intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

19
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Giáo dục môi trường là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm giúp nâng cao nhận thức, hành vi tích cực của con người đối với môi trường và cần được thực hiện ngay từ độ tuổi mầm non. Bài viết Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo tập trung trình bày nguyên tắc, quy trình xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0080 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 4, pp. 149-160 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn XÂY DỰNG HỆ THỐNG TRÒ CHƠI GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ MẪU GIÁO Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Huế Tóm tắt. Giáo dục môi trường là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm giúp nâng cao nhận thức, hành vi tích cực của con người đối với môi trường và cần được thực hiện ngay từ độ tuổi mầm non. Đối với trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi), vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ. Vì thế, trò chơi trò chơi là công cụ quan trọng, có thể được sử dụng như là phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục môi trường cho trẻ. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận về giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo qua trò chơi, bài báo tập trung trình bày nguyên tắc, quy trình xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo. Ví dụ cụ thể được trình bày trong bài báo sẽ là gợi ý hữu ích cho giáo viên mầm non trong việc xây dựng nguồn trò chơi nhằm mục đích nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường cho trẻ. Từ khóa: giáo dục môi trường, mẫu giáo, thiết kế, trò chơi. 1. Mở đầu Giáo dục môi trường (GDMT) là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong thế kỷ XXI, khi mà các tài nguyên hữu hạn ngày càng bị cạn kiệt và môi trường sống và hệ sinh thái của sinh vật bị đe dọa [1, tr.1] [2, tr.1] [3, tr.1]. GDMT ngay từ độ tuổi mầm non là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh bởi vì ở gia đoạn này, trẻ có nhu cầu rất cao trong việc tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh [4] [3]. Hơn thế nữa, đây là giai đoạn dễ dàng hình thành nhận thức, hiểu biết về môi trường và hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ. GDMT giúp trẻ trở thành “con người giác ngộ về môi trường”: có nhận thức về môi trường, có kĩ năng, thói quen tốt bảo vệ môi trường và có thái độ sống thân thiện với môi trường. Giáo dục dựa vào chơi và thông qua chơi là quan điểm xuyên suốt trong giáo dục mầm non. Đối với trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi), vui chơi là hoạt động chủ đạo, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ cũng như các hoạt động khác trong giai đoạn này (Nguyễn ÁNh Tuyết, 2012). Trong GDMT, trò chơi không những giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu chơi của mình mà còn là phương tiện, phương pháp, hình thức giáo dục nhằm giúp trẻ đạt được mục tiêu GDMT đặt ra. Các nghiên cứu gần đây trong GDMN đã khẳng định tầm quan trọng của GDMT cho trẻ mẫu giáo qua vui chơi [1], [2], [3], [5]. Những nghiên cứu này tập trung vào các vấn đề xây dựng mô hình GDMT cho trẻ dựa vào chơi bằng cách phối hợp các hình thức vui chơi cơ bản của trẻ ở trường mầm non để xây dựng kế hoạch và triển khai GDMT [1]; hướng dẫn GV mầm non tổ chức trò chơi nhằm GDMT cho trẻ theo độ tuổi một cách linh hoạt và hiệu quả [5] hay xây dựng và thử nghiệm trò chơi GDMT cho trẻ [6], [7]. Trong chương trình GDMN Việt Nam hiện hành, vấn đề GDMT đã được quan tâm, thể hiện rõ trong nội dung giáo dục theo các lĩnh vực phát triển như phát triển thể chất, phát triển Ngày nhận bài: 21/7/2022. Ngày sửa bài: 22/8/2022. Ngày nhận đăng: 10/9/2022. Tác giả liên hệ: Tạ Thị Kim Nhung. Địa chỉ e-mail: ttknhung@hueuni.edu.vn 149
  2. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài nhận thức và phát triển tình cảm - kĩ năng xã hội [8]. Trên phương diện nghiên cứu, tiếp cận GDMT cho trẻ thông qua vui chơi cũng đã được các tác giả Vũ Thị Kiều Trang và Phạm Thị Thu Thủy (2012); Trần Hồ Uyên (2016); Hoàng Thanh Phương (2020) nhấn mạnh theo những cách khác nhau. Trong lúc tác giả Hoàng Thanh Phương (2020) coi trò chơi như là một biện pháp để GDMT cho trẻ [9], nhóm tác giả Vũ Thị Kiều Trang và Phạm Thị Thu Thủy (2012) tiếp cận tổ chức trò chơi với nguyên vật liệu thiên nhiên như là hoạt động nhằm giúp trẻ kết nối với môi trường và phát triển khả năng sáng tạo [10]. Tác giả Trần Hồ Uyên (2016) cũng đã đưa ra quy trình thiết kế và giới thiệu 5 trò chơi học tập nhằm GDMT cho trẻ 5-6 tuổi [11]. Tuy nhiên, mỗi trò chơi được đưa ra trong nghiên cứu này chỉ đại diện cho mỗi chủ đề khác nhau mà chưa được tác giả sắp xếp một cách có hệ thống, bám sát nội dung GDMT cho trẻ theo một chủ đề. Nhìn chung, mặc dù vấn đề sử dụng trò chơi trong GDMT cho trẻ đã được quan tâm nhưng các nghiên cứu liên quan đến xây dựng hệ thống trò chơi GDMT cho trẻ vẫn còn rất ít ỏi. Việc tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hệ thống trò chơi GDMT cho trẻ là cần thiết nhằm giúp giáo viên có nguồn tư liệu cần thiết để lựa chọn tổ chức trong quá trình GDMT cho trẻ ở trường mầm non. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo thông qua trò chơi 2.1.1. Giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo Hội nghị quốc tế về GDMT trong Chương trình đào tạo của trường học do IUCN/UNESCO tổ chức tại Nevada (Mỹ) năm 1970 đã thông qua định nghĩa: “GDMT là quá trình nhận ra các giá trị, làm rõ khái niệm để xây dựng những kĩ năng và thái độ cần thiết, giúp hiểu biết và đánh giá đúng mối tương quan giữa con người với nền văn hóa và môi trường vật lý xung quanh. GDMT cũng tạo cơ hội cho việc thực hành để ra quyết định và tự hình thành quy tắc ứng xử trước những vấn đề liên quan đến chất lượng môi trường” (dẫn theo Lê Văn Khoa, 2006) [12, tr. 5]. Định nghĩa này cho thấy GDMT đã được xem xét ở góc độ mang tính hợp lý và gắn kết với phát triển. Thuật ngữ GDMT cũng đã được sử dụng trong Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về Môi trường và con người tại Stokholm năm 1972, nhưng chỉ đến Hội nghị ở Belgrade, GDMT mới được định nghĩa trên quy mô toàn cầu. Kể từ đó, cộng đồng quốc tế thừa nhận định nghĩa về GDMT là “quá trình nhằm phát triển một cộng đồng dân cư có nhận thức rõ ràng và quan tâm đến môi trường cũng như các vấn đề liên quan, có kiến thức, kĩ năng, động cơ và sẵn sàng làm việc độc lập hoặc phối hợp nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề hiện tại, phòng chống các vấn đề có thể nảy sinh trong tương lai” [13]. Dự án VIE/95/041 (1997) định nghĩa: “GDMT là một quá trình thường xuyên, qua đó con người nhận thức được môi trường của họ và thu được kiến thức, giá trị, kĩ năng, kinh nghiệm cùng quyết tâm hành động giúp họ giải quyết các vấn đề về môi trường hiện tại và tương lai, để đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện nay mà không vi phạm khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai” [14]. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (1998): “GDMT là quá trình nhằm phát triển ở người học sự hiểu biết và quan tâm trước những vấn đề về môi trường bao gồm kiến thức, thái độ, hành vi, trách nhiệm và kĩ năng để tự mình và cùng tập thể đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường trước mắt cũng như lâu dài” [14], [15]. Trên cơ sở định nghĩa này, Hoàng Thị Phương (2013) đã nhận định: GDMT cho trẻ mẫu giáo được hiểu là quá trình nhằm phát triển ở trẻ những hiểu biết sơ đẳng về môi trường, quan tâm đến các vấn đề môi trường phù hợp với lứa tuổi được thể hiện qua kiến thức, thái độ và kỹ năng - hành vi của trẻ đối với môi trường xung quanh [4, tr. 30]. Trong Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021), GDMT cho trẻ mẫu giáo được thể hiện ở: 150
  3. Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo (1) Mục tiêu: Có một số thói quen, kĩ năng tốt trong ăn uống, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo sự an toàn của bản thân; có một số hiểu biết về thực phẩm và ích lợi của việc ăn uống đối với sức khỏe; ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng xung quanh; có một số hiểu biết ban đầu về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; có khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; thực hiện một số qui tắc, qui định trong sinh hoạt ở gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng gần gũi; có khả năng cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống; yêu thích, có ý thức giữ gìn và bảo vệ cái đẹp. (2) Nội dung: - Trong lĩnh vực phát triển thể chất: Nhận biết, phân loại một số thực phẩm thông thường theo 4 nhóm thực phẩm; dạy trẻ biết đi vệ sinh đúng nơi qui định; lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ con người; lựa chọn và sử dụng trang phục phù hợp với thời tiết, ích lợi của mặc trang phục phù hợp với thời tiết; nhận biết và phòng tránh những hành động nguy hiểm, những nơi không an toàn, những vật dụng nguy hiểm đến tính mạng; nhận biết một số trường hợp khẩn cấp và gọi người giúp đỡ. - Lĩnh vực phát triển nhận thức: Rèn luyện khả năng quan sát, phán đoán mối liên hệ đơn giản giữa con vật, cây với môi trường sống; cách chăm sóc và bảo vệ cây, con vật; một số hiện tượng thời tiết theo mùa và ảnh hưởng của nó đến sinh hoạt của con người; các nguồn nước, ích lợi của nước với đời sống con người, con vật và cây, nguyên nhân gây ô nhiễm và cách bảo vệ nguồn nước; không khí, các nguồn ánh sáng và sự cần thiết của nó với cuộc sống con người, con vật và cây; đặc điểm, công dụng của một số phương tiện giao thông, đồ dùng đồ chơi cũng như cách sử dụng, tái chế đồ vật; tên gọi, công cụ, sản phẩm, các hoạt động và ý nghĩa của các nghề phổ biến, nghề truyền thống của địa phương; đặc điểm nổi bật của một số di tích, danh lam, thắng cảnh, ngày lễ hội, sự kiện văn hóa của quê hương, đất nước; những đặc điểm nổi bật của trường lớp mầm non; công việc của các cô bác trong trường; đặc điểm của gia đình. Lĩnh vực phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội: Dạy trẻ biết một số qui định ở lớp, gia đình và nơi công cộng; nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật và hiện tượng xung quanh. Quan tâm bảo vệ môi trường (3) Hình thức: Chương trình giáo dục trẻ mẫu giáo qui định các hoạt động của trẻ gồm: hoạt động học, hoạt động chơi, hoạt động lao động, hoạt động ăn ngủ vệ sinh... Các nội dung GDMT được chuyển tải đến trẻ thông qua tất cả các hình thức hoạt động ở trường mầm non. Tuy nhiên, chương trình giới thiệu các hình thức giáo dục chung, khái quát cho tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ tập trung hướng dẫn các hình thức GDMT, chưa nhấn mạnh hình thức nào nổi bật và có ưu thế trong GDMT cho trẻ, giúp trẻ trở thành một chủ thể chủ động, tích cực. (4) Phương pháp: Chương trình GDMN đã xác định 5 nhóm phương pháp dạy học đặc trưng phù hợp với trẻ mẫu giáo đó là: nhóm phương pháp thực thành - trải nghiệm; trực quan - minh hoạ; dùng lời nói; giáo dục bằng tình cảm khích lệ và nêu gương - đánh giá. Chương trình đã nhấn mạnh đến việc sử dụng nhóm phương pháp cho trẻ thực hành, trải nghiệm, trong đó dùng trò chơi để giúp trẻ tích cực tham gia hoạt động và giải quyết các nhiệm vụ nhận thức, nhiệm vụ giáo dục đặt ra; sử dụng phương pháp nêu tình huống có vấn đề để đưa trẻ vào tình huống và buộc trẻ phải tư duy, phán đoán để đặt mình vào tình huống và giải quyết theo sự hiểu biết của mình [8]. 2.1.2. Trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo Xét từ góc độ hoạt động, trò chơi là hình thức hoạt động đặc biệt của trẻ mẫu giáo, là hoạt động phản ánh, thực hành mối quan hệ tương tác của trẻ với môi trường xung quanh, được người lớn tổ chức, hướng dẫn cho trẻ hoặc được sử dụng như là phương tiện giáo dục, là hình thức tổ chức hoạt động cùng nhau trong lớp để giải quyết mục tiêu giáo dục và phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo [16]. 151
  4. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài Trong giáo dục mầm non, trò chơi có rất nhiều loại và được chia thành hai nhóm: (1) trò chơi sáng tạo gồm trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi lắp ghép - xây dựng, trò chơi đóng kịch; (2) trò chơi có luật gồm trò chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại [16] [17]. Mỗi loại trò chơi đều mang những đặc điểm riêng và có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, đối với việc GDMT cho trẻ mẫu giáo, trò chơi có những vai trò cơ bản sau: Thứ nhất, trò chơi giúp thực hiện mục tiêu GDMT cho trẻ một cách nhẹ nhàng, phù hợp với cách học của trẻ. Nội dung của trò chơi thể hiện trước hết ở tên trò chơi. Nếu tên trò chơi nhắc đến những đối tượng quen thuộc, phù hợp với nhận thức của trẻ sẽ kích thích trẻ hứng thú tham gia trò chơi. Khi chơi, trẻ mô phỏng lại đời sống tự nhiên, xã hội và mối quan hệ giữa con người với môi trường sống. Bằng tình huống mô phỏng, trẻ nhập vai và hoà mình vào các vai chơi. Vai chơi trẻ đóng có thể là con người hoặc động vật, thực vật, hiện tượng tự nhiên, phương tiện giao thông..., thậm chí những đối tượng vô tri vô giác (đất, đá, cát, sỏi...) cũng được trẻ tái hiện một cách sinh động. Cứ như vậy, nội dung GDMT có mặt một cách tự nhiên trong các trò chơi của trẻ. Sự phong phú và tính thiết thực của các loại trò chơi càng tạo điều kiện để đưa nhiều nội dung GDMT đến với trẻ. Cũng nhờ đó, trẻ được củng cố và mở rộng thêm hiểu biết về các đối tượng trong môi trường từ tên gọi đến đặc điểm, lợi ích, mối quan hệ với môi trường sống... Nhất là trong bối cảnh hiện nay, những tác hại của việc biến đổi tiêu cực của môi trường do nhiều nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến con người và đặc biệt là trẻ em khiến trẻ cần có hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường. Điều đó được đáp ứng một phần khi nội dung trò chơi đề cập đến môi trường trong lành với môi trường ô nhiễm, nguyên nhân ô nhiễm môi trường (xả rác, phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong, đốt phá rừng...) và tác hại của ô nhiễm môi trường (bệnh tật, thiếu nước sạch sinh hoạt, cây cối, con vật bị chết...). Thứ hai, sử dụng trò chơi là một trong những phương pháp GDMT cho trẻ mẫu giáo. Bên cạnh các phương pháp như trực quan - minh hoạ, dùng lời, luyện tập, thí nghiệm, lao động, nêu tình huống có vấn đề, đánh giá, động viên..., sử dụng trò chơi là phương pháp quan trọng. Khi chơi, trẻ được đặt vào các nhiệm vụ nhận thức hay vận động, sáng tạo... gắn với nội dung chơi nhất định. Vì thế, trẻ lĩnh hội các nội dung GDMT một cách nhẹ nhàng và vui vẻ. Trẻ có thể chơi đi chơi lại nhiều lần để củng cố nhận thức về môi trường mà không biết chán. Những tình huống diễn ra trong trò chơi kích thích trẻ biết phân tích, so sánh, phán đoán, khéo léo, nhanh nhạy... và là cơ hội để trẻ vận dụng tri thức về môi trường vào xử lý tình huống. Đây có thể xem là bước chuyển tiếp từ giáo dục nhà trường ra thực tiễn cuộc sống. Hơn nữa, kết hợp sử dụng trò chơi với các phương pháp khác sẽ tạo thành những con đường GDMT linh hoạt. Sử dụng trò chơi có thể kết hợp với nêu tình huống có vấn đề, trực quan - minh hoạ, dùng lời, đánh giá, khích lệ... để tạo ra hiệu quả cao nhất cho quá trình GDMT. Thứ ba, trò chơi là hình thức GDMT hiệu quả. trò chơi có thể tổ chức ở hầu hết các hoạt động trong chế độ sinh hoạt của trẻ mẫu giáo như hoạt động đón trẻ, hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều hoạt động trả trẻ... Từ đó, GDMT len lỏi vào cuộc sống học tập, sinh hoạt của trẻ thông qua các trò chơi. Tuỳ đặc trưng khu vực diễn ra các trò chơi của trẻ mà nội dung GDMT được đưa vào sao cho phù hợp. Nếu trò chơi diễn ra ở các góc hoạt động, có thể đưa hình ảnh về các sự vật, hiện tượng, con người vào góc học tập để trẻ chơi các trò chơi liên quan đến hoạt động nhận biết, phân biệt đối tượng; đưa các vật liệu xây dựng cho trẻ thực hiện lắp ghép - xây dựng công trình... Nếu trò chơi diễn ra ở ngoài trời, có thể cho trẻ chơi làm chong chóng, phát hiện sự kì diệu của nước, chơi với động, thực vật... Những gì cần giáo dục cho trẻ về môi trường đều được đưa vào thời điểm trước khi chơi, trong khi chơi hay sau khi chơi. Trước khi chơi, trẻ được đàm thoại để hướng vào vấn đề cần giáo dục. Trong khi chơi, trẻ được tương tác với các đồ chơi, phát hiện ra đặc điểm, tính chất, công dụng... của đối tượng. Sau khi chơi, trẻ sẽ được nhìn nhận kết quả hoạt động của mình với đối tượng trong 152
  5. Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo môi trường. Đó cũng là cơ hội để trẻ khắc sâu tri thức đã biết hay hình thành tri thức mới về môi trường cho trẻ. Thứ tư, đồ chơi sử dụng để tổ chức trò chơi chính là phương tiện để GDMT cho trẻ. Để trò chơi đạt được mục đích, trẻ cần sử dụng nhiều loại đồ chơi khác nhau. Với mục đích GDMT, đồ chơi có thể là những vật thật hay vật mô phỏng thiên nhiên (các loại hạt, cây, hoa, quả, con vật, đất, đá, cát, sỏi, nước...), đồ dùng gia đình (chén, bát, ly, nồi, bàn ghế...), phương tiện giao thông (xe đạp, xe máy, xe ô tô...) ... Những đồ chơi này có thể được làm từ vật liệu thiên nhiên, có sẵn hoặc tái chế với đủ loại hình dạng, màu sắc, chất liệu, chức năng. Tất cả đồ chơi của trẻ đều chứa đựng trong nó tri thức về môi trường, kinh nghiệm xã hội, phản ánh sự phát triển của xã hội, kể cả sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Vì vậy, chúng là phương tiện không thể thiếu trong quá trình GDMT cho trẻ bên cạnh các phương tiện khác (môi trường tự nhiên, hiện thực xã hội xung quanh trẻ, phương tiện nghệ thuật). Điều quan trọng là muốn phương tiện này trở thành vật mang thông tin thì cần sử dụng chúng phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ, đặc trưng của từng loại đồ chơi và mục đích của hoạt động. 2.2. Nguyên tắc, quy trình xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo 2.2.1. Nguyên tắc xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo Thiết kế trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo cần đảm bảo những nguyên tắc sau: (1) Đảm bảo tính mục đích: Mục tiêu của trò chơi xuất phát từ mục tiêu giáo dục trẻ, hướng đến củng cố, phát triển kiến thức về môi trường, kĩ năng hoạt động trong môi trường và thái độ đối với môi trường cho trẻ mẫu giáo trên cơ sơ khả năng, nhu cầu phát triển của trẻ. Đây là thành tố định hướng, giúp trò chơi thực hiện vai trò của mình trong quá trình GDMT cho trẻ. (2) Đảm bảo tính đa dạng, thực tiễn của nội dung GDMT cho trẻ mẫu giáo: Để thực hiện mục đích đã được xác định, nội dung trò chơi nhất thiết phải chứa đựng nội dung GDMT cho trẻ mẫu giáo. Những nội dung này gần gũi, có ý nghĩa với cuộc sống của trẻ và tập trung vào các lĩnh vực: Lĩnh vực 1: Môi trường nước, không khí và các hiện tượng tự nhiên - Kiến thức cơ bản về môi trường nước, không khí, các hiện tượng thiên nhiên như: gió, mưa, nắng... - Nguyên nhân, tác hại của các hiện tượng tự nhiên bất thường như bão lụt, hạn hán và cách phòng ngừa. - Biến đổi khí hậu: nguyên nhân, biểu hiện, tác hại và biện pháp ứng phó. - Bảo vệ môi trường không khí, nước. Lĩnh vực 2: Thế giới động vật và thực vật - Đặc điểm của cây cối, con vật như: hình dạng, nơi ở, thức ăn, sinh trưởng, phát triển, lợi ích, sự thích nghi của sinh vật với môi trường sống. - Mối quan hệ giữa con người với động thực vật. - Sự tác động của con người tới động thực vật. - Tác hại của việc chặt phá cây xanh, giết hại các loại thú. - Biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây cối và con vật. Lĩnh vực 3: Môi trường đất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng - Kiến thức cơ bản về môi trường đất đá, cát, sỏi.... - Biện pháp bảo vệ môi trường đất. - Lợi ích các loại năng lượng, sử dụng hợp lí điện, ga... Lĩnh vực 4: Môi trường nhân tạo - văn hoá xã hội 153
  6. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài - Tên gọi, cách sử dụng, sắp xếp gọn gàng, vệ sinh đồ dùng trong gia đình, trong trường mầm non. - Phong tục, lối sống của một số dân tộc, ảnh hưởng của văn hóa đối với môi trường thiên nhiên và cuộc sống con người. - Tên một số địa danh nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, biết giữ gìn và bảo vệ danh lam thắng cảnh. - Các phương tiện giao thông, biện pháp giảm ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông. - Biện pháp bảo vệ môi trường nhân tạo - văn hoá xã hội. (3) Đảm bảo cấu trúc của một trò chơi bao gồm các thành tố cơ bản như tên gọi, mục tiêu, chuẩn bị, cách chơi, luật chơi. Mỗi trò chơi cần bao hàm đầy đủ các thành tố của một trò chơi bởi mỗi thành tố đều có ý nghĩa nhất định. Tên gọi của trò chơi bao hàm nội dung chơi và khơi gợi ở trẻ mong muốn, khao khát được tham gia trò chơi. Mục tiêu của trò chơi định hướng cho việc xác định các thành tố còn lại. Chuẩn bị những điều kiện về địa điểm, đồ chơi giúp trò chơi được diễn ra thuận lợi. Cách chơi đưa ra các nhiệm vụ cần giải quyết trong trò chơi và những hành động chơi nhằm giải quyết nhiệm vụ của trò chơi. Luật chơi (nếu có) là những quy tắc bắt buộc trẻ phải tuân theo, giúp thực hiện mục đích chơi hiệu quả. (4) Đảm bảo tính phát triển và hệ thống: Các trò chơi cần được sắp xếp theo các nhóm, từ dễ đến khó. Việc phân nhóm trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo có thể được sắp xếp theo nội dung/chủ đề GDMT cho trẻ hoặc theo từng loại trò chơi. Nếu phân nhóm theo nội dung/chủ đề GDMT cho trẻ mẫu giáo, các trò chơi được đưa vào hệ thống cần xem xét mức độ tác động đến sự phát triển của trẻ trên mọi phương diện (kiến thức, kĩ năng, thái độ) để sắp xếp cho phù hợp. Nếu phân nhóm theo loại trò chơi, cần đảm bảo tính đa dạng của các nội dung GDMT, tránh tập trung vào một/một số nội dung mà bỏ qua những nội dung khác. 2.2.2. Quy trình thiết kế trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo Hệ thống trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo cần thiết kế theo qui trình gồm 4 bước sau đây: Bước 1. Xác Bước 2. Thiết định nhu cầu và kế trò chơi khả năng của trẻ Bước 4. Sử dụng, Bước 3. Sắp chỉnh sửa, bổ xếp, hệ thống sung trò chơi hóa trò chơi Hình 1. Các bước thiết kế trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo Bước 1. Xác định nhu cầu và khả năng của trẻ Cũng như các nội dung hoạt động khác, trò chơi được sử dụng để GDMT cần phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ, tránh gò bó, áp đặt trẻ. Vì vậy, trước khi tiến hành các nhiệm vụ khác, phải quan sát để xem trẻ thích loại trò chơi nào, sử dụng đồ chơi gì, chơi ở đâu và chơi như thế nào... Những thông tin thu nhận được cần ghi chép cẩn thận, theo từng nội dung để dễ dàng phân tích và đưa ra nhận định. Bên cạnh đó, khả năng của trẻ mỗi độ tuổi không 154
  7. Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo giống nhau, cho nên cần dựa vào những gì trẻ đã biết/thực hiện được và những gì trẻ có thể biết/thực hiện được để đưa ra trò chơi phù hợp. Bước 2. Thiết kế trò chơi Có hai cách để thiết kế trò chơi GDMT cho trẻ: (1) Dựa trên những có chơi đã có: Với những trò chơi phù hợp để GDMT cho trẻ mẫu giáo, có thể lựa chọn để đưa vào hệ thống trò chơi cần xây dựng bằng cách lấy toàn bộ hoặc chỉnh sửa lại cho phù hợp. (2) Xây dựng mới hoàn toàn: Nếu không lựa chọn được trò chơi cần thiết để thực hiện mục tiêu GDMT cho trẻ, cần xây dựng trò chơi mới. Tuy nhiên, dù theo cách thức nào, mỗi trò chơi GDMT cho trẻ cần có các thành phần cơ bản: tên gọi, mục tiêu, chuẩn bị, cách chơi, luật chơi (nếu có). Khi xác định các thành tố này, cần đáp ứng những yêu cầu sau: - Tên gọi: Tên trò chơi phản ánh nội dung trò chơi, vì vậy, căn cứ vào nội dung GDMT cần hướng đến để xác định tên của trò chơi đó. Tên trò chơi có thể mô phỏng lại các sự vật, hiện tượng, con người trong tự nhiên và xã hội nhưng cần ngắn gọn, gần gũi, hấp dẫn trẻ. - Mục tiêu: Mục tiêu của trò chơi cũng chính là mục tiêu GDMT cho trẻ nên phải đảm bảo hướng đến kiến thức về môi trường, kỹ năng hoạt động trong môi trường và thái độ đối với môi trường mà trẻ sẽ đạt được thông qua trò chơi. - Chuẩn bị: Phải xác định những thứ cần chuẩn bị để tiến hành trò chơi, gồm có: địa điểm chơi, đồ chơi. Ở trường MN, có thể tổ chức trò chơi ở trong lớp học hay ngoài sân bãi bằng phẳng, an toàn. Đồ chơi tạo nên phần hấp dẫn cho trò chơi nên cần phong phú, gọn gàng, màu sắc tươi sáng, đáp ứng yêu cầu GDMT cho trẻ. Tuy nhiên, sử dụng hay không, đồ chơi gì, số lượng bao nhiêu phụ thuộc vào nội dung của từng trò chơi và đặc điểm tâm sinh lí trẻ. - Cách chơi: Cách chơi bao hàm nhiệm vụ cần giải quyết trong trò chơi và những hành động chơi nhằm giải quyết nhiệm vụ của trò chơi. trò chơi dành cho trẻ mầm non khá phong phú, nhiệm vụ chơi và hành động chơi cũng vì thế mà rất đa dạng. Các trò chơi được lựa chọn nhằm GDMT cho trẻ cần có nhiệm vụ chơi rõ ràng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ mẫu giáo. Hành động chơi có thể hướng đến nhận biết, lựa chọn đối tượng; sắp xếp - phân loại; đố - đoán; giấu - tìm; chắp - ghép; nhập vai... Để cụ thể hoá cách chơi, có thể sử dụng hình vẽ minh họa cho từng trò chơi. - Luật chơi: trò chơi có thể có luật chơi hoặc không có luật chơi rõ ràng. Luật chơi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu nhưng vẫn đưa ra được những yêu cầu cơ bản về thời điểm bắt đầu hay dừng trò chơi, kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ của trẻ trong trò chơi. Đối với những trò chơi mang tính chất thi đua, luật chơi cũng quy định điều kiện thắng - thua nhằm kích thích tính tích cực của trẻ trong trò chơi, giúp giáo viên và trẻ dễ dàng đánh giá, rút ra bài học. Bước 3. Sắp xếp, hệ thống hóa trò chơi Sau khi đã có trò chơi, bước tiếp theo là cần sắp xếp các trò chơi này thành hệ thống. Hệ thống trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo là tập hợp các trò chơi đã được lựa chọn và xây dựng mới, cùng hướng đến mục tiêu GDMT cho trẻ, có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một chỉnh thể. Để đáp ứng mục tiêu, nội dung GDMT cho trẻ mẫu giáo, có thể sắp xếp các trò chơi từ dễ đến khó theo các chủ đề giáo dục trẻ ở trường mầm non. Bước 4. Sử dụng, chỉnh sửa, bổ sung trò chơi Muốn hoàn thiện hệ thống trò chơi GDMT, cần sử dụng các trò chơi để tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo. Tương ứng với khả năng của từng độ tuổi mà lựa chọn trò chơi phù hợp và cần có kế hoạch sử dụng các trò chơi này để GDMT cho trẻ bên cạnh các lĩnh vực giáo dục khác. Trong quá trình sử dụng, cần quan sát, ghi chép để đánh giá hiệu quả GDMT của hệ thống 155
  8. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài trò chơi này. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để quyết định có hay không việc chỉnh sửa trò chơi đã có hay bổ sung thêm trò chơi vào hệ thống. 2.3.3. Trò chơi minh họa Dựa vào nguyên tắc và quy trình trên, chúng tôi đã xây dựng hệ thống 126 trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo theo các chủ đề bản thân, Trường mầm non, Gia đình, Nghề nghiệp, Động vật, Thực vật, Phương tiện giao thông, Nước và hiện tượng tự nhiên, Quê hương – Đất nước. Sau đây là một số trò chơi GDMT cho trẻ thuộc chủ đề “Thế giới động vật” được thiết kế theo quy trình ở mục 2.2.2: Trò chơi 1: Tôi là con vật gì? * Mục tiêu: - Trẻ biết được đặc điểm bên ngoài của con vật. - Trẻ thể hiện được khả năng phán đoán về các con vật. * Chuẩn bị: - Không gian trong lớp hoặc ngoài trời an toàn, sạch sẽ. - Hoa, ngôi sao, loto để làm quà. * Cách chơi: - Giáo viên cho trẻ đứng thành vòng tròn. - Mời một trẻ xung phong lên chơi và đứng ở chính giữa vòng tròn. Giáo viên sẽ nói nhỏ với trẻ một con vật nào đó. Nhiệm vụ của trẻ là dùng lời kết hợp hành động để miêu tả đặc điểm của con vật. Nhiệm vụ của các bạn ngồi ngoài vòng tròn là giơ tay nhanh để đoán. Ví dụ: Với chủ đề “Con vịt”, trẻ có thể đưa ra các gợi ý: Tôi thuộc họ gia cầm Lông của tôi không thấm nước Tôi thích bơi ở dưới nước Tôi thường kêp “cạp cạp”. * Luật chơi: - Mỗi lượt giơ tay chỉ được đoán một lần. - Ai đoán đúng tên con vật đó thì sẽ được lựa chọn một món quà và được vào giữa vòng tròn để miêu tả con vật tiếp theo. Trò chơi 2: Thử tài ghi nhớ con vật * Mục tiêu: - Trẻ biết được tên các con vật. - Trẻ quan sát, ghi nhớ để phát hiện được con vật biến mất. * Chuẩn bị: - Không gian lớp học. - Hình ảnh một số con vật hoặc các slide powerpoint được thiết kế sẵn * Cách chơi: - Có thể cho trẻ chơi theo hình thức cá nhân hoặc tổ chức cho cả lớp. 156
  9. Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo - Đầu tiên, giáo viên cho lần lượt từng con vật xuất hiện trên màn hình và cho trẻ nhắc lại tên các con vật có trên màn hình. Sau đó, cho trẻ nhắm mắt lại và làm biến mất một hình ảnh. Cuối cùng, cho trẻ mở mắt ra và phát hiện xem con vật nào đã biến mất. * Luật chơi: - Trẻ giơ tay để giành quyền trả lời. - Nếu trả lời đúng thì được tặng một bông hoa. Trò chơi 3: Tìm thức ăn cho con vật * Mục tiêu: - Trẻ biết được thức ăn của các động vật quen thuộc - Trẻ thể hiện khả năng quan sát, vật động nhanh nhẹn. * Chuẩn bị: - Hình ảnh các con vật và thức ăn của các con vật, 02 bảng dán, 10 vòng để trẻ bật khi chơi. * Cách chơi: - Chia lớp thành 2 đội đứng thành 2 hàng dọc trước vạch xuất phát. Nhiệm vụ của mỗi thành viên trong đội là bật qua các vòng, chọn hình ảnh về thức ăn của con vật và dán bên cạnh hình ảnh con vật tương ứng ở trên bảng. Sau đó, chạy về đập tay bạn tiếp theo và đi về đứng cuối hàng. Cứ như thế đến khi hết thơi gian một bài nhạc thì dừng lại và kiểm tra kết quả. * Luật chơi: - Mỗi lần chơi trẻ chỉ được chọn một lô tô thức ăn và gắn lên bảng. - Đội nào thua cuộc sẽ bị phạt nhảy lò cò. Trò chơi 4: Đi tìm động vật * Mục tiêu: - Trẻ biết được môi trường sống của động vật: ở dưới nước, trên mặt đất, trên không. - Trẻ có kĩ năng hợp tác với bạn bè. * Chuẩn bị: - Không gian chơi trong lớp hoặc ngoài trời. - Giáo viên giới thiệu cho trẻ biết về 3 môi trường sống của động vật: dưới nước, trên mặt đất, trên không. * Cách chơi: Mỗi đội là 1 môi trường sống. Các đội thi nhau tìm những con vật ứng với môi trường sống mà đội mình đang đảm nhận. Cụ thể: - Đội 1 là đội dưới nước - Đội 2 là đội trên bờ - Đội 3 là đội trên trời Giáo viên chia lớp thành 3 đội ở 3 góc sao cho 3 đội nhìn thấy mặt nhau (hình tam giác). Để trò chơi thêm sinh động, giáo viên nên cho các trẻ cặp vai nhau. Mỗi lần đến lượt cả đội mình thì cả đội cùng nhau vừa lắc mông vừa đọc. Ví dụ: Đội 1: “Cá bơi, cá bơi - Dưới nước gọi trên bờ”. Đội 2: “Bò đi, bò đi - Trên bờ gọi trên trời”. Đội 3: “Cò bay, cò bay - Trên trời gọi dưới nước”. 157
  10. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài * Luật chơi: - Nếu lặp lại tên con vật đã được nhắc đến hoặc không tìm được con vật nào là thua. - Đội thua cuộc phải nhảy lò cò, múa hay hát một bài. Trò chơi 5: Hãy cùng phân nhóm * Mục đích: - Trẻ vận dụng được kiến thức, hiểu biết về các loài động vật vào quá trình chơi. - Trẻ có kĩ năng quan sát, khái quát hóa và thể hiện sự nhanh nhạy trong trò chơi. * Chuẩn bị: - Không gian lớp học. - Hình ảnh về các đối tượng theo một chủ đề nhất định. Ví dụ: Ở chủ đề “Động vật”, có thể chuẩn bị hình ảnh về động vật theo môi trường sống, thức ăn. - Rổ đựng hình ảnh và bảng cài - Các chướng ngại vật như vòng, đường hẹp, đường zích zắc nếu có. * Cách chơi: Chơi cá nhân hoặc chơi theo nhóm. - Cách 1: Trẻ tự chơi với nhau tại góc học tập bằng cách phân nhóm các hình ảnh vào rổ hay album. - Cách 2: Chia lớp thành 2 đội, nhiệm vụ của mỗi thành viên trong đội là vượt qua các chướng ngại vật, chọn hình ảnh trong rổ của đội mình và cài lên bảng phân loại. Sau khi thực hiện xong, chạy về đập tay bạn tiếp theo và đi về đứng cuối hàng. Cứ như thế đến khi hết thơi gian một bài nhạc thì kiểm tra kết quả. * Luật chơi: Mỗi lượt chỉ được chọn một hình ảnh; đội chọn được nhiều hình ảnh đúng hơn sẽ chiến thắng. 3. Kết luận GDMT cho trẻ mẫu giáo là một trong những nội dung giáo dục được chú trọng trong chương trình GDMN, được định hướng theo tiếp cận giáo dục dựa và chơi. Có thể nói, trò chơi có vai trò đặc biệt quan trọng trong GDMT cho trẻ mầm non và giáo viên cần có hệ thống trò chơi để lựa chọn và sử dụng. Nghiên cứu này đã tập trung trình bày các nguyên tắc, quy trình xây dựng hệ thống trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo. Trong đó có 4 nguyên tắc cơ bản, gồm: (1) Đảm bảo tính mục đích; (2) Đảm bảo tính đa dạng, thực tiễn của nội dung GDMT cho trẻ mẫu giáo; (3) Đảm bảo cấu trúc của một trò chơi bao gồm các thành tố cơ bản như tên gọi, mục tiêu, chuẩn bị, cách chơi, luật chơi; và (4) Đảm bảo tính phát triển và hệ thống. Bên cạnh đó, việc thiết kế trò chơi cần tiến hành lần lượt các bước theo quy trình: Bước 1 - Xác định nhu cầu và khả năng của trẻ; Bước 2 – Thiết kế trò chơi; Bước 3 - Sắp xếp, hệ thống hóa trò chơi; Bước 4 - Sử dụng, chỉnh sửa, bổ sung trò chơi. Những trò chơi như: “Tôi là con vật gì?”; “Thử tài ghi nhớ con vật”; “Tìm thức ăn cho con vật”; “Đi tìm động vật”; “Hãy cùng phân nhóm” thuộc chủ đề “Thế giới động vật” được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó (từ nhận biết tên con vật thông qua hoạt động đến nhớ con vật đã biến mất, thức ăn của con vật, môi trường sống của con vật, phân loại con vật theo các dấu hiệu đặc trưng) là ví dụ minh họa cho việc áp dụng nguyên tắc và quy trình thiết kế trò chơi GDMT cho trẻ mẫu giáo theo chủ đề. Trên cơ sở đó, giáo viên có thể thiết kế thêm các trò chơi ở các chủ đề khác nhau và sử dụng chúng nhằm đa dạng hóa hệ thống trò chơi, góp phần thực hiện mục tiêu GDMT cho trẻ ở độ tuổi này. 158
  11. Xây dựng hệ thống trò chơi giáo dục môi trường cho trẻ mẫu giáo TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Amy Cutter-Mackenzie & Susan Edwards, 2013. Toward a Model for Early Childhood Environmental Education: Foregrounding, Developing, and Connecting Knowledge Through Play-Based Learning, The Journal of Environmental Education, 44:3, 195-213, DOI:10.1080/00958964.2012.751892 [2] Edwards, S., Cutter-Mackenzie, A., Moore, D., Boyd, W., 2014. “A Challenge Reconsidered: Play-Based Learning in Early Childhood Environmental Education”. In: Young Children's Play and Environmental Education in Early Childhood Education. SpringerBriefs in Education. Springer, Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-319-03740-0_7 [3] Edwards, S., Cutter-Mackenzie, A., Moore, D., Boyd, W., 2014. “Environmental Education and Pedagogical Play in Early Childhood Education”. In: Young Children's Play and Environmental Education in Early Childhood Education. SpringerBriefs in Education. Springer, Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-319-03740-0_3 [4] Hoàng Thị Phương, 2013. Giáo trình Giáo dục môi trường cho trẻ mầm non. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [5] Carol, F., Helen, G., Linda, B., Vivian, M., 2014. Growing Up WILD: Teaching Environmental Education in Early Childhood. International Journal of Early Childhood Environmental Education, https://naturalstart.org/sites/default/files/journal/13._final_ growing_up_wild.pdf [6] Shih, S., Chao, F., & Kao, W.H., 2018. Application of Board Game and 3-D Components in Children’s Environmental Education. 2018 1st IEEE International Conference on Knowledge Innovation and Invention (ICKII), 210-213. [7] Karaivanova-Konakchieva, P., 2021. Synergy between Games and Technology in Preschool Environmental Education. Pedagogika-Pedagogy. https://doi.org/10.53656 /ped2021-2.08 [8] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021. Thông tư số 01/2021/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 ban hành Chương trình Giáo dục mầm non. [9] Hoàng Thanh Phương, 2020. Giáo dục bảo vệ môi trường đất thông qua hoạt động ngoài trời cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi tại tỉnh Phú Thọ. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 63-66. [10] Vũ Thị Kiều Trang, Phạm Thị Thu Thủy, 2012. Một số biện pháp phát huy tính sáng tạo của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trò chơi lắp ghép xây dựng từ các nguyên vật liệu thiên nhiên và phế liệu. Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 10/2012 VN, pp. 81-87. [11] Trần Hồ Uyên, 2016. Thiết kế trò chơi học tập giáo dục môi trường cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non. Tạp chí Khoa học, Xã hội, Nhân văn và Giáo dục ĐHSP Đà Nẵng, ISSN 1859-4603. Tập 6, số 4 (2016),120-126 [12] Lê Văn Khoa và cộng sự, 2006. Khoa học môi trường. NXB Giáo dục. [13] Nguyễn Thanh Hoàn, 2005. Giáo dục vì sự phát triển bền vững – một số vấn đề cơ bản. Hội thảo “Giáo dục vì sự phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa”. Truy xuất tại: https://sti.vista.gov.vn/file_DuLieu/dataTLKHCN//Vd52-2006/2005/Vd52- 2006S02005104.pdf [14] Dự án VIE/97/007, 5/2011. Sổ tay hướng dẫn sử dụng các công cụ cho các mục tiêu môi trường trong kế hoạch phát triển. Hà Nội. 159
  12. Tạ Thị Kim Nhung*, Lê Thị Nhung, Trần Viết Nhi và Trương Thị Thanh Hoài [15] Bộ Giáo dục và Đào tạo/Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, 1998. Các hướng dẫn chung về Giáo dục Môi trường dành cho người Đào tạo Giáo viên Trường tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông. Dự án VIE/95/041 [16] Nguyễn Thị Phượng, 2022. Tổ chức trò chơi để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 5-6 tuổi ở trường mầm non. Luận án tiến sĩ Giáo dục học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [17] Đinh Văn Vang, 2009. Giáo trình tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. ABSTRACT Constructing of an environmental education game system for preschool children Ta Thi Kim Nhung*, Le Thi Nhung, Tran Viet Nhi and Truong Thi Thanh Hoai Faculty of Preschool Education, University of Education, Hue University Environmental education is one of the essential keys to helping raise awareness and positive behaviors of people towards the environment and should be done right from preschool. Play is the leading activity of the preschool period (3-6 years old). Therefore, games are essential tools that can be used as methods, forms and means of environmental education for children. Based on theoretical research on environmental education for preschool children through games, the article focuses on presenting principles and processes for constructing a system of environmental education games for preschool children. The specific examples were presented in the article would be valuable suggestions for preschool teachers in building and using game resources to improve the effectiveness of environmental education for preschool children. Keywords: environmental education, preschool children, design, game. 160
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0