intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vẽ chân trời

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

87
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhụy là con gái miền biển. Mồ côi sớm, mười hai tuổi đã lên làm ở quán ăn Carambole. Quán chuyên phục vụ khách Tây, nằm trên đường về cửa Thuận. Mười bảy tuổi Nhụy nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, còn tiếng Nhật và Tây Ban Nha thì đủ để chào hỏi. Tất nhiên là Nhụy cũng chỉ nói lui tới có hai chủ đề là dọn cơm và bán hàng lưu niệm thôi. Không rang nắng nên da mặt Nhụy trắng, hai ống chân cũng trắng mát. Gốc tích miền biển chỉ còn lại ở bờ hông nở...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vẽ chân trời

  1. Vẽ chân trời Trần Thùy Mai Nhụy là con gái miền biển. Mồ côi sớm, mười hai tuổi đã lên làm ở quán ăn Carambole. Quán chuyên phục vụ khách Tây, nằm trên đường về cửa Thuận. Mười bảy tuổi Nhụy nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, còn tiếng Nhật và Tây Ban Nha thì đủ để chào hỏi. Tất nhiên là Nhụy cũng chỉ nói lui tới có hai chủ đề là dọn cơm và bán hàng lưu niệm thôi. Không rang nắng nên da mặt Nhụy trắng, hai ống chân cũng trắng mát. Gốc tích miền biển chỉ còn lại ở bờ hông nở rộng - Cái phần nở hậu phong phú ấy là kết quả của nhiều đời đi bộ trên cát. Cát ở quê Nhụy khô rời, nóng bỏng. Những căn nhà cắm lêu nghêu trên bãi, xúm xít dưới những hàng phi lao gầy guộc. Những nấm mộ cũng nằm ngay cạnh đó, phủ đầy dây muống biển hoa tím. Hồi sáu bảy tuổi Nhụy vừa bồng cháu bên nách vừa chơi ù mọi với con nít trong làng, chạy quanh đuổi bắt nhau giữa những tấm bia vôi trắng. Rồi những tấm bia thưa dần: hơn chục năm trời lụt bão, sóng thần liên tiếp tấn công vào bờ biển, người ta đã dời hết mồ mả ông bà lên hết trên đất cồn. Lúc ấy mới biết nhiều nhà đã mất mả, trong đó có nhà anh em Nhụy. Mộ mẹ Nhụy, bia vẫn còn mà đào dưới lên chỉ có cát là cát. Mấy ông bà già bảo, cát chạy, nên nấm mộ nhiều khi xa dần lòng huyệt, chịu khó đào chệch ra chung quanh chừng vài mét họa chăng. Hơn hai năm, đã đào chệch đi xa dần dần, xa dần, cách đến hai mươi mét, mà vẫn không thấy. Theo việc tìm mộ mà bỏ cả làm ăn, tiền hết, chị dâu đẻ thêm con nhỏ. Nhụy thành ra gánh nặng. Anh Nhụy dẫn em gái sang cửa Thuận, lựa lúc xế trưa cho khỏi ai hỏi ra hỏi vào, nên chỉ có cu Tạo hàng xóm chèo đò đưa qua phá là biết Nhụy đi. Thấy Nhụy quay về hướng làng khóc, Tạo an ủi: “Tau cũng sắp đi đây. Ở làng mãi, biết khi mô mới khá. Cái đất ni không giữ được người chết, làm răng mà giữ người sống cho nổi.”
  2. Nhụy quệt mũi, gật đầu. Thuyền ra giữa phá, nước mênh mông. Lần đầu tiên Nhụy thấy chân trời trên mặt nước. Ông bà chủ quán Carambole là người tử tế. Bà chủ tự tay nấu món ăn. Ông chủ tiếp khách. Nghe nói hồi trước ông là người trí thức, tiếng Tây tiếng Mỹ đều rành. Một bầy con gái từ quê lên, ông bà dạy dỗ tử tế. Đứa thì nhặt rau đi chợ, đứa thì chạy bàn; đứa nào mới đến nước da cũng đen cháy, mình gầy khẳng khiu, nói năng quê kệch, chẳng bao lâu đứa nào cũng có da có thịt, miệng mồm nhanh nhẹn. Quán ăn này trước thường gọi là quán cây khế, vì có cây khế ngọt mọc kề bên. Về sau, từ lúc bên bờ cửa Thuận mọc lên cái resort Blue Star rộn rịp khách du lịch nước ngoài, ông chủ mới cho treo lên cái bảng hiệu tiếng Tây để cho quý khách mắt xanh dễ nhớ mà ghé đến. Quán đắt khách. Bà chủ nấu ăn ngon, ông chủ vui vẻ hỏi han với khách, đám con gái nhanh nhẹn và nết na. Tôm cá thì tươi xanh từ dưới phá Tam Giang vớt lên. Hàng lưu niệm, bưu ảnh bày bán ngay trước cửa. Từ lúc cạnh khu Blue Star mọc lên thêm mấy cái khách sạn mini, khách kéo về càng đông, cả Tây ba lô lẫn Tây xịn. Bây giờ Nhụy đã lớn, có dành dụm được chút ít, mỗi lần về thăm làng mua quà cho cả lũ nhóc con ông anh, sáu đứa tất cả, đứa này cao hơn đứa kia đúng nửa cái đầu. Steeve đến quán vào mùa vắng khách. Thường thì tháng sáu hầu như không có khách Tây, họ không chịu nổi cái nắng nhiệt đới. Vậy mà hè năm nay cũng lác đác có người... Steeve nói với ông chủ, anh thích du lịch khám phá, và đến đây vì đã xem một phim giới thiệu tour du lịch khám phá Ru Cha. “Ru Cha là gì?” Ông chủ thắc mắc. “Ở vùng này. Trong ảnh rất đẹp”.
  3. Ông chủ vẫn không thể nghĩ ra có thắng cảnh gì ở đây tên là Ru Cha. Nhụy đặt đĩa mì xào mềm trước mặt Steeve, chú ý nghe: - Rú Chá đó mà bác. Ở gần làng con... Quay về phía người khách lạ, Nhụy nói bằng tiếng Anh: “Rừng cây nước mặn, gốc và cành cây tạo dáng như Bonsai, có nhiều chim và dơi ở...” “Đúng đúng!” Steeve hớn hở gật đầu, ánh mắt xanh lơ như đang cười trước dáng vẻ của cô gái. Ngày nào cũng nói với khách nên Nhụy nói rất đúng giọng và lưu loát, nhưng cô vẫn giữ những cử chỉ như ngày đầu tập nói. “Nhiều chim và dơi...” Nhụy vừa nói vừa đưa hai tay vẫy vẫy bên mình như đôi cánh chim. “Tôi có thể nhờ cô bé này cùng đi vào Ru Cha được không? Vì người chèo thuyền của Tour du lịch lại không biết tiếng Anh”. Steeve hỏi. “Được”. Ông chủ nói. “Nhưng nó là con gái tôi, cậu không được tán tỉnh nó”. Steeve khẽ nhún vai, ánh mắt hóm hỉnh lộ vẻ hoài nghi. Ông chủ bồi thêm một câu: - Nó mới mười bảy, chưa tới tuổi trưởng thành. Câu thứ hai này có vẻ hiệu quả hơn, Steeve lập tức gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu. Nhụy dẫn Steeve ra bờ biển. Sóng vỗ ào ào, Nhụy bấm những ngón chân trần trên cát. Sóng tạt trắng xóa, Nhụy vo hai ống quần xắn lên đến gối. Hai gót chân Nhụy thấm nước đỏ hồng. Steeve theo sau Nhụy. “Đi đâu?” Nhụy quay lui hỏi, khi cô vặn mình nhìn lui bờ hông uốn cong như một khóa nhạc. “Về phía Blue Star. Du thuyền đang chờ tôi ở đó”.
  4. Cái du thuyền mà người ta hứa hẹn với Steeve thật ra là một cái thuyền nan cũ mèm. Một chàng trai biển ngồi chờ bên chiếc máy đuôi tôm gắn ở đầu lái. Đó là Tạo. Steeve nhìn cái thuyền, mặt nhăn nhó. Cái thuyền ọp ẹp thật tương phản với khu nhà nghỉ đồ sộ còn mới tinh. Nhụy không để ý - những sự lôm côm vẫn nhan nhản nơi cái vùng du lịch tân tạo này, nên cô bé chẳng thấy có gì là lạ. Cô nhảy lên thuyền. Steeve ngần ngại một chút rồi leo lên. Tạo có vẻ không vui khi thấy Nhụy, trong khi Nhụy thì mừng, líu lo nói chuyện. “Có nhiều khách đi thuyền vào Rú Chá không?” Tạo nhát gừng: “Ít. Nhà nghỉ quảng cáo ra rả trên ti vi mà năm thì mười họa mới có một cha nội léng phéng đến.” Nói rồi Tạo lặng lẽ nổ máy đuôi tôm cho thuyền tành tạch lướt đi. Nắng gắt sáng lóa trên mặt nước xám bạc. “Phá là gì?” Steeve hỏi. “Là...” Nhụy diễn tả, vẫn thói quen nói bằng cả tay và miệng. Phá là một nơi rất rộng, nơi nước sông và biển hòa vào nhau. Phá này gọi là phá Tam Giang vì nó là nơi ba dòng sông đổ vào trước khi gặp biển. Ngày xưa người ta rất sợ đi qua nơi này vì nước sâu và sóng rất dữ... Steeve ngắt lời Nhụy: “Cô biết bơi không?” Nhụy nhìn lại: cái thuyền nhỏ tí chở ba người, trên là trời mênh mông, dưới là nước mênh mông. Tất nhiên là Nhụy biết bơi rồi, bơi lõm bõm, bởi năm mười hai tuổi đã bỏ làng và xa luôn cả biển. Nhụy hồn nhiên nói với Steeve là biết bơi thì biết bơi, chứ bơi ở phá không phải dễ. Dưới cái thuyền này là độ sâu hun hút. Steeve bỗng nhiên trở nên căng thẳng, anh quát tháo om sòm, bảo Tạo dừng thuyền lại. Tạo hỏi Nhụy:
  5. - Nó nói gì thế? - Ông ta không muốn đi nữa. Ông ta bảo không an toàn. “Không can gì đâu mà. Tạo cho thuyền đi qua lại phá này hàng ngàn lượt. Đàn ông gì mà nhát như thỏ đế”. Nhụy cố gắng thuyết phục Steeve. Rằng chút nữa thôi là đến Rú Chá, nơi có rừng bonsai tự nhiên hoang dã. Nơi có những con chim cổ đỏ không nơi đâu thấy. Steeve càng giận dữ, dậm chân thình thình xuống lòng thuyền. “Unsafe, unsafe. The first thing we need for tourism is safety.” Nhụy bảo Tạo: “Ông ấy bảo, cần nhất trong du lịch là phải an toàn.” Tạo làu bàu: “Chán thật, gặp phải thằng công tử bột không biết bơi.” Anh cho ghe dừng, bẻ lái quay phắt lại. Con thuyền vẽ một vòng cung thật nhanh. Vừa lúc ấy có chiếc thuyền lớn xình xịch lướt qua trên phá. Mặt nước duềnh lên, làm chiếc ghe nhỏ nghiêng hẳn đi rồi lật úp. * Nhụy bơi chới với trên mặt phá, cái đầu chìm dưới làn nước. Đã lâu cô không bơi. Tạo thì lập tức lặn xuống ngay để vớt Steeve. Nhưng lặn quanh mấy vòng, chẳng còn thấy anh ta đâu cả. Tạo trồi lên mặt nước, không tin được ở mắt mình: Steeve đang quàng tay ôm lấy người Nhụy, dìu cô bơi vào bờ. Tạo quay sang cứu thuyền. Máy đuôi tôm không khởi động được nữa. Tạo phải chèo thuyền tới đón hai người nhưng Steeve dìu Nhụy bơi trước khá xa, thuyền chèo theo không kịp. Steeve đặt Nhụy nằm trên bãi cát, cô gái bị sặc
  6. nước, thở mạnh, ngực phập phồng! Bộ áo quần ướt dính sát vào người. Ngượng ngùng, Nhụy chống tay ngồi dậy, khép hai đùi vào nhau. Cô nhìn Steeve, mắt lóng lánh cảm ơn. “Không ngờ anh bơi giỏi vậy”. “Tôi là tay bơi có hạng”. “Sao lúc nãy anh sợ?” “Ai bảo cô là tôi sợ? Phải sợ thì mới phản đối chuyện dịch vụ thiếu an toàn sao?” Steeve nói với Nhụy: Cái anh chàng kia và resort của anh ta không biết làm du lịch, cái thuyền quá ọp ẹp, không có phao cứu sinh, lẽ ra một dịch vụ đi chơi trên biển phải có cả găng tay, cả dù để dành cho những du khách sợ nắng... Nhụy ngồi nghe trong lúc chờ gió biển thổi khô quần áo. Steeve nói không biết mệt. Cô bé xinh thế, tiếc thay mới có mười bảy tuổi. Tạo đứng nhìn, chẳng hiểu họ nói gì. Anh lặng lẽ bước đi, Nhụy và Steeve chẳng để ý. * Mùa hè năm sau, Steeve trở lại. Suốt nửa tháng trời anh chẳng đi đâu, chỉ ở lì trong resort đọc sách, bữa nào cũng khư khư ăn cơm ở Carambole. Nhụy đã mười tám tuổi. Steeve năn nỉ mời Nhụy đi uống cà phê ngoài bãi biển. Cứ ngồi bên anh là má Nhụy đỏ ửng, như có ngọn lửa nóng đang bùng bên trong cơ thể thanh xuân. Steeve đưa tay quàng qua vai Nhụy, Nhụy để yên. Anh đặt tay kia lên đùi cô, cô giãy ra, chạy biến. Ngày mai, Steeve lại mời Nhụy đi uống cà phê. Nhụy lắc đầu, bỏ chạy vào bếp không ló mặt ra. Đám cưới Nhụy làm cả vùng phố chợ ven phá Tam Giang nô nức. Con Nhụy lấy Tây. Mấy ông bà già nhăn mặt. Bọn con gái trong quán thì không giấu được vẻ ao ước. Bà chủ băn khoăn: “Coi thử thằng Steeve có đàng hoàng không?” Ông chủ cười: “Cái thằng hiền như cục đất, con Nhụy nói chi hắn nghe nấy”. Steeve hỏi tỉ mỉ về phong tục cưới xin ở vùng này. Không phải hỏi khơi khơi, mà vừa hỏi vừa ghi chép vào sổ tay cẩn thận. Cô dâu chú rể mặc áo dài khăn đóng, có người cầm đèn, cầm lọng. Steeve dặn người quay phim thật tỉ mỉ, không thiếu chi tiết nào. Đãi tiệc tại nhà hàng xong, Nhụy cùng Steeve đi
  7. du lịch Hạ Long trước khi theo chồng về nước. Trước ngày đi, Steeve đưa vợ về thăm quán Carambole. Nụ, Thắm, Mây bưng dọn lăng xăng. Tụi nó xúm xít bên Nhụy, thân mật, đùa giỡn, nhưng dường như có gì đấy khác xưa: các cô bé mơ hồ thấy đã có sự cách biệt về thân phận. Steeve mời ông chủ cùng uống một chai Brandy. “Cậu đi khắp Đông Tây rồi, bộ cả thế giới không có con gái hay sao mà qua đây cưới con gái tôi?” Steeve cười. “Tôi thích. Khi tôi hỏi vì sao lấy tôi, cô ấy bảo vì tôi là người đàn ông duy nhất đã chạm vào người cô ấy”. Sau một hồi bàn luận trên trời dưới đất, Steeve thổ lộ: “Lần đầu tiên tôi cảm thấy cuộc sống ấm áp lạ lùng. Tôi luôn bị ám ảnh về một hành trình dài cô độc, trong đó việc làm, bạn đời, chỗ ở đều có thể thay đổi liên tục, không có gì là vững bền. Bây giờ thì không thế nữa, ông có biết cái cảm giác được thuộc về một người khác nó tuyệt vời như thế nào không?” Khi Nhụy từ dưới nhà bước lên, đến gần chồng, Steeve kéo cô đến sát bên mình, ôm chặt cô bằng một cánh tay khỏe mạnh. Nhụy ngượng ngùng: “Người ta cười chết.” Steeve càng ôm vợ chặt hơn: “I don’t mind - Anh không quan tâm.” Hai năm sau, Nhụy cùng Steeve về thăm. Ông bà chủ đặt phòng cho hai vợ chồng ở khu nghỉ dưỡng Blue Star, nhưng Nhụy thích về ở nhà anh trai hơn. Steeve thì lúc nào cũng “I want to be with you”, Nhụy ở đâu, anh đi theo đến đó. Nhà anh trai Nhụy bây giờ đã xây vách, lợp ngói, có cái buồng riêng dành cho vợ chồng em gái. Cả làng mỗi lần tụm năm tụm ba là truyền tụng chuyện vợ chồng Nhụy. Rằng Nhụy bây giờ sướng lắm, chồng Nhụy ăn xong tự bưng bát đĩa đi, chứ không bắt vợ hầu. Một bà già cấm cẳn: “Ăn xong bắt chồng dọn thì còn chi là vợ nữa”. Có tiếng ngắt ngang: “Ối chào, có phải rửa chén mô mà mệ lo, nghe nói chỉ cần bưng bỏ vô cái máy là chén sạch liền!” Steeve lại muốn vào thăm Rú Chá. Nhụy gọi điện cho nhà nghỉ Blue Star, mười lăm phút
  8. sau thuyền đến tận làng đón khách. Cái thuyền đã có vẻ vững vàng hơn tuy vẫn là cái thuyền nan. Người lái thuyền vẫn là Tạo. Nhụy mừng, mấy hôm nay về làng đã tìm thăm mà không gặp anh. “Không hề thấy anh về nhà? Nhụy có để dành quà cho Tạo, một cái áo sơ mi đẹp lắm”. “Để dành cho tui làm chi? Cả ngày loanh quanh với cái thuyền, đi mô mà cần áo đẹp?” “Bộ ngày nghỉ không đi tìm hiểu mấy o gái đẹp à?” Tạo làm thinh, không cười. Những cây Chá. Cả một vùng rừng ngập mặn hoang vu. Steeve và Nhụy giẫm lên cát ướt, trên nền cát hằn lên những rễ Chá sù sì như trăm ngàn con rắn biển. Trên cát lầy này chẳng có loài thực vật nào cắm rễ được, trừ những cái rễ cứng đầu này. Steeve đưa máy hình lên chụp. “Anh thích lắm. Một cái gì đấy rất sâu bền, mà lại mọc trên cái thứ phù du nhất là cát”. Ngày ra đi, gần như cả họ nhà Nhụy kéo nhau lên Huế tiễn đưa hai vợ chồng. Trên sân ga, cả đoàn dân biển già trẻ lớn bé gần hai chục người ngồi đứng quanh ông Tây tóc vàng và cô vợ mặc nửa Tây nửa ta: cái áo bà ba bằng lụa Hà Đông với chiếc quần jeans và đôi giày Adidas. Cái nón Huế trên đầu đã được Nhụy gỡ xuống để quạt lấy quạt để cho ông chồng đang bắt đầu kêu nóng. Hành lý của họ thật nhẹ nhàng, chỉ có hai cái ba lô nhẹ tênh. Ba chiếc va li nặng ịch đã bị bà con bóc sạch những thứ trong đó, kể cả những thứ Steeve và Nhụy đang dùng, rồi cuối cùng thì cái va li rỗng cũng được dùng làm quà luôn. Bây giờ cả tập đoàn những người đi đưa mỗi người đều có một thứ gì đó của phương Tây trên mình: hoặc áo, hoặc quần, hoặc kính đeo mắt, hoặc túi xách tay. Steeve lấy thế làm thích, anh chụp hình khắp lượt cho tất cả mọi người. Anh biết ở đây người ta cũng thích chụp hình như thích nhận quà vậy. Tiếng máy tách, tiếng cười hồn nhiên bật ra tự miệng những đứa bé, và lòng anh thấy vui phơi phới. * Ba năm sau, quán được xây lại. Cây khế không còn nữa, chỉ còn cái tên trên bảng hiệu: nhà hàng Carambole. Nụ, Thắm đã lấy chồng. Năm ấy khi Nhụy và Steeve trở lại, ông
  9. chủ vẫn ngồi trên quầy, nhưng dưới bếp không thấy bà chủ. Toàn là người mới. Một cô gái trạc mười tám đang quán xuyến bếp nước. Thấy khách quen, cô chạy lên chào. Steeve ngạc nhiên hỏi ông chủ: “Ông đã có bà chủ khác?” Ông chủ cười, mấy nếp nhăn hằn dưới mắt: “Đâu có, sau hồi xây lại quán nhà, vợ tôi mang bệnh phải nằm viện lâu nay. Con Mây phải thay làm đầu bếp, nó cũng như con gái tôi”. Mây cười toe: “Anh chị không nhận ra em à?” Nhụy bồi hồi: “Em mau lớn quá. Mấy năm trước đang còn như khúc củi, ai ngờ...” Lần này Steeve chỉ về làng với Nhụy một hôm. Cũng không nghỉ lại Blue Star. Bây giờ đâu phải chỉ có một khu nghỉ dưỡng Blue Star. Anh ở lại một nhà nghỉ khác, gần phía thành phố. Bởi lần này, anh không phải chỉ về thăm mà còn nhận lời dạy Anh văn cho một trường đào tạo du lịch gần đó. Ông chủ hỏi: “Cậu cũng chịu lãnh lương của Việt Nam à?” Steeve cười: “Chỉ dạy một tháng thôi mà. - Anh hạ giọng - Cốt để khỏi về quê với vợ.” “Sao vậy?” “Phiền quá, đi đâu người ta cũng nhìn mình chằm chằm. Người tới thăm thì bất kể đêm ngày, có lần tôi đã vào nằm trong mùng mà người ta còn vào giở cả mùng lên”. “Họ quý anh lắm nên mới thế.” Steeve nhún vai, vẫn nụ cười hiền lành: “Thật tình thì ban đầu tôi cũng thích lắm... Nhưng quả thật không quen được!” Không có vợ, Steeve một mình đến ăn cơm ở Carambole. Nhiều hôm vui, anh chụp hình cho mấy cô gái trong quán. Ngày bà chủ lành bệnh về, anh đem hoa tới mừng. Bà muốn hai vợ chồng chụp ảnh kỷ niệm với Steeve. “Nhờ cô Mây cầm máy”. Mây lúng túng mãi với cái máy lạ. Steeve bày cho cô cách chụp. “Cô cầm lấy luôn đi. Tôi tặng cô”. Mây hỏi: “Rồi anh lấy gì mà dùng?” Steeve cười “Tôi đã định đi chuyến này về sẽ mua cái khác, đời mới hơn. Cô cầm nó là cô giúp tôi đấy.” Mây vừa hí hửng vừa ái ngại: “Máy còn tốt thế này mà đã thay, uổng thế?” Steeve nhún vai: “Ai cũng dùng hàng hóa cũ cho đến khi hỏng thì người ta sản xuất cái mới để bán cho ai? Nền kinh tế của chúng tôi phát triển chính nhờ vào sự vứt đi”. Có lần Nhụy đi phố, ghé quán. Bà chủ gọi cô vào, to nhỏ: “Người ta nói thấy con Mây đi
  10. ngoài biển với thằng chồng con. Bác đã rầy la nó rồi mà nó cứ lén lút. Đứa nào bác cũng dạy dỗ như nhau mà tâm ý mỗi đứa mỗi khác”. Bà chủ cứ sợ Nhụy khóc lóc, nhưng không ngờ Nhụy chỉ lặng đi, cười nhạt. “Bác ơi, tâm địa con người thời nay khác trước lắm rồi, con biết chứ”. Nói rồi Nhụy bình thản châm thuốc hút. Nhụy cũng khác trước rồi, không còn là cô bé mau nước mắt ngày xưa. Có lần có người thấy Mây từ khu nhà nghỉ của Steeve bước ra khi mờ sáng. Mây bữa này đẹp ra, ăn mặc chải chuốt. Cô bắt đầu mơ ước, mơ được có người chồng cưng chiều vợ, người chồng ăn xong tự mình bưng bát đĩa cho vào máy rửa, mỗi lần về quê thì tặng quà cho cả làng. Nhưng Steeve chẳng nói gì thêm với cô cả. Hết kỳ nghỉ, anh ta đưa vợ đi, từ đó bốn năm năm không quay lại. * Nếu không có cơn sóng thần khủng khiếp năm ấy, chắc Nhụy cũng chưa về lại làng. Sóng cuốn trôi cả một mảng bờ, biển lấn sâu vào đất, Rú Chá bây giờ lồi hẳn ra thành một mũi đất xanh rì doi ra giữa biển. Nhờ rễ Chá giữ cát mà vùng đất này không bị sóng cuốn đi. Một ngày sau lụt, người ta thấy Tạo lái ca nô từ Rú Chá về làng, vừa chạy từ ngoài biển vào, vừa kêu thật to. Tìm thấy cốt người trong Rú Chá! Sóng va đập lâu nay làm bờ cát lở ra, lộ ra năm sáu huyệt mộ không biết tự thời nào. “Mới thôi mà”. Mấy ông già trong làng ra xem xong bảo thế. Đây là một số mộ bị dòng cát chảy đưa đẩy từ trong làng, nhiều năm qua nhích dần đến tận đây. Có cả mộ mẹ Nhụy trong đó. Đất cát dẽ dặt, mấy mươi năm rồi mà vải liệm vẫn còn lỗ đỗ. Mẹ Nhụy hồi con gái bị trúng pháo tàu nên mất một bàn chân, nhìn xương là nhận ra ngay. Nhụy về lại quê, lần này chỉ về có một mình. Ngày tạ lăng, cho người đi mời Tạo để tạ ơn, chẳng thấy anh đâu. Nghe bảo Tạo được cử đi học lái tàu bên Cảng Thuận An, một
  11. tuần mới về một lần. Sau lễ tạ lăng, Nhụy không đi nữa. Mấy tuần sau, người ta thấy Nhụy đi làm ở khu nghỉ dưỡng Blue Star, ngồi ở quầy lễ tân, hướng nhìn ra biển. Mắt còn rất trong mà tóc đã thấp thoáng vài sợi bạc. Mấy cô bé làm ở Blue Star hỏi: “Chị Nhụy ơi, sao thế này, mới ba mươi sáu tuổi mà?” Nhụy trả lời, không cười: “Ở xứ lạnh vậy đó, tóc dễ mất màu lắm”. Mắt Nhụy vẫn to và rợp bóng như ngày xưa, chỉ có ánh nhìn là khác, ánh nhìn đằm thắm, trầm tĩnh và từng trải, như thể trong ấy có biển, có những miền xa xôi mà Nhụy đã đi qua. Thỉnh thoảng buổi trưa, Nhụy ra quán Carambole, châm thuốc hút. Bà chủ rầy: “Đàn bà ở đây ai hút thuốc đâu, ngó thấy kỳ quá!” Nhụy cười: “Con chỉ còn cái thứ này”. Bà chủ đến gần, cầm tay Nhụy: “Lâu nay thằng Tạo vẫn lái ca nô cho nhà nghỉ phải không? Con có biết vì sao đến giờ hắn chưa lấy vợ không?” Nhụy không nói. Lâu nay mỗi cuối tuần Tạo về, ghé qua Blue Star, đi ngang trước quầy lễ tân. Tạo cũng không nói gì. Cả hai đều biết có những vật chướng rất lớn nằm giữa hai người. Thôi thì, nhìn thấy nhau trong im lặng cũng đã là một niềm an ủi. “Nhụy ơi...” Nhụy giật mình. Tạo trước mắt cô, giữa ánh nắng cuối ngày, trong quán Carambole một giờ vắng khách. “Ngày mai tôi đi, Nhụy ở nhà mạnh khỏe nhé!” “Đi đâu?” “Tôi đi lái tàu ở Hàn Quốc. Hai năm nữa tôi về.” Nhụy sững người. “Vất vả lắm đó, không dễ ăn đâu”. “Tôi biết. Có gì là dễ trên đời này đâu Nhụy. Ngay cả việc lái thuyền trên phá Tam Giang...”
  12. Nhụy hiểu. Cũng như cô trước đây, Tạo cũng ước ao muốn biết bên kia chân trời có gì. Lâu lắm rồi Nhụy mới thấy mi mắt mình thấm ướt. Cô đang nhớ đến những gốc cây dầm chân trong cát. Cát phù du mà vững bền.“Cứ đi đi nhưng đừng quên quay về, Tạo ơi!” TTM
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2