<br />
dám đụng chạm đến thần linh. Khi sự vật, hiện tượng xung quanh họ đều “hữu linh” thì con người<br />
không mang cùng tên gọi, vì sợ “phạm húy”, sợ sẽ làm ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của các vị<br />
thần linh. Đăc biệt, nhân danh truyền thống của tộc người này hầu như không bao giờ trùng với<br />
tên gọi của các loài cây cỏ, hoa lá (nhất là những loại cây cổ thụ, cây gỗ quý, cây có vị trí đặc<br />
biệt trong tình cảm và tâm thức của cộng đồng), tên núi rừng, sông suối. Đây là hiện tượng khác<br />
hẳn với quan niệm truyền thống mang tư tưởng nho giáo của người Việt. Những tên gọi (tên chính<br />
thức, tên chữ, tên thụy) như La Sơn, Hoàng Sơn, Hoàng Lâm, Hoàng Liên, Hoàng Linh, Hồng Hà,<br />
Hoàng Hà, Hoàng Hải, Kim Tuyền, Tùng Lâm, Thanh Trúc,... luôn là những tên gọi (liên quan<br />
<br />
<br />
68<br />
Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động...<br />
<br />
<br />
đến các đối tượng tự nhiên) được người Việt định danh phổ biến từ xưa tới nay. Khảo sát trên 300<br />
tên riêng của các nhóm Êđê được đặt theo cách truyền thống (qua tài liệu Lịch sử tỉnh Đảng bộ<br />
Dak Lăk do Tỉnh ủy Dak Lăk ấn hành năm 1994 và khảo sát tên riêng các sinh viên người dân tộc<br />
Êđê đã và đang học tại Trường Đại học Tây Nguyên), chúng tôi chưa tìm thấy sự trùng hợp nào<br />
(YBLôk Êban, YTlam Kbuôr, YLi Niê Kdam, YThing Ayun, YThơk HDơk, YBham Niê, YPen<br />
Niê, YTương Mlô, H’Lanh Mlô, H’Lơk Byă, YTrou Aleo, YCheng Niê, YJen Ktul, YJan Ayun,<br />
H’Ly Sa Kbuôr, H’ Win Niê, YMôn Byã, YBel Niê, H’Bet Kbuôr, H’Win Niê, H’Ni Adrơng, YJăn<br />
Êban, H’Truin Mlô, YKôp Niê, YKa Niê, YMe Êban, YLa Dap Mlô, H’Phen Ayun, Y Chang Niê<br />
Siêng, Y Moan Ênuol...). Tuy nhiên, cũng qua quá trình khảo sát chúng tôi lại thấy, một bộ phận<br />
người Bih (hiện được coi là một nhóm của Êđê) chủ yếu cư trú tập trung ở huyện Krông Ana, tỉnh<br />
Dak Lăk có tên họ là Buôn Krông (YNuê Buôn Krông, Tuyết Nhung Buôn Krông, YHêli Buôn<br />
Krông, YTuấn Buôn Krông, H’Jeli Buôn Krông, H’Tlal Buôn Krông,...) trong lúc krông - tiếng<br />
Êđê có nghĩa là sông - tên đối tượng địa lí. Trường hợp này, chúng tôi trình bày nhận thức của<br />
mình như sau:<br />
Thứ nhất, trong ngôn ngữ của người Bih, sông được gọi là h’diêp chứ không gọi là krông;<br />
suối được gọi là blung mà không gọi là êa như các nhóm Êđê khác. Qua khảo sát của nhóm nghiên<br />
cứu đề tài khoa học tại Trường Đại học Tây Nguyên, So sánh một số từ cơ bản của nhóm Bih và<br />
nhóm Kpă ở huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lăk do sinh viên YNiêm Kbuôr làm trưởng nhóm, có<br />
kết quả khác nhau trên 70% (tỉ lệ này còn cao hơn giữa Êđê và Jrai), trong khi đó họ Buôn Krông<br />
cũng chỉ có ở nhóm Bih mà thôi. Thực tế hiện nay, có một số người Bih lại đang mang hai tên họ<br />
khác nhau. Khi tiếp xúc với bà con ở buôn Trăp, họ đều đề cập đến cả hai họ: họ Êđê hiện dùng<br />
và họ Bih trước đây. Ví dụ: bà Aduôn Hni (ở buôn Trăp) theo chứng minh thư nhân dân do nhà<br />
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp là H’Săn ÊBan, nhưng bà cho biết họ Bih của bà<br />
là Hlong - H’Săn Hlong (dẫn theo Linh Nga Niê Kdam). Như vậy, tên dòng họ (djuê) của người<br />
Bih cũng có những nét đặc thù so với các nhóm Êđê khác. Cũng theo tác giả Linh Nga Niê Kdam<br />
và một số nhà nghiên cứu văn hóa tộc người ở Tây Nguyên, các họ H’Môk, Buôn Krông, Hdok,<br />
Knu, Hdruêl, Hlong. . . là họ gốc của người Bih (mà các họ này hầu như rất ít gặp ở các nhóm Ê<br />
đê khác).<br />
Thứ hai, trước năm 1945, nhiều nhà nghiên cứu người Pháp và Việt Nam cho rằng, Bih là<br />
một tộc người riêng. Một trong những tác giả có nhiều công trình về Tây Nguyên những năm đầu<br />
thế kỉ XX là Henri Meitre, “đã xếp người Bih thứ IV, tiếp theo người Radeh" và nhận xét “Cũng<br />
trên cao nguyên Darlac, có một dòng tộc hết sức đáng chú ý, nói phương ngữ Radé bị biến thái.<br />
Đó là bộ lạc Pih. Họ đặc biệt chiếm cứ toàn bộ vùng đầm lầy hạ lưu sông Ana và sông Knô. . . Hợp<br />
thành một dòng tộc lớn có mật độ dày đặc, cư trú quanh các đầm lầy mà họ biến thành đồng ruộng.<br />
Nếu, do phương ngữ của mình, họ thuộc nhóm Radé, thì do nhiều phong tục và chất lượng đồ trang<br />
sức sử dụng, họ lại thuộc nhóm Mnông, bọc lấy họ ở mặt Nam, Tây Nam, Bắc và Đông”(dẫn theo<br />
Linh Nga Niê Kdam, tại www.linhnganiekdam.vn - Đôi điều về người Bih (Êđê Bih?). Quan điểm<br />
trên dựa vào các yếu tố như: trang phục, nghề nghiệp, văn hóa cồng chiêng. Cụ thể là, người Bih<br />
có nghề làm đồ gốm, biết trồng lúa nước rất sớm và chọn nơi cư trú có điều kiện thuận lợi cho<br />
việc trồng lúa nước. Trang phục của người Bih không giống các nhóm Êđê khác. Về âm nhạc, bộ<br />
ching (chiêng) Jhô của buôn Trăp (huyện Krông Ana) chỉ có sáu chiếc có núm, kích thước chiếc<br />
lớn nhất chỉ bằng chiêng nhỏ nhất của giàn chiêng Knah Êđê, không có chiêng bằng. Bộ chiêng<br />
Knah Êđê có 10 chiếc, gồm 3 chiêng núm và 7 chiêng bằng. Âm điệu, bài bản, âm lượng đều khác<br />
nhau. Đội chiêng của người Bih lại là do phụ nữ đảm trách (mà điều này thì không giống với các<br />
<br />
<br />
69<br />
Đặng Minh Tâm<br />
<br />
<br />
nhóm Êđê còn lại). Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, người đã có nhiều năm và nhiều công trình nghiên<br />
cứu về người Bih cũng có cách nhìn khá giống với quan điểm trên. Sau 1945, một số nhà nghiên<br />
cứu có quan điểm người Bih là một nhánh của Êđê. Họ cho rằng, tiếng nói của nhóm người này<br />
giống Ê đê Kpă khoảng 70%.<br />
Từ một số vấn đề trên đây, mặc dù chưa thể khẳng định người Bih có phải là một nhánh của<br />
Êđê hay không nhưng cũng có thể thấy, trường hợp trên đây là rất đặc biệt, hi hữu. Với quan điểm<br />
đa thần và quan niệm vạn vật hữu linh, việc tránh lấy tên các đối tượng địa lí tự nhiên để đặt tên<br />
riêng cho người trong xã hội Êđê truyền thống đã trở thành ý thức một cách triệt để, nhất quán.<br />
Những con sông, con suối, ngọn núi, đầm hồ, đường phố,... trùng với tên người chỉ xẩy ra<br />
trong trường hợp ngược lại, đó là người ta đã lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí.<br />
Thực tế này xary ra trong các trường hợp sau:<br />
+ Lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí khi con người đó sau khi đã hoàn<br />
thành được một công việc “mang tính sứ mạng” cứu cả cộng đồng thoát khỏi một thảm họa nào<br />
đó hoặc hệ quả của một tình yêu đẹp không được như ý do những chế định xã hội hoặc hủ tục<br />
ngăn trở, họ chết và hóa thân thành thần linh. Đây là sự minh chứng về tính “có lí do” cho một<br />
số địa danh mang tên người đã được tác giả dân gian lí giải qua các truyện cổ tích (sự tích thác<br />
Drai H’Ling; sự tích dòng Êa H’Leo; sự tích dòng Krông Buk; sự tích núi Cư Mta; sự tích Hồ Lăk;<br />
M’Drăk - địa danh hành chính mang tên nhân vật cổ tích Ama Drak,...). Trong một sử thi Ê đê -<br />
sử thi Dăm Săn, nhân vật H’Bhi được đặt theo tên của một loài chim quý (chim Bhi - tên gọi khác<br />
là chim phí). Theo chúng tôi, đây là tên gọi được tác giả dân gian xây dựng mang tính ước lệ trong<br />
nghệ thuật. Nhân vật trong sử thi đều mang ý nghĩa biểu trưng. Các nhân vật chính diện đều được<br />
định danh với ý thức thẩm mĩ cao, và họ cũng rất gần gũi với thần linh, thậm chí họ đã mang phẩm<br />
chất của thần linh. Khảo sát trên 300 tên riêng người Êđê (qua các đối tượng như đã nói ở trên)<br />
chúng tôi chưa thấy có trường hợp nào trùng với các tên gọi từ lí do này.<br />
+ Lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí khi con người có một vai trò lịch sử<br />
có quan hệ gắn bó với đối tượng địa lí đó (Buôn Ma Thuột - buôn mang tên tù trưởng Ama Thuột;<br />
đường YNgông - đường mang tên nhà cách mạng lão thành, nhà giáo nhân dân người dân tộc Êđê,<br />
bác sĩ YNgông Niê Kdam; đường YNuê - đường mang tên nhà cách mạng lão thành, giáo sư bác<br />
sĩ YNuê Buôn Krông (tức giáo sư Ái Phương, Giám đốc đầu tiên của Viện vệ sinh dịch tễ Tây<br />
Nguyên); đường YBí - đường mang tên nhà cách mạng lão thành YBí Aleo, người dân tộc Êđê,<br />
nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Dak Lăk; đường Sam Bram - đường mang tên (bí danh)<br />
của nhà cách mạng lão thành người Êđê; đường YWang - con đường mang tên nhà cách mạng lão<br />
thành người dân tộc Êđê YWang Mlô Duôn du, nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc<br />
hội,...). Trường hợp này rất hạn hữu và chỉ xuất hiện dưới các tác nhân “ngoài bản địa”.<br />
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội và dưới sự tác động của tiếp xúc văn hóa, cũng như<br />
người Việt, lớp trẻ người Êđê có xu hướng thay đổi trong việc đặt tên người, đặc biệt là con cái<br />
của các thanh niên trí thức hoặc các cặp vợ chồng giữa người Êđê với người Việt. Họ thường sử<br />
dụng những yếu tố mang tính “có lí do” để đặt tên người, trong đó chú trọng việc lấy tên gọi các<br />
đối tượng tự nhiên mang đậm yếu tố thẩm mĩ (Tuyết Nhung Niê, Thu Nhung Mlô Duôn du, H’Mai<br />
Niê, Linh Nga Niê Kdăm, Mỹ Trang Kbuôr,.. ), thậm chí tên gọi các loài cây, loài hoa,...những<br />
tên gọi mà trong xã hội Êđê truyền thống đặc biệt kiêng kị trong việc sử dụng để đặt tên người<br />
thì ngày nay cũng được giới trẻ ưa thích (Tuyết Lan Niê Kdăm, Tuyết Hoa Niê Kdăm Phong Lan<br />
Ksơr, H’Mai Niê, Hồng Đào Niê,...). Khảo sát 425 sinh viên người dân tộc Êđê ở Trường Đại học<br />
Tây Nguyên, có xấp xỉ 5% đạt tên theo xu hướng này.<br />
<br />
70<br />
Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động...<br />
<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy rằng, cách định danh cho các đối tượng địa lí và cho<br />
con người trong xã hội Êđê truyền thống có sự trái ngược nhau. Địa danh bao giờ cũng mang tính<br />
“có lí do”, còn với nhân danh thì ngược lại. Tuy vậy, đây lại chính là sự nhất quán trong tư duy và<br />
hành động của tộc người này dưới sự tác động của quan niệm “vạn vật hữu linh”.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Nguyễn Từ Chi, 1996. Góp phần nghiên cứu văn hóa, tộc người. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà<br />
Nội.<br />
[2] Trần Văn Dũng, 2005. Những đặc điểm chính của địa danh ở Dak Lăk. Luận án Tiến sĩ Ngữ<br />
văn, Trường Đại học Vinh.<br />
[3] Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi, 1982. Đại cương về các dân tộc<br />
Êđê, Mnông ở Dak Lăk. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.<br />
[4] Lê Trung Hoa, 2013. Nhân danh học Việt Nam. Nxb Trẻ<br />
[5] F. de Saussure, 1973. Gíáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.<br />
[6] Nguyễn Hữu Thấu, 2003. Sử thi Êđê. Nxb Chính trị Quốc gia.<br />
[7] Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, 1996. Luật tục Êđê. Nxb Chính trị Quốc<br />
gia, Hà Nội.<br />
[8] Ngô Đức Thịnh, 2007. Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên. Nxb Trẻ.<br />
[9] Sở Giáo dục & Đào tạo Dak Lăk - Viện Ngôn ngữ học, 1993. Từ điển Việt - Êđê. Nxb Giáo<br />
dục.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Geographic and people namings of Ede ethnic community<br />
in Tay Nguyen are under the impact of polytheism "everything has soul”<br />
Ede is the name of an indigenous ethnic community living concentratedly in some areas<br />
of Dak Lak province and scatteredly in some neighboring areas of Gia Lai, Phu Yen, Khanh<br />
Hoa province. Ede society is matriarchal society and it is the most typical form in the Central<br />
Highlands. All the family and social behavioral rules are subject to a system of customary law<br />
handed down from generation to generation. Ede people follow polytheism “everything has soul”.<br />
According to them, all natural phenomena such as land, rivers and mountains, plants and objects<br />
created by man contain yang (god) along with the notion of portents from dreams and taboo which<br />
make a particular style of thinking of people so-called magical realism. From the above reasons<br />
geographical objects in Ede mind become sacred and absolutely revered. And for these reasons<br />
when naming persons, indigenous people try to avoid violating gods by creating "arbitrary" names.<br />
This leads to the fact that Ede person names are less likely to have meanings that reflect reality as<br />
toponyms do.<br />
Keyword: Custom; geographical naming; people naming; Ede.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
71<br />