intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xu hướng logistics xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

49
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Xu hướng logistics xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam giới thiệu tổng quan về logistics xanh; Thực trạng về sự phát triển logistics xanh tại Việt Nam; Một số giải pháp và kiến nghị trong việc phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xu hướng logistics xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam

  1. XU HƯỚNG LOGISTICS XANH CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM Phạm Thị Thúy An, Nguyễn Ngọc Ngân và Trần Ngọc Diễm Hương Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: TS. Lưu Thanh Tâm TÓM TẮT Những năm qua nền kinh tế thế giới ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, gây nên sự biến đổi khí hậu. Nên bên cạnh việc phát triển kinh doanh thì chúng ta cũng cần quan tâm và có các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Hiểu được tính cấp thiết của vấn đề này, nhiều nước đã và đang áp dụng “xanh hóa” vào việc phát triển các ngành kinh tế của mình và trong đó có logistics – một trong những ngành tác động lớn đến xã hội và đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển bền vững. Hiện nay xu thế phổ biến được những doanh nghiệp logistics các nước chú trọng trong các tiêu chí hoạt động là Logistics Xanh. Tuy nhiên, Logistics Xanh ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, dù có tiềm năng nhưng vẫn còn chậm do gặp một số bất cập. Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam ứng dụng Logistics Xanh vào doanh nghiệp. Từ khóa: Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp logistics, Logistics Xanh, phát triển bền vững, xu hướng. 1. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ LOGISTICS XANH 1.1 Định nghĩa Logistics Xanh Theo Liwen Zheng (2010), Đại học Công nghệ và Khoa học Changchun (Trung Quốc), “Logistics Xanh là thực hiện các hoạt động quản lý nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu khách hàng và mục tiêu phát triển xã hội, kết nối cung và cầu xanh, vượt qua các trở ngại về không gian, thời gian để đạt được hiệu quả trong cung cấp hàng hoá và dịch vụ. Logistics Xanh hạn chế thiệt hại môi trường và sử dụng các nguồn lực logistics tốt nhất. Logistics Xanh là một khái niệm bao gồm cả hoạt động kinh doanh Logistics Xanh và các hoạt động để quản lý, tiêu chuẩn hóa và kiểm soát Logistics Xanh.” Nhìn chung, Logistics Xanh bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc giảm thiểu và đo lường tác động môi trường của các hoạt động chuỗi cung ứng, tạo ra các giá trị phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường. 1.2 Lợi ích của Logistics Xanh - Tăng hiệu quả của phương tiện, tiết kiệm chi chí và thời gian chờ đợi, lấy hàng, góp phần hạn chế tắc nghẽn giao thông, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng của phương tiện, thiết bị, giảm khí thải ra môi trường. 2967
  2. - Tạo được những lợi thế cạnh tranh mới, gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. - Hạn chế những tác động đến môi trường như giảm thiểu rác thải công nghiệp khi doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế, dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên; giảm lượng khí CO2 và lãng phí tài nguyên thiên nhiên khi Logistics Xanh sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng năng lượng hiệu quả, khai thác và mở rộng năng lượng sạch, giảm tỷ trọng năng lượng không tái tạo (dầu mỏ, than đá, khí đốt). - Logistics Xanh nâng cao môi trường sống và sức khỏe của mọi người: Trong Logistics Xanh, các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường và được chuyển đến tay người tiêu dùng bằng dịch vụ Logistics Xanh. - Logistics Xanh góp phần giảm thiểu các chi phí xã hội như chi phí cải thiện, phục hồi nguồn nước, đất, rừng ..cải thiện và nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. 1.3 Hạn chế của Logistics Xanh - Quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất giữa các khâu và sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên. - Tốn kém chi phí, nhất là chi phí quy hoạch ngành giao thông, đô thị, dân cư… và khi chuyển đổi qua sử dụng năng lượng sạch như điện, gió, mặt trời cũng sẽ phải chịu mức giá cao hơn gây tốn kém cho doanh nghiệp. - Rủi ro về dữ liệu: Việc không sử dụng giấy tờ sẽ trực tiếp gây rủi ro cho việc lưu giữ hồ sơ dữ liệu của bạn. Sự cố hệ thống, đánh cắp máy tính, vi rút và hack thông tin nhạy cảm sẽ gây thiệt hại lớn. - Việc sử dụng nguyên vật liệu xanh trong quy trình sản xuất, kinh doanh có thể dẫn đến tăng giá sản phẩm. - Đòi hỏi trình độ công nghệ cùng nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 1.4. Tổng quan vấn đề - Trong thời kỳ hội nhập, khi nền kinh tế nước ta đang có sự chuyển mình rõ rệt, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng có thể tạo đà cho sự phát triển logistics trong tương lai. Với các dịch vụ logistics mang lại doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý được quá trình sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa dễ dàng với mức chi phí thấp nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam năm 2021 đạt 10-12%, trong năm 2022 dự kiến sẽ đạt 14% và còn tiếp tục tăng. Thị trường logistics tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Đây là một biểu hiện khả quan cho sự phát triển của ngành logistics ở nước ta. - Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, chi phí logistics Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9-25% GDP, trong đó vận tải chiếm 50-60% mức chi phí cao so với các nước phát triển. Tuy nhiên Logistics cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ôn nhiễm môi trường khi làm tăng khí thải carbon và sử dụng 2968
  3. nhiều nhiên liệu hóa thạch. Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của ngành dịch vụ logistics lên môi trường, Logistics Xanh chính là chiến lược phát triển, là mục tiêu mà nước ta đang hướng đến. Hình 1. Tỷ trọng chi phí Logistics so với GDP của một số nước năm 2020 2. THỰC TRẠNG VỀ SỰ PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH TẠI VIỆT NAM 2.1. Hoạt động của các trung tâm logistics - Các trung tâm logistics là nhân tố chủ chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa, mang lại nhiều đóng góp quan trọng để phát triển bền vững và đảm bảo khả năng cạnh tranh của các loại hình dịch vụ logistics. Hiện nay, ở các địa phương đã xuất hiện nhiều trung tâm logistics nhưng quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiều trung tâm logistics lớn ngoài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,.. theo quy hoạch và đồng thời áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của khu vực. - Bên cạnh các trung tâm logistics lớn hữu hình thì hiện nay với sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển của thương mại điện tử, từ cuối năm 2018, tại Việt Nam bắt đầu hình thành một mô hình mới, đó là Dropshipping – mô hình kinh doanh: khi các cửa hàng trực tuyến vẫn vận hành được mà không cần đến lưu trữ tồn kho, chỉ cần có sản phẩm và vận chuyển ngay đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp đã phát triển mô hình này là: Tiki, Lazada, Shopee,... 2.2. Kết cấu hạ tầng logistics - Nhìn chung, cơ cấu hạ tầng giao thông nước ta vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ: hệ thống đường bộ giữa các khu vực với cảng biển, kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối. Đồng thời còn nhiều điểm bất cập, dẫn đến tốc độ vận chuyển trong logistics chậm, chi phí cao và gây khả năng cạnh tranh thấp. Hiện nay vận tải đường sắt chủ yếu phát triển ở mức độ đảm bảo an toàn và cầm cự. Kết cấu hạ tầng đường sắt còn yếu kém và lạc hậu, là một trong những nguyên nhân chính khiến thị phần vận tải đường sắt giảm thời gian qua. Ở kết cấu cảng biển cũng chưa đạt yêu cầu khi mang lại hiệu quả kém vì hầu hết là bến tổng hợp và bến container, số lượng cảng quốc tế ít và khả năng tiếp nhận thấp. Ngoài ra trong quá trình vận chuyển còn 2969
  4. gặp khó khăn như kẹt xe, ùn tắc giao thông, đường hẹp, những quy định về tải trọng phương tiện... khiến các chi phí của doanh nghiệp tăng cao khi tốn thời gian, nhiên liệu để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Bên cạnh đó, năng lực vận tải cũng còn nhiều hạn chế, phương tiện lạc hậu không theo kịp nhu cầu phát triển của ngành logistics. Đây chính là những thách thức đối với việc phát triển Logistics Xanh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và tăng trưởng kinh tế xanh. - Là một nước giáp biển Đông thì với hệ thống hạ tầng đường thủy, đường biển hiện nay, rất có tiềm năng sẽ phát triển trong tương lai trở thành một phương thức vận tải xanh chủ chốt, bền vững và thân thiện với môi trường đối với Việt Nam. Hiện nay nước ta cũng đang chú trọng các dự án xây dựng những tuyến đường cao tốc mới. Theo Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 9 dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông mới với nguồn vốn 124.619 tỷ đồng, giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, cũng như tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu thụ. 2.3 Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics đã có những bước phát triển mới, khi xuất hiện E- Logistics, Big Data, IoT,... Điều này giúp các doanh nghiệp vận hành hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ hơn. Tuy nhiên, theo khảo sát tại Sách trắng Logistics 2018, gần 40% các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin được sử dụng ở các doanh nghiệp logistics là các công cụ cơ bản (tracking and tracing, hệ thống quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải). Hầu hết đó là các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ còn ở doanh nghiệp thì sử dụng các ứng dụng hiện đại như EDI (Electronic Data Interchange), công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến- RFID (Radio Frequency Identification), hệ thống quản trị DN tích hợp ERP (Enterprise - Resource - Planning), logistics đám mây, công cụ về mã số, mã vạch,… nhưng vẫn còn rất hạn chế. 2.4 Nhu cầu sử dụng Logistics Xanh của người tiêu dùng Cuộc sống ngày càng thay đổi thì người mua sắm cũng dần quan tâm đến môi trường hơn bao giờ hết và thói quen mua hàng của họ đã phản ánh điều đó. Theo dữ liệu gần đây của IBM, gần 80% người tiêu dùng coi tính bền vững là quan trọng. Dữ liệu cũng cho thấy gần 60% người tiêu dùng “sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm để giảm tác động đến môi trường”. Vì thế, ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới đã xem bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá sản phẩm cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Với các bên liên quan tập trung vào môi trường, cả thương mại điện tử và các doanh nghiệp truyền thống sẽ cần ưu tiên tính bền vững để duy trì tính cạnh tranh. Tại thị trường Việt Nam, yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như nhận thức của người tiêu dùng cũng đã nâng cao rất nhiều, đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển Logistics Xanh. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH TẠI VIỆT NAM 3.1 Giải pháp cho các doanh nghiệp Logistics 2970
  5. 3.1.1 Về sản xuất: Các công ty cần chú trọng vào công tác đào tạo nhân viên về cách làm sao để tối ưu hoá trong hoạt động sản xuất nhưng vẫn theo hướng thân thiện môi trường. Có kỹ năng, trình độ chuyên môn sử dụng các kỹ thuật mới trong hoạt động sản xuất. Hạn chế xả thải các chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường, có quy trình phân loại rác rõ ràng: không hay có thể tái chế. Doanh nghiệp cũng nên sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế, dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên như có thể áp dụng vào các bao bì hay dùng các thùng pallet để đặt hàng hóa thay vì sử dụng bao bì chiếm diện tích kho và gây ô nhiễm. Phát triển số hóa trong quy trình hoạt động sản xuất giảm việc sử dụng giấy tờ và tài liệu, tránh lãng phí tài nguyên, tiết kiệm ki phí. 3.1.2 Về hệ thống kho bãi: Thiết kế và bố trí các kho hàng, số lượng kho hợp lý ở gần nguồn cung cấp nguyên vật liệu, các đầu mối giao thông và thị trường tiêu thụ sẽ tiết kiệm chi phí cho quá trình sản xuất và vận chuyển. Tối ưu hóa chiến lược hàng tồn kho để giảm chi phí logistics và ô nhiễm môi trường vì dự trữ nhiều hay ít đều tạo ra sự lãng phí dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, chi phí lưu trữ tăng lên. Vì vậy cần nghiên cứu tính toán về khối lượng cung, cầu, tỉ lệ chi phí hàng tồn kho để áp dụng chiến lược hàng tồn kho thích hợp. Thiết kế một kho bền vững, sử dụng được lâu dài... để tránh sự lãng phí nguyên vật liệu, đập đi xây lại hoặc kho xuống cấp nhanh chóng. 3.1.3 Về vận chuyển: Doanh nghiệp nên áp dụng vận tải đa phương thức, có thể chọn phương tiện thân thiện với môi trường như đường thủy. Ứng dụng công nghệ vào quản lý dữ liệu logistics để có thể theo dõi các số liệu như thời gian xe chạy trên đường, mức nhiên liệu, khí thải,...Hay tăng hiệu quả của phương tiện với tính năng tối ưu hóa tuyến đường có nhiều điểm dừng tự động như lập kế hoạch lộ trình trước cho vận tải qua sử dụng công nghệ GPS, xác định vị trí các đơn vị trong vận tải cho người quản lý và tạo ra các tuyến đường hiệu quả hơn. Điều này giúp tăng hiệu quả của phương tiện, tiết kiệm chi chí và thời gian chờ đợi, lấy hàng, góp phần hạn chế tắc nghẽn giao thông, đồng thời giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng của phương tiện, thiết bị, giảm khí thải ra môi trường. Từ đó nắm bắt rõ tình hình cũng như kiểm soát Logistics Xanh của mình tốt hơn, đạt hiệu quả vận tải và bảo vệ môi trường. 3.1.4 Ứng dụng Logistics ngược (Reverse Logistics) Là những hoạt động liên quan đến việc kiểm soát và tái sử dụng sản phẩm, vật liệu. Mục đích là thu hồi lại những sản phẩm vật liệu không đạt đủ yêu cầu của người dùng nhưng vẫn còn có thể tái chế được từ điểm tiêu thụ về nơi sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp khó đối với nhiều doanh nghiệp Logistics hiện nay, do chi phí để thu hồi lại sản phẩm đó khá cao, từ việc liên hệ lại với khách hàng, giải quyết sản phẩm và thỏa thuận với khách hàng. Nhưng nếu doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch hoạt động chuyên nghiệp và vận hành trơn tru thì đây sẽ là lợi thế vì nó còn giúp hệ thống sản xuất làm việc tốt hơn, giảm được các chi phí trong việc vận chuyển hàng hóa về kho, đóng gói sản phẩm,... 3.2 Kiến nghị - Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách quy định về môi trường, có quy đinh cụ thể trong việc thu hồi và xử lý phế liệu, phế phẩm, bao bì đóng gói không dễ phân hủy đối với doanh nghiệp. Đồng thời, 2971
  6. có chính sách đánh thuế cao hơn đối với các nguyên liệu không thể tái chế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tự giác trong việc sử dụng các nguyên vật liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng và có các biện pháp bảo vệ môi trường hơn. Triển khai thực hiện các chính sách về cho vay ưu đãi, trợ cấp và hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp đang áp dụng Logistics Xanh nhằm khuyến khích họ. - Về cơ sở hạ tầng, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện chất lượng các phương thức vận tải và hệ thống giao thông vận tải hiện có: nhà ga, bến cảng,... phát triển tối ưu các tuyến đường giữa các trung tâm logistics với nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà máy sản xuất, thị trường tiêu thụ. - Về công nghệ thông tin, cần đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý hoạt động sản xuất và vận tải, để thực hiện nhanh chóng các thủ tục khai báo hải quan, tiết kiệm thời gian vận chuyển, đạt hiệu quả cao. 4. KẾT LUẬN Qua tìm hiểu ta nhận thấy Logistics Xanh hết sức cần thiết khi nó đã đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự phát triển Logistics Xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh bền vững của doanh nghiệp mà còn hỗ trợ tích cực trong việc đảm bảo thân thiện với môi trường, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Logistics Xanh thật sự là một nhân tố quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng cũng như cho sự phát triển bền vững của công ty, doanh nghiệp. Hy vọng trong tương lai, Logistics Xanh có thể ngày càng được quan tâm và đầu tư nhiều tại Việt Nam. Muốn được như vậy thì cần sự chung tay vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan. Sự hỗ trợ của chính phủ như các chính sách nhằm khuyến khích sử dụng logistics xanh,...Sự nỗ lực của các doanh nghiệp: lựa chọn chiến lược, tìm ra hướng đi tốt nhất, phù hợp nhất với nền kinh tế, xã hội, môi trường, cũng như phù hợp với chính sách và mục tiêu hoạt động kinh doanh của mình. Tóm lại, tận dụng tốt các cơ hội, phát huy những điểm mạnh sẵn có và khắc phục những hạn chế, thách thức sẽ giúp logistics xanh của Việt Nam phát triển mạnh hơn, tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế chung của đất nước, bức phá trong thời kỳ hội nhập, vươn xa trong biển lớn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng coi trọng việc bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn đang diễn ra trên toàn cầu. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Diễn đàn doanh nghiệp, Ngành logistics Việt Nam 2022: Cần cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp logistics 4PL-5PL, https://diendandoanhnghiep.vn/nganh-logistics-viet-nam-2022-can-co-che-ho-tro-phat- trien-doanh-nghiep-logistics-4pl-5pl-215094.html [2] Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (2018), Sách trắng – VLA 2018 (VLA Whiteboook 2018), trang 73. [3] Liwen Zheng, J. Z. (2010). Research on Green Logistics System Based on Circular Economy. Asian Social Science, 6(11), 116 - 119. 2972
  7. [4] Nhiều tín hiệu tích cực với ngành logistics (23/04/2022), https://daibieunhandan.vn/nhieu-tin-hieu-tich- cuc-voi-nganh-logistics [5] Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet- dinh-221-QD-TTg-nam-2021-sua-doi-Quyet-dinh-200-QD-TTg-phat-trien-dich-vu-logistics-465626.aspx [6] Thời sự kênh VTC10 ngày 13/08/2018, chủ đề “Việt Nam hướng đến phát triển logistic xanh”. https://www.youtube.com/watch?v=7kEQB2GVzEA [7] Trang website “VLA”. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. [8] Vũ Phong Energy Group (3/11/2021)- Logistics Xanh- Mắt xích quan trọng cho sự phát triển bền vững, https://vuphong.vn/logistics-xanh/ [9] What Is Green Logistics and Why Does It Matter? (30/12/2021), https://optimoroute.com/green- logistics/ 2973
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0