YOMEDIA
ADSENSE
Xu thế kinh tế xanh: Phần 2
62
lượt xem 4
download
lượt xem 4
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
"Ebook Nền kinh tế xanh lam: Phần 2" được nối tiếp phần 1 cung cấp đến các bạn nội dung từ chương 11 đến chương 13 đưa ra tầm nhìn khác thường về những gì chúng ta có thể làm được trong bối cảnh một nền kinh tế bền vững.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Xu thế kinh tế xanh: Phần 2
- CHƯƠNG MƯỜI MỘT VÀNG THẬT: HẦM MỎ VỚI TÍNH CÁCH LÀ NỀN TẢNG CỦA VIỆC CHỮA TRỊ Thế hệ này trồng cây, thế hệ sau sẽ hưởng bóng mát. – Tục ngữ Trung Hoa LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬA CHỮA SAI LẦM CỦA QUÁ KHỨ Bạn hãy tưởng tượng mình vừa kết thúc một chuyến đi kéo dài 45 phút ở ngoài thành phố Johannesburg, thủ đô công nghiệp của toàn châu Phi. Chung quanh bạn, một khung cảnh hoang tàn như trên mặt trăng có thể làm phông tốt nhất cho một phim khoa học giả tưởng. Bạn đang đứng trên một núi quặng đuôi giàu urani và chứa nửa gram vàng trong một tấn. Bạn hình dung một đường thẳng bốn kilomet (12.000 feet ) hướng lên trời mới cảm nhận được độ lớn của một trong những mỏ sâu nhất thế giới, sâu tới bốn kilomet dưới chân bạn. Mặc dù chúng ta chỉ trích sự tàn phá môi trường, chúng ta cũng phải thán phục công trình kỹ thuật ấy. Sâu trong vỏ Trái Đất, nhiệt độ lên tới gần 54ºC. Bạn hãy hình dung năng lực chuyên môn cần phải có để giải quyết thách thức của việc điều hòa không khí và nhiệt độ cho 20.000 thợ mỏ làm việc ở độ sâu 4.000 mét dưới mặt đất. Phải sử dụng máy sản xuất nước đá để làm cho môi trường lao động dễ chịu hơn. Bạn thử nghĩ xem, những máy làm nước đá lớn nhất thế giới được vận hành trong lòng Trái Đất nóng bỏng để làm mát không khí. Ngay lập tức, nảy sinh câu hỏi trong đầu: “Có khi nào việc đó sẽ trở nên bền vững không?” Có khi nào những công ty khai thác mỏ hoàn thành công việc của họ và để lại cho cộng đồng địa phương một tình trạng tốt hơn khi họ đến không? Địa y là những thợ mỏ giỏi nhất, có khả năng tách ly những phân tử vô cơ đặc thù như magie ra khỏi những tảng đá và chia sẻ với mọi sinh vật khác trong hệ sinh thái. Vi khuẩn tạo
- chelate để tách ly kim loại một cách có chọn lọc. Chỉ có con người mới dùng sức mạnh thô bạo và độc chất mạnh, kể cả thủy ngân và xyanic để chiếm hữu loại quặng mong muốn. Mặc dù chúng ta còn thiếu kiến thức và kỹ năng để sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, nhưng chúng ta đủ sức làm tốt hơn trong tương lai. Trong lúc này, có lẽ chúng ta chưa có khả năng biến đổi việc khai thác mỏ thành một hoạt động không gây hại, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể vạch ra một chiến lược xoa dịu nỗi đau của xã hội và môi trường do việc khai thác mỏ gây ra. Từ đỉnh núi quặng đuôi, chúng ta khảo sát một trong những biểu hiện hung hăng nhất của lòng kiêu ngạo của loài người. Trang bị bằng dynamit, đồng thời tiêu thụ những lượng nước và năng lượng to lớn, hoạt động khai thác quặng tách ly những lượng vàng rất nhỏ ra khỏi đất sâu. Các thợ mỏ làm quần quật trong những giếng mỏ, phải chịu đựng những điều kiện sống và làm việc khổ cực khó có thể chấp nhận được, lại phải gởi những khoản tiền ít ỏi cho gia đình thường ở rất xa. Không ai biết bao nhiêu người trong bọn họ sẽ còn sống trong mười năm nữa, nhưng chắc chỉ còn rất ít người làm việc nổi. Khai thác quặng là một sự nghiệp đầy rủi ro. Ngay cả khi giá vàng trên thị trường đạt mức kỷ lục, không có gì bảo đảm là việc tách ly thứ kim loại quí giá này sẽ còn sinh lợi trong những năm sắp đến, nhất là nếu mọi chi phí ngoại tác và phục hồi đang đè nặng trên những cộng đồng sống chung quanh khu mỏ sẽ được trả từ dòng lợi nhuận hiện hữu. Khi quặng vàng sâu dưới lòng đất Nam Phi lên tới mặt đất, thỉnh thoảng có một lượng urani tự nhiên kèm theo. Quặng đuôi – những gì còn lại sau khi đã tách lấy vàng – bị vứt bỏ trên mặt đất, tạo thành một dãy ảm đạm nơi chân trời. Phong cảnh tuyệt vời của những vùng chung quanh bị che phủ, không phải bởi không khí ô nhiễm từ thành phố gần đó, mà bởi bụi bốc lên từ quặng đuôi có pha lẫn urani. Urani dần dần thoát ra không khí và nước, khiến mọi sinh vật đều bị phơi nhiễm bệnh ung thư có thể gây tử vong. Vì thế, vài tổ chức giám sát đã nhiều lần chỉ trích và gây sức ép để ban quản trị tìm cách giảm thiểu mức rủi ro cao ấy. Thật
- đáng buồn, vì các cổ đông thích thấy lãi đầu tư tăng đều, nên bất cứ kế hoạch nào nhắm tới sự giảm thiểu đều không đạt tới ngay cả ban quản trị. Bạn hãy tưởng tượng những hàm lượng vàng lớn nhất sắp lớp dưới những lượng nước dự trữ khổng lồ trên một lớp đá đolomit. Với chi phí năng lượng 1,5 triệu đô la mỗi ngày, nước và không khí được bơm vào các giếng mỏ để tạo ra một môi trường có thể chịu đựng được cho người lao động. Bây giờ, bạn nên hiểu là mỗi năm không khí thoát ra từ các giếng mỏ mang theo khoảng 100.000 tấn metan vào môi trường. Vì có thêm nhiều giếng mỏ mới nên có lẽ lượng metan thải hàng năm sẽ tăng gấp đôi trong suốt vài thập kỷ nữa. Ngoài tác động của nó trên bầu không khí, metan còn là một nhân tố rủi ro gây ra những vụ nổ khủng khiếp. Đó là lý do tại sao dụng cụ khai thác mỏ rất đắt. Chúng được chế tạo bằng đồng, titan hay berili vì những kim loại này không phát ra tia lửa. Việc khai thác mỏ còn gây ra những rủi ro sức khỏe và những nguy hiểm nghề nghiệp lớn. Johannesburg − hay Jo-burg như người địa phương gọi − có lẽ là thành phố công nghiệp duy nhất trên thế giới không nằm dọc theo một con sông hay ở một vùng duyên hải. Thay vì như thế, nó được xây dựng quanh những địa điểm khai thác mỏ. Việc bơm quá nhiều nước ngầm và chuyển hướng chảy của một con sông vào một đường ống dài 30 kilomet đã cắt đứt nguồn nước huyết mạch của ngành nông nghiệp địa phương. Cái vùng trước kia là khu vườn rau của siêu đô thị Jo-burg, ngày nay đầy những giếng mỏ và quặng đuôi trông như những vết thẹo. Nước có được để dùng bị ô nhiễm đến một mức độ đáng lo ngại; nó khiến đất không còn thích hợp cho việc sản xuất thực phẩm ít nhất trong một thế hệ nữa. Trên vùng đất khai mỏ hay chung quanh đó, không nên có bất cứ một hoạt động nông nghiệp nào, nhất là chăn nuôi bò. Các nhà địa chất và sinh vật học ngày càng hiểu biết nhiều hơn về cách hấp thu độc tố của nước, không khí và đất. Cây lá rộng tích trữ chất
- độc trong mô của chúng. Điều này gây rủi ro cho sức khỏe, nhất là sự nhiễm bẩn và phơi nhiễm bức xạ của những loài thú ăn cây ấy. Vì chỉ có ít dữ liệu nghiên cứu và giám sát nên các con số thống kê chưa chính xác. Cả giới doanh nghiệp lẫn chính phủ đều không thể có được một bức tranh tổng thể hay hiểu thấu đáo về quá trình phức tạp ấy. Do đó, những giai thoại và báo cáo khoa học sơ lược của người ngoài cuộc thường không hơn sự phỏng đoán bao nhiêu. Những thực tế xã hội và môi trường nói trên không phải là những lý do duy nhất khiến ngành khai thác mỏ bị căng thẳng. Cùng lúc giá vàng trên thị trường thế giới chưa bao giờ cao hơn, chi phí hoạt động cũng chưa bao giờ quá đáng như thế. Tình trạng còn xấu hơn nữa khi mạng lưới điện của Nam Phi bị quá tải nặng nề: Ủy ban Cung cấp Điện năng Nam Phi (ESKOM) đã thông báo cho ngành công nghiệp khai thác mỏ biết là họ không còn khả năng đáp ứng nhu cầu điện vì thiếu vốn đầu tư vào việc mở rộng sản xuất. Vì việc cung cấp điện không chắc chắn, nên giá điện để bơm không khí và nước tăng lên khiến tình trạng càng thêm trầm trọng. Điều này buộc các mỏ phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào máy phát điện hỗ trợ chạy bằng diesel nhằm bảo đảm an toàn cho công nhân làm việc dưới hầm và tạo ra một khu vực mà họ có thể lưu lại một thời gian bằng cách làm mát những đường thông mỏ nằm ở độ sâu vài ngàn mét. Đồng thời cần có điện để chuyển quặng từ dưới sâu 4.000 mét lên mặt đất. Nếu không có đủ điện, các mỏ buộc phải đóng cửa một, hai ngày trong tuần. Một cuộc kiểm kê kỹ lưỡng những tác động có hại của việc khai thác mỏ phải bao gồm cả đá vụn còn lại sau khi xử lý quặng, những đám mây bụi chứa urani bay lên từ quặng đuôi, quá trình sa mạc hóa và lún đất gây ra bởi việc bơm nước liên tục, sự tích tụ urani trong đất và các dòng nước. Chúng ta cũng không thể bỏ qua các tệ nạn xã hội liên quan đến những nhà khách mở ra cho thợ mỏ như một sự khuyến khích lây nhiễm HIV và những bệnh truyền qua đường tình dục khác. Sau khi thăm những mỏ sâu và mắt thấy tai nghe cuộc sống thực tế ở những nơi
- đó, người ta dễ thất vọng bởi mức độ suy thoái xã hội và môi trường hiển nhiên ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giải pháp giúp chúng ta có cách nghĩ tích cực, học hỏi một cách sáng tạo và hành động dứt khoát. Sự thật và việc hòa giải đã giúp Nam Phi vượt qua những khó khăn hết sức to lớn. Không thể đạt được tiến bộ bằng sự khiển trách, nhưng bằng nhận thức về những thiếu sót và một mô hình kinh doanh mới vừa làm hài lòng các cổ đông vừa cải thiện tình trạng địa phương. Những người ủng hộ đường lối ấy như Mark Cutifani, giám đốc điều hành của công ty Anglo Gold Ashanti, nên cam kết khai phá một con đường đi tới. BĂNG BÓ ĐỂ CHỮA VẾT THƯƠNG Việc vận hành một hầm mỏ nên được xem như một cuộc can thiệp vào vỏ Trái Đất tương tự như một ca giải phẩu cơ thể con người. Ngay cả khi chúng ta xem nó là một quá trình cần thiết, chúng ta cũng phải băng bó để vết thương lành lặn trở lại. Hai thế kỷ khai thác mỏ đã để lại nhiều hậu quả thảm hại, một số đã được mô tả bằng tư liệu, một số khác còn cần phải vạch trần, một việc cũng cần thời gian như quá trình phục hồi. Với những thiết bị cải tiến và sự hiểu biết sâu rộng hơn, những cách thực hành ít gây hại và bền vững hơn có thể và cũng nên được áp dụng. Theo quan điểm của những nhà quản lý theo mô hình kinh doanh cốt lõi, một khủng hoảng kinh tế đòi hỏi phải giảm chi phí về mọi mặt. Hiểu rõ những giới hạn của hoạt động theo lệ thường, giới quản lý phải tìm cách giảm các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, nếu như chúng ta định nghĩa lại những nguyên tắc kinh doanh cốt lõi, nếu như chúng ta chuyển hướng suy nghĩ của mình, thì chúng ta có thể tìm thấy những công nghệ phù hợp và những giải pháp tiết kiệm năng lượng vừa hạ thấp chi phí vừa tăng cường dòng tiền mặt. Sự đổi mới có thể tạo thêm thu nhập và vốn xã hội, hỗ trợ các cộng đồng địa phương ngay cả khi các mỏ đã cạn kiệt. Nếu chúng ta có thể tiết kiệm nhiều hơn, tăng nguồn thu nhập, phục hồi môi trường bị tổn hại và tạo thêm giá trị mới, đồng thời giảm vốn đầu tư, thì mọi người đều hưởng lợi ích. Để làm được việc đó,
- chúng ta chỉ cần tư duy ngoài khuôn khổ hiện nay. MỘT PHƯƠNG PHÁP CỐ ĐỊNH METAN Một vài mỏ tạo ra rất nhiều khí metan, một khí nhà kính góp phần lớn lao vào sự biến đổi khí hậu. Khối lượng metan thải ra từ một giếng mỏ tương đương với ít nhất 30 megawatt điện. Hiện nay, người ta bơm nó từ các giếng mỏ ra ngoài không khí vì lầm tưởng không có công nghệ nào có thể hấp thu metan với hàm lượng dưới 0,2 phần trăm. Nếu như “chất thải” ấy được giữ lại để sử dụng, nó có thể tạo ra điện năng mà công ty khai thác mỏ bình thường phải mua với giá ít nhất 18 cent mỗi kilowatt giờ. Việc sử dụng nguồn khí tự nhiên ấy của chủ mỏ sẽ bổ sung vào lượng điện lớn cung cấp bởi ESCOM, công ty năng lượng Nam Phi đang bị căng thẳng cao độ. Hầu hết khí metan từ các mỏ bị để mất trong bầu khí quyển, mặc dù các bên ký Nghị định thư Kyoto có thể được đền bù bằng những chứng chỉ carbon cho việc giữ lại metan hay ngay cả việc đốt cháy nó tại nguồn. Các chứng chỉ carbon đầu tiên cho việc thiêu đốt metan được cấp cho mỏ South African Beatrix Mine của công ty Gold Fields. Metan gây ô nhiễm gấp khoảng 21 lần CO 2 và được tính bằng đương lượng CO 2 trong tín chỉ carbon. Các tín chỉ này có thể mang lại 10 triệu đô la trong bốn năm với ít vốn đầu tư, đồng thời giúp cải thiện đáng kể điều kiện lao động dưới hầm mỏ. Thời hạn thu hồi phí tổn lắp đặt ống để giữ lấy và dẫn khí metan ngắn hơn một năm. Rõ ràng những nghị định thư về biến đổi khí hậu không làm suy yếu sức cạnh tranh trên thị trường của bạn. Những tín chỉ carbon có thể là một bổ sung vào tổng lợi nhuận và khiến một giếng mỏ sản xuất không đáng kể trở nên sinh lợi, đồng thời góp phần ổn định xã hội trong khu vực và biện minh cho việc đầu tư thêm vào lĩnh vực an toàn trong một thị trường mở. Tuy nhiên, việc đốt cháy khí metan để đổi lấy tín chỉ carbon trong một nước đối mặt với tình trạng mất điện hoàn toàn có vẻ như lỗi thời; nó chỉ chạm tới bề mặt
- của tiềm năng rộng lớn. Các mỏ có thể cung cấp cho thị trường năng lượng nhiều hơn là những tín chỉ carbon. Ngay cả với một hàm lượng trung bình chỉ tới 0,1%, ước tính tổng thể tích metan thải ra trong một năm tối thiểu sẽ là ba triệu tấn. Trong trường hợp các mỏ gần Johannesburg, mỗi giếng mỏ có thể thải hơn sáu triệu tấn trong vòng 25 năm tới. Những công nghệ lọc khí hiện nay đòi hỏi một hàm lượng lớn hơn nửa phần trăm. Người ta nhận thấy có ít nhất vài giếng mỏ đạt tới mức độ ấy. Trên thực tế, hàm lượng metan trong không khí thoát ra từ hầm mỏ thường được giữ ở mức thấp hơn 0,5% bằng cách trộn lẫn khí có hàm lượng cao và hàm lượng thấp với nhau. Những kỹ sư sáng tạo chắc chắn sẽ vượt quá tiêu chuẩn thị trường hiện nay và chế tạo những thiết bị lọc không khí có hiệu quả ngay cả với những hàm lượng thấp hơn nhiều. Một hàm lượng metan đạt mức trung bình 0,1% sẽ khiến việc lọc không khí chỉ mang lại lợi tức không đáng kể. Mặc dù Cơ chế Phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto được lập ra nhằm bổ sung nguồn tài chính cho những việc đầu tư ít hấp dẫn như thế, nhưng một chương trình tổng hợp sử dụng công nghệ xoáy nước, tuabin gió, thiết bị trao đổi nhiệt và việc cung cấp nước uống sẽ tạo ra nguồn thu nhập đủ mạnh để hỗ trợ chiến lược lọc sạch không khí. Công ty trách nhiệm hữu hạn MEGTEC System, một nhà cung cấp công nghệ lọc không khí Thụy điển, đã lắp đặt những hệ thống làm giảm hàm lượng metan xuống còn 0,1% bằng quá trình oxy hóa mà không cần bổ sung năng lượng cho quá trình ấy. Năm 1983, West Cliff Collier Power Plant xây dựng một nhà máy điện có công suất 1,2 megawatt, và hai năm sau lại xây một nhà máy khác lớn hơn có công suất 12,5 megawatt, sử dụng lượng khí metan trong không khí thông gió. Trong cốt lõi của công nghệ này là một hệ thống có khả năng oxy hóa metan với hàm lượng cực thấp trong khi xử lý những khối lượng không khí rất lớn – một kết hợp điển hình của việc thông gió hầm mỏ. Điều cần chú ý ở đây là hàm lượng metan nhỏ hơn một phần trăm và dự án chỉ mới xử
- lý một phần năm thể tích không khí tổng cộng từ giếng mỏ. Với lượng điện sản xuất được đúng sáu megawatt, nhà máy điện giúp giảm phát thải một lượng metan tương đương với 200.000 tấn CO 2 trong một năm. Mô hình ấy cho thấy rõ ràng cách thức tự nhiên hoạt động với những gì có được ở địa phương, vừa thu thập những gì có ích cho công việc. Ngay cả những lượng metan rất nhỏ cũng có thể mang lại lợi ích. Nếu như các mỏ khổng lồ quanh Johannesburg sử dụng công nghệ MEGTEC hay một công nghệ tương tự để giữ lấy khí metan, họ sẽ có thể vận hành một cơ sở có công suất từ 90 đến 180 megawatt. Con số này tương đương với 50% nhu cầu năng lượng hiện tại của họ. Mặc dù chỉ là ước tính, các con số cơ bản ấy đủ sức hấp dẫn để bảo đảm việc thực hiện được tiếp tục. Lẽ ra nhiều mỏ đã có thể theo đuổi chiến lược ấy nhưng không mỏ nào làm vì ban quản trị không thể nào phá bỏ rào cản do chính sách kinh doanh cốt lõi của họ dựng nên tạo ra. Nhưng chắc chắn sẽ có người thấy ý nghĩa của việc giữ metan lại để đổi lấy chứng chỉ carbon cùng với khả năng sinh lợi và sự sống còn của hành tinh. Còn có một cơ hội lớn khác đang chờ bạn nắm lấy. BIẾN ĐỔI NƯỚC TỪ TỐN KÉM THÀNH SINH LỢI Nước tinh khiết trong veo, vô trùng và hấp thụ năng lượng tích cực của những trầm tích vàng, được hút lên từ những khe đá nứt nằm sâu dưới đất. Hiện nay, nó được dùng để pha loãng nước sử dụng trong công nghiệp với độ ô nhiễm cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước thải. Chúng ta khó có thể tưởng tượng một sự phung phí nước sạch nào hơn: hòa lẫn với nước độc để cho loại nước “trung bình” đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn tối thiểu? Ngoài sự thiếu hụt năng lượng ra, Nam Phi còn khổ sở vì thiếu nước trầm trọng. Các dự đoán về lỗ hổng giữa cung và cầu thật bi đát. Trong khi phải bơm nước sinh hoạt cho Johannesburg qua ống dẫn từ Lesotho với giá đắt đỏ, hàng ngày các mỏ vàng như Driefontein và Kloof lấy mất đi 100.000 mét khối.
- Thay vì pha nước sạch với nước ô nhiễm, vi khuẩn tạo chelate hay công nghệ xoáy nước có thể – một cách dễ dàng và với giá rẻ – tách độc chất và chất bẩn ra khỏi nước ô nhiễm để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nước thải. Chi trả mỗi ngày 10 triệu rand (500 triệu đô la mỗi năm) để bơm nước khỏi hầm mỏ và trả nó lại trong tình trạng không thể uống được; việc ấy không phù hợp với nhu cầu của một xã hội phải chịu thiếu nước trầm trọng. Ngược lại, sẽ có ý nghĩa hơn nếu chuyển đổi từ văn hóa cắt giảm chi phí sang tư duy tạo ra thu nhập bằng việc đáp ứng yêu cầu của thị trường và nhu cầu của cộng đồng. Điều ấy đồng nghĩa với việc gây dựng vốn xã hội, và đó là điều mà một dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như Nam Phi có quyền chờ đợi ở doanh nghiệp và các nhà lập chính sách. Không những có thể thoản mãn nhu cầu nước của dân cư địa phương, những công ty khai thác mỏ còn có thể vận hành một công ty phụ thuộc cung cấp nước uống đóng chai nữa. Vì sự nguy hiểm của urani hòa tan trong nước, công nghệ chelate là cần thiết để loại bỏ an toàn chất ấy ra khỏi nước đóng chai. Hơn nữa, ban quản trị nhà máy còn có thể dễ dàng tìm thấy những khe nứt không nhiễm urani, và như thế có thể rút nước từ những nguồn có tiềm năng sinh lợi nhất. Việc thành lập công nghiệp nước đóng chai ban đầu bán được mỗi ngày 100.000 chai là một khả năng hấp dẫn. Với một ít tưởng tượng, chúng ta cũng có thể mở rộng ngành công nghiệp ấy sang nhiều mặt sinh lợi khác, chẳng hạn như mở hãng cung cấp nước uống tự nhiên có chất lượng cao và nước thượng hạng từ nguồn sâu dưới đất phát ra năng lượng tích cực mà nó nhận được từ những trầm tích vàng ở gần nguồn. Hay ngay cả nước chứa một lượng vảy vàng thật nhỏ có lợi cho sức khỏe. Chắc chắn có thị trường cho những loại nước như thế. Kế hoạch thực hiện dựa vào những kinh nghiệm tương tự trên khắp thế giới hầu như không cần phải nghiên cứu tính khả thi. Chưa đầy một thập kỷ, công ty Fiji Water đã phát triển từ số không để chiếm một thị trường ngách ở Mỹ trị giá 200 triệu đô la. Ở Hawaii, những nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã bơm nước từ độ sâu 600 mét, vô chai và vận
- chuyển mỗi ngày 200.000 chai tới đất nước Thái dương Thần nữ, bán mỗi chai với giá tương đương 10 đô la. Qua những kênh cung cấp chọn lọc, Las Gaviotas hưởng lợi từ việc bán nước đóng chai cho thủ đô Bogotá, đồng thời phân phối nước uống miễn phí cho người dân địa phương. Cách quản lý nước ở một địa điểm khai thác mỏ như trên cho thấy có thể biến đổi chi phí thành thu nhập như thế nào. Nếu như kinh doanh nước khe nứt một cách riêng biệt thì sẽ phải gánh chịu chi phí đầu tư không thể thu hồi lại để đạt tới nguồn nước nằm sâu trong vỏ Trái Đất. Mặc khác, công ty mỏ phải chịu những chi phí ấy để thực hiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ là “khai thác vàng”. Bằng cách cung cấp nước uống rẻ và an toàn cho cư dân địa phương, công ty mỏ không chỉ biến đổi chi phí thành thu nhập; họ còn tẩy bớt vết nhơ là đã gây ô nhiễm và làm lún đất, chứng tỏ họ có trách nhiệm xã hội, và qua đó cải thiện thanh danh quốc tế của họ. Ngay cả một “mỏ vàng” chính hiệu cũng có thể sử dụng giá trị cao hơn cho nhãn hiệu của nó. TIẾT KIỆM NHỜ ĐIỆN KHÍ HÓA Hầm mỏ cần những lượng điện to tát để bơm nước và không khí, làm mát giếng mỏ, tạo nước đá và vận chuyển quặng. Nhiều nhà máy điện khổng lồ được xây dựng trên khu đất mỏ. Do đó, chỉ là lẽ phải thông thường nếu chúng ta khảo sát những khả năng tiết kiệm chi phí điện. Có lẽ đây là một môi trường lý tưởng để áp dụng mô hình toán học mà Jay Harman đã lấy ý tưởng từ ốc anh vũ, nhằm nâng hiệu quả năng lượng lên 20 đến 30% trong máy thông gió và máy trộn hay những ứng dụng khác trong việc vận chuyển nước và không khí. Có lẽ đó cũng là một cơ hội ứng dụng công nghệ xoáy nước của Curt Hallberg. Máy làm nước đá cần cho việc điều hòa nhiệt độ và đặt trong những giếng mỏ sâu tiêu thụ nhiều điện vì nước chứa một lượng lớn bong bóng không khí. Sử dụng công nghệ xoáy nước dựa vào trọng lực sẽ giảm chi phí năng lượng từ 10 đến 15%. Hơn nữa, còn có khả năng sử dụng trọng lực khi phải vận chuyển nước và không khí lên xuống cả 4.000 mét. Nếu chúng ta xem
- xét những công nghệ đổi mới khác có nguồn gốc từ khả năng thích ứng của tự nhiên, chúng ta còn có thể tiết kiệm nhiều năng lượng hơn nữa và giảm rủi ro nổ hầm bằng cách sử dụng ánh sáng lạnh như ánh sáng phát quang của nấm và mực, thay vì dùng bóng đèn thông thường. Trong những giếng mỏ tối tăm nhất, không nên dùng điện lưới hay máy phát hỗ trợ chạy bằng dầu nặng, nếu như có thể dựa vào những hóa chất đơn giản để tạo ra ánh sáng. ÐIỆN NĂNG TỪ LUỒNG KHÔNG KHÍ Cũng như nước, những luồng không khí là sản phẩm phụ của việc khai thác mỏ có thể sử dụng dễ dàng để tăng thêm thu nhập. Những luồng không khí được tạo ra bởi một khoảng chân không và rời khỏi giếng mỏ với áp suất cao. Khi một lượng không khí gây sửng sốt là 2.800 mét khối trong một giây được thải vào khí quyển, chúng ta dễ dàng hiểu rằng vài tuabin gió năng suất cao – với đặc tính chống ma sát như đã thấy ở cá voi – có thể giữ lấy một phần năng lượng. Việc bơm không khí mới vào những giếng mỏ ấy tạo ra một khoảng chân không mà một luồng khí thải tràn vào, dễ dàng làm cho một chục tuabin gió quay đều đặn. Trong khi phải chi trả nhiều cho điện lưới cung cấp bởi công ty điện lực của Nam Phi (ESKOM), thì lợi tức từ những tuabin chạy bằng gió ở cả lối vào lẫn lối ra của giếng mỏ sẽ vượt quá 50% chi phí ban đầu. Căn cứ trên con số đó, rất khó biện minh cho việc đầu tư vào máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel. SẢN XUẤT ÐIỆN TỪ NHIỆT ÐỘ VÀ ÁP SUẤT Những chênh lệch nhiệt độ do hoạt động khai thác mỏ tạo ra là một nguồn lớn lao khác cho việc sản xuất điện. Các thái cực nhiệt độ ấy có nguồn gốc từ việc làm nước đá, bơm không khí nóng ra ngoài và vận chuyển quặng từ sâu trong lòng đất. Chúng sẽ trở thành những nguồn năng lượng hữu ích chỉ đơn giản bằng cách lắp đặt những thiết bị trao đổi nhiệt ở nơi thích hợp. Thiết bị trao đổi nhiệt không phải là cái gì mới. Tuy nghiên, công nghệ này chưa được dùng nhiều ở các mỏ, ngoại trừ cho Sáng kiến Nước mỏ (Mine Water Initiative) thực hiện ở những
- mỏ than cũ của Hà Lan và Đức hiện đang hoạt động với tính cách là hệ thống cung cấp nước nóng cho địa phương. Đã qua rồi những ngày điện ở Nam Phi hoặc có giá rẻ hoặc được trợ giá. Bây giờ, sử dụng năng lượng hiệu quả là yêu cầu cấp bách và tối thượng. Nếu xét rằng công nghệ nano cho phép vận hành điện thoại di động với một chênh lệch nhiệt độ chỉ 0,3ºC, thì chúng ta hãy tưởng tượng xem có thể làm gì với một chênh lệch tới 20ºC ở các mỏ. Một dự án sản xuất năng lượng đang được tiến hành – trên bình diện kỹ thuật cũng như thương mại – tại châu Âu với một chênh lệch chỉ từ hai đến ba độ. Thêm chất liệu để suy nghĩ: ở độ sâu 4.000 mét, có thể dùng phương pháp nào để biến đổi tiềm năng áp điện thành một nguồn điện? PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG Logic đầy sức thuyết phục của tín chỉ carbon, tính sinh lợi và hoạt động phục hồi có hiệu lực đối với mọi nguồn năng lượng: tuabin điện gió, thiết bị trao đổi nhiệt và máy phát điện chạy bằng khí metan. Khó có thể bào chữa cho việc bỏ qua bất cứ một khả năng nào khi tính chuyện lợi nhuận và giảm chi phí. Thật vậy, có nhiều khả năng lựa chọn. Công ty Gold Fields, chủ nhân của một trong những mỏ vàng lớn nhất ở Jo-burg, sở hữu một vùng đất bao quanh lớn đến độ gây kinh ngạc là 175.000 mẫu Anh. Họ mua tài sản ấy trong nhiều năm từ những nhà nông không còn khả năng đạt năng suất chấp nhận được vì thiếu nước. (Hãy nhớ lại là các hoạt động khai thác mỏ cần hết sức nhiều nước khiến mực nước ngầm ở vùng chung quanh hạ xuống thấp. Mặc dù Gold Fields thật đáng khen khi trồng hoa hồng trên một phần đất ấy để bán, nhưng hầu hết đất của họ có thể được nhanh chóng dùng vào việc sản xuất diesel sinh học. Nam Phi có chính sách hỗ trợ diesel sinh học, miễn thuế cho những nhà sản xuất loại nhiên liệu này. Mặc dù việc ấy đáng được hoan nghênh nhưng đồng thời cũng khiến người ta phải nhăn trán nhíu mày vì khó có thể biện minh cho việc trồng cây để sản xuất ethanol khi vì thế mà thiếu đất trồng cây lương thực cho người và thú. Một nước phải đấu
- tranh để nuôi trẻ em của mình cần phải đặt ưu tiên đúng chỗ. Nếu đất cần để sản xuất thực phẩm được dùng cho diesel sinh học, điều ấy sẽ làm tăng giá thực phẩm và đặc biệt ảnh hưởng tới những người sống bên lề xã hội. Tuy nhiên, vì chứa đựng rủi ro nhiễm bẫn urani, không phải tất cả đất đai ở quanh những hầm mỏ đều có thể dùng để sản xuất thực phẩm được, nhưng lại rất tốt cho việc trồng hoa hồng cũng như cây nhiên liệu. Nếu đưa 50.000 mẫu Anh vào sản xuất, trong vòng hai tới bốn năm sẽ tạo ra được 100.000 đến 120.000 tấn nhiên liệu sinh học, tùy theo loại cây trồng. Đồng thời, có thể nhổ những cây xâm hại và hút nước quá đáng như bạch đàn và keo đen ( Acacia auriculiformis ), thay thế chúng bằng loại cây cho dầu và nâng mực nước ngầm trở lại với thời gian. Để tiếp tục lưu chuyển chất dinh dưỡng, có thể trồng nấm trên sinh khối dồi dào còn lại sau khi thu hoạch dầu, dĩ nhiên với điều kiện nó không bị nhiễm bẩn hay nhiễm bức xạ đáng kể. Một lựa chọn khác hay một bổ sung là sử dụng khí metan giữ lại từ chất thải nông nghiệp. Nhờ đó, tỉ lệ thất nghiệp trên 50% ở các cộng đồng sống quanh những hầm mỏ có thể giảm một cách ấn tượng. Chỉ riêng những tín chỉ carbon cũng đủ để trả chi phí ban đầu cho một hoạt động như thế. Cho tới gần đây, không ai nghĩ là châu Phi có thể tạo ra tín chỉ carbon. Nếu như các mỏ khai thác tiềm năng về diesel sinh học, họ có thể vạch đường cho một đóng góp lớn lao vào việc giảm thải khí nhà kính. Chuyển đổi việc khai thác mỏ thành một hoạt động có sức cạnh tranh, cải tạo đất canh tác, phục hồi đa dạng sinh học, đem lại việc làm cho cộng đồng, tăng hiệu quả năng lượng nhờ sử dụng những nguồn sẵn có và công nghệ đổi mới, cũng như cung cấp nước cho công nghiệp và cộng đồng địa phương, hoạt động ấy sẽ là một việc kinh doanh có đủ tiêu chuẩn để nhận “nhãn hiệu giá trị”. Đó không phải là một sáng kiến đắt tiền nhằm tạo mối quan hệ với quần chúng, thu hút thiện cảm và lòng tin của cộng đồng. Đúng hơn, đó là một phương pháp cơ bản của công việc quản lý hằng ngày nhằm tăng dòng tiền bằng cách giảm mạnh
- chi phí và cải thiện thu nhập. Theo quan điểm của nhà quản lý, vốn xã hội được tạo ra trong quá trình cắt giảm chi phí và tăng thu nhập là sự hoàn thiện bước cuối. Tại sao không? Nếu một cách tiếp cận hệ thống như thế trở thành một phần của văn hóa quản lý,thì những vấn đề thông thường làm mất thì giờ của giới quản lý sẽ không còn là một nhân tố gây căng thẳng nữa, nhưng là một phần của việc sử dụng nguồn lực hiệu quả và tạo ra thu nhập. Biểu đồ 12. Quặng mỏ với tính cách là một thác nhiều tầng CHELATE HÓA QUẶNG PHỨC HỢP Bây giờ, chúng ta chú tâm đến vấn đề nhạy cảm là urani. Dù muốn dù không, urani cũng thường được tìm thấy trong hỗn hợp với vàng. Thali và đồng cũng là những sản phẩm phụ thông thường của quá trình chế biến quặng. Vì vậy, chúng được gọi là “quặng phức hợp”. Khi giá urani xuống thấp đến nỗi việc tách ly không còn sức cạnh tranh nữa thì các mỏ vàng ngừng sản xuất urani. Nguồn thu nhập trở thành chất thải và sau vài thập kỷ bị thải xuống sông, urani tích tụ trong những vùng ngập nước và đáy sông. Theo một số nhà hoạt động môi trường, khủng
- hoảng ô nhiễm đã đạt tới mức độ bi thảm và chi phí phục hồi liên quan đến khủng hoảng ấy dễ dàng lên tới hàng trăm triệu đô la. Trong khi khoa học chưa rõ ràng và phí tổn chưa được tính kỹ, các công ty không thể xua tan sự ngờ vực ngày càng tăng thêm, cũng như không thể từ chối trách nhiệm chi trả những khoản tiền có thể là lớn lao trong tương lai. Một công ty cổ phần sẽ phải mất phần dự phòng vào cái ngày mà ban quản trị được thông tin về các rủi ro. Những rủi ro ấy phải được báo cáo cho các cơ quan giám sát thị trường chứng khoán; ngay lập tức, các cơ quan này sẽ ép giá cổ phiếu. Bạn hãy nhớ lại là sự nhiễm bẩn PCB (polychlorinated biphenyl) và amiang không bị xem là có vấn đề khi chúng được sử dụng rộng rãi trong những năm 1960. Nhưng mới đây, các công ty GE (Hoa Kỳ) và ABB (Thụy Sĩ) đã đáp ứng các yêu cầu bồi thường liên quan đến sự nhiễm bẫn ấy với những khoản tiền gây sững sốt là 500 triệu và một tỉ đô la. Những cơ hội về nước và năng lượng được mô tả ở trên là thực tế. Nếu các nhà quản lý muốn tránh tác động tiêu cực của sự sụt giảm giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán trên việc tư bản hóa công ty của họ, thì họ cần sớm có phản ứng tích cực đối với khủng hoảng có thể xảy ra vì urani gây ô nhiễm bẩn cho nước và đất trồng trọt ở địa phương. Với một vấn đề nhạy cảm như thế, thông thường những nhà phân tích giải thích nguy cơ phải phục hồi môi trường trong tương lai và sự cuồng loạn của hệ thống truyền thông đại chúng là nguyên nhân của việc mua bán cổ phiếu hiện nay với giá thấp hơn khi đến hạn thanh toán. Rồi các cổ phiếu phải chịu xu hướng giảm mạnh. Có khá nhiều thời gian để đầu tư vào những đổi mới có khả năng biến đổi vấn đề thành cơ hội trước khi phải đăng ký rủi ro với cơ quan giám sát thị trường chứng khoán. Công nghệ tạo chelate (phức càng cua) đã tồn tại trong vài thập kỷ. Nó dựa trên một phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả trong việc tách ly kim loại quý và những chất độc hại như urani, thali và chì. Các phối tử khép vòng kết nối chặt chẽ với ion kim loại khiến nó trở thành chất trơ, không thể hoạt động được nữa. Nhà cung cấp hàng đầu
- công nghệ ấy là công ty tiên phong Prime Separations đã tập hợp một ê kíp kỹ sư nhằm ứng dụng kỹ thuật tạo chelate quan sát được ở vi khuẩn. Nó được phát triển bên cạnh những phương pháp đổi mới khác nhằm thu hồi lại kim loại cả khi chúng đã phân tán thành những lượng rất nhỏ, giống như khả năng cố định kim loại đồng của nấm tai mèo ( Auricularia Polytricha ) hay cố định chì của cây phong lữ ( Geranium spp ) vậy. Hoạt động của những loài này có hiệu quả gấp triệu lần những lò luyện kim phức tạp đang được dùng để xử lý quặng hỗn hợp. Các nhà quản lý nên nhớ lại là việc khai thác mỏ sẽ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu nên không thể tiếp tục mãi. Theo dự đoán, những trầm tích vàng sẽ hết trong vòng nửa thế kỷ nữa. Công nghệ của Prime Separations đóng góp vào hoạt động khai thác mỏ bằng một phương pháp liên tục chiết xuất vàng, urani, thali hay bất kỳ một nguyên tố nào khác trong bảng tuần hoàn. Đặc biệt việc tinh chế vàng từ cả quặng đuôi lẫn những vùng ngập nước chung quanh có thể được chi trả bằng những khoản tiền dự trữ trong một hay hai thập kỷ tới. Việc này sẽ cải tạo đất và khu vực cho hoạt động kinh tế kế tiếp và tránh được số phận của những công ty như Combustion Engineering (CE) và ABB, những công ty phải thanh toán hóa đơn cho việc gây ô nhiễm 40 năm về trước. Công nghệ tạo chelate học được từ vi khuẩn không chỉ giới hạn trong việc thu hồi kim loại nặng. Trong những vùng địa lý khan hiếm nước, chẳng hạn như các mỏ vàng ở Venezuela và Burkina Faso, bí quyết của Prime Separations có thể trở thành một nhân tố then chốt của việc chế biến quặng trong chu trình nước khép kín. Với công nghệ ấy, không cần phải xây lắp ống dẫn hay vận chuyển nước từ sông bằng xe tải hay chi trả những khoản tiền to tát cho hệ thống thẩm thấu nghịch. Ở những mỏ mới có chứa thali, cũng có thể tinh chế kim loại này bằng công nghệ tạo chelate . Thali 203 tinh chế được Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos bán với giá mỗi kilogam 1.800 đô la. Đó là thu nhập thực từ việc chiết xuất liên tục từ quặng đuôi và trầm tích. Đó là tiết kiệm chi phí thực sự. Sẽ không còn hóa đơn phải trả sau 40 năm nữa. Trái lại, sẽ
- có đất cải tạo bằng phương pháp sinh học với giá trị đáng kể ở gần một thị trường đô thị rộng lớn. Bạn hãy nhớ lại: giá trị đất là lợi ích thực sự của dự án Las Gaviotas. Trong trường hợp các mỏ vàng Nam Phi, chúng ta có thể thấy việc làm tăng giá trị đất là một cách thức quan trọng để giữ vững giá trị cổ phần và tích lũy vốn xã hội. HẦM MỎ VỚI TÍNH CÁCH LÀ NHÀ MÁY LỌC SINH HỌC Nhiệm vụ của ban quản trị mỏ đòi hỏi phải có tầm nhìn xa trông rộng; đó là một ưu thế. Công tác vận hành một hầm mỏ hoàn toàn không phải là một việc kiếm tiền mau lẹ. Từ lúc nhận giấy phép khai thác mỏ và được quyền chế biến quặng cho đến khi bán sản phẩm thường kéo dài một thập kỷ hay lâu hơn nữa. Công ty phải sẵn sàng đầu tư vào quỹ ủy thác được luật pháp qui định để phục hồi đất hay chi tiền cho việc tạo dựng một tương lai sau thời gian khai thác mỏ. Trong ý nghĩa đó, ban quản trị mỏ phải nhận thức sâu sắc rằng tương lai nên được hình dung ngay bây giờ. Tuy nhiên, quyền sử dụng 400.000 mẫu Anh chỉ cách trung tâm Johannesburg 45 phút có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông hơn mọi tưởng tượng từ trước tới nay. Nông nghiệp không phải là lĩnh vực duy nhất có thể nhận được dòng đa thu nhập nhờ ý tưởng nhà máy lọc sinh học. Việc khai thác mỏ cũng có thể đạt được lợi ích ấy chỉ bằng cách sử dụng những gì có được ở địa phương. Nếu chúng ta hình dung việc xử lý lại quặng đuôi trong một cơ cấu tài chính mới có khả năng trả lại vẻ đẹp tuyệt vời ban đầu cho cảnh quan và đưa urani vào thị trường, thay vì để nó tích tụ trong đất bề mặt và nước; nếu được như thế, văn hóa và lịch sử phong phú của vùng sẽ là một tài sản quí báu. Tài sản này có thể là biểu hiện của giá trị lớn nhất của mỏ vàng trong đánh giá của các nhà đầu tư. Không ai dành thì giờ để xác định giá trị những tài sản của vùng đất chung quanh. Thậm chí chúng cũng không được định giá trong sổ sách kế toán của các công ty. Đất đai được xem như một tài sản tốn kém mà chủ đất sẵn sàng bán đổ bán tháo cho bất cứ người nào. Bạn sẽ trả bao nhiêu cho đất có nguy cơ nhiễm bẩn urani? Giá trị của đất ấy sẽ như thế nào nếu nó còn nguyên
- sơ, xinh đẹp? Nhiều khi phải cần một người ngoài để chỉ cho bạn thấy cái đặc biệt ở ngưỡng cửa của bạn. Nếu qua thời gian, mỏ vàng và urani được biến đổi thành một hệ thống cung cấp nước và năng lượng, kết hợp với triển lãm về những kỹ thuật kỳ diệu cho phép khai thác quặng ở độ sâu 4.200 mét, thì mỏ ấy sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn công chúng và có khả năng tự trang trải. Jo-burg là một trong những thành phố nhộn nhịp nhất châu Phi. Xét về những địa điểm văn hóa, tự nhiên và công nghiệp được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới, thì chắc chắn những mỏ vàng với môi trường thiên nhiên và bối cảnh lịch sử của chúng có đủ điều kiện để được sự công nhận quốc tế này. Ít khi có tiềm năng nối kết lẫn nhau giữa một nền tảng kinh tế bền vững cần cho quặng mỏ, yêu cầu thực hiện những chính sách xã hội - môi trường quốc gia và việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ ở một nơi nào khác như ở những địa điểm khai thác mỏ quanh thành phố Johannesburg. Rất có khả năng đạt lợi ích ngay tức thì cũng như lâu dài. Những công nghệ làm cơ sở cho các ý tưởng trình bày trên đây đang hiện hữu, một số khác mới là dự kiến và cần được nghiên cứu thêm. Điều chắc chắn là những mỏ từng bị phê phán trong quá khứ và vẫn còn nằm trong tầm ra-đa của chính phủ cũng như những tổ chức phi chính phủ, ít khi được nhìn dưới ánh sáng tích cực như trong chương này. Chúng là những hệ thống với nhiều mối liên kết và có khả năng đóng góp cho xã hội. Một hầm mỏ với danh hiệu là một Địa điểm Di sản thế giới cung cấp nước uống cho người nghèo, phục vụ tầng lớp trên của thị trường với nước chứa vảy vàng, tăng thêm thu nhập nhờ những tín chỉ carbon, giảm mạnh chi phí bằng cách sử dụng những nguồn năng lượng sẵn có, đa dạng hóa hoạt động sản xuất năng lượng và thực phẩm, tạo công ăn việc làm và mở ra một tương lai cho những cộng đồng sống quanh nó; một hầm mỏ như thế sẽ được kính nể, khâm phục, đánh giá cao, sẽ nhận được giá trị cổ phiếu và lời khen ngợi của công chúng ngay từ khi nó mới bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm của
- quá khứ. KỸ THUẬT TÀI CHÍNH Không cần đến một nhà chiến lược tài chính để chuyển đổi các cơ hội nói trên thành dòng tiền mặt, cũng không cần một nhà phân tích doanh nghiệp để hiểu giá trị của độ rủi ro kinh doanh thấp cùng với vốn xã hội được cải thiện. Điều thiết yếu không phải là biết rõ mọi cơ hội nhưng là tạo ra một biến chuyển trong văn hóa quản lý. Thay vì tập trung chú ý vào một vấn đề chủ yếu duy nhất như hiện nay, cần phải quan tâm đến cấu trúc mạng lưới mở rộng ra ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi. Có lẽ sự chuyển đổi này là thách thức lớn nhất của các nhà doanh nghiệp. Một mỏ vàng vẫn sẽ là một mỏ vàng, nhưng các đầu vào và đầu ra đa dạng – dễ dàng giao cho những dịch vụ bên ngoài phụ trách và đưa vào khuôn khổ quản lý dây chuyền cung cấp –, các đầu vào và đầu ra ấy bây giờ phải được xem xét dưới các khía cạnh: giảm bớt chi phí, nâng cao thu nhập, đạt lợi tức dài hạn, cải thiện việc tư bản hóa thị trường, giảm rủi ro kinh doanh nhờ có được dòng tiền mạnh mẽ và phát triển một doanh nghiệp linh động sẵn sàng mạo hiểm và đổi mới. Đó là những đặc tính tiêu biểu của các công ty dẫn đầu thị trường thường được khen thưởng về sự tiên kiến và tầm nhìn của họ. Như vậy, con đường tiến tới dựa vào những giá trị tham chiếu về công nghệ cũng như kỹ thuật tài chính tiến bộ tính đến giá trị thực và giá trị tương lai của mọi tài sản. Một cơ sở logic có sức thuyết phục dựa vào khoa học vững chắc và tính khả thi về mặt kinh tế đang chờ quyết định của các nhà quản lý và sự chấp thuận của các cổ đông. Rồi những công ty khai thác mỏ ở Nga, Trung Quốc, châu Phi, Hoa Kỳ và châu Mỹ La-tinh có thể chứng minh rằng, mặc dù có một lịch sử đáng tiếc, nhưng cũng có một tương lai đầy hy vọng và một hiện tại với ý định tốt.
- CHƯƠNG MƯỜI HAI TÒA NHÀ DO NHỮNG DÒNG CHẢY THIẾT KẾ Rõ ràng ghi chép của da Vinci cho thấy ông đã xem thành phố như một cơ thế sống, trong đó người ta, của cải vật chất, thực phẩm, nước và chất thải cần phải chuyển động và tuôn chảy dễ dàng để thành phố luôn được khỏe mạnh. - Frithof Capra (trong quyển “Khoa học của Leonardo”) SÁNG TẠO MỘT HỆ SINH THÁI NHÀ Ở Mỗi hệ thống sống đều tìm nơi trú ẩn như tổ chim, vỏ hạt dẻ, màng tế bào tảo. Mỗi vật sống đều vạch ra cho mình một ranh giới mỏng manh giữa bên trong và bên ngoài. Mỗi sinh vật đều tìm một cách đặc biệt để đạt trạng thái ổn định nội tại, điều hòa nhiệt độ và độ ẩm, dự trữ thức ăn, bảo đảm sức khỏe và sự sinh tồn. Trong thời gian gần đây, thiết kế nhà ở đã trải qua nhiều biến đổi, dù không phải lúc nào cũng là một cải tiến. Cấu trúc nhà ở của chúng ta hiện nay vượt xa một nơi cư trú đơn thuần. Nó đem lại những điều thuận tiện phù hợp với ý tưởng của chúng ta về tiện nghi và sự hài lòng. Chúng ta sống trong một thời đại tân tiến, đang trôi dạt tới domótica [1] , nơi mà sự tiến bộ và tiện nghi ngày càng đòi hỏi nhiều máy điện tử và người máy hơn. Đa số chúng ta trải qua phần lớn thời gian ở trong nhà − nhà riêng, nơi làm việc hay trường học. Chúng ta ngủ mỗi ngày độ tám tiếng. Có lẽ làm việc hay học thêm tám tiếng nữa, thời gian còn lại được dùng cho việc đi lại, việc nội trợ và các hoạt động khác. Những công trình xây dựng mà chúng ta ở tổng cộng hai phần ba đời sống của mình phải được thiết kế hợp lý để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn. Thật đáng ngạc nhiên, chìa khóa cho một môi trường lành mạnh lại là độ pH. Đại dương với độ pH 8,2 là cái nôi của sự sống trên Trái đất. Các hệ sinh thái và những khả năng hỗ trợ sự sống của chúng phát triển mạnh
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn